Chuyện “Thằng ăn mày” tôi viết ra đây thật ra chẳng đáng được gọi là chuyện gì cả. Nhưng xét thấy trong đó có đôi việc đáng suy ngẫm nếu không chép lại và đưa lên thì áy náy. Mà một trong vài nguyên tắc sống lẩm cẩm của tôi là: không để cho mình phải áy náy bất cứ điều gì. Vậy thì, như trong trường hợp này, người ta thường nói là: Why not. Tại sao không?
Trước khi kể câu chuyện con cà con kê này, tôi phải nói mấy lời duyên do: Tôi có thói quen ăn xôi sáng. Thường thì tôi chả phải động đậy đi đâu cả. Trước khi đi làm, bà xã đã mua sẵn xôi cho tôi rồi. Nhưng hôm qua, hai vợ chồng tôi có tranh luận hơi quá mức có thể kiểm soát được nên hậu quả nhỡn tiền là hôm nay tôi phải ra đầu phố chỗ bà Tư Hồng để ăn tại chỗ. Vừa ăn xôi tôi vừa ngắm người đi chợ gồng gánh lại qua. Và góc nhà gần đó, tôi thấy một thằng ăn mày đang ngồi tựa lưng vào tường. Sở dĩ biết đó là thằng ăn mày vì phục trang của nó tả tơi. Đầu tóc rối bù. Trước mặt là cái mũ lá cũng tả tơi như phục trang của nó. Tôi bỏ vào cái mũ đó 3 nghìn lẻ mà bà bán xôi thối lại. Nó ngước lên một cái rồi lại cúi xuống tờ giấy đặt trên đùi hí hoáy ghi ghi chép chép cái gì đó. Đó là việc tôi ngạc nhiên nhất trên đời. Ngạc nhiên hơn cả chuyện nước ta suýt thì có đường sắt cao tốc Băc Nam . Biết chữ và viết cái chữ ra giấy tất nhiên không phải là đặc quyền đặc lợi của các bậc trí giả. Hơn nữa, viết lách bất cứ cái gì là quyền của mọi công dân được nhà nước đưa cả vào Hiến pháp nữa. Thằng ăn mày cũng là người dân. Vậy nó cũng có quyền viết lách chứ. Đương nhiên. Nhưng các bạn có bao giờ thấy một thằng đã ăn mày lại còn cầm cái bút bic trong tay và hì hụi ghi chép bao giờ không? Sự ấy làm tôi thấy quá ngạc nhiên và tò mò. Cho nên, khi thằng ăn mày dọn “đồ nghề” và vo viên tờ giấy ném vào chỗ gốc cây trứng cá rồi bỏ đi thì tôi len lén nhặt tờ giấy đó bỏ vào túi, tính đem về xem thằng này viết nhăng cuội những gì.
Thoạt nhìn, tôi thấy nét chữ trong đó khá mềm mại, không đến nỗi khó đọc lắm. Phải cái, bàn viết của nó là hai đầu gối nên chữ rất xiêu vẹo. Thêm vào đó, tờ giấy là giấy bao gói hàng văn phòng phẩm người ta vứt đi lại bị thằng ăn mày vo viên nên cũng hơi khó đọc.Tuy nhiên do nội dung nó viết có vài điều nghộ nghĩnh nên tôi cố gắng xem hết. Tôi chép lại nguyên văn dưới đây. Tôi cũng có sửa vài lỗi chính tả giúp nó và đặt ra mấy cái tiêu đề nho nhỏ để cho bạn đọc đỡ mất công lọ mọ chắp nối ý tứ như tôi đã phải làm.
1. Nhà các chị cũng ăn hối lộ đấy nhé.
Mẹ chúng nó chứ. Tối qua ra bãi rác “của mình” thì đã có hai thằng đến trước rồi. Chúng nó kiếm được hai túi to. Không biết có những gì? Mình bảo hai thằng
- Bãi rác này tao xí từ lâu rồi sao chúng mày lại đến chiếm chỗ? Có phải chúng mày cậy đông người để ăn hiếp tao có phải không thì bảo?
- Ai bảo đây là chỗ của mày, đất chẳng phải của thằng đ… nào cả. Của cải cũng chả phải của thằng đ…nào. Người ta vứt ra đứa nào đến trước nhặt trước, đứa nào ra sau không có thì chịu. Ai bảo mày đến sau.
- Ông thì phang bỏ mẹ chúng mày bi giờ… Thôi, có gì chia cho tao một tí đi, hương thơm mỗi thẳng ngửi một tí. Nếu không chia cho tao một ít, tao báo công an ra thu hết, chả đứa đ…nào được cái gì bi giờ.
Nói đến công an hai thằng kia sợ ngay, dớn ra dớn dác, rồi cũng đặt cái bao xuống, mở ra, lục lọi rồi đưa cho mình một cái áo còn rung rúc mầu xanh. Đấy, không đem công an ra dọa thì chúng nó có mà chịu nhả ra khối í. Không cần biết phải hay trái, cứ lấy công an ra dọa là ối thằng sợ vãi cứt ra. Phải hay trái gặp công an cũng cứ là chết giống nhau hết. Sau khi chia của xong chúng nó kể cho mình biết sự tình: “hai cái túi này chúng tao rình mãi từ sáng kia đấy. Nhà trong ngõ đằng ấy có đám ma. Kiểu gì người ta cũng đem cái gì đó của người chết mà vứt đi. Các nhà chị xe rác thì chỉ nhận chở rác sinh hoạt thôi. Rác xây dựng là một, rác người chết là hai thì không nhận. Nếu có nhận, phải lót tay hai, ba chục, nhà các chị í mới nhận chở đi cho. Mẹ nhà các chị í. Tưởng là các ông to mới ăn hối lộ à. Nhà các chị cũng ăn hối lộ đấy nhé... Thế là y như rằng, đến xẩm tối, lừa chả có ai để ý, nhà có người chết đem chăn chiếu, áo quần ném ra bãi rác. Thế là chúng tao vớ. Chúng tao chia “lộc” cho mày đấy nhé”.
2. Nhà báo cũng mất giá với ăn mày
Hôm qua mình thủ được một tờ báo nhặt ở bến xe. Bi giờ báo người ta mua chỉ đọc loáng thoáng thôi. Chủ yếu để gói hàng hay là lót đít ngồi, xong bỏ lại đầy bến xe bến tầu. Mình nghĩ tối đem về “nhà” rải ra nằm vì có cái chiếu nhưng không biết thằng đ… nào nó lấy đi đâu mất. Nằm được một lúc thấy rặm lưng hơn nằm đất. Mình lăn mẹ nó ra nền xi măng cho mát. Nằm chán không ngủ được mình vớ tờ báo ra đọc. Thấy nói về chuyện nhà báo quay tiền công an giao thông. Sao lại có chuyện như thế nhỉ. Nhà báo là người lắm chữ. Mà lắm chữ phải tử tế hơn bọn ít chữ. Vậy các bác nhà báo cũng đâm ra đổ đốn thế cơ à? Lạ nhỉ. Thế là mình đọc to lên cho mấy đứa kia nghe. Đứa nào cũng bán tín bán nghi. Xưa nay chỉ có công an quay tiền. Cứ ngồi gần các ngã ba ngã tư mà xem biết ngay. Ô tô xe máy cứ bị cánh công an thổi còi bắt vào là tự khắc móc tiền ra nộp. Một buổi sáng ở ngã tư đếm được 25 người vào nộp tiền. vậy là có ít nhất 3 triệu. Cố ăn mày đủ tiền cho thằng Mít nhà mình lớn đi làm công an thì sướng suốt đời. Nhưng mấy thằng không biết chữ kia lại bảo “chúng nó chả sướng. Ăn một miếng nhục một miếng. Sướng gì”. Chúng nó lại bảo các cụ dạy “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Hóa ra bọn cướp đêm là bọn hay xấu hổ nên đêm hôm mới đi cướp. Quan cướp ngày không sợ xấu hổ vì được mặc áo nhà nước cho”. Thế ra cứ mặc cái áo của nhà nước vào người là không biết xấu hổ nữa. Hay thế.
Xem đến đây tôi bật cười vì lí luận của thằng ăn mày. Cánh nhà báo Quốc doanh viết báo ra đọc cứ như vãi tụng kinh, hôm nào cũng như hôm nào, bà nào cũng như bà nào cả. Bảo làm sao thằng ăn mày nó nói xưng xưng là “báo bây giờ người ta để gói hàng và lót đít ngồi chỗ bến xe là chính”.
MXD
14-08-2010
Theo blog Mai Xuân Dũng
Gửi ý kiến của bạn