BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thành phố kỷ niệm

24 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1284)
Thành phố kỷ niệm
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

(Trích trong Hồi Ký “Những Người Tù Cuối Cùng” của tác giả Phạm Gia Đại)


Tôi trở về Sàigòn thành phố đầy kỷ niệm sau mười bẩy năm xa vắng. Mười bẩy năm, thời gian đủ dài để một đứa trẻ bắt đầu chương trình mẫu giáo cho đến khi hoàn thành xong văn bằng cử nhân đại học để chuẩn bị bước vào chương trình cao học hay bước vào đời; một khoảng thời gian có thể làm thay đổi mầu tóc xanh và thay đổi cả đời người.

Đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn


Tôi trở về trong ánh nắng vàng tươi vui rực rỡ của một ngày mới trên quê hương thân yêu, giống như lời phán của cụ Phan khi giáng cơ cho những người tù các bài thơ tại trại Nam Hà ngụ ý rằng họ sẽ có ngày về trong cờ Hoa và niềm vinh dự.

Tôi đang ở giữa thành phố trong một tâm trạng thật kỳ lạ, vừa vui háo hức nhìn lại những đường xá, những căn nhà góc phố khi xưa mình đã từng đi qua, vừa lo âu xen chút hồi hộp vì tôi biết mọi thứ đều không còn như trước nữa. Những căn nhà đã đổi chủ, những con đường thân thương cũng đã đổi tên, như chính thành phố thân yêu này. Tôi bước xuống xe Honda ôm, trả tiền rồi đi vào con hẻm bên trái đường Trương Minh Ký cũ để tìm nhà ông anh thứ hai.

Sau một hồi lần mò tôi mới tìm thấy con hẻm nhỏ nữa bên trong và nhà anh tôi nằm cuối cùng bên phải, căn nhà khá lớn ba tầng lầu xây theo kiểu tây phương. Tôi bước qua cái cổng sắt rồi vào căn phòng khách, ngạc nhiên vì cửa mở mà chẳng thấy ai. Tôi để cái ba lô xuống nền đá hoa bóng loáng, nhìn quanh căn phòng khách rộng thoáng mát được trang trí theo kiểu Pháp rất đẹp, ngăn ở giữa là một cái kệ gỗ trang trí với dăm lẵng hoa, mấy con búp bê nhỏ, bên dưới là một tủ kính đánh vẹc ni đen trưng bầy những chai rượu và ly thủy tinh. Quả thật trong các anh em, ông anh hai tôi có mắt mỹ thuật giống ông cụ thân sinh tôi ngày xưa khi còn ở căn nhà nguy nga như một dinh thự tại Hải Phòng.

Tôi đang ngắm căn phòng khách, chợt anh tôi xuất hiện từ nhà dưới đi lên, sau vài giây ngỡ ngàng anh mừng rỡ la lên:

- Em ơi! Chú Đại về này.

Anh mau mắn xách cái ba lô rồi kéo tôi vào trong nhà:

- Chú khoẻ không? Anh đã dành sẵn một phòng nhỏ cho chú trên tầng ba mà chờ mãi vẫn chưa thấy chú trong lúc bao nhiêu bạn của chú đều đã về hết cả rồi.

Tôi nhìn anh như nói với chính mình:

- Tôi về là đợt cuối, những người sau cùng.

Anh đưa tôi lên lầu để nghỉ ngơi trong khi vợ anh đang chuẩn bị bữa cơm gia đình. Căn phòng nhỏ rất vừa cho tôi. Tìm trong ba lô bộ quần áo mới xong tôi mở cửa vào phòng tắm. Tôi suy nghĩ phải tắm để rũ sạch bụi đường, để xoá đi những gì tù đầy còn vương trên thân thể. Bao nhiêu năm nay tôi mới thấy lại cái vòi hoa sen, mới được tắm nước ấm áp sạch sẽ trong phòng kín như thế này. Dòng nước chẩy từ trên đầu, đem hơi nóng xuống cổ hai vai dài xuống trên người như tẩy rửa đi những u ám của quá khứ bất hạnh. Bây giờ tôi là người tự do, cho dù vẫn còn trong vòng kiểm soát của họ đi chăng nữa, ít nhất tôi đã ra khỏi bốn bức tường giam hãm mình bấy lâu, và quan trọng nhất tôi có thể quyết định về cuộc đời mình.

Tôi mặc quần áo mới, bước trên những bực thang hình xoắn ốc xuống phòng khách để gặp chị và gia đình cháu gái.

Anh hai tôi có ba cháu, hai cậu con trai đã vượt biên hơn mười mấy năm, chỉ còn đứa con gái lớn có chồng con nên còn ở lại. Anh đi tù chưa đến ba năm được thả vì thuộc ngành quân y và không tác chiến. Sau một thời gian vất vả khi mới tù về, anh chị làm ăn dần dà khá giả nhờ vào sạp vải ngoài chợ Bến Thành và anh làm thêm địa ốc nhận xây dựng nhà cửa cho tư nhân.

Bữa cơm với gia đình anh buổi tối hôm đó thật vui vẻ náo nhiệt.

Nhìn khung cảnh ấm cúng trong bữa cơm tối đầu tiên với gia đình anh hai, tôi nghĩ đến bạn bè của mình vừa ra khỏi tù hôm nay chắc giờ này đang hạnh phúc bên người thân. Tôi chạnh lòng buồn vì rất nhiều anh em chúng tôi cũng mong muốn được ở gần những người thân yêu mà phải đánh đổi lấy 17 năm tù đầy.

Bất chợt, tôi nhớ đến câu chuyện thật thương tâm về những người chồng vì tình thương vợ con mà từ bỏ miền đất tự do trở về trên con tầu Việt Nam Thương Tín sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Câu chuyện của một anh bạn thân với tôi...

... “Anh là một trong 20 người tù chính trị của chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại sau bao nhiêu đợt thả ở trại Hàm Tân Z-30D này. Vì số lượng còn lại quá ít nên trại để cho anh và các bạn được thoải mái nên nhờ Trời cũng dễ thở.

“Bầu trời chiều nay một mầu xanh thẳm trong vắt không gợn áng mây. Anh nhìn chung quanh toàn những cây Buông lớn nhỏ bao quanh khu vực sản xuất, con suối róc rách chẩy qua gần đó, một vùng ngày trước là khu rừng thiêng nước độc ít ai dám ở.

“Anh ngồi bên những luống cải, rau muống, mấy dàn mướp, bí bầu, và khổ qua, nghỉ một lát để chờ giờ nhập trại với các bạn trong đội 23. Các bạn anh hầu hết ai cũng tìm một mảnh đất nhỏ canh tác thêm, nhờ thế mà vừa có rau tươi sạch sẽ cho bữa cơm vừa giữ được sức khoẻ.

“Nhìn lại mình, anh vẫn không thể tượng tượng rằng anh vẫn sống, thật như một phép lạ. Tay anh rờ một bẹ cải xanh đang vươn ra chắc nịch, nâng trái bí đã quá nặng lên trên dàn, để cảm nhận đích thực rằng mình vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống thật lênh đênh trên cõi đời này. Nhiều lúc anh cho rằng mình sinh ra dưới một ngôi sao xấu để tự an ủi mà thôi vì vợ con, những người thân yêu nhất của anh bây giờ đã xa cách nghìn trùng.

“Hạnh phúc nhỏ nhoi nhất của anh, những khi được thư gia đình hay những món quà nho nhỏ từ nửa bên kia vòng trái đất gửi về, dù anh biết đêm hôm đó mình sẽ không thể nào tìm được giấc ngủ. Ban đêm, ngồi một mình trên chiếc giường đơn trong cái mùng vải đọc kinh khấn nguyện trước giờ đi ngủ, anh có lần nghĩ đến triết lý đời người, vừa có niềm vui nhỏ bé đọc thư gia đình thì tối hôm đó lại trằn trọc trong giấc ngủ. Tuy nhiên, anh tin rằng số phận cuối cùng đã mỉm cười với anh bởi vì anh vẫn còn sống.

“Những buổi chiều êm đềm như buổi chiều hôm nay với tiếng gió thì thào thổi qua rừng lá Buông, tiếng chim hót líu lo như gọi nhau bay về tổ ấm vì màn đêm sắp buông xuống, tâm hồn anh thật nhẹ nhàng, thấy lòng mình lắng đọng, những cảnh vật chung quanh mờ dần đi và cái con tầu ấy từ từ hiện rõ dần như một cơn ác mộng mà anh không thể nào quên được...

“Cuộc đời anh quả thật như một cuốn tiểu thuyết đầy những yếu tố bất ngờ kể từ khi anh và hàng trăm người quyết định trở về quê hương trên con tầu Việt Nam Thương Tín định mệnh đó, chuyến trở về đã vùi dập bao nhiêu cuộc đời.

“Khi miền Nam đang chìm trong khói lửa của biến cố 30 tháng Tư tang tóc, anh may mắn đi thoát được đến đảo Guam, niềm ao ước vô biên của hàng bao nhiêu triệu người Việt Nam vào ngày Sàigòn sụp đổ và những năm tháng sau đó.

“Vậy mà anh đã quyết định trở về sau một thời gian ngắn đến được đảo Tự Do này bởi vì vợ con anh đều bị kẹt ở lại Sàigòn.

“Hình ảnh người vợ hiền, những đứa con dại còn ở lại quê nhà cứ ám ảnh tâm trí anh dù anh đang được sống trong bầu không khí tự do đầy đủ về vật chất của một người tỵ nạn.

“Trách nhiệm người chồng, người cha trong hoàn cảnh loạn ly không quay về kịp đón vợ con mình, đành phải ra đi ngậm ngùi một mình đã làm anh bao đêm thao thức và đó cũng là tâm trạng của những người quyết định lên con tầu ấy trở về miền Nam.

“Nhưng có một điều họ quên rằng quê hương của họ nay đã đổi thay, căn nhà xưa nay đã đổi chủ.

“Lúc đoàn người bước qua cái cổng sau cùng để lên tầu Việt Nam Thương Tín, những người Mỹ trong chương trình định cư hết lời khuyên can họ nên quay lại vẫn còn kịp bởi vì về tới Việt Nam, họ sẽ bị giam giữ tù đầy; nhưng họ không tin, lòng thôi thúc thương nhớ vợ con gia đình quê hương đã thắng. Anh trong số hằng trăm người bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo của giới chức Hoa Kỳ và bước lên con tầu định mệnh.

“Khi con tầu nhổ neo quay mũi hướng về hải phận Việt Nam, họ không thấy đâu cái anh chàng tranh đấu hăng nhất thậm chí còn đốt phá một số căn lều trên đảo để đòi về cho bằng được đâu nữa. Mọi người mới lờ mờ hiểu rằng anh ta là một Việt Cộng nằm vùng thì quá trễ rồi. Trong kế hoạch hậu chiến của Cộng Sản, nhân viên của họ đã được cài vào giòng người di tản qua Mỹ để tiếp tục phá hoại cộng đồng chúng ta ở hải ngoại.

“Con tầu lặng lẽ rẽ sóng hết ngày lại qua đêm, tới khi tài công báo cho biết sắp vào hải phận Nha Trang mọi người đều reo hò mừng rỡ vì người Quốc Gia chúng ta ai lại không nặng lòng vì gia đình vợ con và vì quê hương đất nước? “Nhưng niềm vui đó không kéo dài được bao lâu, lệnh từ trong bờ đánh ra là tầu phải bỏ neo ngoài khơi, không được tiến gần sát vào bãi biển làm mọi người đều thắc mắc.

“Họ phải chờ đến gần tối mới thấy ba con tầu nhỏ có võ trang và bộ đội trên đó ra đón đưa họ dần vào bờ, để lại con tầu lẻ loi nằm với sóng vỗ rì rào ngoài khơi.

“Vào đến bờ, đoàn người mới cảm thấy một cái gì nguy hiểm đang rình rập chung quanh nhưng đã muộn màng vì màng lưới đã giăng ra phủ chụp xuống đầu họ, tóm gọn hết toàn bộ những người trên con tầu từ Mỹ trở về. Một lực lượng vũ trang hùng hậu, một đoàn xe vận tải đã chờ sẵn chào đón họ trên bãi biển để chở họ... vô tù.

“Tất cả đều bị tống giam trong sự ngỡ ngàng đến cùng cực, những lời phân bua giải thích như tiếng kêu trong sa mạc.

“Một vài ngày sau, một số đàn bà con nít được thả ra cho về trước. Các thanh niên, đàn ông đều phải trải qua cuộc thẩm tra ngày đêm vì họ nghi ngờ rằng tình báo Mỹ đưa người về lại theo chương trình hậu chiến để đánh phá “cách mạng”. Anh đúng từ trên Thiên Đường phút chốc rơi xuống Hỏa Ngục trên đất nước mình.

“Những lời khai của anh vì nhớ vợ con quay về, không được họ chấp nhận và những cuộc hỏi cung liên tu bất tận làm cho anh kiệt sức. Họ xem xét kỹ từng tờ giấy, chiếc bút bi, áo quần, giầy vớ, tịch thu hết vòng vàng, đồng hồ và dĩ nhiên tất cả đô la mà anh đem về. Họ khám xét từng centimét trên con người của anh từ cọng tóc đến ngón chân, thậm chí soi cả vào cổ họng, hốc mũi, hai vành tai cho đến cả hậu môn làm cho anh cảm thấy mình không còn là con người nữa trong tay Cộng Sản. Không một chỗ nào trên người của anh thoát khỏi cặp mắt cú vọ của mấy tên công an. Những tháng ngày giam giữ sau đó là những ngày tháng kinh hoàng hoảng loạn cho anh và những người trở về.

“Một số đông trong đó có anh bị chuyển đến trại giam khác và ra Bắc, bắt đầu cuộc hành trình đến một nơi vô định với một bản án không công bố, không có thời hạn vì chủ trương của Cộng Sản là thà giam lầm hơn thả lầm. Anh còn bị chiếu cố kỹ hơn nữa vì trước năm 1975, anh là nhân viên của tổng lãnh sự Mỹ tại Nha Trang nên họ kết luận ngay anh là điệp viên Hoa Kỳ.

“Giấc mơ về sum họp với gia đình được nhìn thấy vợ con của anh tan ra như bọt sóng đại dương một cách thật không thể nào hình dung ra nổi với cái chế độ mới kỳ quái này.

“Anh không những không được nhìn thấy mặt vợ con mình, gia đình anh cũng không hề được thông báo anh đã trở về để đến thăm anh mà thân anh tự dưng sa vào vòng tù tội không biết lúc nào ra.

“Cuộc đời anh từ đó gian nan phiêu lưu còn hơn câu chuyện người tù khổ sai Papillon anh từng đọc khi trước.

“Nhiều năm sau, anh mới nhận được tin gia đình cho biết vợ con anh không chịu nổi đời sống kìm kẹp và tàn bạo của chế độ Cộng Sản nên đã lên đường vượt biển. Anh từ bên kia bờ đại dương theo tầu trở về, không gặp được những người thân yêu rơi vào tù tội, vợ con anh lại nghĩ anh đang ở trên đất Mỹ và lao ra biển để tìm đường sum họp. Ông Trời quả thật quá trớ trêu để cho con Tạo xoay vần như không.

“Bao nhiêu năm sau đó anh sống như người mất hồn trong một thân xác trống rỗng cho đến khi qua gia đình bạn anh đến thăm nuôi thì anh được tin vợ con anh đã đến được bến bờ tự do bình yên, lúc đó anh cố bình tĩnh, cố gắng sống còn để còn có ngày đoàn tụ.

“Những ngày tháng đầu tiên trong phòng biệt giam, ăn uống thiếu thốn toàn khoai sắn và thẩm vấn căng thẳng ngày đêm, đã có những lúc anh nghĩ đến sự giải thoát cho thân xác hết đau khổ, nhưng hình ảnh vợ con hiện lên lại giúp anh có thêm sức chịu đựng từng ngày. Sau một thời bị biệt giam, anh được đưa ra buồng giam lớn, may mắn được ở chung với các bạn tù chính trị chế độ cũ và sức khoẻ của anh dần dần hồi phục.

“Năm 1979, từng đoàn người trong Nam tải hàng tiếp tế cho chồng con của họ đang bị giam trong các trại miền Bắc thì việc thăm nuôi đó, những sự hy sinh đó của gia đình đã đem lại luồng sinh khí cho những người tù này trong đó có anh.

“Dù qua bao nhiêu gian truân bao nhiêu thăng trầm như từ cõi chết trở về cõi sống nhưng lúc nào anh cũng hòa nhã vui vẻ với các bạn tù đồng cảnh ngộ và được anh em thương mến.

“Nhiều người về từ tầu Việt Nam Thương Tín, cũng bị lưu đầy ra miền Bắc nhưng dần dần họ được thả hết. Anh Hóa, Trung Úy, tù mười ba năm là người bị giam lâu nhất sau anh.

“Thời gian sống chung tại trại Nam Hà, những khi kể về con tầu định mệnh, anh kể lại với sự bình tĩnh chấp nhận số mệnh và không hề tỏ lời than trách, anh vẫn dốc tâm cầu nguyện hằng đêm theo tôn giáo của mình. Anh cũng tìm niềm vui khi xin nhận con chó con Pepsi về nuôi và chia sẻ niềm vui đó cho cả đội.

“Anh tên là Hoàng Hiểu, người về từ con tầu Việt Nam Thương Tín oan nghiệt, một trong 20 người tù cuối cùng, vì lòng thương nhớ vợ con mà đã phải trả bằng cái giá quá đắt của mười bẩy năm tù đầy.

“Anh được thả ra khỏi trại Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy ngày 29 tháng Tư năm 1992. Một năm sau anh được ra đi theo chương trình H.O qua Mỹ đoàn tụ với gia đình. Một đoàn tụ đầy xúc động và nước mắt nhưng là những giọt nước mắt của hạnh phúc sum vầy.

“Hình ảnh gia đình đoàn tụ mà anh cứ ngỡ đến với anh mười bẩy năm trước khi anh leo lên con tầu rời đất Mỹ về lại quê hương”...

Dòng tư tưởng của tôi bị đứt quãng, tôi trở về thực tế vì những tiếng động ồn ào chung quanh của gia đình anh Như. Anh Như là bác sỹ bạn của anh hai tôi, ở gần cũng chạy qua cùng với một người bạn. Không biết anh hai tôi giới thiệu như thế nào mà cô bạn của chị Như cứ nhìn tôi mãi có vẻ thắc mắc:

- Anh Minh nói anh đi tới 17 năm nay mới về, sao tôi trông anh hơi gầy và xanh nữa, không giống những người bên đó?

Tôi chưa kịp trả lời, anh hai tôi quay qua cười thành tiếng:

- Cô lầm rồi! Cậu em tôi ở tù “cải tạo” mới về chứ đâu phải bên nước ngoài trở về đâu.

Tôi không nhịn được cười vì sự hiểu lầm dễ thương này, cô bạn chị Như cũng phá ra cười. Một buổi tối trong không khí ấm cúng gia đình nhưng sao tôi nhớ hai đứa con tôi thật nhiều và trong lòng vương mang một nỗi buồn man mác. Giá mà gia đình tôi không đổ vỡ bây giờ vui biết bao nhiêu.

Số phận đã như vậy tiếc nuối cũng chẳng được, tôi tự an ủi mình rằng còn nhiều việc phải tính trước mắt.

Ngày hôm sau, tôi dành thờì gian nghỉ ngơi chưa muốn đi đâu vì chưa quen đường xá nên nhờ cậu cháu rể báo tin cho hai đứa con tôi. Hai cháu nghe tin vội vàng chở nhau trên xe Honda lên ngay, niềm vui thật khó tả lúc bố con gặp nhau. Con gái tôi nói với anh hai tôi là cháu sẽ ở lại để săn sóc tôi một thời gian giúp tôi mau lấy lại sức khoẻ, còn cậu con trai chạy ngay xuống chùa Thới Hòa báo tin cho Thầy Tâm. Chiều hôm đó một đệ tử chở Thầy bằng xe gắn máy đến thăm tôi. Đã năm năm trời thầy trò xa cách nhau kể từ ngày quí thầy được thả về từ Nam Hà, bây giờ tôi mới gặp lại Thầy thật là mừng rỡ. Thầy trông vẫn không thay đổi gì nhiều. Thầy và ông Thầy nhỏ dùng cơm chiều với tôi xong mới ra về. Thầy nắm tay tôi nói Thầy mừng khi thấy tôi còn khoẻ mạnh dù có gầy ốm hơn nhiều.

Để có phương tiện di chuyển, tôi bắt đầu tập chạy xe gắn máy vì vợ chồng cô em gái là Khánh - Ân khi đi qua Mỹ đã để lại cho tôi một xe Honda còn khá tốt. Chỉ có điều hơi buồn cười khi muốn cho xe nổ máy, tôi phải đề máy rồi đẩy nó chạy một quãng thì máy mới nổ và a-lê-hấp nhẩy phốc lên dọt đi. Riết rồi cũng quen, coi như tập thể dục vậy. Còn tốt chán so với đi bộ mười mấy năm trong tù.

Tôi viết ra một danh sách những người cần đến thăm trước trong đó có chùa Thới Hòa của Thầy tôi, có những bạn thân tại Hàm Tân bốn năm sau cùng, và người con gái tên Phượng. Cùng lúc đó tôi hỏi thăm về giấy tờ thủ tục đi định cư tại Mỹ theo chương trình H.O. Tôi chạy xe đến Sở Ngoại Vụ làm giấy tờ và ra khu vực công viên trước dinh Độc Lập cũ đường Thống Nhất nghe ngóng thêm tin tức, vì đây giống như Radio Catina là nơi tụ họp của các anh em cựu tù nhân chính trị đang chờ ra đi định cư.

Tôi dự định làm giấy tờ cho ba cha con ra đi mà thôi nhưng hai cháu mong muốn tôi cho mẹ cháu đi cùng, vì bao nhiêu năm nay ba mẹ con cháu vẫn sống với nhau, hai cháu không muốn bỏ mẹ chúng ở lại, làm cho tôi rất khó nghĩ bởi đã mấy năm rồi không còn liên lạc với người vợ này nữa.

Tôi lên chùa thăm Thầy Tâm để nhìn thấy ngôi chùa thân yêu mà tôi chỉ nghe thầy kể khi hai thầy trò còn trong tù. Thầy bảo tôi thắp nhang lễ Phật, lễ Mẫu, bàn thờ Tổ rồi lên trên lầu ăn cơm với Thầy. Tôi trình bầy hoàn cảnh của tôi, Thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

- Theo Thầy nghĩ việc cần trước tiên con phải ra đi ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt, nếu vì chuyện gia đình mà giấy tờ kéo dài không tốt cho con đâu. Thầy không có nhiều nhưng nếu con cần thêm tiền làm giấy tờ cho Thầy biết. Con đưa người vợ này đi qua đó mới hết nợ.

Tôi hiểu Thầy muốn nói đến vần đề an ninh cá nhân của tôi, dù tôi ra khỏi tù rồi nhưng có chuyện gì nhà cầm quyền địa phương có thể bắt lại bất cứ lúc nào bởi lẽ trong hồ sơ ghi tôi CIA nhất định họ sẽ cử người theo dõi mỗi bước đi của tôi.

Tôi cũng chưa quyết định được vì ý tôi muốn tiến hành thủ tục ly dị xong rồi đi với hai con qua Mỹ hoặc tôi sẽ lập lại gia đình mới tại Sàigòn và đưa người vợ sau này cùng hai con tôi qua Mỹ.

Khi làm thủ tục giấy tờ, nhân viên phụ trách biết hoàn cảnh của tôi, họ khuyên tôi nếu muốn đi nhanh, nên cho mẹ của hai cháu đi cùng vì mười mấy năm qua hai cháu ở cùng “hộ khẩu” tức là ở cùng nhà với mẹ cháu và nếu người mẹ kiện cáo, tôi phải ở lại giải quyết xong chuyện gia đình mới lên máy bay được.

Trên giấy tờ đi định cư tại Mỹ, gia đình tôi nằm trong danh sách H.O 17 nhưng tôi thấy tên tôi nằm trong một trang đánh máy gồm hơn một trăm người đề là Z-05. Anh nhân viên trả lời Z-05 là danh sách những người bị bệnh hoạn sẽ được ưu tiên ra đi sớm. Tôi không tin mà nghĩ rằng có một cái gì bí ẩn của danh sách riêng, tại sao không để chung vào danh sách H.O 17?

Thắc mắc này của tôi có câu trả lời không lâu sau đó. Một hôm tôi ghé lại thăm anh Hải, đội trưởng cũ của tụi tôi trong trại Hàm Tân. Anh rất vui gặp lại tôi, hai anh em ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Trước khi tôi về anh vỗ vai tôi mừng anh em mình đã có ngày tự do nhưng anh nói nhỏ: - Đại phải cẩn thận đấy! Tôi nghi họ cho người theo dõi chúng ta, những người tù cuối cùng. Mình cứ nói chuyện bình thường đi nhưng Đại nhìn qua bên kia đường trong cái quán cóc đó có một tay đội mũ vành và cái xe gắn máy dựng trước cửa, thấy chưa? Hắn là công an chìm có nhiệm vụ theo dõi tôi đấy. Tôi đi đâu hắn chạy xe bám theo đến đó.

Rồi anh cười nheo mắt:

- Làm sao qua mắt mình được!

Tôi rất mến anh vì thời gian bốn năm tại Hàm Tân, anh tế nhị xử sự trong mọi việc, luôn đứng về phía anh em. Ngay cả khi toàn thể đội 20 biểu tình ngồi phản đối lao động trên đường vào “thung”, anh cũng buông cái cuốc xuống ngồi chung cho đến khi cuộc biểu tình ngồi này đạt được mục đích đáng tự hào và trại phải lùi bước. Đội trưởng là chức vụ của trại giam đặt ra, nếu không biết cư xử và biến báo rất dễ mất lòng anh em hay bị quản giáo phê bình.

Những lúc tên Hợp chuột, cán bộ quản giáo, càu nhàu đội lao động không tích cực, hắn tìm cách thúc anh nói với anh em làm nhanh lên, anh làm như nghe lời hắn đi ra phía đội đang lao động, nhưng đứng vấn điếu thuốc rê với mọi người và nói chuyện tầm phào cho vui mà thôi.

Trước khi đến thăm anh Hải, tôi cũng có cảm giác bị theo dõi nhưng đều lái xe vòng vòng đánh lạc hướng tay công an mặc thường phục này. Có lần đang chạy xe trong một con hẻm đông người bất chợt tôi quẹo ngay vào trong một quán nước, dắt xe vào bên trong. Tôi thấy một xe Honda cứ chạy qua chạy lại dáo dác tìm kiếm, một tay công an thường phục, nhìn mặt cũng đoán được hắn là công an chìm thứ chỉ giỏi hiếp đáp người dân lành vô tội. Tôi mỉm cười bước ra khỏi quán, thấy tôi, có lẽ hắn “quê” xệ nên rú xe phóng đi (tôi mới về nên cũng không biết bọn công an này chúng có biết “quê” mắc cỡ hay không?).

Các sự kiện cứ lần lượt diễn tiến như thế trong thời gian tôi còn ở Sàigòn làm thủ tục ra đi, nhưng một việc làm tôi quyết định phải đi qua Mỹ thật nhanh dù có phải nhượng bộ để cho bà vợ cũ cùng ra đi với hai đứa con, bỏ ý định lập lại gia đình trước khi qua Mỹ.

Đó là một buổi sáng ngày thường, tôi đang ở trên lầu thì anh tôi nói với lên tôi có khách đến thăm. Tôi vội thay quần áo xuống phòng khách, đang mừng trong bụng những tưởng sẽ gặp lại bạn bè cũ hay họ hàng nhưng thấy một người lạ mặt mặc thường phục ngồi trên ghế sa lông với một cái cặp đen chỉ khoảng ba mươi tuổi. Anh ta đứng dậy bắt tay tôi tự giới thiệu là Trung Úy Thắng đang làm tại văn phòng XYZ ở địa chỉ của Bộ Tư Lệnh cảnh sát cũ trên đường Trần Hưng Đạo. Tôi lịch sự hỏi anh ta có uống cà phê không và định vào phòng trong pha cà phê, trong đầu đang đặt ra bao câu hỏi là anh ta đến tìm tôi có mục đích gì, thì ông anh hai nói sẽ pha cho cứ ngồi nói chuyện đi. Tôi suy nghĩ rất nhanh tay Trung Úy này phải là người của ngành tình báo, phản gián hoặc ngành Công An.

Sau khi anh ta hỏi thăm tôi về đã ổn định chưa, giống như vào đề bằng chuyện mưa nắng thời tiết, xong hỏi thăm ngay tôi đã làm giấy tờ ra đi chưa. Tôi trả lời đang tiến hành và tôi sẽ đưa cả gia đình đi. Anh ta gật đầu bảo đó là quyết định đúng vì sẽ đi nhanh hơn, nhiều người bị chậm trễ vì chuyện gia đình. Nhấp ngụm cà phê anh ta chậm rãi nói:

- Tôi đến đây để xem anh đã làm thủ tục chưa. Nếu có ai cản trở hay làm khó dễ việc anh ra đi anh hãy bảo họ gọi cho Trung Úy Thắng, đây là số phôn của tôi.

Anh ta thong thả nói từng chữ rồi nhìn tôi như đe dọa:

- Chúng tôi muốn anh ra đi nhanh, anh hiểu không?

Tôi gật đầu:

- Tôi mới về chưa đủ tiền nhưng sẽ đóng tiền giấy tờ đúng thời hạn.

Thực ra trong bụng tôi muốn nói tôi chẳng có cái gì tha thiết ở lại Sàigòn nữa vì mọi thứ đều đổi thay trong một xã hội bị bần cùng hóa và cai trị dưới gọng kìm như thế này, ra đường toàn nhìn thấy đầy rẫy toàn mầu áo cảnh sát công an. Nhưng những năm tháng tù đầy đã dậy cho tôi đủ khôn ngoan để giữ ý nghĩ đó trong đầu. Anh ta uống xong ly cà phê hỏi một hai câu bâng quơ rồi ra về.

Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng, tôi và một số người nữa trong “diện Z-05” nằm lẫn trong danh sách H.O 17 là những người tù trong “diện trục xuất”. Cộng sản phải thả chúng tôi vì họ nghĩ giam giữ đã tạm đủ, thời gian hành xác cũng đủ rồi nên cho về để tránh bớt áp lực quốc tế về vấn đề nhân quyền, nhưng họ không muốn thấy chúng tôi có mặt trên quê hương miền Nam.

Một phần cũng ngăn ngừa điều có thể xẩy ra - những người tù chính trị này ở lâu trên đất nước sẽ có cơ hội tái hoạt động chống lại chế độ.

Mặt khác, công an chìm được phái theo dõi một số những người tù cuối cùng khi trở về thành phố, sĩ quan thường phục của họ đến nhà bảo chúng tôi phải làm thủ tục rời thành phố thân yêu này ra đi thật nhanh. Giờ tôi đã hiểu.

Tôi nghĩ đến Phượng và chợt thở dài. Tôi về một thời gian nhưng cố nán lại chưa đến thăm Phượng vì tôi muốn khi tôi đến thăm nàng, tôi có thể nói với nàng những gì tôi muốn nói từ trong trái tim mình. Một phần vì tình trạng giấy tờ gia đình của tôi còn phức tạp, tôi còn phân vân chưa quyết định dứt khoát được. Nhưng hôm nay, sau sự việc này, tôi phải có quyết định ngay.

Lúc người khách lạ không mời đã ra về, anh tôi nhìn tôi dò hỏi nhưng tôi nói vắn tắt là họ cử người đến xem mình có làm thủ tục ra đi chưa mà thôi vì tôi biết anh chỉ ở trong quân đội không thể biết những thủ đoạn ngõ ngách trong ngành tình báo, nhất là tình báo Cộng Sản sẽ không chừa thủ đoạn nào, ngay cả việc bắt lại những người tù cuối cùng dưới “tội danh” khác, để đạt cho được mục tiêu của họ. Về phương diện khác, cuộc đời tôi nghĩ nhiều lúc cũng may mắn vì một buổi chiều, một anh bạn thân văn nghệ trong tù tên Đệ, biệt danh cả Đẫn, đi cùng với bà chị tên Sâm đến thăm tôi. Chị rủ tôi đi theo Đệ vì anh chàng này có cuộc phỏng vấn việc làm hôm đó. Chúng tôi chạy hai xe gắn máy đến công ty Bình Minh làm giầy thể thao trong quận Sáu. Bà chủ sau khi hỏi han anh Đệ xong nhìn tôi hỏi có biết tiếng Anh không. Chị Sâm là bạn của bà chủ hãng nên chị giới thiệu sơ qua tôi trước kia làm cho tòa đại sứ Mỹ và vừa trở về từ trại tập trung.

Không hiểu sao bà chủ lại chú ý đến tôi, bà vừa phỏng vấn vừa nói chuyện với tôi khoảng mười lăm phút rồi nhận tôi vào làm việc. Công ty của vợ chồng bà đang liên doanh với công ty làm giầy nổi tiếng của Đại Hàn San Young nên cần thông dịch viên vì mấy trăm nhân viên của Bình Minh không ai đủ khả năng về Anh ngữ. Đâu ngờ mới thời gian ngắn nằm nhà chơi tôi lại có việc làm, sáng vác ô đi chiều vác về. Tôi cũng muốn đi làm cho khuây khỏa vì tình trạng nhức đầu về chuyện gia đình. Những lúc buồn quá tôi lại chạy xe lên chùa thăm Thầy Tâm, lễ Phật cho đầu óc thanh thản hay qua ngõ bên cạnh thăm cô ruột tôi, trò truyện với cậu em họ tôi cũng tù về là Huy đang chờ đi H.O với vợ con. Những lúc lên chùa gặp Thầy Tâm hay tâm sự với cô tôi là thời gian an ủi nhất cho tôi khi không có vợ con hạnh phúc bên cạnh như các bạn mình.

Thời gian làm cho công ty Bình Minh, qua ba tháng đầu, tôi được lên lương rất nhanh từ bẩy trăm ngàn lên hơn một triệu đồng. Bà chủ khoảng ba mươi tuổi dáng người nhỏ nhắn vui vẻ nói rằng tôi làm việc giỏi, giúp nhiều trong giao dịch giữa hai công ty, nhưng người chủ lại tỏ ra ghen tuông. Tôi tâm sự với các chuyên viên Đại Hàn rằng tôi sẽ xin nghỉ để lo cho việc ra đi, nhưng họ không chịu nói mọi công việc sẽ trở ngại nếu thiếu tôi và bảo tôi qua làm cho họ. Thế là tôi qua làm cho công ty San Young, công việc vẫn vậy mà lương tăng gấp ba lần. Quả là trong cái rủi có cái may.

Công ty có nhiều người biết hoàn cảnh gia đình của tôi trong đó có hai nữ nhân viên trẻ tỏ ra rất ân cần với tôi. Chị Quỳnh luôn lịch thiệp vui vẻ và cô Mười tính tình hiền hậu, xinh xắn, khoảng hai mươi bẩy tuổi có mẹ ở Thủ Đức. Chị Quỳnh gặp tôi thường chỉ thăm hỏi xã giao nhưng cô Mười mời tôi nhiều lần ghé lại nhà cô và thăm mẹ cô cuối tuần. Tôi cứ phải đè nén lòng mình vì sợ tình cảm nẩy sinh ra lại khổ cả hai người như tôi đã từng trải qua với Phượng.

Tôi thường gặp cô Mười trong giờ nghỉ hay giờ ăn trưa nói chuyện tâm sự với nhau, chúng tôi dần dà mến nhau và cũng không dấu được một tình cảm thật ấm áp đã nẩy sinh giữa hai người.

Tôi cố giải thích hoàn cảnh của tôi cho Mười nghe nhưng cô vẫn mong tôi ghé qua nhà thăm một lần vì nhà cô có ao vườn trái cây và cô muốn có nhiều thời gian bên tôi hơn là những lần gặp nhau chốc lát tại công ty.

Tôi nghĩ rằng Mười có những đức tính đáng quí của người phụ nữ Việt Nam và cô sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi, nhưng lòng tôi đang rối như tơ vò về chuyện gia đình nên nào dám nghĩ gì khác sợ làm Mười đau khổ như trước đây đã xẩy ra cho Phượng. Dầu sao, trong lòng tôi lúc nào cũng mang một kỷ niệm thật đẹp và sự quí trọng đối với người con gái dễ thương Thủ Đức này.

Nghĩ đến những điều anh Đồng Tuy dậy cho tôi về Tử Vi, nghĩ đến những dậy bảo của thầy Tâm về nhân duyên trong đạo Phật, tôi tin rằng con người có số mạng, vợ chồng quả có duyên có nợ với nhau mới thành. Tôi đã gặp nhiều người con gái thật đáng quí mến khi từ nhà tù trở về nhưng hoàn cảnh éo le của gia đình đã ngăn tôi đến với họ, chẳng phải lòng tôi không cảm mến hay không thương yêu họ.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, tôi nghĩ đã đến lúc phải gặp Phượng, phải đến thăm nàng dù nhiều trái ngang chăng nữa.

Tôi lái xe vào quận Tám, tìm mãi mới thấy căn nhà nhỏ khuất trong con hẻm. Khi ở trong tù tôi cứ mong giây phút sẽ đến thăm Phượng để nói lên lòng thương nhớ của tôi, nỗi khát khao gặp lại người yêu. Hai năm xa cách, trái tim tôi vẫn còn ẩn hiện hình bóng Phượng và những kỷ niệm ngày nào hai chúng tôi bên nhau.

Nhưng bây giờ đứng trước cửa nhà nàng tôi thấy mình như kẻ phạm tội vì tôi đã làm thủ tục cho cả gia đình bốn người ra đi, tôi không thể làm giấy tờ ly dị như mong muốn. Hai đứa con tôi cực nhọc cắp giỏ vào tù thăm tôi những năm cuối cùng tại Hàm Tân, nếu làm giấy ly dị mẹ của hai cháu, có nghĩa là tôi sẽ làm hai cháu khổ tâm vì tình mẫu tử bị chia lìa, mặt khác hai cháu cũng có thể bị ở lại mà hoàn cảnh bây giờ hai cháu đã trưởng thành cần qua Mỹ xây dựng tương lai.

Tôi dắt xe vào trong sân, một cháu gái chạy ra hỏi tôi tìm ai rồi Phượng xuất hiện ở khung cửa trong bộ đồ bà ba giản dị.

Đôi mắt Phượng mở to mừng rỡ, nàng kéo tay tôi ngồi xuống ghế và ngồi bên cạnh. Sân nhà nàng tuy nhỏ nhưng có một giàn thiên lý che bóng mát cho cái bàn với hai chiếc ghế. Nàng hỏi tôi nhiều câu nhưng tôi nén xúc động nói cho Phượng biết tôi về cũng một thời gian, vì chuyện gia đình nên không đến thăm nàng ngay được như dự tính. Tôi nói cho nàng nghe rằng những gì trong thư Phượng viết cho tôi rất đúng vì những tù nhân là những người luôn phải chịu tất cả những gì cay đắng đau thương nhất, thiệt thòi nhất khi miền Nam đã mất.

Cuối cùng, tôi cho nàng biết vì hoàn cảnh tôi phải đưa toàn bộ gia đình ra đi, tôi đã không làm được điều mong ước là cùng Phượng xây dựng cuộc sống mới. Tôi thầm mong Phượng hiểu, mong nàng tha lỗi cho tôi.

Phượng nghe tôi nói trong im lặng, sau giây lát Phượng nói nàng biết nhiều người ở tù về rơi vào hoàn cảnh như tôi và nàng chấp nhận số phận.

Nàng nắm lấy tay tôi mắt đỏ hoe. Tôi thấy như muối xát trong lòng. Tôi đưa cho Phượng một gói nhỏ:

- Anh mua tặng em món quà nhỏ bé này, tấm lòng của anh dành cho em.

- Anh mới về mà mua làm gì tốn kém.

- Em giữ lấy và ráng giữ gìn sức khoẻ nhe em.

Phượng, mắt nhìn ra xa như nói một mình:

- Em quên tiếng Anh của anh giỏi, thế nào anh cũng có việc làm tốt, hay anh dậy học cũng sống rất ung dung đó anh. Sàigòn bây giờ rất cần những người giỏi Anh Văn như anh. Nếu mà anh ở lại, em nghĩ rằng anh sẽ không thiếu thốn đâu.

Tôi muốn nói cho nàng biết tôi phải ra đi vì an ninh cá nhân, vì tương lai cho hai đứa con, nhưng lại sợ Phượng buồn nghĩ tôi không muốn ở lại cùng nàng. Tôi muốn nói với nàng nhiều nữa, bao nhiêu điều tôi muốn thổ lộ, nhưng không hiểu sao ý tưởng không thể tiến đến với nàng làm cho tôi ngẹn lại. Tôi vội đứng lên vì tôi sợ rằng ngồi lâu nữa tôi sẽ đổi ý, tôi sẽ không tự chủ được trước người con gái đã một thời đến thăm tôi.

Tôi ôm nhẹ vai nàng mà trong lòng tê tái rồi dắt xe ra chạy như ma đuổi. Tôi gửi Phượng món quà như một kỷ niệm trước khi chia tay và những dòng chữ cám ơn nàng, người con gái có từ tâm đã yêu thương tôi như tôi yêu thương nàng trong những ngày tháng đời tôi còn chịu nghiệt ngã tù đầy.

Chiều hôm đó tôi lên chùa Thới Hòa nói chuyện với Thầy Tâm, tôi thắp nén hương và ngồi rất lâu trong chánh điện rộng thênh thang vắng lặng chỉ mình tôi, nghĩ đến bao bất hạnh rơi xuống cuộc đời đầy thương đau của một cuộc tình vừa lịm tắt.

Biết tôi đang khổ lụy vì tình nên mỗi khi tôi đến chùa, Thầy Tâm luôn thương yêu vỗ về nhắc nhở tôi phải luôn niệm danh hiệu chư Phật để giải bớt nghiệp lực. Nhiều khi suy nghĩ tôi thấy mình còn may mắn vì lúc trong trại giam có duyên gặp Thầy chỉ dậy cho tôi hiểu đạo mà đứng vững trong lao tù, đến khi ra về gặp phải bao trở ngại về gia đình và tình cảm, cũng Thầy là người nâng đỡ giúp tôi thêm sức mạnh trong giai đoạn khó khăn này. Thầy không những là vị thầy tôi vô cùng kính mến, là dưỡng phụ của tôi mà Thầy còn là chỗ tôi nương tựa cả tinh thần lẫn vật chất trong những tháng ngày sóng gió khi mới ở tù về.

Khi tôi thiếu tiền để đóng cho Sở Ngoại Vụ, Thầy bảo tôi lên căn gác trên lầu, mở hộc tủ ra lấy ba trăm ngàn đồng đưa cho tôi, vừa đúng số tiền tôi còn thiếu trong hơn một triệu đồng tiền lệ phí cho bốn người gia đình tôi làm thủ tục ra đi theo chương trình H.O. Tôi thắc mắc hỏi sao thầy biết con còn thiếu ba trăm ngàn mà cho đúng số tiền ấy? Thầy cười, nụ cười hiền hậu, nói rằng đó là tất cả số tiền Thầy để dành được. Ôi tình thầy trò đáng quí biết dường nào. Mẹ tôi vẫn thường bảo chúng tôi “bát cơm Phiếu Mẫu đáng giá ngàn vàng”. Lúc đó tôi mới thấu hiểu ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn ấy.

Với số lượng mấy trăm ngàn người trong các gia đình H.O làm giấy tờ đi qua Mỹ, Sở Ngoại Vụ của họ, chỉ tính riêng tiền lệ phí không thôi, đã thâu được một khoản tiền khổng lồ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, có tin cho biết Hoa Kỳ đồng ý chi cho phía nhà nước Cộng Sản mỗi đầu người 700 USD trong chương trình H.O qua định cư tại Mỹ; nhưng sau các cuộc thương thuyết của cựu Đại Tướng John Vessey, đặc sứ của Tổng Thống Ronald Reagan thì chỉ còn 200 USD mà thôi. Lý do có thể vì phía Cộng Sản đã giam giữ các tù nhân chính trị này quá lâu.

Nói về các gia đình H.O đang náo nức chuẩn bị ra đi theo chương trình này. Đa số gia đình cựu tù nhân chính trị đều gặp nhiều khó khăn về tài chánh nhưng vẫn cố phải vay mượn cho đủ mà đóng số tiền lệ phí đó, nếu không hồ sơ sẽ nằm tại chỗ.

Tôi không ngờ một trong những người bạn thân rất hiền lành của tôi, một người tù cuối cùng, lại rơi vào hoàn cảnh thiếu hụt này.

Một hôm tôi đến thăm gia đình anh trong khu Vườn Xoài, gần cuối đường Trương Minh Giảng, tôi vẫn thường đến thăm anh để hàn huyên mỗi khi rảnh rỗi. Hôm đó, thấy anh rất băn khoăn như có tâm sự gì, tôi biết anh một con người rất mực thước, tự trọng khẳng khái trong cuộc sống thanh đạm nên lựa lời hỏi thăm mãi mới biết anh không đủ tiền đóng lệ phí giấy tờ ra đi H.O cho gia đình quá đông con.

Tôi bèn kéo anh ra ngoài cửa nói riêng với anh tôi có thể giúp anh được vì tôi vừa có việc làm mới, đừng suy nghĩ ngần ngại gì vì thực lòng tôi muốn gia đình anh cùng ra đi với gia đình tôi thoát khỏi cái chế độ bất nhân này càng sớm càng tốt. Một năm sau, rất nhiều gia đình các bạn tù mà tôi quen biết trong đó có gia đình anh đã lên máy bay giã từ Sàigòn qua Mỹ định cư.

Những người tù cuối cùng khi trở về thành phố sau bao nhiêu năm khổ ải, họ lại rơi vào những khó khăn nhiều mặt trong cuộc sống mới dù rằng thời gian năm 1992, gọng kìm của Cộng Sản siết cổ họng người dân đã phải nhả bớt trước dư luận thế giới.

Vào trung tuần tháng Mười âm lịch nhân dịp lễ Hạ Nguyên năm 1992, Thầy Tâm đứng ra tổ chức một cuộc hành hương ba ngày về thăm Châu Đốc nơi nổi tiếng với các ngôi chùa cổ xưa, nơi có điện thờ Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu linh hiển. Cám ơn Thầy hết sức, nhờ Thầy tôi mới có dịp viếng thăm vùng Thất Sơn linh thiêng, mới có những kỷ niệm không bao giờ quên được trong chuyến đi này. Các Phật tử trong đó có tôi khoảng hơn một trăm người tập trung tại chùa Thới Hòa từ sáng sớm để theo đoàn xe đò xuôi về nam.

Thầy Tâm hướng dẫn chuyến hành hương để các Phật tử chùa Thới Hòa nhân cơ hội này tạo thêm công đức. Khi vào địa phận tỉnh Châu Đốc, Thầy bảo đoàn xe dừng lại tại bất cứ ngôi chùa nào nhìn thấy trên đường xe đi qua, gom tiền ít nhiều của các Phật tử để cúng dường Tam Bảo và mọi người vào lễ Phật. Nhờ vậy, các Phật tử biết thêm hàng chục ngôi chùa lớn, không kể hàng chục chùa nhỏ khác trong phạm vi tỉnh Châu Đốc; nhưng có một ngôi chùa thật kỳ bí và huyền hoặc mà tôi không quên được, hình như tên khắc tại cổng là Thiên Vân Tự bằng chữ Việt và chữ Hán.

Để lên tới ngôi chùa xây gần trên đỉnh, từ dưới chân núi chúng tôi bắt đầu leo những bực thang toàn bằng đá, cứ một trăm bực thang lại có một hốc đá rộng như gian nhà nhỏ với vài ghế đá đục vào trong lòng núi làm chỗ cho khách thập phương nghỉ chân.

Mỗi bực thang đều được tạc rộng vừa đủ cho hai người cùng sánh bước với lan can hai bên cho khách hành hương vịn tay, đã nói lên bao nhiêu công phu mới xây được con đường lên chùa này. Con đường vút cao thăm thẳm với hàng mấy ngàn bực thang bằng đá trắng cứ dẫn chúng tôi lên mãi. Hỏi ra mới biết con đường này là... đường lên Trời.

Tôi không nhớ đã qua được bao nhiêu gian nhà nhỏ như vậy, cũng không biết bao lâu nữa vì đoàn người cứ theo nhau leo lên cao dần cho tới một lúc thấy mình đang đi xuyên qua một vùng thật thanh tịnh với những cụm mây trắng bay nhẹ nhàng như làn khói ngang lưng người. Chung quanh núi đồi chập chùng mây mù bao phủ, văng vẳng đâu đây tiếng chim hót hoà với tiếng suối reo trong gió, đẹp tựa bức tranh thủy mạc, và không gian thật trong sạch tinh khiết. Tôi đứng ngẩn ngơ nín thở nhìn mây nước mờ mờ hơi sương, cảm giác phiêu diêu như lạc vào tiên cảnh.

Thực sự trên trời có cảnh tiên như trong các truyện tôi đọc hồi còn nhỏ thì tôi nghĩ những cảnh đó cũng không thể đẹp hơn khung cảnh mà tôi hiện đang đứng trên bực thang đá, giữa mây núi cạnh dòng suối mơ, tai nghe tiếng chim hót thánh thót như nốt nhạc của thiên nhiên.

Khi đoàn người tới lưng chừng núi, Thầy ra hiệu cho dừng lại nghỉ ngơi và chỉ con suối trong vắt đang chảy róc rách từ trên triền núi chẩy miết xuống bên cạnh những bực thang, Thầy bảo đây là Suối Tẩy Trần. Tương truyền những ai lên tới đây cũng như đã lên được cảnh trên trời, và nếu rửa mặt tay chân tại đây như gột rửa được bụi trần. Tôi xắn tay áo lên rửa mặt rửa tay thấy nước suối thật mát, định lấy sức leo nữa nhưng Thầy ra hiệu trời đã ngả bóng mọi người nghỉ ngơi một chút và chuẩn bị đi xuống về thị xã Châu Đốc.

Tôi tiếc mãi không lên được đến đỉnh núi vào chùa lễ Phật và tham kiến vị sư trụ trì tôi nghĩ phải là một vị cao tăng. Có lẽ nhân duyên chỉ đến đó thôi, hay như Thầy Tâm vẫn kể cho tôi nghe về một ngôi chùa linh thiêng cũng tọa lạc trên một đỉnh núi cao tại vùng Thất Sơn, Châu Đốc này; người thường ít khi nào tới được vì nghiệp trược quá nặng nề. Có Phật tử có duyên lên đến được ngôi chùa linh thiêng đó nhưng ban đêm đang ngủ chợt thấy mình đã ở dưới chân núi hồi nào không hay. Thầy bảo rằng ông Hổ đã tha người đó xuống núi vì trược trong người còn quá nặng. Trược là những gì không thanh tịnh, nặng nề dơ bẩn trong con người trần tục. Tuy nhiên tôi rất khoan khoái trong lòng vì đã rửa mặt và nhúng hai bàn tay trong dòng nước trong vắt của con Suối linh thiêng với niềm tin dòng suối tiên sẽ tẩy trừ bớt nghiệp lực của mình.

Trên đường hành hương, tôi có cơ duyên đến lễ bái tại Đền Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu, núi Sam, Châu Đốc, tôi tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng của Bà tạc bằng đá xanh, mà những đệ tử của Bà mỗi năm từ Sàigòn xuống cầu xin, họ đều nói tượng mỗi năm mỗi lớn ra. Nhờ chuyến đi này, tôi nhìn thấy bao nhiêu đền đài danh lam thắng cảnh của đất nước, mở rộng thêm kiến thức.

Ngoài Đền Mẫu Chúa Xứ được xây nguy nga vào năm 1820 trên ngọn đồi cao 230 mét của Núi Sam, chỉ cách biên giới Việt Miên hai cây số, là những di tích lịch sử như Lăng Thoại Ngọc Hầu và hai Phu Nhân, Chùa Tây An, Đồi Bạch Vân, Chùa Hang và Vườn Tao Ngộ.

Điểm đáng buồn từ khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam chúng chiếm cứ luôn nhiều chùa chiền đền miếu. Ngay tại nhiều vùng trong tỉnh Châu Đốc, tôi thấy họ cắm biển công khai trước một số chùa hay miếu thờ tấm bảng: “tài sản của tỉnh” hay “thuộc quyền quản lý của tỉnh”. Người dân miền đồng bằng Nam bộ trước kia trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều sống sung túc với ao vườn ruộng nương thả cánh cò bay. Bây giờ mang trên vai gánh nặng thuế má đánh cả vào ao vườn, còn ruộng đất một phần bị địa phương tịch thu hay bắt vào công tư hợp doanh, một phần bắt phải hiến dâng cho nhà nước, hoa lợi cán bộ địa phương thâu tóm hết. Cuối cùng người dân chỉ còn hai bàn tay trắng vì chính sách bần cùng hóa.

Thăm viếng xong một vòng các đền miếu, buổi tối chúng tôi được chở đến chùa Châu Viên trong thị xã để cư ngụ. Vị sư trụ trì trước kia tại chùa Châu Viên là Sư Ông, Thầy của Thầy Tâm.

Sau chuyến hành hương về lại Sàigòn, tôi thấy trong người bình tĩnh hơn, tôi cứ ngày ngày đi làm cho thời gian qua mau. Niềm tin của tôi vào Trời Phật lại được củng cố nhiều hơn sau chuyến hành hương thăm Châu Đốc với những cảnh chùa chiền trên đỉnh non cao, những khung cảnh thần tiên mà tôi đã sống dù khoảnh khắc trong không gian huyền ảo.

Tôi như cảm nhận trên từng mây xanh thẳm kia là những linh hiển của Ơn Trên, của Trời Phật, của tổ tiên chúng ta dòng giống Tiên Rồng đang nhìn xuống thế gian mà cứu vớt cho dân Việt đang khổ nạn dưới chế độ Cộng Sản.

Nơi làm việc của tôi thật dễ chịu và thỏa mái vì năm chuyên viên Đại Hàn của công ty San Young nói chung đều mến tôi mỗi khi gặp nhau là chào hỏi vui vẻ, dù tiếng Anh của họ cũng rất hạn chế. Trong nhóm có một người tiếng Anh khá nhất tên Jumbum Seo đã từng du học đậu bằng Master ở Mỹ lại đặc biệt thân thiết với tôi hơn hết, sau đó xin kết làm huynh đệ, tôi lớn tuổi hơn nên anh ta nhận làm em trai. Tối tối buồn anh lại rủ tôi và nhóm Đại Hàn đi hát karaoke tại vũ trường Shangri La trong Chợ Lớn. Họ uống rượu như hủ chìm, tôi chỉ chuyên uống trà nhưng cũng phải cố hòa mình tập uống vì có lần họ kêu chai rượu mời tôi uống chung, không cho tôi uống Coca. Nhờ sống trong tình thương yêu của nhóm Đại Hàn này mà tôi tạm quên đi nỗi buồn riêng u uẩn trong lòng để chờ ngày vượt Thái Bình Dương đến bến bờ tự do, gặp lại mẹ gia đình các anh và các em.

Phạm Gia Đại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn