BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73746)
(Xem: 62281)
(Xem: 39474)
(Xem: 31203)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhạc sĩ Tô Hải (Phần 2)

07 Tháng Sáu 200912:00 SA(Xem: 758)
Nhạc sĩ Tô Hải (Phần 2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Trong chương trình Văn Học-Nghệ Thuật kỳ trước Mặc Lâm đã có cuộc nói chuyện với Nhạc sĩ Tô Hải qua quá trình sáng tác cũng như việc ông tham gia biểu tình với sinh viên chống Trung Quốc.

Kỳ này người nhạc sĩ tài hoa nhưng bất khuất này sẽ cho chúng ta biết nguyên nhân nào đã dẫn tới việc ông viết hồi ký với một cái tên rất ấn tượng là "Hồi Ký Một Thằng Hèn", sắp ra mắt trong vài ngày tới. Chương trình được thực hiện bởi Mặc Lâm sau đây:

Tải xuống để nghe


Mặc Lâm: Thưa Nhạc Sĩ, trong kỳ trước thính giả đã được nghe ông trình bày việc ông cùng với sinh viên biểu tình chống Trung Quốc. Trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi rất mong được ông kể lại về việc ông viết cuốn hồi ký mà mọi người đang chờ đợi có tên là "Hồi Ký Một Thằng Hèn". Để bắt đầu xin ông cho biết trong suốt bao nhiêu năm làm việc trong vai trò của một nhạc sĩ, ông có nhận xét gì về việc sáng tác của người văn nghệ sĩ Miền Bắc, thưa ông?

Viết theo yêu cầu


Nhạc sĩ Tô Hải: Vấn đề này có lẽ anh hỏi thì anh có thể trả lời được rồi. Tất cả văn nghệ sĩ chúng tôi ở Miền Bắc, anh nào cũng viết theo yêu cầu, theo nghị quyết thì anh đó sống đàng hoàng hơn người dân, nhưng mà đó là sống đời sống vật chất thôi, chớ còn đời sống về tinh thần thì tôi cho rằng một trăm phần trăm là đều thấy khổ. Cả những ông trùm văn nghệ như ông Nguyễn Đình Thi cuối cùng cũng để lại cho đời những lời tuyên bố mà chắc là các anh cũng đã biết, hay là những ông như Chế Lan Viên thì cũng phải viết lại cuộc đời của mình, xin lỗi đồng bào, lỗi tại ai mà ba ngàn người đi đến khi về chỉ còn có 5, lỗi tại ai? thì ông nói là tại ông ấy: "Tại tôi, tôi luôn luôn hô cho người ta xung phong". Ông viết là bây giờ mấy người còn lại thì có tiếp tục viết về quá trình mình phục vụ ở Miền Bắc không. Ông Nguyễn Khải thì các anh chắc cũng biết rồi. Ổng chết rồi, ổng để lại một cái bản là lên án ghê gớm nhất từ xưa đến nay và được phổ biến cả thế giới rồi. Cả cuộc đời là gì? Ổng là đại tá, là đại biểu quốc hội, là ban chấp hành Hội Nhà Văn, nhưng mà cả cuộc đời ổng chỉ là viết những thứ mà ổng tự đặt ra là, ổng tự cho là "một mớ tạp nham, chẳng có chút giá trị gì về văn học nghệ thuật". Nói chung, tất cả những người có ăn, có quyền lợi nhiều nhất từ nhà nước thì bây giờ ông thấy là các cái đó chẳng qua là vì miếng cơm manh áo cho vợ con thôi.

Tóm lại, chẳng anh nào viết thật lòng cả, cho nên tôi dám nói một trăm phần trăm là kể cả những anh là "quan văn nghệ" viết mà không theo đúng trái tim của mình, mà viết theo yêu cầu. Cho nên chuyện này tôi cho rằng chẳng có anh nào gọi là văn nghệ thật có tên có tuổi mà thấy sung sướng cả. Thì đấy là cái khổ, chớ còn đời sống vật chất thì giữa lúc nhân dân đau khổ, kiếm từng miếng thịt, kiếm từng miếng đậu phụ, thì dân văn nghệ cũng không đến nỗi. Anh nào càng viết được nhiều, càng nịnh bợ được nhiều thì anh đó lại càng được hưởng quyền lợi hơn. Anh vào được cái chức ban chấp hành, anh vào được cái chức tổng thư ký, mà tất cả đều là cơ quan của đảng và nhà nước, thì anh ăn lương. Anh sẽ có một bậc lương, thí dụ như tổng thư ký thì anh ăn lương ngành bộ trưởng. Quyền lợi thì ví dụ như của ông Nguyễn Khải mà tôi vừa giới thiệu đấy, thì ông hơn hẳn chúng tôi, về gia đình, vợ con, nhà cửa, thậm chí có ông như ông tổng thư ký một cái là được về ở ngay chỗ chung với các ông Trần Đức Lương, chung với ông Vũ Bảo mà gần đây một số trang web có đưa lên. Nhưng mà thật tình những cái đó ổng chỉ hưởng là vì ổng làm những việc không đúng trái tim mình. Nguyễn Khải thì ổng có nói là cái giải thưởng Hồ Chí Minh của ổng là một cái bia cắm trên một đời văn học nghệ thuật đã đến hồi chấm dứt.

Tất cả những cái đó anh em văn nghệ ngày hôm nay đều tỉnh ra và thấy rằng tác phẩm của mình bây giờ có ai thèm đọc; thậm chí đưa vào các giáo trình học của các lớp một, lớp hai thì nó cũng thật đáng buồn cười. Ví dụ như đến bây giờ sách học lớp chín vẫn có những bài trích ở trong những bài mà các ông ấy viết ra để ca ngợi cải cách ruộng đất, thì bố mẹ thấy con học những bài đó ai cũng phải buồn cười. Các tác phẩm đó đâu còn là tác phẩm, cho nên cả cuộc đời của các ông ấy bây giờ có cái gì đâu! Ông nào có cái gì thì đều ở trước cách mạng tháng tám thôi. Người ta nói tới Xuân Diệu, nói tới Huy Cận, kể cả ông Nguyễn Tuân thì bây giờ người ta chỉ nói đến những tác phẩm của ổng từ năm 1945 trở về trước, chớ sau 45 cho đến bây giờ ổng có còn cái gì đâu! chẳng lẽ lại kể ổng có tác phẩm về "phở", về "giò chả". Cho nên một thế hệ văn nghệ sĩ Miền Bắc đã viết toàn những đồ vứt đi, trong đó có tôi.

Những anh hùng không có thật


Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến việc học sinh đang phải học những bài học rất khác xa với thực tế. Có phải ý ông muốn nhắc đến những anh hùng như Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn hay là Phan Đình Giót....theo ông thì những nhân vật này có thật như những gì mà báo chí hay sách giáo khoa viết hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Những nhân vật đó có thật nhưng mà các nhà báo thường phóng nó lên. Tôi xin nói rằng một cái chết từ kháng chiến chống Pháp cũng vậy, thì tới ông nhà báo là lập tức những nhà báo, gọi là báo cáo láo, báo bộ là bố bạo, đều viết cho nó đẹp thêm thôi, chớ sự thật thì trong chiến tranh chả có chiến tranh nào mà không có cái chết, thí dụ chết khi mà xông lên mà nằm ở lổ châu mai thì cũng là một thứ chết, chết nằm vắt ở trên khẩu pháo thì cũng là chết, chết mà cầm hai cái chân để cho trung liên người ta bắn rồi thì mình chết thì cũng là chết. Nhưng mà các ông nhà báo biến lên thành những thứ gọi là điển hình hóa, là ổng đưa nó lên thành ra muốn ai trở thành anh hùng tự dưng cứ thế mà mấy ổng dệt ra thêm.

Mặc Lâm: Riêng về anh hùng Tô Vĩnh Diện thì sự thực như thế nào, thưa ông?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi có bằng chứng của những người ở ngay cùng đơn vị, cùng tiểu đội đó với Tô Vĩnh Diện, thì đó là một tai nạn. Anh đó là bẻ càng, nhưng mà bẻ cái càng trong lúc kéo pháo lên chớ không phải lao xuống dốc. Kéo lên thì đáng lẽ anh đó đánh tay càng về bên trái thì anh lại đánh cái càng về bên phải cho nên nó mới tuột, nó đè phải anh ấy, chớ không phải anh ấy lấy thân anh ấy để anh chèn cái khẩu súng, chèn cái khẩu pháo. Thì đấy là cách mà báo chí ở cái xã hội này "nói dzậy mà không phải dzậy".

Mặc Lâm: Dù sao thì việc thổi phồng những nhân vật này là tâm lý muốn chiến thắng bằng mọi giá trong hoàn cảnh lúc đó, thưa ông?

Nhạc sĩ Tô Hải: Nhưng mà rồi con cái chúng ta nó cứ phải học và nó cứ tưởng là chuyện thật. Cho đến Lê Văn Tám cũng vậy, nó cứ tưởng là chuyện thật. Ngày hôm nay con tôi nó học Trường Lê Văn Tám, nó bảo là người ta nói không có Lê Văn Tám, đó là những chuyện phản khoa học. Hoặc là những chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng thì có nhưng mà người ta cứ thêu dệt ra thêm, nó không khoa học. Nói thật, một người lấy thân mình bịt lổ châu mai thì ai mà học quân sự đều biết ở phía trong chỉ cần đẩy một cái, là cái xác đó rớt xuống và lại bắn tiếp tục thôi chớ làm gì người đã chết rồi mà còn bịt được lổ châu mai.

Đỏ hóa Miền Nam


Mặc Lâm: Sau ngày giải phóng có nhiều người từ Bắc vào Nam cảm thấy thất vọng về những gì mà nhà nước đã nói cho họ biết trước đó. Chẳng hạn như bà Dương Thu Hương thì bà này đã ngồi bệt xuống vỉa hè để khóc, còn ông lúc đó thì sao?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi thì tôi cho là bà Dương Thu Hương lúc bấy giờ tuổi của bả cũng còn trẻ, học hành của bả cũng ít, chớ còn bản thân chúng tôi thì biết cả rồi. Xin nói là chúng tôi ở Miền Bắc, những lớp văn nghệ sĩ biết tiếng Tây, tiếng Anh thì chúng tôi thiếu gì tài liệu mà đọc đâu, thậm chí không có thì giờ mà đọc nữa. Cho nên chúng tôi biết rằng cuộc chiến tranh này họ (cộng sản) mà thắng thì dân Miền Nam sẽ khốn nạn. Vì sao? Họ sẽ mang tất cả những gì mà họ đã tiến hành ở Miền Bắc theo đúng cái chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Tàu mang vào trong Miền Nam để họ thực hiện. Thế cho nên bà Dương Thu Hương thì bả lạ, mà cũng chưa chắc bả nói thật là phải ngồi xuống vỉa hè mà khóc vì thấy mình bị lừa, thấy cái xã hội này nó không phải như người ta nói. Báo chí (Miền Bắc) nói là trong này bị kềm kẹp, bị đói khổ, bị đế quốc Mỹ xâm lược, vân vân, thì bả khóc. Chứ còn tôi thì tôi chả khóc, tôi chỉ lo, mà không phải lo cho tôi đâu, mà bạn bè chúng tôi, tất cả văn nghệ sĩ nào đã có học thì đều biết rằng đây là một cuộc "đỏ hóa" Miền Nam này, mà đã đỏ hóa Miền Nam này - đỏ theo kiểu Việt Nam, tức cộng sản Việt Nam khác cộng sản Tàu, khác cộng sản Nga ở chỗ là sẽ mất hết, nghĩa là nhà máy, đồng ruộng, và thậm chí đến cả những người buôn bán lẻ, những người mà tôi có viết trên bài "Những người bị ruồng bỏ". Thực tế ai cũng sẽ khổ thôi. Thế còn cái khổ nữa là cái chuyện làm cho hơn một triệu gia đình chờ mong con cháu gọi là "đi học tập 20 ngày" mà sự thật gọi là đi tù thì đúng hơn, mà là đi tù không có án. Thế thì những cái đó chúng tôi trông thấy trước.

Xin được sống trong một xã hội tự do


Mặc Lâm: Thưa những điều ông vừa bày tỏ với thính giả hôm nay cũng là những gì mà cuốn sách mang tên "Hồi ký một thằng hèn" do ông sáng tác chứa đựng. Ông có lo lắng khi cuốn sách này được phát hành rộng rãi sẽ làm cho nhà nước quan tâm đặc biệt đến ông hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Khi đã quyết định đưa ra thì sự thật tôi không sợ gì nữa và sẵn sàng chờ tất cả những cái gì sẽ đến với tôi. May mắn là vợ con tôi thì cũng hoàn toàn ủng hộ tôi. Và cũng không thể nào trù vợ con tôi để mà bắt tôi phải im hơi lặng tiếng được. Đây, xin mời các ông đến bắt đi, để có dịp tôi dạy cho các ông những bài học yêu nước, những bài học về những sai lầm mà ngày xưa chúng tôi đã phải chịu đựng, mà bây giờ thực tế ra thì các ông đang sửa chữa nhưng các ông không tuyên bố đó thôi. Các ông đã không dám làm cải cách ruộng đất, các ông đã không dám bắt văn nghệ sĩ đi đày, đi cải tạo, trừ những văn nghệ sĩ mà đóng lon thiếu tá trở lên thì các ông bắt đi thôi. Chớ còn ngày xưa ở ngoài Miền Bắc chúng tôi anh em chẳng có đáng cái tội gì, chỉ có cái là tự do viết không theo yêu cầu của các ông thôi là các ông bắt đi "cải tạo". Tất cả các chuyện đó bây giờ các ông đang sửa chữa đấy. Vừa rồi đây tại Huế lại tặng thưởng thêm cho Trần Dần nữa, đưa Lê Đạt vào nhà tang lễ của quốc gia, in lại Phạm Quỳnh, in lại Nguyễn Văn Vĩnh. Tất cả những cái đó là các ông

đều làm mà các ông không nói ra. Chớ còn tôi thì bây giờ tôi chỉ nói ra hộ các ông thôi. Tôi thì tôi hy vọng, tôi mong rằng làm sao tất cả mọi người hãy thúc đẩy các nhà cầm quyền hôm nay có nhiều hành động và ứng xử có tiến bộ. Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội "nháy nháy", là tội yêu nước nữa. Để cho chúng tôi được sống trong một xã hội tự do như là mọi xã hội tự do khác, kể cả xã hội tự do thấp kém nhất là xã hội tự do Campuchia hiện nay mà các ông cũng không cho.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Nhạc sĩ Tô Hải về cuộc nói chuyện ông dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay.

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
07/06/2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn