BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn TT Tuệ Sỹ

23 Tháng Chín 199912:00 SA(Xem: 1220)
Phỏng vấn TT Tuệ Sỹ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ngày 23/9/1999 từ Hoa Kỳ, Diễn Đàn Quê Hương trên làn sóng AM 1120 đã điện thoại và trực tiếp phỏng vấn Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Việt Nam. Cuộc phỏng vấn do cô Đoan Trang và anh Nguyên Khôi thực hiện.

(Tóm Lược)

 Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ (TTS) : Tôi là Thích Tuệ Sĩ đang ở trong nước Việt Nam xin gởi lời chào mừng đến quý thính giả của đài Quê Hương tại Bắc Cali, Hoa Kỳ.

ĐT : Dạ thưa quý vị cũng như ĐT chúng ta rất là xúc động, lần đầu tiên chúng ta nghe được tiếng nói của một đồng bào chúng ta ở trong nước, đặc biệt hơn nữa đây là 1 trong những vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) ở quê nhà chúng ta. ĐT tin rằng quý vị cũng như chúng tôi những người thực hiện cuộc nói chuyện ngày hôm nay đang có những giây phút rất là xúc động và chúng tôi qua cá nhân ĐT và anh NK có dịp thưa chuyện với thầy Tuệ Sĩ gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi không muốn thâu trước cuộc nói chuyện vì muốn rằng hôm nay thầy nói chuyện trực tiếp với quý vị. Quý vị sẽ nghe được tiếng nói, tâm tình của thầy một vị tu Sĩ PG khả kính của chúng ta. Chúng tôi có vài nét sơ lược và giới thiệu về thầy Thích Tuệ Sĩ đến với các quý thính giả. Vì thời gian không có nhiều nên chúng tôi không thể mở đường dây trực tiếp để quý thính giả trực tiếp nói chuyện và thăm hỏi thầy.

Thầy Thích Tuệ Sĩ năm nay 56 tuổi, thầy xuất gia hồi còn nhỏ. Trong cuộc đời tu trì, ngài đã có rất nhiều sự đóng góp cho nền PGVN và văn hóa quê hương. Ngài đã từng là giảng viên của đại học Vạn Hạnh trước 1975. Ngài dạy học và phụ trách những công việc từ 1969-1973. Sau đó, năm 1973 thầy được giáo hội giao cho vai trò Giám đốc học vụ thuộc trường Cao đẳng Phật học Hải Đức và thầy ở trách nhiệm này cho tới năm 1975.

Sau ngày 30/4/75, thầy Tuệ Sĩ cũng là công dân của đất nước VN (giọng xúc động) hơn nữa ngài còn là một tu Sĩ PG rất khả kính, cũng theo mệnh nước khổ đau thầy Tuệ Sĩ cũng chung vai với những người dân VN gánh chịu những đau thương và bây giờ ĐT rất là xúc động nhường phần giới thiệu tiếp theo cho anh NK về thầy Tuệ Sĩ.

NK : Thưa quý vị thính giả, quý vị cũng biết sau năm 1975 thì GHPGVNTN đã bị cấm hoạt động và thầy Tuệ Sĩ cũng như rất đông các tu Sĩ của PG cũng như của các tôn giáo khác đã trải mình ra hòa vào các sinh hoạt cũng như bất cứ người dân nào để đi lao động làm rẫy làm ruộng. Thầy Tuệ Sĩ có những sinh hoạt riêng trong PG và qua những sinh hoạt đó thầy đã bị bắt giam trong nhiều năm trời. Ở trong nhà tù CS thầy luôn luôn được sự kính trọng thương yêu của tất cả những người bạn tù và chúng ta đã nhiều lần trên đài phát thanh QH nghe những người tù nhân chính trị kể những câu chuyện nhắc nhỡ đến thầy. Các anh Lý Tống, anh Phạm Văn Thành, anh Phạm Anh Dũng (ĐT xen vào) cũng như ông Phạm Đức Hậu nhắc đến tên thầy Tuệ Sĩ với tất cả sự kính trọng. Riêng anh Phạm Văn Thành lúc nào cũng nhắc đến tên thầy Tuệ Sĩ và anh thêm một câu : "đây là người thầy suốt đời tôi kính trọng". Thưa quý vị rất xúc động cho chúng tôi ngày hôm nay được tiếp xúc trực tiếp với thầy Tuệ Sĩ.

ĐT : Dạ thưa thầy Tuệ Sĩ, từ nãy giờ chúng con đã sơ lược về tiểu sử của thầy. Thưa quý vị thính giả chắc cũng đồng ý với chúng tôi thầy Tuệ Sĩ là tấm gương sáng cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày cũng như bước đường đấu tranh. Thưa thầy có thể cho quý thính giả được biết thầy hiện đang cư ngụ tại đâu không ?

TTS : Hiện tại tôi đang cư ngụ tại chùa Già Lam.

ĐT : Chùa Già Lam ?

TTS : Chùa Già Lam là 1 cư xá của Tăng trước 75. Các thầy vào học đạo ở trong này, đến nay vẫn còn. Nhưng mà nó có một số vấn đề chưa nói rõ được nghe chị. Chùa Già Lam ở Sài Gòn đường Lê Quang Định Gò Vấp gần cầu Gò Vấp cũ.

NK : Xin thầy cho biết chức vụ hiện nay chính thức của thầy trong GHPGVNTN.

TTS : Cũng khó nói, tôi cũng không quen nói về chức vụ. Các vị bầu tôi làm Tổng Thư Ký/GHPGVNTN đó chị. Nói chuyện không được tự nhiên lắm xin chị thông cảm.

ĐT : Dạ vâng.

NK : Thưa thầy chúng con cũng biết, đồng bào trong và ngoài nước cũng biết. Thầy đã có một thời gian rất dài ở trong các nhà tù của nhà cầm quyền Hà Nội thì xin thầy cho biết lý do nào thầy đã bị giam ở các nhà tù đó thưa thầy ?
 






TTS : Nếu mà kể nhà tù thì một lần tôi đã nói các chính quyền ở đây có 2 loại nhà tù.

Tôi bị cả 2 loại từ năm 1975 đến bây giờ.



Ngay từ những ngày đầu tiên tôi bước chân ra khỏi chùa là bao giờ cũng có người bám sát và ngay khi tôi nằm trên chùa người ta giựt bất cứ cuốn sách nào tôi đang đọc trên tay. Và khi tôi làm rẫy thì cũng không bao giờ yên, thì các thầy thỉnh thoảng cho người ra gọi tôi vào. Cho đến năm 77 thì tôi vào chùa Quảng Thanh, vừa ra khỏi chùa một đêm. Sáng người ta kêu các thầy lên điều tra, nhiều khi còn đánh đập cả các thầy hỏi rằng dấu tôi ở đâu ? Nó gây cho tôi những năm dài như ở nhà tù, như phải sống lưu vong ở trong nước. Từ năm 77 đến năm 78 nguyên cả năm trời tôi sống gần như chui rúc ở các nhà hẻo lánh, như rẫy Long Thành. Cuối năm 78 công an biết tôi trốn đi Nha Trang. Người ta nghĩ rằng tôi đi vượt biên, thành ra người ta đi điều tra.

Năm đó tôi bị quẫn bách tình cờ nó bắt tôi vì chuyện không có giấy tờ và cư trú bất hợp pháp. Những năm đó kiểm soát hộ khẩu kỹ. Người ta nhận diện ra tôi sở điều tra nhốt gần 2 năm sau tức là 20 tháng rồi thả ra. Và do những áp lực tôi không được phép trở về chùa. Năm đó tôi lên thăm Hòa thượng Đôn Hậu tại bịnh viện, HT cũng biết và nói thầy cứ về chùa không sao hết các ngài cũng giúp. Thực tế tới năm 82 tôi mới chính thức trở về chùa được.

Thời gian long đong đó là từ 78, 79 tôi bị trôi nỗi ở ngoài. Từ năm 82 đến 84 tôi ở tại chùa Già Lam với HT Trí Thủ. Đó là những năm thực tế không bao giờ đi ra khỏi thành phố. Mà tôi biết tình hình không thể đi được. Nhiều Phật tử, nhiều đám tang nhờ mình đi thăm cũng không thể đi được. Mà cũng không cho biết lý do. Người ta giữ nguyên vị tình trạng giam lỏng cho đến năm 84 thì người ta bắt thầy đi tất cả. Hầu như các trại giam Sài Gòn đến cả chục trại giam ra tới Bắc. Cho tới năm ngoái, mùng một tháng chín thì theo lịnh ân xá cả nước tôi được thả trong đợt đó.

Từ đó trở về, những ngày đầu khi mới ra trong không khí hỏi chưa ai thấy gì trầm trọng cả. Nhưng càng ngày áp lực càng nặng. Chung quanh trực tiếp tôi thì không một lời nặng nhẹ nào. Vẫn là ngọt ngào nói rằng : "tình hình bây giờ được tự do theo hiến pháp muốn ở đâu thì ở". Những người làm khó dễ nghĩa là sai. Nhưng những thầy tới thăm tôi như chùa ở Nha Trang thì bị kêu lên hỏi làm việc. Quan hệ như thế nào ? Về sự tới đây làm cái gì ? Một số quý thầy thì vẫn bình thường, người ta coi những lời đó không quan trọng gì. Với một số người khác vẫn ái ngại. Nhất là các vị ni cô thường thì sợ nhất là chuột chẳng hạn. Như chuột sợ gián. Kể ra thì cũng gây trở ngại nhiều. Cuối cùng cho tới những ngày gần đây, tôi ở lì trong phòng không đi ra ngoài nữa. Trừ trường hợp cần thiết đi mua sách không thể không đi được thôi. Tình trạng hiện tại tôi nói với người ta rằng là các ông đưa tôi từ nhà tù nhỏ qua nhà tù lớn thì đành rằng khi nào cần thiết thì cứ đưa trở lại thôi. Tôi sống đời sống nhà sư ở đâu cũng thế thôi. Nhà tù trong nhà tù ngoài cũng thế thôi. Tình trạng đơn sơ là như vậy.

ĐT : Thưa thầy vừa trình bày với thính giả của đài phát thanh QH chúng con là thầy quan niệm tại quê hương VN bây giờ rất là xa Hoa Kỳ, thực ra nó chỉ là hình thức nhà tù thôi. Nhà tù lớn bao la và những nhà tù nhỏ hẹp hơn. Và thầy Tuệ Sĩ thì từ năm 1975 ngài đã trải đủ cả 2 loại nhà tù. Con xin thưa với thầy một điều thì theo sự tìm hiểu của con thì thầy đã từng trải qua những ngày tháng đau khổ của nhà tù nổi tiếng là khắc nghiệt, mà cả thế giới đều biết đó là trại giam A20. Và trong trại giam A20 thầy ở đó nếu con không lầm thì thầy cũng đã biết một tù nhân chính trị về từ bên Pháp để tranh đấu cho quê hương đất nước. Đó là anh Phạm Văn Thành. Dạ thưa thầy có phải là thầy đã ở tù chung với anh Thành và hiểu biết về người tù này không ? Xin được biết ý kiến của thầy về anh PVT.

TTS : Tôi ở chung với anh Thành cũng đã hơn 1 năm, và rất là gần gũi. Những anh em chính trị đó rất là cảm phục về anh Thành là một thái độ thanh niên quả cảm, can đảm. Ngay cả với cán bộ coi tù chính trị cũng phải nể. Và thời gian trước đó thì đa số các trại tù do áp lực từ những năm tháng đói khổ. Chị có thể tưởng tượng được rằng nhiều khi đi làm phải bứt cỏ mà ăn. Nhưng mà khi bứt cỏ mà ăn nếu bị phát hiện cũng bị đánh. Trường hợp như thế cũng xảy ra được, anh Thành ảnh sống trong đó nhiều ảnh nói cho chị biết. Ngay cả việc gởi thơ từ rất khó. Anh Thành ảnh làm được một chuyện. Đó là ảnh tổ chức được đường dây liên lạc ra ngoài. Anh em lúc đó mới có được không khí dễ thở hơn một chút. Ngay cả những cái thơ của tôi từ đó gởi ra được cũng nhờ anh Thành gởi đi. Những năm tháng khó khăn, trải qua cái lịch sử nhất là năm đó anh Thành cùng số anh em thanh niên trong đó đứng dậy đòi hỏi cái phẩm giá của người tù. Đồng loạt tất cả các người tù chính trị đều đứng dậy đòi hỏi phẩm giá của con người làm rúng động cả trại giam.

Người cầm đầu lớp trẻ đó là anh Thành, lớp già các anh ấy ở thế giới riêng nhưng cũng tham gia không người nào đứng ngoài. Và tôi nhớ rằng sau khi người ta dùng áp lực dẹp tan, đưa cả lựu đạn cay, công an cảnh sát mặt nạ vào để trấn áp thì bị dẹp xong rồi bắt tất cả làm biên bản nhận khai. Thì không có ai nhận lỗi. Có một ông già trong đó năm nay chắc có lẽ bị chết ngoài tù Thanh Hóa tôi cũng không nhớ rõ. Người ta nghĩ rằng ông này bịnh hoạn đang yếu có thể dụ ông này để thú nhận tội lỗi. Nhưng ổng nói rằng tôi ở tù mười mấy năm nay, lần đầu tiên tôi cảm thất rằng làm một việc xứng đáng với lương tâm của mình. Và sau đó những biện pháp trả thù chắc chị cũng đã biết rồi.

Người ta cảm phục anh Thành trong cái việc đó nên người ta hưởng ứng. Do rằng nhờ phương tiện mà anh Thành liên hệ được, nên trong trại tù biết được có phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Ngay cả bản thân trong trại cũng không biết được khi nào phái đoàn tới, trước ngày tới người ta sơ tán các nơi. Ngay bản thân tôi người ta đi dấu. Nghĩa là cán bộ kêu đi làm việc cứ dẫn đi vòng vòng. Xin lỗi chị. Sau các đường đi nhà cầu nhà xí cán bộ mà tôi cảm thấy ô nhục. Tôi nói với cán bộ ông hãy làm việc cho đàng hoàng, tôi là phạm nhân nhưng phẩm giá tôi còn tại sao ông dẫn tôi đi làm việc mà đi sau những cái đường giống như một con chó thế này. Đại ý như thế. Đó là lý do mà anh em càng ngày càng làm mạnh. Vì không ai biết gì hết. Chính là nhờ những thông tin của anh Thành, chính ảnh cho biết nên anh em mới bắt đầu làm đồng loạt. Cái đó là biến cố mà anh em nhà tù ai cũng hãnh diện về việc làm của mình. Rất hãnh diện về việc làm của anh Thành.

ĐT : Chúng con xin cám ơn phần trình bày của thầy Tuệ Sĩ về biến cố lịch sử ở trại A20 mà anh Phạm Văn Thành là một người trẻ đã đứng ra tổ chức và làm nên biến cố lịch sử đó. Dạ thưa thầy, nếu con không lầm thì thầy cũng được biết anh Lý Tống là một cư dân của Hoa Kỳ ở tiểu bang Louisiana. Anh đã bay về bên VN thả truyền đơn chống lại bạo quyền CS và hình như thầy cũng có một quãng thời gian ở tù chung với anh Lý Tống phải không ạ ?

TTS : Vâng, thời gian ra Nam Hà, ở Xuân Phước có. Nhưng thời gian đó ngắn, thời gian anh đó mới tới. Khi ở khu biệt giam thì gặp nhau hơn. Thực tế thì anh Lý Tống đã binh vực tôi mà ảnh bị 2 lần kỷ luật. Một lần còng giò 14 ngày. Lần sau cảnh cáo. Đó là 2 lần ảnh đứng ra binh vực. Ảnh nói rằng tôi là nhà tu hành vấn đề vật chất nhỏ nhặt cũng không thèm cần thiết để ý tới. Nhưng anh Tống không thể để như thế được. Ảnh mới nói rằng là người ta tu hành mà các ông cứ bắt ăn muối cả tháng này qua tháng khác làm sao người ta sống. Cho nên khi ảnh binh vực nói nhu vậy, do đó là vi phạm kỷ luật nên nó còng giò anh Tống 14 ngày. Còng từ 30 tết đến 14 tết. Nói về tình cảm riêng nói không hết chị. Nói chung tôi còn có tiềm thức rất sâu đậm về anh Tống bởi tình bạn với anh ấy tuy là ngắn ngủi. Có lẽ là tình bạn đó nó vượt ra ngoài những phạm vi quan điểm chính trị tôn giáo chỉ tình người thuần túy. Đó là tình bạn, tôi mong có dịp chị nhắn lời dùm tôi là tôi gởi lời thăm anh Tống tôi không quên những ngày ở Nam Hà đã binh vực tôi.

ĐT : Chúng con đang phỏng vấn thầy trực tiếp và cũng đang thâu thanh lại cuộc phỏng vấn này, theo lời yêu cầu của thầy chúng con sẽ gởi cuộn băng của cuộc phỏng vấn ngày hôm nay để tặng anh Lý Tống và cúng con tin rằng anh Lý Tống sẽ rất lấy làm sung sướng cảm động khi nghe lại tiếng nói của thầy. Và thưa quý vị quả như là một giấc mơ đài QH không ngờ có ngày mà chúng tôi nghe được tiếng nói của thầy Tuệ Sĩ trực tiếp trên làn sóng của đài QH. Và con xin phép được đọc vài tờ giấy ở bên ngoài đưa vào.

- Thưa thầy trước hết là Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali (BĐDCĐVN/Bắc Cali) xin gởi lời thăm thầy và chúc thầy sớm hồi phục sức khỏe sau những năm tháng dài tù đày. BĐDCĐVN/Bắc Cali xin được nhắn với thầy đồng bào VN ở hải ngoại rất kính phục tinh thần kiên cường đấu tranh xả thân của thầy để đòi hỏi tự do dân chủ hạnh phúc của một dân tộc đang bị đọa đày và xin thầy bảo trọng sức khỏe.

- Cô Đức Nguyên là một thính giả của đài QH chúng con. Cô là người Công giáo nhưng khi cô nghe được tiếng nói của thầy trên làn sóng phát thanh thì cô rất là sung sướng. Và rất là xúc động về việc làm của thầy.

- Cô Phương nói rằng cô rất ái ngại khi nghe thầy nói chuyện trên đài phát thanh với đồng bào Bắc Cali và cô thắc mắc không biết CSVN có nghe được lời của thầy nói không qua tên Nguyễn Xuân Phong. Vậy thì cô hỏi thầy có nghĩ gì và thầy có dự liệu gì không sau cuộc nói chuyện này. Cô Phương sợ rằng thầy sẽ gặp khó khăn sau cuộc nói chuyện.

- Đệ tử là cư sĩ Nhật Minh Nguyễn Vũ Trụ hiện là Hội trưởng Hội Phật tử - Chương Trình Phát Thanh Cùng Học Cùng Tu - của làn sóng AM 1120 kính nguyện hạnh đạo tràng cùng toàn thể Phật tử thân hữu đồng hương hải ngoại kính chúc thầy Pháp Thể Khinh An Chúng Sanh Dị Độ, Bồ Đề Tâm Kiên Cố phục vụ đạo pháp và dân tộc Việt Nam.

- Anh Hoàng là một chiến sĩ Lôi Hổ đang cư ngụ tại Bắc Cali xin yêu cầu tên Nguyễn Xuân Phong hãy ráng mở lỗ tai ra cho lớn để rửa cho sạch để nghe những tội lỗi đàn áp tôn giáo của CSVN đã gây ra cho đồng bào Phật tử, tu sĩ các tôn giáo khác và điều này đã được chính những người trong nước tường thuật cho đồng bào biết.

- Cô Sơn là một thính giả khác của chúng con xin kính lời thăm sức khỏe của thầy Tuệ Sĩ cầu chúc thầy đầy đủ sức khỏe để dìu dắt các Phật tử trong nước và GH trong những thời gian đen tối như thế này.

- (nhận được qua điện thư) Kính thưa thầy chúng con là Trần Như Phượng pháp danh là Chơn Minh, Trần Ngọc Sơn pháp danh là Diệu Minh, Trần Mộng Hoàng pháp danh là Diệu Kim đồng kính lạy thầy và rất vui mừng được nghe tiếng nói của thầy. Chúng con rất xúc động và ước mong có ngày gặp lại thầy để trực tiếp được nghe pháp. Chúng con nhân tiện đây xin kính lời hỏi thăm sức khỏe đến HT Thích Quảng Độ.

ĐT : Xin thầy có một vài lời với các thính giả vừa mới gởi vào những lời thăm hỏi mà con vừa đọc cũng như những câu hỏi của thính giả xin thầy trả lời.

TTS : Số thính giả đông không ghi lại hết được. Tôi xin gởi lời nhắn chung cho tất cả các vị có gởi thơ đến thăm hỏi bản thân tôi (...) thì có ý nghĩ như thế này(...) xin lỗi, tôi hơi có xúc động...

Tôi đang nghĩ tới những người bạn, những năm tháng ở tù, có những người hai mươi mấy năm trời nó vẫn chưa thả, lý do là trục trặc hành chánh. Có nghĩa là ngày tháng giam xử án như thế nào ghi không rõ, không biết thả vào ngày nào. Khi tôi ở đó những anh em ở tù khi mới 21, 22 tuổi mà nay tới bốn mươi mấy tuổi vẫn còn ở trong tù không biết gì chuyện đời. Đó là những người vô danh, đó là số rất đông. Tôi không thể làm đại diện thay thế cho họ được.

Những cái ở ngoài các vị đã hiểu đã thấy thì đó là phần nổi. Nói những đau khổ của tôi đối với họ thì không có nghĩa lý gì. Thì tuy rằng với tôi người ta cũng muốn trấn áp nhưng tới mức nào thôi. Nhưng đối với những người đó vì cô thế thành ra là đánh đập dữ. Có những người mà suốt cả hai mươi mấy năm dài ở tù. Gần như 3/4, 4/5 ngày tháng ở trong kiên giam. Mà chị biết rằng ở trong kiên giam. Mà chị biết rằng ở trong kiên giam ở đây khi tôi làm ở Xuân Phước mỗi tháng chỉ ăn được là 9 ký gạo (1) nhưng mà đa số là nước nó múc cháo. Nước thì ăn với nước muối nếu thỉnh thoảng tôi lén bỏ bột ngọt ra thì bị cảnh cáo. Những ngày tháng như vậy người ta chịu rất dài, những người đó làm thế nào ? Không có cái nào đền bù được tất cả những đọa đày về tinh thần và vật chất. Nhưng quan trọng là tinh thần họ bị cô đơn, nhìn ra không thấy có tiếng nói nào binh vực, không biết ai có biết đến những nỗi khổ đau của mình trong bóng tối. Ngay cả bản thân tôi những năm tháng dài ở trong đó mà mình muốn nói và cũng biết rằng không ai có thể biết được những cái chuyện nhục của mình ở trong này. Dầu sao tôi vẫn có những điều kiện tốt hơn những người đó.

Bây giờ (...) tất cả đồng bào ở bên ngoài đã gởi lời thăm hỏi tôi (...) bằng tâm tư của mình tôi thôi (...) mong rằng là trong khoảng không gian vô tận này mà may ra chút xúc động nào của tôi có thể truyền đến cái hạnh phúc, cái dũng cảm (...) nào đó đến những người đang ở trong tù hai mươi mấy năm trời. Và những người bắt đầu bước vào nhà tù, nói chung là con nít (...) bây giờ thành ông già. Cuối cùng cũng xin gởi lời chào mừng đến tất cả những người đã có cái tình cảm sâu sắc mà tôi nghĩ đó là tình cảm chung của những người dân Việt của chúng ta cùng chung máu mủ cùng chung tổ tiên. Dù rằng khác xu hướng tư tưởng hay là mỗi người ở một góc cạnh khác nhau của đời sống nhưng vẫn cùng chung đó là Danh Dự Tổ Quốc, Phẩm Giá Con Người và Hạnh Phúc Tương Lai của những thế hệ mai sau con cháu của mình. Làm thế nào để cho cả dân tộc mình nở mặt nở mày với thế giới. Mình đi có thể ngẩng cao đầu, mình không thể để người ta nhìn đất nước VN như một quái thai quái vật thì cũng quá đáng, nhìn với thái độ trịch thượng, thái độ khó mà nói những từ cho lịch sự để diễn tả tình trạng. Ở đây tôi cảm giác rằng những cái nhìn khinh khi của những người bạn bè chung quanh mình, người ta nhìn một nước VN hiện tại. Cái đó làm thế nào để đưa dân tộc lên, mình không nói rằng vinh quang giàu sang nhưng ít nhất cái Phẩm Giá Con Người được cả thế giới tôn trọng. Một dân tộc nghèo đói mà vẫn là Phẩm Giá Con Người không bị mất mát, người ta nhìn mình với cái nhìn như thế.

ĐT : Vâng chúng con đài phát thanh QH và những sự quan tâm cao quí về vật chất ấy đã được đem vào trong nước đến tay những gia đình tù nhân chính trị tại VN một cách chí tình.. Ngoài ra về lãnh vực tinh thần và vận động Nhân Quyền...chúng con đã và còn đang tiếp tay với các tổ chức khác để làm một cách cẩn trọng.

NK : Thưa thầy con xin đọc những lời của thính giả đã gọi vào qua các đường dây điện thoại xin được gởi tới thầy.

- Anh em cựu tù nhân chính trị ở San José xin chia xẻ với hoàn cảnh của thầy và xin thầy giữ gìn sức khỏe và mong có ngày sẽ được gặp lại thày.

- Cư sĩ Thiện Bửu đê đầu đảnh lễ thầy Tuệ Sĩ cầu xin Tam Bảo gia hộ cho thầy luôn khang an để tiếp tục tranh đấu cho tự do tôn giáo và cho quê hương đất nước đang bị thống trị dưới ách của CS.

 

- Cô Sơn Loan và các chị em của Lực Lượng Phụ Nữ Đấu Tranh ở miền Bắc Cali chúc sức khỏe thầy Tuệ Sĩ và mong thầy giữ vững lập trường của mình.

- Cô Châu có lời thăm hỏi thầy Tuệ Sĩ xin cố gắng để thầy có thời giờ nói nhiều chừng nào tốt chừng ấy.

- Ông Nguyên Văn, tôi là người đã từng ở tù và rất cảm kích tinh thần của thầy ở trong tù.

NK : Thưa thầy con xin phép có một câu hỏi mà chắc là rất đông quý thính giả cũng thắc mắc. Thầy là một tu sĩ PG và thầy không một tấc sắt trong tay thì không biết vì nguyên cớ gì nhà cầm quyền CS bắt và giam giữ thầy. Mà giam giữ thầy trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt trong thời gian rất là dài như vậy. Xin thầy cho biết.

TTS : Cái đó cũng không hiểu được tại sao (...). Ngay những ngày đầu đã như thế. Cái đó có thể các anh còn hiểu nhiều hơn tôi. Trong môi trường đấu tranh chính trị có những ông tới làm việc hỏi tôi (...) thì tôi nói chắc các ông sợ bóng sợ gió sợ ma; tôi chả có làm cái gì (...) tôi chẳng có làm gì mà có thể lật đổ được các ông, các ông sợ cái gì. Còn GH của tôi thì tôi làm thôi, đừng khoa đại việc làm của tôi quá, không có gì quan trọng. Những sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng, quyền tự do, những phẩm giá con người chả có gì là âm mưu lật đổ chính quyền, chuyện đấu tranh giành quyền lực (...) các chuyện đó là của chính người khác. Ngay cả ở ngoài tôi cũng chỉ có đòi Phẩm Giá Của Con Người mà thôi. Đúng ra những cái này ngoài phạm vi giải quyết của tôi. Tôi cũng không hiểu tại sao là ngay cả những năm tôi mới về đây những năm mới thả tù ra, bây giờ tôi cũng chả hiểu lý do gì là tôi đi đâu cũng có khó khăn. Tôi cũng chả hiểu, nói thêm một lần nữa ngoài cái phạm vi hiểu biết của tôi.

ĐT : Thưa thầy có thể cho chúng con biết tình trạng hiện nay của GHPQVNTN không ạ ?

TTS : GHPGVNTN trên thực tế xưa nay vẫn tồn tại. Tên gọi như thế nhưng vẫn là tinh thần chung của PGVN. Do hoàn cảnh là vì do quản lý quyền lực mà người ta đặt trên một pháp lý quyền lực để mà quản lý một cái tập thể thì gây nên những mâu thuẫn giáo hội này kia. Bên này hầu như chả có cái quan niệm là GH nào, danh từ mà GH có 2 chữ Thống Nhất là một bóng ma ám ảnh gì đó đối với chính quyền, mà như một cái bóng đen nào đó tôi không hiểu nỗi. Thì tất cả cái gì đụng tới chữ Giáo Hội Thống Nhất là bằng mọi giá người ta phải tấn công mới được. Cũng hơi khó hiểu một chút, bản thân của nó xưa nay chả có nói chuyện lật đổ bất cứ chế độ nào, tranh giành quyền lợi, ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị nào. Nhưng có cái tệ hại thế này là do cái vận động tuyên truyền của chính phủ, cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ. Người ta vận động ngay cả một số Tăng Ni trẻ năm nay mới hai mươi mấy tuổi. Những người khi tôi bị bắt thì họ chưa có đủ trí khôn để hiểu đời. Khi tôi về tù thì những người đó thành những sinh viên đại học. Thì họ không hiểu được tình trạng PG như thế nào, cũng không có điều kiện nói cho họ biết. Nhiều khi cảm thấy những người như tôi có trách nhiệm nào đó, không gây được sự hiểu biết về vai trò của PGVN ở trong hiện tại. Mà GH hiện tại người ta nói là muốn thống nhất hai GH là thống nhất với GH của nhà nước. Nhưng lập trường của tôi rõ rệt là GHPG hiện tại của nhà nước là GH quốc doanh (...) hơi mỉa mai; nhưng nói rõ ràng là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Cộng sản. Nhưng danh dự của một tôn giáo mà là một thành viên của một bộ phận chính trị thì không bao giờ tôi có thể tham gia bất cứ hoạt động nào ở đó. Tại vì đó là một tổ chức chính trị chứ không phải là một tổ chức tôn giáo. Họ tuyên truyền ngược lại những người Thống Nhất (GHPGVNTN) làm chính trị vì không theo lịnh của chính quyền, còn ngoài ra là cầm tù. Nó gây ra một cái hiểu lầm rất là nhiều mà không cách nào chúng tôi đính chính được trong hiện tại. Vì tất cả các phương tiện truyền thông trong nước đều bị chận, ngay cả mạng internet của tôi một thời gian gần đây cũng bị khóa. Người ta khóa bằng cách gọi là kỹ thuật trục trặc chứ không phải nhà nước cấm. Không thể trả lời vấn đề kỹ thuật với mấy chuyên viên đó được. Cái tình trạng nửa trắng nửa đen.

ĐT : Chúng con xin cám ơn câu trả lời vừa rồi của thầy Tuệ Sĩ, chúng con hiểu rằng những câu hỏi mà hôm nay đưa ra thầy chỉ trình bày trong một chừng mực nào đó. Vì thầy đang ở trong hoàn cảnh khó khăn chúng con hiểu được điều này. Thưa thầy chúng ta chỉ còn đúng 2 phút "phù du" nữa trên đài phát thanh QH ngày hôm nay. Xin anh Nguyên Khôi đọc thêm một số tờ giấy bên ngoài đưa vào.

NK : - Khối Công Dân Công Giáo miền Bắc Cali kính vấn an thầy Thích Tuệ Sĩ.

- Một thính giả là chị Nguyễn thị Huệ có lời hỏi thăm thầy.

ĐT : Còn lại 2 phút phù du ngày hôm nay để thầy có cơ hội nói chuyện với các thính giả đài QH nói riêng và quý đồng bào tại hải ngoại nói chung. Đặc biệt là quý Phật tử mà con biết là mọi người đang rất là xúc động lắng nghe cuộc nói chuyện bất ngờ ngày hôm nay mà thầy Tuệ Sĩ đã dành trực tiếp.

TTS : Tôi mong được nói chuyện với quý đồng bào ở ngoài nước, ở miền Bắc Cali (...) mong rằng như đang nói chuyện trong nhà. Chúng tôi cũng tin rằng không có gì khó khăn có thể xảy ra cho tôi trong hiện tại. Dẫu có gì xảy ra cũng không quan trọng. Tôi muốn nói chuyện được thoải mái, đối với tôi quen sinh hoạt đời sống văn học, đời sống một tu sĩ, đời sống một nghệ sĩ cũng không cách xa bao nhiêu lắm. Tự nhiên đưa đẩy vào cái chuyện đấu tranh tôi không thể ngờ được. Và cho tới hiện tại là nếu có điều kiện yên tĩnh để mình tu dưỡng, viết sách, dịch sách, làm thơ, hoặc là mình chơi nhạc, ca tụng những cái đẹp của cuộc đời, thế thôi. Còn những chuyện đấu tranh giành quyền lực ở ngoài hầu như là cái ác mộng chả hiểu sao càng ngày càng đẩy tôi vào cái thế này.

Nói là cái nghiệp dĩ phải không ? Những cái tham vọng, hận thù của con người qua lớn. Ngay như hiện tại trước những xu thế mới người ta mong có sự tỉnh ngộ để đưa đất nước qua khỏi một cái...(thầy Tuệ Sĩ ngắt lời và chuyển sang câu khác). Một dân tộc tự mình vỗ ngực xưng là vĩ đại, nhưng nhìn từ bên ngoài thì chẳng ra làm sao hết, nghèo đói, rách nát, trình độ học vấn(...)may ra một bộ phận bên ngoài không nói, tôi không khen ngợi quá đáng (...) có làm được vinh dự gì cho dân tộc VN. Còn những người ở trong nước thì những người có khả năng thì đành dấu tên thôi, còn những người không dấu tên mà có khả năng thì chả có điều gì để mà nói được. Đó là thân phận của trí thức VN trong hiện tại.

ĐT : Chúng con cám ơn cuộc phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay. Thầy Tuệ Sĩ đã dành cho ĐDQH của chúng con và hy vọng trong tương lai thầy sẽ không ngần ngại tiếp tục có những cuộc nói chuyện tương tự như thế này dành cho các thính giả đài phát thanh QH trên làn sóng AM 1120. Bây giờ chúng con kính mời thầy lên tiếng chào tạm biệt quý thính giả của đài QH.

TTS : Cuối cùng tôi cũng cảm thấy xúc động cuộc nói chuyện với đồng bào, mong gặp lại nói chuyện trong hoàn cảnh thoải mái hơn; nói cái hay cái đẹp chứ không nói những cái xấu của cuộc đời nữa. Thôi kính chào tất cả quý thính giả của đài QH.


Chú thích : (1) Thầy nói lầm chữ tháng sang chữ ngày; tiêu chuẩn kỷ luật là 9 ký gạo hẩm cho 1 tháng, tính trung bình ngày 2 bửa, mỗi bửa vừa đúng 1 bát cơm (loại bát nhỏ thường dùng trong các gia đình miền Trung và miền Bắc) trộn lẫn với nước muối rất mặn. Trần Văn Long, Lê Quí Hòa, Trương Văn Sương, Hoàng Xuân Chinh, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Ngọc Bảo, Linh mục Nguyễn Văn Vàng, Linh mục Nguyễn Luân, cư sĩ Trần Nam Phương, Lê Ngọc Vàng, Phan Văn Lợi, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Oai v.v...Lê Văn Sanh và đặc biệt (Nguyễn Tú Cường) đã nhiều năm liên tiếp bị cùm kinh khủng như vậy. Đến nỗi đã có một sáng kiến khó tin cho người nghe được nẩy sinh và phát huy. Đó là Nguyễn Tú Cường và 2 tù nhân khác mỗi khi được lết ra khỏi buồng cùm để đi tắm (10 ngày 1 lần) đều cố gắng uống cho thật nhiều nước vào bụng. Số nước tiểu sau đó đã được thận trọng sử dụng cho nhu cầu lọc bớt muối trong những bát cơm quá mặn, thậm chí còn để các anh em kiệt lực có nước để uống, vì lượng nước cấp phát cho buồng cùm là vô cùng nhỏ giọt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn