BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76328)
(Xem: 63018)
(Xem: 40410)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tình Hình Cha Nguyễn Văn Lý Trong Nhà Tù Nam Hà

13 Tháng Sáu 200212:00 SA(Xem: 1014)
Tình Hình Cha Nguyễn Văn Lý Trong Nhà Tù Nam Hà
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Hôm 16-08 vừa qua, anh Nguyễn Văn Dũng, cháu ruột cha Lý, cùng bà thím dâu tên Phong (vợ góa của ông Toàn, con nuôi của song thân cha Lý), đã từ Quảng Biên, Đồng Nai, ra tới trại Ba Sao, Nam Hà lúc 9 giờ sáng, để thăm vị tù nhân lương tâm. Sau khi hai người nộp giấy tờ, lấy cớ số chứng minh nhân dân của Dũng ghi trong đơn bị sai, cán bộ trại giam chỉ cho một mình Dũng được vào gặp. Ngồi chờ tại nhà thăm nuôi với bụng đói tới 3 giờ chiều, anh Dũng mới thấy thiếu tá Nam (giám quản của cha Lý) xuất hiện.

Viên công an mở đầu bằng một màn quát nạt: 'Tôi dặn anh bao nhiêu phen rồi: lâu lâu mới thăm một lần! Cứ đi liên tục như thế, ai mà phục vụ chú cháu anh nổi! Thời gian phải dài ra. Đồ đạc cũng vừa phải. Tôi đã dặn anh đem mỗi lần 5 ký, sao đem nhiều thế này?...' Sau khi làm cho viên công an dịu lại, Dũng mới dỡ đồ thăm nuôi ra. Những thứ cần cần thiết như vật dụng, thức ăn thì gởi vào được (đem 5 phần, gởi được 4 phần, khoảng hai mươi mấy cân).

Đang khi thiếu tá Nam chở đồ thăm nuôi vào để chở cha Lý ra, Dũng ngồi lại một mình với ba cán bộ. Một tay bảo: 'Từ rày về sau, 4 tháng mới được đi thăm một lần. Đi nhiều như vậy không ai giải quyết cho anh đâu!' Dũng trả lời: 'Điều này tùy các anh thôi. Trước hết, tôi chỉ vì tình cảm ruột thịt mới lặn lội cực khổ như vậy. Hơn nữa, như các anh biết, gia đình tôi, người già lão, người bị tù, không còn ai nữa, đâm ra tôi phải gánh vác. Thứ hai, theo gia đình tôi nghĩ, ít nhất trong năm đầu này, phải giúp cho cha Lý thích nghi với môi trường trong trại bằng cách cố gắng thăm nuôi ngài đầy đủ. Sau này chưa chắc một năm đã thăm được một lần. Điều này hoàn toàn có lợi cho trại, chứ có gây khó khăn gì đâu!'. Nói đến đây thì ông Nam chở cha Lý ra. Lúc đó khoảng 3 giờ 10 phút. Cha chạy tới ôm lấy Dũng. Mở đầu, cha trả lời những thắc mắc của bạn bè xa gần về chế độ giam giữ đối với cha (mà nhiều người tưởng là ưu đãi, thoải mái).

Hiện giờ, cha cho biết, hình thức giam giữ cha là hình thức nặng nhất của trại, dạng vi phạm kỷ luật nặng. Cách đây hơn thập niên, khi còn ở trại tù Thanh Cẩm, cha cũng bị giam kiểu này 3 năm, nhưng chẳng trầm trọng khắc nghiệt như bây giờ. Nay cha bị nhốt không phải trong một ngôi nhà tiện nghi, nhưng trong một phòng biệt lập, rộng 3m, dài 4m5. So với những người tù khác, giam tập thể, thì diện tích này tương đối khá lớn. Nhưng vấn đề là ở chỗ Cộng sản muốn làm cho cha bị cô độc, cách ly hoàn toàn. Hiện giờ mỗi ngày cha chỉ được mở cửa cho ra ngoài hai lần, sáng và chiều. Ra ngoài nghĩa là đi ra một cái sân 6m vuông, có hàng rào kẽm gai. Bên ngoài hàng rào là khoảnh đất rộng hơn, luôn có người canh giữ.

'Ngôi nhà' cách ly này nằm trong khu vực trại viên nhưng rất hẻo lánh, cha Lý chẳng thấy bóng ai. Cả ngày thui thủi một mình. Có hai người tù đưa cơm nước tới, nhưng không được nói gì với cha. Thỉnh thoảng cha có cho họ ít quà gia đình gởi vào, họ cũng chẳng dám đứng lại tâm sự. Thời gian qua, cha nhận thấy, các cán bộ, kể cả những tay cao cấp muốn nói chuyện với cha đều ngoắc cha ra phía ngoài, không dám nói trong nhà. Như vậy trong nhà có thể có máy ghi hình và máy ghi âm. Cha còn cho Dũng biết: ngay cả chỗ ngồi thăm gặp thân nhân cũng có máy ghi âm. 'Nhưng những gì cần nói, thì chú cháu ta cứ nói. Nhà nước ghi âm mặc xác họ. Việc mình mình làm!' Rồi quay sang viên thiếu tá Nam, cha Lý bộc trực: 'Mình từng đả đảo Pháp, chống thực dân Pháp, kết án Pháp man rợ, nhưng trong nhà lao của Pháp, tù phạm nặng nhất vẫn được giữ giấy và bút mực. Còn nhà lao của chế độ ta lúc nào cũng thấy tuyên dương là nhân đạo lắm, ngon lành lắm, nhưng cho tới giờ này tôi vẫn chưa được phép giữ giấy và bút. Đây cũng là một lối cô lập hóa con người. Nói thế là anh đủ hiểu!'

Để tránh sự cô độc này, mỗi ngày cha Lý cầu nguyện 6 tiếng đồng hồ. Giờ cầu nguyện là quan trọng nhất, ưu tiên số một. Nhờ cầu nguyện nhiều như vậy, lúc này mức độ kết hợp của cha với Chúa, theo cha cảm nhận, rất là cao. Suốt cuộc đời linh mục, chính thời gian này cha cảm nghiệm được Thiên Chúa cách mạnh mẽ và cụ thể nhất, hơn hẳn khi còn tự do làm việc mục vụ ở ngoài đời. Cha nói thời gian mình cố gắng làm cho Giáo hội, cho đất nước, cho dân tộc đã xong rồi. Nay là thời gian Chúa muốn cha sống kết hợp với Chúa. 'Nhờ mức độ cầu nguyện nhiều như vậy, cha Lý nói với Dũng, nên nếu Cộng sản có sức giam chú tới 15 năm thì chú cũng sống nổi, qua nổi'. Ngoài giờ cầu nguyện, để thư giãn, cha đọc sách, học sinh ngữ.

Dĩ nhiên ngay từ đầu cha đã nhiều lần yêu cầu được giam chung với mọi anh em trại viên, nhưng lần nào người ta cũng khước từ, vì cha bị liệt vào hạng nguy hiểm số một, trại không muốn ai tiếp xúc. Ngay cả cán bộ canh giữ và tù nhân đưa cơm cũng bị đổi liên tục. Nhiều lúc cha muốn cho quà, mà chẳng biết cho ai. 'Sao chú không tuyệt thực để tranh đấu đòi chuyện giam chung này?' Dũng hỏi. 'Tranh đấu bằng tuyệt thực, cha Lý trả lời, thì trong này một mình chú, chẳng ai vào, chẳng ai biết. Qua những lần đã tuyệt thực trong Huế, chú nhận ra dấu chỉ Chúa không muốn phương pháp đó. Thành thử sẽ không tuyệt thực để tranh đấu nữa. Tuy nhiên chú cũng sẽ tiếp tục nêu lên đòi hỏi này, và cũng mong mọi người bên ngoài lưu ý cho'.

Thành thử với bản tin này, chúng tôi muốn báo động với thế giới về lối đối xử tàn bạo Cộng sản đang dành cho cha Lý, lối đối xử họ học từ Staline: biệt giam các nhà trí thức và giáo sĩ cho đến khi trở nên điên khùng. Tuyên án cha Lý cách bất công tàn bạo, Cộng sản nay áp dụng bản án càng tàn bạo thâm độc hơn.

Về tin đồn cha bị đầu độc chết (tung ra sau chuyến thăm nuôi tháng 6, khiến Đức Cha Nghi đã phải cho người vào Quảng Biên dò la thăm hỏi), cha cho Dũng biết: 'Tất cả số quà gởi vô đây, cán bộ không đưa ngay vào cho chú, nhưng chuyển đến phòng của họ để kiểm soát đã. Đợt nào nhanh lắm, 3 ngày sau thì nhận được. Khi họ bận việc hay vì lý do nào đó, thì 5-7 ngày mới nhận. Thành ra chuyện đề phòng thức ăn bị bỏ thuốc độc là vô ích. Đề phòng chi được một khi đã vào đây! Mọi cái đều qua tay của họ. Cháu về nói với bà con hãy tin rằng nếu Chúa muốn chú chết trong này thì chú sẵn sàng; và trong tư tưởng, chú luôn dọn mình về với Chúa bất cứ mọi lúc. Còn nếu Chúa muốn chú sống, thì dù Cộng sản có bỏ thuốc độc bao nhiêu lần cũng vô ích thôi. Có bàn tay Chúa chở che, họ chủ tâm đầu độc cũng đành chịu. Đó là xác tín của chú!'

Về chuyện thư từ, trại cho phép cha viết mỗi tháng một lá, và tổng cộng từ khi ra trại đến giờ, cha đã viết 9 lá nhưng trong thực tế, gia đình mới chỉ nhận được ba lá thôi. Đầu thư bao giờ cha cũng ghi: 'Xin cầu nguyện cùng Thiên Chúa ban phước lành cho gia đình, cho tổ quốc, cho những người đang giam giữ tôi'. Có lẽ ghét câu này, nên cán bộ trại chặn thư lại. Cha nói: 'Không can chi! Nếu chuyển về, con cháu trong nhà đọc được, thì hướng lòng cầu nguyện cho chú. Còn nếu Cộng sản giữ lại để đọc, để kiểm soát thì họ có cơ hội biết thêm về Chúa. Cũng ích lợi thôi!'

Cha Lý nói tất cả những điều này với thái độ ung dung bình thản, dù trước mặt là viên thiếu tá Nam cùng vài tay công an khác, và lẩn khuất đâu đó là máy ghi âm! Cuộc thăm gặp kéo dài hơn một giờ.

Điểm đặc biệt của lần thăm nuôi này thái độ khe khắt thấy rõ của trại. Dũng vừa nộp đơn xong thì cán bộ trại hỏi anh đến bằng phương tiện gì. Dũng nói đi xe honda ôm. Công an bèn kêu ông xe ôm tới hỏi, rồi ghi biển số xe của ông liền. Từ trước tới giờ không như vậy. Cùng thăm nuôi hôm ấy có khoảng mười mấy người khác, nhưng các chủ xe ôm của họ chẳng bị ghi biển số gì cả. Dũng có đem đến cho cha Lý nhiều sách, trong đó có cuốn 'Hãy ra khơi. Ad limina 2002' của HĐGMVN (bên trong in huấn từ của Đức Thánh Cha gởi cho các GM), cuốn 'Đánh thức con rồng ngủ quên', cuốn 'Hành trang bước vào thiên niên kỷ mới' là hai tập sách về kinh tế. Sách đạo trộn với sách đời. Tất cả đều bị trả lui. Trước khi cha Lý đến, cán bộ trại còn cấm Dũng không được nói cho cha biết là có bà Phong, chị dâu của cha, ngồi chầu rìa ở ngoài. Tiết lộ ra là sẽ không bao giờ được thăm nuôi cha nữa. Mấy chục bịch sữa tươi (250ml) đem theo cũng không được nhận. Nài nỉ lắm cuối cùng ông Nam mới cho gởi một ít. Chắc là sau một thời gian, thấy cha Lý vẫn giữ thái độ ung dung, kiên cường, sống thẳng nói thật, khó 'giáo hóa' nổi, nay người ta đổi chiến thuật, dùng biện pháp khắt khe, sát ván với cha. Hãy chờ xem những đòn thù mới của Cộng sản!

Tưởng cũng nên nói thêm về hai người cháu của cha Lý là Cường và Việt vốn đang tiếp tục bị giam giữ cách bất công. Lần đi thăm mới rồi (10-6), anh Dũng thấy tinh thần của hai người em bỗng chốc trở nên vững chãi, nhất là Cường -trước đây khủng hoảng- nay tỏ ra bình thản lạ! Cường cho biết trước đó, trong tháng 05, Cường đã thấy ba (ông Nguyễn San, mất năm 1996) hiện về hai lần, khuyên con 'hãy can đảm chịu đựng, bình thản yên tâm, có ơn Chúa giúp và lời ba cầu nguyện'. Nên khi gặp mặt, thay vì để gia đình an ủi, Cường lại động viên: 'Hãy can đảm, chớ lo lắng. Em ở trong này 3 năm, 5 năm, 7 năm cũng được. Không sao cả! Phía gia đình cứ an tâm. Chúa sắp xếp đâu vào đó rồi!' Gặp mặt, Việt cũng nêu hiện tượng đó, cho biết ông San cũng đã hiện về hai lần với Việt trong giấc mơ như vậy, làm cho Việt vốn đã bình thản chấp nhận nay càng bình thản thêm. Viện kiểm sát hẹn sẽ đưa ra toà khi hai người bị giam đúng một năm ba tháng, nhưng rồi chẳng thấy gì. Dũng hỏi lại thì họ cho biết khoảng 3 tháng nữa (đúng một năm rưỡi). Quả là một nền tư pháp vô nguyên tắc, bất chấp luật lệ, hành động theo cảm tính, chẳng hề quan tâm đến nỗi khổ của nhân dân. Hiện nay gia đình bà San vẫn phải đóng 500 ngàn mỗi tháng cho mỗi người con. Nếu đau yếu thì phải thêm tiền thuốc men nữa! 'Chế độ lao tù của ta ưu việt' thật!

Về hai người cháu đó, cha Lý nói với anh Dũng lúc thăm gặp: 'Theo chú nghĩ, họ muốn dằn mặt chúng ta, chứ Việt và Cường làm chi nên tội. Giam lâu như thế cũng là trái phép. Theo luật hình sự, sau khi bắt, cơ quan điều tra có quyền tạm giam 6 tháng. Sau đó phải chuyển qua viện kiểm sát để tha bổng hay đem xử toà. Đằng này giam hơn một năm rồi mà chưa kết luận vụ việc là vì lý do gì ? Chắc chỉ có ý dằn mặt thôi. Cho thân nhân khổ sở vì liên lụy với chú, cho chú khổ sở vì để thân nhân bị liên lụy. Nhưng không can chi. Gia đình hãy vui lòng hy sinh vì Giáo hội. Họ ưa giam bao nhiêu thì giam. Các cháu cứ bình tâm và kiên trì cầu nguyện. Chẳng có chuyện chi xảy ra ngoài thánh ý Chúa!'

Trong chuyến thăm nuôi lần trước (xin xem lại Bản tin ngày 11-06-2002), cha Lý đã có nhờ gia đình đi gặp Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức Tổng Giám mục Huế để thưa vài chuyện. Thành thử thứ tư ngày 19 tháng 6, anh Nguyễn Văn Dũng đã lên xe ra Huế và sáng ngày 20 tới tòa giám mục xin gặp ĐC Têphanô Nguyễn Như Thể. Cha quản lý lần này thu xếp cho gặp liền.

Trình bày chuyện thứ nhất (cha Lý xin thôi quản xứ An Truyền), Dũng thưa: 'Trước cuộc đi thăm tháng sáu của gia đình chúng con, bộ nội vụ có tới trại Ba Sao làm việc với chú của con một ngày. Họ nói cùng cha Lý: 'Linh mục bảo là tranh đấu cho Giáo hội, nhưng chính hàng giáo phẩm trên có ai ủng hộ, có ai đoái hoài gì tới linh mục đâu! Linh mục đã làm một chuyện vô ích, chuốc họa vào thân, một mình gánh chịu!' Cha Lý nghe như vậy thì buồn lắm. Cha nói với o Hiểu của con lần thăm nuôi đó: 'Bổn phận và lương tâm đã buộc em phải đấu tranh cho tự do của Giáo hội. Vì biết mà không nói không làm thì có lỗi trước mặt Chúa. Nay em tự thấy đã thi hành xong phận sự của mình, chẳng ray rứt áy náy gì cả. Dĩ nhiên đã có người ủng hộ, có người phản bác. Có người đã đưa em lên tận chín tầng mây, nhưng cũng có người vùi dập em xuống chín tầng địa ngục. Sự đời là thế! Không can chi cả! Tuy nhiên có một điều mấu chốt. Nếu Đức cha Thể cứ im lặng liên tục và lâu dài như vậy, thì xin chị hay mấy cháu thưa với ngài cho em thôi chức quản xứ An Truyền'. Nay con xin trình bày lại như vậy với Đức Cha, xin Đức Cha cho ý kiến, để dịp thăm chú con tới đây, con sẽ trả lời cho chú rõ'. ĐC Têphanô bảo Dũng: 'Nói Giáo hội Việt Nam im lặng thì không phải! Giáo hội sẽ làm nhưng sẽ làm cách đồng loạt chứ chẳng riêng một mình cha (=ĐC). Điều này phải đợi thời gian. Có điểm đáng nói là sau chuyện cha Lý tranh đấu, nơi một số Giáo hội ở hải ngoại có xảy ra mâu thuẫn. Riêng Giáo hội Việt Nam tới giờ này có chia rẽ nhưng không đáng kể và vẫn đang trong tinh thần hiệp nhất. Đó là một điều quan trọng. Điều quan trọng thứ hai: Giáo hội sẽ làm nhưng làm lúc nào, thì trong chế độ CS này, không thể nói ra trước được. Hai mươi mấy năm ở với họ đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm. Đến lúc nào làm thì mới hay! Còn chuyện quản xứ An Truyền thì cha không quyết định, nếu chú của con cảm thấy cần thôi chức quản xứ, thì cứ thôi. Nếu muốn giữ thì cứ giữ, cha không quyết định'.

Trình bày chuyện thứ hai (xin ĐC lên tiếng về vụ án cha Lý), Dũng thưa: 'Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu vì vấn đề ngoại giao, còn nhiều khúc mắc trở ngại, Đức Cha chưa thể công khai ủng hộ cuộc đấu tranh của cha Lý thì ít nhất xin Đức cha lên tiếng bác phiên tòa bất công hôm tháng 10 năm rồi, vì đây là việc rất chính đáng, chẳng đụng chạm gì tới chính trị gì cả'. Đức cha Têphanô trả lời: 'Có lắm người đã đề nghị với cha chuyện ấy. Cha cũng đã bàn bạc rất nhiều. Con hãy về nói với gia đình, với mọi người: Cha sẽ phản đối, phải phản đối, nhưng lúc nào thì chưa nói được. Còn cách nào thì HĐGM sẽ quyết định'. Dũng thưa tiếp: 'Cán bộ cộng sản còn nói với cha Lý là ngài nằm trong tình trạng bị hoàn toàn bỏ rơi'. Đức cha Têphanô trả lời: 'Nói bỏ rơi thì không đúng! Người như cha Lý, Giáo hội không thể nào bỏ rơi. Nhưng Giáo hội có cách làm của Giáo hội. Trước mắt, xin gia đình cũng như mọi người cầu nguyện. Mình làm một phần, còn lại Chúa làm. Mà Chúa làm thì sẽ thành công!'

Sau khi gặp Đức TGM Huế được khoảng một tiếng, Dũng lên xe vào Nha Trang liền, và ngày thứ sáu 21-06 đã có mặt tại tòa giám mục. Tiếc thay Đức cha Chủ tịch HĐGMVN vắng mặt vì bận họp ở Sài gòn. Thành thử đành xin gặp cha Quang thư ký. Anh Dũng vào đề ngay: 'Con tới đây là để chuyển đạt lại lời chú của con và xin Cha thưa lại với Đức Giám mục Chủ tịch. Cha Lý nói: 'Xin Đức Cha hãy can đảm. Đức Cha cũng như con và mọi người đều thấy rõ là các tôn giáo tại Việt Nam đang bị áp bức bách hại, đối xử bất công, và con cùng bao vị lãnh đạo tinh thần khác đã lên tiếng tố cáo điều này. Nay xin Đức Cha với tư cách Chủ tịch HĐGM, lên tiếng ủng hộ các nhà đấu tranh tôn giáo. Nếu vì vấn đề ngoại giao mà chưa thể lên tiếng ủng hộ, thì ít nhất xin ĐC hãy phản đối phiên tòa bất công con đã gánh chịu. Phiên tòa đó, ngay cả những người bình thường, có lương tri, có lương tâm đều lên án, huống nữa là các bề trên trong Giáo hội như Đức Cha. Xin Đức Cha hãy lên tiếng vì sự thật, vì công lý, chứ không phải vì bản thân con. Với bản án như vậy, con có thể chết trong tù và con vui lòng chấp nhận. Con đã làm xong nguyện ước nói lên sự thật cho Giáo hội và dân tộc rồi. Nay Chúa muốn kêu về lúc nào thì con sẵn sàng lúc đó, chẳng có gì tiếc nuối cả. Chỉ còn lại vấn đề lương tâm của con người và trách nhiệm của Giáo hội'. Xin cha thưa lại với Đức cha những lời nói ấy của chú con'.

Cha thư ký trả lời: 'Được! Tôi sẽ chuyển lại tất cả, đầy đủ lời nói ý tưởng của cha Lý. Tôi sẽ trình bày rõ rệt với Đức cha Chủ tịch'.

Vậy chúng ta hãy chờ xem chủ chăn, bản quyền, bề trên của cha Lý cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ thực hiện lời hứa nói trên như thế nào. Ngoài ra, có một vấn đề nổi cộm đang làm nhức buốt lương tâm mọi người dân Việt, đó là hai hiệp định Việt Trung về lãnh thổ và lãnh hải. Hàng ngàn cá nhân, tổ chức đạo đời của người Việt yêu nước quốc nội lẫn hải ngoại đã lên tiếng. Những ai nắm được thông tin thì đều mạnh mẽ lên án Cộng sản bán nước, những ai còn nghi ngờ thì đều yêu cầu đảng CS và nhà nước VN phải công bố hai bản hiệp định.

Trong số ít các tổ chức còn chưa lên tiếng, nổi bật nhất là Hội đồng Giám mục Việt Nam. Mọi người Việt lương giáo khắp nơi đang chờ xem trong Đại hội thường niên sắp tới của Hội đồng Giám mục (tháng 9 hoặc tháng 10), các phát ngôn nhân của lương tâm sẽ hành động thế nào trước vụ kết án cha Lý, các gương mẫu về lòng ái quốc sẽ hành động thế nào trước vụ ém nhẹm hai hiệp định, các thầy dạy luân lý sẽ hành động thế nào trước việc cộng sản tiếp tục áp bức và lừa gạt nhân dân, các mục tử của dân Chúa sẽ hành động thế nào trước việc nhà nước khống chế nhân sự và cướp bóc tài sản của Giáo hội !!!

Phóng viên tường trình từ Huế
Theo VB
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn