BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73853)
(Xem: 62302)
(Xem: 39493)
(Xem: 31216)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Ngày Tháng 4 Lại Về...

14 Tháng Tư 20237:08 SA(Xem: 1112)
Những Ngày Tháng 4 Lại Về...
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
LỜI DẪN
Gia đình tôi cũng kể là may mắn vì, tuy đông người, nhưng cũng đã đi qua cuộc chiến mà không sứt mẻ gì. Sau 1975, cả nước cùng nghèo, gia đình tôi cũng nghèo, mẹ tôi cũng phải chạy ăn từng bữa, bữa có bữa không, nhưng anh em tôi cũng lớn lên, mà con người hình như chóng quên và hay thi vị hoá, nên lâu lâu ngồi nhắc lại những ngày sau 1975, chúng tôi cũng chỉ gật gật đầu, ừ, thì cũng khổ thiệt, rồi kể lại những kỷ niệm vui vui về những năm đó, hoặc quay qua nói về chuyện khác.

Từ khi lấy vợ sinh con rồi qua Mỹ định cư, mấy năm tôi lại về lại Việt Nam thăm gia đình một lần. Mấy lần đầu, tôi ở Sài Gòn không bao nhiêu ngày, mà thường đi du lịch khắp nước, phần muốn cho con cái tôi hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam trước khi các cháu lớn phải chú tâm hơn vào việc xây dựng tương lai, phần tôi cũng muốn thăm lại những nơi tôi đã từng đi qua trước kia khi làm việc cho đoàn sinh viên Mỹ SIT ở Khoa Việt Nam học, Đại học KHXH&NV ở Sài Gòn.

Mấy lần sau, không còn cùng đi với các con nữa, tôi cũng chán lang thang, nên có thì giờ ở Sài Gòn nhiều hơn, và vì vậy cũng có nhiều thời giờ hơn để gặp gỡ, ôn kỷ niệm với bạn bè ngày xưa, cả những bạn thời trung tiểu học lẫn đại học. Năm tháng đã qua đi nhiều, người ta đã già đi, và cũng đã có quãng thời gian đủ dài ngăn cách để có thể bình tâm nhìn lại những biến cố đã qua như chúng thực sự đã là, mà không thấy cần thiết phải dấu diếm che đậy.

Về Mỹ, tôi tìm lại những tác phẩm từng nghe nhưng chưa đọc, những tác phẩm như “We the Living” của Ayn Rand, “Children of the Arbat”, “1935 and Other Years”, “Fear”, “Dust and Ashes” của Anatoly Rybakov, là những quyển truyện nói về một nơi chốn khác, một thời gian khác, một lớp trẻ khác, nhưng sao chúng lại rất giống với một nơi chốn, một thời gian, một lớp trẻ là chúng tôi ngày ấy, hồn nhiên, ngây ngô, buồn chút chút, vui nhiều nhiều, để rồi chợt nhận ra mình đã thật vô tâm trước quá nhiều đớn đau và mất mát...

NHỮNG NGÀY THÁNG 4 LẠI VỀ… 

Ba tôi có tổng cộng 12 người con, 9 trai 3 gái. Ba tôi thường nói trong nhà phải có 1 đứa làm bác sĩ, 1 làm luật sư, 1 làm kỹ sư, 1 làm giáo sư. Ba tôi quyết định tôi làm kỹ sư và bắt tôi thi vào ban Toán trường Kỹ thuật Cao thắng. Đó là năm 1972. Lúc đó tôi đang học lớp 7 trường trung học Nghĩa Hoà trên đường Nguyễn Văn Thoại (bây giờ là Lý Thường Kiệt). Ngày ngày đi học tôi đều đi qua mấy quán snack-bar có mấy cô gái mặc mini-june in bông xanh đỏ vàng cũn cỡn, cô thì vắt vẻo trên những chiếc ghế cao trước cửa quán tám chuyện, cô thì túm năm tụm ba níu kéo chào mời mấy anh lính Mỹ. Mấy anh này vui nhộn lắm, nhất là đám Mỹ đen, cứ nghe nhạc kích động là hè nhau đứng lại nhảy cà tưng cà tưng. Nhiều anh còn quậy kinh, đang đi tửng tửng nhún nhảy chợt ngã bò xuống đường nhìn ngược lên váy mấy cô rồi phá ra cười hô hố. Các cô ngó xuống thấy, ré lên nhào vô đấm thùm thụp vào lưng mấy anh lính tinh nghịch. Tôi đứng đó cũng nhe răng, nhăn nhăn nhở cười.

Thời Pháp, ba tôi tốt nghiệp bằng Thành chung, đọc tiểu thuyết Pháp như đọc tiếng Việt. Ba tôi cũng có học thêm tiếng Mỹ một năm. Khi hai anh tôi lên trung học, ba cho hai anh theo học sinh ngữ Pháp, nhưng đến đời tôi, người Mỹ đã có mặt khắp nơi ở Việt Nam, ba cho học tiếng Anh theo với thời thế. Ngày đầu tiên ba dạy tôi mấy chữ “chair", "box", "pen", "pencil” trong quyển English for Today, tôi thích lắm, đi đâu cũng lẩm bẩm “chair", "box", "pen", "pencil” rồi thích chí cứ tủm tỉm cười. Tôi nhớ một hôm đang cùng đám bạn trong xóm đi học, trời mưa đêm trước nên đường trơn và lầy lội, tôi trượt chân ngã vào vũng nước cạn. Lúc đó có một anh lính Mỹ đi ngang, đưa tay kéo tôi đứng dậy. Khi nghe tôi nói “Thank you”, anh Mỹ ngạc nhiên lắm, hỏi lại “You’re a student?” tôi đáp liền “Yes!" Anh Mỹ thích quá, móc sing-gum ra cho. Mấy bạn cũng được ăn ké, nên thích và nể tôi ra mặt, rỉ tai nhau tôi là “vua tiếng Anh”, nghe rất ngọt tai.

Dạy tôi được khoảng một năm tiếng Anh, ba tôi hết chữ, nên khi tôi bắt đầu đệ lục, tức lớp 7 bây giờ, ba tôi cho đi học trường London School, lúc này còn dưới sự điều hành của bà Contento người xứ Scotland, chứ chưa chuyển giao cho thầy Kirby, cựu trung tá Không quân Hoa Kỳ kiêm mục sư. Trường nằm ngay sau lưng trường trung học Kiến Thiết gần khu chợ Bàn Cờ. Không hiểu sao tôi không thích môn toán lắm, dù học cũng không tệ, nhưng khá môn tiếng Anh, lại được bạn bè nể, thầy giáo cũng khen nhiều, nên tôi không thích chuyển trường và chỉ thích ở lại trường Nghĩa Hòa, dự tính là sẽ theo ban C để sau này đi Văn Khoa hay Luật. Lúc thấy tôi không chịu ôn toán để dự tuyển vào lớp 8 trường Cao Thắng, ba tôi điên tiết vớ lấy mấy quyển sách trên bàn ném vào đầu. Ông anh cả lúc đó đang học Đại học Luật thấy vậy chay ra can. Sau đó anh bắt đầu giúp tôi ôn thi. Hè năm đó tôi trúng tuyển, hạng 29/40 trong tổng số 4.000 thí sinh từ khắp các tỉnh miền Nam về Sài Gòn dự thi.

Lúc đó, hình như nhờ sự giới thiệu của ông Ngô Trọng Hiếu, nghe nói lai Phi-luật-tân, dân Tây, có tên là Paul Hiếu, làm bộ trưởng Công dân vụ dưới trào ông Ngô Đình Diệm, con gái là Ngô Mộng Trai, khoảng năm 1986 về dạy tiếng Pháp cùng với tôi dạy tiếng Anh ở Khoa Ngoại ngữ trường Cao Đẳng Sư Phạm, ba tôi được nhận vào làm concierge ở một chung cư cao cấp ở số 275 đường Công Lý, cạnh ngã tư Yên Đỗ, tức Lý Chính Thắng bây giờ. Chung cư có tất cả 6 block, mỗi block có 6 phòng chia ra nằm đều hai bên một cầu thang rộng. Gọi là chung cư cao cấp vì có khá nhiều nhân vật cao cấp ở đó, chẳng hạn Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, ở trên lầu 3 nhưng dưới cầu thang tầng trệt lúc nào cũng có 2 người mật vụ ăn ngủ 24/24 để bảo vệ. Ba tôi không ưa hai người mật vụ này, thường gọi họ là chó săn. Rồi có ông McKenzie, người Ăng-lê, cấp hàm trung tá, làm cố vấn cho Cảnh sát Quốc gia có Tổng hành dinh trên đường Trần Hưng Đạo. Rồi một người Pháp làm tùy viên sứ quán, rồi một người Mỹ, có lẽ là nhân viên tình báo CIA và theo lời bà bếp thì hay chửi cạt-tem (goddamn) và bú-shịt (bullshit) mỗi khi không vừa lòng cái gì.

Về người Việt thì có GS sử học Nguyễn Thế Anh, lúc này đã thôi chức Viện trưởng Viện Đại học Huế và đã về Đại học Văn khoa nắm Khoa Sử, có vợ là người Anh gốc Phi Luật Tân-Bồ Đào Nha, dạy ở Hội Việt-Mỹ, rất quý ba tôi, có 4 đứa con 2 trai 2 gái là André, Bobo, Michelle, và Cathy, sàn sàn tuổi anh em tôi. Sáng sáng tụi nó đi học trường Marie Curie cũng trên đường Công Lý cách chỗ chúng tôi ở khoảng 2 km, chiều chiều thường từ lầu 2 xuống sân cỏ rộng phía dưới chung cư đá banh hay đánh nhau, vật lộn với anh em tôi, khi tức khí vì thua hay chửi mẹc, mẹc! Sát bên nhà GS Nguyễn Thế Anh là GS Mai Trần Ngọc Tiếng, dạy ở Đại học Dược, hai ông bà hết sức dễ thương, nhỏ nhẹ, ít nói và rất nghiêm khắc với sinh viên. Ngoài ra còn một giáo sư đại học nữa cũng ở cùng block với GS Nguyễn Thế Anh và GS Mai Trần Ngọc Tiếng, là GS Nguyễn Đình Ngọc, dạy toán ở đại học Khoa Học, đầu cạo trọc, quần áo xuề xòa, thậm chí hơi sộc xệch, hành tung luôn bí mật, thoắt ẩn thoắt hiện, và hình như trong cạp quần lúc nào cũng giắt khẩu súng ru-lô, nghe anh cả tôi nói lại như vậy. Sau này anh Xuân Hùng ở Úc khẳng định GS. Ngọc là việt cộng nằm vùng, sau 30/4/1975 sinh viên thấy ông đeo quân hàm bộ đội.

Các cư dân khác mà tôi còn nhớ là một ông kỹ sư, không biết đi làm lúc nào trong ngày, nhưng chiều nào cũng thấy ông vận quần soóc áo thun trắng lái xe hơi trắng đi đánh tennis, có vợ đầm cưới nhau khi ông còn là du học sinh bên Pháp và có bà mẹ thương người nhưng cũng rất nghiêm, giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát và đầy uy lực. Một người khác là thương gia xuất nhập khẩu, ở cùng block với Tổng trưởng Phạm Kim Ngọc, có hai con, một gái một trai, con trai thứ tên Tuyền, con gái đầu trạc tuổi tôi tên Bích, hình như học trường Regina Mundi (Couvent des Oiseaux), góc Công Lý-Phan Thanh Giản (bây giờ là Điện Biên Phủ), tóc xõa ngang vai, dáng người mảnh khảnh, cứng nhắc, mặt ít lộ cảm xúc, như bất động, mắt luôn nhìn thẳng trước mặt, chiều chiều hay mặc áo đầm vải thô mỏng thắt eo, đạp xe vòng vòng quanh sân cỏ, tối tối hay ngồi cửa sổ buông rèm đánh pi-a-nô. Lúc đó tôi 13 tuổi, thấy Bích đẹp lắm, như hình vẽ trong các bức tranh con gái quý tộc Âu châu xưa.

TRUONGCAOTHANGTrở lại việc tôi trúng tuyển vào trường Cao Thắng. Ngôi trường này nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, giữa Công Lý và Pasteur, cựu học sinh trường gồm những vị mà khỏi giới thiệu ai cũng biết như Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Thiệu, GS-TS Võ Tòng Xuân, v.v. Học sinh Cao Thắng phân biệt với học sinh các trường trung học khác ở chỗ đi học thường kè kè cái bảng gỗ và cây thước T để vẽ kỹ nghệ hoạ, áo quần đồng phục mầu xanh dương sậm, trước ngực có bảng tên, bên tay trái có khâu huy hiệu trường. Ngày đầu tiên mặc đồng phục xanh đi học, tôi thấy oai lắm, tự hào lắm, càng tự hào hơn khi hàng ngày đi bộ đến trường, nếu có đàn anh Cao Thắng nào cưỡi xe máy ngang qua thì luôn dừng lại cho tôi quá giang đến trường, chắc thấy tôi lớ ngớ, sợ bị đám Marie Curie phục đánh. Chuyện hiềm khích giữa dân Cao Thắng và đám Marie Curie bắt đầu trong một buổi đá banh liên trường ở sân vận động Hoa Lư đối diện Đài truyền hình. Trận đó Marie Curie thua, nên tức khí, bèn gọi nhạo dân Cao Thắng là mấy thằng Esso (dân bán xăng). Bị hạ nhục, dân Cao Thắng chạy về trường xách mỏ-lết lên tẩn cho đám tây con Marie Curie một trận tơi tả. Hai bên đâm thù nhau từ đó.

Trai Cao Thắng. Phía sau là tượng ông Cao Thắng, ông tổ đúc súng của Việt Nam, trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê 1885-1896.
Trai Cao Thắng. Phía sau là tượng ông Cao Thắng, ông tổ đúc súng của Việt Nam, trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê 1885-1896.

Mà dân Cao Thắng thì hung hăng, đụng một tí là về trường hô hào anh em vác búa vác mỏ lết, phóng xe Honda đèo nhau đi đánh lộn, nên kẻ thù khắp nơi. Không biết từ hồi nào giữa các trường trung học nam nữ ở Sài Gòn đã phân chia ngầm lãnh địa với nhau. Gái Gia Long là của các anh Cao Thắng, dứt khoát là vậy vì đã có thơ truyền khẩu: “Trai nào oai bằng trai Cao Thắng/gái nào đẹp bằng gái Gia Long”. Bởi vậy, học trò Pétrus Ký (bây giờ là Lê Hồng Phong) hễ lò mò qua rình rập sau mấy gốc cây trước trường Gia Long để tán gái là ăn đòn ngay. Còn gái Trưng Vương mặc định là thuộc sự quản lý của con trai Võ Trường Toản, có lẽ phần vì hai trường ở gần sát nhau bên góc trái của sở thú Sài Gòn. Từ 1972 khi tôi vào trường đến tháng 4, 1975 khi anh em bắt đầu tan tác, đã xảy ra hai trận “chinh phạt” của các đàn anh Cao Thắng mà tôi được tận mắt thấy hoặc nghe nói về ngay sau khi sự kiện xảy ra.

học sinh Pétrus Ký
Học sinh Pétrus Ký

Trận đầu tiên là ở nhà sách Khai Trí, có lẽ là nhà sách lớn và nổi tiếng nhất miền Nam thời trước 1975 với cơ man nào là sách đông tây kim cổ, sách của các tác giả Việt, sách dịch của các nước trên thế giới, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hoa, xuất bản ở Việt Nam, nhập về từ nước ngoài, đủ cả. Vì quá nhiều sách, người mua lúc nào cũng nườm nượp nên ngoài cô thu ngân vận áo dài xanh lơ hoặc hồng nhạt quần trắng ở quầy thu ngân gần cửa sắt ra vào còn có một đội chuyên rình bắt những người trộm sách hoặc nhắc nhở, đuổi ra ngoài những chuyên gia coi cọp. Tôi nhớ sáng đó khoảng 9 giờ, tôi đang đứng đọc ké quyển Cây tre trăm đốt (lúc này tôi đã qua thời đọc Tuổi Hoa và chưa đủ lớn để đọc Tuổi Ngọc) thì thấy ai khều nhẹ vai mình và một giọng ghé nhanh vào tai nói khẽ: “Em về trường đi”. Nhìn lên, thấy người nói là một đàn anh áo xanh đang đi ra phía cửa. Biết có chuyện, tôi lẹ bỏ sách lại vào kệ đi ra, vừa qua khỏi cửa được mươi bước thì nghe ồn ào phía sau. Quay đầu lại, tôi thấy hai ba anh Cao Thắng đang kẹp cổ thụi một anh nhân viên nhà sách. Lúc này đám nhân viên nhà sách cũng túa ra giải vây cho đồng bọn và đánh trả, ầm ĩ cả một dãy phố góc Lê Lợi-Công Lý.
Nữ sinh Gia Long với vẻ đẹp hớp hồn các anh trai Cao Thắng
Nữ sinh Gia Long với vẻ đẹp hớp hồn các anh trai Cao Thắng
Trận thứ hai vang dội hơn. Chúng tôi hình như không ưa gái Trưng Vương, thấy họ đanh đá dữ dữ thế nào, nội nghe cái tên có vần “ương ương” là đã thấy ngại! Vậy mà một hôm một số anh em Cao Thắng không hiểu hứng chí thế nào lại tạt qua dật le với mấy em ở đó. Việc này rõ ràng là xâm phạm lãnh thổ đặc quyền của bọn Võ Trường Toản, là trường nằm phía ngoài, bắt buộc phải đi qua nếu muốn đến Trưng Vương. Việc xâm phạm lãnh thổ làm bọn Võ Trường Toản tức điên. Đợi khi đám Cao Thắng hí hởn tán gái xong về ngang trường, Võ Trường Toản trước giờ vẫn ớn cờ-lê mỏ-lết của Cao Thắng, nhưng nay cậy thế gà gần chuồng, đổ ra chặn đánh. Cao Thắng bị phục kích, chống trả quyết liệt nhưng ở thế bị thịt đè người, thua, bèn chạy tháo về trường hô hào anh em đi phục thù. Mấy chục cái Honda nẹt pô ầm ĩ phóng nhanh về phía sở thú, đến nơi thì thấy Võ Trường Toản đã rút vào khoá chặt cổng trường. Hò hét khiêu khích giật cổng ầm ầm hồi lâu cũng không thấy đứa Võ Trường Toản nào dám ló đầu ra, điên tiết, đám Cao Thắng bèn đu cổng trèo lên gỡ bảng hiệu Võ Trường Toản xuống đốt rụi!

saigontruoc1975-nusinhtrungvuong
Nữ sinh Trưng Vương... Đẹp đến hớp hồn!

Trường Cao Thắng, toạ lạc tại số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, có thầy Tổng giám thị Lê Văn Thống, chuyên Pháp văn và nghe nói là một đại úy biệt phái, mặt tròn to bè bè, má xệ, da đen sậm, nhỏ người và rất hắc. Nhà thầy ở ngay trong khu tập thể giáo sư của trường ở góc Huỳnh Thúc Kháng-Pasteur, cách trường độ mươi bước chân. Mỗi sáng khi hai cánh cổng sắt nặng nề mở toang để đón học sinh xuống xe dắt bộ vào trường, đã thấy thầy đứng sẵn ở một bên cổng, mặt lạnh như tiền, tay chắp sau lưng, mắt gườm gườm hết học sinh này đến học sinh khác, chăm chăm xét nét từng cái bảng tên có ngay ngắn trước ngực không, tóc tai quần áo giầy dép có gọn gàng đúng tác phong không, có biểu lộ sự run sợ đúng mực trước uy lực của thầy không. Vô phúc đứa nào bị thầy ngoắc lại là a-lê-hấp thấy ngay đom đóm đầy trời trước mấy cú tát như trời giáng vào mặt hoặc lằn đít với những nhát roi mây vụt thẳng cánh vào mông. Tôi vào trường năm 1972, năm sau trường mở lớp điện tử bắt đầu nhận con gái vào học, gọi là lớp CT5 (Cải tiến 5). Tà áo dài trắng bắt đầu tha thướt trong trường, thầy Thống đối xử với đám con gái có ít nghiêm khắc hơn đối với bọn con trai hay không thì tôi không biết.
truongcaothang.Lầu Đồng hồ, lầu 2 phòng chính giữa là nơi thầy Tổng giám thị quất cho cả lớp mỗi đứa 3
Lầu Đồng hồ, lầu 2 phòng chính giữa là nơi thầy Tổng giám thị quất cho cả lớp mỗi đứa 3 cây roi mây quắn đít.

Với thầy Lê Văn Thống, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên: Lớp tôi học trên Lầu Đồng hồ, một hôm thầy giáo bận, không đến dậy được, thế là cả lớp như chợ vỡ, cười nói ồn ào, cãi nhau rượt đuổi nhau ầm ĩ. Thầy tổng giám thị bất ngờ xuất hiện. Cả lớp chạy vội về chỗ ngồi, im phăng phắc, mắt cụp xuống bàn. Thầy bước vào, lệnh cho tôi ngồi ở đầu bàn: “Xuống phòng tổng giám thị, lấy lên đây cây roi mây!” Tôi lật đật xuống phòng thầy, nhưng nghĩ, mình mà đem roi lên thì cả lớp chết, bèn trở lui báo: “Em không thấy roi để chỗ nào, thầy!” Thầy dang rộng bàn tay giáng thẳng xuống đầu tôi cái bốp, tôi khuỵ xuống, hai chân xoạc ra hai bên trông giống hai cái chân vòng kiềng của anh chàng Lucky Luck bắn nhanh hơn bóng trong tranh vẽ bìa sau truyện tranh nổi tiếng của Morris và Goscinny. Tôi quay vội xuống lầu, mặt không còn giọt máu, rón rén vác roi lên. Có roi, thầy bắt từng đứa lên nằm dài trên bàn, thẳng tay quất cho mỗi đứa 3 cái, chỉ nghe tiếng roi rít gió cũng muốn đái cả ra quần!

saigontruoc1975-truongcaothang
Các thầy dạy trên lớp đa phần là dễ thương, nhưng cũng có một vài thầy khi thấy học trò học hành chểnh mảng là nổi doá, như thầy Nguyễn Văn Nổi, giáo viên toán, người Nam, thấp bé, da đen nhẻm, xấu trai nhưng chắc khoẻ và lanh lẹn như con lật đật, có vườn chôm chôm ở Lái Thiêu, hay gọi chúng tôi về vườn thầy chơi, leo hái chôm chôm ăn thoải mái, vậy mà trong lớp khi thầy nổi dóa, thầy lột ngay cái giầy bốt-lồ-xô cổ thấp to chảng ra ném thẳng vào mặt mấy cậu lười nhác ở xóm nhà lá (tức là mấy cậu rút xuống ngồi tuốt dãy bàn cuối lớp vì học dốt hay lười). Tôi nhớ thầy nhất ở chuyện lột giầy ném và ba chuyện khác. Chuyện thứ nhất là trong một bữa chuyện vãn giữa buổi học, thầy giảng cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của câu “Je pense, donc je suis” (Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại) của triết gia Descartes mà sau này tôi nghe người ta nhắc đi nhắc lại. Chuyện thứ hai là khi thầy dặn: “Tụi bay có cúp cua cũng nhớ khi nào chán thì quay về lớp nhe. Ngồi trong lớp ít ra cũng mát hơn ngồi dưới gốc me ngoài đường!” Chuyện thứ ba là lời khuyên của thầy về tình yêu: “Mai mốt có yêu con nhỏ nào, thì ra chợ mua trái tim heo trao cho nó nghe, đừng trao tim mình kẻo mất!”
Thầy Nguyễn Văn Thông cũng rất đáng nhớ. Thầy nói giọng Bắc, dạy Việt văn, người thấp, da trắng tái, mặt chữ điền, dáng khệnh khạng, miệng rộng cười nhăn nhở, trong lớp hay kể chuyện tiếu lâm. Một lần thầy hào hứng: “Lúc nãy tôi đứng ở phòng giáo viên uống nước, uống một lúc mấy ly. Có cô giáo đi ngang hỏi: 'Anh Thông uống nước nhiều ghê!' Tôi cười, trả lời ngay: ‘Thân trai biết mấy cho vừa, cô!’” Kể xong, thầy cười hệch hệch, cánh tay ngắn cũn cỡn của thầy xoa xoa chỗ bẹn, ra vẻ khoái chí vì câu nói bóng gió ý vị của mình lắm, trông rất mắc cười. Nhưng cũng chính thầy Thông thường mắng bọn tôi te tát, nhất là mấy bạn hay chui lủi ở xóm nhà lá: "Tụi bay tưởng xách mỏ-lết đi đánh nhau là hay lắm hả? Không lo học, mai mốt rớt tú tài ra làm lính trơn, còn tụi Pétrus Ký, Võ Trường Toản đậu tú tài, ra làm sĩ quan, tụi nó bắt tụi mày đứng gác cho tui nó, ương bướng tụi nó cho đàn em tẩn cho tụi bay một trận, lúc đó mới biết đời, nhe con!"

Trong mấy năm học ở Cao Thắng, tôi có 3 thầy dạy Anh văn. Một thầy tên Thà, nhỏ con, trắng trẻo, mũm mĩm, cho cảm giác một người coi nặng sự sạch sẽ, kiêng cử gió máy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chúng tôi hình như không thích lắm chủ yếu là vì mặt thầy lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu, đến giờ dạy thầy vào lớp xách theo cái micro và cái loa. Thầy bảo thầy phải dưỡng giọng vì dậy nhiều lớp, chắc là lớp tư bên ngoài, nên chúng tôi càng không ưa, hay trêu thầy bằng bài hát: “Thà như giọt m...ư...a…, rớt trên tượng đ…á..." Thầy thứ hai là thầy Nguyễn Đỗ Hùng. Mới vào năm học, thầy đã kể cho chúng tôi nghe chuyện một hôm có việc thầy phải ghé Bộ Quốc gia Giáo dục, lúc quay ra thầy gặp một cô người Mỹ dắt con nhỏ đi vào. Thấy thầy, cô người Mỹ nhắc con: “Say ‘Good morning to the gentleman!’” Thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện này và có vẻ như rất thích được người ta coi là một “gentleman”. Có lẽ vì vậy mà thầy lúc nào cũng điềm đạm, chừng mực, Tết đến nhà chúc tết bao giờ thầy cũng khui chai rượu mùi mừng tuổi chúng tôi mỗi đứa một ly.

Thầy Anh văn thứ ba là thầy tôi nhớ nhất. Thầy tên là Trần Đình Lan, dáng to cao, hơi khòm khòm trông như một con báo gấm, tóc quăn nghệ sỹ, nói giọng Huế, nhà ở khu Bà Chiểu, có vườn cây ăn trái bao quanh, nhà to nhưng nhiều sách quá, hết cả lối đi, trong lớp lúc nào cũng phì phèo tẩu thuốc seventy-nine khói phả thơm lừng. Khi dạy, thầy hay đứng trầm ngâm bên cửa sổ, mắt đeo kiếng đen ngó mông lung ra ngoài trời, miệng ngậm tẩu, tay chắp sau lưng. Khi nào không bận dạy thì thầy lại tạt ra lục lọi các quầy bán sách báo cũ nằm chen chúc nhau trên đường Công Lý đoạn từ Lê Lợi kéo dài vòng qua đường Huỳng Thúc Kháng trước cổng trường tôi. Có lần thầy kể cho tôi, một số đàn anh Cao Thắng của tôi, khi bị cảnh sát truy bắt vì tham gia các phong trào chống chính quyền, thường ghé nhà thầy lánh nạn trước khi trốn ra bưng. Nhưng tôi biết chắc thầy không phải là cộng sản, mà chỉ là một thầy giáo, thương học trò như con cháu, cả đứa dễ bảo lẫn đứa ngỗ nghịch. Nói chung, các thầy Anh văn rất ưu ái tôi, đặc biệt là thầy Trần Đình Lan, cho phép tôi miễn học giờ thầy vì “em có ngồi đây cũng chẳng học được gì”.

Thuốc hút tẩu của thầy Trần Đình Lan, thuốc seventy-nine, lúc phà khói thơm nức mũi.
Thuốc hút tẩu của thầy Trần Đình Lan, thuốc seventy-nine, lúc phà khói thơm nức mũi.

Học xong lớp 8, đến năm sau là 1974, tôi 15 tuổi, lên lớp 9. Tính đến lúc này, tôi đã học Anh văn ở London School được 2 năm và, sau 2 lần thi vượt cấp, đang ngồi ở lớp 16, tức là cấp lớp cao nhất, học trực tiếp với thầy trung tá không quân kiêm mục sư Kirby, có vợ là người Việt, có 3, 4 đứa con, nhà ở sát ngay bên trường, lúc này đã thay bà Contento điều hành trường. Sách học lúc đó là quyển English for Today Book 6, chuyên về truyện ngắn và thơ ca. Vì English for Today là bộ sách 6 quyển do người Mỹ soạn, London School tránh dùng, có thể là vì không muốn đụng hàng mà cũng có thể là vì một mối hiềm khích xa xưa từ thời Cách mạng Mỹ còn sót lại. Ngay từ thời đó, tôi đã không hiểu sao thầy Kirby lại chọn sách này để học, có thể là vì thầy là người Mỹ mà cũng có thể là vì không còn quyển nào khác cho lớp chúng tôi học nữa. Cùng lúc với học Anh văn ở London School, tôi cũng đã thi vào học chương trình Tiếng Anh Đại học (College English) do thầy Lê Duy Tâm, giám đốc Hội Việt-Mỹ, soạn và tổ chức và đã hoàn tất 3 trong 6 cấp lớp của chương trình này, mỗi cấp lớp là 4 tháng.
Cũng trong năm 1974 này, tôi xin được đại diện trường Cao Thắng tham dự kỳ thi hùng biện tiếng Anh toàn quốc được tổ chức hàng năm tại Hội Việt-Mỹ. Hội Việt-Mỹ, lúc đó chỉ có một cơ sở ở Sài Gòn tọa lạc tại số 55 đường Mạc Đỉnh Chi, là trường chuyên dạy tiếng Anh được Phòng Văn hoá Thông tin của chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ, khác với Hội Việt-Mỹ hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, là một tổ chức bắt chước lấy tên như vậy nhưng là của tư nhân. Rất nhiều học sinh giỏi Anh văn muốn tham dự kỳ thi hùng biện toàn quốc này vì ngoài các phần thưởng rất rất hậu hỹ cả hiện kim lẫn hiện vật cho các giải nhất nhì ba, người giải nhất sẽ được nhận học bổng AFS để du học 1 năm ở Mỹ. Muốn được đại diện phải thi vòng loại trước trong nội bộ trường. Năm đó tôi tranh với 3 anh lớp 12 cũng xin được đại diện. Kết quả 2 anh bị loại, chỉ còn tôi và anh Phước lớp 12. Các thầy hội ý với nhau, cuối cùng chọn anh Phước với lý do là nếu không để anh ra thi kỳ này thì anh không còn cơ hội nữa. Nhưng các thầy vẫn muốn cho tôi được “thử lửa” để chuẩn bị cho năm sau, bèn bàn bạc với hiệu trưởng là thầy Nguyễn Hồng Lam gửi tôi qua đại diện trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ thi thế.

Cổng sắt trường Cao Thắng nơi sáng nào thầy Lê Văn Thống cũng cầm roi mây đợi sẵn.
Cổng sắt trường Cao Thắng nơi sáng nào thầy Lê Văn Thống cũng cầm roi mây đợi sẵn.
Trường Nguyễn Trường Tộ toạ lạc ở 25 bis Hồng Thập Tự, Q.1, là đàn em trường Cao Thắng trong lãnh vực giáo dục kỹ thuật, hiệu trưởng trường này là thầy Huỳnh Ái Tông, cũng là cựu học sinh Cao Thắng ngày xưa, nên các thầy ở Cao Thắng thấy cho tôi qua đại diện trường ấy sẽ không gặp phản đối. Lúc tôi qua nhận giấy giới thiệu đem nộp Hội Việt-Mỹ, về phía hiệu trưởng trường Nguyễn Trường Tộ thì không có vấn đề gì, nhưng khi Hội Phụ Huynh của trường biết, họ lập tức chặn quyết định lại, lý do là nếu tôi thi không đạt thì không sao, nhưng nếu tôi đậu hạng nhất, báo chí sẽ phỏng vấn, lúc đó báo chí phát hiện trường nhờ người thi hộ thì quá mất mặt. Thầy hiệu trưởng nghe nói vậy cũng đành cáo lỗi với Cao Thắng để rút lại quyết định. Đến năm sau, 1975, tôi khỏi phải thi loại mà được các thầy Cao Thắng cho đại diện trường tham dự kỳ thi hùng biện luôn. Lúc này là vào khoảng tháng 3, 1975, khắp các nơi ở miền Trung, quân đội quốc gia phải rút lui về tuyến sau trước sức tiến công vũ bão của quân đội miền Bắc, học sinh các tỉnh chạy loạn tan tác. Khi tôi đến phòng học vụ của Hội Việt-Mỹ nộp đơn giới thiệu, họ thông báo về nhà đợi vì tình hình chiến sự đang ác liệt, có thể sẽ không tổ chức thi được.

Tình hình chính trị và quân sự miền Nam chuyển biến rất nhanh, quân của chính quyền Sài Gòn thất thủ khắp nơi, binh lính tan tác trong các đợt rút lui. Để gấp rút bổ sung quân số cho chiến trường, tổng thống Thiệu ra lệnh tổng động viên. Trước kia, học sinh trung học đến 18 tuổi mà chưa học xong lớp 12 đều bị bắt đi quân dịch, trừ các học sinh kỹ thuật, được ưu tiên cho học thêm 1 năm. Như vậy các anh em học trễ một năm cũng không phải lo bị bắt lính. Bây giờ với lệnh tổng động viên, tổng thống Thiệu bãi bỏ quy định ưu tiên này, học sinh Cao Thắng nhao nhao phản đối. Cũng giống như ở các trường trung học khác ở Sài Gòn, ở trường Cao Thắng luôn luôn tồn tại song song hai lực lượng học sinh thuộc hai khuynh hướng chính trị đối nghịch, một số chắc là không nhiều ủng hộ đường lối của chính phủ Thiệu, hoặc cũng có thể do chính quyền cài cắm vào để theo dõi các học sinh khác, một số đông hơn chịu sự giật dây của các cán bộ Mặt trận Giải phóng miền Nam nằm vùng thông qua nhiều tầng móc nối, có khuynh hướng đòi chấm dứt chiến tranh, chống can thiệp của Mỹ, và như thế cũng đồng nghĩa với chống chính phủ Thiệu. Dĩ nhiên đại đa số vẫn là những học sinh ngu ngơ, người Mỹ ở Việt Nam cũng chẳng có vấn đề gì, chỉ cần chiến tranh chấm dứt, và hễ đâu vui thì tham gia, thế thôi.

Hằng năm, cứ đến mùa bầu cử Ban Đại diện Học sinh toàn trường là hai nhóm chính trị đối nghịch cố giành cho được quyền lãnh đạo bằng cách vận động anh em học sinh ủng hộ bằng cách dành cho phe mình tối đa phiếu bầu. Vận động cũng rôm rả và khẩn trương lắm, không khác gì vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, bên này bên kia lên trình bày phương hướng tôn chỉ hoạt động, học sinh ngồi tràn cả ra ngoài hội trường lắng nghe, vỗ tay khi ủng hộ hoặc la ó khi phản đối, và như thế học sinh được tập thực hành dân chủ ngay từ khi tấm bé, thật khác một trời một vực với kiểu ứng cử và bầu cử hiện nay ở Việt Nam. Thường thì phe chống đối chiến tranh đắc cử. Nắm Ban Đại diện trong tay, nhóm này thường liên kết với Ban Đại diện các trường khác cũng có khuynh hướng chống chiến tranh lập nhóm Lên Đường, bao gồm cả các bạn bên Gia Long, Trưng Vương, hoặc nhiều nhóm khác cũng chung khuynh hướng, tuyên truyền phản chiến, rủ rê anh em tham gia biểu tình và lâu lâu một lần tổ chức các buổi đi dã ngoại để bồi dưỡng tinh thần đòi chấm dứt chiến tranh, chống can thiệp Mỹ cho các bạn cùng trường thông qua các sinh hoạt vui chơi tập thể và bài hát như Nối vòng tay lớn, Tự nguyện, An Phú Đông, v.v. Tôi và các bạn trong lớp cũng thường được rủ rê tham gia nhóm Lên Đường.

Niên khoá 1974-1975, trưởng Ban Đại diện Học sinh Cao Thắng là anh Đặng Quang Phục, người rất thấp bé, trợ thủ đắc lực của anh là Nguyễn Xuân Hán, con của một hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận, cũng có chân trong Ban Đại diện, lúc nào cũng có sẵn nụ cười rất duyên trên miệng, có khiếu khôi hài, rất năng nổ, và có tài ăn nói, thuyết phục. Nguyễn Xuân Hán rất được các anh em học sinh trong trường tín nhiệm. Ngoài ra còn có Nguyễn Đình Tuân, nhà ở khu Hoà Hưng, đẹp trai, là vận động viên thể hình với tài nhào lộn bạn bè ai cũng phục, chắc theo phong trào vì ham vui là chính, và Võ Tuấn Lĩnh, giỏi toán, nhà rất nghèo ở trong một con hẻm ngoằn ngoèo lụp xụp ở Quận 4, da đen mốc, tóc xoăn tít, chắc người chà-và, mà sau này khi anh bị bắt đày ra Côn Đảo thì chúng tôi mới biết anh, và cả bố anh, một thợ thổi thủy tinh bị ho lao nặng, là cộng sản nằm vùng. Trừ anh Phục học trên tôi 2 năm, những anh em sau đều học cùng lớp với tôi. Cũng phải kể đến 2 anh khác có quan hệ mật thiết nhưng không ra mặt và không trực tiếp tham gia Ban Đại diện vì đã ra trường và đang bị chính quyền Sài Gòn truy bắt là anh Lê Văn Nuôi và một anh dong dỏng cao hình như tên Nhựt. Anh Nuôi người thâm thấp, tôi có gặp một hai lần không nhớ ở đâu, còn anh Nhựt thì tôi chỉ được biết khi anh đang đứng trước cổng trường thì bị một đám, chắc là mật vụ, nhào vào đánh, bắt đi mất.

Một buổi sáng tháng 4, 1975, chuông vừa reng vào học, chúng tôi đang ngồi trong lớp chờ thầy thì nghe tiếng ồn ào giữa sân trường phía trước tượng ông Cao Thắng do thầy Cường, hoạ sĩ và là giáo viên mỹ thuật của chúng tôi đúc khuôn và mới khánh thành vài tháng trước. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy mấy anh em đang mau mắn khuân một cái bàn học để ra giữa sân, sau đó họ công kênh anh Phục lên bàn. Một anh khác từ dưới đưa cho anh Phục một cái loa được cuốn bằng giấy bìa cứng thường dùng làm báo tường, hồi đó gọi là “bích báo”. Anh Phục một tay cầm loa đưa lên miệng, một tay vung nắm đấm lên trời, gào trong loa: “Hỡi các anh chị em! Chúng ta hãy xuống đường phản đối lệnh tổng động viên của Nguyễn Văn Thiệu! Cuộc chiến đã kéo dài quá lâu...” Đúng lúc đó truyền đơn ở đâu lả tả bay rợp trời. Chỉ chờ có thế, chúng tôi đứa lao ra cửa sổ, đứa hè nhau khênh bàn ghế vứt ra hành lang, chuẩn bị lập "chiến hào"!

Học sinh Cao Thắng biểu tình.

Sau này nghe kể lại tôi mới biết, việc rải truyền đơn là do Nguyễn Đình Tuân, bây giờ đang sống tại Na-uy, và một đám bạn khác thực hiện. Ý tưởng của họ phải nói là thiên tài: Chiều hôm trước, sau khi đã in ấn những xấp truyền đơn, họ cho nhúng tất cả vào nước cho ướt và dính bệt lại với nhau. Xong xuôi họ trèo lên mái lầu hai của nhà trường bên dẫy tay phải của Lầu Đồng hồ, đặt những xấp truyền đơn ở đó. Đêm, trời lạnh, nước không bốc hơi, truyền đơn vẫn dính vào nhau thành tệp. Qua đêm đến sáng, mặt trời lên, nước bốc hơi, truyền đơn khô rời ra từng tờ, lúc gió nổi lên, truyền đơn bị thổi bay tung xuống sân trường! Bọn tôi khi nghe anh Phục kêu gọi xuống đường, đã tuá ra cả ngoài sân, bây giờ thấy truyền đơn rơi, tranh nhau chụp đọc. Truyền đơn kêu gọi: "Anh em hãy ra đường lập công sự chống cảnh sát đàn áp". Nghe vậy là chúng tôi thích mê, ùa nhau chạy về phía cổng trường, cổng khoá, chúng tôi áp vào thi nhau vừa giật lắc vừa reo hò cho mọi người thêm phấn chấn, khoảng 5 phút sau thì khoá cổng bật tung, chúng tôi lao ra ngoài.

Học sinh Cao Thắng biểu tình. Hình được mượn lại từ một số trang mạng của các cựu học sinh Cao Thắng hi
Học sinh Cao Thắng biểu tình. Hình được mượn lại từ một số trang mạng của các cựu học sinh Cao Thắng hiện ở Mỹ và Úc.

Ra ngoài rồi, chúng tôi phân công như sau: một đám đào đá xanh hai bên đường lên để làm vũ khí ném trả cảnh sát khi họ đến đàn áp, một đám khác lo khuân mấy cái bàn cái ghế chất đống hai đầu đường Công Lý và Pasteur để làm công sự. Một đám khác leo lên dãy lầu hai nhìn xuống đường Huỳnh Thúc Kháng là con đường trước cổng trường để canh chừng sự di chuyển của lực lượng cảnh sát khi họ đến. Một đám nữa ngồi ngay cạnh bên lo rót xăng vào các chai nước ngọt và xé vải bịt miệng chai để làm lựu đạn Coctail Molotov. Riêng đám con gái lớp Điện tử CT5 thì chia nhau ra chợ Dân Sinh phía sau trường và chợ Bến Thành ở phía cuối đường Huỳnh Thúc Kháng tiếp nối với bùng binh Quách Thị Trang để vận động các tiểu thương ủng hộ bằng cách tiếp tế đồ ăn và nước uống cho anh em. Đám con gái rất thành công, đồ ăn bà con tiểu thương cho xích-lô chở về trường từng cần-xế, ngay cả về sau khi trường đã hoàn toàn bị cảnh sát phong toả, đồ ăn vẫn được liên tục tiếp tế bằng cách tuồn qua phía trên vách tường ngăn cách khuôn viên trường với đường Hàm Nghi ở phía sau.

Trong trận này các em CT5 thật tuyệt vời, về sự dũng cảm và dịu dàng đúng là không kém cạnh gì các cô gái TNXP được miêu tả trong bài hát "Những bông hoa trên tuyến lửa” của Cửu Dũng. Từ ngày các em về trường, bọn con trai tụi tôi bắt đầu chăm sóc đến diện mạo mình hơn: tóc tai gọn gàng hơn, quần áo sạch sẽ thơm tho hơn, nói năng cử chỉ nhẹ nhàng hơn và ít hè nhau vác búa vác mỏ-lết đi đánh lộn hơn, quan trọng nhất có lẽ là đứa nào miệng cũng sẵn sàng nở một nụ cười duyên để chứng tỏ cho các em thấy anh đây cũng dễ thương lắm lắm! Ngay cả các thầy cũng vui vẻ dễ chịu hẳn ra, trong khi nói chuyện trong lớp với đám học trò con trai cũng hay nói nhá nhá về các em. Tôi nhớ, một hôm chúng tôi học trên lầu hai, các em CT5 học phòng dưới lầu. Khi một đứa trong lớp than: “Hôm nay sao trên lầu nóng quá, thầy!" thì thầy nhăn răng cười hệch hệch: "Chúng mình đang ngồi trên cả đống núi lửa, làm sao không nóng, hả?" Một lần khác, khi thầy dạy lý hóa, tôi quên mất tên, cũng còn trẻ, hình như mới ra trường, đang dạy về hạt phân tử. Thầy hỏi hạt phân tử là gì các em có biết không? Tụi tôi ngơ ngác, thầy cũng chưa biết trả lời sao, chợt thầy nghĩ ra một ý, nói: “Chẳng hạn các em đi ngang lớp CT5, mũi ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng, mùi thơm đó chính là do những phân tử nước hoa tạo thành!” Nói xong, thầy đỏ mặt bẽn lẽn cười.

Một số bạn nữ lớp CT5 ở Cao Thắng - từ sau ra trước Trường, Đức Hanh, Hoài Hương
Một số bạn nữ lớp CT5 ở Cao Thắng: từ sau ra trước: Trường, Đức Hanh, Hoài Hương. Hình mượn lại từ trang mạng của Hội cựu sinh Cao Thắng Úc châu (KTCT UC).

Trong số các cô gái CT5, tôi còn nhớ bốn cô. Cô thứ nhất tên Bùi Thị Chung, hình như là lớp trưởng hay lớp phó gì đó của CT5, da trắng sáng, người cao cao, gầy gầy, chuẩn mẫu nữ sinh Sài Gòn trước 75, tóc ngang lưng lúc nào cũng kẹp ra sau, áo dài trắng mỏng in bông, mặt xương xương thanh tú, môi đỏ hồng, lúc nào cũng tươi cười, đẹp trong trẻo và rực rỡ trong nắng sáng. Dưới sự điều động nhanh nhẹn và duyên dáng của Chung, tiểu thương các chợ không đóng góp mới là lạ. Cô thứ hai tên Nguyễn Thị Trường, cũng đẹp như Chung, nhưng là một cái đẹp hoàn toàn khác. Trường tóc dày, gợn sóng lăn tăn, soã ra ôm phủ hai bờ vai tròn lẳn, không cao nhưng không thấp, thân hình căng ra trong chiếc áo dài trắng trơn may sát, khuôn mặt đầy đặn, môi mọng, mũi dọc dừa, cặp lông mày cao, mỏng, thanh tú. Cũng rất khác với Chung, Trường hiếm bao giờ thấy cười, lặng lẽ một cách bí ẩn, có thể đứng rất gần người xung quanh nhưng vẫn cứ như có một ngăn cách vô hình. Giữa hai cô, tôi thấy Trường cuốn hút hơn, sự cuốn hút của một cái gì vừa mời gọi vừa đẩy ra, lặng lẽ nhưng quyết liệt. Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó lại có râm ran tin đồn Trường hoạt động trong một tổ chức bí mật do CIA thành lập: Tổ chức Phượng Hoàng!

Một số bạn nữ lớp CT5 ở Cao Thắng. Từ trái qua - Đào, Tuyết Vân, Thanh Nguyên, Chung, Thoại Vân, Ngọc Lan.
Một số bạn nữ lớp CT5 ở Cao Thắng. Từ trái qua - Đào, Tuyết Vân, Thanh Nguyên, Chung, Thoại Vân, Ngọc Lan.
Người thứ ba tôi nhớ là Hoài Hương. Nội nghe cái tên là thấy một trời lãng đãng rồi. Mà em lãng đãng thật vì mang cái vẻ đẹp “có cái nắng có cái gió” của đất trời lộng lộng, man dại Tây Nguyên. Dáng thâm thấp, hơi tròn trịa, tóc tém, úp sát đầu, mắt đen to nhìn có đuôi, miệng rộng, tính tình bỗ bã, mau chuyện mau quen với người, lúc nào cũng cười khanh khách để lộ hai hàm răng trắng khoẻ, khi nói chuyện với ai dáng cứ đổ về trước như muốn gần hơn với người đối diện. Tôi gọi em bởi hình như trong trường bạn trai nào Hoài Hương cũng xưng anh em ngọt xớt, bất kể lớp trên hay lớp dưới, khiến tôi nhiều lúc ghen tức vì vừa muốn làm quen để tự chứng tỏ mình cũng thuộc típ con trai dễ mến, con gái có thể anh em với mình gần gụi thân thiết không nghi ngại, lại vừa hãi vì thấy em suồng sã quá. Tôi nhớ một tối khoảng 9 giờ, tôi học Hội Việt-Mỹ xong đang đạp xe về trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì gặp Hoài Hương cũng đang từ đâu đạp xe về cùng đường. Mừng quá, tôi rà lại. Hoài Hương không biết tôi là ai, nhưng khi nghe giới thiệu Cao Thắng thì tíu tít ngay. Hoài Hương là vậy, dễ gần dễ thân, trong sáng. Khi Hoài Hương nói sắp quẹo vào nhà trong ngõ bên kia cầu Công Lý, tôi hỏi: “Sao Hoài Hương với ai cũng xưng em vậy?” Hoài Hương hơi thấy lạ, nhưng không quay nhìn tôi, không nói gì, trước khi quẹo vào ngõ, chỉ nói: “Em về”. Gần 50 năm qua rồi mà tôi vẫn không tha thứ cho mình cái câu hỏi quá ngu ngốc xuất phát tự lòng đố kỵ mà làm ra vẻ đạo đức này!
Người cuối cùng tôi nhớ là Nguyễn Thị Mỹ, không đẹp lồ lộ như Chung, Trường mà cũng không đẹp man dại như Hoài Hương. Mỹ nhỏ người, trắng trẻo, thùy mị và đằm thắm, tóc để chấm vai giản dị, mắt lúc nào cũng nhìn xuống như nhút nhát, e thẹn. Tôi biết và để ý đến Mỹ khi chúng tôi cùng tham dự buổi dã ngoại do nhóm Lên Đường của Cao Thắng tổ chức ở khu rừng dương Vũng Tàu. Sau khi dựng trại bắc nồi thổi cơm chiều, chúng tôi đứng thành vòng tròn chơi đủ các trò chơi và tập bài hát mới. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến bài “An Phú Đông” của Lê Bình.

Bên hàng dừa cao giòng sông mờ soi bóng
Nhớ những chiến binh trầm thây trên máu hồng
Cây tàn, nhà hoang, đường xưa ngập xương máu
Muôn thây bấp bênh giữa giòng trôi đến đâu?
Hôm nay ai nghe gió rú gọi hồn về …
Ôi! bao anh linh khuất bóng còn lời thề
Vươn lên mây cao khí uất tràn tràn đầy
Nghe dân quân Nam vẫn thét rền nơi đây…
ĐK
Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Ngày nào quân đi reo vang hùng dũng
Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Muôn đời uy linh sống với núi sông.
----
Sa trường là đây, ngàn cây còn vương máu
Tiếng súng vẳng xa từ đâu như thét gào
Con đò thường đưa đoàn quân qua muôn sóng
Hôm nay bến xưa vẫn còn ghi chiến công
Nơi đây dân quê sát cánh cùng thề nguyền
Xung phong đi lên thoát gót giày cường quyền
Nơi đây chôn thây chiến sĩ giòng Lạc Hồng
Khi nghe muôn dân hát khúc “Hờn non sông”
ĐK
Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Ngày nào quân đi reo vang hùng dũng
Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Muôn đời uy linh sống với núi sông.

Bài ca khiến máu trong người đám trẻ chúng tôi cứ sôi lên. Chúng tôi hát say sưa lắm, nhất là đến đoạn điệp khúc, cả bọn như gào lên, tôi thấy Mỹ còn giơ giơ tay lên trời theo điệu nhạc hùng tráng. Đêm đó, khi mọi người đã về lều ngủ hoặc tụ nhau chơi bài, tôi muốn chạy qua lều của Mỹ để làm quen nhưng ngại các bạn chế. Trưa hôm sau, cả đoàn lên xe về lại Sài Gòn, xe của Mỹ lăn bánh trước. Mới 2 giờ chiều, trời lất phất mưa nên trong rừng đã nhá nhem, tôi đứng vẫy tay nhìn theo chiếc xe chở Mỹ từ từ đi thoát ra bià rừng mà tưởng tượng những cây dương xung quanh là những hàng dừa cao, con lộ đất đỏ ướt dưới chân là dòng sông mờ soi bóng và tôi là người chiến binh trong đoàn quân sẵn sàng trầm thây trên máu hồng để đáp lại khúc Hờn non sông.

Khi truyền đơn từ trên trời bay lả tả xuống sân trường và học sinh uà ra thi nhau kéo bung khoá cổng, tôi nhìn về dãy lầu hành chính nơi có văn phòng thầy Hiệu trưởng và thầy Tổng Giám thị thì thấy có một người chạy lúp xúp dọc dãy hành lang tôi tối rồi quẹo vào một trong các phòng chức năng ở đó nhấc điện thoại gọi. Cho đến nay tôi vẫn có ấn tượng đó là thầy Tổng Giám thị. Có lẽ thầy muốn cấp báo cho cảnh sát về cuộc biểu tình bạo động sắp xảy ra để nhờ can thiệp. Nhưng phải đến khoảng 9 giờ, xe cảnh sát mới bắt đầu xuất hiện, đổ quân đóng chặn ngay hai ngã tư Pasteur và Công Lý, kẹp chúng tôi vào giữa. Một vài anh em Cao Thắng bắt đầu dùng đá xanh mới đào ở hai bên đường lên ném về phía cảnh sát. Cảnh sát cũng dùng đá xanh chúng tôi vừa ném qua đó ném lại chúng tôi, thế là cuộc đụng độ bùng nổ. Đá xanh hai bên bay như mưa trên đầu, ai cũng hăng máu, ném thật, ném có nhắm, ném cho trúng! Dân chúng đi ngang dừng xe lên lề đường thập thò đứng xem. Các thầy cô trong trường tụ tập cả trong phòng giáo viên, không thấy ai ra can có lẽ vì đối với các thầy, việc học sinh Cao Thắng biểu tình rồi đụng độ với cảnh sát là chuyện quá thường, vả lúc này có ra can ngăn cũng không nổi.

Việc ném đá qua lại cứ dùng dằng như thế, lúc quân Cao Thắng nhiều đá hơn thì họ vừa ném vừa lấn tới, cảnh sát liền rút lui, khi hết đá, quân Cao Thắng rút về tuyến giữa thì cảnh sát lại tiến lên lại. Lúc đầu đá ném qua lại nhiều nhưng chẳng trúng ai, rồi đến lúc một người, rồi hai, ba người chúng tôi bị đá trúng vào đầu vào lưng. Anh bạn học chung lớp tôi tên Thi, người còng còng, gầy nhom, xanh mướt và chậm chạp, hai cánh tay dài như tay khỉ, lúc đi cứ vung vẩy thễu thượt, chúng tôi hay hát chọc “Thi ơi Thi ơi, Thi biết… biết không Thi…” bị trúng một hòn đá vào trán, máu lênh láng đầy mặt. Tôi vội dìu Thi vào trong trường nơi các bạn CT5 đã lập sẵn một trạm cứu thương dã chiến và ôm chặt Thi để các cô dùng cồn rửa sạch vết thương. Khi vết thương được rửa sạch, tôi cúi xuống nhìn cho kỹ, thì thấy chỗ trán phần phía bên phải của Thi có một vết cắt hẹp khoảng bằng đầu đũa và dài khoảng một lóng tay rưỡi, đen ngòn, sâu hoắm. Không biết lúc đó tôi có hoa mắt nhìn nhầm không, nhưng cho đến nay tôi vẫn tin, và vẫn tự dưng rùng mình mỗi khi nghĩ lại, là trán Thi đã bị một miếng đá xanh sắc cạnh đâm thủng xuyên qua lớp xương trán! Ngay lúc đó Nguyễn Xuân Hán đến lay vai gọi tôi ra ngoài có việc. Không biết rồi sau đó có ai đưa Thi đi bệnh viện không, nhưng tôi đã không bao giờ gặp lại Thi ở trường nữa.

Trong thời gian học sinh Cao Thắng biểu tình năm 1975, một bạn tôi trong lớp tên là Võ Tuấn Lĩnh đã bị bắ
Trong thời gian học sinh Cao Thắng biểu tình năm 1975, một bạn tôi trong lớp tên là Võ Tuấn Lĩnh đã bị bắt và đày ra Côn Đảo. Chúng tôi không biết anh là người của Mặt trận.

Khi ra đến ngoài cổng trường, tôi thấy một đám anh em đang bu quanh 3 anh phóng viên người nước ngoài đứng vượt chúng tôi cả một cái đầu. Hán đẩy tôi đến trước mặt họ và dúi vào tay tôi một tờ tuyền đơn nhờ dịch những yêu sách của cuộc biểu tình. Một anh em nào đó đã kịp chụp lên đầu tôi một cái nón đã cũ, kiểu nón có vành rộng mà mấy chị bán hàng rong hay đội, có lẽ nhằm che bớt mặt tôi để tránh bị nhận diện sau này. Các yêu sách cũng gồm những điểm chung mà ai thời đó cũng biết như phản đối chiến tranh, yêu cầu người Mỹ rút khỏi Việt Nam và lập lại hòa bình. Một anh phóng viên chĩa micro về phía tôi, còn một anh khác thì quay phim. Khi tôi dịch xong các yêu sách, anh cầm micro hỏi có phải chúng tôi thuộc thành phần thứ ba không? Tôi không rành lắm về thành phần thứ ba này, nhưng đại khái theo tôi hiểu lúc đó thì yêu sách của thành phần thứ ba này đối với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng không khác mấy với các yêu sách mà tôi vừa dịch. Tôi quay tìm Hán để hỏi lại cho chắc, nhưng không thấy nên tôi gật đại, nói như máy: “Đúng, chúng tôi ủng hộ thành phần thứ ba, chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh!” Lúc này tôi cũng bắt đầu thấy bối rối, tôi có thuộc thành phần lãnh đạo cuộc biểu tình đâu mà biết trả lời những câu hỏi này? Đang lúc lo sợ bị hỏi tiếp như thế thì phía sau lưng tôi có tiếng ồn ào giằng co, mọi người quay hết sự chú ý về phiá đó. Mấy anh phóng viên nước ngoài cũng vội chuyển hướng ống kính.

Tôi quay tìm Nguyễn Xuân Hán để hỏi lại cho chắc, nhưng không thấy nên tôi gật đại, nói như máy- 'Đúng, chu
Tôi quay tìm Nguyễn Xuân Hán để hỏi lại cho chắc, nhưng không thấy nên tôi gật đại, nói như máy: “Đúng, chúng tôi ủng hộ thành phần thứ ba, chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh!”
Tiếng ồn ào giằng co xuất phát từ một nhóm Cao Thắng đang vừa lôi vừa đẩy vừa la hét vừa đâp gậy vào đầu vào vai một người đàn ông ăn mặc đồ civil. Khi kéo được ông ta đến trước cổng trường chỗ tôi đứng trả lời phỏng vấn lúc nẫy thì tôi không còn thấy ông đâu nữa, mà chỉ thấy các học sinh Cao Thắng nhao nhao chồm lên che khuất một người lúc này đã té bệt xuống đất, rồi tiếng thụi uỳnh uỵch, tiếng chân đá bục bục như đá vào một bị cát, nhưng không nghe tiếng ông ta kêu. Tôi cũng nhào tới tính góp phần, thì thấy một bạn khác đã chen ngang, tay nắm một chai nước ngọt vươn tới đập thẳng xuống người đàn ông đang ngồi co quắp trên đất, hai bàn tay đang cố che lấy đầu. Được một lát, mấy bạn Cao Thắng xốc nách ông ta lôi vào sân trường, những cú thụi cú đá nhẹ hơn, lẻ tẻ vẫn tiếp diễn cho đến khi một trong các thầy từ sáng giờ vẫn ngồi uống nước chuyện vãn trong phòng giáo viên chạy ra can không cho đánh nữa. Lúc đó, tôi mới được nghe các bạn kể lại sự việc: Lúc tấn công lên đẩy bật cảnh sát khỏi góc Công Lý-Huỳnh Thúc Kháng, các bạn không biết do người dân chỉ điểm hay tự phát hiện vì thấy khả nghi nên đã uà đến bắt một người đàn ông đeo kiếng đen đang ngồi ở một quán cơm bình dân phía đối diện với mấy hàng bán sách cũ trên đường Công Lý và lôi về trường.

Việc học sinh Cao Thắng biểu tình rồi đụng độ với cảnh sát là chuyện quá thường
Việc học sinh Cao Thắng biểu tình rồi đụng độ với cảnh sát là chuyện quá thường

Thời đại nào, chế độ nào người ta cũng ghét đám mật vụ mà hồi đó là cớm chìm. Ba tôi còn kinh bỉ gọi họ là chó săn nữa, như trường hợp hai người mặc thường phục gác nhà cho Tổng trưởng Phạm Kim Ngọc ở chung cư số 274 Công Lý. Riêng anh em Cao Thắng thời đó lại đặc biệt ghét vì cứ sau mỗi lần biểu tình xong trên đường về nhà là hay bị đám cớm chìm này phục bắt. Khi thầy can không cho đánh nữa, một số anh em lục túi quần ông ấy để xem thẻ căn cước. Nếu thẻ căn cước đó là đúng, thì ông ta không phải là mật vụ! Chúng tôi dìu ông ấy về lều cứu thương của các bạn CT5. Trong khi các cô lo lau rửa vết thương trên đầu trên mặt trên lưng cho ông ta, tôi hơi đói nên đi kiếm bánh mì mà các cô bác tiểu thương chợ Dân Sinh và chợ Bến Thành đã cho xích lô chở đến ủng hộ từ sáng. Khi ăn xong quay lại, tôi thấy ông ta đã được băng bó cẩn thận, các vòng băng trắng quấn kín quanh đầu, một dải vải treo toòng teng cánh tay phải trước bụng, ông đang ngồi ngay ngắn trên một cái ghế trong lều cứu thương giữa sân trường, mắt nhìn ngó đây đó trong im lặng, như không gấp phải đi đâu, không biết phải đi đâu, không biểu lộ cảm xúc gì, không đòi hỏi yêu cầu gì, không phản đối gì. Chính vì cái nhìn kỳ lạ và cái thái độ lặng lẽ khó hiểu đó mà cho đến nay, khi nghĩ lại, tôi vẫn không dám đoan chắc ông ta có phải hay không phải là mật vụ!
Lúc này anh em cũng kéo nhiều vào trường ăn trưa và hào hứng kể về những chiến công. Tôi rời chỗ người đàn ông bí hiểm, đi lên cầu thang cạnh lối đi dẫn vào khu xưởng gỗ tối tăm phía sau, là nơi mà năm đầu mới vào trường tôi đã học về kỹ thuật bào gỗ đóng bàn ghế với một thầy hình như tên Thạch, người dong dỏng cao, da đen nhẻm, tóc chải mượt ép phủ một bên trán xuống gần sát lông mày, mặt đầy mụn trứng cá, đeo kiếng trắng gọng đen to, áo sơ mi trắng quần đen, thắt lưng đen nhỏ chỉnh tề, ăn nói hết sức nhẹ nhàng và thuộc dân tộc thiểu số, chắc người Êđê. Khi leo lên lầu 2 phía trên phòng giáo sư, tôi đi qua căn phòng thầy Nguyễn Văn Nổi một lần lột giầy bốt-lồ-xô ném mấy anh bạn xóm nhà lá, qua căn phòng mà một lần có thầy giải thích là nóng vì nằm trên cả một ngọn núi lửa là các cô gái CT5, đến căn phòng rộng nhìn xuống đường Huỳnh Thúc Kháng. Ở đây tôi thấy một số anh lớp lớn vừa nói cười ha hả vì một chuyện gì vui nhộn lắm vừa làm bom xăng, lúc này cũng đã được hơn chục chai xắp một hàng dài trên bàn. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được thấy và biết đến bom xăng mà các anh gọi là cóc-tay-mô-lô-tốp. Xem chán, tôi xuống lầu đi vòng ra chỗ phía sau trường cạnh xưởng sắt xem các chị các bà tiểu thương chợ Dân Sinh đang công kênh đẩy mấy cần xế bánh mì qua bức tường ngăn khuôn viên trường vào tiếp tế cho chúng tôi. Khi đi trở ra phía cổng trước, tôi thấy các anh em đang ùn ùn chạy trở vào, vừa chạy vừa la ó và ném đá lại phía sau. Thì ra, trong lúc chúng tôi kéo vào trường ăn trưa, cảnh sát đứng ở góc Pasteur-Huỳnh Thúc Kháng đã lợi dụng xấn tới. Họ núp sau một chiếc xe deep vừa tiến từ từ về phía chúng tôi vừa ném đá đuổi.

Ngay lúc đó, bom xăng từ trên lầu hai bay vùn vụt xuống đường. Vài chai rớt xống đường, vỡ toang, bùng cháy. Một chai rớt trúng nắp ca-bô chiếc xe deep, xăng loang ra, cũng bắt đầu bốc cháy. Cảnh sát lục tục rút lui, chúng tôi lại ùa ra, nhặt đá ném đuổi. Khi chúng tôi đuổi đến đường Pasteur, cảnh sát đã rút lui về đứng thủ chỗ đoạn giữa Pasteur và Tôn Thất Đạm. Trong lúc phân vân chưa biết có nên đuổi tiếp hay không thì một chiếc xe buýt từ phía Hàm Nghi trờ tới đổ khách. Theo lộ trình xe buýt sẽ đi tiếp thẳng đường Pasteur về hướng Lê Lợi, nhưng các anh em đã ném đá vào kiếng xe bắt tài xế quẹo phải vào đường Huỳnh Thúc Kháng. Cứ thế, chúng tôi núp sau chiếc xe buýt tấn công lên, cảnh sát bị ném đá rát quá cũng bỏ chạy, rút xa hơn về phía sau. Thắng lợi, chúng tôi hè nhau đẩy về trường một chiếc jeep lùn sơn trắng trông không thật giống với xe cảnh sát lắm nhưng lúc nẫy thấy có một số cảnh sát ngồi vắt vẻo trên đó. Khi xe được đưa về trường, chúng tôi đua nhau đập phá. Trước hết là kiếng xe, rồi đèn trước, đèn sau, đèn hông. Tôi cũng đi loanh quanh xem còn chỗ nào chưa đập. Đúng lúc đó, bỗng có tiếng oà khóc của một chị phụ nữ thấp người, trắng mập: “Em xin các anh, xe này là của gia đình em, không phải của cảnh sát!” Chúng tôi ngớ ra, chết cha, đập lộn rồi. Một lát thấy mấy anh lớn phân bua, nhưng chị phụ nữ xua tay, không sao không sao, để em đưa xe về là được rồi!

Sự hiểu lầm tai hại này hình như cũng dội một ít nước lạnh vào sự hăng say của chúng tôi. Vả lại lúc đó cũng 3, 4 giờ chiều, mọi người bắt đầu thấy mệt, cảnh sát chắc cũng mệt, cũng thấy chẳng nên khiêu khích mấy ông thần Cao Thắng này nữa làm gì cho rách việc, nên cũng án binh bất động. Chúng tôi kéo vào trường, một số anh em thủ lĩnh phong trào bàn việc cố thủ ở trường đêm đó. Kế hoạch của họ là nếu đêm cảnh sát phá cổng xông vào, thì sẽ đem theo bom xăng rút tất cả lên tầng thượng khu nhà cao nhất trường ngó xuống ngã tư Công Lý-Huỳnh Thúc Kháng để chống trả. Tôi thấy có độ 7, 8 anh em đồng ý với kế hoạch này và rút đi để chuẩn bị. Phần lớn các anh em khác vẫn đứng lảng vảng trên sân trường, muốn bỏ về nhà nhưng còn hoang mang vì râm ran có tin cảnh sát đang đón lõng khắp các ngã đường xung quanh để rình bắt. Đến khoảng 5 giờ, một số thay áo xanh kỹ thuật bằng áo trắng, ai không có áo trắng thì cởi bỏ áo xanh chỉ còn lại may-ô phía trong, lấy xe ra về. Một số khác cứ mặc nguyên đồng phục xanh ra về. Khi trời bắt đầu nhá nhem và sân trường đã vắng người, tôi cũng ra lấy xe đạp bỏ về, trên đường không thấy ai chặn bắt hay tra hỏi gì cả.

Mặc dù cũng hăng say tham gia biểu tình, cũng thi nhau ném đá, nhưng trong đầu tôi vẫn trống rỗng, các ý nghĩ cứ hiện ra rồi mất đi không định hình được, cái tôi muốn, cái tôi không muốn cứ như những chấm đen lơ lửng trong vùng ý thức mà không tự kết nối lại với nhau để thành một sợi chỉ xuyên suốt của tư tưởng được. Như biết bao người khác, tôi muốn có hòa bình để đêm đêm không còn nghe tiếng đại bác ì ùng ở đâu xa lắm vọng lại, để lâu lâu không còn thấy cảnh xe lam chở về xác của một người anh trong xóm vừa chết trận. Đọc báo tôi thấy nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó tôi còn nhớ những người như bà Ngô Bá Thành mà ai cũng biết thuộc thành phần thứ 3 và là thân mẫu của cô Ngô Thị Phương Thiện sau này dạy tôi môn Văn minh Anh hai năm đầu ở Đại học Tổng hợp, hoặc nữ dân biểu Kiều Mộng Thu thuộc phe đối lập, luôn luôn phê bình chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là tham nhũng, áp bức, đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình. Chẳng phải tôi để ý theo dõi lập trường của mấy vị này nên biết họ, tôi nhớ tên các vị chẳng qua là vì tôi thấy tên bà Ngô Bá Thành nghe hay hay, đọc một lần là nhớ, còn tên của bà Kiều Mộng Thu thì quá đẹp, và hình như trong hình bà ấy cũng rất đẹp. Việc chính phủ Thiệu tham nhũng thì vì ai cũng nói như thế nên tôi tin là có thế thật. Riêng việc người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam thì tôi không hiểu sao lại phải yêu cầu như thế, chỉ đoán lờ mờ rằng chắc tại bên Việt cộng đòi Mỹ rút thì họ mới ngưng đánh, mới có hoà bình.

Bà Ngô Bá Thành ai cũng biết thuộc thành phần thứ 3 và là thân mẫu của cô Ngô Thị Phương Thiện sau này dạy tôi môn Văn minh Anh hai năm đầu ở Đại học Tổng hợp.
Bà Ngô Bá Thành ai cũng biết thuộc thành phần thứ 3 và là thân mẫu của cô Ngô Thị Phương Thiện sau này dạy tôi môn Văn minh Anh hai năm đầu ở Đại học Tổng hợp.
Hồi nhỏ, gia đình tôi ở trong một xóm đạo có tên là Vinh Sơn, ở khu Ông Tạ. Toàn bộ xóm chỉ khoảng 15, 20 nóc gia, nằm quây tròn một khoảnh sân chung rộng ở giữa, có lối đi duy nhất rộng khoảng 4 mét dài khoảng 40 mét dẫn ra hẻm chính. Đầu phía trong lối đi là một cây me rất to, tối tối bọn trẻ nít chúng tôi không dám bén mảng lại gần vì có con ma mẹ mặc áo trắng đêm đêm hay ngồi hát ru con giữa các tán cây rậm, càng hãi và tin hơn sau cái đêm ông trung sỹ Phúc, nhà sát cây me, có cô con gái khoảng tuổi dậy thì một hôm lấy đồ cúng đặt dưới gốc me ăn và hoá điên, ông đã đem dây thừng trói nghiến cô vào thân cây và dùng cành dâu quất đến tơi tả từng mảnh bộ quần áo vải nâu thô trên người cô, tiếng ông quát hỏi “con ma ở đâu? con ma ở đâu?” lẫn với tiếng gào khóc thảm thiết của cô gái điên làm náo loạn cả xóm. Dọc lối ra hẻm chính là nhà ông Tàu già nghiện hút nuôi gà chọi, con nào con nấy to đùng, cao nghệu, lông đen mực tàu, cổ và đầu trụi lủi, mỏ cong nhọn, đứa nhỏ nào lớ rớ đi ngang không né là chúng mổ tét đùi. Ra đến hẻm chính, rẽ trái 100 mét là trường tiểu học Vinh Sơn của cô giáo Thảo, rẽ phải cũng khoảng 100 mét là lò bánh mì, thêm chục bước là ra đường chính tên Thoại Ngọc Hầu, giờ là Phạm Văn Hai. Ở đầu hẻm là cổng gỗ rào kẽm gai, hai bên là 2 ông Tàu, một ông mở tiệm cà phê, bánh bao, xíu mại, ông bên kia mở vựa nước đá cây. Từ đây quẹo phải là ra cầu Khuông Việt bắc qua con kênh Nhiêu Lộc cạn mỗi khi mưa to là ngập, chúng tôi hay đứng trên thành cầu nhảy bùm xuống tắm. Qua cầu khoảng 50 mét là chợ Ông Tạ, thêm 50 mét nữa là ra ngã ba cùng tên, cạnh ngã ba là trường Thánh Tâm. Còn từ đầu hẻm quẹo trái là rạp Đại Lợi bên phải, bên kia là nghĩa địa, giờ là chợ Phạm Văn Hai, đi tiếp nữa thì ra khu nhà thờ Tân Sa Châu bên trái, nhà thờ Ba Chuông xa xa bên phải, cả hai nhà thờ cùng trên đường Trương Minh Ký, giờ là Lê Văn Sỹ, tiếp nữa thì ra khu đất trống lớn, giờ là công viên Hoàng Văn Thụ.

saigonxua-Nhà thờ Ba Chuông trước 1975
Nhà thờ Ba Chuông trước 1975, cách nhà tôi khoảng 2km.

Tuổi thơ của tôi chỉ gói gọn trong cái thế giới Ông Tạ nhỏ bé tách biệt, nhưng ngay từ khi tôi có thể tự do theo anh chị trong xóm lê la khắp cái thế giới nhỏ bé tách biệt ấy, tôi cũng đã quen với sự hiện diện của người Mỹ rồi. Khoảng năm lên 6, một trưa tôi theo mấy anh đi tắm trong một cái hồ nước mưa cạn nhưng rất lớn nằm trong khu đất giờ là công Viên Hoàng Văn Thụ trước Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà bây giờ là Doanh trại Quân khu 7, có một chiếc xe nhà binh chở một số lính Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất hướng về trung tâm Sài Gòn. Khi xe chạy ngang chỗ bọn tôi đang vận quần đùi đùa nước, một vài anh giơ tay vẫy vẫy, một vài anh khác thi nhau quăng bổng mấy trái táo đỏ au về phía chúng tôi. Khi chúng tôi lõm bõm lội ra lấy táo, tôi nghĩ thầm: “Cha, lính Mỹ giỏi ghê, sao họ biết táo nổi trên mặt nước mà ném cho bọn mình cà?” Ở trường tiểu học, cứ đầu năm là tôi lại thấy một đoàn lính Mỹ trai có gái có kéo vào trường dựng rạp chích ngừa cho học sinh bọn tôi. Mà họ chích ngộ lắm. Mấy ông bác sĩ Việt Nam mỗi lần chích cầm cái ống nho nhỏ có kim nhọn hoắt đâm vào bắp tay đau nẩy người, còn mấy ông bà Mỹ này cầm một cây súng lục to đùng bằng thủy tinh dí vào tay mình bóp kêu phịt một cái là xong, chẳng đau đớn gì, nhiều khi chích xong rồi đi ra mà còn ngó ngó xăm soi xem có chích thật chưa nữa!

bacsimychungngua

Một số ông Mỹ còn lấy vợ Việt thuê nhà sống chung trong xóm với chúng tôi nữa. Sáng họ vận đồ nhà binh đi làm, chiều 5, 6 giờ về nhà. Họ vui vẻ và hóm hỉnh lắm, trong túi lúc nào cũng sẵn kẹo sô-cô-la hay sing-gum, gặp con nít trong xóm là móc ra cho, con nít rất thích. Không những thích, chúng tôi còn phục mấy ông lắm. Một lần, dịp gần Tết ta, một ông đi làm về, đứng lại phát kẹo cho chúng tôi. Bỗng một bánh pháo ở đâu văng xuống cạnh giầy nổ chát chúa, chúng tôi né dạt ra, nhưng ông Mỹ vẫn thản nhiên không thèm quay lại ngó. Lì thật! Một lần khác, một ông cãi nhau với vợ. Bà vợ Việt tru tréo ầm ĩ cả nhà, chúng tôi luồn tay mở cổng cho cả bọn ùa vào hé cửa dòm. Thấy chúng tôi dòm, bà vợ càng tru tréo tợn làm ông Mỹ điên tiết, rút phắt con dao găm đeo toòng teng ở thắt lưng ra phóng ghim phập vào cánh cửa! Chúng tôi ù té chạy. Khi đã ra xa xa rồi, chúng tôi tụm lại bàn tán mãi về cái tài phóng dao “như trong phim Tarzan” của ông ấy! Nhưng phải công nhận có mấy ông Mỹ cũng bậy bạ ghê, nhất là mấy ông thuê nhà trên lầu 2 ở mấy căn gần rạp Đại Lợi. Ai đời chiều chiều hay cuối tuần lại bắc ghế ra lan can ngồi xem thiên hạ đi đi lại lại phía dưới đường, một lát mấy cô vợ ưỡn ẹo đi ra là kéo ngồi ngay vào lòng, hai bàn tay mấy ông cứ luồn vào bộ áo đầm thùng thình của mấy cô sờ sờ nắn nắn, nhiều khi không chừa một chỗ nào nữa! Lần nào thấy cảnh đó đám con nít tụi tôi cũng rủ nhau ra đứng ở đầu hẻm dòm rồi nhe răng cười với nhau.
Trong cái thế giới Ông Tạ nhỏ bé tách biệt này, ngoài những người Mỹ mà tôi thấy hàng ngày, còn một số người khác lâu lâu mới thấy, hoặc mới nghe nói về. Một hôm đang ngồi học bài trong nhà, tôi thấy một người thân hình rất vạm vỡ to cao như lực sĩ cử tạ, vận quần dài nhưng ở trần trùng trục, chạy xộc vào gian sau của căn nhà lá của gia đình tôi. Khi thấy bể nước xi măng giữa nhà, người đó nhảy lên rồi đưa tay đu tường hít lên phóng sang mái nhà kế cận. Tôi không hiểu chuyện gì, chỉ thấy lạ. Một lát tôi ra sân đứng chơi vơ vẩn, thì gặp cũng người đó đang ung dung đi ngang qua mặt tôi. Tôi nhìn theo thì thấy một vết chém toác hoác dài khoảng một gang tay người lớn trên cái lưng trần nần nẫn thịt, máu chảy ròng ròng. Mấy ngày sau, nghe các anh trong xóm nói lại, tôi mới biết đó là Sơn Đảo. Trận đó hình như anh bị mấy tay biệt động quân chận đánh, không biết là có mâu thuẫn gì. Về sau tôi mới biết thêm về anh khi chúng tôi đi tìm đường tắt để đến trường tiểu học Khuông Việt nơi tôi đang học lớp Tư (lớp 2 bây giờ). Nhà anh ở ngay kế con đường tắt cạnh một nhà thờ nhỏ sâu vào phía sau trường tiểu học Vinh Sơn. Anh có một người em gái, lúc đó khoảng 16 tuổi, lưng còng còng nên mấy anh lớn xóm tôi gọi là Bích lưng tôm. Ngay lúc còn nhỏ, tôi cũng không tìm hiểu hoặc quan tâm về anh lắm, nhưng mỗi khi nhắc đến tên Sơn Đảo, bọn trẻ nít tụi tôi đều có lòng vị nể.

Người mà chúng tôi sợ nhất là những người chúng tôi không thấy. Một đêm khoảng 12 giờ khuya, cả xóm đang say ngủ thì nghe tiếng kẻng khua leng keng leng keng ầm ĩ từ xóm người nam sát vách phía sau nhà tôi chạy dài đến cuối xóm. Ba tôi bật dậy, lần tay lên mái nhà lá rút xuống một con dao mã tấu to bản dài khoảng 8 tấc rồi lao ra khỏi nhà. Tôi cũng chạy theo. Ra ngoài tôi thấy các bác trong xóm đã có mặt đứng dàn hàng ngang nhìn chăm chăm về phía lối đi vào xóm, tay cầm vũ khí chống trước mặt. Ba tôi chống mã tấu, đứng dạng chân, bác Minh cạnh nhà, lính không quân làm việc bên trại Phi Long cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, lăm lăm khẩu carbine, bác Nhật đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội trong nhà có thờ ảnh của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng chống kiếm đứng im lặng nhìn. Các bác các chú khác trong xóm cũng người thủ chầy giã giò, người thủ cuốc, xà beng. Mọi người như nín thở chờ đợi, hồi hộp lắm. Phải đến cả nửa tiếng sau, tiếng kẻng mới ngớt thúc bách rồi im hẳn. Đợi thêm một lát, mọi người tan hàng về ngủ. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra đêm đó? Một nhóm cướp đánh úp xóm đằng sau, hay mấy người Việt cộng mò về? Từ khi khôn lớn đến nay, muốn biết thêm về lịch sử xóm cũ, tôi có ý dọ hỏi, nhưng má tôi không nhớ, mà người ở xóm cũ giờ cũng tan tác hết rồi.

Không nhớ tôi được nghe đến từ Việt cộng là từ khi nào, chắc cũng phải từ rất sớm. Chỉ biết rằng, trong hình dung non nớt của tôi, Việt cộng là một cái gì chỉ hiện hữu về đêm, hay rình rập, thoắt ẩn thoắt hiện, thấy sợ sợ lắm. Thế nên cái đêm nghe kẻng báo động, người xóm tôi lao ra khỏi nhà với gậy gộc gươm đao nhưng rồi lại quay trở vào ngủ vì không có gì xẩy ra đó, tôi cũng chỉ tự lý giải những kẻ đột nhập tấn công bí ẩn đó không phải quân cướp thì cũng là Việt cộng. Tết Mậu Thân năm 1968, người ta nói về Việt cộng suốt ngày, có khi gọi là cộng quân, họ đánh phá khắp nơi, binh lính quốc gia cũng tìm diệt họ khắp nơi, TV và ra-đi-ô nói thế, rồi những câu chuyện thảm sát ở xứ Huế xa lắc lơ, nhưng với tôi họ cũng vẫn chỉ là một khái niệm không hình thù, lùng bùng, và chiều chiều khi anh em tôi công kênh nhau leo lên mái nhà đứng nhìn về những đụn khói đen ngòm đang cuồn cuộn bốc lên ở hướng ngã tư Bảy Hiền, nếu có ai hỏi nhìn gì đó thì anh em chúng tôi cũng chỉ đáp: “Đứng xem máy bay bỏ bom Việt cộng!” Tôi có thể hình dung ra những chiếc đầm già vuông vức và ánh bạc đang chao cánh bỏ bom, tôi có thể hình dung ra những quả bom đen thui đang rớt xuống, những đụn khói đang ngùn ngụt bốc lên, nhưng tôi không thể hình dung ra cái gì nằm dưới những đụn khói ấy.

Sau đó ít lâu, vào một buổi sáng trong xóm lan tin đêm trước mấy nhân dân tự vệ bắt được một “tên Việt cộng” đang treo ở đầu hẻm. Bọn con nít chúng tôi ùn ùn kéo nhau ra coi. Đến nơi, chỉ thấy treo lủng lẳng trên những hàng dây thép gai chằng cổng một cái nón cối, một đôi dép cao su quai, một khẩu AK. Tôi còn nhớ, lúc nghiêng nghiêng ngó ngó mấy thứ đó, tôi còn thắc mắc trong đầu: “Ủa, Việt cộng là vầy sao ta?” Phải một hai năm sau đó, khi gia đình tôi đã dọn về xóm Khuông Việt ở phía sâu hơn bên kia bờ kênh Nhiêu Lộc, tôi mới được thấy Việt cộng hình thù như thế nào khi coi bộ phim “Chúng tôi muốn sống” của đạo diễn Vĩnh Noãn trên TV đen trắng của một nhà hàng xóm, hiện vẫn còn xem được trên youtube. Cho đến nay, dù hơn năm chục năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái cảnh bố mẹ của Vinh (diễn viên Lê Quỳnh), một đại đội trưởng can trường chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh, dù đã ủng hộ kháng chiến hết mình cuối cùng cũng bị kết án là địa chủ, bị chôn chỉ lòi hai cái đầu trên mặt đất để những người nông dân kéo cái bừa nặng phạt ngang. Tôi cũng không quên cái vẻ mặt đanh lại, sắt máu của đồng chí chủ tịch và vẻ đanh đá, nham hiểm của người nữ cán bộ tên Trâm (diễn viên Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam). Chính những hình ảnh rợn người và những sự nham hiểm sắt máu đã hình thành trong đầu óc non nớt của tôi một cách nhìn đầy ám ảnh về Việt cộng nói riêng và về người cộng sản nói chung.

Lạ một cái là trong những ngày tháng 4 năm 1975 sôi động đó, tôi không mảy may nhớ lại những hình ảnh này, không nhớ lại vụ thảm sát Mậu Thân 1968, cũng như tôi đã không nhớ gì đến những tấm áp-phích to như cái bảng đen lớp học được dựng nhan nhản khắp Sài Gòn vẽ và chú thích cảnh Việt cộng đi đến đâu là đốt đình đốt chùa đến đấy và cảnh 7 người Việt công đu không cong một cành đu đủ. Khi anh em Cao Thắng chúng tôi biểu tình đòi Mỹ rút, đòi chấm dứt chiến tranh tái lập hoà bình, chúng tôi chỉ vẩn vơ thấy hiện lên trong đầu mình một cảnh tượng thanh bình lắm, một cảnh tượng mà Phạm Duy đã vẽ ra và cũng đã thấm đẫm tâm hồn tôi từ tấm bé:

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về…
Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…
Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành
Người đẹp bên anh, ta cùng học hành
Những khi tan công, hết việc, xếp gánh…
Ngày lại ngày có em vui tươi xách gạo bến nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng…

Sáng hôm sau ngày biểu tình của học sinh Cao Thắng, tôi đạp xe lên trường, nghĩ là chắc trường đóng cửa, nhưng vẫn lên coi cho chắc. Đến nơi, đúng như dự đoán, trường đóng cửa, hai cuộn dây gai giăng ngang đường Huỳnh Thúc Kháng, ngay chỗ hai ngã tư Công Lý và Pasteur dẫn vào trường, nhưng không thấy cảnh sát đứng gác. Tôi không biết số phận mấy bạn hôm qua rút lên sân thượng cố thủ giờ ra sao, nhưng cũng không thấy bất cứ dấu hiệu của một trận hỗn chiến nào, không có một dấu bom xăng cháy, hàng quán hai bên đường vẫn mở cửa, người ta vẫn đi lại ăn uống như chưa từng có bất cứ xáo trộn gì đã xảy ra. Đứng xa xa nhìn về phía cổng trường một lát, tôi quay xe về nhà, qua chợ Bến Thành, qua ngã sáu Phù Đổng. Khi đến đường Hoà Hưng, tôi rẽ vào nhà Nguyễn Đình Tuân, là người mấy hôm trước cùng một số bạn bí mật leo lên nóc trường đặt truyền đơn nhưng lúc đó bọn tôi không biết, xem nó có tin tức gì không. Gọi mãi không ai ra mở cổng, không biết cả nhà đã đi đâu, tôi lại trở lui theo đường Lê Văn Duyệt giờ là đường Cách mạng tháng 8 để về nhà.

Lúc đạp xe ngang nghĩa địa Đô Thành, bây giờ là công viên Lê Thị Riêng, tôi dừng lại coi đám ma. Mấy tuần nay, lính tử trận nhiều, chắc anh Nhật bận. Nghĩa địa Đô Thành có một đội chuyên rửa xác chết trước khi liệm vào hòm mà đội trưởng là Nhật, cũng dân Cao Thắng trên tôi 1, 2 năm nhưng không theo ban Toán như tôi, mà là ban Sinh công, tức là những học sinh sau khi học xong sẽ học lên tiếp hai năm để ra làm cán sự nghề, còn những người ban Toán như tôi sẽ học tiếp 4 năm ở Phú Thọ, giờ là Đại học Bách khoa, hoặc may mắn hơn thì được đi du học ở Tây Đức để ra làm kỹ sư công nghệ. Anh Nhật người tầm thước, da mặt bánh mật nhưng bợt bạt vì sống nhiều trong bóng tối, láng trơn và rất căng, như da bịt trống, ép sát vào khuôn mặt trán gồ má tóp, trông như một cái đầu lâu sáp linh hoạt, mắt có điện. Hồi đó nhìn anh tôi thấy sợ sợ, không bao giờ dám đứng quá gần, nhất là khi biết ngoài việc tắm rửa xác chết, anh đêm đêm còn ngủ trong nhà xác với các xác chết và, theo lời anh kể, đôi khi còn cùng họ nhảy đầm nữa, chuyện này có đăng báo hẳn hoi.

nghĩa trang Đô Thành
Những việc xảy ra khoảng trung tuần tháng 4 năm 1975 trong trí nhớ của tôi bây giờ như dính chùm nhau, vẽ nên một Sài Gòn hấp hối và hỗn độn. Trước hết, đó là hình ảnh của ba tôi chống gậy khật khừ đi tới đi lui trong căn nhà cấp 4 xóm Khuông Việt, khi đi cái chân phải khoẻ và cái ba-toong làm điểm tựa, người nghiêng một bên, cái chân trái liệt đá hất lên về phía trước, cái tay liệt gập thước thợ cứng đơ toòng teng trước bụng. Hiệp định Paris ký tháng 3 năm 1973, anh cả tôi trước đó mấy tháng thi rớt học kỳ 2 năm nhất ở Đại học Luật, phải nhập trường sĩ quan Thủ Đức, ba tôi sau đó mấy tháng bị mất việc concierge ở số 274 Công Lý, do thái độ kinh miệt ra mặt đối với hai người mật vụ gác nhà ông tổng trưởng Ngọc. Mùng 3 Tết Giáp Dần 1974, ba tôi sau một vòng xuất hành đầu năm về nhà than mệt, đi nằm, rồi liệt nửa người. Má tôi tiếp tục tất tả ngược xuôi với gánh cháo vịt hằng đêm ở khu ngã tư Quốc tế, tức là ngã tư Phạm Văn Hai-Lê Văn Sỹ bây giờ. Lúc này, lính Mỹ đã được lệnh về nước, bỏ lại các cô vợ hờ trong các con hẻm tối tăm ngoắt ngoéo hoặc các cô bán bar dọc từ ngã tư Quốc Tế đến nhà thờ Ba Chuông, giờ không có ai chu cấp, phải ăn chịu má tôi, tình hình tài chánh gia đình tôi do vậy mà hấp hối theo.

moitinhvietmy
Và hỗn độn lắm, đã chính thức bắt đầu từ đêm 30 tháng 3 khi tổng thống Thiệu quyết định bỏ Đà Nẵng khiến quân đội VNCH ở đó rơi vào cảnh hỗn loạn, vừa tháo chạy vừa bắn lẫn nhau, để thanh toán các món nợ cũ cũng có và để tranh nhau môt chỗ trên các con tầu đang chuẩn bị rút về tuyến sau cũng có. Tính đến ngày 2 tháng 4, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, rồi Cam Ranh thất thủ, Thượng viện đòi tổng thống Thiệu từ chức vì tin rằng Việt cộng sẽ ngừng tấn công nếu miền nam có chính phủ mới không Thiệu. Ngày 8 tháng 4, tôi đạp xe lên Hội Việt-Mỹ xem tình hình. Trường vắng, trong sân trường lâu lâu mới thấy một vài học sinh hoặc thầy cô đi lại, vội vã và lặng lẽ. Khoảng 3 giờ chiều, tôi đang định ra lấy xe về thì nghe tiếng máy bay ù ù trên đầu, ngay tức khắc hàng tràng đạn phòng không từ dưới đất bắn tuá lên bao quanh máy bay nhưng không trúng. Máy bay vẫn bay, đạn vẫn bắn theo. Tôi vội lúp xúp chạy ra lấy xe rồi theo đường Hai Bà Trưng phóng về nhà qua ngã Phú Nhuận, vừa ra sức đạp vừa hụp đầu xuống sợ lỡ đạn rớt trúng đầu. Về đến nhà mới nghe tin Dinh Độc Lập bị bỏ bom.
Ngày 19 tháng 4, các báo đưa tin 100.000 quân Việt cộng đã trấn đóng xung quanh Sài Gòn, đòi tất cả quân nhân và nhân viên Mỹ, bao gồm cả đại sứ Martin phải tức khắc rời Sài Gòn. Sáng hôm đó, tôi đi bộ ra đầu ngã ba Ông Tạ đến thăm Hùng, cũng học Cao Thắng nhưng dưới tôi một lớp và cũng rất mê học tiếng Anh, đặc biệt là những từ chỉ tìm thấy trong tự điển và thường dùng để đánh đố nhau, chẳng han như từ “claustrophobia” là tôi học từ Hùng dạo ấy. Nhà Hùng lúc đó là tiệm vàng Trường Xuân, ở vùng Ông Tạ ai cũng biết, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chơi và ngủ đêm. Hùng và Dũng, anh của Hùng, rủ tôi băng ngang đường ăn sáng ở quán bún chả quạt than nổi tiếng, lâu quá không nhớ tên, chỉ nhớ bà chủ quán luôn chĩa cái quạt gió cũ kĩ bám khói đen kịt lúc nào cũng quay tít ra phiá ngoài để khói thịt nướng thơm lừng xộc vào mũi khách đi đường. Ăn xong, ba anh em đi về nhà, gặp ba Hùng đang đọc báo. Thấy chúng tôi, ông buông tờ báo thốt lên: “Mất nước đến nơi rồi!” Khoảng hơn tuần sau, gia đình Hùng hối hả ra sân bay bằng giấy thông hành của chính phủ Ấn cấp, mang theo tài sản mà họ đã tích cóp được hơn 20 năm sau cái ngày bỏ của chạy lấy người năm 1954 về định cư tại vùng Ông Tạ, bỏ lại ngôi nhà 8 thước ngang 30 thước sâu và chiếc xe Citroën mầu trắng bạc cùng biết bao kỷ niệm.

Ngã ba Ông Tạ trước 1960. Có lẽ hai gian chính giữa căn nhà mái dốc sau này là tiệm vàng Trường Xuân.
Ngã ba Ông Tạ trước 1960.

Buổi chiều hôm tôi lại chơi nhà Hùng, tôi đạp xe lên trường London School. Hôm nay là buổi học sau cùng, tâm trạng tôi nặng nề u ám hệt như tâm trạng của cậu bé Franz trong truyện của Alphonse Daudet. Thầy giám học Kirby người tầm thước, tóc húi cua bạc nhiều, mặt to vuông, bụng bắt đầu phát tướng, mặc áo sơ mi dài tay mầu trắng, quần đen ống rộng vải dày, có hai dây nâng chéo qua vai, thắt nơ đen, đang đứng trước lớp, trịnh trọng và rầu rĩ. Ngồi hàng ghế đầu ngay chỗ thầy đang đứng là chị Julie, người Việt gốc Hoa, khoảng 24, 25 tuổi, chiêu đãi viên hàng không, tóc phi-dê, làn da trắng ngà rất mịn, móng tay sơn nhẹ mầu cánh sen, luôn mặc jupe mầu trắng sữa hoặc xanh da trời nhạt, may ôm rất khéo, đẹp và duyên dáng, mọi ngày vẫn cười khanh khách để lộ hai hàm răng trắng đều, lúc này đang cúi đầu nghiêng về một bên, ứa nước mắt. Tôi ngồi dãy cuối lớp. Thầy Kirby đi bắt tay từ biệt từng người, đến chỗ tôi, thầy tần ngần rồi lấy trong túi ra một chiếc hộp quẹt zippo tặng tôi như một lời vĩnh biệt. Tôi đẩy tay thầy ra, nói: “Một ngày, em sẽ qua Mỹ. Em sẽ tìm gặp thầy!” Kể từ khi qua Mỹ đến nay đã 18 năm, mấy lần tôi cũng cố tìm thông tin về thầy nhưng vô vọng. Có lẽ thầy mất rồi cũng nên.
Tối hôm đó, đang mơ màng ngủ thì có tiếng loa lộn xộn vẳng lại. Tôi lắng nghe thì hóa ra người ta đang đánh nhau ở trường Thánh Tâm gần ngã ba Ông Tạ, giáo dân bị vây trong trường, vòng ngoài là cảnh sát dã chiến bắn lựu đạn cay vào bên trong, tiếng loa ậm oẹ của các sư huynh Công giáo thông báo cho người dân quanh vùng về diễn biến của cuộc xung đột. Chiều ngày hôm sau lại xảy ra xô xát lớn cũng giữa giáo dân với cảnh sát dã chiến, nhưng lần này là ở nhà thờ Tân Sa Châu cạnh ngã tư Quốc Tế nơi mẹ tôi bán cháo vịt hằng đêm và do linh mục Trần Hữu Thanh thuộc phong trào chống tham nhũng kích động. Tối hôm sau nữa, vào khoảng 7 giờ ngày 21 tháng 4, tổng thống Thiệu mặc quốc phục khăn đóng áo dài gấm in hoa lên TV tuyên bố từ chức, kết án người Mỹ bỏ rơi miền nam, giọng cay đắng và giận dữ như mất bình tĩnh, lúc lúc lại ngẹn ngào. Bài diễn văn từ chức ứng khẩu dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, tôi đứng nghe bài diễn văn cũng đúng tại căn nhà phía sau nhà tôi nơi mà khoảng 3, 4 năm trước tôi đã rướn mình nhìn qua cửa sổ theo dõi bộ phim “Chúng tôi muốn sống” và rùng mình nhắm tịt mắt khi đến đoạn chiếu hai cái đầu của hai ông bà lão nhô lên mặt đất và cái cày do 4, 5 người bần cố nông sắp kéo lướt qua. Bây giờ thì họ đang đến thật rồi!

Sáng hôm sau tôi đi cửa tắt ra xóm sau nhà chỗ tôi hay coi ké TV để làm một vòng xem có gì lạ, nhất là khu Đệ Nhất Khách Sạn gần Lăng Cha Cả là nơi tôi ít đi ngang vì trái đường đến trường. Đang lang thang trên đoạn đường bây giờ là Hoàng Việt trước Đệ Nhất Khách Sạn, tôi gặp Vũ Hồng Phúc đang thất thểu đi ngược lại. Phúc cũng chung lớp 10T2 ở Cao Thắng với tôi, gồm Nguyễn Xuân Hán, Võ Tuấn Lĩnh, Nguyễn Đình Tuân mà tôi đã điểm danh trong các bài trước, nay thêm Trần Văn Hoàng, nhà ở Q.4, bố là thầy Khoẻ, dạy kỹ nghệ sắt ở trường, còn Lăng Xuân Bình, to cao, trắng trẻo, thổi harmonica bài “Con kênh xanh xanh” rất điệu nghệ, một thời là giám đốc công ty may Phúc Yên ở đầu ngã ba Ông Tạ, sau qua kinh doanh địa ốc, xây hai toà chung cư cũng lấy tên Phúc Yên cao mấy chục tầng ở chân cầu Tham Lương và Lê Ngọc Diệp, tiến sĩ Y khoa tốt nghiệp ở Thái Lan, hiện làm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, Q.5, thì học 10T3, ra vô trong trường vẫn chào hỏi. Gặp tôi, Vũ Hồng Phúc mếu máo, giọng trọ trẹ của dân gốc Quảng Trị: “Ngài nào tụi nó củng bắc ra trình diệng, khổ sở qwuá!” Tôi hỏi: “Ai bắt?” Phúc trả lời: “Cảnh sác!” Nói xong anh bỏ đi. Tôi không hiểu, Phúc trước giờ chỉ thấy tham gia nhóm Lên Đường cũng như phần đông tụi tôi hồi đó, chứ có thấy anh hoạt động chính trị bao giờ?

Hai hôm sau, buổi chiều khoảng 5 giờ, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng ai gọi. Ngó ra thấy Nguyễn Xuân Hán. Hán đi xe đạp, mặc quần đen áo sơ mi hai túi có cầu vai mầu cứt ngựa, nón rộng vành trên đầu. Tôi ra, hai anh em trao đổi được vài câu, tôi kể cho Hán nghe về việc gặp Vũ Hồng Phúc trước đó mấy hôm, Hán liếc nhanh đôi mắt sắc nhìn tôi, nói “Vậy à?” rồi vội vã chào ra về theo lối xóm sau, qua ngõ hông nhỏ trước nhà ông Đức, là người 15 năm sau đi cùng mẹ tôi lên cư xá Lý Thường Kiệt đại diện đàng trai hỏi vợ cho tôi. Tôi hơi chưng hửng, Hán chưa nói đến thăm có việc gì. Tôi chạy theo ra xóm sau tính gọi hỏi, nhưng Hán đã đạp xe đi mất. Đang ngó tới ngó lui xem Hán có quẹo vào ngõ tắt nào không thì Tính đi lại. Tính hơn tôi một tuổi, lúc đó đã là huấn luyện viên Vô-vi-nam đai vàng một vạch đỏ, con ông Thịnh thầu khoán, người quắc thước, ít ai biết ông là đảng viên Quốc Dân Đảng, mà đảng trưởng ẩn danh không ai khác là ông Úy, nhà ngay sau đuôi nhà ông Đức, chỉ có thể đi vào bằng một lối hẹp khoảng 8 tấc, cách nhà tôi 3 căn, là bố của Hoàng Mai, người con gái mảnh mai yểu mệnh có cặp mắt tôi thường khen đẹp u uẩn như “đôi mắt người Sơn Tây”, và là bố nuôi của luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston, vì thành tích sau 1975, đặc biệt là sau một lần nói chuyện với Hà Thúc Ký, chủ tịch Đại Việt Cách mạng Đảng, đã bí mật về Việt Nam đặt bom, bị bắt, bị tù, rồi được trả về Mỹ, sau đó được bầu làm Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia ở Houston, rồi đắc cử vào chức Ủy viên Hội Đồng Thành phố Houston, nhưng sau lại áo mũ xênh xang về Việt Nam cùng vợ viếng lậy ở Đền Hùng và vào Sài Gòn thăm tư gia vườn hoa ao cá Nguyễn Minh Triết, khi về lại Houston bị đồng bào nguyền rủa và tẩy chay.

Lúc Tính và tôi đang đứng nói chuyện thì Mẫn, nhà đối diện nhà có TV tôi hay xem ké, đi ra giơ tay chào. Từ khi tôi chuyển về trường Cao Thắng, Mẫn vẫn ở lại trường Nghĩa Hòa, vả lại trước nay không cùng lớp, nên anh em ít gặp nhau. Mẫn báo: “Mày biết thằng Văn đăng lính cách đây mấy tháng không? Lính Biệt Động!” Tôi trố mắt. Văn bằng tuổi tôi, vậy là nó đăng lính khi mới 15, chắc khai man tuổi. Tôi có một vài kỷ niệm nhớ đời về Văn. Tụi tôi học với nhau ở trường tiểu học Khuông Việt ngay từ hồi lớp 5 (lớp 1 bây giờ), rất thân. Lên lớp đệ thất (lớp 6), hai đứa cùng được chuyển về trường Nghĩa Hòa, buổi sáng tôi trượt chân té xuống vũng nước và được anh lính Mỹ cho kẹo sing-gum, Văn cũng đang đi cùng với tôi. Ở trường Nghĩa Hoà, con trai học buổi sáng, con gái học buổi chiều, con trai thường lén viết thư tình bỏ vào hộc bàn đang ngồi cho tụi con gái lớp chiều. Năm lớp đệ lục (lớp 7) không biết thế nào mà Văn tán được em Lan nhè, nên thường sang nhà nhờ tôi viết hộ thư tình, mỗi lần viết được trả công một ly chè đậu đen trước cổng trường. Hồi đó tôi có quyển “Những bức thư tình hay nhất thế giới”, mua để luyện tiếng Anh. Tôi khoái nhất những lá thư Napoléon gửi cho Joséphine, mỗi lần Văn nhờ viết thư cho Lan nhè, tôi mở sách copy y chang, nào là “nữ hoàng của lòng anh” nào là “anh yêu đôi mắt bồ câu, cái mũi dọc dừa của em”, v.v., không quên chua một câu trước khi ký tên: “Hôn em ngàn lần”! Lan nhè đọc những lá thư đó, sướng mê man.

Lan nhè có một ông anh họ tên Lượng, cũng học chung lớp với bọn tôi, cả hai anh em là người công giáo, gia đình làm nghề mổ heo ở khu Nghĩa Hòa, phía bên kia đường Lê Văn Duyệt bên này là khu Ông Tạ, không biết thuộc xóm đạo nào. Một hôm, đang giờ kiểm tra Anh văn của thầy Hùng, lúc này đang trong giai đoạn “ngày ngày tạt qua bẽn lẽn cười tình” với cô Liên nhỏ người mũm mĩm, da trắng má phính bừng sắc hồng đào, cũng đang dạy Văn cho lớp chúng tôi, Lượng bí rị nên liếc nhìn bài làm của bạn ngồi hàng trước, thầy Hùng bắt được nhưng chỉ nhắc nhở chứ không phạt. Văn ngồi dãy bàn bên kia thấy vậy hý hoáy viết vài chữ vào mảnh giấy xé vội trong vở quăng qua cho Lượng. Không may, ngay lúc đó thầy quay lại và bắt gặp. Chắc thầy đang có gì vui vẻ lắm, nên cúi xuống lượm mảnh giấy, mở ra và đọc oang oang cho cả lớp nghe, chắc để cả lớp cười cho vui. Mảnh giấy viết: “Lượng ơi, có phải ông Hùng tính o con Lan nhè không (hồi đó, chữ “o” này có nghĩa là “tán tỉnh”) mà sao dễ thương với mày quá vậy?” Nghe thầy Hùng đọc xong, cả lớp tái mặt, thầy Hùng cũng tái mặt, lôi Văn ra mím môi tát liên tiếp mấy bạt tai đuổi ra khỏi lớp. Sau vụ này Văn sợ không dám đến lớp, tụi thằng Lượng, thằng Dũng, thằng Chân, là mấy đứa cùng kết băng thường chia phe đánh lộn giờ chơi, nghĩ ra cách nhờ tôi đến trường năn nỉ xin lỗi thầy dùm Văn vì tôi là học trò cưng của thầy. Vậy mà thầy Hùng cũng tha, rồi tôi chuyển trường lên Cao Thắng, rồi hôm nay nghe tin Văn đăng lính, lúc tuổi mới 15.

Chiều hôm sau, Mẫn sang gọi tôi. Lạ, mới gặp chiều qua giờ lại sang, chắc muốn rủ đi đâu? Tôi khoác áo chạy ra. Mẫn nói thì thào, mặt nghiêm trọng: “Tao mới qua khu Nghĩa Hoà nghe tướng Nguyễn Cao Kỳ nói chuyện. Đông người nghe lắm. Tướng Kỳ bảo Việt cộng sắp vào Sài Gòn theo ngã Bảy Hiền. Còn bảo sẽ phát súng cho mọi người, khuyên nên đào công sự chiến đấu. Tướng Kỳ nói chuyện vui lắm, chê mấy người bỏ chạy qua Mỹ là hèn, nói ông sẽ không bỏ chạy vì qua Mỹ không có canh rau đay cà pháo mắm tôm, lại hứa sẽ ở lại tử thủ Sài Gòn cùng mọi người.” Nói một hơi, Mẫn ngừng lại, rồi bất ngờ tuyên bố: “Ngày mai tao cũng đăng lính!” Mẫn về rồi, tôi quay vào nhà, ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài suy nghĩ, Việt cộng đánh đến tận đây rồi, lại nghĩ về lời đồn râm ran cả tháng nay, Việt cộng mà vô, mấy cô sơn móng tay xanh đỏ, như chị Julie, sẽ bị nó dùng kìm rút hết, mấy cô không sơn móng tay sẽ bị bắt đi làm hộ lý, bắt lấy thương binh, như em Trường, em Chung, em Hoài Hương, em Mỹ .... Vậy thì chết! Không được! Giặc đến nhà đàn bà còn phải đánh, mình là nam nhi cũng phải “vứt bút nghiên lo việc kiếm cung” chứ. Nghĩ như vậy, tôi đứng lên đi xuống nhà sau gặp mẹ tôi. Tôi nói, miệng khô khốc, bụng đánh lô tô, giọng run run: “Mẹ, mai con đăng lính!” Mẹ tôi đang ngồi nhổ lông vịt chuẩn bị nấu cháo chiều bán, nghe vậy ngoảnh lại nhìn tôi, nhỏ nhẹ dằn từng chữ nhưng sắc mặt vẫn bình thản: “Bộ mày tính cầm súng bắn lại anh em mày sao? Tụi ngoài Bắc cũng là anh em mày cả đấy!”

Tướng Nguyễn Cao Kỳ, ngồi bên cạnh là Linh mục Trần Hữu Thanh.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, ngồi bên cạnh là Linh mục Trần Hữu Thanh. Vào xế trưa ngày 25 tháng 4 năm 1975 tướng Kỳ đã phát biểu trước khoảng 6 nghìn người Công giáo về chuyện phòng thủ Sài Gòn rằng "ông sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát".
Từ sau ngày mẹ la tôi vụ đăng lính, thời gian trôi thật nhanh, như đoạn cuối của một cuộn băng video đang trả ngược. Chiều ngày 27, tôi, Mẫn và Tính đang đứng nói chuyện ở ngõ xóm sau trước nhà ông giáo Hới thì một quả đạn 127 ly bay xoẹt xoẹt rồi cắm phụp vào căn hầm tránh bom đào sâu dưới lòng đất ở một nhà cách cửa hàng tạp hoá của bà già cuối ngõ 3 căn, cách chỗ chúng tôi đang đứng chưa đầy 100 mét. May mà đạn lép, căn nhà sạt mái vỡ toang bức tường hông nhưng không ai chết. Tối hôm đó, anh em tôi kê cao giường chui xuống gầm ngủ, giữa khuya cứ chốc chốc lại nghe tiếng đạn đại bác xé gió bay ngang về hướng phi trường. Sáng hôm sau, người ta bảo một nhà trong hẻm 147 sát cầu Khuông Việt bị trúng pháo, tôi chạy đi xem thấy 5 người trong gia đình đó bị chết, đang để nằm xếp hàng ngoài sân trước, vải trắng phủ kín mít. Chiều khoảng 3 giờ, trời mưa lất phất, một anh lính Dù đỗ xe Honda trước cửa nhà bà Thược kế nhà tôi bên tay trái. Anh là người yêu của chị Gái con đầu của bà Thược, má của Tiên, cũng đăng lính Thủy quân Lục chiến trước Văn vài tháng, cũng khai man tuổi. Khi chị Gái ra gặp, tôi nghe anh nói: “Quân ta buông súng rồi”.

4 giờ chiều ngày 29, anh Sáng thợ may chạy qua nhà tôi. Anh Sáng trước ở Nam Vang, sau vụ người Khmer cáp-duồn người Việt (bắt và chặt đầu người Việt) hồi tháng 7 năm 1970 ở Cam-bốt, anh chạy về Sài Gòn rồi cưới chị Thịnh con gái lớn bà Quý, nhà ở kế nhà tôi bên tay phải, trước vẫn bán bánh mì trước cổng trường Khuông Việt. Hồi nhỏ đi học ở đó, cứ đến giờ ra chơi là tụi tôi hay thò tay qua song sắt cổng trường mua bánh của bà, vừa cầm tiền đợi bánh bọn tôi vừa lải nhải “bánh mì cho ớt, bánh mì cho ớt”, làm có lần bà phì cười nhe hàm răng ăn trầu đen bóng hạt lựu la: “Tụi bay nói một hồi thành bánh mì cho đất bây giờ!” Vừa vào nhà, anh Sáng hỏi ngay ba tôi: “Bác có lên chùa Vĩnh Nghiêm không, con chở”. Mấy ngày nay trong xóm có rỉ tai nhau, bảo lên chùa có trời phật phù hộ, đạn pháo không trúng đâu. Anh cả tôi, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Thủ Đức, được điều về Vĩnh Long và đang chiến đấu ở đó, không biết sống chết thế nào. Ở nhà còn mẹ tôi, anh Hoà, tôi và mấy em. Chúng tôi bàn nhau, lên chùa có lẽ an toàn hơn, bèn khênh bố tôi đặt lên yên sau chiếc Goebel đỏ của anh Sáng, rồi gom góp ít chăn màn, người đi bộ người đi xe đạp, theo cả lên chùa, lúc này đã chật cứng người lánh nạn.

Thuyền chở người về Việt Nam khi xảy ra nạn cáp duồn.
huyền chở người về Việt Nam khi xảy ra nạn cáp duồn. Năm 1977-1979, khi làm thợ sửa máy tầu thủy ở xí nghiệp đóng tầu CARIC bên kia sông Sài Gòn, tôi có làm chung tổ cơ khí với những chú bác từ Cambốt chạy về Việt Nam trong thời gian xảy ra nạn “cáp-duồn” ở xứ chùa tháp.

Đêm trong gian chính điện chùa tĩnh lặng, tối và ngột ngạt, tôi chợp mắt được một ít rồi thức giấc, không ngủ lại được nữa. Trằn trọc một lát, tôi ngồi dậy, lén móc túi ba tôi lấy mấy điếu Bostos ra ngoài sân chùa hút. Đây là lần đầu tiên tôi tập hút thuốc. Trước kia, khi còn đi làm có tiền, ba tôi chuyên hút thuốc Ruby hồng, mỗi lần hút khói phà ra thơm phức. Bây giờ không có tiền, ba tôi hút thuốc lào, khi uống cà phê thì làm một điếu Bastos xanh. Thuốc rất nặng, tôi sặc mấy lần, nhưng vẫn hút. Tầm 8 giờ, tôi lấy cái xe đạp lọc cọc tự sơn màu vàng chiều hôm trước đem theo lên chùa đạp một vòng quanh thành phố. Đường vắng, chỉ lâu lâu mới thấy một chiếc xe hơi phóng vội trên đường. Tôi ra bến Bạch Đằng, đứng ghếch một chân lên yên xe phía xa xa, xem thiên hạ ùn ùn kéo nhau lên một chiếc tầu Hải quân đang neo ở bến. Tầu to lắm, lúc này đã đông nghẹt người đứng vòng trong vòng ngoài chen chúc nhau suốt dọc lan can tầu, nhưng những người còn ở dưới vẫn cố công kênh nhau lên, một số nhỏ cố đu bám cầu thang sắt dành nhau lên tầu. Người trên tầu ngó xuống vẫy vẫy gọi gọi, một số cố rướn xuống nắm tay người nhà kéo lên. Khắp trên bến, xe Honda, xe Vespa, xe Mobillette chìa khoá vẫn toòng teng trong ổ, xe hơi cửa không khoá, nằm bỏ ngổn ngang. Một hồi, tầu hụ một hồi còi dài, bắt đầu tách bến. Ngay lúc ấy, một người đàn ông ở đâu chạy Honda trờ đến, thấy tầu đang từ từ tách bến, bèn phóng thẳng xe đến sát mép nước, rồi vì thắng lại không kịp, cả xe cả người rơi ùm xuống sông!
Cho đến tận ngày nay, tôi vẫn không hiểu sao lúc đó tôi đã không bao giờ nghĩ đến việc đi Mỹ. Tôi có sợ Việt cộng không? Dĩ nhiên là có. Nhưng Việt công đối với tôi vẫn là một khái niệm mờ nhạt. Vả lại, tôi đâu có ân oán gì với họ. Còn nước Mỹ, tuy rất nhiều lần khi học tiếng Anh tôi đã tưởng tượng ra cái sung sướng được một lần đi dọc theo các con đường trong các khu dân cư bình yên mà trước sân nhà nào cũng có những cây táo đỏ căng, những cây cam vàng hực đang tỏa bóng mát và quả trên cành trĩu xuống, lòa xoà vươn qua hàng rào gỗ ra đến tận đường đi mà không ai thèm hái, nước Mỹ đó vẫn là một cái gì xa xôi lắm, bất định lắm. Hay tôi sợ xa những người thân của tôi? Cũng có thể là vậy. Lúc thầy trung tá không quân Hoa Kỳ kiêm mục sư Kirby đứng trước mặt tôi trong cái buổi học sau cùng ở London School ấy, tôi đã có thể xin thầy đem tôi đi, nhưng tôi đã không mở miệng. Hay khi em gái Kiề̀u Ngân của tôi, 4 tuổi, một năm trước đã được mẹ tôi làm thủ tục cho một cặp vợ chồng Mỹ nhận đỡ đầu lúc gia đình tôi gặp khó khăn tiếp sau ngày ba tôi bị mất việc ở 274 Công Lý, cách đó hai tuần đã được các nhân viên Caritas-Hồng Thập Tự có trụ sở trên đường Công Lý đến nhà xin mẹ tôi ký tên cho em lên máy bay về với ba mẹ nuôi, tôi đã cương quyết từ chối và nói với mẹ tôi rằng tôi không muốn em bị chia lìa khỏi gia đình.

Rời bến tầu, tôi đạp xe ngược đường Tự Do (đường Đồng Khởi bây giờ). Khi chuẩn bị quẹo vào một trong các đường hông đổ ra đường Nguyễn Huệ (chỗ bây giờ là Nhà sách Fahasa) để theo đường Pasteur về lại chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công Lý, tôi thấy một vụ đối đầu ngắn giữa một toán biệt động quân trang phục đầy đủ cầm súng M16 và một số người mặc áo trắng đeo băng tay đỏ cầm súng lục. Hai bên lúc núp lúc đuổi nhau, được mấy phút thì mất hút, không nghe tiếng bắn nhau. Có lẽ họ cố tránh đối đầu trực tiếp, một phần vì lệnh buông súng của Đại tướng Dương Văn Minh phát đi lúc 10:24 phút sáng nay, một phần có lẽ vì ai cũng hiểu việc đấu súng lúc này là vô ích và vô nghĩa. Tôi đạp xe tiếp về đường Pasteur, rẽ trái Hiền Vương (giờ là Võ Thị Sáu), rồi rẽ phải vào Công Lý. Khi đi qua 274 Công Lý chỗ ba tôi ở và làm việc trước kia, tôi đạp dấn qua 1, 2 cái biệt thự to đùng thì đến ngã tư Yên Đỗ (giờ là Lý Chính Thắng). Ở đây tôi thấy nhiều người vác TV, quạt máy, rồi bàn ghế, giường nệm, cả tủ lạnh nữa, đang từ một căn nhà ngay gần góc ngã tư đi ra. Tôi hiểu ngay họ là đám hôi của từ những căn nhà người Mỹ ở Sài Gòn. Dựng xe trong vườn, tôi bước vào trong nhà coi cho rõ. Bên trong nhà tan hoang, những gì người ta không muốn lấy đem đi đã bị đập phá hoặc xé bỏ vứt vung vãi khắp sàn. Thấy có một xấp giấy A4 nằm ở một góc phòng và một cái túi vải mầu vàng gần đó, tôi nhặt cả lên, bỏ giấy vào túi treo lên ghi-đông xe và đi ra ngoài.

Vừa dắt xe ngược ra lại đường Công Lý, tôi thấy một đoàn lính bộ binh VNCH theo hàng một đang lầm lũi đi bộ bên kia đường hướng về Dinh Độc Lập, trên người vẫn mặc đồ trận, đội nón sắt, súng đeo hoặc vác trên vai, có cả ba-zô-ka nữa. Họ cứ lặng lẽ đi như thế thì các cánh cửa cái những nhà bên đường bỗng hé mở, mấy bà lớn tuổi cũng ló đầu ra gọi gấp: “Nè mấy chú, bỏ súng ống xuống hết đi, vào đây tôi cho áo mà thay, tụi nó đến đằng sau rồi kìa!” Nghe vậy, các anh lính như bừng tỉnh, bỏ vội súng, nón, lột quân phục, tháo giầy bỏ hết lại bên vệ đường và biến vào nhà dân. Ngay lúc đó có tiếng ầm ầm từ hướng Lăng Cha Cả vọng lại, dân từ trong chùa Vĩnh Nghiêm, từ các xóm dưới chân cầu Công Lý, từ trong các ngõ ngách hai bên đường túa ra, nghiêng đầu ngó về bên kia cầu. Tiếng ầm ầm to dần, to dần, rồi một, hai, ba, bốn, năm chiếc tăng vượt qua cầu, bon bon lao về phía Dinh Độc Lập, trên mỗi ụ xúng là một người áo quần màu lá mạ, đầu phủ mũ pháo thủ, gườm gườm nhìn phía trước, tay lăm lăm khẩu đại liên như sẵn sàng nhả đạn, hai bên lườn xe ngồi vắt vẻo những anh lính trẻ miền bắc, tóc để tự do bay tung trong gió, miệng cười rạng rỡ, tay vẫy vẫy chào những hàng hàng người miền nam lúc này đã đứng chật hai bên đường và theo quán tính cũng hào hứng vỗ tay hoan hô. Tôi không vỗ tay, chỉ ngây người nhìn. Bỗng có ai vỗ vỗ sau vai, tôi quay ngó lại phía sau. Thì ra đó là một anh vận đồng phục xanh Cao Thắng, có lẽ học trên tôi một lớp, tôi không nhớ có gặp ở trường bao giờ chưa, người gầy nhác, tay chân khẳng khiu, mặt dài phình tròn dưới cái chỏm đầu hơi tóp lưa thưa tóc trông tựa trái dưa gang chín rộm, lốm đốm mụn trứng cá, cặp kiếng cận thị như trượt dài trên sống mũi. Anh cười ngoác miệng, nói một cách vui vẻ thật lòng: “Vậy là khỏi lo đi lính rồi he!” Không hiểu sao lúc đó tôi tự nhiên lại muốn quay phắt lại tống một quả đấm thật mạnh vào cái bản mặt dưa gang chín rục đó quá.

Khuông Tạ
28/4/2020

GHI CHÚ:
Khi tôi nói, miệng khô khốc, bụng đánh lô tô, giọng run run: “Mẹ, mai con đăng lính!” tôi không chỉ đang nghĩ đến chị Julie, đến em Trường, em Chung, em Hoài Hương, em Mỹ, mà tai tôi còn nghe văng vẳng điệu nhạc của hai bài hát sau đây mà không một người thanh niên nào ở Sài Gòn ngày ấy không biết:
Sau này, tôi cũng rất đau đớn mỗi khi nghe bài hát “Cúc ơi” sau đây kể về những cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, là những nữ thanh niên xung phong có nhiệm vụ sửa đường thông xe khi bị bom phá. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, một quả bom đã rơi sát miệng hầm nơi 10 cô đang tránh bom và tất cả đã qua đời khi tuổi còn rất trẻ:

Nếu có ai muốn biết tuần báo Tuổi Hoa và Tuổi Ngọc trước 1975 như thế nào thì có thể vào link sau đây đọc:


Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Tư 20235:58 SA
Khách
Đọc những giòng này để thế hệ hậu sinh hiểu được tại sao miền nam thua trong tay cộng sản ,vì sự ngờ nghệch của những con người miền nam, khi tin rằng Việt cộng sẽ cho họ hòa bình khi yêu cầu Mỹ rút vê nước, chính những con người như thế này đã bị việt cộng lợi dụng để làm rối loạn miền nam tiếp tay cho việt cộng. Đọc xong khi tháng tư lại về để thấy cả một chính quyền , và xã hội miền nam cộng hòa rất mơ hồ về kẻ thù của mình, nên không thua năm 1975 thì cũng thua những năm sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn