BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73856)
(Xem: 62302)
(Xem: 39495)
(Xem: 31219)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùi Quá Khứ

12 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 10371)
Mùi Quá Khứ
527Vote
40Vote
31Vote
21Vote
11Vote
4.730


Chương đẩy ly nước về phía tôi, tiếp tục khuấy ly còn lại, như thể anh chẳng còn gì để làm, như thể anh không nhìn tôi mà mông lung nhìn về một khoảng trời nào đó.

Tôi chậm rãi uống từng ngụm cam nhỏ, cái cảm giác quen được chăm sóc mất đi từ ngày lấy chồng nay đột nhiên trở lại. Khang - chồng tôi, hiền lành, yêu vợ con nhưng không có thói quen lãng mạn. Cơm ăn được thì tự ăn, nước uống được thì tự uống, không có cái kiểu năn nỉ dỗ dành. Mới đầu cũng thấy khó chịu nhưng dần thành quen lại cảm thấy thoải mái hơn.

Chương vẫn không nhìn tôi, tiếp tục nói một mình:

- Hồi đó quen cô Hai, tụi mình còn trẻ quá, vô tư quá.

Vâng, hơn ba mươi năm trước chúng tôi còn quá trẻ. Khi gia đình Chương dọn về xóm tôi anh mới mười chín tuổi nhưng do trốn lính nên khai rút đi còn có mười sáu, vì vậy nên tôi chẳng thèm xưng em với anh. Chương luôn gọi tôi bằng cô Hai nhưng gọi má tôi là thím Chín và bà nội tôi là bà Ba. Mỗi lần tôi hạch sách anh sao không gọi tôi bằng chị anh chỉ cười tủm tỉm. Chương siêng năng giúp dọn vườn tược, đôi lúc còn phụ má tôi bán phở, bán cà phê, tiền công thì bao nhiêu cũng được, không đòi hỏi. Má tôi thương anh như con nhưng bà nội tôi kỹ tính hơn, bà luôn giữ một khoảng cách với Chương. Tôi chỉ được nghỉ tết có một tuần, sau đó lại về Sài Gòn học, không hề vướng bận chút xíu nào trong lòng.

Chương lơ đãng nhìn ra bầu trời, tôi cũng không nói gì, chỉ có tiếng nhạc nhè nhẹ trôi trong gian phòng sang trọng. Không gian như lắng lại, thời gian như đọng từng chút một của những giọt cà phê phin mặc kệ ngoài kia ồn ào cuộc sống. Hai chúng tôi ngồi đây, người quen của hơn ba mươi năm trước, quen mà như không quen, gặp mà như không gặp. Đã bao nhiêu lâu rồi tôi không nhớ nỗi những lần tôi và Chương đã vô tình vội vã bước qua nhau như một câu thơ nào đó. Mỗi người chúng tôi có những cái riêng mà không bao giờ có thể gần lại được, mà cũng chưa bao giờ tôi và Chương như có thể gần nhau, chính xác là như có thể chứ chưa bao giờ có thể mặc dù đã từng có những tháng ngày tuổi trẻ sống bên nhau. Biết bao lần tôi và anh cùng nhau chạy lăng quăng trong khu vườn của nội, những buổi tối anh cùng tôi chẻ củi dưới trăng, những buổi kéo nước tưới cây hay những ngày đào kênh thủy lợi thấm đẫm mồ hôi. Tuổi thơ của tôi trôi qua có anh trong đó một phần. Từ những ngày tôi còn hồn nhiên nhảy chân sáo cho đến khi trở thành cô gái lạnh lùng trầm cảm. Hai chúng tôi gần mà như xa, xa lại như gần. Gần mà níu một tầm tay không tới, xa mà như quanh quẩn đâu đây. Trước mặt tôi bây giờ là ngài Trung tá Trưởng Công an lừng lẫy chiến công, cả huyện này có ai còn không biết tên anh, cái tên làm nhiều tay anh chị mang thành tích bất hảo mất ăn mất ngủ. Còn tôi, một người đàn bà năm mươi tuổi bình thường không có gì để nhớ, thậm chí ra đường gặp ai qua tuần sau hỏi lại có khi họ còn quên. Hai chúng tôi là hai thái cực đối lập với nhau, hai con người có vẻ như quen biết đó mà cũng như hai đường ray luôn song song chứ chẳng thể nào cắt nhau được.

Mỗi năm học tôi về nhà hai lần, Tết và hè. Thật ra chỉ trong mùa hè thời gian mới dài được gần ba tháng, còn tết thì chỉ vỏn vẹn có mười lăm ngày. Chương đến làm vườn cho bà nội tôi sau một thời gian ngắn gia đình anh dọn đến xóm tôi. Trước kia nghe đâu nhà anh ở Bình Dương hay Phước Long gì đó, tôi còn nhỏ nên cũng không rõ lắm. Gia đình tôi có một khu vườn rộng trồng tiêu, trầu và nhiều cây ăn trái đã lâu đời do ông nội tôi để lại và bà nội tôi trực tiếp chăm sóc, thỉnh thoảng khi nào cần lắm nội tôi mới mướn người phụ vài ngày. Má tôi mở một quán ăn nhỏ trong nhà kiếm thêm tiền chi dụng và có cái ăn cho gia đình. Chương thường đến uống cà phê ở quán và hay than thở chuyện khó kiếm được công việc làm. Lần đó bà nội tôi đi trong vườn trơn trợt té gãy xương đùi, không thể quán xuyến khu vườn thân yêu của bà được. Chương ngõ ý giúp bà nội tôi trông nom khu vườn. Mới đầu bà nội tôi không đồng ý nhưng xương người lớn tuổi khi gãy rất lâu hồi phục mà công việc má tôi túi bụi cả ngày, hết bán quán lại cơm nước chăm sóc nội, đâu còn thì giờ cho vườn tược. Chương cũng không cần sự đồng ý của bà nội, anh mau mắn làm việc mà không quan tâm đến công cán. Cái chiêu này của anh làm cho người đàn bà kỹ tính như nội tôi cũng xiêu lòng, nhưng vốn là người sâu sắc, bà không để lộ ra, hằng tháng vẫn trả đủ tiền công cho Chương.

Chương làm việc trong nhà tôi hơn hai năm, trong lúc tôi học ở trường, mỗi năm chỉ về hai lần. Trong con mắt của tất cả mọi người, kể cả tôi thì Chương là một người làm công, còn tôi là một cô chủ, đó là lý do Chương luôn gọi tôi bằng cô Hai. Tất cả mọi việc Chương làm chu đáo quá đến nỗi khó tính như bà nội tôi cũng không chê trách được. Má tôi thì hể hả mỗi lần nghe ai nhắc đến Chương bằng giọng nửa đùa nửa thật: “Rể bà Chín”. Tôi lúc đó chưa cảm nhận được điều gì, chỉ hơi khó chịu theo bản năng con gái mới lớn nghe người khác gán ghép mình. Nhưng bản tính tôi không quá quắt nên thật sự cũng chưa bao giờ bắt nạt hay chanh chua với Chương, từ “đanh đá” Chương dành cho tôi từ nhỏ như một câu chọc ghẹo chớ không có ý nói lên một tính xấu.

Tôi về nhà gặp lại Chương trong hè lớp Mười, Tết và hè năm lớp Mười một, Tết lớp mười hai. Chỉ vỏn vẹn có những ngày tháng đó thôi nhưng những ngày tháng trẻ con thật là vui nhộn và không hề có chút bối rối ngượng ngùng nào. Tuy thời gian này của tôi không lâu nhưng tôi được Chương quan tâm lắm. Chương thường hái cho tôi nhiều ổi và mận với một chén muối ớt đỏ lừng. Từ ngày có Chương tôi không phải vô vườn hái trái vì anh đã làm hết mọi việc, lũ em tôi cũng không phải nhổ cỏ bắt sâu vì đã có anh Chương. Tôi như một cô chủ nhỏ được phục vụ tận tình, còn Chương là anh lính hầu thông minh tháo vác. Anh Chương nhổ cỏ, anh Chương bắt sâu, anh Chương kéo nước, anh Chương chẻ củi, anh Chương hái tiêu. Nói tóm lại trong khoảng thời gian đó cứ như Chương được trời sai đến để phục vụ cho vui lòng hết mọi người trong nhà.

Nhưng như người ta thường nói “Chẳng có cuộc vui nào là trọn vẹn”. Hè năm lớp Mười hai tôi không còn hồn nhiên về khu vườn ăn ổi do Chương hái. Tháng 4 năm 1975 Cách mạng thành công mang đến niềm vui cho nhiều người mà cũng đem lại sự ủ rủ cho nhiều người. Gia đình tôi ở trong nhóm thứ hai. Ba tôi là Thiếu úy, đóng quân xa nhà, sau giải phóng bị giữ lại trại cải tạo. Bà nội và mẹ, em tôi theo dòng người chạy về Sài Gòn tránh bom đạn vô tình. Khi chiến trận kết thúc trở lại nhà xưa thì gia đình tôi không còn được đón nhận nữa, ngôi nhà đã được Nhà nước trưng dụng trở thành kho thương nghiệp; túng cùng gia đình tôi chen chúc nhau trong gian bếp chật hẹp. Bà nội tôi tức uất người khi thấy toàn bộ đồ thờ, tủ bàn, bộ ván ngựa được sắm từ hồi ba tôi còn ẳm ngửa bị sung công vì người ta ghép tội đó là đồ của Mỹ Ngụy. Khu vườn ngày xưa đẹp là thế bị bỏ phế hoang tàn. Gia đình tôi hoàn toàn trắng tay. Nhưng điều làm cho bà tôi đau đớn nhất lại chính là Chương. Bà không thể ngờ rằng cái thằng nhỏ dễ thương hết sức đó lại là Việt Cộng nằm vùng, cái gia đình bà thường xuyên cho lấy nước gạo, đồ ăn thừa về nuôi heo đó là gia đình Cách mạng, và cái chuyện Chương qua giúp gia đình tôi thực sự chỉ là cách thu thập thông tin và lợi dụng vườn tiêu rậm rạp của nội thành nơi chứa súng đạn. Thảo nào mà anh không cho bọn tôi ra vườn “Cô Hai với mấy em đừng ra đằng sau, rắn rít nguy hiểm, muốn ăn gì nói tôi hái cho”, “Bà Ba đừng lo, con làm cỏ sạch lắm, bà Ba cứ giao cho con miếng vườn này con chăm sóc như vườn nhà con vậy đó”. Má tôi cũng không ngờ những buổi tối hai thím cháu chẻ củi hầm xương nấu hủ tiếu lại chính là những tin tức được Chương chuyển đi qua các buổi nói chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt.

Nội tôi không phải là người có máu chống Cộng, bà thường khuyên răn ba tôi mỗi khi ông về thăm nhà. Quan điểm của bà là “Sống sao cho có tình người thì sống, mỗi con người có một chí hướng, một cảnh đời riêng”, bà thường bày tỏ sự chống đối những cảnh máu chảy đầu rơi đăng nhan nhãn trên báo với câu tục ngữ “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” . Nhưng bà không thể chấp nhận nỗi chuyện Chương đem cả nhà tôi ra đùa như con rối, bà ấm ức vuốt ngực mỗi lần Chương đến nhà. Mà Chương thì lại hay đến, dẫu rằng nhà tôi lúc đó chỉ là cái bếp nhỏ xíu chật chội, mỗi lần Chương đến chỉ biết ngồi ngoài hè. Mặc dù Chương vẫn bà Ba, thím Chín, cô Hai nhưng lại trong sự e dè của má tôi, trong con mắt ghét bỏ của nội “Nó siêng tới để rình nghe bây có nói gì phản cách mạng không đó mà”. Bà nội tôi thường hay nói vậy. Má tôi kể đi họp phụ nữ thấy mẹ Chương làm Hội trưởng, nói như sấm sét, còn kể lại gia đình Chương là gia đình cách mạng có công lớn nhứt, đó là cái công chôn dấu vô số đạn dược trong vườn trầu nhà tôi. Người ta gọi đó là việc “che mắt bọn ngụy quân ngụy quyền, dùng chính cơ sở địch làm tâm điểm tiếp tế lực lượng cho anh em bộ đội mình” Bà nội tôi bị coi như “địa chủ bóc lột sức lao động của giới bần nông” ý là nói đến chuyện Chương làm thuê cho gia đình tôi, còn má tôi do bán hủ tiếu nên tội nhẹ hơn, chỉ là gian thương thôi. Thật ra trong bối cảnh nhiễu nhương đó, quyền uy nằm trong tay những người thắng trận. Họ muốn cho ai tội gì thì người đó có tội đó chứ địa chủ thì phải đất ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh, địa chủ gì như bà tôi vỏn vẹn có mấy sào vườn, có thuê mướn ai đi nữa thì cũng do người già đau ốm. Còn mẹ tôi một nồi hủ tiếu, mấy ly cà phê cũng bị tiếng gian thương, không hiểu cái từ gian thương nó rộng lớn đến cỡ nào không biết. Ngay cả tôi là học sinh chưa hết lớp 12 còn bị ghép là thành phần tiểu tư sản thì nói gì đến người khác.

Các em tôi mới đầu cũng tỏ ra xa lạ với Chương, nhưng về sau bị anh quyến rũ bởi những thỏi lương khô, đường tán chúng nó dần trở lại với anh Chương như cũ. Má tôi cũng thường xuyên nhận được từ Chương dầu hôi bột giặt, bột ngọt - những thứ rất đời thường mà thực là cần thiết cho cuộc sống gia đình nên dần dần bà cũng bớt e dè với Chương. Không trách được ai cả, thời gian đó những gia đình như chúng tôi khổ lắm. Ai đã sống trong thời kỳ này tôi chắc rằng đều không thể nào quên được những tháng ngày gian nan đó. Không kể lớp cán bộ có công với Cách mạng được ưu tiên mọi thứ, may ra thì chính sách ưu đãi cho tầng lớp bần nông một chút, còn gia đình tôi thì thuộc vào tầng lớp hạ tiện nhất vì mang trong người đủ thứ tội: Theo Mỹ Ngụy (ba tôi), địa chủ (nội tôi) , tiểu tư sản (tôi), gian thương (má tôi). Trong lúc xã hội mới sau một cuộc chiến tranh còn nhiều thiếu thốn thì loại người như chúng tôi phải chịu cảnh thiếu thốn đến hai lần “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hỗ ngươi”. Gia đình tôi sống bằng củ khoai, lá trầu, nọc tiêu của nội sau vườn, chị em tôi theo người vào rừng chặt củi, hai bàn tay tôi chai sần đen đủi, làn da tôi trước đây trắng trẻo là thế mà bị phơi nắng xấu xí thảm hại. Em trai lớn của tôi bắt chước người ta học cắm câu ở mấy con suối nhỏ, thỉnh thoảng được vài ba con cá trầu lớn bằng ngón tay cái. Má tôi hái bắp chuối, lá chuối ở những khu vuờn mà chủ đã bỏ đi đem bán lấy tiền. Nội tôi ngày một hốc hác vì thiếu ăn, bà vốn hay nhường cho đám trẻ con mới lớn là chị em tôi. Bữa ăn của chúng tôi thật là tệ hại cũng như bữa ăn của rất nhiều gia đình khác trong thời điểm đó. Khi thì bợt bạt màu vàng của khoai khô, lúc xám ngoét màu của chuối non hay đỏ au của bí đỏ. Có hôm tệ hơn chỉ xanh ngắt một màu xanh rau dệu. Miếng ăn lúc đó được coi trọng nhất, tôi nghe kể đã có người vác dao chém kẻ trộm vào vườn chặt chuối non. Tôi tội nghiệp cho người đi trộm, chắc hẳn anh ta thiếu thốn lắm, con anh ta đói khổ lắm anh mới phải làm cái việc chặt trộm chuối của người khác, mà lại là buồng chuối non còn chát ngắt. Buồng chuối đáng giá mấy đồng bạc lúc đó được đánh đổi bằng cánh tay bị hư hoại cả đời. Tôi cũng tội nghiệp cho cả người chủ vườn, cuộc sống quá nhọc nhằn đã làm anh ta quáng mắt đến nỗi hạ con dao xuống chém đồng loại của mình vì một vật chẳng có giá trị là bao. Ôi những năm đó có biết bao mảnh đời phải đấu tranh gian nan nhục nhã vì cái ăn, biết bao người mẹ tủi lòng rơi nước mắt nhìn nồi khoai khô quánh như bà tôi. Trong cuộc sống cực khổ đó, trong cảnh đời đau thương vất vả đó, tôi mơ hồ có bàn tay Chương âm thầm giúp đỡ.

Không hiểu tôi có tưởng tượng quá hay không vì sau khi về nhà chưa bao giờ tôi với Chương có thời gian để nói nhiều với nhau. Bản tính Chương trầm lặng ít nói, tôi tuy mồm mép hơn nhưng mang nặng mặc cảm gia đình nên cuối cùng chẳng được câu chuyện nào cho ra hồn. Lần nào Chương đến nhà cũng thầm thì với tụi nhỏ, có khi anh ra sân sau nói chuyện với má tôi. Đầu tiên má tôi cũng e dè rồi dần dần bà lại trở nên thân thiết với Chương. Điều này có lẽ một phần do khi xưa hai thím cháu hay nói chuyện với nhau, một phần nữa do những tiêu chuẩn ít ỏi nhưng thiết thực mà Chương thường xuyên mang đến.

Bà nội tôi vẫn ghét Chương ra mặt, mỗi lần Chương đến nhà có lẽ người mà anh ngại gặp nhất chính là bà tôi. Bà tôi vốn là con nhà giàu, có học lại thông minh sắc sảo. Khi xưa vì ông nội tôi làm ăn thất bại mới trôi nổi về đây. Bà tôi xuất giá tòng phu nên không luyến tiếc cảnh giàu có của gia đình, một lòng theo ông nội tôi về cái chốn khỉ ho cò gáy này. Tôi nghe kể bà một tay giúp chồng tạo dựng cơ nghiệp bằng cách mua gỗ tạp về đốt lò than, chở gỗ về bán cho thợ mộc. Lại không may là sau đó ông nội tôi mắc bệnh sốt rét rừng mà chết, của cải đội nón ra đi theo ông. Bà tôi thường gọi đó là “Của thiên trả địa” do ông bà tôi phạm vào “Nhất phá sơn lâm”. Do bà tôi tinh tế như vậy nên cái nỗi hận bị Chương lợi dụng nó ăn sâu âm ỉ trong lòng bà tôi, đục khoét trong lòng như con rắn nhỏ luồn trong trái tim yếu đuối. Đôi khi không may Chương đến lúc bà không vui thì bà dằn hắt, cạnh khoé đủ điều. Nhiều lúc má tôi tội nghiệp Chương, thì thầm biểu anh về đi, đừng đến nữa. Chương vâng vâng dạ dạ đi về, mấy hôm sau lại lò mò đến. Bà nội tôi lại được dịp phán đoán là Chương đến nhà tôi để dò xét tình hình gia đình ngụy quân, bà lại càng lườm nguýt nhiều hơn.

Nhưng như tôi đã kể, Chương đối với gia đình tôi không phải quá vô tình, hay là có khi tôi cả nghĩ mà cho là như thế. Hoặc giả tôi cũng suy nghĩ đơn giản như má tôi, dần dần quên đi lỗi lầm của Chương, lại còn thấy Chương như vị thần hộ mệnh của mình. Có lần Ủy ban xã gọi tên tôi đi thủy lợi ở nơi cách nhà hơn ba mươi cây số, nói tiếng là thủy lợi nhưng thực ra công việc là phá rừng dọn rẫy, tôi cũng như mọi người đùm nắm gạo, khoai, cá khô lên rừng. Vô tình cũng có Chương trong chuyến đó, và cũng vô tình người ta phân tôi ở cùng một tổ với Chương. Mỗi tổ chia thành 2 lều cho nam và nữ, tôi ngẫu nhiên (hay có sự sắp đặt) luôn được phân công những việc nhẹ nhàng nhất. Chúng tôi đi thủy lợi hai mươi ngày, gần như lúc nào Chương cũng bên cạnh tôi, không nói một lời nhưng luôn đỡ đần khi cần thiết. Một lần khi toán người bên cạnh cưa đổ một cây lớn gần đó, tôi vốn không có chút kinh nghiệm nào trong chuyện phá rừng đốt rẫy nên ngơ ngác đứng nhìn, tôi nghe mọi người gọi một âm thanh nào đó lạ lùng rồi có ai đó xô tôi về phía trước. Tôi ngã lăn vào bụi cây gần đó cùng lúc với tiếng đổ ùynh kế bên. Tôi nghe tiếng Chương gắt gỏng rồi mọi người đến lôi tôi dậy. Thoang thoảng tôi nghe tiếng xì xầm ghét bỏ “đồ tiểu tư sản”, một vài người xuýt xoa: “May quá là may, không có anh Chương thì con Cẩm bị cây đè rồi”. Lúc đó tôi mới biết mình vừa bước qua một tai nạn hiểm nghèo trong rừng thẳm.

Ngày khác chúng tôi phải đi dọn ở một khu đất có những cây nhỏ đã bị chặt sẵn lưng lững, việc của chúng tôi là chặt lại cho sát đất. Công việc này tuy nhẹ nhàng nhưng khá nguy hiểm (theo như tôi nghĩ) vì cây bị chặt nham nhở, cao thấp khác nhau, thường ta chỉ nhìn thấy cây cao chớ cây bị chặt thấp rất khó thấy. Mặt dù trong đoàn ai cũng mang dép cao su (lúc đó gọi là dép râu), nhưng tôi vẫn bị một đoạn cây vạt xéo đâm vào kẽ ngón út, do dép cao su không bít được mọi ngón chân. Máu chảy nhiều mà chỉ được rịt bằng lá cây chồn hôi, Chương không chần chừ gọi người đến mang xe đạp chở tôi về lều ngay lập tức mặc cho nhiều ánh mắt nhìn theo không thiện cảm.

Vết thương ở chân tôi tưởng nhẹ mà hoá ra không phải vậy. Do thuốc men không có, lại sinh hoạt trong khu đất mới khai hoang nên bị nhiễm trùng sưng tấy lên. Ngày hôm sau thì tôi sốt li bì. Kháng sinh lúc đó không có nên y tá chỉ đem lại cho tôi vài viên giảm đau. Trong cơn mê tôi luôn thấy những chiếc bong bóng xanh đỏ chập chùng, cũng không biết mình đã ăn uống gì. Được hai hôm thì y tá đến tiêm thuốc cho tôi và cho uống nhiều thuốc hơn. Tôi giảm bệnh dần dần rồi khỏi. Về sau tôi mới biết Chương đã một mình đạp xe về huyện mua thuốc đem lên cho y tá.

Đêm cuối cùng đợt thủy lợi đó, tôi trốn về lều trong khi mọi người đang ca hát ầm ỉ ở lều trung tâm. Không biết tự bao giờ Chương cũng về lều bên cạnh, tôi nhìn thấy cái dáng cao gầy của anh đốt thuốc lá trong đêm. Rừng yên tĩnh quá, tiếng gió thổi rù rì trong đêm, tiếng lá cây xào xạc dao động. Mọi người ở tuốt đằng kia, khu vực này chỉ có hai chúng tôi, mỗi đứa một lều, rồi tiếng Chương bỗng nhẹ nhàng nói một mình:

- Chắc là cô Hai giận tôi dữ lắm.

Tôi không trả lời, chỉ thở dài. Cuộc sống gian khổ đã biến tôi thành một người già trước tuổi, luôn che giấu cảm xúc của mình. Mà biết nói gì bây giờ, giận như nội tôi ư? Có được gì đâu? Mà giận cái gì chứ? Ai cũng có quyền theo chí hướng của mình. Không lẽ tôi giận vì thấy bây giờ trong tay Chương một trời quyền lực, hay giận vì Chương đã lừa dối mình. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của trái tim tôi, có cái gì đó uất ức, có cái gì đó dỗi hờn mà tôi lại không thể nói ra, không thể gào thét lên để trút hết mọi suy nghĩ của mình với Chương. Tôi tự dằn hắt mình, tự nguyền rủa cái câm lặng của mình, tự trao cho mình một bản án mà không cần người xét xử. Tại sao chớ? Tại sao Chương đối xử với tôi như vậy ? Tại sao anh xem tôi như một đứa trẻ, yêu chiều tôi và cuối cùng lợi dụng sự ngây thơ của tôi, sự tin cậy của gia đình tôi, góp phần cùng xã hội đẩy gia đình tôi lâm vào cuộc sống tủi nhục thế này? Sao không là một người nào khác mà lại là anh Chương thân mến của chúng tôi, sao lại là Chương của những tháng ngày vui vẻ hôm nào, sao lại là Chương của hôm nay - nhạt nhoà và xa cách. Tôi – gia đình tôi đã coi Chương như một thành viên, một thành viên đáng được tin tưởng nhất. Má tôi coi Chương như con, sao anh nỡ lợi dụng cái hiền hậu của người đàn bà quê mùa đó làm cây cầu cho con đường thăng tiến của anh. Tôi đã coi Chương là gì nhỉ? Một người anh đáng mến - một người bạn chia sẻ vui buồn và hình như còn có một cái gì hơn thế nữa. Nhưng Chương đã làm gì để đáp lại lòng tin yêu của tôi. Sự bù đắp của anh bây giờ có đủ để phủ đầy những mất mát trong tâm hồn tôi không? Có lấy lại được lòng tin cậy của tôi đối với anh không? Hay tôi vẫn nghi ngờ mối quan hệ đó chỉ là một trong những bước đạp tới vinh quang mà anh đang hướng đến. Nước mắt tôi chảy dài trên má, lăn xuống ướt hết mái tóc nhưng tôi vẫn giữ im lặng, kéo cổ áo lên miệng nghiến chặt cố nén không phát ra tiếng động nhỏ nào. Trong yên tĩnh của núi rừng, vang xa tiếng đàn hát ồn ào, có người nào ngâm một bài thơ gì đó về rừng mà tôi không biết, hay đúng hơn là không cần biết. Lều bên kia tôi nghe tiếng Chương thở dài, tiếng thở còn buồn nẫu ruột hơn tiếng thở của tôi. Tôi chợt thấy ấm ức. Ai bắt anh ta chớ, có ai cần anh ta hỏi thăm tôi, ai cần anh ta chăm sóc tôi. Tôi đâu còn là cô chủ ngày nào của Chương mà anh ta phải che chở, lo toan cho tôi. Rừng xanh như trêu ghẹo, thổi lên nhiều âm thanh rì rào ai oán, tiếng con gì kêu như tiếng nấc cục vang trong đêm. Tôi nằm nhìn lên mái lều trân trân, không biết phải suy nghĩ thêm điều gì, được một lát tôi ngủ quên lúc nào không biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn