BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73807)
(Xem: 62292)
(Xem: 39485)
(Xem: 31210)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Pháo binh Việt-Mỹ và trận hỏa công ở Tuy An

22 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1970)
Pháo binh Việt-Mỹ và trận hỏa công ở Tuy An
57Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
4.39
BÌNH ĐỊNH - PHÚ YÊN: CHIẾN TRƯỜNG CỦA CÁC TRẬN ĐỊA PHÁO KHỐC LIỆT TRONG MÙA HÈ 1966:

Trong số báo trước, chúng tôi đã trình bày một số trận hỏa công của các đơn vị Pháo Binh Sư Đoàn 22 Bộ Binh (BB) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại mặt trận Bắc Bình Định và Dakto-Tân Cảnh trong tháng 4/1972. Theo ghi nhận của một sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ đã phục vụ tại Quân Khu 2, từ năm 1965 đến 1975 có hai thời kỳ chiến sự đã diễn ra khốc liệt trong vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 22 BB, đó là mùa Hè 1966 và mùa Hè 1972. Trong những thời kỳ này, các đơn vị Pháo Binh đã mở nhiều trận hỏa công với hàng ngàn đạn pháo để chận đứng đối phương. Riêng trong năm 1966, do tình hình chiến trường, các đơn vị Pháo Binh phải di chuyển thường xuyên, chỉ thiết lập các vị trí pháo dã chiến cấp thời nên hoạt động hỏa yểm mang tính chất cơ động chiến.

Tai chiến trường Bình-Phú (Bình Định, Phú Yên), theo tài liệu của cựu Đại Tướng William C. Westmoreland, nguyên tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam từ tháng 6/1964 đến tháng 6/1968, trong hai tháng 5 và 6/1966 đã xảy ra nhiều trận đánh ác đã diễn ra giữa liên quân Việt-Mỹ, các đơn vị Đại Hàn và các đại đơn vị Cộng quân tại An Khê, Bồng Sơn (tỉnh Bình Định) và Tuy An (tỉnh Phú Yên). Tướng Westmoreland đã nhiều lần đến chiến trường để trực tiếp chỉ thị các đơn vị Mỹ về sự phối hợp tác chiến và hỏa lực để tiến hành các cuộc hành quân truy lùng và tiêu diệt địch quân. Vào thời gian này, tổng chỉ huy quân Cộng Sản duyên hải Trung-Nguyên Trung-Phần (các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) là Trung Tướng Chu Huy Mân (năm 1976, ông Mân thăng đại tướng, Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị của Quân Đội Cộng Sản Việt Nam). Mân đã chọn Bình-Phú để khởi động các trận tấn công quy mô trong ý đồ đánh chiếm một số vị trí trọng yếu tại vùng duyên hải Trung-Nguyên Trung-Phần.

Theo kế hoạch của Bộ Tư Lệnh Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Khu 5 (gồm các tỉnh Trung-Nguyên Trung-Phần), Sư Đoàn 3 Sao Vàng đã tập trung tại mật khu An Lão để khởi động các cuộc tấn công vào các quận cận sơn và đồng bằng tỉnh Bình Định. Tại Phú Yên, từ đầu năm 1966, Cộng quân đã điều động vào khu vực Tây Bắc của thị xã Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên) 2 trung đoàn chủ lực, 4 tiểu đoàn cơ động. Riêng tại quận Tuy An, Trung Đoàn 95 CSBV đã thường xuyên hoạt động ở phía Tây quận này.



Về địa thế, vùng Tây Bình Định và Tây Phú Yên có nhiều khu vực rất hiểm trở, gây khó khăn cho bộ binh khi tảo thanh Cộng quân. Một sự kiện cần ghi nhận là trước năm 1968, khi mà tất cả binh sĩ các đơn vị Bộ Binh còn trang bị súng trường Garant, tiểu liên Thompson thì các lực lượng Cộng quân đã được Trung Cộng và Nga sô trang bị súng trường tự-động AK-47. Do đó về hỏa lực tác chiến, các đơn vị Bộ Binh rất cần đến sự yểm trợ hỏa lực của Pháo Binh. Vào thời kỳ này, Không Quân VNCH cũng chưa có nhiều phi đoàn chiến thuật và phi đoàn trực thăng như những năm đầu thập niên 70. Do đó các pháo đội Pháo Binh là điểm tựa hỏa lực cho các lực lượng Bộ Binh trong các trận giao tranh.

Về lực lượng Pháo Binh, trong năm 1966, khi chiến trường Bình-Phú trở nên sôi động, ngoài các đơn vị Pháo Binh của Sư Đoàn 22 BB, lực lượng Hoa Kỳ thường tăng viện vào chiến trường này từ 5 đến 8 tiểu đoàn Pháo Binh, trong đó có 3 tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 27 Pháo Binh, một thành phần của trung đoàn này đặt bản doanh tại Tuy Hòa. Chính trung đoàn Pháo Binh này đã phối hợp với Pháo Binh VNCH yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến Việt-Mỹ trong nhiều cuộc hành quân quy mô.

Giữa tháng 6/1966, quân Bắc Việt tập trung lực lượng tấn công vào các tuyến phòng thủ của liên quân Việt-Mỹ tại Tây Tuy An. Trong đội hình tấn công, Cộng quân đã sử dụng Trung Đoàn 95 bao vây Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 327 Nhảy Dù Hoa Kỳ. Trận chiến diễn ra rất khốc liệt và Pháo Binh Việt-Mỹ đã yểm trợ với hỏa lực tối đa để giúp các đơn vị bạn giữ được phòng tuyến. Một trong những Pháo Đội Của liên quân Việt-Mỹ đã được tuyên dương công trạng sau trận đánh là Pháo Đội C thuộc Tiểu Đoàn 5/Trung Đoàn 27 Pháo Binh Hoa Kỳ.

Khi trận chiến vừa bùng nổ, Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù Hoa Kỳ đã khẩn báo về bộ chỉ huy ở Tuy Hòa, ngay sau đó, Pháo Đội C được điều động ngay đến chiến trường, một phần của trận chiến này đã được Trung Úy John Lewis, sĩ quan của pháo đội kể lại qua đoạn ký sự chiến trường sau đây được phổ biến trong tạp chí KBC, một số chi tiết đã được đối chiếu với tài liệu của Trung Tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ và tài liệu của cựu Đại Tướng Westmoreland.

TRẬN PHÁO KÍCH TẠI TUY AN

Vào một buổi sáng trung tuần tháng 6/1966, Trung Úy Jonh D.Lewis sau bảy ngày phép ở Bangkok đã trở về Tuy Hòa, nơi đơn vị Pháo Binh anh đóng. Anh thuộc Pháo Đội C, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 27 Pháo Binh đóng tại Tuy Hòa. Khi anh trở lại đơn vị, Pháo Đội C đã di chuyển 25 km về phía Bắc đến một khu vực cách quận Tuy An 5 cây số về hướng Tây. Tất cả 6 khẩu đội Pháo Binh của pháo đội được đặt vào một vị trí không chuẩn bị trước, còn trung tâm hướng dẫn tác xạ nằm ở một trường học kế cận.

Để kịp có mặt cùng đơn vị, Trung Úy Lewis được trực thăng bốc tới địa điểm Pháo Đội C đang hoạt động. Đến nơi, Trung Úy Lewis đi vào ngôi trường lợp mái tranh trống chung quanh và hỏi về nhiệm vụ của pháo đội trong cuộc hành quân. Một người trong pháo đội nói, "Chúng ta đang yểm trợ cho Tiểu DĐàn 2, Trung Đoàn 327 và họ đang đóng chung quanh đâỵ Tình hình gay cấn lắm."

Được biết, hai đại đội của Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 327 thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ được trực thăng không vận đổ xuống một ngọn đồi cách xa vị trí Pháo Đội C khoảng 6 km về hướng Bắc. Nhiệm vụ của lực lượng này là đẩy lùi một thành phần Trung Đoàn 95 CSBV ở phía Đông ra bờ biển. Hai đại đội này đã bị Cộng quân phục kích ngay sau khi từ trực thăng đổ quân xuống trận địa. Được tin báo, Trung Úy Lewis buột miệng nói: "Chưa gì đã bị nướng rồi, tình hình này có mồi không ổn đây." Quả đúng, Pháo Đội C đã bị bám sát và bị Cộng quân điều nghiên. Trong hai ngày kế tiếp, Trung Úy Lewis được cử làm sĩ quan hướng dẫn tác xạ cho Pháo Đội C.

Bên trong ngôi trường học chất những trang bị dụng cụ điều chỉnh Pháo Binh. Trên một bức tường treo 1 tấm bản đồ tình hình khổ lớn và đánh đấu vị trí các đơn vị bạn và đơn vị địch, Sơ đồ tác xạ để trên một cái bàn được nhân viên trung tâm tác xạ dùng để cung cấp dữ kiện cho các khẩu pháo 105 ly không giật.

Trung Úy Lewis kể lại: Thật hỗn độn quá, chúng tôi phải làm sao cho đúng với tình hình đang diễn ra chứ. Khi chúng tôi bắn theo nhiệm vụ, chúng tôi phải kiểm tra tính toán trên máy điện tử, nghe tình hình trận đánh trên loa truyền tin, quyết định tác xạ thế nào, loại đạn nào và bao nhiêu. Nếu chúng tôi không phải bắn theo nhiệm vụ, chúng tôi phải kiểm tra tính toán số đạn có trong tay và theo dõi sát bản đồ tình hình hành quân.

Trung Úy Lewis kể tiếp: Tôi không còn nhớ đã bắn bao nhiêu ngàn trái. Mỗi một cú gọi điện thoại máy truyền tin là, "Bắn mau! Cứu mau!" Ngay khi đó sĩ quan tiền sát la oai oái trong ống liên hợp và tôi cũng nghe được từ loa truyền tin tiếng đạn nổ như pháo, và những trái pháo nổ ầm ầm. Chúng tôi còn nghe được cả tiếng la hét của họ ngoài chiến trường.



Khi sĩ quan tiền sát đánh giá hiệu quả hỏa lực Pháo Binh thì anh ta không còn theo quy tắc gọi Pháo Binh nữa, mà anh ta nói trực tiếp: Quả đạn đó trúng ngay trên đầu Việt Cộng, các anh bắn trúng như vậy đó. Tôi thấy 5 xác VC tung lên một lúc. Bên ngoài trung tâm hướng dẫn tác xạ, sáu khẩu đại bác 105 ly không-giật liên tục khạc đạn. Trung Úy Lewis nhớ lại: Giống như xem một phim chiến tranh trước mặt, đơn vị Pháo Binh bắn ầm ầm, khói bụi mịt mờ.

Tại khu vực tác xạ, tất cả pháo thủ mặc áo may-ô và quần trận bỏ ngoài ống giày, khẩu đội 6 người lính mồ hôi nhễ nhại, tay nhét đạn, lấy vỏ ra, nhanh nhẹn theo dõi hồi tác xạ ở chiến trường. Họ cực nhọc vất vả nguyên ngày nhưng họ khoái tỉ vì họ được bắn thả giàn và yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn. Đến cuối ngày thứ hai thì các nòng súng muốn quẹo xuống vì nóng chảy.

Mặc dù thiếu ngủ và nhức đầu khi đưa ra những quyết định sống-còn, nhưng Trung Úy Lewis cảm thấy đã trải qua một kinh nghiệm quý báu. Ông nói: Trong tình hình như thế, chúng tôi biết rằng quân bạn ở ngoài đã không mất liên lạc và chúng tôi biết phải làm gì. Khi sĩ quan tiền sát gọi về sau đợt tác xạ báo cáo thiệt hại nhân mạng của địch. Trung Úy Lewis thỏa mãn. Ông nói: Cái phần thỏa mãn có ý nghĩa hơn cả là cứu bồ đúng lúc, có hiệu quả hơn là đã gây thiệt hại cho địch. Chúng tôi bắn cho tới khi quân bạn ngoài đó gọi về kêu gào bắn yểm trợ chứ không phải là bao nhiêu quân địch bị giết.

Một vài ngày sau đó, các pháo thủ Pháo Đội C nhận được một mớ huy hiệu thêu con chim Đại Bàng, là huy hiệu của Sư Đoàn 101 gửi đến tặng thưởng. Pháo Đội C hãnh diện mang huy hiệu đó trên tay áo để kỷ niệm họ đã phục vụ đắc lực cho Sư Đoàn 101 Nhảy Dù ngoài chiến trường.

Vương Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn