BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gửi người lính già Vũ Cao Quận

12 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1246)
Thư gửi người lính già Vũ Cao Quận
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Tản mạn nhân đọc Thơ - Văn của người lính già Vũ Cao Quận


Phạm Văn Hùng (Hải Phòng)




Vũ Cao Quận


 Thưa ông ! Tôi xin được trình bày tỏ lòng kính trọng và trang trọng tới ông. Tôi không dám viết là bày tỏ tình cảm thân mật vì giữa ông và tôi có khoảng cách thế hệ .

 Tôi thức thâu đêm đọc các bài viết của ông với nỗi xúc động đồng cảm, tự nhủ thầm đã có bậc thức giả và nhiều bậc thức giả nói lên những suy tư ước vọng mà mình hằng trăn trở ...

 Bằng lối văn phong bình dân mộc mạc nhưng đầy trí tuệ sắc bén pha lẫn châm biếm hài hước, ông trình bày các vấn đề xã hội chính trị, các luận điểm, luận chứng triết học vốn rối rắm phức tạp trở nên dễ hiểu với người đọc.

 Qua nội dung đầy ắp thông tin, ông phác hoạ những chân dung SÁNG và TỐI , TRẮNG và ĐEN thật rõ ràng mà vì nguyên do vô tình hay hữu ý mãi cho đến bây giờ người ta vẫn còn bưng bít và nói dối... Ông hiểu và nắm chắc vấn đề mình muốn chuyển tải trên cái nền tảng vững chắc :" Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có thực tiễn là cây đời mãi mãi xanh tươi ." ( Gớt - tơ )

 Không quanh co, đi thẳng vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá- tư tưởng...sức nặng con chữ dưới ngòi bút của ông chắc như đinh đóng vào cột, mạnh như dao chém xuống đá. Nếu gọi là " tranh luận bút chiến " thì ông là " chân giầy ngoại hạng ".

 Tôi đơn cử như " vụ " đại tá Nguyễn Biên Cương nào đấy : giống như hai kỳ thủ, rõ ràng anh " lính tẩy " kia không xứng tầm. Thân phận anh ta như mấy câu thơ của thi sĩ " họ Chế " :

 Lũ chúng ta ngủ trên giường chiếu hẹp .

 Giấc mơ con đè nát cuộc đời con .

 Hạnh phúc đựng trong tà áo đẹp.

 Một mái bình yên...rủ bóng xuống tâm hồn

 Chỉ có thế thôi ! Tổ quốc ? Danh dự ? Lương tâm ? Trách nhiệm ư ? Hô to những cái mà họ không hề có, kẻ ấy không thể nhân danh khối nhân quần đông đảo đang đau khổ này...

 Tôi nhớ đến một câu thơ cổ :" Cảm tương thư kiếm đáo thần kinh !", tạm dịch nghĩa : " Dám đem kiếm sách đến Tràng An "...Chàng thư sinh chân trắng thời xưa " gươm đàn nửa gánh " lặn lội đến kinh kỳ để phô thân tùng bách, mong được múa bút so gươm trước sân rồng. Đắc ý nếu đó là thời thịnh trị vua sáng, tôi hiền, còn không thì cũng chẳng có nghĩa lý gì...

 Người lính già Vũ Cao Quận không phải là chàng thư sinh của ngày xưa, ông cũng đến kinh kỳ. Ông đến Hà Nội ngày hôm nay với nỗi đau đời. Ông đến với trái tim rớm máu bởi đức tin từ buổi hoa niên đi suốt dặm trường khói lửa đến bạc đầu bỗng một sớm, một chiều trở thành ngộ nhận...

 Yêu thương và căm giận. Có ai thấu " nỗi hờn ghê gớm ", qua thời gian khi cái mặt nạ rớt xuống, ta nhận chân ra bộ mặt thật của những ai đó càng phẫn nộ thét lên : Thật ghê tởm ! Ta đã yêu các người, nhưng các người không xứng đáng !

 Từ quá khứ bi thương anh dũng, đối diện với hiện tại " đêm đen giữa ban ngày" ,trông đến tương lai là cái bánh vẽ " thiên đường không tưởng" trên mặt đất này, ông nhìn thấy những môn đồ của cái chủ thuyết ngoại lai hơn 60 năm qua đã đẩy " cả một dân tộc bị đưa vào tròng ".Mấy chục năm cầm súng chiến đấu, từ buổi đầu với ông điều giản dị là tấm lòng yêu nước chứ đâu phải vì một tượng thần chủ nghĩa nào...Người lính già đau đớn từ bỏ tượng đài một thời trở thành ảo tưởng mà thực tiễn đã "chỉ tay day trán " : Người ấy là vĩ đại. Nhưng sẽ tốt hơn nếu nhân loại không có người ấy !...

 Ông buồn trước hiện thực phũ phàng nhưng không yếm thế. Thưở thời thực dân, phong kiến cũng có nhiều người Việt Nam buồn. Nhưng riêng nỗi buồn thôi thì chỉ là " một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa " ( Trường Chinh ) . Và trái tim tổn thương vì bị phản bội âý lại nhịp mạnh trong lồng ngực người lính già bất khuất dấn thân. Bóng cờ " nhạt thếch sao rơi " vẫn phần phật bay trong ráng chiều của ngày tàn đang đến, nhưng bây giờ " dẫu cho có các nghìn vàng " cũng thôi ... Ông về :

 ... Tôi vun đống lá vàng thu cũ

 đốt cháy thành than vụn gửi đời !

 Đống lá vàng của mùa thu năm ấy được đôt cháy thành " cát bụi lại trở về với cát bụi " ( Kinh thánh ). Ông góp một nhát xẻng cùng chung nhiều nhát xẻng khác đắp nấm mồ cho cái " quái thai " đã cạn kiệt động lực, mất hết sức sống đi ngược dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Cùng với người người, lớp lớp, như một nông phu ông gieo mầm cho khát vọng ấm no, hạnh phúc, tự do, dân chủ - thứ tự do dân chủ không phải là giả hiệu mà thực sự đúng nghĩa của nó...

 Bây giờ đây ông và tôi và hơn 85 triệu người Việt Nam đều có TỔ QUỐC . Nhưng Tổ Quốc của ông, của tôi và đông đảo con Lạc, cháu Hồng không phải là tổ quốc của NHỮNG AI đã đặt quyền lợi của đảng phái, đặt quyền lợi ích kỷ hẹp hòi, vinh thân, phì gia của cá nhân và phe nhóm lên trên LỢI ÍCH CHUNG của cộng đồng quốc gia dân tộc.

 Thưở đầu xanh tuổi trẻ thì ba lô ngang lưng,súng trên vai " xẻ dọc " Trường Sơn hát khúc quân hành. Nay tóc bạc, da mồi, người lính già Vũ Cao Quận đến với đời, hành trang mang theo là những vần thơ " Nhắn nhe kẻ sĩ Tràng An " và " Sĩ phu đất Việt đâu rồi ?..". Và thực tế dấn thân của cuộc đời ông đã cho tôi thấy hình hài của Trí , của Nhân , của Dũng ở trong đó...

 Văn học là nhân học . Văn tức là Người như thiên hạ thường nói. Tôi suy nghĩ về ông thế này :

 Đây là người không thoả hiệp, không khoan nhượng với CÁI ÁC ĐỘI LỐT CÁI THIỆN hòng " lập lờ đánh lận con đen ", cho nên sẽ không phù hợp với Ai đó...Một người như thế có thể bị bẻ gẫy, nhưng bẻ cong thì không thể...

 Lần đầu gặp tại nhà ông, so với chiều cao 1,75m của tôi, ông nói cao 1,60m.Nhưng thưa ông, trên thế gian này chẳng đã có những người " lùn " là người vĩ đại đó sao ?

 Tôi cũng có ấn tượng về bà Vũ Cao Quận. Đây là người phụ nữ có những nét chung của Người Mẹ, Người Chị, Người Phụ Nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang tháo vát tần tảo sớm hôm gợi nhớ đến hình ảnh " thân cò lặn lội " trong ca dao xưa. Nét mặt bà phúc hậu, cái nhìn trong sáng tin người giữa cảnh đời náo động, xô bồ, nụ cười hiền cởi mở toát lên một nhân cách thiên lương...Lưng hơi còng vì thời gian năm tháng trĩu nặng trên vai, người Phụ Nữ Việt Nam bình dị này không phải là cam chịu mà chính là bà có một sức chịu đựng, một sức mạnh tinh thần nhẫn nại gánh trọn cả niềm vui và nỗi buồn, những lo toan nhọc nhằn cùng ông đi suốt chặng đường đời...

 Có một nhà văn Nga đã viết, đại ý : Trên mặt đất này, dưới mái nhà ở một nơi nào đó, nếu tôi biết rằng trong bữa cơm tối dọn ra có một người đàn bà đang bồn chồn ngóng đợi lo âu khi tôi trở về muộn thì điều đó thật hạnh phúc...

 Điều bình dị ấy là hạnh phúc. Người lính già Vũ Cao Quận thật hạnh phúc, bởi trong cuộc đời ông đã có được những người mà đáng vì họ mà ta sẵn lòng bỏ phí cả đời mình, dám đi đến cả cái chết...

 Tôi xin được trở lại ngổn ngang cùng thế sự .

 Trong tiến trình lịch sử xã hội loài người, các thể chế xuất hiện tồn tại rồi diệt vong, những nhà cầm quyền đến rồi đi, chỉ còn lại Nhân Dân vĩ đại và Dân tộc trường tồn. Cái mới, cái tiến bộ luôn xuất hiện thay thế cái cũ, cái lạc hậu. Đó là biện chứng.

 Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, chẳng còn thể độc quyền bưng bít thông tin và thông tin một chiều. Trái đất chúng ta đang sống như một ngôi nhà chung mà trong đó ở miền địa lý này, tại vùng lãnh thổ kia vẫn còn những kẻ lợi dụng các chủ thuyết, tôn giáo và sắc tộc dưới chiêu bài giải phóng loài người để nô dịch con người .

 Xu thế thời đại của ngày hôm nay là TỰ DO , DÂN CHỦ THỰC SỰ và CÁC QUYỀN CĂN BẢN của con người ( Trong đó có quyền tự do ngôn luận tức tự do báo chí . Không có quyền tự do ngôn luận con người không khác gì con vật ).

 Đó là những giá trị nhân văn đích thực, là khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của muôn đời ...

 Lịch sử loài người, trong những cái vĩ đại, trong các cuộc dối trá và lừa bịp thì ông đã nói đúng :" Cuộc lừa này là vĩ đại vô song !".

 Cầu mong cho ông ngày xưa đã " chân đồng , vai sắt " thì bây giờ vẫn " chân cứng, đá mềm " có sức khoẻ để đau nỗi đau cùng nhân quần, cùng phấn đấu góp phần thúc đẩy " Những lời nói đùa nghiêm túc " tại quảng trường Ba Đình hơn 60 năm về trước sẽ trở thành hiện thực trên Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu.

 Đây là lời của một người lính chúc người lính già Vũ Cao Quận.

 Gian khó hiểm nguy còn ở phía trước đích đến. Bởi vì những ai , kẻ nhân danh " rởm " ấy chỉ " đào ngũ trước cái chết chứ không đào ngũ trước quyền lực ".

 Nhưng tôi nhớ một điển tích lịch sử thế giới : Thời cổ, một bạo chúa La Mã cả cuộc đời nổi tiếng tàn bạo chống đạo Thiên Chúa, tàn sát giáo dân. Cấm đoán và giết chóc nhưng Thiên Chúa Giáo vẫn phát triển rộng khắp. Đến khi nhắm mất xuôi tay, hoàng đế La Mã này thốt lên :" Hỡi người ở xứ Ga-li- lê ( chỉ Đấng Giáo Chủ Giê - Su ) Ngài đã thắng !.."Mọi sự liên tưởng so sánh đều khập khiễng. Điều muốn nói là khát vọng dân chủ và nhân quyền sẽ toàn thắng. Đó là tất yếu .

 Bộ môn Lý học cổ truyền phương Đông nói về DỊCH nghĩa là ĐỘNG, không phải là BẤT BIẾN. Núp bóng kiến thức - tư tưởng - trí tuệ của tiền nhân, mon men sờ đến " cái lông chân " của cụ Trình Tuyền Nguyễn Bỉnh Khiêm , tôi bộc bạch nỗi lòng cùng ông...

 Vâng ! Cuộc " đấu tranh này là trận cuối cùng để nền DÂN CHỦ PHÁP TRỊ đào mồ chôn thể chế độc tài đảng trị tại Việt Nam và những phần lãnh thổ còn lại trên trái đất ".

 Xin chép mấy câu thơ của Giắc Lân - đân như một bài ca hy vọng :

 Sân khấu trần gian mịt mờ khổ ải .

 Bạn đừng chán ghét cảnh đau thương .

 Xin hãy bền gan chờ nhà viết kịch.

 Một hồi sau chấm dứt tấn tuồng ...

 Một hồi sau chấm dứt tấn tuồng ! Tôi tin là như vậy bởi đã có " nhà viết kịch " và " nhiều nhà viết kịch " như người lính già " đầu bạc Nguyên Phong ".

 ... Đã có nghìn mùa hoa lãng phí .

 Bởi xa đường ong qua ...

 ( Chế Lan Viên )

 Băn khoăn và bâng khuâng...Tôi không muốn là " một mùa hoa lãng phí "..

 Suy nghĩ thì có hạn nhưng tình cảm khôn cùng...

 Kính chào ông !

 Đồ Sơn ngày 02 tháng 03 năm 2008

 Phạm Văn Hùng

 Tổ dân phố 6 - Phường Ngọc Xuyên

 Quận Đồ Sơn - Hải Phòng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn