Nguyễn Vy Khanh:Tôi sanh năm 1951 tại Quảng Bình nhưng mới một tuổi đã được bố mẹ đưa vào Huế rồi từ năm tuổi vào sống hẳn ở Sài Gòn. Hơn một năm trước khi rời Việt Nam cuối tháng 4-1975, tôi được bổ nhiệm dạy trung học tại Nha Trang. Thơ văn khởi từ trên ghế trung học nhưng chỉ có một tập thơ mỏng Khung Cửa in giới hạn năm 1972. Viết tiểu luận triết lý từ năm đệ Tam và bắt đầu nghiên cứu triết đông phương và văn học sử khi học ở đại học Sư Phạm Sài Gòn khoảng 1970. Rời Nha Trang đầu tháng Tư 1975 và Sài Gòn ngày 29 sau đó, đến đảo Guam rồi Canada, một năm sau đi học tiếp Cao học Quản Trị Thư viện và làm công chức ngay sau khi nhập quốc tịch Canada đầu năm 1979 cho đến nay. Hiện sinh sống tại thành phố Montréal thuộc tỉnh bang Québec, Canada.
HV: Anh có quen biết nhà văn Duyên Anh không? Nếu có xin anh cho biết trong trường hợp nào ?
NVK: Tôi thuộc thế hệ đàn em, quen Duyên Anh vì hai lý do : nhà tôi ở Tân định, qua cầu Phú Nhuận một quãng là cư xá nhà Duyên Anh nơi tôi có một số bạn bè học chung trung học đệ nhất cấp, thứ nữa tôi từng là BB (Nhật Lệ nếu tôi nhớ không lầm!) có thơ đăng trên phụ trang nhật báo do Duyên Anh phụ trách và có được mời đến tòa báo một đôi lần ở đường Hồ Xuân Hương. Khi Búp Bê trở thành tuần báo, tôi đã qua tuổi ... BB, bắt đầu trung học đệ nhị cấp, bạn bè lúc ấy đã gọi tôi là "ông cụ non"!
HV: Xin anh cho biết thêm về sự liên hệ giữa nhà văn Duyên Anh và tuổi trẻ VN trong các tác phẩm của ông trước và sau năm 1975?
NVK: Câu hỏi này, tôi xin trích vài đoạn của bài tôi viết cách đây đã năm năm, lúc bấy giờ tôi chỉ nói sơ lược giai đoạn sau 1975 :
"(…)
Tuổi thơ được Duyên Anh chăm sóc rất kỹ trong văn nghiệp của ông. Trước hết với Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, bộ truyện gồm 6 quyển mà khung cảnh là tỉnh lỵ Thái Bình những năm 1944-1954: Thằng Vũ, Thằng Côn, Thằng Khoa, Con Thúy,... Thằng Vũ được khởi viết vào những năm cuối cùng làm công chức trước cách mạng 1-11-1963. Tuổi thơ lồng trong thảm cảnh của chiến tranh, của tù đày, bạo động, phản trắc, của chia cách, của những vùng tề, vùng tiếp thu. Bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là "lịch sử mười năm được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được" (11), vì xuất phát từ nỗi thất vọng của tác giả về chiến tranh, về cái hoàng hôn xám tình người lạnh lẽo và hờ hững. "Tất cả cho cách mạng Tháng tám. Còn gì nữa mà cho. Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi" (Con Thúy, tr. 187). Cách mạng đã cướp mất tuổi thơ, đã khiến tuổi thơ sống đày đọa trong khói lửa và bạo động. Cách mạng dạy con người đánh mất tính người.
Đến các truyện Dzũng Đa-Kao, Chương Còm, Bồn Lừa, Hưng Mập, ... một tuổi nhỏ mới của miền Nam phải đương đầu với chiến tranh mới Bắc-Nam. Tuổi thơ này muốn làm anh hùng dân tộc (Mơ thành người Quang Trung), thủ quân kiêm trung phong của đội tuyển thiếu niên làm đẹp dân tộc (Bồn Lừa). Đưa trẻ em hư hỏng ở vỉa hè vô trường học (Giặc Ô-Kê). thành thị kết tình với tuổi thơ nông thôn (Hạ Ơi), kinh với thượng (Gấu Rừng). Có khi tuổi thơ chỉ mơ hết nghèo khổ, được bước chân vào lớp học. Giấc mơ của những em bé đánh giày được có ăn, có mái ấm gia đình, được đến trường (Luật Hè Phố).
Một tuổi thơ dù ở Bắc ở Nam, trước hay sau 1954, con nhà giàu (Hoàng Dung, Elvis Dậu, Chương Còm, Đoàn Dự, Thiện Mông Cổ, ..) hay nghèo (Thằng Vũ, Bồn Lừa, Dũng Đa-Kao, Danh Ná, ..) hay con lai rơi rớt (Jimmy, Bill, Jack, ..), tất cả đều là những ánh bình minh rực rỡ tình người, rộn ràng tình bạn, những thương yêu trìu mến. Dù ngoại cảnh đầy bạo động, chiến tranh, máu và nước mắt. Duyên Anh viết cho tuổi thơ vì ông "không có tuổi thơ", "thèm tuổi thơ nên viết để giải tỏa những uẩn ức, những thèm khát" (1) như ông đã từng thú nhận sau này. Viết về tuổi thơ cũng là viết về gia đình, quê hương bỏ lại khi đã di cư vô Nam. Nếu đúng như tiết lộ của nhà văn Đỗ Tiến Đức bạn thân với Duyên Anh từ khi cả hai di cư vô Nam ở chung trại tạm trú, Duyên Anh đã để vợ con lại quê nhà ngoài Bắc, người đọc có thể hiểu thêm nỗi lòng nhớ vợ con của ông. Duyên Anh lập lại cuộc đời mới trong một hoàn cảnh éo le dễ được thông cảm, dù gia đình mới trong Nam ông vẫn chứng tỏ chồng cha gương mẫu. Viết về tuổi thơ là Duyên Anh viết cho ông, với tình thương cho cô con gái ngoài Bắc và với hạnh phúc ba đứa con trong Nam.
Cái tuổi thơ trong tác phẩm của Duyên Anh cũng như trong tác phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, vv của văn chương Việt Nam là tuổi thơ văn chương, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Tuổi thơ đã qua đã sống của mỗi người đã trở thành một phần đời, phần trời gió có thể đã thoảng trôi mà cũng có thể đã ảnh hưởng đến cả phần đời người lớn, cả sự nghiệp, chí hướng. Đối với nhiều người, tuổi nhỏ trở thành khung trời trú ẩn, thành một vùng tâm thức kỳ diệu ủi an để quay về khi con người phải đương đầu với những thực tế ê chề, khó khăn. Một cõi sống có thể thần linh - người ta vẫn nói thiên đàng tuổi thơ. Một cõi sa mù hay kỳ diệu có giá trị trị liệu. Ngày hôm nay khô cằn hoặc chỉ còn là bã là rác sẽ cần đến khoảng sống thần tiên đó để làm mới lại cuộc đời, chỉnh đốn lại cái sống, làm mạnh cái sống. Và ngược lại, tuổi thơ có thể như một căn bệnh kinh niên bất trị, như một sổ mũi, nhức đầu nhè nhẹ rồi qua đi nhưng sẽ luôn trở lại. Tuổi nhỏ đó còn là tiềm thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng hiện tại và ý thức của con người.
(...)
Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ nói trên. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt dù không biết Trà Lý ở đâu nhưng đã phải công nhận "Hình ảnh thiên đường và đất hứa của tuổi trẻ trong tác phẩm của Duyên Anh, tuổi trẻ được phục sinh vừa thơ mộng kỳ diệu, vừa phẫn nộ trong lầm than một vùng nhân thế" (11).
Tuổi trẻ
Duyên Anh viết và xuất bản những tác phẩm về tuổi trẻ khi miền Nam đang trên đà xây dựng, tổ chức và các phong trào thanh niên sinh viên học sinh được các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động cũng như tổ chức. Và kẻ thù cũng đã có những xâm nhập. Tuổi trẻ xuống đường, chống độc tài (hiến chương Vũng Tàu), chống chính khách xôi thịt, chống Mỹ, ... và chống cả đi lính, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong khi đó tuổi trẻ của Duyên Anh lãng mạn nhưng có ý thức và yêu nước. Lãng mạn, theo những tập đoàn cách mạng một cách thành tâm nhưng ngây thơ trước thủ đoạn. Ảo Vọng Tuổi Trẻ kể chuyện những người trẻ tuổi đi làm cách mạng, chống độc tài và cộng sản, lên cao nguyên, về miền Đông và thủ đô rốt cục bị lãnh tụ lừa gạt, đi đêm với quyền lực và chức tước. Tuổi trẻ bị ảo vọng, 'thua bạc', mất cả vốn liếng lý tưởng và tuổi trẻ, đâm ra phẫn nộ. Họ "đã ngủ sầu trong đất", không cần đến những đàn anh thê thảm và khốn nạn.
Duyên Anh trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường tiếp tục ý hướng giáo dục, muốn đề cao tình nghĩa trong một xã hội đầy bạo động và giá trị văn hóa không còn. Rồi trong "tâm bút" Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Duyên Anh đã mong tạo được những thần tượng thiếu niên nhi đồng và đào tạo được một thế hệ hết mình bảo vệ miền Nam và ngăn chặn đám giải phóng theo chỉ thị của miền Bắc, ngay từ những lứa tuổi 14, 15. Võ Trụ trong Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy "quên thân mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn" (tr. 34), Danh Kê cướp xuồng máy và súng của cộng sản ở Kiên Giang để khi lớp "đàn anh chết đi,? có thể vững dạ tin tưởng ở thế hệ rường cột xâm mình chiến đấu, chiến thắng cộng sản" (tr. 43).
Nếu các truyện về tuổi thơ là chuyện của Duyên Anh và bạn bè trang lứa thì những tiểu thuyết về tuổi trẻ đã là kết hợp từ những kinh nghiệm cá nhân của tác giả thời mới vô Nam và cả khi làm báo, công chức.
Tuổi trẻ bụi đời và du đãng là hai loại tiểu thuyết và Duyên Anh đã hơn một lần phân biệt hai khuynh hướng đó. Tuổi trẻ bụi đời, trẻ mồ côi có Luật Hè Phố và Dấu Chân Sỏi Đá. Luật Hè Phố là thế giới của Danh, Lựa, Dân, vv những đứa trẻ đánh giày, ở viện mồ côi ra, sống bụi đời, không lựa chọn; là thế giới của bọn đầu trâu như Quý Đen, vua đánh giày.
(...)
Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh : "Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng" (ĐRNM, tr. 107). Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là "những thằng trong sạch nhất trong xã hội" (tr. 274), "du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng" (tr. 107) hay "xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả". Chúng nỗi loạn vì cô đơn, "nổi loạn tâm hồn" vì "bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc", hoặc thù đời, "khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng " (tr.81).
Thất vọng một xã hội không có chỗ đứng, bất mãn trước bất công xã hội, chúng "nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội", "sống tách riêng ra một xã hội" (tr. 107) . Nổi loạn làm du đãng như không còn lựa chọn. Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang: chuyện Du Chột bắt cóc đòi tiền chuộc nhà buôn giàu không thành vì Hoàng Guitar đàn em của hắn quyết chí trở lại con đường lương thiện làm sai kế hoạch. Chuyện hoàn lương cũng không dễ một khi đã ở lâu với xã hội đó, cuối cùng trở thành thảm kịch. Hoàng Guitar có học, biết điều, giang hồ đã, cuối cùng muốn sống như mọi người có vợ có con và đủ ăn mà cũng không thể được trong một xã hội nhiều mắc lưới đó.
(...)
Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như chúng yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có đứa đậu cả tú tài Pháp. Chúng cũng hào hoa phong nhã và "rất nghệ sĩ". Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần thị Diễm Châu "xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ". Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ : "quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời" và "kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn" (tr. 337). Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen "Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại 'cừ' nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp..." (tr. 274)."
HV: Còn về mặt chính trị, anh nhận định thế nào về tư tưởng chống cộng của nhà văn Duyên Anh, một "Biệt kích văn nghệ cực kỳ nguy hiểm của chế độ"?
NVK: Đây là ngôn ngữ lúc chiến tranh quốc-cộng còn hực lửa tranh giành ai thắng ai, do đó ai cũng có thể là kẻ thù. Bây giờ nhìn lại thì thấy có thể đó là một căn bệnh chung nhưng có thật. Riêng trường hợp Duyên Anh thì rõ là kẻ thù của chế độ cộng-sản : ông là nhà văn mà lại là nhà văn nổi tiếng, được ưa thích, nhất là giới trẻ; sự nghiệp của ông dành phần quan trọng cho tuổi trẻ thơ mộng ở quê nhà Thái Bình của ông cũng như tuổi trẻ hè phố đáng thương ở Sài Gòn; ông lại di cư năm 1954 và cuối cùng, trong tác phẩm ông nhiều lần lý luận chống chủ nghĩa cũng như con người cộng-sản !
HV: Tuy nhiên ở hải ngoại, nhà văn Duyên Anh lại bị cô lập, có phải chăng vì dư luận cho ông là "Ăng ten" (antenne) ? Anh nghĩ gì hoặc biết gì về dư luận trên?
NVK: Chuyện này có nhiều nguyên nhân. Làm ăng-ten hay không ở trong các trại "cải tạo" không ai có thể nắm sự thật hết, ngay cả cai tù cộng-sản. Có người nín thở qua cầu, có kẻ muốn tâng công để được yên thân hoặc về sớm, nhưng những kẻ đáng trách là những kẻ làm hại bạn mình, đồng nghiệp mình đến chết vì thù oán. Sống trong cảnh mất tự do, bị dòm ngó, theo dõi, thì cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn vốn đã yếu về thể chất, nếu không có bằng chứng rõ rệt thì không thể kết cho Duyên Anh được. Phải nói là người ta nhân cái chết đó để tung hỏa mù thì đúng hơn. Dĩ nhiên sẽ dễ hơn nếu đương sự nhìn nhận và xin lỗi như trường hợp nhạc sĩ VTA.
Khi Duyên Anh ra đến hải ngoại thì đã có một số hồi-ký cải tạo kể những chuyện không thật, Duyên Anh lại cho ra ba cuốn hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ, Sài Gòn Ngày Dài Nhất) thế là rối rắm thêm và Duyên Anh đã trở thành "nạn nhân tiêu biểu" kéo dài của xã hội miền Nam. Một số nhóm cựu tù cải tạo và kẻ thù của ông trước 1975 hợp nhau để "kết án" ông. Tưởng cũng cần biết là trước 1975, dưới bút hiệu nhà báo Thương Sinh, Duyên Anh đã gây thù chuốc oán khá nhiều, một phần do ông trên đà thành công nổi tiếng, một phần ông bị xúi hoặc mua chuộc và cả đe dọa. Duyên Anh và Thương Sinh đánh không chừa một ai, kể cả giáo sư Nguyễn Văn Trung, nhà văn Trần Phong Giao phụ trách tạp chí Văn (ông TPG mất job ở Văn phần nào đó cũng vì Duyên Anh và áp lực Nguyên Sa), v.v. Cuối cùng người ta nói các cô ca sĩ có yêu nhau bao giờ, áp dụng cũng đúng trong trường hợp Duyên Anh. Duyên Anh và vợ chồng Nhã Ca là những nhà văn nhà báo hiếm hoi nổi "cơ đồ" nhờ vào tác phẩm bán chạy !
Cuối cùng chuyện Duyên Anh bị cô lập và đả thương thành tật nguyền, Duyên Anh vào cuối đời đã không nói đến dù được hỏi (X. phỏng vấn của Đỗ Tiến Đức. "Duyên Anh, cuối đời" trên tạp chí Văn Học CA (131, 3-1997, tr. 108-125)). Và nếu muốn công bằng cũng nên xét đến đời tư riêng của Duyên Anh vào những năm cuối cùng!
HV: Cách đây không lâu anh đã có một bài viết về nhà văn Duyên Anh, xin anh cho biết động cơ nào thúc đẩy anh làm việc này ?
NVK: Bảy năm trước đây, tôi bắt đầu viết thử một tập văn học sử biết gì nói nấy cốt để lại cho giới trẻ hơn, sau hơn hai mươi năm nghiền ngẫm và đọc, mục đích để ghi lại phần nào chân dung của một nền văn học bị kẻ chiến thắng cưỡng chiếm miền Nam sổ toẹt. Một trong những tác giả tôi bắt đầu xem lại và viết là nhà văn Duyên Anh.
HV: Được biết bài viết của anh đã gặp nhiều khó khăn khi phổ biến qua báo chí, anh có thể giải thích lý do về hiện tượng bất bình thường đó ? Phải chăng một "thế lực ngầm" nào đó cản trở các báo, tạp chí đó nói về Duyên Anh?
NVK: Như câu hỏi các em đã nói đến "thế lực ngầm", tôi cũng nghĩ thế! Các tạp chí về văn học người Việt ở hải ngoại tập trung ở Quận Cam California, ở đó đã thành một xã hội mà người sống nương, nể nhau mà sống (kể cả áo thụng vái nhau). Thế lực đó còn nhìn thấy trong vụ Duyên Anh bị đả thương mà không ai dám cứu, ngay cạnh phòng mạch bác sĩ Việt Nam nào đó cũng là nhà văn! Rồi ngay cả vài người từng là bạn của Duyên Anh trước khi ông mất cũng trở nên "rét" khi ông đã thật sự ra đi! Con người ta vì sống còn, vì muốn giữ "danh giá" còn sót lại nên họ phải đồng minh, nương nhau mà sống và bỏ rơi người bị đa số hay thiểu số hiểu lầm, ngộ nhận! C’est la vie, quelle misérable vie !
Qua kinh nghiệm này và một số liên hệ với giới văn hóa và viết lách hải ngoại sau đó, tôi cũng nhận ra có những quyền lực vô hình khiến cho một số sinh hoạt của người Việt ở ngoài nước trở nên bất bình thường.
HV: Anh Lê Xuân Quỳnh, trước năm 1975 làm việc cho Việt Tấn Xã, đã ở chung trại cải tạo với hai anh Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn. Anh Quỳnh đã viết một bài rất dài và đầy đủ về cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn hoàn toàn không dính dáng đến anh Duyên Anh. Tại sao các hội đoàn văn bút hải ngoại không làm sáng tỏ sự việc để rộng đường dư luận? Một thông cáo chính thức - đặc biệt là văn bút - chắc chắn sẽ xóa bỏ những tin đồn thất thiệt về anh Duyên Anh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy!!! Như thế, theo anh, có phải thù oán cá nhân là nguyên nhân chính về tin đồn "Duyên Anh ăng ten"?
NVK: Như đã trả lời ở câu hỏi trên, tôi tin rằng tin đồn đó do nhiều nguồn : 1, tư thù và ghen tương cá nhân, 2, chính quyền cộng-sản trong nước (nên nhớ Duyên Anh không được xuất ngoại theo gia-đình qua Pháp năm 1983 - mà phải vượt biên cùng năm 1983). Còn chờ đợi ở Văn Bút, nên quên thì hơn!
HV: Làm sao để phục hồi lại danh dự cũng như đặt nhà văn Duyên Anh vào đúng vị trí xứng đáng của ông?
NVK: Danh dự như là nhà văn thì tôi nghĩ Duyên Anh đã có và sẽ còn tồn tại lâu dài khi nào vẫn còn tình yêu và tuổi thơ cần có một thế-giới riêng, khác người lớn. Những người yêu quí văn tài Duyên Anh xin cứ tiếp tục tiếp nhận và cảm nghiệm những gì tích cực và đẹp trong tác phẩm của ông, như sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm đã có dịp dịch truyện của Duyên Anh ra tiếng Pháp (Enfants de Thai-Binh, Colline de Fanta) và viết về Duyên Anh trên các tạp chí Pháp.
Ngày hôm nay làm được gì cứ làm, nếu không, thời gian cũng sẽ trả lời. Chiến tranh Nam-Bắc đã chính thức chấm dứt từ ngày 30-4-1975, nhưng cuộc chiến đó đến nay, 27 năm sau, vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, cần nhiều thời gian nữa thì những sự thật sẽ lộ diện lại như là sự thật (cũng như những giả dối, tuyên truyền, mạo nhận, bôi bác, v.v.).
HV: Anh đã đọc các bài thơ của anh Duyên Anh? Có thể cho chúng em một vài nhận xét , quan điểm của anh về thơ Duyên Anh?
NVK: Thơ Duyên Anh không có gì đặc sắc về văn học : đơn sơ, bình dị; nhưng được viết bởi tấm lòng thành thật và yêu đời.
HV: Là một nhà văn, anh nhận định như thế nào về các đóng góp của nhà văn Duyên Anh trong nền văn học cận đại.
NVK: Tôi lại phải dùng lại những nhận xét của mình trong bài đã viết :
"(...)
Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết. Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông. Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà lý hay Sài gòn, nhân vật đó - những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool, ... vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng - là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,... quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt. Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.
(...)
Duyên Anh đã là hiện tượng vì ông thuộc về lớp nhà văn đã ảnh hưởng đến người đọc, những người trẻ, những người mất tuổi trẻ, những người sống bằng hoài niệm, bằng kỷ niệm và quá khứ, của người đô thị nhớ về đồng quê dung dị thời thanh bình. Người đọc ông có thể là người di cư từ phía Bắc tuyến 17 phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là người trẻ mới lớn ở miền Nam. Dù sao thì người đọc của ông không ít và ảnh hưởng có thể có của tác phẩm ông đã khiến những người cộng sản khi đã cưỡng chiếm miền Nam đã cấm sách ông và liệt ông vào số những người "biệt kích văn hóa tư tưởng". Lý do là Duyên Anh đã làm cùng công việc của họ, đã dám ảnh hướng giới trẻ, dám giáo dục giới trẻ như đề cao tình thương yêu, tình người để đối chọi với căm thù và bạo động của cách mạng, đã dám "trồng người". Duyên Anh đã dám "cạnh tranh" với những huyền thoại của họ như Kim Đồng (Kim Đồng của Duyên Anh trong Thằng Khoa người hơn), Duyên Anh đã tạo dựng những thần tượng tuổi thơ hiền lành nhưng hiểu biết trong tiểu thuyết, nhưng những thần tượng tuổi thơ này đã vượt thế giới tiểu thuyết để đi vào cuộc đời, đã ảnh hưởng giới trẻ trong Nam. Duyên Anh bị kết án "lừa gạt trẻ con". Phải chăng sự kiện đây có thể giải tỏa nghi vấn về việc Duyên Anh bị đả thương thành tật nguyền ở hải ngoại và đã bị liên tục kết án ? Duyên Anh đã "cứng đầu", vẫn tiếp tục sứ mạng ông tự cho - viết cho tuổi trẻ, viết về tuổi trẻ và ước vọng nhân sinh của chúng.
Nếu nói Duyên Anh "chống cộng" thì là một thứ chống đối tự nhiên của một người dân bình thường không thích chiến tranh hoặc đã phải sống những đổ nát do chiến tranh gây ra. Ông không đưa ra những lý thuyết lớn như nhà văn các nhóm Quan Điểm, Thái Độ, Sáng Tạo,... Ông chống cái Ác và đòi hỏi sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng. Ông cũng không viễn mơ vì ông đã nhìn thấy và đã biết với kinh qua thế nào là cách mạng mùa Thu, Duy Dân, là lý thuyết mới về xã hội cộng sản. Có thể ông biết ít, nhưng cái biết của ông đã đủ để ông chống chiến tranh và cộng sản !
Năm 1971, Duyên Anh đã quyết định bỏ nghề làm báo để chỉ làm xuất bản và ra báo cho tuổi trẻ. Quyết định có thể bắt nguồn từ những đụng chạm lớn trong nghề báo, từ những thành công khiến ông đi quá đà gây nhiều hận thù và bớt bạn, nhưng có thể ông đã hối hận về nghề báo đi sai đường hướng văn nghệ của đời mình. Duyên Anh có quá đáng khi làm báo ngoài những lý do bình thường, có thể cái quá đáng đó thúc đẩy bởi ước muốn công bằng xã hội. Bỏ chốn lụn bại báo chí, Duyên Anh trở lại, sống hết mình với thế giới trong sáng của tuổi thơ và tuổi trẻ. Sau 1971, ông đã viết tiếp bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ và xuất bản những tiểu thuyết về tình yêu.
Niềm tin ở chân thiện, ở đời sống và con người, Duyên Anh tin một cách chân thành không màu mè; thể hiện ở câu chuyện, cách hành văn, không thuyết lý. Duyên Anh đã viết văn như đã sống với một tâm hồn thẳng thắn dù đã có lúc phải làm bất cứ nghề gì để sống còn, phải làm lại cuộc đời từ số không. Duyên Anh không có ý làm mới ngôn ngữ. Nói chung, ông xử dụng một ngôn ngữ bình thường, dung dị hợp với câu chuyện và nhân vật của ông, tất cả như vừa tầm mọi người. Ngay cả khi ông mơ mộng hay viết về cách mạng.
(...)
Duyên Anh viết về giới trẻ du đãng, bụi đời có thể đã đáp ứng một thị hiếu của độc giả; nhưng thiển nghĩ ông không viết về tuổi trẻ này hoàn toàn vì thị hiếu cao bồi du đãng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ mà ông còn có một mục đích giáo dục, đề cao với một cái nhìn khá từ bi, thông cảm. Khi viết về tuổi thơ, phải công tâm công nhận văn chương tuổi thơ của Duyên Anh khá trĩu nặng đau buồn của quá khứ, mất mát, có ngụ ý, có cả hối hận. Trong khi đó những nhà văn sau ông như Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện,... viết về tuổi thơ và tuổi trẻ với một tâm hồn trong sáng hơn. Không khí tiểu thuyết của họ vui và nhẹ nhàng hơn, thực tế hơn mà tình yêu cũng thật sự mộng mơ gần gũi hơn.
Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những ngừời con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa.
Nhà văn Duyên Anh ngoài gần 50 tác phẩm đã xuất bản trước 1975 còn là tác giả những bài báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau (những phóng sự Đi Tầu Suốt, Đầm Giao Chỉ,...) vẫn khiến hơn một người thắc mắc về cái mâu thuẫn con người hai mặt của ông, một thơ mộng và lý tưởng và một thâm độc, trào phúng. Khởi đi từ thế giới đã mất, từ những mơ mộng, Duyên Anh đã đi đến chỗ hẹn hò thỏa thuận với quá khứ và đã đưa người đọc vào một thực tế hàng ngày không giản đơn trước mắt, đã có những ý tích cực cho giới trẻ. Mất tuổi trẻ, sống ly cách, cuộc đời mới khó khăn khiến Duyên Anh có cái nhìn xoi mói về tha nhân có khi quá đà không cần thiết. Cao Thế Dung trên tạp chí Quần Chúng đã cắt nghĩa rằng nếu Duyên Anh "không cho thoát những uẩn ức chất đầy trong đầu óc (ông) bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, (ông) sẽ không thanh thản mà viết những trang sách hiền lành lý tưởng" (14). Duyên Anh đã tuyên bố : "Tôi đập phá và tôi xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. (...) ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí, pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi..." (4).
Dâng văn chương cho tuổi thơ và quá khứ và không nhất thiết làm văn chương để chống cộng, Duyên Anh đã chọn cái nghiệp chống cộng và đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời kể cả bị đả thương đến tật nguyền. Những xã hội và tập đoàn nào còn duy trì bất công và bạo động sẽ dễ kết án những người như Duyên Anh, những người đi khêu động những cấm kỵ. Truyện của Duyên Anh dù chỉ là tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt miền Nam cắt bỏ (Bò Sữa Gậm Cỏ Cháy bị kiểm duyệt 'ngâm' không cấp giấy phép, sau lại cho nhưng cắt 32 trang) và ông đã là một trong số những tên 'biệt kích văn hóa tư tưởng' nguy hiểm cho chế độ đối nghịch chế độ thứ nhất. Nghèo, tự lập tự vươn, muốn truyền lại kinh nghiệm, muốn nói với giới trẻ, nhưng cái gốc người đời nghĩ là không sang cả không quý phái và không cả bằng cấp của ông đã khiến ông bị hất hủi. Nhà văn của tuổi thơ cuối đời tật nguyền buồn khổ đã trở lại đạo Thiên Chúa, tìm nước Trời nơi trẻ nhỏ dễ vào vì đứa nhỏ đã chấp nhận nước Trời, nói như người có đức tin. Một niềm tin mà Duyên Anh đã không có khi đang thành công lớn (5).
Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông "bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)" (4). Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông "chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình" (4). Nếu tuổi thơ là dĩ vãng, nếu quê hương xa xôi là kỷ niệm đã làm nền cho tiểu thuyết của Duyên Anh trước 1975 thì sau khi ra được nước ngoài tị nạn, sau 6 năm tù và học tập, sau những chiến dịch xóa bỏ tác phẩm ông hoặc kết án ông, tuổi trẻ đã trở thành ý thức chính trị làm nền cho tiểu thuyết của ông xuất bản ở hải ngoại. Duyên Anh sẽ đề cao tuổi trẻ, một tuổi trẻ có ý thức, có lý tưởng, như 28 người trẻ trong hầm đá trại Đầm Đùn, như người trẻ hào kiệt Trần Văn Bá. Chúng tôi tin ông đã từ giã cõi đời với niềm hy vọng ở những người trẻ tuổi, ở một ngày mai nếu có! "
(Bài viết trích đây là một chương sách của tôi, Nhìn Lại Văn Học VN Thế Kỷ XX sắp xuất bản !)
HV: Nếu là một lời khuyên cho các bạn trẻ say mê những tác phẩm Duyên Anh, anh sẽ khuyên gì ?
NVK: Thứ nhất : đọc, thưởng thức lại những tác phẩm của Duyên Anh viết về hai tuổi trẻ (hồn nhiên và bụi đời). Thứ hai : nghiên cứu, tìm hiểu những kinh nghiệm, thông điệp, nhắn nhủ của Duyên Anh từ các tác phẩm đó. Thứ ba : sống như con người thật của Duyên Anh đã từng sống, đó là sống cho tình yêu, với tình yêu, ngay cả trong thế-giới bạo lực và lúc nào cũng tìm cho được hạt ngọc quí trong mỗi tâm hồn con người !
12-12-2002
Nguyễn Tiến Đức - Hưng Việt
Gửi ý kiến của bạn