BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những người thợ chụp ảnh dạo cuối mùa

20 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1181)
Những người thợ chụp ảnh dạo cuối mùa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
HỘI AN -Nói họ là những người thợ chụp hình cuối cùng cũng không ngoa chút nào. Bởi giữa thời buổi nhộn nhịp, thậm chí xô bồ này, không có mấy người đủ kiên nhẫn đứng chờ một ai đó ghé qua chụp một vài tấm hình, có khi cả ngày họ ngồi chơi xơi nước để chờ đợi...



Hình ảnh của họ gợi nhắc đến thời vàng son của nghề ‘phó nháy’, của thời hình ảnh đen trắng, của kỷ niệm khôn nguôi về một thuở con người còn sâu lắng mà hồn nhiên, không xô bồ, hỗn độn, của cái thời mà những ai đã từng sống trong nó đều có những ký ức nằm trong máu thịt...

Mỗi tấm hình lãi chẳng được bao nhiêu, có khi chỉ vừa đủ tiền cơm trưa. Nhưng họ vẫn cứ chờ đợi và chụp hình một cách say mê.

Trong thời đại kỹ thuật số, máy ảnh mini kỹ thuật số ra đời, phát triển và có mặt khắp mọi nơi trên mặt địa cầu và ở Việt Nam cũng thế. Mỗi người đều có thể trở thành một nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Và mỗi người đều có thể tự ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa của mình, thậm chí có thể tạo tác nên những tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Chính trong thời đại kỹ thuật số này, những người thợ chụp ảnh dạo ở những khu du lịch luôn cho người ta nhớ về một thời quá vãng nào đó, của máy chụp hình bằng phim âm bản, thời của những phó nháy mang máy dạo...

Trên Chùa Cầu, thành phố Hội An, sau gần một buổi vừa nói chuyện, vừa chờ khách gọi chụp hình, một thợ chụp ảnh dạo tên Hải rít một hơi thuốc dài, nói: “Nghề này bây giờ có thể gọi là nghề của những động vật quí hiếm cuối cùng. Nói cho vui miệng vậy đó, nghĩa là nghề này chỉ có người hơi hâm một chút mới chọn. Nhưng đôi khi nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Phần lớn khi mang máy ảnh ra đây, mình ngồi ngắm sông, ngắm núi và suy nghĩ về dòng chảy của đời người là nhiều. Chứ có chụp được bao nhiêu tấm hình đâu ông!”

Im lặng một chút, anh nói tiếp: “Mỗi khoảnh khắc có những nét dị biệt của nó, không có khoảnh khắc nào giống khoảnh khắc nào. Cái chính thôi thúc mình đến đây ngồi không phải là chuyện kiếm cơm hằng ngày, mà là ngồi nhìn thời gian trôi qua và nắm chớp lấy nó. Bây giờ là thời của ‘digital’, cái lợi thế của máy ảnh ‘digital’ nằm ở chỗ mình có thể chụp và chọn, không sợ tốn phim, thậm chí có thể chia sẻ đến mọi người thông qua Internet... Và hơn hết là chụp nhiều mấy cũng không làm mình hao tiền phim. Nhờ tự tin ở khoản này mà các ‘nhiếp ảnh gia bụi’ có thể tìm cho mình được tấm ảnh đẹp, có thể ngẫu nhiên, nổi hứng tặng cho khách vài cú bấm máy, có thể thành bạn bè...”

Nói xong, anh ta rút ra một cuốn sổ, trong đó ghi chép những dòng viết của những người bạn phương xa mà anh đã gặp gỡ, quen biết trên phố Hội trong quá trình đứng chụp hình. Có người “nợ” anh một vài tấm hình, có người thì ly chè, cây kem, cuộc trò chuyện giới thiệu về Cửa Đại, sông Thu Bồn, Mỹ Sơn, Mã Châu, Ngũ Hành Sơn, Hàn Giang...

Đáng nhớ nhất có lẽ là dòng viết của một người bạn đến từ nước Mỹ, tên Anna CarlShim, cô này ghi bằng chữ Việt bập bẹ qua sáu tháng học chữ Việt qua một người bạn Việt ở Sài Gòn: “Bạn hiền lắm. Bạn cho mình ăn cái hình rất thú vị, cái bạn giới thiệu với mình rất thú vị, mai mốt rảnh thì bạn qua Mỹ mình sẽ cho bạn ăn cái Golden Bright, cái đó nó bự và rộng lắm, mình sẽ cho bạn ăn cái hình đó, hay lắm. Chúc bạn mạnh khỏe và ăn những cái hình thật thú vị!”

*

Thúy, hai mươi lăm tuổi, tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng được mấy năm nay, có công việc làm ổn định cho một công ty liên doanh nước ngoài. Nhưng mỗi tối vẫn rủ chồng vác máy ra đứng ở cầu Sông Hàn, thành phố Đà Nẵng, vừa ngắm cảnh, vừa kiếm vài ba món gì đó ăn quà vặt trong lúc rảnh, và thỉnh thoảng, Thúy còn rủ chồng cùng chờ cầu quay Sông Hàn xoay chiều tránh tàu.

Thường thì 12 giờ khuya cầu mới quay, có bữa, hai vợ chồng cô ngồi luôn trên trục quay, vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi mấy con mực khô với mấy lon bia và đợi trời hừng sáng, cầu quay trả lại mới ra về.

Khi nghe tôi hỏi vì sao hai vợ chồng cô lại có cảm hứng bền bỉ để hằng đêm lại vác máy ra cầu Sông Hàn, cô trả lời: “Thứ nhất là bọn em có kỉ niệm ở đây, ngày xưa, thời sinh viên, em đi chụp ảnh dạo cùng ba mẹ ở đây, lúc đó hình kỹ thuật số còn chưa phổ biến, cầu thì còn mới lạ, nên kiếm cơm cũng khá, còn bây giờ thì 'ốt' rồi. Nhưng mỗi khi ra đây, nhìn đời xuôi ngược thấy cũng hay hay. Vả lại, mình muốn ghi lại những khoảnh khắc thoáng qua. Chứ như bây giờ thay đổi liên tục, mới hôm qua trường Trần Phú còn đó, bữa nay nó đã thành một bãi đất trống, mai mốt sẽ là một công viên hoặc siêu thị hoặc gì gì đó... Chính những tấm hình gợi lại một phút chốc có gắn liền với kỉ niệm đã khảm sâu vào kí ức của mình...”



Trái với Thúy và những người thợ chụp ảnh dạo khác, Hùng, một lao động chính trong nhà, vốn là thợ hồ, ban ngày đi làm trong công trường, tối đến, Hùng lại mang máy ra đứng bên chân đồi Trà Kiệu để mời khách vãng lai, chụp hình đối với Hùng là cơ hội để kiếm thêm thu nhập nuôi mẹ già và đứa em đang học năm cuối đại học.

Hùng tâm sự: “Em có được chiếc máy Canon này là nhờ một người bạn thân đã để lại, người bạn ấy qua đời rồi. Lúc tụi em đi chơi với nhau, em hay nói với bạn em rằng em ước gì có tiền sẽ mua chiếc máy ảnh giống như của bạn để vừa chụp hình kiếm thêm thu nhập, vừa học nhiếp ảnh nghệ thuật... Thế rồi bạn em bị bệnh nan y, lúc biết mình không thể qua khỏi bệnh, bạn gọi em đến tặng chiếc máy ảnh này, dặn em nhớ học và chụp cho bằng được một tấm hình nghệ thuật có giá trị lớn, mô tả ngọn đồi này, nơi mà bạn ấy đã vụt mất mối tình đầu... Và bây giờ, em vừa chụp kiếm tiền thêm, vừa ngồi chờ những khoảnh khắc vàng ấy, điều đó với em là một sứ mệnh...”. Nói đến đây, giọng Hùng nghẹn lại, gương mặt buồn thiu.

*

Trên sông Hoài và những khu du lịch khác hiện nay vẫn còn nhiều thợ chụp ảnh dạo, họ có thể vì động cơ này, động lực kia mà mang máy ra đứng chờ khách hay mời khách. Nhưng chung qui, họ làm việc đầy nhiệt tình và phấn chấn. Có vẻ như họ thiên về vui là chính. Họ không ngại bấm máy. Để có được điều này, chắc chắn là họ có trong tay chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chiếc máy mà họ không phải lo lắng chuyện tốn phim khi bấm máy, và chiếc máy mà họ có thể thăng hoa trong giờ phút tạm gọi là kiếm cơm bằng nghề chụp ảnh dạo.

Trong cuộc sống nhộn nhịp và xô bồ này, không biết những người này còn chịu đi chụp từng tấm ảnh dạo đến bao lâu nữa. Nhưng dù sao, hình ảnh người thợ với chiếc máy ảnh đeo lủng lẳng trên ngực cũng ghi dấu một thời... của niềm vui được ghi lại một vài kỉ niệm trong cuộc đời bằng những tấm hình.

Thời của một cái gì đó sắp thành xa xưa bởi có một cái gì đó mới vừa ghé đến. Và đời sống thì cứ trôi như một dòng sông!

Phương Minh/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn