BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xóa sổ thêm một nước Xã hội Chủ nghĩa

12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1683)
Xóa sổ thêm một nước Xã hội Chủ nghĩa
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Một con người, nhiều kiểu chết

Ngày 21/08/2011, phe dân quân tràn vào thủ đô. Đại tá Gadhafi cho phát 2 bài hiệu triệu truyền thanh trên đài truyền hình quốc gia, kêu gọi nhân dân Libya cầm súng chống lại phía khởi nghĩa: “Tôi lo sợ rằng nếu chúng ta không hành động, bọn chúng sẽ thiêu rụi Tripoli. Sẽ không còn nước uống, điện thắp sáng và tự do”. Phát ngôn viên của ông, Moussa Ibrahim, đã chứng tỏ sự trân tráo và tài láo lếu bằng cách lên tivi tiên đoán một cuộc thư hùng đẫm máu: “Một cuộc tàn sát sẽ xẩy ra trong nội ô Tripoli nếu phe bên kia chiến thắng, vì bọn nổi loạn hừng hực căm thù. Ngay cả nếu các nhà lãnh đạo từ chức, vẫn không tránh được cuộc thảm sát”.

Cuộc thảm sát do phe chiến thắng đã không xẩy ra, chỉ trừ các cuộc giết chóc man rợ do lính của chế độ. Chưa tới 24 tiếng đồng hồ sau, Gadhafi lại cho phát thanh nữa, gọi phe khởi nghĩa là lũ chuột cống thối tha: “Tôi kêu gọi tất cả đồng bào Libya tham gia cuộc chiến đấu. Tôi đã ra lệnh cho mở cửa các kho súng. Những ai nhát sợ thì mang súng về cho mẹ và chị các người chiến đấu. Hãy đứng lên, tôi đang cùng sát cánh với các bạn tới giây phút cuối. Chúng ta sẽ thắng… sẽ thắng.” Chuyện mở kho súng để dân thủ đô giết nhau thì có, nhưng việc ông cùng sát cánh chiến đấu với họ tới giây phút cuối thì không. Đại tá đã vận dụng kế thứ ba mươi sáu made in China, cùng đoàn tùy tùng khoảng 10 người gồm cận vệ và hầu cận rời Tripoli trước ngày thủ đô thất thủ, cắt xuyên qua Tarhuna và Bani Walid để tới Sirte. Quyết định chọn Sirte là do ông con trai Mutassim, nhưng chính hắn đi riêng, vì sợ NATO dò tìm được lộ trình qua tín hiệu nối vào điện thoại di động của hắn. Về Sirte, thị trấn duyên hải mà ông nhận là nguyên quán để dùng bộ tộc từng được ông ban phát những quyền đặc miễn trước kia, nay đứng ra chịu đổ máu xương để chở che cho ông. Mười một ngày trước, mặc dù những người trung thành với ông đã gây tổn thất thật nặng cho đối phương bằng hỏa tiễn, bằng xe tăng và bằng đạn bắn tỉa, nhưng binh sĩ của Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp đã phá vỡ vành đai bảo vệ thị trấn và chiếm giữ được bệnh viện chính Ibn Sina, viện đại học và hội trường trung tâm Ouagadougou, được xây dựng cấp tốc trước đây để tiến hành hội nghị thượng đỉnh châu Phi — bước tiếp nối trên con đường thống nhất toàn bộ các nước Phi châu thành Hiệp Chủng Quốc châu Phi (United States of Africa) đặt dưới quyền thống trị của sáng lập viên Muammar Gadhafi. Mặc dù giao tranh vẫn ác liệt trên đường phố, nhưng HĐQGCT cho hay ngay ngày nào Sirte lọt vào tay quân kháng chiến, họ sẽ tuyên bố đó là ngày toàn quốc được giải phóng, bất kể khi ấy ông Đại tá đã chết hay còn sống và lưu lạc nơi đâu. Mặc dù lực lượng ủng hộ ông còn làm chủ vùng sa mạc và thị trấn Bani Walid, nhưng tình hình chiến trường không mở ra một lối thoát chính trị hay quân sự nào thuận lợi cho nhà cựu lãnh đạo. Vài ngày mới đây, Chủ tịch HĐQGCT, ông Mustafa Abdul Jalil nói với báo chí quốc tế tại thủ đô rằng việc giải phóng Sirte và Bani Walid sẽ xảy ra trong vòng một tuần lễ, và bản thân Gadhafi biết đó không phải là một câu nói dóc. Binh sĩ phe nổi dậy đã tuần tiểu trên các hành lang bệnh viện, xét giấy tờ tùy thân của từng bệnh nhân để lọc ra và bắt 50 lính đánh thuê trá hình thành thường dân với súng ống giấu dưới gầm giường. Nỗ lực cuối cùng của đại tá bằng cách cho truyền thanh một bài hiệu triệu kêu gọi dân chúng Libya đồng loạt đứng lên cầm súng kháng cự các nhà lãnh đạo lâm thời xem ra chẳng ai buồn đếm xỉa. Trong những giây phút thập tử nhất sinh thế nầy, có thể Muammar không nhớ tới mẹ cha, tổ quốc, đồng bào, vợ con. Nhưng hình ảnh mà ông phải thấy rõ ràng nhất là ông bạn Saddam Hussein, khi bị lính Mỹ kéo lên từ một lỗ nhện ở Adwar, cách nguyên quán Tikrit của ông 15 km hôm 13/12/2003, bẩn thỉu như một con chuột cống.

Sau 42 năm nắm giữ quyền bính tới mức tuyệt đối, Đại tá Muammar el-Gadhafi trải qua những ngày cuối đời giữa thiếu thốn và ảo tưởng, sống bằng cơm thừa canh cặn hoặc mì sợi mà những cận vệ của ông chôm chỉa được từ những bếp nhà dân chạy loạn mà ông phải liên tục thay đổi và tá túc — như lời khai của một sĩ quan an ninh cao cấp tên Mansour Dhao Ibrahim bị bắt dưới cùng ống cống với ông. Ông Dhao là người đứng đầu mạng lưới Cận vệ Nhân dân gồm những người trung thành với đại tá, những kẻ tình nguyện và các điềm chỉ viên. Ông nầy kể rằng sống trong vòng vây của phe khởi nghĩa nhiều tuần, ông Gadhafi mất nhẫn nại với tình thế, luôn miệng càu nhàu trên đường bôn tẩu, “Tại sao ở đây không có điện? Tại sao nhà nầy không có nước?” Ông Dhao cũng tiết lộ rằng trong giây phút cùng đường, ông cùng những người thân cận khác đã gợi ý đại tá rời bỏ quyền bính và bỏ nước ra đi an toàn theo đề nghị của đối phương, nhưng đại tá và ông con Mutassim bao giờ cũng gạt đi. Mặc dù một số người ủng hộ cho rằng đại tá của họ vẫn kiêu hùng, và ngoan cường chiến đấu ngay trên tuyến đầu trận mạc, nhưng ông Dhao xác nhận đại tá không bao giờ làm chuyện đánh đấm của một quân nhân, thay vào đó, ông ấy hết đọc kinh Coran rồi tới gọi điện thoại di động. Trên đường bôn tẩu, Gadhafi không mang theo computer, vả lại họa hoằn lắm mới có điện ở chỗ ông ẩn náu. Nếu không đọc sách Coran, thì ông dành thì giờ gọi điện thoại cho đài truyển hình Syria — hồi sau nầy kể như hệ thống truyền tin chính thức của ông. Phần lớn thì giờ còn lại, ông bị cắt rời mạch nối với thế giới bên ngoài nơi trốn tránh. Ông Dhao nhấn mạnh: “Tôi cả quyết là đại tá không hề nổ một phát súng nào”. Trận thư hùng ở Sirte kéo dài đã nhiều tháng nay, trì trệ lại ngày chấm dứt chiến cuộc mà hầu hết nhân dân Libya khát khao mong chờ kể từ khi thủ đô Tripoli thất thủ vào hạ tuần tháng Tám.

Biết thị trấn Sirte khó lòng tử thủ lâu hơn trong vòng vây đang khép chặt của đối phương, trước giờ cầu kinh lúc bình minh ngày 20/10/2011, Gadhafi tập trung một nhóm gồm mấy chục cận thần và cận vệ do do tướng tư lệnh Abu Bakr Younis Jabr chỉ huy, và chọn giải pháp tuyệt vọng phá vòng vây, dùng đoàn công voa 75 chiếc pick-up gắn đại liên bất ngờ mở đường máu, phóng chạy về hướng Wadi Jarif nằm ở phía tây. Trong phòng tuyến phe khởi nghĩa có những nhân vật quân sự bí mật không bao giờ báo chí biết tới, giữ những đường dây điện thoại nóng gọi thẳng về bộ chỉ huy hành quân của NATO. Xa giá của phái đoàn Gadhafi không cần phải chờ lâu hay chạy thật dài đường trước khi được máy bay không người lái của Mỹ và phản lực của Pháp tới chiếu cố. Đoàn xe cháy rụi lúc 8:30 sáng (2:30 sáng, giờ New York) ở vị trí chỉ cách nơi ông đại tá cất tiếng khóc chào đời khoảng 3 cây số, cách một trạm biến điện không quá 20 mét, nằm trên con đường chính dẫn vào thị trấn. Không có hố bom quanh miệng ống cống, thay vào đó là hơn 50 tay súng bỏ xác tại trận, vừa là những thi thể nằm la liệt trên cỏ, vừa là những bộ xương cháy đen của tài xế và người đi xe bị đánh chết bất ngờ ngay trên ghế ngồi, nhưng Gadhafi chưa chết, để nếm thử thân phận loài chuột cống mà ông thường dùng để miệt thị đối thủ của mình. Ông và những cận vệ may mắn thoát nạn đã nhảy xuống xe chạy xuyên qua hàng cây để chui vào lòng ống cống kép cặp sát xa lộ thênh thang 6 luồng xe, trước khi phe dân quân kháng chiến ập sát tới.

Lời khai của ông Dhao tại bộ chỉ huy an ninh quân đội của phe nổi dậy ở Misrata hai ngày sau cái chết của Gadhafi được đưa ra trong khi các phiên bản về cái chết và cách chết của nhà độc tài tham quyền cố vị nhất mang nhiều chi tiết trái nghịch nhau. Đoạn phim ngắn do một ai đó trong đám đông quay bằng điện thoại di động được chiếu lại trên các hệ thống truyền hình cho thế giới thấy một Muammar Gadhafi run rẩy với nửa mặt bên trái máu me nhuộm đỏ, bị các chiến binh giận dữ kéo lết bước đi ở ngay bên ngoài thị trấn Sirte, cho chúng ta biết ông còn sống khi bị bắt. Đoạn phim quá ngắn ghi lại cảnh một bàn tay nắm tóc ông kéo tuột từ mũi xe xuống mặt đất. Có tiếng một người khác la to, “Giữ cho hắn sống, giữ cho hắn sống!” Nối tiếp theo là các tiếng súng nổ, rồi đoạn phim bị cắt ngang. Một nhân vật giấu tên có thẩm quyền trong Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp nói với thông tấn xã Reuters “Họ bắt sống được ông ta và trong khi đang áp giải ông đi, họ đánh ông rồi họ giết ông. Có lẽ vì ông đã chống cự lại họ”. Trong khi đó, bộ máy lãnh đạo Libya hiện nay là Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp thông báo rằng Gadhafi bị thiệt mạng do cuộc chạm súng bùng nổ giữa những người ủng hộ ông và chiến binh của chính quyền sau khi ông bị bắt. Thủ tướng chính phủ nói ông Gadhafi chết vì một viên đạn trúng vào đầu, và phía chính quyền không hề ra lệnh giết ông.

Một chiến binh tên Salem Bakeer kể với ký giả: “Thoạt đầu, chúng tôi dùng súng cao xạ phòng không để bắn về phía họ, nhưng không ích lợi gì, trong khi phe kia bắn thật dữ về phía chúng tôi, nên chúng tôi quyết định chạy bộ để tiếp cận mục tiêu. Một tên trong đám của Gadhafi bước ra, vẫy vẫy khẩu súng lên trời làm hiệu muốn đầu hàng. Nhưng khi vừa trông thấy tôi, hắn lại chỉa súng về phía tôi mà bắn. Rồi tôi đoán là Gadhafi ra lệnh cho chúng ngừng bắn. Chúng la lớn, ‘Ông thầy đang ở đây, ông thầy đang ở đây. Muammar Gadhafi đang ở đây và đã bị thương’. Chúng tôi tiến vào để mang Gadhafi ra ngoài, trong khi ông ta liền miệng tía lia ‘Chuyện gì thế? Chuyện gì thế? Việc gì xảy ra vậy?’. Rồi chúng tôi mang ổng ra đặt lên một mũi xe”. Bakeer nói thêm rằng lúc bị bắt, ông Gadhafi đã bị trúng đạn vào chân và vào lưng.

Một số binh sĩ khác của tân chính quyền có mặt trong vụ bắt được Gadhafi đã riêng rẽ xác nhận câu chuyện kể của Bakeer, trong số đó có một chiến binh nói rõ người cầm vận mệnh đất nước Libya 42 năm qua đã bị bắn và các vết thương vào phút chót là do một tay súng trong đơn vị của chính ông ta. Omran Jouma Shawan nói: “Chính một cận vệ của Gadhafi đã bắn vào ngực ông ta”.

Lại có một thuyết khác nữa về biến cố nầy. Một viên chức của HĐQGCT tên Abdel Majid Mlegta nói với hảng tin Reuters rằng cuối cùng ông Gadhafi đã bị vây kín tại một doanh trại bên trong thị trấn Sirte sau nhiều tiếng đồng hồ chạm súng, rồi ông bị trúng đạn khi giao tranh. Ông Mlegta còn kể thêm rằng Gadhafi không ngớt chống trả khi chiến binh đối phương bắt giữ ông bằng những câu hỏi liên hồi “Chuyện gì thế nầy? Chuyện gì đang xảy ra? Các ngươi muốn gì?” Theo lời Mlegta, đại tá đã chết vì vết thương khi đang được chở đi bằng xe cấp cứu, vì chờ quá lâu để có xe tới, và vì máu ra nhiều từ dạ dầy.

Rồi một người khác trong HĐQGCT kể với nhà báo Reuters rằng “Gadhafi chết vì bị chiến binh khởi nghĩa đánh nhừ tử trước khi giết chết ông. Dù sao, đây cũng là tình trạng chiến tranh”.

Những lời kể có thể không thống nhất với nhau, nhưng đoạn phim ghi lại được bằng điện thoại lưu động cho thấy một ông Gadhafi mặt mày bê bết máu và bị thương, nhưng vẫn còn sống, để bị đám đông hung hăng nắm tóc kéo từ mũi xe xuống đất. Gadhafi lọt ra khỏi ống kính khi có mấy tiếng súng nổ. Một đoạn phim rời khác chiếu cảnh thân thể Gadhafi không còn sự sống được vực lên xe cứu thương ở gần Sirte.

Nhưng một trong các chiến binh tham dự vào việc bắt sống được Gadhafi đã vung vẫy khẩu súng lục bá vàng và khoe rằng anh ta lấy được từ chính ông Gadhafi. Trong 8 tháng qua, ông Gadhafi không ngớt lặp đi lặp lại chữ “chuột cống” để gọi phe khởi nghĩa, nhưng cuối cùng thì lại chính ông bị bắt ngay từ trong một ống cống đầy ắp rắc rưới và áo quần ông dính những thứ bẩn thỉu hôi hám. Đài BBC tường thuật rằng chính Mohammed al-Bibi đã lấy khẩu súng sau khi bắn chết Gadhafi. Al-Bibi tìm thấy Gadhafi trốn trong ống cống và nhà lãnh đạo chỉ thốt lên được hai chữ “đừng bắn!” trước khi chàng thanh niên nầy khai hỏa. Một chiến binh khác cho BBC thêm một chi tiết, là ông đại tá bị bắn vào ngực bằng đạn 9 ly.

Bên ngoài, miệng ống cống bị dây cáp dẫn điện cao thế đứt rơi xuống che chắn một phần, và có 3 xác nằm ngay miệng cống có vẻ là cận vệ của Gadhafi, một trong ba người ấy mặc quần ngắn chân có vết thương. Ở miệng cống phía bên kia có thêm 4 xác khác; tất cả đều da đen, một trong bốn tên đầu bị bắn vỡ não văng tung tóe, xác thứ nhì không đầu, đầu hắn nằm lăn lóc cạnh bên. Trên miệng cống, một ai đó đã dùng sơn xanh viết nguệch ngoặc hàng chữ “Đây là chỗ của Gadhafi, con chuột cống. Thượng đế thật vĩ đại”. Trong trận tập kích nầy, “tư lệnh quân đội” Jabr cũng bị bắt sống, nhưng sau đó không lâu HĐQGCT báo tin ông ta đã chết. Riêng Moussa Ibrahim, người phát ngôn cho Gadhafi bằng cái lưỡi lươn lẹo của Nguyễn Phương Nga bên Hà Nội, cũng đã bị bắt sống cùng ngày bên trong thị trấn Sirte vừa thất thủ.

Lưới trời khó tránh

Osama Swehli để râu dài và tóc dài tét thành con rết. Anh chàng là một chiến binh phe khởi nghĩa, có mặt trên phòng tuyến vây quanh Sirte. Tiếng Anh của Swehli hết sức nhuần nhuyễn, nhờ thời gian anh cư ngụ ở khu phía tây thủ đô Luân Đôn. Cho đến sau khi Sirte thất thủ hoàn toàn, nhiệm vụ của Swehli là nghe các tần số truyền tin của phe ủng hộ Gadhafi bên trong thị xã. Mười hai ngày trước, anh theo một đơn vị súng cối cắm sâu vào đài truyền hình, nằm ở bờ rìa Quận Nhì của thị xã, nơi tàn quân Gadhafi bị nhốt kín trong cái túi đề kháng bé nhỏ. Trong khi các chiến hữu bận rộn nả đạn vào khu vực của Gadhafi, Swehli giải thích “Chúng tôi nắm biết được mật danh ‘Số Một’ là Mutassim Gadhafi, ‘Số Ba’ là Mansour Dhao, chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ. Nhưng còn ‘Số Hai’, người mà chúng tôi tin là Abdullah Senussi, chỉ huy trưởng tình báo của Gadhafi, từ lâu nay không hề nghe nhắc nhỡ đến nữa, có lẽ hắn đã tẩu thoát hay đã chết. Ngoài ra, chúng tôi nghe nói nhiều lần tới chữ “thẩm quyền” để gọi một ai đó di chuyển đây đó trong thị xã. Bây giờ thì đã rõ như hai với hai là bốn rằng ai là “thẩm quyền”, nhưng trước kia thì chẳng ai dám tin, vì ai cũng nghĩ rằng nhà cựu lãnh đạo Libya hẳn phải ẩn náu đâu đó trong sa mạc Sahara, chứ không thể ngay tại Sirte, để cuối cùng phải bị đánh đòn và làm nhục, phải hạ mình van xin đối phương đừng bắn một cách hèn hạ. Đoạn video ngắn do chiến binh Ali Algadi ghi hình được bằng chiếc iPhone, cho thấy một Gadhafi mặt mày nhợt nhạt, vô hồn, bị áp giải từ miệng cống lên với máu me ứa ra từ vết thương sâu ở phần mặt bên trái, trên cánh tay trái, và từ cổ cũng như phần thân giữa. Cảnh tiếp theo chụp ông ta nằm bệt trên mặt đất, với những người cầm súng bao quanh reo hò “Thượng đế thật vĩ đại”; họ bắn chỉ thiên, và dựng ông dậy bỏ lên mũi xe, để một người nào đó trong đám quyết định về tính mạng của người cầm vận mệnh dân tộc hơn bốn thập niên, “Giữ cho hắn sống!”

Ngoài ra còn những phân cảnh khác không huy hoàng và kém thẩm mỹ về những giây phút cuối của một con người từng thét ra lửa, mửa ra khói, từng ra lệnh giết người: Gadhafi rụng xuống trên xe pick up, mặt tắm máu, rõ ràng đã bất tỉnh; Gadhafi cỡi trần không áo thân dưới lấm lem máu bị đám chiến binh vây quanh. Chỉ thiếu cảnh ông ta trút hơi thở cuối cùng và cách ông ta lìa đời, mặc dù người nầy nói ông bị bắn vào đầu, người kia nói ông bị đạn vào bao tử. Một ngày sau khi ông chết, tử thi của con hùm gần nửa thế kỷ gầm thét oai phong còn bị đối phương bỏ nằm trên một manh chiếu đặt trên nền cái phòng lạnh lớn mọi khi chứa thịt cá để phục vụ cho các tiệm ăn ở thị trấn Misrata, thay vì tại Sirte, nơi ông man khai căn cước và nhận vơ là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sự thực Gadhafi chào đời ở Bou Hadi, một khu vực thôn dã dân cư thưa thớt với ruộng vườn và các dinh thự to lớn ở bên ngoài thị trấn Sirte. Chẳng qua, Sirte chỉ là nơi Gadhafi manh tâm biến thành thủ đô thứ nhì, biến một làng chài nhỏ thành một thị trấn duyên hải nhằm xưng tụng cái tôi của mình cũng như đề cao thuyết Đệ Tam Cách mạng do ông chế ra thành Thanh Thư (sách xanh) và cưỡng buộc đưa vào giáo trình của tất cả hệ thống trường học các cấp trong nước.

Việc Sirte thất thủ đã trả lời câu hỏi của thế giới, tại sao Gadhafi chọn nơi đây làm nơi tử thủ sau cùng. Thị trấn nầy đã được xây dựng với những doanh trại có tường bê tông cốt thép lớp nầy bọc ngoài lớp kia với mục đích phòng ngự dài hơi. Với những chiến binh tiến chiếm thị trấn, không những Sirte có những chướng ngại vật bất khả chế ngự, chưa kể bức trường thành bao bọc quanh quảng trường của hội trường trung tâm Ouagadougou. Trong những tháng gần đây, từ trong những hang hốc nầy phe ủng hộ Gadhafi đã mở các cuộc phản công bằng lựu đạn và bằng súng máy từ các công sở, ngân hàng, dinh thự, trường học. Về đêm, họ càng hung tợn hơn, song song với tin đồn rằng sẽ có các đoàn xe liều lĩnh mở đường máu, vì mạng lưới bủa vây sắp kết thúc.

Trước khi tóm được nhà lãnh đạo, ngay phe khởi nghĩa cũng đã không đồng ý với nhau về chỗ nương náu của Gadhafi. Một ít người tin rằng ông có mặt ở một trong những đoàn công voa chở vợ con ông cắt biên giới phía nam xuống Niger, hay phía đông vào Algeria. Một đơn vị đặc biệt trong Lữ đoàn Shaheed của Misrata nghi ngờ rằng Gadhafi vẫn còn kẹt lại trong thủ đô do đà tiến quân thần tốc của phía khởi nghĩa, nên ròng rả hai tháng qua họ liên tục mở những cuộc đột kích bên trong nội đô với hy vọng tìm thấy ông. Và một nhóm khác nữa nghĩ rằng ông ấy đã chuồn vào một pháo đài xây ngầm dưới lòng sa mạc, được kiến trúc sẵn từ lâu để phòng khi hữu sự. Tất cả đều lầm, trước sự thực vừa do nhân vật ‘Số Ba’ tức Mansour Dhao khai sau khi bị bắt. Những thông tin trước đây loan truyền rằng Dhao đã trốn ra khỏi nước bằng một trong các đoàn công voa tiến vào Niger, nhưng sau khi ông Gadhafi và cậu con trai thứ tư Mutassim đã chết, đích thân ông Peter Bouckaert giám đốc ban khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vào bệnh viện và gặp mặt Dhao, người nhìn nhận đã cùng đi chung chuyến xe bị phục kích làm nhà lãnh đạo bị bắt và cậu con trai bị giết. Ngoài ra, ông Dhao còn đưa ra nhiều thông tin trái ngược với những gì thế giới được biết: thay vì cậu con trai tên Khamis, ông bảo chính Mutassim mới là kẻ tổ chức các nỗ lực của chế độ nhằm triệt phá phe khởi nghĩa, và không những thế, chính Mutassim mới là người nắm giữ biện pháp an toàn tính mạng của ông bố Muammar, có toàn quyền quyết định nhất cử nhất động cho đến giờ chót. “Anh ta quyết định tất cả mọi chuyện, kể cả mỗi một cuộc di chuyển từ nhà nầy sang nhà khác sau mỗi ba hay bốn ngày, trong suốt hai tháng tính từ khi mất Tripoli đến khi bị giam chân ở Sirte.

Trong mấy tuần qua, phe khởi nghĩa đã nả súng lớn vào thị trấn. Có lần một trái đạn đã tình cờ rơi vào căn nhà mà Gadhafi đã trú ấn mấy bữa trước, làm ba lính gác và bếp trưởng bị thương, nên mọi người phải chia phiên nhau để làm bếp. Tới hai tuần gần đây nhất, đại tá và mấy người con bị kẹt ngay khi thay đổi luân phiên hai căn nhà trong Quận Nhì, chung quanh có hàng trăm chiến binh đối phương trú phòng, bắn vào chỗ ở của Gadhafi bằng các loại súng lớn nhỏ. Ông Dhao kể là tình thế đã đến lúc phải quyết định hoặc là phải đi hay ở lại để chết, nên Gadhafi chọn giải pháp phá vòng vây, để trở về Wadi Jarif, nơi ông ta xuất thân. Kế hoạch ban đầu là tập trung một đoàn khoảng 40 xe, để khởi hành lúc 3 giờ sáng, nhưng sự thiếu tổ chức của những người ủng hộ đã làm giờ xuất phát bị trễ lại 5 tiếng đồng hồ. Ngồi trong một chiếc Toyota Land Cruiser với trưởng ban an ninh và Dhao, người anh em thúc bá, ông Gadhafi im lặng nhiều hơn nói suốt cuộc hành trình. Đoàn xe bị máy bay NATO và quân khởi nghĩa phát hiện 30 phút sau. Khi một trái hỏa tiễn nổ gần xe, túi hơi trên xe bị bung ra và ông Dhao bị trúng mảnh. Họ đã bỏ xe lội bộ vào một nông trại, rồi lại quay ra đường cái, và chui xuống một trong hai ống cống.

Trong những tiết lộ do Dhao đưa ra vẫn còn nhiều mâu thuẩn, khó tin. Nhưng sự thực sau đây là hiển nhiên: khoảng 8 giờ sáng thứ Năm, các mũi tiến quân của HĐQGCT đồng loạt khai hỏa, mở trận xung phong cuối cùng, quyết dứt điểm vào các cao ốc tập trung quanh một địa bàn rộng khoảng 700 mét vuông, thì phe ủng hộ Gadhafi cũng đã sẵn sàng phá vòng vây với một đoàn xe qui mô. Nếu Dhao không biết gì về chuyện đoàn xe bị không tập bởi máy bay NATO, thì các sĩ quan điều hợp viên NATO cũng không biết gì về sự hiện diện của Gadhafi trong đoàn xe 75 chiếc dự định mở đường máu thoát khỏi Sirte. Bom của phóng pháo cơ Pháp và từ máy bay không người lái Mỹ đã cắt xa đoàn thành từng khúc khi hơn một chục chiếc bị trúng đạn bốc cháy. Đoàn xe sau đó phân tán thành từng nhóm, nhóm lớn nhất khoảng 20 xe. Khi chiến binh phe khởi nghĩa áp sát mục tiêu, nhiều người trong nhóm bị đánh úp đã nhảy xuống xe chạy bộ để tẩu thoát, trong số đó có Gadhafi và các cận vệ. Lần theo dấu máu, chiến binh của HĐQGCT men theo bãi cát dẫn tới một cặp lỗ cống, và Gadhafi đang trốn trong một cống rãnh đó. Câu chuyện tới đây bắt đầu khác nhau, tùy theo người thuật chuyện. Một số kể rằng ông ta van xin đừng bắn, một nhóm khác kể rằng ông ta hỏi một chiến binh, “Tôi đã làm gì các anh?”

Tới đây, câu chuyện càng rối hơn. Theo lời một chiến binh có mặt trong đoạn phim do Ali Algadi ghi hình, ông Gadhafi bị bắn vào dạ dày bằng đạn 9 ly, như lời cựu chiến binh Adel Samir nói với báo Telegraph. Imad Moustaf, một cựu chiến binh khởi nghĩa khác, kể với tờ Global Post rằng Gadhafi bị bắn vào đầu và vào tim. Còn những bài tường thuật khác đăng tải rằng ông ta bị đạn vào cả hai chân. Trong khi đó theo lời các bác sĩ không hiện diện tại nơi ông ta bị bắt, và theo lời nhân viên xe cứu thương, nhà cựu lãnh tụ bị bắn vào đầu. Ở chỗ riêng tư, các viên chức cao cấp HĐQGCT kín đáo nói Gadhafi bị giết sau khi bị bắt sống, còn trên mặt công khai, họ bảo rằng ông ta bị thiệt mạng trong cuộc chạm súng sau khi bị bắt. Nếu những mối ngờ vực do Tổ chức Ân xá Quốc tế và các giới chức Liên Hiệp Quốc Đặc trách Nhân quyền nêu ra, rằng ông ta bị hành quyết trái với luật về tù binh chiến tranh sau khi đã bị bắt, thì cái chết của cậu con Mutassim cũng không kém phần rối rắm: một đoạn phim ngắn cho thấy anh ta bị thương nhưng vẫn phì phèo hút thuốc lá và uống nước từ trong chai trước khi được HĐQGCT thông báo là đã chết vì chống cự lại những người có phận sự bắt giữ.

Addul-Salam Eleiwa, chỉ huy trưởng cánh quân đã đem xác Gahdafi về Misrata, cho hay thi thể ông sẽ được rửa ráy và làm các thủ tục theo nghi thức Hồi giáo, rồi sẽ được chôn cất ở một nghĩa trang của tín đồ đạo Hồi trong vòng 24 giờ. Nhưng cách chết của Gadhafi đã tự biến việc ma chay của ông thành một luật trừ. 48 giờ sau trận phục kích ở Sirte, xác Gadhafi vẫn nằm chờ khám nghiệm tử thi, và thân nhân ông đòi nhận xác để mai táng, trong khi bên trước siêu thị, hàng người nối đuôi nhau chờ đến lượt vào ngắm thi thể nhà lãnh tụ vẫn chưa dứt. Bà Aisha vợ ông đang lưu lạc ở nước láng giềng Algeria đang đòi Liên hiệp Quốc làm sáng tỏ về cái chết của ông chồng từng ra lệnh xử tử và bắn giết vô số người trong nước suốt thời gian cầm quyền. Một người chờ xem trong hàng tên Abdullah al-Suweisi, 30 tuổi, nói với nhà báo: “Đã 40 năm không đèn trời soi công lý. Mặc dù trong lòng chất chứa hận thù, chúng tôi vẫn muốn thấy mặt con chó dại”. Một ký giả AP theo chân đoàn người vào xem xác, đã mô tả ông Gadhafi bị lột áo xuống quá vai và mặc quần vàng màu cát, nằm trên tấm chiếu bê bết máu, được đặt ngay trên sàn một tủ lạnh lớn bằng căn phòng mọi khi chứa thức ăn dễ bị thối rửa. Một lỗ đạn thấy rõ ở thái dương bên trái, và viên đạn không trổ ra, vẫn còn nằm kẹt trong não, theo lời của bác sĩ trông coi tại chỗ. Ngoài ra, còn dấu đạn khác ở chính giữa ngực và vào vùng dạ dầy. Mái tóc quăn của người chết xù xì, đầu và mặt mang nhiều vết cào xước dài đã khô máu. Thay vì được chôn cất ngay hôm thứ Sáu, chính quyền lâm thời đã đình lại, để chờ xác minh nguyên nhân cái chết. Bộ trưởng Thông tin Mahmoud Shammam nói là nhà chức trách đang tranh luận về địa điểm thuận tiện nhất để mai táng, vì họ không muốn nơi chôn ông sẽ biến thành chỗ để những người ủng hộ ông lũ lượt hành hương và xem ông như vị thánh tử đạo. Có lẽ người ta sẽ dựa vào tiền lệ đã áp dụng cho Saddam Hussein sau khi ông bị treo cổ ở Iraq.

Chết, vẫn chưa hết chuyện

Lìa trần, Muammar Gadhafi để lại giải thưởng 2 triệu đồng dinar (1.7 triệu đô) mà người cầm đầu phe khởi nghĩa ông Mustafa Abdel Jalil hứa hôm 24/08/2011 sẽ trao cho ai có công bắt được hay giết chết Gadhafi.

Nhưng phức tạp hơn, vẫn là số tiền lạc chợ trôi sông mà Gadhafi không thể mang theo về thế giới bên kia — số tiền khó thống kê sau 42 năm cầm quyền một quốc gia dầu lửa với dân số chỉ có 6.6 triệu người trong khi nguồn lợi dầu lửa hàng năm tới 45 tỷ đô la. Dưới bàn tay hà khắc độc đoán của Gadhafi, phần lớn dân Lybia không sờ mó hay ngữi thấy được sự giàu có của quê hương, với tỷ lệ thất nghiệp 30% còn lợi lộc chỉ vào túi một tầng lớp thượng lưu bé nhỏ.

Gia đình Gadhafi nổi tiếng về cách ăn chơi hào phóng, vung tiền qua cửa sổ. Nữ ca sĩ Nelly Furtado tiết lộ rằng có lần cô được trả 1 triệu đô Mỹ cho buổi trình diễn 45 phút dành riêng cho gia đình ông Gadhafi tại Ý.

Tháng 05/2011 vừa qua, Thụy Sĩ cho hay họ khám phá ra một món tiền trị giá 360 triệu quan Pháp có khả năng là tiền bất hợp pháp có liên quan tới ông Gadhafi và vòng nội thân tại quốc gia miền núi nầy. Trong khi đó, báo Anh tường thuật rằng con trai ông Gadhafi tên Saif al-Islam là chủ nhân ngôi biệt thự ở Luân Đôn trị giá 19 triệu gồm 9 phòng ngủ, một phòng xem phim, và một hồ bơi.

Là lãnh tụ của quốc gia xuất cảng dầu hỏa đứng hàng thứ 12 trên thế giới, ngân sách chiến tranh của Muammar Gadhafi khi còn sống có thể thừa để tổ chức binh đội chống trả phe khởi nghĩa, nhưng nay HĐQGCT thu hồi về được bao nhiêu sau cái chết của Gadhafi thì chúng ta phải chờ xem. Trong các tài khoản ngân hàng, Gadhafi và vợ con có khoảng 33 tỉ Mỹ kim, cộng với 60 tỉ tài sản nổi trôi khắp thế giới trước khi ông lìa đời. Giáo sư Mansour El-Kikhia phụ trách phân khoa khoa học chính trị của Viện đại học tiểu bang Texas tại San Antonio nhận định rằng ông Gadhafi và đám con của ông thừa khôn khéo để đục khoét tài sản quốc gia Libya mà không để lại dấu vết. Ông nói một vài đứa có những du thuyền riêng, máy bay tư hay tài sản bao la ở các thành phố tầm quốc tế như Geneva, Vienna và Luân Đôn, và bộ máy tham nhũng khổng lồ của chính quyền Libya ngự trị trên cả hai mạng lưới chính trị và kinh tài của đất nước. Do đó, HĐQGCT sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để truy tìm và mang về cho quốc gia những gì bố con nhà Gadhafi đã tẩu tán. Một trong những khó khăn ấy là từ cách phiên âm tên họ của ông đại tá sang Anh ngữ vì có trên một trăm cách khác nhau để đánh vần chữ “Gadhafi”. Giáo sư El-Kikhia còn nói thêm nhiều ngân hàng khác nhau trên thế giới đã tìm được ít ra tổng cộng 160 tỉ Mỹ kim trong các tài khoản quốc tế mà thân chủ có gốc Libya. Chính phủ Obama hồi tháng 02/2011 đã phong tỏa 30 tỉ đứng tên hoặc chính phủ Libya, hoặc Ngân hàng Trung ương Libya, hoặc Quỹ Đầu tư Libya. Các nước Canada, Áo, Anh và nhiều quốc gia khác cũng đồng thời phong tỏa tài sản của chế độ Gadhafi. Chính phủ Đức phong tỏa khoảng 4.5 tỉ hồi tháng Ba, và qua tháng Tám đã tháo khoán 144 triệu, giao cho Cơ quan Y tế LHQ dùng để mua thuốc men gởi vào cứu chữa nhân dân Libya. Ngoài ra, còn khoảng 60 tỉ nữa chưa tìm thấy đầu mối đang nằm rải rác ở các nước Angola, Nam Phi, Uganda cũng như tại châu Á và châu Mỹ Latinh.

Để tống khứ được ông đại tá lập dị ra khỏi thế gian, máy bay NATO đã phải thực hiện 26 ngàn phi xuất, với 9.600 vụ không tập, phá hủy hệ thống phòng không của Libya và diệt 1.000 xe tăng, xe quân sự và súng ống. Chi phí của phía Hoa Kỳ cho cuộc chinh chiến tại Libya tính đến ngày 30/09/2011 là 1.1 tỉ Mỹ kim trong đó có chi phí các cuộc hành quân, đạn dược, hỗ trợ nhân và vật lực cho Bộ Quốc phòng. Ngài đại tá về bên kia thế giới với hai bàn tay trắng. Ông không mang theo xuống mồ guồng máy quân sự, nhưng quân lực Libya mà ông để lại trong tình trạng vá víu khập khiểng chẳng kém gì thứ tình đoàn kết giữa những phe phái bộ tộc kình chống nhau. Nhờ bom đạn Đồng Minh, Gadhafi để lại cho chế độ kế tiếp không được mấy chiếc xe tăng, và một quân lực nay phải hành quân bằng xe dân sự.

Tháng 3/2008, tại diễn đàn của hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Ả rập ở Damacus, Muammar Gadhafi ngừng bài diễn văn giữa chừng để nói về khả năng Saddam Hussein bị hành quyết, nếu bị bắt. “Một cường quốc nước ngoài xâm chiếm một nước Ả rập và treo cổ nhà lãnh đạo đất nước ấy trong khi chúng ta khoanh tay không can thiệp và còn cười nhạo,” Gadhafi giận dữ tiếp lời, “Sẽ đến lượt quý vị sớm!” Cử tọa phá ra cười. Máy quay phim quét từ trái sang phải phòng hội nghị, và người xem trông thấy vị đăng cai hội nghị là tổng thống Syria ông Bashar al-Assad tặc lưỡi. Ông Gadhafi tiếp: “Ngay cả quý vị nữa, những đồng minh của Hoa Kỳ. Không, tôi nói là chúng ta — chúng ta đây, những đồng minh của Mỹ. Một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu thuận để treo đầu chúng ta”. Bấy giờ không còn ai cười nữa cả. Lời nói ấy mười ba năm sau đã ứng nghiệm cho chính người nói. Chắc chắn ông tổng thống Bashar al-Assad của Syria còn nhớ. Chắc chắn các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vốn thông thuộc lịch sử vẫn chưa quên. Dân Việt Nam ở quê nhà đang đau cái đau của dân Libya 42 năm qua, dưới sự hà khắc và tham ô của đám sâu mọt cầm vận mệnh dân tộc.

Chuyện ông đại tá Muammar Gadhafi bị giết chết hôm 20/10/2011 bất quá chỉ là chuyện xe cán chó chó cán xe tương tự như khi nghe tin Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng đền tội ác. Điều mà nhân loại chia mừng với đất nước Libya, là trái đất của chúng ta vừa được xóa sổ bớt đi một nước xã hội chủ nghĩa bẩn thỉu nữa.

NgyThanh
Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Mười 20179:07 SA
Khách
Tao thấy bày đăng của mày đúng là nhục mạ thiẽn đường sã hội chủ ngĩa gađaphi qua là gê tởm ,bây dờ dân libya a có "dận chủ" rồi toàn được liếm cát với ằn kẹo đồng liên hoàn đấy chớ đúng dân libya bây rờ sướng như tiên ăn mày rồi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn