BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76386)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32024)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu hỏi quanh vụ bà Hoàng Yến kiện cựu Thủ tướng Dũng

13 Tháng Chín 20196:38 SA(Xem: 3205)
Câu hỏi quanh vụ bà Hoàng Yến kiện cựu Thủ tướng Dũng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32

Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến vừa công bố việc kiện đích danh cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa Trọng tài, đòi bồi thường 2,5 tỷ đôla.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, trong giấy tờ khởi kiện là Tiến sĩ Maya Dangelas, hiện sống tại Hoa Kỳ thuê bốn công ty luật đại diện để kiện ông Nguyễn Tấn Dũng với cáo buộc, theo Nguyên đơn, là "hồi còn giữ chức thủ tướng, ông đã hủy bỏ bất hợp pháp thỏa thuận xây dựng, sở hữu và vận hành Dự án Nhiệt điện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), Việt Nam".
Đặng Thị Hoàng Yến kiện đích danh cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Vì sao khởi kiện?

Giải thích lý do vụ kiện, Luật sư Tony Buzbee, thuộc The Buzbee Law Firm, ở Houston, Texas nói với BBC hôm 9/9:

"Tiến sĩ Dangelas và các công ty của bà đã đầu tư hơn 250 triệu đôla vào việc phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương, và bà đã phải chịu những thiệt hại đáng kể, không chỉ tiền đầu tư và chi phí pháp lý, mà còn mất số lợi nhuận khổng lồ.''

Cũng hôm 9/9, Luật sư Charles Camp, ở Washington DC, cố vấn chính cho Nguyên đơn trong vụ việc này nói với BBC rằng "việc kiện cựu thủ tướng của một quốc gia không đòi hỏi thủ tục hay tiến trình gì đặc biệt nhưng được xúc tiến với sự đồng ý của chính phủ Việt Nam".

Trang đầu của Thông báo Vụ kiện của Nguyên đơn Đặng Thị Hoàng Yến và Bị đơn Nguyễn Tấn Dũng do văn phòng luật sư Charles
Trang đầu của Thông báo Vụ kiện của Nguyên đơn Đặng Thị Hoàng Yến và Bị đơn Nguyễn Tấn Dũng do văn phòng luật sư Charles Camp gửi cho BBC Tiếng Việt


Trong Thông báo Vụ kiện, Nguyên đơn viện dẫn bốn thỏa thuận chính làm căn bản pháp lý, gồm:

Thỏa thuận phân xử trong Chương IV của Hiệp định giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về quan hệ thương mại.

Luật Đầu tư Việt Nam năm 2005 (Luật số 59-2005-QH11).

Luật Đầu tư năm 2014 (Luật số 67-2014-QH13), và quan trọng hơn,

Nghị định của Việt Nam về hình thức đầu tư giữa đối tác công và tư, số 15/2015/ NDCP (Nghị định PPP) được ban hành và ký bởi chính Thủ tướng Dũng lúc tại chức.

Vẫn theo Thông báo Vụ kiện (Claimants's Notice of Arbitration) do bốn công ty luật đại diện cho bà Đặng Thị Hoàng Yến có trụ sở tại Washington DC, Houston - Texas và Paris, ký hôm 4/9, rồi công bố với báo chí Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm thủ tướng, vào năm 2007, ký thỏa thuận đồng ý lập dự án đầu tư cho một khu công nghiệp, nhà máy điện đô thị và cảng sâu ở quận Kiên Lương với Công ty Đầu tư Tân Tạo, một công ty chị em với công ty Năng lượng Tân Tạo.

Năm 2016, chín năm sau khi thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Tấn Dũng ủy quyền cho hủy bỏ dự án, vi phạm trực tiếp nhiều ủy quyền và thỏa thuận đầu tư của, và giữa công ty Năng lượng Tân Tạo, phía nguyên đơn nói.

Tại sao chỉ kiện cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng?

Câu hỏi được đặt ra là vai trò của chính phủ Việt Nam đến đâu trong vụ việc này nhất là khi các quyết định ở hệ thống chính trị nước này thường mang tính tập thể.

Thỏa thuận bị hủy bỏ, hơn nữa, là 'thỏa thuận ký giữa Công ty Năng lượng Tân Tạo và Chính phủ Việt Nam, được ông Dũng thể hiện, phát sinh từ thu hồi vốn đầu tư của Nguyên đơn vào dự án tại Việt Nam, theo Thông báo Vụ kiện.

Trả lời câu hỏi tại sao Nguyên đơn chỉ kiện cá nhân ông Dũng chứ không kiện Chính phủ Việt Nam, luật sư Tony Buzbee giải thích:

''Các Nguyên đơn nhắm vào cựu Thủ tướng Dũng, vừa trong vai trò là hiện thân của Nhà nước Việt Nam, vừa với tư cách của bản thân ông. Ông cựu Thủ tướng có thể chọn cách bảo vệ cá nhân mình trước tòa Trọng tài, hay tìm cách nấp sau Nhà nước mà thời ấy ông là hiện thân của, tức Việt Nam.''

Khi được hỏi có phải vì chỉ khi làm như vậy, nghĩa là nộp đơn kiện một mình ông Dũng, thì các luật sự đại diện pháp lý cho nguyên đơn mới nhận được sự hỗ trợ của chính phủ hiện tại của Việt Nam, Luật sư Tony Buzbee trả lời:

''Các nguyên đơn được sự hỗ trợ của Chính phủ hiện tại của Việt Nam để đưa cựu Thủ tướng Dũng ra Tòa Trọng tài với tư cách cá nhân, cũng như, và với tư cách một Cơ quan (Organ) của Nhà nước Việt Nam.''

''Như bị tố cáo trong Thông báo Vụ kiện, ông Dũng đã gây ra những tổn thương tài chánh nghiêm trọng không chỉ cho Nguyên đơn, mà còn cho Nhà nước Việt Nam và tất cả người dân Việt Nam đang rất cần nguồn điện bổ sung tại đất nước này.''

''Về mặt pháp lý, Nguyên đơn không cần sự hỗ trợ của Chính phủ hiện tại của Việt Nam để kiện ông Dũng ra Tòa Trọng tài, vì các hành động khiếu nại nêu trong ''Thông báo Vụ kiện'' cho thấy nhiều hành vi vi phạm Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt và các luật bảo vệ đầu tư được nêu trong thông báo này. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ hiện tại của Việt Nam sẽ luôn là điều cực kỳ quan trọng đối với Nguyên đơn.''

Trang 4 của Thông báo Vụ kiện của Nguyên đơn Đặng Thị Hoàng Yến và Bị đơn Nguyễn Tấn Dũng
Trang 4 của Thông báo Vụ kiện của Nguyên đơn Đặng Thị Hoàng Yến và Bị đơn Nguyễn Tấn Dũng


Tuy Luật sư Tony Buzbee giải thích như thế với BBC, nhưng một đoạn trong Thông báo Vụ kiện viết:

''Bằng cách đưa ông Dũng ra trước Tòa Trọng tài, Chính phủ Việt Nam nhất thiết phải là một bên của vụ kiện này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Nguyên đơn không tìm cách thu hồi thiệt hại từ Chính phủ Việt Nam, mà với sự hợp tác của Chính phủ, chỉ đòi bồi thường từ ông Dũng vì những hành động sai trái của ông khi còn làm Thủ tướng Việt Nam.

''Những thiệt hại mà Nguyên đơn phải gánh chịu trực tiếp từ hành động của ông Dũng, cả như một quan chức, và như một cá nhân, bao gồm cả vai trò đại diện cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như các vi phạm của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự chỉ đạo, giám sát và kiểm soát Dự án của ông Dũng, và ông phải chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo vệ đầu tư được cấp cho Nguyên đơn.''

Kéo dài bao lâu và khả thi tới đâu?

Chưa ai biết vụ kiện dự trù kéo dài 18 tháng này sẽ ngã ngũ ra sao.

Về mức khả thi của hồ sơ, Luật sư Charles Camp nói:

''Để thắng kiện, chúng tôi phải chứng minh rằng Bị Đơn chỉ vi phạm một trong nhiều luật bảo vệ đầu tư hoặc Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt được nêu trong Thông báo Vụ kiện - Bị đơn vi phạm tất cả những điều này.''

Hôm 10/09/2019, Ban biên tập BBC đã gửi điện thư tới Vụ Báo chí, Bộ Ngoại Giao Việt Nam xin phản hồi từ cơ quan này và từ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Cho đến thời điểm này, 13/9/2019, chúng tôi chưa nhận được phản hồi gì.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương nay ra sao?

Căn cứ vào các nguồn tin chính thống ở Việt Nam, dự án nhiệt điện Kiên Lương bị chính quyền "thu hồi" còn bên đầu tư nói họ nhận được giấy phép đầu tư nhưng sau chính quyền lại loại dự án khỏi quy hoạch điện quốc gia.

Đầu tháng 10/2018, tờ Dân Trí có bài "Nhùng nhằng dự án nhiệt điện tỷ USD Kiên Lương - tỉnh vẫn quyết thu hồi", trong đó có đoạn viết:

"Cho rằng việc chậm trễ trong triển khai, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thuế… là nguyên nhân khiến nhiệt điện Kiên Lương bị loại khỏi quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vẫn bảo lưu quan điểm cần thu hồi dự án."

Vẫn nguồn tin trên cho hay tỉnh Kiên Giang dẫn ra quyết định của cấp trung ương là chính phủ Việt Nam hồi tháng 8 cùng năm:

"Theo tỉnh Kiên Giang thì tại cuộc họp về vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Cảng nước sâu Nam Du, hồi cuối tháng 8/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau: Do tiến độ triển khai chậm, đồng thời với chủ trương phát triển các nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp tại Kiên Giang sử dụng khí Lô B dãn đến việc Dự án Nhà máy Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2 không có trong danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn đến năm 2030 trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt."

Trang VNEconomy (18/11/2018) thì đăng tin:

"Tập đoàn Tân Tạo cho biết, để phát triển dự án này, họ đã đầu tư 270 triệu USD và hiện nay vẫn phải trả lãi cho khoản đầu tư này. Do đó, Tập đoàn Tân Tạo đó là cần bổ sung dự án Kiên Lương 1 vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm đầu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia."

"Phản hồi kiến nghị của Tân Tạo, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không đưa Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch 7) điều chỉnh và thu hồi chủ trương đầu tư Cảng nước sâu Nam Du của công ty."

UNCITRAL là gì?

UNCITRAL, viết tắt của United Nations Commission on International Trade Law là Ủy Ban luật Thương mại Quốc tế do Liên Hiệp Quốc quản lý. Trụ sở chính nằm tại Vienna - Áo và có các chi nhánh khác ở Âu châu.

Trong các vấn đề liên quan tới thương mại quốc tế, UNCITRAL sẽ đưa ra các công việc diễn ra tại nhiều kỳ họp luân phiên ở Vienna hoặc New York - Mỹ. Trong trường hợp này nguyên đơn yêu cầu được đơn kiện được giải quyết ở Paris, Pháp.

Doanh nhân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình vào tháng Tư năm nay cũng được Tòa Trọng tài thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL phán quyết thắng kiện chính phủ Việt Nam trong một vụ kiện xuyên thế kỷ. Hồ sơ của ông Bình cũng được Tòa Trọng tài Quốc tế tại Paris giải quyết.

Tina Hà Giang
Nguồn : BBC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn