Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố bản phúc trình mới nhất về các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung.
Bản phúc trình dài 65 trang được HRW công bố hôm 19/6 "là một nỗ lực bổ sung vào phần còn thiếu", bằng cách tường trình 36 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, khi các nhà hoạt động nhân quyền bị "côn đồ" đánh đập ở Việt Nam.
Theo tài liệu này, nhìn từ vụ tấn công Luật sư Nguyễn Văn Đài và bạn bè ông có thể thấy một xu hướng đáng lo ngại ở Việt Nam: các nhóm hành hung các nhà hoạt động, dường như nhận được "sự chỉ đạo hoặc cho phép của những người có thẩm quyền."
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW, cho biết: "Tình trạng các nhà hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bỏ tù vì phát ngôn ý kiến của mình đã đủ tồi tệ rồi, giờ đây họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn hàng ngày, chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình".
"Chính phủ Việt Nam cần tuyên bố rõ rằng kiểu hành xử đó sẽ không được dung thứ, và chấm dứt chiến dịch đối phó với những người vận động cho nhân quyền theo cách thức này."
"Hiện tượng côn đồ bắt cóc các nhà hoạt động giữa ban ngày, dùng vũ lực cưỡng ép họ lên xe rồi đánh đập cho thấy có sự miễn trừ trách nhiệm trong việc đàn áp các nhà hoạt động."
"Chính quyền Việt Nam cần phải hiểu rằng việc dung thứ các hành vi bạo lực như thế sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn chứ không phải trật tự và ổn định xã hội như họ tuyên bố đang cố gắng hướng tới."
Bản phúc trình của tổ chức nêu trên viết: "Tần suất và hậu quả của loại tấn công được ghi nhận trong phúc trình này, thực chất là một hình thức đàn áp ngoài hệ thống pháp luật, nhận được quá ít sự chú ý."
Tất cả các vụ hành hung được ghi nhận diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 4/ 2017, từ vụ của nạn nhân Huỳnh Công Thuận đến vụ gần đây là Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc.
"Một số vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Nhiều vụ đánh đập xảy ra cùng thời điểm, và dường như để trợ giúp chính quyền áp dụng các biện pháp đàn áp nhằm vào các nhà hoạt động bị để ý," tài liệu viết.
"Trong hầu hết các vụ việc, các nhà hoạt động bị "côn đồ" để mắt tới cũng phải chịu các biện pháp đàn áp chính thức của chính quyền, kể cả bị bắt giữ."
'Ngày càng kết nối'
Theo HRW, dù mối liên hệ chính xác giữa những kẻ côn đồ và chính quyền thường không thể minh xác được, "nhưng trong một nhà nước công an trị sát sao như Việt Nam, gần như không có gì phải nghi ngờ về việc những kẻ này có quan hệ với, và hành động theo sự chỉ đạo của mật vụ nhà nước."
Bản phúc trình ghi nhận: "Thông tin về những thể loại tấn công này không thể đầy đủ do bị hạn chế về tiếp cận tin tức và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam."
HRW ghi nhận trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà vận động nhân quyền bị kết án và ít nhất 20 vụ hành hung xảy ra với hơn 50 nạn nhân.
"Trong rất nhiều vụ tấn công, những kẻ thủ ác thường đeo khẩu trang. Có một số vụ, như đã nêu ở trên, các nhà hoạt động cho biết rằng công an mặc sắc phục có mặt tại đó nhưng không làm gì để ngăn chặn việc hành hung," phúc trình viết.
"Trong hầu hết các vụ, không có ai bị truy cứu trách nhiệm vì hành vi hành hung. Rất nhiều nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung, nhưng việc điều tra hầu như chưa bao giờ được tiến hành."
HRW được biết chỉ có một vụ duy nhất những kẻ thủ ác và cán bộ công an được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hành hung bị điều tra.
Tổ chức này ghi nhận, "bất chấp những rủi ro lớn về an toàn và tự do cá nhân, cộng đồng blogger và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lớn mạnh ở Việt Nam."
Được sự trợ giúp của Internet, nhất là các mạng xã hội như Facebook và Youtube, những nhà vận động nhân quyền "ngày càng kết nối và hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn trong cuộc đấu tranh vì các quyền tự do chính trị và các quyền cơ bản của con người".
"Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền".
Tháng 5/2017, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ 'phản động' Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội 'Chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết: "Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi..."
Hà Nội thường bác cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và nói rằng các nhà hoạt động bị bắt "vì vi phạm pháp luật".
Tháng 3/2017, một trong các nhà hoạt động, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017, sự kiện ngay lập tức bị phía Việt Nam phản đối và coi là "hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước".
19-06-2017
Nguồn BBC