BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73218)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giải mật hồ sơ CIA: Mọi can dự của Mỹ ở Việt Nam đều có ‘yếu tố’ Trung Quốc

30 Tháng Tám 20167:02 SA(Xem: 1930)
Giải mật hồ sơ CIA: Mọi can dự của Mỹ ở Việt Nam đều có ‘yếu tố’ Trung Quốc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Mặc dù không bao giờ được thừa nhận, mọi chính sách của Mỹ ở Việt Nam thực tế đều xuất phát từ vấn đề Trung Quốc.

Trong quá khứ, sự lo ngại về khả năng của Pháp là khởi đầu cho tiến trình Mỹ can dự trực tiếp. Quân lực Mỹ tham gia chiến tranh để rồi dứt khoát rời bỏ Việt Nam cũng đều có yếu tố Trung Quốc.

Qua những hồ sơ từ nửa thế kỷ trước vừa được giải mật, chúng ta có thể nhận thấy Trung Quốc chiếm một vai trò quan trọng trong những báo cáo và phúc trình đánh giá của văn phòng CIA tại Việt Nam.

Phúc trình đề ngày 7 tháng 5 năm 1950 đánh giá triển vọng hành động ở Việt Nam của Cộng Sản Trung Quốc khi ấy vừa mới chiếm toàn thể lục địa. Bản phúc trình lượng giá là trong tình trạng hiện hữu nếu xảy ra một cuộc xâm lăng của Trung Quốc, lực lượng phòng thủ Pháp tại Đông Dương chắc chắn sẽ nhanh chóng để mất toàn thể Việt Nam trừ Nam Bộ. Do đó viện trợ Mỹ chỉ thuần túy về vật chất không thể thay đổi tình thế.

Phúc trình cũng nhận định là “mặc dầu dân Việt không ưa Trung Quốc, nhưng không thể có phản ứng tức thời và sẽ phải cam chịu số phận bất kể vấn đề ý thức hệ.”

CIA soạn thảo phúc trình này theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao, với sự đóng góp của các cơ quan tình báo Bộ Ngoại Giao, Lục Quân, Hải Quân, Không Quân Mỹ, tuy nhiên cũng dự đoán là một cuộc xâm lăng như thế chưa xảy ra trong tương lai gần. Lực lượng quân sự của Hồ Chí Minh, với 92,500 bộ đội và 130,000 quân không chính quy, có đủ khả năng đánh bại quân Pháp nếu Trung Cộng trợ giúp đầy đủ vũ khí. Hơn 150,000 quân Pháp thiếu trang bị thích hợp và kém tinh thần chủ động sẽ không kháng cự nổi.

Một báo cáo khác của CIA đề ngày 12 tháng 10 năm 1950 nhận định tình thế nghiêm trọng vì ý đồ của Liên Xô-Trung Quốc trong toàn vùng Viễn Đông, bao gồm chiến tranh Triều Tiên – lúc đó Trung Cộng chưa đem quân vượt biên giới Mãn Châu vào Bắc Hàn, chiến tranh Đông Dương, sự đe dọa Đài Loan, loạn quân Cộng Sản ở Philippines, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện.

Mỹ đã gia tăng viện trợ quân sự cho quân đội Pháp trong giai đoạn các chiến dịch Nà Sản, Điện Biên Phủ cuối năm 1953, và khả năng đem quân Mỹ vào để giúp đánh bại quân Cộng Sản của Việt Minh là điều mà Trung Cộng phải tính toán. Theo đánh giá của CIA, Trung Cộng sẽ không trực tiếp can thiệp và đồi đầu ngay với quân Mỹ nếu xảy ra tình huống ấy.

dienbienphu
Một dấu tích còn lại của trận Điện Biên Phủ. (Hình: Getty Images)


Một báo cáo của CIA cuối tháng 3, mười ngày sau khi Việt Minh mở trận tấn công Điện Biên Phủ, có nhiều đánh giá sai về tình hình quân sự. CIA tin là quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể cầm cự mặc dầu quân Việt Minh tấn công rất mạnh và có thêm những vũ khí do Trung Quốc cung cấp gồm trọng pháo 105 ly và cao xạ phòng không vì Pháp đã chuẩn bị trận đánh từ 4 tháng trước. CIA cũng cho là sau những trận đánh đầu tiên, thành công nhưng chịu tổn thất nặng, Việt Minh sẽ chưa tổng tấn công và bằng lòng với việc vây hãm lực lượng Pháp bất động ở Điện Biên Phủ trong khi chuyển hướng tấn công tới các mục tiêu trong miền đồng bằng.

Sau đó, CIA cũng cho là nếu thất trận ở Điện Biên Phủ, Pháp vẫn còn khả năng chiến đấu và không dự đoán được là Pháp sẽ bỏ rơi Đông Dương bằng việc ký Hiệp Định Paris. Có thể là những lượng giá như thế góp phần vào quyết định của Mỹ không thực hiện chiến dịch không quân Vulture oanh tạc Điện Biên Phủ, ngoài những lý do chính trị ngoại giao khác.

Sau Geneve, CIA cho là Pháp và chế độ Bảo Đại sẽ không thể nào xây dựng chính quyền đủ mạnh để đứng vững ở miền Nam và nếu có cuộc tổng tuyển cử tổ chức năm 1956 như dự tính, Cộng Sản Bắc Việt sẽ chiếm toàn thể Việt Nam. Thời kỳ những năm tiếp theo do đó là sự leo thang can dự của Mỹ vào Việt Nam từ trợ lực hình thành chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến viện trợ quân sự và cuối cùng là trực tiếp đem quân đội Mỹ tham chiến.

Suốt cuộc chiến Việt Nam, bên cạnh mỗi quyết định của chính phủ Mỹ, luôn luôn người ta đều thấy có những báo cáo, lượng giá, dự đoán về phản ứng và chủ trương của phía Trung Quốc. Nói cách khác, hai đối tượng chính là Bắc Việt và Trung Quốc không phải luôn luôn được Mỹ coi như là một thể thống nhất trong đường hướng đối phó.

Các báo cáo của CIA nhìn nhận là rất ít thông tin tình báo về Bắc Việt kể cả chính trị, kinh tế, quân sự nhưng dự đoán giới lãnh đạo tin tưởng vững chắc triển vọng chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên sự rạn nứt Liên Xô-Trung Cộng ngày càng sâu sắc là một khó khăn trở lực không dự kiến được.

Theo cái nhìn của CIA, mặc dầu tình hình và những diễn tiến trong thực tế đưa Bắc Việt dần dần đến gần Trung Cộng, nhưng tâm lý lại thúc đẩy các nhà lãnh đạo muốn duy trì quan hệ bền vững với Liên Xô hơn chừng nào hoàn cảnh cho phép.

Tổng Bí Thư Trường Chinh thân Trung Cộng thất thế bị buộc phải từ nhiệm năm 1956. Tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng, là người vẫn bất bình chống việc Trung Cộng can dự vào quân đội. Tân Tổng Bí Thư Lê Duẩn khôn khéo không để lộ quan điểm thân Liên Xô hay Trung Quốc và Hồ Chí Minh giữ được vai trò lãnh đạo tối cao bằng sự dung hòa những khác biệt trong đảng.

Vai trò chủ đạo của CIA trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cùng quan điểm của cơ quan tình báo này có ảnh hưởng đến các quyết định ở Washington như thế nào sẽ được đề cập trong những bài sau.

Hà Tường Cát
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn