Kỳ 2.
Ai bắn Chu Tử?
Hầu như mọi người đều tin Việt Cộng nằm ở phía sau vụ ám sát Chu Tử, cũng như trong trường hợp của Từ Chung, người mà trước khi bị hạ sát đã từng công khai lên tiếng báo động về việc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã nhiều lần đe dọa ông. Ông Chu Tử lại nghĩ khác, và còn có vẻ quyết đoán, rằng thì là người bắn ông không thể là Việt Cộng.
Ngay sau khi hồi phục, ông Chu Tử đã viết một bài dài đăng thành nhiều kỳ trên báo Sống, sau được ban biên tập Sống gom lại in chung với những bản tin tức, bài viết, thông cáo, tuyên ngôn xung quanh vụ Chu Tử bị bắn trong tập sách tựa là Chu Tử Không Hận Thù.(***) Theo ông Chu Tử thì người bắn ông không thể là Việt Cộng được, vì tên này hành sự “tay non” không có tính nhà nghề và “nghệ thuật” cao như Cộng sản. “Trong vụ ám sát tôi, tôi nhận thấy kẻ sát nhân của tôi không những là một tay ‘non’, khờ khạo, chưa có kinh nghiệm gì, tôi còn nhận diện rõ sát nhân của tôi là một ‘anh em quốc gia (!)’. Ở điểm hắn còn lúng túng, vương vấn đôi chút lương tâm, nên đi ngang mặt tôi mà không dám bắn, chỉ đủ can đảm bắn vào sau xe, vào lưng, vào cổ, gáy tôi, chứ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi để bắn.” (Chu Tử Không Hận Thù, tr. 69)
Vậy người bắn ông là ai, ông không nhất quyết. Nhưng ông nói, rất…Chu Tử và hào sảng, là ông sẵn sàng tha thứ, mong có dịp gặp người đã bắn ông để… cám ơn, “không phải một lần mà tới ba lần, vì kẻ sát nhân đã giúp tôi ba điều vô giá, dù có núi tiền núi bạc, cũng không mua nổi!”
Điều thứ nhất là ông cám ơn kẻ sát nhân đã cho ông ăn bốn viên đạn mà ông vẫn sống để có dịp biết rằng mọi người, kể cả những nhân vật đã từng bị ông lùa vào “Ao Thả Vịt” cọ rửa kỹ lưỡng trước đây, đã quan tâm lo lắng cho ông và gửi thư, điện tới chúc ông chóng thoát cơn hiểm nghèo, đồng thời lên án bọn khủng bố. Và ông cũng tội nghiệp cho ông Từ Chung đã chết liền tại chỗ, không có dịp nhìn thấy người đời tiếc thương và ưu lo cho mình.
Điều thứ hai khiến ông biết ơn kẻ sát nhân là “bốn viên đạn của kẻ sát nhân đã tạo cơ hội để bao nhiêu thù ghét mà ngòi bút oan nghiệt của tôi đã tích lũy từ bao năm nay, vụt tiêu tan biến thành lòng tha thứ. Tôi vốn là kẻ vô tâm, thương mình, thương người, nhưng khi tôi cầm bút, hình như có ma lực gì, xui khiến tôi trở thành tàn ác, ba que, xỏ lá đến cùng cực. Do đó từ mấy năm nay, các bạn cộng tác với tôi và tôi đã gây ra nhiều thù ghét không đâu.” Và ông Chu Tử hứa để đền đáp lại sự “đại xá” của kể cả những người thù ghét ông song đã ưu lo cho ông khi ông bị bắn suýt chết, ông công khai xin lỗi và “tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ còn ‘hỗn’ với ai” nữa.
Và điều thứ ba khiến ông thấy muốn gặp kẻ sát nhân để cám ơn vì – đây là điểm nói lên bản chất hồn nhiên lãng mạn của Chu Tử -- nhờ bốn viên đạn đưa ông tới gần cái chết mà ông có kinh nghiệm của kẻ đã kề cận cái chết, rất hữu ích cho việc… sáng tác vì ông đã có kinh nghiệm thực, không còn phải nặn óc tưởng tượng ra nữa. (CTKHT, tr. 66-67)
Người tự nhận đã bắn Chu Tử
Và ông đã…cầu được ước thấy. Kẻ ấy, hay người tự nhận đã bắn ông, cuối cùng tìm tới ông Chu Tử vào một buổi tối vào đầu thập niên 1970, trong lúc ông đang làm chủ biên nhật báo Sóng Thần.
Một bữa nọ, ông Chu Tử ghé bàn làm việc của tôi, nói ông muốn gặp riêng tôi có việc. Tôi ngước nhìn ông, ngạc nhiên, vì chưa bao giờ ông lại muốn gặp riêng với tôi, mà bao giờ cũng có vài anh em trong nhóm chủ biên hoặc ban biên tập. Tôi đứng dậy theo ông lên phòng khách ở lầu ba của toà nhà chúng tôi muớn làm tòa soạn ở số 133 đường Võ Tánh, Sài Gòn dạo ấy. Thực ra thì chúng tôi chỉ mướn có tầng trệt và lầu hai để làm tòa soạn và trị sự (còn in báo thì mang bản kẽm sang nhà in Nguyễn Bá Tòng sát bên nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Bùi Chu, cách tòa báo mấy khu phố), còn từ lầu ba trở lên là thuộc về gia đình của chủ nhà. Mỗi khi có việc riêng chúng tôi mượn phòng khách của gia đình chủ nhà để họp.
Ông Chu Tử tay run run (từ ngày bị bắn tay ông vẫn run như vậy) rút trong túi ra hai trang giấy viết tay đưa cho tôi, trên đó ông ghi lại cuộc gặp gỡ với tên đã bắn ông, và đề nghị tôi viết lại cái “hồi ký” của tên sát nhân đăng thành nhiều kỳ trên báo. Theo ông thì một hồi ký như vậy sẽ rất “ăn khách”, mà tờ báo thì lúc nào cũng cần những bài nằm “ăn khách” như vậy để giữ độc giả.
Cũng phải thẳng thắn mà nhận rằng sau mấy tháng đầu sôi nổi và được độc giả chiếu cố khi tờ báo mới xuất hiện vào cuối năm 1971 với sự hiện diện của ông Chu Tử trong vai trò chủ biên, tờ Sóng Thần, với chủ trương chống tham nhũng, hơi lao đao, từ trên 100 ngàn ấn bản mỗi ngày tụt xuống dần còn dăm bẩy chục ngàn, và có triển vọng tụt xuống nữa. Một phần tờ báo bị chính quyền tịch thu hơi nhiều lần, lúc thì vì lý do an ninh quốc gia khi thì vì tội xâm phạm thuần phong mỹ tục, hoặc bị các cá nhân thưa kiện. Điển hình là loạt bài của nữ ký giả Lê thị Bích Vân tố Tướng Nguyễn Văn Toàn về tội dụ dỗ gái vị thành niên, khiến cả Bích Vân lẫn tôi cùng phải vác chiếu ra hầu toà mấy lần. Đây là giai đoạn trước khi xẩy ra biến cố Mùa Hẻ Đỏ Lửa 1972, biến cố đã khiến tờ báo, nhờ sự tiếp tay đắc lực của hai văn phòng đại diện Quảng Trị và Huế với những tin tức cập nhật sớm hơn nhiều báo khác, bỗng lại lên như diều gặp gió. Nhất là sau đó Sóng Thần phát động chiến dịch hốt xác gần 2,000 đồng bào tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng (khúc giữa Quảng Trị và sông Mỹ Chánh) đã được sự tham gia của đông đảo độc giả.
Thú thực là tôi chưa hề làm “người viết ma” (ghost writer) cho ai bao giờ. Thế nhưng vì thương tờ báo, công trình đóng góp và kỳ vọng của nhiều người, và sự sống còn của nó để phục vụ lý tưởng làm sạch xã hội chúng tôi theo đuổi hồi đó, nên tôi không chút đắn đo nhận lời làm người viết ma cho người bắn ông Chu Tử.
Tôi không còn nhớ hết nội dung của hai trang giấy ông Chu Tử trao cho tôi. Nhưng đại khái, theo ghi nhận của Chu Tử, thì người nhận đã bắn ông thú nhận là anh ta là một Phật tử theo phe Thượng tọa Thích Thiện Minh, người đã bị ông Chu Tử lùa vào “Ao Thả Vịt”. Và anh ta bất bình về việc thần tượng của mình bị bôi nhọ, chứ anh ta không có dính dáng gì tới Việt Cộng. Luận điệu này phù hợp với lối suy luận của Chu Tử trong bài tự truyện “Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân” in lại trong tập CTKHT, như đã đề cập tới ở trên. Và tôi đã dựng nên một “hồi ký” trong chiều hướng đó, dựa vào vỏn vẹn có hai trang giấy viết tay ghi lại cuộc gặp gỡ với kẻ tự nhận bắn mình của ông Chu Tử, với rất nhiều…tưởng tượng.
Viết lại kinh nghiệm này tôi cũng còn có một mục đích, đó là nếu có ai tình cờ đọc lại cái “hồi ký” (hình như tựa là) Tôi bắn Chu Tử trên microfilm báo Sóng Thần thì nên hiểu là đó chỉ là một loạt bài hoàn toàn do tưởng tượng của một người quen với việc sáng tác văn chương hơn là làm báo trong thời kỳ đầu thập niên 1970, nhằm câu độc giả, và hoàn toàn không có một giá trị văn học hay lịch sử nào. Người bắn ông Chu Tử không hẳn là đã có dụng ý tôn giáo. Và người đến gặp ông Chu Tử có thể có dụng ý nào khác, không ai biết được. Cũng có thể đây là một đòn của Cộng sản hồi ấy để đào sâu thêm những xung đột tôn giáo ở Miền Nam, vốn là nghề của họ, bên cạnh các hành động khủng bố, phá hoại.
Ai thực sự là người bắn Chu Tử?
Khi sưu tầm tài liệu để viết bài về ông Chu Tử, tôi tìm thấy trên Wikipedia.org có đoạn này: “Vì chính kiến, tòa báo [Sống] bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966.[4] Cũng vào thời điểm đó ông [Chu Tử] bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc biệt kích này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương.[5]”
Tôi tìm đọc chú thích số 5 bên dưới bài viết rất sơ sài về Chu Tử với một số chi tiết không chính xác lắm, thì thấy ghi nguồn là “Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City (4 pages) 15 May 1967”, nhưng không có đường dẫn (Web link) đến chỗ chứa tài liệu trên mạng. Tìm một hồi không ra bản tường trình này, tôi liên lạc với chị bạn tại Vietnam Center để nhờ tìm tài liệu trên, chị chuyển tôi qua một người chuyên về loại tài liệu bắt được của địch này.
Cuối cùng tôi có được cái link để tải xuống tài liệu mang số F034600991054 (****), trong đó có ghi tên đặc công Việt Cộng đã có nhiệm vụ hạ sát hai ký giả Từ Chung và Chu Tử: Huỳnh Văn Long. Do thành tích này, Long đã được thưởng huân chương thành tích đệ tam đẳng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tôi có hỏi xin bản sao nguyên tác bằng tiếng Việt nhưng được biết thường sau khi làm tường trình xong thì các tài liệu nguyên thủy bị hủy bỏ. Vậy xin ghi lại để rộng đường dư luận.
Một nén hương cho ông Chu Tử
Ngày 30 tháng 4 năm nay cũng là kỷ niệm 38 năm ông Chu Tử bị tử nạn trên đường di tản. Tôi viết bài này như một nén hương chân thành tưởng niệm một nhà văn và nhà báo tên tuổi và cũng rất độc đáo của nền văn học Miền Nam, đồng thời để ghi lại một cách chính xác hơn một chi tiết quan trọng trong vụ ông Chu Tử bị ám sát hụt vào năm 1966. Tôi không có ý chống báng suy đoán về người giết mình của ông Chu Tử, có chăng là tôi muốn nói lên sự thích thú của tôi về tính hồn nhiên cả tin khá lãng mạn của tác giả Yêu -- một cái tật mà chính tôi cũng mắc phải (và cũng hãnh diện mang cái tật đó).
Cuối cùng, lẽ ra bài này đã được đăng trong một tập san đặc biệt tưởng niệm và vinh danh ông Chu Tử, nhưng dự tính của một số thân hữu văn nghệ và tôi đã không thành. Riêng tôi, đã tự hứa phải có bài này để tưởng nhớ ông, nên viết.
Trùng Dương
2013/04
Theo RFA
Chú thích:
(*) Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Trùng Dương: http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-355_5-4_6-2_17-15_14-2_10-92_12-1/. Đọc thêm về kinh nghiệm Sóng Thần của Trùng Dương qua bài tùy bút “Sao Đặc Trời” tại http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=B6288EE8499620DDDEAB8855654C4363?action=viewArtwork&artworkId=8636
(**) Võ Phiến, “Chu Tử,” Truyện Miền Nam, 1954-1975, tập hai, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1993, tr. 10-11.
(***) Chu Tử Không Hận Thù, Nhật báo Sống biên soạn và xuất bản, 1966, Sàigòn, Viet Nam; Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1987 (?). Sách dầy 200 trang, gồm bẩy phần: 1) Chu Tử trước mũi súng sát nhân, ghi nhận các sự kiện xung quanh vụ Chu Tử bị bắn, ; 2) Chu Tử trong cơn phẫn nộ thương yêu của côn gluận, ghi nhận phản ứng của đồng bào các giới với vụ khủng bố; 3) Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân, là tập tự truyện của Chu Tử viết sau khi anh đã đối diện với cái chết, tr. 65-105; 4) Chu Tử trước ngòi bút thân ái của các văn hữu, gồm những bài viết đặc biệt về Chu Tử; 5) Chu Tử và anh em Sống; 6) Chu Tử và phản ứng chung của báo giới trong và ngoài nước; và 7) Chu Tử và vài hình ảnh vụ mưu sát. Sách hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội và các thư viện công cộng tại những vùng có đông người Việt cư ngụ tại Hoa Kỳ. Độc giả có thể nhờ thư viện địa phương mượn giùm qua chương trình Interlibrary Loan.
(****) Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City, 15 May 1967, Folder 1054, Box 0099, Vietnam Archive Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Web link: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=F034600991054.
Gửi ý kiến của bạn