BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt Khang và Đỗ Trung Quân

05 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 865)
Việt Khang và Đỗ Trung Quân
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Phản ứng với bản án 10 năm tù của hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, trong cũng như ngoài nước, trên báo giấy cũng như báo Internet, nhiều người đã bày tỏ ý kiến bênh vực hai nhạc sĩ này, vì bản án quá nặng của chính quyền CSVN nhằm bịt miệng những người yêu nước, theo cách nhìn “chống Trung Cộng là chống chính phủ”. Trong số các ý kiến liên quan đến vụ này, có bài của nhà thơ Đỗ Trung Quân nhan đề là: “Trường hợp Việt Khang - Đôi lời thưa chủ tịch nước” trên blog Huỳnh Ngọc Chênh.

Đỗ Trung Quân xứng đáng được gọi là nhà thơ, vì những bài thơ ông viết về mẹ, tình yêu và cả quê hương nữa là những bài thơ hay, nhất sau biến cố 30 tháng 4, nếu so với những nhà thơ “thật lớn” của miền Bắc, thành danh bằng những bài thơ nịnh bợ chế độ, tâng bốc lãnh tụ và đảng một cách đáng khinh bỉ.

Ông Việt Khang vừa nhận án tù 4 năm


Đỗ Trung Quân có lẽ cũng thấy tấm lòng yêu nước của Việt Khang, nhưng nếu ông đem Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập và Miên Đức Thắng để so sánh với nhạc sĩ trẻ tuổi này, (trên Danlambao có ý kiến cho sự so sánh này là khập khễnh!) Mặc dù Đỗ Trung Quân lớn lên ở miền Nam, nhưng vào thời ấy, tuổi còn nhỏ, ông chưa hiểu gì nhiều các nhạc sĩ mà ông đem ra so sánh để bênh vực cho Việt Khang.

Đối với Trịnh Công Sơn, nhạc của ông, kể cả “Ca Khúc Da Vàng” chưa bao giờ bị cấm dưới chế độ miền Nam, và thân thể ông chưa hề bị quản thúc một ngày. Mặc dầu không nhập ngũ theo lệnh động viên, ông cũng không trở về nhiệm sở ở Lâm Đồng (Trịnh Công Sơn tốt nghiệp trường Sư Phạm Quy Nhơn), vẫn được nhiều thế lực che chở để có thể sống một cuộc đời ung dung. Đối với chế độ mới, mặc dầu ông có những bài nói về việc “nô lệ giặc Tàu,” nhưng là nói chuyện quá khứ, vả lại những bài nhạc này được viết lên trước khi Cộng Sản vào Sài Gòn. Quan trọng hơn hết sau ngày 30 tháng 4, 1975, Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối Vòng Tay Lớn,” và sau đó đã viết những bài nhạc được xem như “phản tỉnh” hay “biểu diễn lập trường” như “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên,” “Huyền Thoại Mẹ,” “Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới,” “Ngọn Lửa Vĩnh Cửu ở Matxcơva”... Đỗ Trung Quân đã cho rằng “...nhưng Trịnh Công Sơn không bị bắt..!” Một người viết “đẹp” cho chế độ như thế làm sao so sánh được với Việt Khang đã lên tiếng gọi cường quyền Cộng Sản là bọn bán nước: “Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược, bán nước Việt Nam.”

Ông Đỗ Trung Quân đem Tôn Thất Lập và Miên Đức Thắng ra để nói rằng, nếu bây giờ những bản nhạc của họ đã hát dưới chế độ miền Nam, đem ra hát trong hoàn cảnh hiện tại, với những cuộc xuống đường chống Tàu chắc hẳn cũng không thể nào được chế độ này chấp nhận. Miên Đức Thắng bây giờ là một “Việt kiều” tại Đức, không bàn đến, nhưng Tôn Thất Lập nhờ thành tích chống chế độ miền Nam, bây giờ là một chức sắc văn hóa, không ai ngớ ngẩn để dùng những bài hát của ông trong hoàn cảnh hiện nay. Mà nhạc của Tôn Thất Lập ngày ấy cũng chỉ nói chung chung, đâu đám trực diện để gọi bọn công an là “bàn tay nhuộm máu đồng bào!” như Việt Khang.

Có điều ngộ nhận lớn nhất là, theo Đỗ Trung Quân, Việt Khang phải bị bắt và ở tù là vì Trung Tâm Asia đã trình diễn nhạc của Việt Khang: “Vậy sao anh ở tù và phải ra tòa? Anh chống Cộng ư? Tôi không rõ, chỉ biết ca khúc của anh, ‘Việt Nam tôi đâu,’ được (hay bị) hãng Asia của Việt Dzũng nghe đồn cũng một tay chống Cộng ghê lắm, dựng trong một chương trình gì đó của Trung Tâm Asia. Nghe thế mà tôi hú hồn, toát cả mồ hôi hột. Nếu Trung Tâm Asia dựng bài ‘Quê Hương’ của tôi ắt tôi cũng tù mọt gông ở Việt Nam?” (sic)

Thứ nhất, Việt Dzũng không phải là người dàn dựng những bản nhạc của Việt Khang, cũng không phải nhạc Việt Khang lên Trung Tâm Asia mà anh bị bỏ tù. Asia chỉ trình diễn nhạc Việt Khang và kêu gọi “Free Việt Khang” sau khi nhạc sĩ này bị bắt và đưa đi mất tích. Thứ hai, Đỗ Trung Quân khá “lạc quan tếu” để nêu ra giả thuyết ông sẽ trở thành người hùng, nếu bài “Quê Hương” (thơ của ông, nhạc của Giáp Văn Thạch) được (hay bị) trình diễn trên Asia, thì ông “cũng tù mọt gông”. Theo tôi, nếu bản nhạc phổ thơ của Đỗ Trung Quân được trình diễn ở hải ngoại nhiều hơn nữa, chắc chắn ông sẽ được tuyên dương, biết đâu được phong “nghệ sĩ nhân dân” vì tác dụng hữu hiệu của bài thơ do ông sáng tác.

Không thể nào so sánh bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ Trung Quân đăng trên báo Khăn Quàng Đỏ được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc “Quê Hương,” ngọt ngào như một viên độc dược bọc đường, với hai bản nhạc do Việt Khang viết và tự trình diễn. Một bên là một bản nhạc chửi thẳng vào mặt chế độ, một bên là bản nhạc đang được chế độ trong nước dùng để kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” quay về với quê hương, vì “ai không nhớ quê hương thì khó lớn thành người!” Không phải ông Đỗ Trung Quân “hú hồn, toát mồ hôi hột, mà chính “khúc ruột ngàn dặm” và “con bò sữa hải ngoại” đã dị ứng, phải gọi “quê hương” của ông là “chùm khế chua”. Cho nên dù Đỗ Trung Quân có tham dự biểu tình chống bọn Tàu Cộng bao nhiêu lần đi nữa, thì ông cũng chẳng vào tù đâu vì sự nghiệp “thi ca” của ông. Cũng tội nghiệp, không ngờ bài thơ hiền lành của Đỗ Trung Quân lại gây phản cảm cho những người bỏ nước ra đi vì chế độ Cộng Sản đến vậy!

Trong bài “Đôi lời thưa chủ tịch nước,” tác giả bài thơ nhìn rõ mặt cái gọi là “Cách Mạng” như bài “Tạ lỗi với Trường Sơn” lại nói về mình quá nhiều. Ông Đỗ Trung Quân cho rằng nếu “Vào tù và ra tòa chỉ vì nó chống Tàu hay yêu nước, nó nói lên thực trạng mà từ chủ tịch nước đến thường dân cũng biết, cũng hiểu. Thú thật nếu thế. Tôi người viết những dòng này (ĐTQ) có lẽ đã bị ở tù và ra tòa trước cả nhạc sĩ Việt Khang.”

Tôi chưa đọc được một bài thơ chống Tàu nào của Đỗ Trung Quân, có dăm ba câu “chống kẻ bán nước” hay dám hỏi thẳng: “Dân tộc anh ở đâu/sao đang tâm làm tay sai cho Tàu/để ngàn sau ghi dấu/bàn tay nhuộm máu đồng bào!” Và nếu được phổ nhạc, đưa lên YouTube càng hay. Còn nếu Đỗ Trung Quân chưa “bị ở tù và ra tòa trước cả nhạc sĩ Việt Khang” như ông nghĩ, thì thật ra chế độ này xem ông chưa có gì nguy hiểm, còn dùng được và chưa có thành tích nào được ghi như trong điểm a, thuộc điều 88 bộ luật hình sự là “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân!”

Có hai điều tôi muốn nhắc lại, Đỗ Trung Quân có vẻ bênh vực Việt Khang nhưng đã hai lần trong bài, tìm dịp đề cao cá nhân mình. Ông nêu giả thuyết nếu ca khúc “Quê Hương” của Giáp Văn Thạch (thơ của ông) được phổ biến bởi Trung Tâm Asia ở Mỹ thì ông cũng bị “đi tù mọt gông”. Điều đó sai, vì thực ra, về phương diện chống chế độ đương quyền, bài thơ “Quê Hương” thuộc loại “ca tụng” không thể so sánh với hai bản nhạc của Việt Khang thuộc loại “chống đối”.

Cũng rất mong nhà thơ Đỗ Trung Quân sẽ có những bài thơ yêu nước, chống Tàu cho xứng đáng là kẻ sĩ, để có thể “ở tù và ra tòa” như Việt Khang, chứ “trước” thì chưa thể.

 Huy Phương

Theo Người Việt

Cáo lỗi:

Trong bài “Khánh Ly, ở hay về...” đăng trên nhật báo Người Việt ngày 15 Tháng Mười, tôi có viết: “Ca sĩ Như Quỳnh có mặt tại Sài Gòn trong đêm Chung Kết Tiếng Hát Truyền Hình 2012”. Đây là một nguồn tin sai, thiếu kiểm chứng. Tôi thành thật cáo lỗi với ca sĩ Như Quỳnh và độc giả Người Việt vì sơ suất này. (Huy Phương)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn