Từ Sài gòn, ngày 29.3.2012.
Tiếp tục bàn đến chuyện “Hội chứng chán
sống và Hội chứng khỏa thân” trong bài báo trước, kỳ này tôi bàn đến đời sống văn hóa nghệ thuật sa đọa góp phần khá rõ nét làm băng hoại xã hội. Những hình ảnh dung tục trên báo chí, truyền hình, các shows ca nhạc đủ loại, sân khấu ngày càng thừa da thiếu vải của các “sao” khiến khán giả bất bình, lo ngại cho đời sống tinh thần, tình cảm của con cái mình chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Từ các cuộc thi “tài năng trẻ” đến thi hát, thi nhảy rồi đến các “hoa hôi hoa hậu” khoe thân thể, các bức ảnh “nghệ thuật nửa mùa”, các kiểu tự tạo scandal tình dục dùng làm chiêu đánh bóng tên tuổi mình… ngày càng có chiều hướng gia tăng. Thứ chuyện kể hoài không hết, cấm mãi không xuể này góp phần làm cho những ước mơ của các cô gái mới lớn từ thành thị tới thôn quê nhuốm đầy hoài bão đen tối. Trước hết xin điểm qua hai chuyện đã từng làm dư luận ngỡ ngàng.
Sinh viên Sân Khấu Điện Ảnh làm phim gợi dục.
Clip có tên “Hai phòng ngủ – Two bedrooms”, theo phần giới thiệu thì đoạn phim này do các “đạo diễn tương lai” thực hiện và đây là bài thi môn Đạo diễn của một sinh viên Đại học Sân khấu điện ảnh TP.Sài gòn, có sự hướng dẫn của giáo viên được ghi đầy đủ tên tuổi. Clip dài hơn 9 phút, không lời thoại, mới xuất hiện nhưng đã gây sốt vì sự gợi dục táo bạo của nó.
Nhân vật chính của đoạn phim này là một đôi nam nữ, có 2 phòng ngủ cạnh nhau. Ban ngày đi làm nhưng khi đêm về, mỗi người lại quằn quại ở phòng mình vì nhu cầu sinh lý, cuối cùng họ đã dùng phương pháp “tự xử” và bộ phim kết thúc.
Sau khi được đăng tải trên mạng, phim đã nhận được những lời chỉ trích rằng “chẳng khác phim sex”. Thậm chí có người bình luận mỉa mai: “Bộ phim mở đầu lãng mạn bao nhiêu, thì kết thúc lãng nhách bấy nhiêu. Đây chắc sẽ là phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải Oscar cho thể loại phim hại não của thế giới”.
ĐH Sân khấu điện ảnh TP Sài G̣n thừa nhận đây là sản phẩm của sinh viên Phạm Xuân Trung trong trường. Hiện nhà trường yêu cầu sinh viên này tường trình cụ thể, và sẽ có “biện pháp xử lý”. Một lời hứa như ngàn lời hứa chúng ta đã “biết rồi khổ lắm, hứa mãi”.
Truyền hình “giờ vàng” cũng có cảnh sex.
Xin mô tả rất vắn tắt về đoạn phim của đài Truyền hình VN (VTV3) bị khán giả phê phán gay gắt. Đó là bộ phim “Hoa nắng” khởi chiếu vào giờ vàng (21g) trên VTV3 từ ngày 5-3 cho cả nước cùng xem. Khi nhân vật nam tên Phúc cùng bạn gái tên Linh bước vào một quán ăn thì đã có hai đôi trai gái khác đang thoải mái âu yếm nhau như chỗ không người. Linh mặc đầm, khoe phần lớn vòng một. Khi cô vô ý làm đổ rượu lên ngực thì nhân vật Phúc thay vì lấy khăn giấy giúp cô lại nhìn chằm chằm vào ngực cô rồi nháy mắt ra hiệu sẽ có cách lau ngực mà không cần giấy. Và cách của anh ta là dùng lưỡi liếm từ ngực lên cổ bạn gái.
Bạn bè reo hò cổ vũ “sáng kiến” ấy của Phúc. Rồi một người đề nghị: “Vậy làm lại đi! Cảnh này mà đưa lên mạng là hot nhất trong tuần luôn đó, được không, thử nha?”. Nhân vật Linh hào hứng: “Em cũng thấy là lạ đó, làm lại một cái nữa nha!”.
Và cô tự lấy rượu đổ lên ngực, ưỡn ngực cho bạn trai… liếm lần nữa và lần này thì cả hai còn… hào hứng dữ dội hơn lần đầu, trong khi một cô gái ngồi cùng bạn cũng biểu hiện sự phấn khích… Đúng là thứ văn hóa dị hợm đến nổi da gà!
Xin ghi lại bình luận của khán giả Phan Trọng Huy từ một vùng quê xa:
“VTV3 là kênh truyền hình Trung ương, người dân khắp mọi miền đất nước đều được xem, nhất là dân các tỉnh vì không có truyền hình cáp mà chỉ xem VTV1, VTV3 và kênh truyền hình địa phương. Phim truyền hình giờ vàng được phát sóng thì tất cả mọi người trong gia đình đều xem từ già trẻ, gái trai… Do đó, khi xem bộ phim Hoa nắng đến cảnh sex tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tá hỏa và tôi không kịp tắt máy khi sự khủng khiếp của cảnh nóng trong phim. Đây không đổ lỗi thiếu sót vì: phim chiếu trên các kênh phải qua kiểm duyệt… Đề nghị ngưng chiếu bộ phim này trên VTV3 và cấm phát hành ra ngoài thị trường”.
Những chuyện lộn xộn trong làng Showbic Việt.
Hãy tạm coi như đó là “sai sót” của các vị giáo sư đào tạo ra các nhà đạo diễn và “lỗi kỹ thuật” của Đài Truyền hình, cũng như bao nhiêu những cái “sự cố kỹ thuật” khác. Nhưng cũng chứng tỏ được rằng chính cái thị hiếu của khán giả trẻ đã khiến cho những “tác giả” của những sai sót ấy luôn nuôi trong tư tưởng phải có một cảnh “da thịt hấp dẫn” trong một “tác phẩm” điện ảnh và kịch bản truyền hình mới làm nên “tên tuổi” mình.
Với đề tài những shows ca nhạc, truyền hình, những cuộc thi gây nhiều tai tiếng, những cuộc “đánh nhau bằng mồm”, những tai nạn bị tung clip sex lên mạng hoặc tự mình tung clip tung hình “truổng cời” lên mạng để làm nóng tên tuổi mình đầy rẫy trong hàng ngũ những người được gọi là “showbiz Việt” (hay nói cho rõ hơn là nghề kinh doanh những trò giải trí). Trong đó có đủ mọi nhân vật được gọi là nghệ sĩ, từ tài tử, minh tinh, người mẫu, ca nhạc sĩ đến đủ mọi loại hình sân khấu, đủ mọi cuộc thi, từ thi nhảy nhót đến thi hát, thi diễn và đủ mọi kiểu quảng cáo cho album sắp “ra lò”. Hầu hết những trò chơi này đều rập khuôn từ các chương trình nước ngoài. Cuộc thi nào cũng có từ 3 đến 4-5 vị giám khảo, gồm những nghệ sĩ đã có ít nhiều tên tuổi ngồi chễm chệ trên mấy chiếc ghế làm trọng tài. Từ đó tha hồ “phán”, tha hồ dạy dỗ cho các em phải thế này, nên thế kia mà… chưa chắc giám khảo đã làm được hoặc chưa đủ trình độ về chuyên môn. Bởi cô ca sĩ XX, nghệ sĩ AA dù có tí tên tuổi nhưng chưa học diễn xuất bao giờ, chưa học qua lớp nhạc nào, chỉ là biết truyền khẩu, học vỏ vẽ vài miếng sở trường nên khó mà tìm được một lời phê đúng nghĩa. Chính vì ban giám khảo không đủ tài năng chinh phục khán giả và làm cho thí sinh tin tưởng nên đã xảy ra rất nhiều cuộc đấu khẩu kịch liệt, không mang lại điều gì mới mẻ cho nghệ thuật mà còn là những tác hại đáng kể cho tương lai lớp trẻ yêu thích văn hóa nghệ thuật hiện nay. Họ trở nên lạc lõng, chẳng biết tin vào ai, chẳng biết tin vào cái gì, lại “theo bước chân anh” nhắm mắt làm bừa trong cái xã hội “mạnh được yếu thua”, may ra thì sống huy hoàng, không may thì về đi làm “nghề tự do”. Bằng chứng trước mắt là có chị xấu như ma, hát hò chẳng ra gì, vậy mà cũng thành sao! Mấy chị chân dài, cố tạo được chút tên tuổi, chỉ một sớm một chiều là có đại gia công khai hay bí mật bao trọn gói, chơi toàn hàng hiệu, nhảy xe bạc tỉ khiến các cô gái trẻ lác mắt, đốt cháy thêm ước mơ, càng lăn xả vào các cuộc thi như chơi xổ số này. Sau một thời gian hoặc làm bà giám đốc hoặc thân tàn ma dại.
Một ông ký giả chuyên viết chuyện “hậu trường” đã than thở: “Ấy, cái thời buổi cuộc sống lập lờ, bằng giả nhiều hơn bằng thật, hàng nhái nhiều hơn hàng chính hãng, người có tài làm mọi cho thằng ngu, người không có đức nói chuyện đạo đức nhiều hơn người có đức thì nghệ thuật cũng theo đó mà song hành là chuyện tự nhiên thôi”.
Khỏa thân vì xã hội hay vì nghiện khoe da thịt?
Ảnh khỏa thân (hay còn gọi là nude) là một nghệ thuật có giá trị cao, nhưng khoảng cách giữa nghệ thuật và dung tục chỉ cách nhau một làn sương mỏng hoặc tùy theo cảm nhận của mỗi người. Có người phóng khoáng, có người khó tính, có 2 cách đánh giá khác nhau hoàn toàn. Tuy vậy, không có nghĩa là tất cả những tấm ảnh ấy đều khó nhận diện như nhau. Vẫn có nhũng bức ảnh khỏa thân, người dù khó tính đến đâu cũng không thể phủ nhận giá trị đích thực của nghệ thuật. Ngược lại cũng có những tấm ảnh nhìn mãi cũng chỉ thấy sự dung tục của nó, chẳng thấy giá trị nghệ thuật nằm ở chỗ nào.
Thời đại nhiễu nhương của showbiz Việt với đủ chiêu PR (public relations – quảng cáo và tiếp thị) của các sao chẳng ngại ngần khoe thân để được chú ý hơn. Để che mắt quần chúng, họ nhân danh đủ thứ để tha hồ “cởi”.
Trào lưu khỏa thân vì môi trường, vì bài trừ dịch bệnh, vì các vấn đề mang tính xă hội ở nước ngoài khá nhiều và sao Việt cũng đã nhanh chóng “sao chép nguyên si” đem về vận dụng. Họ cho đó là những thông điệp và ý nghĩa đầy “cao cả” của các bộ ảnh lột tả giá trị nghệ thuật, phơi bày cơ thể của sao Việt lần lượt ra đời.
Siêu mẫu Ngọc Quyên mạnh dạn đi đầu với bộ ảnh nude 100% mà cô bảo rằng: “vì môi trường!”. Bộ ảnh với thông điệp “to tát” ấy ngay khi ra mắt đã tạo nên những ý kiến trái chiều trước công chúng, họ cho rằng bộ ảnh không thể hiện được thông điệp và giá trị nghệ thuật… mà dường như để chân dài khoe thân nhiều hơn. Việc mạo hiểm chụp ảnh nude mà không có định hướng cũng như sự chuyên nghiệp và mang tính cá nhân rất dễ bị “hiểu lầm”. Khán giả đặt dấu hỏi lớn cho bộ ảnh của Ngọc Quyên có chăng vì môi trường hay chỉ là chụp theo sở thích, trong khi không hề có một thông điệp rõ ràng nào trong những tấm hình mà Ngọc Quyên đã thể hiện.
Có hai luồng ý kiến tranh luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn về việc nên hay không nên trong việc thông qua ảnh nude mà giáo dục cộng đồng. Có những phát biểu như: người mẫu nên cầm xẻng đi dọn rác thì tốt hơn, sao lại đưa ảnh nude cho trẻ em coi, người lớn còn chết khiếp… và tên tuổi của Ngọc Quyên xuất hiện đầy rẫy trên báo khi ấy khiến cô càng “ăn khách” hơn.
Lợi dụng những ý nghĩa “to lớn”, một số sao Việt đã làm mất đi giá trị mang tính nhân văn của việc nude vì cộng đồng. Thích chạy theo trào lưu, muốn tạo riêng cho mình một bộ ảnh nude ấn tượng… rồi tung lên, tuyên bố rùm beng: “tôi nude vì lợi ích này nọ…”. Nhưng công chúng không dễ dàng bị xỏ mũi, công chúng là những người tinh tế, họ dễ dàng nhận biết họ có là người bị lừa hay không bởi những tác phẩm thiếu giá trị ấy, và họ không ngần ngại đả kích dữ dội chủ nhân của những tác phẩm “rởm”. Mặc dù dư luận hà khắc là thế, nhưng vẫn còn đó những người làm nghệ thuật với suy nghĩ tầm thường vẫn đua nhau cởi và tung hô khẩu hiểu “cao cả”.
Nude tìm đại gia hơn là nghệ thuật.
Mai Hải Anh, hoa khôi tỉnh Khánh hòa đã bị dư luận chỉ trích suốt thời gian vừa qua bởi bộ ảnh nude 100% vì biển tệ hại của mình. Với mong muốn thực hiện bộ ảnh trong năm rồng nên nàng đã nhanh chóng cùng ekip của mình tìm địa điểm thích hợp để “cởi”. Nàng còn triết lý vụn: “vì con người thuộc về biển, sinh vật đầu tiên của trái đất cũng bắt đầu từ biển và khi một sinh mạng kết thúc cũng sẽ trở về với biển nên Hải Anh muốn truyền tải thông điệp: người miền biển dù có đi đâu, làm gì thì Hải Anh cũng vẫn là con gái vùng biển, sẽ quay về với biển”. Chất lượng hình ảnh, giá trị nghệ thuật, thông điệp vớ vẩn, người xem dễ dàng nhận ra được bản chất thật của bộ ảnh khỏa thân thô thiển ấy.
Từ đó hàng loạt các bài báo, các lời bình chỉ trích tràn ngập các trang báo mạng, có nhiều độc giả cho rằng đây là bộ ảnh lố bịch, nude để tìm đại gia… hơn là khen vẻ đẹp không mảnh đầy nghệ thuật trước biển của cô. Nhưng dù sao đi nữa thì bây giờ tên tuổi của Mai Hải Anh cũng đã được nhiều người biết đến.
Diễn viên Quỳnh Như có vẻ “khôn ngoan” hơn khi tung ra bộ ảnh bikini với thông điệp “chống biến đổi khí hậu toàn cầu”… thế nhưng, nhìn qua bộ ảnh với những kiểu dáng “gợi dục” người xem dễ nhận thấy sự “trá hình” của bộ ảnh này.
Làm mọi việc cho mình, nhưng cứ luôn miệng bảo rằng hy sinh vì nghệ thuật: Ngô Tiến Đoàn, Ngọc Tình, Ngọc Quyên, Mai Hải Anh, Quỳnh Như… những nghệ sỹ này đã tự làm méo mó hình ảnh của mình trong mắt công chúng.
Những cuộc “đấu võ mồm” đàng sau những cuộc thi.
Sau những cuộc thi hát, thi nhảy, thi người mẫu áo ngủ, áo tắm… thường là để lại nhiều tai tiếng. Không thể kể hết những cuộc đấu khẩu như cái chợ này. Gần đây nhất cuộc thi có cái tên Vietnam’s Next Top Model, trong đó người mẫu – dĩ nhiên chân phải dài – rất nổi ở VN là Hà Anh, giữ một ghế trong ban giám khảo; nữ thí sinh là Tuyết Lan. Chẳng biết mâu thuẫn phát sinh từ đâu, sau cuộc thi, nữ thí sinh Tuyết Lan bèn viết trên facebook cá nhân của mình kể tội giám khảo Hà Anh. Xin tóm tắt cho gọn, nếu kể hết e rằng “tám” cả ngày không hết. Tuyết Lan viết:
“Chuyện Hà Anh không thích tôi, có lẽ tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi Vietnam’s Next Top Model mùa trước đều biết” và “Chị ấy không thích tôi vì trong một lần đến studio của Henri chụp hình, tôi đã quên không chào chị ấy nên chị không thích”.
Tuyết Lan cũng nói rằng: “Tôi chỉ thấy bị chèn ép và phải chấp nhận khi tham gia cuộc thi mà chị ấy làm giám khảo thôi. Còn khi tôi đã tự đi ra ngoài, tự học và tự khám phá bản thân, làm mọi thứ để mọi người có thể hiểu được và khẳng định tên tuổi thì chị Hà Anh không còn liên quan đến mình nữa. Tôi không có lý do gì phải sợ chị ấy chèn ép vì chị ấy có vị trí của mình, tôi có vị trí của tôi.”
Sau đó, giám khảo Hà Anh trả lời trước dư luận bằng một bài dài thọng, nhưng đại ý là “dạy dỗ” thêm cho đàn em một bài học nữa là “đồ ăn cháo đá bát”.
Những chuyện như thế này, đôi khi còn “dao to búa lớn” hơn, còn âm ỷ rất nhiều sau các cuộc thi, còn được bàn ngang tán dọc từ lề đường, quán cóc, đến các sân trường, lớp học. Nó góp phần tạo nên sự hỗn loạn cho đời sống tinh thần của lớp trẻ.
Người đẹp yêu đương, tranh giành vị trí và chửi lộn.
Chuyện này thường xảy ra với các đàn chị đã có lâu năm trong nghề. Nhiều sô diễn đành phải chịu cảnh “lừa” khán giả bởi dù đã quảng cáo tên tuổi người đẹp nhưng cuối cùng người đẹp vẫn không xuất hiện. Nguyên nhân không phải vì họ bận thi cử, việc gia đình (như lời xin lỗi) mà là vì bất ngờ đi chơi cùng “người ấy”, hay “người yêu nhất định không cho diễn sô này”… Có cô sau khi nhận sô được một đơn vị khác trả cát sê cao hơn đã viện ra đủ lý do để có thể từ chối mà quen thuộc nhất là cáo bệnh hay người thân trong gia đình lâm bệnh nặng.
Anh Tạ Nguyên Phúc (Giám đốc điều hành Công ty P.L) nói thêm: “Ngày xưa dù kiếm tiền ít nhưng các cô đến với nghề vì đam mê. Bây giờ quá nhiều sự bon chen, đố kỵ nên mọi thứ phức tạp hơn. Chuyện yêu đương, tranh giành vị trí dẫn đến chửi nhau rồi không nhìn mặt nhau cứ diễn ra”.
Cô bé 15 tuổi bị sỉ nhục.
Đó là chuyện các đàn chị “chảnh”. Chuyện các
em “mới chập chững vào lò” còn bi đát hơn. Điển hình là scandal cháu Quỳnh Anh 15 tuổi cùng mẹ đi dự cuộc thi Tài Năng Trẻ (Vietnam’s got talent) làm dư luận om xòm. Giản dị là cháu Quỳnh Anh hát được 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Ý, Hàn, Trung Hoa… Nhưng em đã bị Ban Giám Khảo loại. Bà mẹ đã cầm micro tỏ thái độ phản đối quyết định này. Thật ra câu chuyện chỉ có vậy, nhưng sau đó đã bị dư luận chế diễu, đả kích gây nên môt làn sóng “ném đá” dữ dội vào em Quỳnh Anh cùng gia đình em. Tôi đã xem show hài gọi là “Thư giãn cuối tuần” trên đài VTV3 (THVN) châm biếm gia đình cháu cùng cháu Quỳnh Anh. Tất cả gồm 5 diễn viên hài được coi là danh tiếng của sân khấu VN ra sức biểu diễn những cảnh hề với những lời lẽ khá cay độc để miệt thị gia đình và chính em bé Quỳnh Anh.
Đây có phải là bài học cho những ông bố bà mẹ nuôi mơ ước một thiên tài con? Và đây có phải là một mối đe dọa cho những thí sinh hy vọng vào tương lai mình không?
Nữ công nhân và sinh viên vừa đi làm, đi học lại vừa bán dâm.
Nghịch cảnh đau lòng hơn là cảnh một số công nhân từ quê ra tỉnh không thể vượt qua cuộc sống túng thiếu và họ đã dấn thân vào con đường làm gái bán dâm. Theo báo Đất Việt, câu chuyên về cô công nhân tên Ngọc tại Khu Công Nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng bị bắt vì tội bán dâm. Ngọc còn cho biết nếu cần cô sẽ kéo thêm một người bạn nữ công nhân nữa đi “phục vụ” vì hiện giờ cô này đang về quê. Cả hai vừa đi làm vừa bán dâm “kiếm thêm thu nhập”. Tôi không muốn tường thuật chi tiết về những hoàn cảnh này, tất cả cũng gần giống nhau, chỉ vì sinh kế mà thôi.
Nhưng lại có những cô gái trẻ đẹp bán dâm không phải vì có gia cảnh nghèo khó hay hoàn cảnh gì đặc biệt, chỉ vì thích được chiều chuộng, ăn chơi đua đòi trước những tiện nghi xa hoa quyến rũ trước mắt.
Cũng theo báo này, tại một hội nghị về công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm, thông tin gây chú ý đưa ra là trong thời gian qua, ở một số địa phương đã xuất hiện gái bán dâm còn ngồi trên ghế nhà trường. Cụ thể như NTTL (20 tuổi, quê tỉnh B.T) là sinh viên năm thứ 2 của một trường Đại học dân lập. Kể về thời gian trở thành gái bán dâm chuyên nghiệp khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. L. nói, sau khi tốt nghiệp cấp 3, L. may mắn vào học tại một trường ĐH dân lập. Chỉ sau vài lần theo bạn lên quán bar chơi, L. đã gặp vài đại gia và chẳng bao lâu sau cô trở thành “bồ” của đại gia rồi trở thành gái gọi chuyên nghiệp dưới sự môi giới của một ‘má mì”. Từ đây, sáng L. đến trường, tối lại theo các đại gia góp vui cho họ. Sợ bố mẹ biết chuyện nên L. vẫn cố đi học. Mãi đến khi L. bị bắt quả tang về tội bán dâm thì bố mẹ của L. mới vỡ lẽ… Tôi chưa nói đến cảnh một số sinh viên bảnh trai làm “trai bao” cho mấy bà sồn sồn thích của lạ.
Với tất cả những “hoạt cảnh” văn hóa vừa dị hợm, vừa sa đọa như bạn đã thấy, tất nhiên phải tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến lớp trẻ mới bước chân vào đời. Họ mâu thuẫn, thèm khát và chán chường cùng một lúc. So sánh kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2008 cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên gấp 7 lần.
Tự tử và khỏa thân sống chung không còn là một điều lạ, nó phù hợp và tượng trưng cho hoàn cảnh người ta phải sống bằng hai mặt. Nói điều phải nói chứ không phải những gì họ đang nghĩ.
Văn Quang
Theo NgườiViệtBoston
Gửi ý kiến của bạn