BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73245)
(Xem: 62215)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi bụi Campuchia (Phần 2) - Siêm Rệp thẳng tiến

14 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 3544)
Đi bụi Campuchia (Phần 2) - Siêm Rệp thẳng tiến
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đi Nông Pênh về rồi, hí hửng khoe với cộng đồng bô lão: Tui qua Nam Vang rồi nghen. Một bạn già xì môi ngó xấu thấy ớn: Tưởng gì, qua Cam mà hổng biết Siêm Riệp coi như chưa qua Cam.

 

Mới đầu tức lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chả nói cũng phải. Cái nơi, cái chỗ đại diện cho Cam, bộ mặt Cam đưa ra toàn thế giới mà mình chưa biết gì thì thiệt đúng là chưa biết Cam thiệt. Mặc dù mình có nói lý cho dữ, thí dụ như là: Thủ đô Cam là Nông Pênh, thí dụ như là: vì tui đi bất tử nên không có đủ thời gian thì kết quả cũng là chưa biết gì về cái nơi nổi tiếng thế giới đó thôi (Ai nói không nổi tiếng thế giới là tui hổng chịu đâu nhen, mấy ông Ho ly út còn khiêng vác đồ đoàn qua quay phim mờ). Vậy nên hễ ông bà nào qua lại quánh bài ở casino bên đó hà rầm mà chưa đi Siêm Riệp thì cũng coi như bù trất luôn. Khỏi tính.

 

Quyết chí thăm đền Đế Thiên Đế Thích nên lên mạng tra đường đi nước bước trước chớ không ngẫu hứng như đợt rồi. Thấy giá cả qua lại rẻ bèo, dù Siêm Riệp nằm ở hướng Đông Bắc của Cam, ngó trên Google map nó xa thăm thẳm luôn. Giá xe Kumho lúc đó từ Sài Gòn tới Siêm Riệp là 420 ngàn tiền Việt. Xe Mai Linh, Sapaco là 470 ngàn (trên mạng nói vậy đó), thấy cũng không mắc mỏ gì. 26/4, ông huyện nhà hỏi vợ: lễ này nghỉ, đi chơi đâu đây em? Là mụ vợ trả lời không cần suy nghĩ. Siêm Riệp.

 

Chiều 27 ngủ lại khách sạn Oriental ở góc Đề Thám – Phạm Ngũ Lão. Kinh nghiệm là muốn du lịch ở bất kỳ đâu thì nên tới khu Tây ba lô này ở, sang hèn kiểu gì cũng có. Và nếu đừng có quá ham vui đua đòi thì bạn cứ yên tâm ăn ngủ thoải mái, còn mấy bạn hồi xuân muốn hưởng nốt chút ngày tàn thì tác giả không dám có ý kiến. Vì ở khu này người tốt người xấu giống nhau hết. Giá cả cũng vậy luôn. Một ổ bánh mì 15 ngàn hay 50 ngàn cũng có, mỳ Ý 200 ngàn một dĩa sánh duyên cùng mỳ Ý 65 ngàn. Ngắn gọn vậy để tả về khu này.

 

 Lễ tân KS nhiệt tình tư vấn tìm xe cho khách, nhưng giá cả có tăng thêm đôi chút, tất nhiên rồi, tiếc là lúc đó Kumho, Mai Linh hay Sapaco cũng đều hết vé. Nhờ vậy mới biết ngoài mấy hãng xe được kể trên mạng, thì xe qua Cam còn tùm lum tá lả ở khu này. Hai vợ chồng già đổi ý, muốn tự đi tìm xe cho mình chớ không thông qua khách sạn nữa. Đi thêm vài chục mét thì thấy mấy hãng du lịch chào mời đi tour, nhưng mà già này rất ghét bị bó buộc trong tour du lịch nên sau cùng hân hoan vừa ý chọn được open tour của hãng Sinh (Không hề có ý muốn quảng cáo nhưng thật sự là đã đi xe của Sinh ở tuyến đường Huế - Đã Nẵng và thấy không có gì để phàn nàn), giá vé là 560 ngàn, thắc mắc thì được nghe trả lời dịp lễ 30/4 nên tăng giá 15%. Học thêm bài học kinh nghiệm là đi du lịch phải tránh xa mấy ngày nghỉ lễ.

 

 

Vì lên xe lúc 6h15 nên phải bỏ bữa buffet của khách sạn mà lận lưng mấy ổ bánh mì. Truyền đạt chút kinh nghiệm cho mấy bạn là nếu đi Siêm Riệp thì nên đem theo nhiều nhiều đồ ăn, vì đường xa nên nhà xe ghé lại trạm rất vội vả, chỉ kịp để đi W.C thôi. Với lại khi qua Cam thì thực phẩm có khác với mình chút, đôi khi không thích hợp. Đúng 6h30 xe lăn bánh, theo tuyến đường Xuyên Á, qua Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh để tới cửa khẩu Mộc Bài.

 

 

Cậu phụ xe (hay HDV) người Cam đã thu hộ khẩu hành khách từ lúc còn ở Hóc Môn, sau khi hý hoáy khai hộ mỗi người thì ôm hết đống sổ vào Đồn Công an. Trong đồn Công an biên phòng bự chành quành này có nhiều, rất nhiều người Việt bán sim điện thoại Cam và đổi tiền. Năm ngoái tôi đổi tiền ở Khánh Bình chỉ có 1 giá (1 triệu tiền Việt = 200 ngàn riel). Còn ở đây thì … hên xui. Chồng tôi đổi 1 triệu lấy 170 ngàn, tôi đanh đá hơn nên đổi được 185 ngàn. Tất cả cũng là vì không thấy chỗ đổi tiền của Nhà Nước Việt Nam ở đâu hết. Nói chí tình cũng có 1 cái bàn đề chữ ngoại tệ nhưng vắng tanh như chùa bà Đanh.
 

 

 

Cửa khẩu Mộc Bài thật lớn, nhưng theo tôi đánh giá là sắp xếp không khoa học chút nào(cái này chuyến về tôi sẽ nói lý do). Có nhiều cửa vào trình báo dành cho khách đoàn và khách lẻ. Khách lẻ thì không nói, còn khách đoàn thì láo nháo như cái chợ, và với những người mới đi lần đầu như chúng tôi thì y hệt gà mắc tóc. Đó là người Việt nhen, còn các du khách nước ngoài tệ hơn nữa, ngơ ngơ như bò đội nón. Nhiều người cũng quay sang hỏi thăm, nhưng hỏi trúng mấy con gà mắc tóc thì cũng bó tay thôi. Sau một hồi chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại, chúng tôi mới nhận lại được hộ chiếu, rồi đi qua cái cửa sau, lên xe chạy thêm mấy trăm mét nữa là tới cửa khẩu Bavet (tỉnh Svay Rieng) nước bạn.

 

 Nếu như năm ngoái tôi đi bằng cửa Khánh Bình thấy vô cùng thoải mái thì năm nay đi bằng cửa Mộc Bài mới thấy khẩu Bavet ở Campuchia thiệt là lâu lắc quá chừng. Xếp hàng vô tới 1 cái máy gì đó có ông Công an Cam già ngắt vừa ngắm nghía hộ khẩu vừa nắm tay mình đặt vô máy, hết nguyên bàn tay rồi từng ngón tay, hết xòe tay tới nắm tay. Kiểm tra kỹ lưỡng như vậy mà chỉ có 2 cái máy, 2 ông già làm – buồn chán quá chừng (phải để người trẻ trẻ đẹp đẹp thì có phải dài cổ chờ cũng còn được ngắm nghía chút chớ). Kiểu này hèn chi nghe nói mấy bà cờ bạc lóng rày chuyển qua khẩu Khánh Bình vừa đỡ tốn phí xuất nhập cảnh vừa khỏi mất công chờ đợi.

 

 Không như Chraythom - Khánh Bình chỉ có 2 casino, cửa khẩu Bavet không hổ danh cửa khẩu Quốc tế; một loạt casino, khách sạn nhà hàng sang trọng mọc như nấm. Phải thôi, muốn đánh đấm cho sung phải có chỗ ngủ, chỗ ăn sang trọng cho đủ sức khỏe chớ. Nghe giang hồ đồn là Nhà nước Cam chỉ cho công dân nước họ mở sòng bài, phục vụ cơm nước em út tưới tắm. Nhưng đặc quyền đánh bài là chỉ để dành cho khách du lịch thôi, và người Việt mình luôn luôn được hưởng tiêu chuẩn khách VIP. Nghe vậy thấy người Việt mình oai phong ghê gớm heng, chỉ là suy nghĩ của nước người ta là hễ công dân nước nào mà oánh bài nhiều thì có nghĩa là dấu hiệu không tốt cho nước đó, nên công dân Cam chỉ được phép vĩnh viễn làm công nhân phục vụ, kể cả chia bài và cò mồi. Vậy chớ cũng giúp giải quyết công ăn việc làm của dân Cam nhiều lắm, mỗi casino cả trăm người, mà cửa khẩu nào bét nhứt cũng 2 cái.

 

Vậy thôi, nhưng chỉ vài chục cây số sau thì cảnh quan hai bên đường cũng không khác gì quốc lộ 21 đi năm ngoái. Cũng những thửa ruộng khô cằn và đàn bò trắng gầy giơ xương nằm nhai đi nhai lại. Nghe đâu nông dân nước này mỗi năm chỉ làm một mùa, nhờ vào phù sa nước sông. Đồng ruộng ở đây không có hệ thống tưới mà chỉ trông cậy vào thiên nhiên. Vì thế nói chung, nông dân Cam nghèo và nhàn rỗi.

 

 

 
  Từ Mộc Bài tới Nông Pênh sẽ phải đi qua một bến phà rất chi là chán (nghe đâu Chính phủ Cam sắp tới sẽ xây cầu). Phà Neck Luong đông đúc và dơ bẩn, còn thua xa phà Mỹ Thuận của mình 40 năm trước nữa. Xe dừng lại chờ vì nhiều xe nhưng mấy cái phà nhỏ xíu. Khách trên xe nhao nhao đòi đi WC nên tài xế với HDV mặt mũi nhăn như khỉ, hối lia lịa. Mọi người chia nhau chạy vô mấy cái quán ăn ven đường, chìa 2000k tiền Việt hay 500 riel để giải quyết sự việc, làm tôi nhớ bắc Mỹ Thuận 40 năm trước hết biết.

 

Trên phà có nhiều người bán côn trùng, nói thiệt là có muốn tập thưởng thức món ăn lạ cũng bó tay khi thấy mấy cái thau dế rang (hay chiên) đội ngơ ngơ trên đầu không có cái gì che lại, mà bến phà còn trong trình độ sơ khai, bụi bặm dơ dáy vô cùng. Người ăn xin, bán vé số cũng có, và cũng mè nheo chẳng khác người Việt chút nào.

 

Qua bên kia bờ thấy đường sá tốt hơn chút, và xe cộ chạy cũng kinh khủng luôn. Giao thông ở đây còn giang hồ hơn bên Việt mình nhiều lắm. Mũ bảo hiểm chỉ bắt buộc người lái xe máy đội thôi, ngồi sau tùy thích. Xe khách Cam thì muốn chở kiểu gì cũng được, trên mui hay đeo bám là cứ thoải mái, nhiều chiếc chạy ngang thấy chen không khác gì xe khách chất lượng cao cơm tù ở Việt Nam. Được cái là tài xế bên này nhường nhịn nhau hơn bên mình. Vậy mới thấy đi open tour của Sinh, xe máy lạnh rộng rãi thiệt là sướng.

 

 

Xe đến Nông Pênh lúc 1g40, dù tại bến xuất phát thông báo là 12g30. Xe không ghé ăn dọc đường mà mình thì kg dám mua thức ăn vỉa hè nên đói rã ruột luôn, do chủ quan 12h30 là có thể ăn rồi mà, may là hồi sáng 2 vợ chồng mà mua tới 3 ổ bánh mì. Thật ra 12h30 chỉ là khi đến GẦN Nông Pênh thôi, còn chạy quanh quanh để tới nhà xe Sinh thì thêm cả giờ nữa. Tuy Nông Pênh không kẹt xe dữ như Sài Gòn nhưng cũng rề rề mới tới được. Khách tour của Sinh thì có ăn liền, còn mình open tour thì ngồi đó chờ, may là ông tài xế hối dữ lắm nên sau cùng cũng có cái ăn, dù tính ra thiệt là mắc.
 

 

Rời Nông Pênh đi Siêm Riệp lúc 2g30 chiều. Lúc này mệt rồi, xe chạy xoay hướng nên nắng chiếu quá, kéo màn lại ngủ luôn cho khỏe, khỏi biết gì kể luôn. 4g chiều xe dừng lại trạm bên đường, sau khi trong WC trở ra là lo kiếm cái ăn (sợ rồi). Mua tạm hộp cơm chiên, cái bánh bao, bịch hột sen luộc với 2 hộp nước trái cây thôi. Thấy xoài, thơm gọt sẵn đẹp hết sức mà hổng dám ăn, tại thấy nó dơ dơ. Quên kể lại là hai bên đường đi cũng nghèo nghèo chớ không có gì, tới cái quán bên đường này cũng còn thua mấy cái trạm dừng chân ở bên mình xa lắc.

 

8h30 xe mới tới Siêm Riệp. Buổi chiều ngồi trên xe tán tào lao với thằng nhóc cũng đi bụi như mình, nên khi xuống xe thì tự nhiên có thêm bạn mới. Hỏi thăm thì trạm xe Sinh cho biết giá đoàn du lịch Angkor là 18 USD mỗi người, bao gồm xe và hướng dẫn viên + khăn mặt + nước uống. Cương quyết không gia nhập tour, 3 thành viên nhà bụi ra ngoài ngoắc cái tuk tuk chạy xuống khu bình dân ngủ. Anh bạn xe tuk tuk hăng hái hỏi thăm chuyến du ngoạn ngày mai và chịu giá 15 USD/ chuyến xe chạy vòng quanh khu du lịch cả ngày. Kể thêm chút cười chơi, ông huyện nhà vốn là thông dịch viên nhiều năm, cộng thêm cậu nhóc mới nhập hội là kỹ sư IT, mạnh dạn tuyên bố làm việc với người ngoài quen rồi. Nhưng trao đổi với tài xế tuk tuk thì phải là tác giả, vì kẻ hèn này chỉ biết nói tiếng Anh giang hồ thôi. Khỏi cần văn phạm với động từ bất quy tắc chi cho … khó hiểu. Chớ 2 kẻ kia nói mõi miệng thì bạn tuk tuk cũng chả hiểu gì. Sau đó xe dừng lại tại 1 bar giá phòng 25 USD(theo địa chỉ của nhóc IT truy trên mạng), tác giả thấy chỗ này toàn mấy ông Tây say rượu nên lật đật xách giỏ chạy có cờ. Bạn tuk tuk liền chở mọi người tới khách sạn Sophir ở gần đó, giá 15 USD mỗi phòng. Bình dân kiểu này thì ngủ liền chớ còn chờ gì nữa.

 

Sáng bữa sau vừa ra khỏi cửa là hít được mùi thịt nướng thơm lừng. Té ra KS mình ở sát bên một quán ăn Việt – Hoa khá sạch đẹp. Bàn kê một dãy dài nên tác giả ngồi tán tào lao với đoàn khách Việt mô tô ba lô cũng ở cùng Sophir. Té ra nhiều người khoái đi giang hồ bụi bặm thiệt, chớ chiếc mô tô khủng của họ đâu rẻ rúng gì. Sau khi 3 người dứt hết cơm tấm sườn, hủ tíu xương và mì thịt bò thì hỏi nhau là có biết bạn tuk tuk Savoy hôm qua có nhớ đón mình không, vừa dứt câu thì đã thấy bạn ấy xuất hiện rất đúng giờ.

 

 Khu Angkor là một khu rừng lớn, rất lớn. Tuk tuk chạy vào con đường cây cối mát lạnh rồi rẽ vào khu bán vé. Vé ở đây có 1 ngày, 2 ngày, 4 ngày và 7 ngày. Vé 7 ngày là áp dụng cho tất cả mọi điểm tham quan ở Cam. Chúng tôi xếp hàng và trình hộ chiếu, chụp ảnh vào 1 cái thẻ có tên tuổi trong chỉ 1 phút. Công nhận là cái này mấy anh Cam thiệt là thông minh, và với số lượng du khách tham quan thế này thì chắc không bao lâu nữa dân Cam còn giàu hơn dân Việt. Thử nhân lên 20 USD mỗi người với số du khách đông đảo đen kín là biết. Một năm lại có những 365 ngày. Cộng tiền tham quan với tiền casino thu được mà Campuchia không giàu mới là lạ nhen. 

 

 Quần thể kiến trúc Angkor về bản chất là những đền đài được các vị hoàng đế Khơme kỳ công xây dựng từ năm 802 đến năm 1432 sau công nguyên. Vào thế kỷ 15, vì nhiều lý do, thủ đô của Cam chuyển về Nông Pênh và Angkor bị bỏ rơi cho đến năm 1860 mới được người Pháp tìm thấy. Toàn cảnh khu Angkor rộng 160 km2, bao gồm hơn 200 đền miếu lớn nhỏ khác nhau, ngôi đền mà chúng tôi nhìn thấy đầu tiên là Angkor Wat.

 

Angkor Wat uy nghi làm hoàn toàn bằng những khối đá lớn nặng hàng chục tấn xếp chồng lên nhau, bức tường rào đá cao 8m, dày 1m. Ngôi đền cao hơn 60m được bao quanh bởi bốn mặt là nước. Nghe đâu chiều cao được coi như mức cấm cho các đền đài ở Cam (hay ít nhất là ở Siêm Riệp). Còn hào nước xung quanh có lẽ dùng để đưa những tảng đá khổng lồ về xây dựng. 

 

 Savoy dừng xe đợi chúng tôi ở khoảng đất trống có cây bồ đề và chúng tôi phải đi bộ vào đền Angkor Wat – còn gọi là đền Đế Thiên. Lúc này tôi rất tức cười khi phát hiện ra mình bị lừa khi tra google. Vì hào nước chung quanh đền thì xa, rất xa với ngôi đền chính; hình như chiều dài con đường độc đạo vào đền lên đến 230m.. Do vậy những bức ảnh Angkor Wat soi mình xuống giòng nước lung linh thực chất chỉ là sản phẩm công nghệ photoshop hoặc cùng lắm là hàng rào ngôi đền mới có thể soi mình xuống nước thôi (về nhà rồi tra google kiếm được ảnh chụp từ trên cao làm chứng nè), chớ cái ao sen chút xíu trước đền thì tuổi gì mà cho đền Angkor soi mình được.

 

 Chu vi gần 6km và diện tích khoảng 200 ha, là ngôi đền lớn nhất và có kiến trúc đặc trưng nhất, trở thành biểu tượng của Campuchia, Angkor Wat được xây dựng từ đầu thế kỷ 12, và mặc kệ những thắc mắc chưa có ai trả lời được sau 9 thế kỷ, Angkor Wat đã làm nên những kết cấu hình bán nguyệt và mái vòm bằng nguyên liệu nặng nề nhất là đá mà không hề có chất kết dính. Với 5 ngọn tháp in trên nền trời và ngọn tháp cao nhất làm trung tâm, Angkor Wat có kiến trúc hình chữ nhật với hào nước bao quanh, 5 cửa và hàng rào tường đá. Trên các bức tường là những bức chạm khắc các câu chuyện về tôn giáo, chiến tranh, điệu múa dân tộc Apsara và những hoa văn đặc biệt. Do lối vào chính từ hướng Tây, nên hình ảnh ngôi đền đồ sộ nổi bật lên trên ánh sáng chói chang của mặt trời.

 


 


 


 


 


 

Chánh điện Angkor Wat là một kiến trúc 3 tầng bằng đá xanh, nối với nhaubằng những hành lang chạm trổ hoa văn phù điêu rất tỉ mỉ sắc sảo, và hình như toàn thể ngôi đền không chỗ nào là không có điêu khắc. Mặc dù nguyên tắc xây dựng là xếp đá trước rồi điêu khắc sau, bằng chứng là tại một số cây cột ở tầng thứ nhất vẫn còn những bức tranh điêu khắc dang dở. Nhưng các đường nét điêu khắc trên đá tỉ mỉ đến mức vẫn còn có người hoài nghi là chúng được làm trên những khuôn mẫu có sẵn.

 


 


 

 


 

 

Tầng 2

 


 


 Tầng 3 – tầng cao nhất – còn được gọi là thiên đàng. Nơi không dành cho người cao tuổi, tim mạch và những bộ quần áo hở hang. Các cầu thang đi lên tháp trung tâm chia làm 4 mặt, dốc đứng 45 độ, hẹp và khó leo. Một trong những gian phòng lớn của tháp trung tâm phía bên trái là ngôi phòng tiếng vang khi du khách vỗ nhẹ lên ngực.

 


 


 

Trên nhìn xuống


Rời Angkor Wat, Savoy đưa 3 người chúng tôi tới Bayon nằm trong khu Angkor Thom – còn gọi là đền Đế Thích. Angkor Thom rộng 9km2, bên trong có nhiều đền thờ như Baphuon, Phimeanakas, Bayon và cả Sân Voi nữa. Nhưng vì không có nhiều thời gian và phần lớn chúng đã rất hoang tàn nên chúng tôi chỉ ghé lại Bayon và Phimeanakas.
 










 
Các bác ấy đang nâng thím Naga 7 đầu, nhưng mà lâu quá nên bị tùng xẻo mất rồi

 


 

Với tôi, Bayon quá đẹp, một cái đẹp u buồn, man mác xao xuyến lòng nếu như so với Angkor Wat hùng vĩ. Tưởng như chui qua cánh cổng bằng đá, có hai hàng thần linh è ạch khiêng thím rắn 7 đầu ấy là ta đã lọt qua một thế giới khác, thế giới cổ tích với rất nhiều khuôn mặt chen chúc nhau. Cũng với cấu trúc 3 tầng nhưng 2 tầng dưới hình vuông, tầng trên cùng là những ngôi tháp xoay tròn mà tất cả mọi mặt đá đều trở thành mặt người. Các khuôn mặt từ nhỏ tới lớn và tới khổng lồ ấy hiện lên đủ mọi nét vui buồn, từ xa nhìn vào như một đống đá lổm chổm nhưng khi đến gần đâm ra cảm thấy như bị các đôi mắt đá ấy theo dõi, rình rập. Hành lang tầng dưới là hàng ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá miêu tả văn hóa dân gian, những khuôn mặt hoàng gia, các trận đánh lịch sử cả thủy lẫn bộ. Tôi như lạc vào mê trận với trùng trùng điệp điệp gương mặt đá vây quanh, những đôi mắt lạ lùng dò hỏi.
 

 

 

 






 

 



Rời Bayon, chúng tôi đi ngang Sân Voi nhưng không vào, bạn Savoy bảo chúng tôi trong đó kg có gì hết. Bạn ấy chở chúng tôi tới Phimeanakas, còn gọi là Đền trời - nơi có truyền thuyết các vị vua Cam hằng đêm phải đến để gặp gỡ tình tự với rắn thần Naga trong lốt người. Đó là một kim tự tháp hình vuông, nghe đâu trước kia có tầng trên cùng được làm bằng vàng, là nơi để thím Naga ngự đến, nhưng nay đã biến mất tiêu, chỉ còn nhôm nhoam như cái lò gạch, vậy mà 2 bạn nhà mình cũng ráng leo lên tầng cao nhất để mong nhìn thấy được cái vảy của rắn thần.



 



 

Lướt qua đền Baphuon, Sân Vua Cùi và 12 tháp, chúng tôi nghe bụng sôi ọc ạch nên bảo bạn Savoy chở đi ăn. Có lẽ còn quá trẻ nên bạn ấy ngại ngùng từ chối khi chúng tôi mời vào. Sau khi thuyết phục bằng đủ loại tiếng Anh từ cao đến thấp và cả 2 tay, bạn ấy mới đồng ý đi cùng chúng tôi đến khu ăn uống gần đó. Trong khi chúng tôi lúng túng với menu thức ăn lạ hoắc thì bạn ấy tì tì chén cơm cà ry ngon lành. Ông nhà tôi chọn cơm chiên (dù nắng khô cổ), tôi chọn 1 tô mì rau cải, khổ nhất là nhóc IT nghĩ ra một món tổng hợp rồi sau cùng ngán quá ăn không vô. Trong bữa ăn, nhóc IT dùng hết khả năng tiếng Anh của mình ra để hỏi thăm bạn Savoy, và bày tỏ niềm ước ao được xem Angkor Wat trong nắng hoàng hôn. Thấy 2 bạn trẻ gật gù lia lịa coi bộ hợp cạ nhau ghê gớm.




Sau bữa cơm trưa, buồn ngủ quá chừng nhưng bạn Savoy cứ nhất quyết phải đi, chúng tôi đành phó mặc cho bạn ấy muốn chở tới đâu thì chở. Không ngờ nơi mà bạn ấy chở đến quả là đẹp – tuyệt đẹp luôn: Ngôi đền Ta Prohm – Nơi được phim trường Ho Ly Út chọn làm nơi để quay bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ.




 

 

Bấy giờ tôi mới nhận thấy cái trề môi của ông bạn già là đúng. Càng khám phá, đất nước Cam càng có nhiều kiệt tác say đắm lòng người. Rừng Angkor trùng trùng bạt ngàn gỗ quý xanh ngát một màu mát lạnh, đền đài Angkor kiến trúc quá sức đặc biệt đến độ ngỡ ngàng. Nếu bạn đã từng ngắm Angkor, bạn sẽ thấy những tháp Chàm ở Việt Nam không có gì đáng để mắt đến. Đất nước Cam quả thực là nơi cất giữ nghệ thuật kiến trúc cổ xứng đáng ngẩng mặt nhìn ra thế giới.



 

 

 

 

 



 

Đền Prohm – còn gọi là lăng mộ hoàng hậu, với 2 bức tường bên ngoài, diện tích 60 hecta được xây dựng năm 1189 với tên đầu tiên là Rajavihara (đền Hoàng gia), với nhiều phòng thờ cha mẹ, đặc biệt để tưởng niệm mẫu thân, vua Jayavarman cho gắn kim cương 4 bức tường, hiện nay vẫn còn vết tích. Một thời gian sau đó, đền được dùng làm nơi cho tăng lữ, sau đó lại là nơi dành cho các công trình nghệ thuật. Truyền rằng nếu đứng ngay trung tâm đền, dựa vào tường mà vỗ ngực. Nếu là người chung thủy tiếng vang vỗ ngực sẽ rất to.


Chúng tôi đến Ta Prohm sau khi chạy qua những bóng cây to lớn râm mát có hình thù kỳ lạ mà tôi chu chéo đòi dừng xe chụp ảnh dù bạn Savoy ra hiệu đừng. Càng vào sâu mới thấy bạn ấy đúng là thổ địa ở đây, cây cối tự nhiên kỳ lạ ở khu này nếu chụp mỗi cây chắc phải tốn hết cả chục thẻ nhớ. Qua cổng ngoài là một khu rừng nhỏ, có tiếng âm nhạc kẽo kẹt (xin lỗi tôi dùng từ không được chính xác) đằng xa. Hóa ra là của 1 nhóm người tàn phế vì mìn, họ kéo đàn và bán dĩa, nhận ủng hộ của du khách. Chỉ buồn cười là các bạn ấy cứ nhìn mặt bắt hình dong, đoán là du khách nước nào thì chơi nhạc nước đó, nên chuyện du khách Việt tròn mắt khi nghe nhạc Lào là điều dễ xảy ra (như tôi chẳng hạn).

Đền Prohm đẹp một kiểu cách rất hoang dại và vô cùng đặc biệt, đẹp lên cũng nhờ cây mà sụp đổ cũng vì cây. Những rễ cây Tung, cây Cầy (K’nia) to lớn khủng khiếp rũ dài xuống mái đền tạo nên những hình ảnh vô cùng sống động và kinh sợ. Rễ cây chi chít ở khắp nơi nhưng hình như (hay do bàn tay người) rễ tránh những nơi có tượng thần. Cây cối to lớn lạ thường, hùng vĩ vươn cao lên trời xanh. Tác giả cố gắng so tầm vóc gấu mẹ của mình với một thân cây mà sao thấy chẳng nhằm nhò gì hết. Một số nơi có căng dây không cho khách vào vì sợ nguy hiểm. Sân sau của đền rất thoáng mát và nơi đây nhìn thấy bàn tay thiên nhiên tàn phá, hủy hoại công trình con người qua bức tường rào nặng nề bị rễ cây lật đổ. Xem ra việc bảo tồn song song hai công trình cây xanh và di tích của đất nước bạn là rất khó khăn.

 


 


 

 


 


 

Sau hơn 1g chui ra chui vô mọi hang ngõ trong Đền Prohm. Savoy đưa chúng tôi chạy một vòng quanh bờ hào, không khí trong lành từ nước, từ cây xanh làm trút đi bao nhiêu mệt mõi của nắng trưa. Sau cùng, xe dừng lại ở chân đồi Phnom Bakheng. Đồi này là nơi ngắm mặt trời lặn đẹp nhất, ở đây người ta có thể nhìn thấy bình nguyên Siêm Riệp, thấy đỉnh núi Kulen và đặc biệt nhất là nhìn thấy Angkor lửa – tức là màu đỏ do ánh nắng mặt trời lặn chiếu trên đỉnh 5 ngọn tháp của Angkor Wat

 


 


 


 

Là ngọn núi thiêng của Angkor, dù đường đi dốc cao và có nơi không an toàn, mà trên đỉnh chỉ là một đền thờ đổ nát, nhung du khách vẫn xếp hàng để thưởng thức nắng hoàng hôn. Nghe rằng ở đây trên mặt đất có khắc một bàn chân khổng lồ và người ta gọi đó dấu chân Phật, còn sự kiện lý thú khác là có một ngôi mộ vuông nằm sâu trong mặt đất và dưới tháp cao chính của đền có một vùng trũng lớn tạo nên âm thanh cộng hưởng đặc biệt cho núi Pakheng
 

Chúng tôi đứng ngắm – và zoom máy ảnh để chụp, ngắm và chụp thôi chớ không lên vì thấy đoàn người rồng rắn xếp hàng quá dài. Savoy theo yêu cầu, đã đưa chúng tôi trở lại đền Angkor Wat để ngắm hoàng hôn, khi mặt trời chiếu những tia vàng vọt vào chính điện. Ống kính chộp được cảnh mấy vị sư nhỏ tuổi đang tạo dáng trước máy rất ngây ngô dễ thương.

 

Chúng tôi về, mệt lữ và vui vẻ. Cháu sinh viên IT còn dặn dò Savoy đến đón buổi tối đi chợ đêm Siêm Riệp. Vợ chồng tôi dạo quanh chợ, mua một số đồ lưu niệm , té ra ở chợ mắc hơn ở khu Angkor, dù đã học đòi trả giá như ai. Có người biểu tôi người Cam không làm hàng thủ công, họ chỉ nhập từ các nước chung quanh, trong đó có Việt Nam. (Chắc đúng, vì tôi mua 1 cái giỏ xách xinh xắn có bao bì nhập khẩu nhưng thấy nó hơi … quen quen. Sau này đi chợ… Đà Lạt thì gặp 1 cái sinh đôi như thế với giá phân nửa. Xấu hổ quá đi). Ngày mai, tôi quyết định về chớ không đi thăm một vài nơi như Cánh đồng chết hay Bảo tàng diệt chủng dù thật ra cách Siêm Riệp không xa. Tôi vốn dị ứng với bạo lực.Tôi cũng không có ý thăm thú biển Cam vì mỗi tuần tôi đều tắm biển Việt. Già rồi, ít tiền nên không lãng phí. Chúng tôi đăng ký vé xe của Sinh để về.

 

Chuyến về mọi việc không có gì để nói, trừ việc ngắm cảnh bên đường ở hai tỉnh Kompongthum và Kompongcham, tại hồi đi gặp lúc nắng chói nên kéo màn ngủ. Nhưng đoạn cuối ở cửa khẩu Mộc Bài gây cho tôi ấn tượng không tốt chút nào. 

Đã nói trong phần trên là cách sắp xếp ở đây chưa khoa học, các phụ xe (hay HDV) thu – nhận hộ chiếu của khách, đóng dấu rồi đọc tên trả lại. Nhưng khách thì đủ các quốc gia, mà cái tên đọc trong không khí ồn ào như chợ vỡ ở đây thì thiệt là tui người Việt còn phải dỏng lỗ tai lên mới nghe được tên mình. Vậy nên sau khi kiểm tra giấy tờ (có con chó hít heroin nhen) rồi lên xe, thì cả xe ngồi chờ hơn 1 tiếng chưa đi được. Lý do là có ông khách Hàn quốc đi tour mà tìm không ra hộ chiếu, bác tài xế te te chạy vô báo Công an. Ông Công an lắc đầu nói không biết, mười phút sau cuốn hộ chiếu được chuyển ra trạm công an gác cửa cuối cùng. Nhưng ở trạm này nói là người nhặt không chịu trả nếu không biết “lại quả” cho họ. Ông khách Hàn quốc đương nhiên không chịu vì tour đã nhận đảm bảo từ A tới Z. Tài xế không chịu vì ổng có biết gì đâu. HDV cũng chịu thua luôn vì đọc tên lên thì có người nhận, thời giờ đâu mà mở ra nhìn cát mẹt coi phải của họ không. Cuối cùng thì bác tài và HDV chia nhau lãnh đủ, nếu không chắc ở lại tới sáng mai. Mà cái vụ này làm gì có biên lai để thanh toán. Nhưng điều mà mọi người bức xúc chính là thái độ của trạm Mộc Bài. Cuốn hộ chiếu đó đáng lý phải được Công an Mộc Bài tìm và trả lại cho khách mới đúng, vì chính mắt tài xế nhìn thấy nó nằm trên bàn của ông Công an, nhưng ông Công an thì tỉnh bơ như không có nó, và cũng tỉnh bơ đưa cho một bạn hiền khác để chuyển ra cho bạn hiền trạm cuối cùng. Vài trăm ngàn quả là không lớn, nhưng nó làm tôi thấy xấu hổ cho những người được gọi là bạn của dân. Chuyện này xảy ra lúc 5 giờ chiều ngày 30/4/2013.

 

Vậy là kết thúc chuyến đi bụi Cam của vợ chồng tôi. Không biết tôi có còn trở lại Cam lần nữa hay không? – Chắc là có vì tôi vẫn chưa được vào Cung điện Hoàng gia, chưa được đưa tay chạm vào pho tượng vàng 90 kg của họ và nhất là chưa được coi điệu múa Apsara. Hẹn lần sau nhé, đất nước bạn thân mến.

 

Anchu

 

Cám ơn cháu Phách đã giúp cô có được những hình ảnh đẹp trong chuyến đi
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Mười Hai 20138:00 SA
Khách
Đọc hai bài viết thật vui và hấp dẫn. Bạn đã miêu tả mọi chi tiết, mà đi theo tour không đủ thời gian để ghi nhận hết. Mình cũng phải về khám phá lại trên G. và cứ lâng lâng cảm giác say mê cảnh quan kỳ bí của C. hàng tháng chưa dứt. Nhưng không khôn ngoan như bạn, mình có thêm một chuyến Biển Hồ vừa tổn phí vừa để lại một ấn tượng không tốt chút nào. Chúc hai bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn