BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi bụi Campuchia (1)

02 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 3119)
Đi bụi Campuchia (1)
51Vote
40Vote
33Vote
20Vote
10Vote
3.54
Cả năm nay, nói viết về chuyến đi bụi ở Cam. Nói hoài, nói hoài mà làm chưa được. Không lẽ mình lại là người nói được làm không được sao ta? Hay già quá rồi sanh ra làm biếng? Chắc cái nào cũng có lý hết nên cứ “quy hoạch treo” chuyến đi vượt biên này hoài hà.

 

Nói vượt biên bây giờ thiếu gì người cười, vượt qua Phi, qua Úc nghe còn có lý, chớ mắc gì mà vượt qua cái chỗ xêm xêm nước mình. Nhưng nói gì thì nói, cũng có chút lý lẻ để kể nghe chơi.

 

Đầu tiên là chuyến đi ngẫu hứng của hai vợ chồng già, lang thang vô núi Sam cho biết cái miễu bà Chúa xứ danh tiếng nó lớn cỡ nào. Cũng may, đi không trúng mấy ngày thiện nam tín nữ cúng dường, nên cái chợ Núi Sam cũng còn đường trống để đi. Chớ nghe đâu, mấy ngày Vía Bà, người ta chen nhau tới nỗi bị móc túi cũng không làm sao biết.

 


 

Buổi sáng vươn vai thoải mái sau một giấc ngủ ngon ở Khách sạn Bến đá – trong con mắt của kẻ hèn này thì nó là cái khách sạn đẹp nhất ở đây, vì nó có 1 cái vườn rộng, một nhà ăn thoáng mát xinh đẹp và rất đặc biệt là có con đường dẫn xuống bến thuyền thật xinh xắn.

 


 


 


 

Ăn sáng no nê, hai vợ chồng già mới lẩn thẩn hỏi nhau bây giờ đi đâu đây. Thì đã đành giáp ranh Campuchia rồi, lẽ nào không bước qua một bước nữa cho vui chớ. Hôm trước có lần lên mạng, thấy nói miệt này có cái cửa khẩu gì đó mà con nít cũng vượt biên được. Vậy là hỏi thăm, người ta nói ở đây có 2 đường qua Cam là Tịnh Biên và Khánh Bình. Tịnh Biên là cửa khẩu lớn ai cũng biết, vậy thì con đường vượt biên nhỏ tí nị đó chắc chắn phải là Khánh Bình.

 

Hỏi thăm (lại hỏi thăm) thì biết Khánh Bình cách Núi Sam 35 km, phương tiện di chuyển thì tùm lum: taxi, xe đò, xe ôm, xe bus thứ gì cũng có. Sau khi làm thủ tục gởi con la ghẻ và gần hết đồ đạc lại khách sạn (bụi thì phải zị chớ - học bên nhà Phượt đây), hai ông bà già tooòng teng hai cái xách nhỏ bắt đầu tình sử du lịch bụi Cam.

 


 

Mới đầu tính ngồi xe lôi, một loại xe rất đặc trưng miền Tây (có 2 loại nha, xe lôi đạp và xe lôi máy) cho nó đúng kiểu bụi, nhưng ông huyện nhà ta lại lo lắng là đường từ Núi Sam ra Châu đốc có nhiều đoạn hơi … đoạn trường tân thanh; mà dân miền Tây nhà mình cái kiểu sáng uống ba miếng sương sương rồi mới đi kiếm cơm, tính an toàn cho hai thành viên hội cao tuổi rất chi là bất khả thi, nên đổi ý tót lên cái Mai Linh cho nó lẹ.

 


 

Lưu ý là trên tuyến đường Núi Sam Châu Đốc, có một ngôi chùa mới xây rất đẹp, nghe đâu là của các Việt kiều gởi tiền về xây dựng.

 





Còn từ Châu Đốc tới Khánh Bình sẽ đi ngang hai ngôi chùa Hồi Giáo . Vì chợ Châu Đốc có nhiều người biết đến rồi, nên già này không nói qua ở đây nữa.

 



 

 

Cửa khẩu Khánh Bình là một nơi heo hút, chú em lái taxi trước khi quay đi còn chỉ bến xe bus để có đường quay về (hic- chắc sợ qua mấy cái casino nó lụm hết tiền du khách Việt, không có tiền gọi taxi). Mang tiếng là một cửa khẩu mà nhà dân hình như cũng không có gì khá giả cho lắm.


 

Là tuyến đường ngắn nhất từ biên giới VN đến thủ đô Phnom Penh (72 km), Khánh Bình có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ khá thuận tiện. Bên kia là cửa khẩu Chraythom (Kohthom, Kandal, Campuchia) nhỏ chút xíu chớ cũng thấy mấy cái nóc casino cao cao lấp lánh. Hình như có nghe ai đó nói rằng bên Cam họ xây casino khắp các cửa khẩu là để đánh dấu mốc lãnh thổ. Tới Khánh Bình rồi mới thấy câu này vô cùng chính xác vì dân ở cả hai bên cửa khẩu đều nhìn không đủ sức vào thăm casino chút nào.

 

Đây là bên phía Việt Nam, hai cái chợ nhỏ chút xíu, còn kế bên bên phà cũng có cái chợ chồm hổm, vài anh cò mồi chạy tới chạy lui đón khách qua Cam, ngoài ra cũng có những sạp đổi tiền rải rác. Ở thời điểm đó tôi đổi 1 triệu tiền Việt được 200 ngàn riel.


 


 

Chắc ở đây nhỏ quá nên không ai thèm chú ý tới ai, già này đi dạo một vòng cái chợ tí hon sát bến đò biên giới (hì hì), rồi nhân thể ngồi tán tào lao với mấy bác còn già hơn mình. Vui chuyện cả giờ đồng hồ để nghe kể về sự tích xưa lắc xưa lơ ở đây, Nói là vui mà sao lòng buồn man mác khi chuyện kể lại cả một gia tộc tàn sát lẫn nhau, tàn sát cho đến khi không còn một người đàn ông nào, vì có hai chỉ huy cao cấp trong giòng họ, một bên là Việt Minh còn một bên là Hòa Hảo. Cái lý tưởng và máu căm thù sục sôi trong họ đã đưa cả gia tộc thành một vết nhơ để đời trong cái nơi heo hút này.



Đồn Công an biên phòng dựa lưng vào chợ, nằm trên đường xuống phà. Viên đại úy thu 20 ngàn mỗi cái hộ chiếu, đóng dấu cái cộp vô; còn ai không có hộ chiếu thì cấp cho cái giấy thông hành. Theo sự giải thích của ông thì sử dụng giấy thông hành là vào cửa khẩu nào ra cửa khẩu đó. Hai vợ chồng lửng thửng xuống bến phà, bước xuống lòng chiếc phà bự khủng hoảng rồi mới nghe kêu éo éo sau lưng. Tưởng anh chiến sĩ biên phòng đòi kiểm tra hộ chiếu, hóa ra anh đòi 1 ngàn tiền phà. Trên phà đếm được mới có 7 người thì rời bến. Cái sông Bình Di tháng đó nhỏ chút xíu, phà vừa quay đầu là đã tới bờ bên kia. Vậy mới nói vượt biên kiểu này thì người biết bơi vượt qua vượt lại mỗi ngày ba chục lần còn kịp, vì ngoài phà chính thức (đại diện cho cửa khẩu) thì còn lu xà bu ghe thuyền nhỏ nhỏ bơi tới bơi lui, con nít nhảy xuống sông bơi qua bơi lại cười hí hí.



 

Tới đây thế nào cũng có người nói mình xạo, cửa khẩu gì mà qua như đi chợ vậy. Nói thiệt tình là vợ chồng tui biết dễ như vậy không hơi đâu mà chìa hộ chiếu ra trình làm chi cho tốn 20 ngàn. Để lát kể tiếp cho nghe, bây giờ tả con sông này chút xíu. Nói rồi, hai bên bờ Việt – Cam dân nghèo chết mụ nội, bên kia thả bộ một vòng thấy vậy, qua bên này lên bờ thả tiếp một vòng cũng thấy y hệt luôn.




Vậy mà 2 cái casino bự tổ chảng sáng lấp lánh từ xa réo rắc gọi mời. Nói thiệt, chỉ có dân Việt chỗ khác mới tới đây chơi, chớ bà con chánh gốc ở đây kiếm miếng ăn còn khó lấy đâu ra bài bạc. Nên tôi mới tin câu nói ở trên: Casino thực chất là để đánh dấu lãnh thổ Cam, mặc dù ít nhiều cũng có đọc 1 số bài báo nói về tình hình người Việt qua biên giới đánh bạc.



Khi đi thực tế, tôi thấy không cần phải giả dạng gì hết cũng dễ dàng qua biên giới. Mà cũng chỉ cần bước lên đất Cam là nhân viên của casino cũng đã kịp tới để mời mọc vào chớ không như một vài anh phóng viên nào đó rất khó khăn như đã viết. Nhưng khi tôi từ chối lời mời gọi rất nồng nhiệt (xe đến đây đón ngay) và bảo rằng mình chỉ cần đến tham quan dân cư vùng này thì người nhân viên cũng vui vẻ chào đi, không thấy có thái độ gì khó chịu. Tôi đi rảo hết 2 bên bờ sông, nhận thấy dân cư vùng này nghèo không thua gì dân cư vùng bên mình, cũng nhà lá trống trước trống sau, con nít đen thui bụng ỏng đít beo nhảy cái tủm xuống sông nhăn răng cười trắng xóa. Nó trái ngược lại với cảnh quan lộng lẫy dẫn vào casino. Chỉ tiếc là người ta không cho chụp ảnh ở cái nơi hoành tráng giết người đó.


 

 

Leo hết một cái dốc là tới đồn biên phòng, đưa hộ chiếu, đóng thêm 50k tiền Việt (không biết những người xài giấy thông hành thì đóng hết bao nhiêu), vợ chồng tôi ra bến xe sát bên, lên chiếc 16 chỗ cũ rích, làm chuyến du lịch bụi đúng nghĩa (mặc dù ông đại úy Việt Nam có biểu bỏ 20 USD ra thuê chiếc 4 chỗ chạy thẳng tới Nông Penh).

Thiệt tình mà nói, tôi rất tự hào khi chọn cách đi bụi bặm này (dù huyện nhà tôi chẳng thích chút nào). Lý do à? Kể nhen. Trên xe tính cả vợ chồng tôi là 11 người, cả Việt lẫn Cam, cả 1 ni cô người Việt nữa. Khi biết vợ chồng tôi lần đầu tiên qua Cam, không có người quen và không hề biết 1 tiếng Cam nào, cả xe ồ lên thích thú. Lưu ý là dân vùng biên nên đều biết 2 thứ tiếng. Vậy là 9 người họ bắt đầu phổ cập kiến thức cho vợ chồng tôi. Mấy người Việt thì nói về đất nước, phong tục ở Cam; còn hướng dẫn cách xài tiền và nơi, hoàn cảnh trả giá để không bị hớ. Còn người Cam thì bày cho vợ chồng tôi cách phát âm những từ đơn giản. Trên một chuyến xe bụi bặm giá 70 ngàn tiền Việt nam để tới Nông Pênh, tôi đã có được những tình cảm chân thành từ những người bạn mộc mạc quê mùa.

Quên kể chút khi qua cửa khẩu chừng vài cây số, có 1 đồn biên phòng nho nhỏ, ông hải quan Cam đọc đi đọc lại hộ chiếu của vợ chồng tôi. Tôi thấy ổng cũng đọc giấy tờ của mấy người Việt khác, nhưng cái chị ngồi kế bên tôi thì chả có miếng giấy nào, chị xổ một tràng tiếng Cam, rồi ông hải quan đó nói 1 tràng, rồi chị nói 1 tràng, rồi ổng nói 1 tràng, rồi chị ấp úng, rồi chị … móc ra 50k tiền Việt đưa cho ổng. Cả xe cười ồ. Sau này vợ chồng tôi được giải thích là chị nói chị là người Cam, ổng hỏi địa chỉ của chị, chị nói trật lất, vậy là chị phải chi tiền cho ổng. Té ra nạn hối lộ ở đâu cũng có. Anh ngồi sau lưng tôi còn cằn nhằn chị đưa nhiều quá, thiệt tình 30 ngàn được rồi. Tôi ngẩm nghĩ mới thấy mình trình cái hộ chiếu tốn 70 ngàn (50+20) là hao quá…..

Đoạn đường từ Chraythom tới Nông Pênh không xa lắm, hơn 70 km đủ để câu chuyện trên xe của chúng tôi ngày một thân mật. Những người dân quê hiền lành dễ mến nói cho chúng tôi biết về vùng đất hẻo lánh này, con đường nằm trên QL 21, đi qua những làng quê nho nhỏ, có đàn bò trắng ốm yếu gặp bụi cỏ khô. “Y hệt quê nhà mình anh há”. Đó là câu tắc lưỡi nhiều lần của tôi. Vẫn là những hình ảnh quen thuộc: Đống rơm, nhà sàn, cây trái, bụi đất và người dân hiền lành nghèo khó. Điều duy nhất khác với làng quê Việt Nam là tất cả mọi ngôi chùa ở đây đều được sơn son thiếp vàng, ngạo nghễ nổi bật lên trong bầu trời xanh biếc. Cho dù xung quanh đó chỉ là những túp lều tạm bợ, hay những ngôi nhà củ kỹ mốc meo nghèo nàn.

Tới Krong Ta Khmau, cách Nông Pênh 11 km, những người bạn trên xe sau khi hăng hái tình nguyện làm hướng dẫn viên đã làm thêm một việc cho tôi nhớ mãi. Họ điều đình với anh lái xe người Cam, chở vợ chồng tôi vào thủ đô Nông Pênh trước rồi mới quay lại thả họ xuống bến xe phía ngoại thành. Đến khu Darling (tên 1 quán cà phê lớn) là khu có nhiều người Việt, tài xế cho tôi xuống đó, mấy người Việt trên xe còn tận tình bước xuống chỉ cho tôi nơi để liên hệ cho người Việt, người khác gởi gấm chúng tôi cho mấy quán ăn người Việt xung quanh, rồi họ mới lên xe ra bến. Nơi đất khách quê người mà gặp những người đôn hậu như vậy, thiệt lòng tôi cảm động quá chừng.

Sau khi tìm được một nhà khách ở đường 111 – xin nói rõ là đường phố ở Nông Pênh hầu hết đều mang số, cậu lễ tân có tiếng Anh rất tốt sau khi nói giá, theo nguyên tắc chung đã hỏi giấy tờ. Tôi giả bộ kg có giấy tờ gì nhưng cũng chẳng sao hết, chỉ cần 1 hộ chiếu của chồng tôi thôi (thấy chưa, đã nói là vượt biên thoải mái mà, có ai thèm hỏi cái gì đâu, mà có hỏi thì bỏ ra 10 riel là cùng). Buổi trưa sau khi ăn một dĩa bánh cuốn rất Việt Nam ở một quán ăn có ông chủ người Việt, giá 4 riel, ngang với 20 ngàn tiền Việt; vợ chồng tôi bắt đầu lang thang đường phố Nông Pênh.

Là thủ đô nên Nông Pênh rất nhộn nhịp, là nói vậy thôi chớ thiệt tình mật độ xe cộ chắc chưa được một phần ba Sài Gòn. Rất hiếm thấy đèn đường hay Cảnh sát giao thông, nhưng Công an thì chạy tới chạy lui liên tục. Một điều mà theo tôi đánh giá là dân Cam hơn dân Việt, bởi vì người ta chạy xe trong thành phố (và cả trên đường quê) rất nhường nhịn nhau chớ không hăm hở lấn áp như ở bên ta. Một cái hay tiếp theo là có rất nhiều lề đường được trưng dụng làm chỗ đậu xe, vì bên đó chuyện buôn bán không tràn lan ra vỉa hè. Người ta kẻ những vạch xiên xiên trên lề đường, và ở mỗi park như vậy đều có người hướng dẫn xe ra vô (có thu phí hay không thì tôi chịu thua).

Tụi tôi vô một ngôi chùa lớn trang trí lộng lẫy. Ở Cam mọi ngôi chùa đều có chung một bài là sơn son thiếp vàng sáng lóe. Không biết lễ hội gì mà nhiều người Cam ăn mặc rất đẹp tới dự, chúng tôi tháp tùng theo một đoàn người chắp tay đi vòng vòng quanh chùa. Thấy có nhiều người mang mặt nạ nhảy múa, trong đó có 1 cái mặt nạ… Tôn Ngộ Không. Nhiều du khách nước ngoài cũng tò mò đi theo đoàn như vợ chồng tôi, có điều đi tới đi lui vòng vòng một hồi không thấy chấm dứt nên du khách từ từ lặn hết. Tất nhiên chúng tôi cũng thế.



Gọi 1 chuyến xe tuk tuk, loại xe phổ thông ở Nông Pênh, chúng tôi đi tới cung điện Hoàng gia. Lúc này vua Shihanuk mới chết không lâu (buổi sáng đi tới Ta Khmau đã thấy ảnh của ông khắp nơi), nhưng xác còn quàng lại cung điện để chờ đại diện các nước đến viếng, do vậy mà cung điện không mở cửa cho khách tham quan, nhưng có 2 cái tivi to khủng bố chiếu cảnh trực tiếp người đến viếng vua. Chiều hôm đó thời tiết không quá nóng, nhưng cảm giác bức bối dù đang đứng bên giòng Ton le Sáp. Tụi tôi băng qua phía bên kia đường, nơi có rất nhiều công an xung quanh cái đài gì cao cao. Chả hiểu sao người ta toàn đứng phía dưới. Tôi lại ngẫu hứng chắp tay chào mấy anh công an cách rất lịch sự, nhe răng cười cầu tài một phát rồi … đủng đỉnh leo lên. Chưa kịp thấy gì thì nghe tiếng chạy rầm rập và còi hú um sùm, giật mình tưởng đâu gây ra họa, hóa ra thiên hạ đang ùn ùn bắt cướp. Do đứng trên cao tôi nhìn thấy một quang cảnh rất đẹp, cả đoàn người đen nghịt đuổi theo 2 thằng cướp, mấy thằng này chắc chỉ thấy người đuổi theo thôi cũng mất vía nên chỉ vài phút sau đã bị dẫn về đồn Công an. Lại một điểm nữa thấy dân Cam hơn dân Việt. Ở bên mình thì chín mươi phần trăm là kệ cha tụi bay muốn làm chi làm


Buổi tối sau khi đánh sạch tô hủ tíu giá 5 riel ở khu phố Tàu gần đó, vợ chồng tôi bắt xe tuk tuk chạy quanh quanh chơi. 15 USD cho chuyến đi 2 người này tính ra hơi bị mắc, vì chỉ đi vòng vòng mấy chỗ quen quen thôi. Ra tới bờ sông thấy nóng quá nên kêu xe dừng lại nghỉ. Anh lái xe tuk tuk biết tiếng Việt dụ tụi tôi ngồi đó chơi cho anh tranh thủ kiếm khách mấy đoạn ngắn. Ok. Hẹn nhau 1h nữa trở lại. Hai vợ chồng thả bộ dọc bờ sông, nhìn những đám trẻ múa may quay cuồng theo điệu nhạc Gangnam trên vỉa hè. Một phát hiện là ở đây có rất nhiều gái điếm, rất trẻ và chào hàng ngay trước đám đông. Lại còn có những ông Tây trả giá và sờ soạng thử hàng lập tức. Chắc Cam gần Thái nên mấy bác này sợ trúng quả lừa.

 

1h sau, anh tuk tuk cười toe toét sau khi quay lại, anh chở chúng tôi qua nhiều Casino to đẹp lộng lẫy với lời khuyên rất chí tình: Ăn một thua chín. Thật ra anh có nói hay không thì với cái túi tiền lép kẹp, vợ chồng tôi cũng chỉ biết kính nhi viễn chi chớ làm gì dám mơ tưởng tới chuyện bước vô. Chúng tôi còn đi vòng vòng quanh chợ Trung tâm, vì chủ đích là không mua gì nên chỉ dạo chơi là chính.

 

Sáng hôm sau chúng tôi gọi xe tới Wat Phnom, tức là chùa Tháp. Xin lưu ý là lái xe tuk tuk và người chụp ảnh ở Cam phần đông dùng tiếng Anh rất đơn sơ. Do vậy khuyên các bạn chỉ nên sử dụng động từ và danh từ cho dễ … giao dịch. Nếu như bạn không nhớ nổi cái tên Wat Phnom, bạn hãy nói tiếng Anh ngắn gọn là Chùa núi, chớ đừng cố gắng nói nhiều, vì càng nói nhiều, giải thích nhiều thì … chẳng hiểu gì cả. Tôi nói thí dụ muốn về khách sạn tôi chỉ cần nói one one one là họ biết tôi cần về đường 111. Đơn giản vậy thôi.

 


 

 



Wat Phnom là ngôi chùa cổ trên 600 năm, nổi tiếng từ lâu. Nhưng thật ra Wat Phnom chỉ rộng về tổng thể chứ ngôi chùa chính lại không lớn lắm. Có điều phải lên nhiều bậc thang, lên nhiều tầng để tới đó. Du khách đến đây đông, chen chúc nhau, chụp ảnh trong một không gian hạn hẹp, bù lại được ngắm những bức phù điêu rất sống động trong chùa.








 


Rời chùa Tháp chúng tôi đi thăm chùa Bạc (còn gọi là chùa Vàng – chùa ngọc lục bảo), nơi mà nghe đồn chân du khách được dẫm lên những phiến bạc lớn (5000 phiến), ngoài ra còn có các pho tượng bằng vàng, bằng đá quý và là nơi cất các bảo vật của Hoàng gia hơn là nơi thờ phụng. Đó cũng là một lý do để giải thích về việc cấm chụp ảnh bên trong.

Vì chùa là một phần của Hoàng cung nên vẫn còn để tang nhà vua, chưa mở cửa cho du khách vào. Chúng tôi theo đoàn người đứng bên ngoài ngắm nghía công trình đồ sộ của dân Cam. Và điều hấp dẫn tôi nhất chính là ngàn ngàn hằng vạn con bồ câu bay rợp trời phía trước hoàng cung. Khi muốn chụp ảnh với bồ câu, người ta mua 1 gói bắp rải xuống, đường.

 


 

Trưa hôm đó chúng tôi phải quay về vì chồng tôi nhận được điện thoại. Thuê 1 chiếc xe du lịch tay lái nghịch – có anh tài xế chỉ biết nói oke, chúng tôi về bằng cửa khẩu Tịnh Biên. Ở cửa khẩu này qua lại nhộn nhịp, hàng hóa lưu thông hai chiều rất nhiều. Tôi đóng thêm 20 ngàn mỗi người cho anh Công an đóng dấu, sau đó đi qua một dàn Công an kiểm soát, lại đi tiếp tới 1 đoạn đường ngăn ngắn, băng qua một cái cầu nhỏ xíu mà sau đó mới biết là cầu biên giới. Qua bên kia là đất mình, nhưng vẫn phải đi bộ mấy trăm mét mới tới cửa hàng miễn thuế.

 


 


 


 

 


 


 

Trời chiều mát mẻ, đường bộ rộng thênh thang (vì có ai đi bộ đâu), hai vợ chồng vừa đi vừa nghêu ngao hát Bên cầu biên giới. Thế là chấm dứt cuộc đi bụi Campuchia lần thứ nhất, do ngẫu hứng nên đành chờ tiếp lần sau: ĐI BỤI ĐẾN ANGKOR WAT.

Anchu

 

MỘT SỐ TIẾNG CAMPUCHIA THÔNG DỤNG:



Số đếm
1: Muôi
2: Pi
3: Bây
4: Buôn
5: Po-răm
6: Po-răm muôi
7: Po-răm pi
8: Po-răm bây
9: Po-răm buôn
10: Đốp
20: Muôi phây
30: Sam sấp
40: Se sấp
50: Ha sấp
60: Hốc sấp
70: Chet sấp
80: Pết sấp
90: Cau sấp
100: Muôi rôi
1000: Muôi Pô-on
10000: Muôi mơn
1000000: Muôi liên
Từ 11, 21, 32 thì ghép tiếng chỉ hàng chục với tiếng chỉ hang đơn vị. Từ 111, 222, 333 thì ghép tiếng chỉ số hàng trăm với tiếng chỉ số hang chục và hàng đơn vị.

Giao tiếp thông thường
Tôi: Kho-nhum
Anh, chị: Boong (gọi người khác cứ gọi Boong cho lẹ như từ you trong tiếng Anh)
Xin chào: Xua sơ đây
Cảm ơn: Okun
Xin lỗi: Xôm Tốs
Tạm biệt: xôm lia
Không: Tê
Có: Miên
Anh yêu em: Boong srong lanh on
Chén, bát: Chan

Ăn uống
Dĩa: chan tiếp
Muỗng, thìa: Slap pô-ria
Đũa: Chhong kơ
Dao: Căm bất
Ly: Keo
Cơm: Bai
Bánh: Num
Ngon: Chho-nganh
Đói: Khô-liên
Ăn: Si
Tính tiền: Cớt lui
Xin thêm cơm: Sum bai thêm
Xin thêm trà đá: Sum tức tee thêm
Xin thêm đá: Sum tức có thêm

Khách sạn:
Khách sạn: Son tha kia
Nhà trọ: Te som nak
Phòng: Bòn túp
Chìa khóa: Sô
Giường: Kô rêe
Gối: Kho-nơi
Mền: Phui
Điện thoại: Tu ro sap
Ngủ: Đếk
Tôi muốn thuê 1 phòng: Kho-nhum chơng chuôi bon túp muôi
Tôi muốn dọn phòng: Kho-nhum chon oi rip bon túp
Tôi muốn trả phòng: Kho-nhum som bon túp

Đi lại

Đi đâu?: Tâu na
Gần: Chít
Xa: Chho-ngai
Bao nhiêu: Pon-man
Bến xe: Chom-nót lan
Đi thẳng: Phlu chiết
Quẹo phải: Bos sadam
Quẹo trái: Bos sveng
Xe đạp: kon
Xe ba bánh: Tuk tuk
Xe mô tô: Moto
Xe đò: Lan krong

Mua bán
Tôi muốn mua cái này: Kho-nhum chơn tin muôi nis
Cái này giá bao nhiêu: À nis thlay pon man?
Có bớt giá không: Chot thlay os

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn