BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73211)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ người thương binh

14 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1525)
Nhớ người thương binh
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
Trực thăng Đỗ văn Minh khập khiễng chống ba-toong từ chỗ đậu xe vào phòng họp, tuy chỉ cách có vài chục thước mà hắn ta phải dừng lại nghỉ lấy hơi ba bốn lần, hình như chỗ xương đùi bị gẫy ngày xưa có kẹp miếng “pla-tin” khiến nay nó ngày càng đi sâu vào ống tủy, đụng vào dây thần kinh làm Minh đau buốt tới tận óc, biết vậy ngày xưa năn nỉ với mấy ông bác sĩ ở bệnh viện cưa phứt đi cho rồi.

Nói dỗi vậy thôi chứ “có còn hơn không”, chính vì cái đau này mà nó nghĩ đến những anh lính bộ binh vì cứu nó mà phải tàn phế, phải chịu đau đớn hơn cái đau của nó nên nó lê lết khắp nơi để nói với anh em làm một cái gì đó cho TPB tại quê nhà.

Trước khi mở đầu câu chuyện, tằng hắng lấy khí thế, Minh xin hát tặng những người có mặt trong buổi họp bản nhạc: “Nhớ người thương binh”.

Chờ mãi không thấy nó cất giọng, đầu vẫn cúi xuống như nghẹn lời, nhiều tiếng cười chọc quê nói rằng nó quên bài hát rồi, ai biết nhắc tuồng dùm nó đi, vẫn im lặng, chẳng ai nhớ bài hát đó ra sao, cuối cùng Minh ngước mặt lên rồi chậm rãi nói:

- “Xin lỗi các bạn, bất chợt tôi quên hẳn tên tác giả lẫn lời ca, tôi không hát nữa mà tất cả chúng ta cùng nói, nói về đề tài: “Nhớ người thương binh”

Chả hiểu Minh quên thật hay giả vờ để dẫn mọi người vào mục đích chính của buổi họp hôm nay. Gọi là buổi họp cho có vẻ quan trọng nhưng thực ra chỉ là buổi tản mạn về chuyện TPB của một nhúm lính gốc KQ mà đầu tầu là tên Minh què này. Trên chiến trường thì KQ “nhất 9 nhì bù”, từ sống tới chết, ít khi bị thương, chim sắt mà gẫy cánh thì chim người cũng tiêu-diêu, trường hợp của Minh là hãn hữu.

Nó bay tiếp tế cho quân bạn TQLC trên căn cứ Cồn-Tiên, bị phòng không địch bắn, chim rơi xuống làng Vạn Kim, phía Nam Cồn-Tiên chừng 3 km, quân ta đến tiếp cứu nó thì bị lọt ổ phục kích VC khiến một số anh em bị thương và tử thương nhưng Minh được cứu sống. Nhớ lại ngày xưa bạn cứu ta, nay ta có bổn phận phải cứu bồ, những người bạn vì cứu nó mà trở thành TPB.

Từ lâu “handicap” Minh vẫn âm thầm gom lon, chai nhựa rồi mang tới Recycle center góc Wesminster & Euclid, khi được đủ số 50, 100 là gởi quà cho những TPB có công “tái sinh” ra nó và cứu cả những người hiện đang “tu”. Việc làm cò con này bị cạnh tranh, càng khó khăn thêm khi những người anh em phương Nam vượt biên giới ngày càng đông, người khôn lon hiếm cần kiếm cách khác.

Đùng một cái, máy bay bà già Nguyễn thị Hạnh Nhơn bay một đường lả lướt bắn trái khói đại nhạc hội “cám ơn anh Thương binh” như một tín hiệu để các khu trục và phản lực vào vùng xạ kích mục tiêu và trực thăng sẵn sàng thả quân. Vì lý do đó nên trực thăng Minh Đỗ nhường việc lượm lon cho đồng minh “amigồ” để tìm cách tiếp tay cho bà già HN, nội dung buổi mạn đàm là vậy.

Những câu hỏi về người TPB/QLVNCH là ai? Ở đâu? Làm gì? Khi nào? Tại sao? Không cần phải nói thêm một chữ nào nữa, điều cần hỏi là chúng ta đã trả nợ họ chưa? Những ai phải trả và trả như thế nào?

Biết rồi! Khổ lắm! Hỏi mãi! Nhưng nói mãi cũng không thừa vì có quá nhiều “con nợ” nghe qua rồi bỏ, con cháu Philato xoa tay phủi bụi tuyên bố vô can:

- “Ta không có trách nhiệm gì với đám đui que mẻ sứt này!”

- “Ta không biết những người TPB ấy là ai!”

Phải thành tâm nói rằng rất nhiều đồng hương hải ngoại đã âm thầm trực tiếp gửi tiền hoặc qua các hội đoàn để nhờ chuyển giúp TPB, cũng có những hội đoàn thỉnh thoảng tổ chức những bữa ăn rồi gây qũy, các quân binh chủng thì tự đóng góp để giúp đỡ cho riêng TPB của đơn vị họ.

Còn nếu nói về những buổi tổ chức ở “cấp cao” có sự tham dự của các chức sắc tôn giáo, có cha có thầy, có quý liệt... vị, có sao trên sĩ dưới, có ông nọ bà kia, có cờ đuôi nheo, trống mõ phèng-la chập-chả kêu gào hò hét đầu phố cuối thôn để gây quỹ, nói trắng ra là xin tiền đồng hương hải ngoại để giúp người nghèo XHCN thì nhiều lắm! Nhưng đại nhạc hội để cứu trợ TPB/QL Việt Nam Cộng Hòa thì mới chỉ có một

Hơn ba mươi năm mới có một đại nhạc hội “cám ơn anh TPB” do cụ bà 80 cái xuân xanh nữ quân nhân KQ Nguyễn thị hạnh Nhơn đứng ra tổ chức, có ngàn ngàn ngàn người bình dân tham dự, số thu gần nửa triệu đô nhưng về phương diện tinh thần thì vẫn thiếu tiếng nói cám ơn của giới “mắc nợ” TPB nhiều nhất! Đó là những giới mà TPB chết thay cho họ, tàn tật thay cho họ để họ “Tu và Tu”, tu tại gia, tu tại “ba”, tu chùa và tu-hú, tu VSOP trong khi lính khát nước lè lưỡi liếm mồ hôi muối trên môi.

Nói trắng ra là vắng ánh sáng “mặt-trời” và bóng nhà tu, ngày diễn đại nhạc hội không thấy các “ông thầy” này đâu cả mặc dầu cụ bà trưởng ban tổ chức có gửi nhiều giấy mời. Uy tín của quý vị còn cần lắm đấy nhưng tiếc thay, trên hàng ghế danh dự (lại danh dự) chỉ lưa thưa vài anh chị ứng cử viên Mỹ-Việt đến kiếm phiếu!

Nắng hạn hơn 1/3 thế kỷ, sau một trận mưa rào nào thấm chi đâu! Nếu lấy số thu 4 trăm ngàn chia đều cho 10 ngàn hồ sơ thì mỗi hồ sơ được bao nhiêu? Người TPB vẫn đang chết khát, hỏi thăm cụ bà HN chừng nào có thể tổ chức một đại nhạc hội được nữa thì cụ bà buồn bã lắc đầu thều thào trả lời... “còn lâu”.

- “Vậy thì làm gì tiếp theo đây thưa quý ông thầy?”

Tấm lòng vị tha của người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại thật bao la, cứ nhìn vào số lượng các nhóm và cá nhân đứng ra kêu gọi xin tiền và đồng bào đóng góp thì biết. Một mình ông mục sư Nguyên xuân Bào kêu gọi đồng hương đóng góp cứu trợ dân nghèo XHCN đã gần tới đợt thứ 50 rồi đấy, mỗi đợt cả trăm ngàn đô chứ ít sao?

Ổng lo cho dân đủ thứ thực phẩm như gạo mì trà đường mắm muối mỡ tiêu hành tỏi ớt bột ngọt ngũ vị hương, bánh chưng, bánh tét, bánh bao, mứt me, mứt gừng, mất... Ổng bảo đồng bào HN đóng góp để ổng đào... giếng lấy nước cho dân XHCN không có nước uống, mua tôn cho người ta lợp nhà cho qua con nắng cực khổ, xây cầu cho dân đi qua sông và xây cầu cho dân đi... sông đi... cầu!

Em bé Lâm chí Hiếu 5 tuổi tại Cà Mau vì nhà nghèo mà phải bỏ học, tin này vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ trong nước thì lập tức có ngay một số ân nhân ở hải ngoại nhờ người mang tới trao tận tay cho em ngàn đô có dư, bố mẹ em lại còn có tiếng nói trên đài phát thanh hải ngoại (LSR lúc 6.30 am ngày 8 tháng 1 năm 2007).

- “Vậy thì làm gì cho TPB đây thưa quý ông thầy?”

Đồng bào hải ngoại đã sẵn sàng mở rộng tấm lòng, nhưng “Con có khóc mẹ mới cho bú”. Vậy ai là người khóc thay cho TPB ở quê nhà đây? Ai là người gãi đúng chỗ ngứa của đồng hương đây? Không lẽ lại đẩy trách nhiệm này cho cụ bà 80 cái xuân!

Ba mươi năm nắng hạn mới được một trận mưa rào chưa kịp ẩm thì mặt đất đã khô, số tiền hơn 4 trăm ngàn do đại nhạc hội gây quỹ được không đủ cứu đói cho 10 ngàn hồ sơ TPB đã tồn đọng, vận động để tổ chức một đại nhạc hội nữa thì e không kham nổi vì tuổi già sức yếu!

Buổi mạn đàm tưởng như bí lối nhưng cuối cùng cũng tìm ra một đề nghị:

“MỖI GIA ĐÌNH BẢO TRỢ MỘT HỒ SƠ TPB”.

Hiện nay số hồ sơ TPB xin giúp đỡ đã lên tới con số hằng chục ngàn tại hội cứu trợ TPB và QP mà người LO chỉ có bà cụ già Nguyễn Thị Hạnh Nhơn cùng một vài anh chị em thiện nguyện tìm cách giật gấu vá vai, hết gấu quần thì giật lên tới đâu?

Bởi vì... rằng thì là mà hội nghèo quá không có tiếng nói trên radio, không có “thoóc-xô” như cha nọ thầy kia, không có báo chí yểm trợ, hàng tháng không ra nổi một bản tin thông báo hoạt động và nhu cầu nên đồng bào hải ngoại không biết đâu mà mò. Không biết địa chỉ của hội nằm ở cái “gara” nào để mà gửi tấm lòng vàng!

Dẫu cho có nhiệt tâm đã 10 năm ca bài bị gậy “Lậy ông đi qua, lậy bà đi lại ”thì tiếng kêu đi tới đâu? Gặp lúc xổ mũi nhức đầu rồi tới lúc chầu Trời thì ai kêu tiếp?

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật là kêu gọi đồng hương tham gia chương trình “một gia đình một hồ sơ”, xin hội HO cứu trợ TPB & QP cho một gia đình “thếch-khe” một hồ sơ TPB Trần-Bộ-Binh hay Lê-Nghĩa-Quân, rồi đem về cất vào tủ, rồi mỗi ngày cũng VẤT vào ngăn tủ đó 25 cents, khi nào rảnh gom số bạc cắc lại để gủi cho TPB ấy một gói quà, ít nhất thì 1 năm cũng “bố thí” được 100 USD chứ ít sao. Hội khỏi lo cho hồ sơ TPB này nữa, chừng nào người TPB này chết hoặc “tôi” nghèo quá lo không nổi thì người bảo trợ hoàn trả lại hồ sơ đó cho hội.

Không kể những người vốn gọi là tỵ nạn CS tại hải ngoại mà lại không ưa lính, chỉ tính những gia đình có chồng con là thương binh tử sĩ, những ai mắc nợ với TPB và những anh theo diện HO cũng có thể gánh và vác hơn 10 ngàn hồ sơ.

Việc chỉ đơn giản thế thôi, coi như tiếp sức với hội HO một... ngón tay nhưng nếu không có sự tiếp tay của truyền thông, nhất là những báo chí có dính dáng một tí-tỉ-tì-ti với lính thì sẽ không đơn giản tí nào. Không có truyền thông cổ động và phổ biến thì những tiếng kêu đói lại như tiếng kêu giữa sa-mạc.

Đây là nội dung buổi mạm đàm của đám lính què xin đưa ra để trình với huynh đệ chi binh về tìm cách giải quyết tìm ra những ưu khuyết điểm mà xúc tiến. Nhưng cũng đừng chẻ sợi tóc làm tư làm tám, đặt ra những nghi nọ ngờ kia làm nản lòng người “chiến sĩ” trong phong trào yểm trợ TPB.

Một tên què trong nhóm đặt thêm câu hỏi:

- “Nếu người nhận hồ sơ bảo trợ vì trăm công ngàn việc rồi quên thì sao?”

Cũng có thể lắm chứ, con cháu còn có khi quên ngày cúng giỗ cha mẹ ông bà tổ tiên! Nhưng nhờ có mùa Vu-Lan, có tháng Linh-Hồn nhắc nhở con cháu xin lễ, đi chùa. Nhờ có ngày Bố, ngày Mẹ hằng năm nên các con mới nhớ đến song thân.

Vậy thì cũng nên nghĩ đến chuyện có một ngày nào đó trong năm gọi là ngày TPB để mọi người nhớ đến mà làm điều gì đó cho anh em tại quê nhà mà không có nhà.

Một TPB tại Cà-Mau khi nhận được quà của Liên hội Chiến Sĩ Dallas-FW đã gửi thư cám ơn và nói rằng ân nhân ở hải ngoại không thể cứu đói hết TPB đâu, một điều có thể giúp mọi TPB dù còn sống hay đã chết đều được “no đủ” đồng đều đó là lời cầu nguyện, đó gọi là ngày giỗ cho TPB.

MỘT NGÀY CHO TPB.

Nhờ sự gợi ý này mà anh em Liên Hội Chiến Sĩ Dallas-FW đã nghĩ đến việc chọn một ngày nào đó trong năm để nếu có tiền thì gủi quà, nếu không thì xin với quý quý cha ở nhà thờ, quý thầy ở chùa cùng với mọi người dâng thánh lễ, cầu siêu cho anh em TPB và họ đã đồng ý chọn được ngày, đó là ngày 16 tháng 9.

Nếu dưới thời Đệ Nhất hoặc Đệ Nhị Cộng Hòa chúng ta đã có “Ngày TPB” thì chuyện không cần bàn cãi (vài người nói là có nhưng không nhớ là ngày nào), ngày nay thì chuyện lớn nhỏ gì cũng... cãi, cãi chỉ vì tự ái, cãi vì muốn bảo vệ ý kiến ý ong của mình là nhất nên việc chọn “Ngày TPB” của Dallas-FW tưởng đơn giản nhưng cũng có nhiều gay gắt, hờn giận! Tại sao chọn ngày 16/9 mà không là 19/6, là 30/4, là Hạ Lào, là Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng, là Mậu Thân v.v..?

Đơn giản thôi, theo lệnh của Tổng Tư Lệnh Tối Cao, một chiến dịch phản công tái chiếm lại tỉnh Quảng Trị nói chung, Cổ Thành nói riêng, với sự tham chiến của toàn thể quân binh chủng từ ĐPQ&NQ, BB, BĐQ, ND, TQLC, TG, PB, HQ, KQ v.v.. và kết thúc thành công vào ngày 16/9 với bao hy sinh xương máu, số TPB thì... cao ngất, và vì ngày đó vẫn chưa có danh xưng nên cho nó một cái tên. Chính vì sự hợp lý, nghe xuôi tai này mà cuối cùng tất cả đã vui vẻ chọn ngày 16/9 là ngày TPB.

Ước chi ý kiến này không phải chỉ “nghe qua rồi bỏ” mà được KBC/HN phổ biến để các hội cựu quân đội, các Liên Hội cựu chiến sĩ (chiến binh), Tập Thể Chiến Sĩ hải ngoại v.v.. cùng lưu tâm, nếu thấy hợp lý hợp tình thì cùng thống nhất.

Việc làm này chắc không mang lợi lộc gì cho ai, không đụng chạm tới quyền lợi riêng tư của hội đoàn nào mà chỉ là niềm an ủi chung cho tất cả mọi TPB mà thôi. Tiền bạc là thiết thực nhưng làm sao cho đồng và đủ? Kéo dài được bao lâu? Vật chất cần nhưng chưa đủ nếu chưa có NGÀY TPB.

Nhớ ngày TPB, chúng ta hãy trả lại sự công bằng cho những người đã hy sinh một phần thân thể vì chúng ta. Dù là Sư, Cha, Mục-Sư, thầy sáu, bà sơ, ni cô, bác sĩ, kỹ sư, ca nhạc sĩ v.v.. Đừng qua sông đấm... vào sóng, đừng quyên ân nhân ở sau lưng mà buôn cái bóng trước mặt.

Tô Văn Cấp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn