BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xin đừng quên chúng tôi

14 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 1042)
Xin đừng quên chúng tôi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


“Bây giờ ai cũng đi cả rồi, Tướng, Tá, Úy, HO, ODP, con lai, sở Mỹ, tù cải tạo. Ai cũng đi nước ngoài. Chỉ còn lại những Thương Phế Binh, cô nhi quả phụ, và sau cùng là tử sĩ. Xin đừng quên chúng tôi. Đến năm 2000 là 25 năm rồi.” Đó là những dòng cuối cùng trong bản “Tường trình của nhóm Thương Phế Binh Biệt Khu Thủ Đô về Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa” năm 1999. (In lại trong sách 16 ngàn tử sĩ ở lại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa của Giao Chỉ, San Jose: IRCC, Inc. thực hiện, 2003, tr. 122.)

Câu nói thật đơn giản, nhưng thật xót xa, quá xót xa. Con người là linh vật, vốn có trí khôn và trí nhớ tốt hơn tất cả các chủng loại. Tuy nhiên con người không thể nào ôm hết quá khứ vào trong trí nhớ của mình, mà có nhiều việc sẽ nhạt phai dần dần trong trí nhớ theo thời gian. Nhưng cũng có những đoạn đời quá khứ, những khúc phim dĩ vãng không thể quên được, vì những dấu ấn đậm nét đã tác động trên cuộc sống của chúng ta cho mãi đến hôm nay.

Là người Việt Nam, kể cả người Việt Nam ở hải ngoại, có thể nói không ai là không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến vừa qua. Những người lớn tuổi đã đành. Những người trẻ hoặc nhỏ tuổi cũng thế. Không thể nói rằng tôi còn nhỏ, tôi không tham chiến, tôi không dính líu gì đến chiến tranh. Cũng không thể nói rằng tôi sinh ở hải ngoại, sau năm 1975, tôi không biết gì đến chiến tranh.

Xin thử nghĩ lại. Nếu không có cuộc chiến làm cho khoảng 3 triệu người chết ở cả hai phía, làm cho đất nước tan hoang, thì chắc chắn dân chúng Việt Nam ở trong nước, nhất là dân chúng nông thôn, trong đó có những người trẻ tuổi, có những em bé mới sinh, không khổ ải đói nghèo như ngày hôm nay, không bị rao bán ở Cambodia hoặc rao bán trên mạng lưới thông tin quốc tế (Internet).

Cũng chính vì cuộc chiến, dầu bạn không tham gia, nhưng chính vì cuộc chiến, vì sự xâm lấn của Bắc Việt, bạn phải theo gia đình ra nước ngoài. Hoặc vì gia đình ra nước ngoài, bạn mới sinh trưởng ở nước ngoài. Nếu không vì cuộc chiến, chắc chắn hiện tại bạn không có mặt ở hải ngoại.

Có một thực tế không thể chối cãi, là đảng Lao Động Việt Nam (tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam) và nhà cầm quyền Hà Nội đã phát động cuộc chiến sau năm 1954. Sau năm 1975, tức là sau khi chiến thắng miền Nam, nếu dân chúng Việt Nam được no cơm ấm áo, được sinh sống tự do, thì cùng đích có thể biện minh cho phương tiện. Nhưng tình trạng đen tối sau năm 1975 trên toàn quốc cho thấy rõ ràng chủ đích của nhà cầm quyền Hà Nội khởi động cuộc chiến chỉ vì tham vọng quyền lực, muốn thiết lập chế độ độc tài toàn trị trên cả nước, theo lý thuyết Mác xít ngoại lai.

Chủ đích của Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội lộ rõ sau năm 1975 càng làm sáng tỏ thêm nữa chính nghĩa cuộc chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Dân chúng miền Nam đã được 21 năm hít thở không khí tự do, dầu là không khí đó bị ô nhiễm vì khói súng ở chiến trường lan về. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa chưa phải là chế độ hoàn thiện, nhưng ít nhất là một chế độ tự do dân chủ hơn nhiều so với chế độ do Hà Nội kiểm soát. Điều nầy thực tế sau năm 1975 chứng minh.

Ngoài Bắc, từ 1954 đến 1975, và trên toàn quốc tứ 1975 cho đến hôm nay, ai nói một câu ngược với chủ trương đường lối của nhà nước liền bị gọi là phản động, bị tù tội, bị giam cầm. Lê Chí Quang, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Trần Khuê... và còn nhiều nữa là những ví dụ sống động. Bản tin Đài BBC ngày 4-5-2004 cho biết, nhân ngày “Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới” (World Press Freedom) của UNESCO (3-5-2004), Freedom House, một tổ chức phi vụ lợi có trụ sở tại Washington D. C., đã công bố kết quả khảo sát truyền thông ở 193 quốc gia trong năm 2003. Bản khảo sát mang tựa đề “Freedom of the Press 2004: A Global Survey of Media Independence”, theo đó Việt Nam xếp thứ 179 ngang hàng với Lào và Rwanda. Khảo sát nầy viết: “Mọi cơ sở truyền thông đều nằm trong sự sở hữu hoặc kiểm soát của đảng Cộng Sản, các cơ quan nhà nước, hoặc quân đội và nhiều nhà báo thực thi việc kiểm duyệt...” (trích nguyên văn bản dịch của BBC). Cho đến bây giờ, gọi là mở cửa mà còn vậy huống gì là trước đây.

Chính vì miền Nam tự do, phải nói là quá tự do, mới có thơ văn và âm nhạc phản chiến, mới có nhạc Trịnh Công Sơn. Có điều buồn cười là gần đây, Cộng Sản Việt Nam dự tính vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong buổi hòa nhạc quốc tế về Giải Âm Nhạc Hòa Bình Thế Giới sẽ tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội ngày 22-6-2004, làm như Trịnh Công Sơn là người do Bắc Việt đào tạo rồi gài vào Nam Việt để sáng tác nhạc phản chiến, nhắm làm nản chí quân đội miền Nam. Trong khi đó, Trịnh Công Sơn là sản phẩm của tự do văn hóa, tự do tư tưởng, tự do sáng tác ở miền Nam. Nếu chế độ miền Nam độc tài như miền Bắc, nếu miền Nam không có tự do thì chắc chắn không có Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên việc dự tính vinh danh nầy bất thành vì các nhạc sĩ danh tiếng trên thế giới (như Bob Dylan, Joan Baez, harry Belafonte, kể vả Joe McDonald, tác giả bài ca phản chiến nổi tiếng “Fixin to die”) không chịu đến Hà Nội để tham dự. Họ phản đối chế độ độc tài toàn trị của Hà Nội (Tin đài BBC ngày 14-6-2004). Nếu buổi hòa nhạc đó diễn ra đúng như dự định của ban tổ chức, thì khi vinh danh Trịnh Công Sơn, có nghĩa là nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội vinh danh nền tự do dân chủ ở miền Nam đã bị chính chế độ cộng sản tấn công.

Nói qua rất sơ lược tình hình trước đây và trường hợp Trịnh Công Sơn để cho thấy rằng trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, dân chúng miền Nam đã được hưởng tự do dân chủ, dầu có phần bị hạn chế vì chiến tranh. Dân chúng miền Nam được hưởng diễm phúc nầy trong 21 năm qua, phải nói là nhờ công ơn bảo vệ miền Nam của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh, biết bao anh em đã bỏ mình ngoài chiến trường, biết bao nhiêu người trở thành thương phế tàn tật.

Không có họ, Việt Nam không có ngày hôm nay. Thử tưởng tượng đi, nếu sau năm 1954, miền Nam lọt vào tay cộng sản sau miền Bắc vài năm, toàn quốc sẽ “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” như miền Bắc, thì đất nước chúng ta sẽ ra sao? Nhìn gần cho dễ thấy, chỉ mới cai trị miền Nam vài chục năm, mà cộng sản Việt Nam đã đưa miền Nam thụt lùi cả hàng thế kỷ so với các nước Đông Nam Á. Trước 1975, Sài Gòn là “hòn ngọc của Viễn Đông”. Bây giờ, cộng sản đã làm cho hòn ngọc đó chìm xuống biển Đông.

Đối với những người ở hải ngoại, không có sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta không có ngày hôm nay. Đó là điều chẳng cần chứng minh. Đó là điều không thể chối bỏ được và cũng không thể lãng quên được.

Có một điều lạ lùng người ta thường vinh danh những vị tướng tử trận hoặc tử tiết mà ít chú trọng đến những chiến sĩ hàng binh và hạ sĩ quan. Hằng năm, người ta làm lễ tưởng niệm, truy điệu các tướng. Đó là điều đáng quý, nhưng “Chiến trường tự cổ đa ai oán / Nhất tướng công thành vạn cốt khô.” (Từ xưa, nhiều người đã oán trách việc đánh nhau ngoài chiến trường / Một vị tướng thành công thì có hàng vạn bộ xương khô.) Ở chiến trường Việt Nam vừa qua, không phải chỉ có vạn cốt khô. Con số tử trận của binh sĩ Hoa Kỳ là 58.000 người (gần sáu vạn). Con số Việt Nam cao hơn nhiều, nhiều lắm.

Cũng chư các cấp tướng lãnh, các chiến binh đã can đảm hy sinh cho đến ngày cuối cùng, ngày 30-4-1975. Hy sinh một cách âm thầm vì lý tưởng mình đã tranh đấu. Chúng ta hãy nghe kể về một trong những cái chết hào hùng trong bài “Giờ thứ 25: Tự sát dưới chân cờ”, Người Việt Online, số Chủ Nhật 25-4-2004:

“11 giờ 40 ngày 30 tháng 4-1975: Sau lưng tôi, Minh khóc và nói một mình “Thôi rồi, mất nước rồi”. Nói xong, anh Minh bước tới gần cột cờ, nghiêm chỉnh đưa tay lên, chào xong móc khẩu Colt 45 bên hông lên kê màng tang. Một tiếng nổ đơn độc vang lên. Tôi chắc tiếng nổ đó đã hòa tan trong tiếng máy của hàng trăm chiếc xe Honda, Vespa, Suziki. Minh nằm xuống. Trung sĩ Trần Văn Minh đã trả xong nợ nước vào giờ thứ hai mươi lăm...”

Trung sĩ Trần Văn Minh chỉ là một trường hợp điển hình. Còn biết bao nhiêu người nữa. Chết ở tiền đồn, ở chiến trường, ở những chốt tiền tiêu, trong lao tù, trên những vùng “kinh tế mới”. Số lượng chiến binh hy sinh khó có thể kiểm chứng chính xác được.

Bên cạnh đó, còn biết bao nhiêu thương phế binh, không thể nào kiểm kê nổi, nhất là khi miền Nam sụp đổ năm 1975. Chỉ biết rằng theo tỷ lệ phổ thông trong một cuộc chiến, cứ một người chết thì ba người bị thương. Như thế, số lượng thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 phải từ vài trăm ngàn người lên đến cả triệu người.



Sau ngày 30-4-1975, những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn đang điều trị trong các quân y viện đã bị những người cộng sản mới đến, thẳng tay đuổi ra khỏi bệnh viện. Một điều đương nhiên xảy ra tiếp theo là toàn thể thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bị ngưng cấp dưỡng. Gia đình họ cũng được “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” ở các vùng kinh tế mới, đói rách, nghèo nàn, xác xơ. Từ đó, họ sống lây lất qua ngày bằng đủ các phương tiện có thể làm được, kể cả thật đau lòng là phải đi ăn xin. “Chim quyên xuống đất ăn trùn / Anh hùng lỡ vận lên rừng bán than.”

Trong lúc hoạn nạn, mọi người đều phải quay cuồng theo cơn gió bụi. Một số người may mắn thoát ra khỏi nước, định cư ở những nước tự do dân chủ và nhân đạo. Cộng Sản Việt Nam chì chiết: đó là những tên “tay sai Mỹ Ngụy phản quốc, ăn bám tụi tư bản, chạy ra nước ngoài”. Khi những người nầy đứng vững ở một nước thứ ba, chắt chiu dành giùm được một ít tiền gởi về nuôi thân nhân, giúp người Việt vượt qua nạn đói. Cộng Sản Việt Nam uốn lưỡi đổi giọng: họ trở thành “khúc ruột ngàn dặm” của quê hương.

“Từ trong nhà ra ngoài xóm”. Giúp đỡ gia đình xong, người Việt hải ngoại tiếp tục nghĩ đến những đồng nghiệp, đồng đội còn hoạn nạn ở trong nước. Từ đó hình thành nhiều tổ chức tương trợ của người Việt gởi về giúp đồng hương, đồng đội còn ở trong nước. Một trong những tổ chức đó là GIA ĐÌNH MŨ ĐỎ HOA KỲ và GIA ĐÌNH MŨ ĐỎ CANADA.

Đối tượng cứu trợ ban đầu của Gia đình Mũ Đỏ chỉ là anh em thương phế binh thuộc binh chủng Nhảy Dù. Do tổ chức có hiệu quả, thương phế binh các binh chủng khác cũng kêu cứu. Do đó, Gia đình Mũ Đỏ quyết định mở rộng phạm vi hoạt động, phục vụ cứu giúp tất cả những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa thuộc bất cứ đơn vị nào, từ Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, đến các binh chủng Hải Lục Không quân và lực lượng tổng trừ bị như Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù.

Sau đây là những điều kiện để thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được hưởng trợ cấp của Gia Đình Mũ Đỏ:

1) Bản sao (photocopy) Chứng chỉ tại ngũ.
2) Bản sao (photocopy) giấy Chứng nhận mức độ thương tật của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (100%, 90%, 80%...)
3) Bản sao (photocopy) giấy Chứng minh nhân dân mới.
4) Hình mới nhất về thương tật theo giấy Chứng nhận thương tật cũ (ví dụ: một thương binh bị cụt tay năm 1971, phải có một tấm hình mới nhất (năm 2001) cho thấy là đã bị cụt tay theo đúng thương tật đã được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chứng nhận). Hình nầy nhắm xác nhận đương sự đang còn sống.

Đặc biệt, những quân nhân bị thương tật từ 1971 đến 1974, và càng gần biến cố ngày 30-4-1975 thì càng được ưu tiên, vì hoặc chưa được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trợ cấp, hoặc mới được trợ cấp nên cuộc sống chưa ổn định sau khi giải ngũ, trong khi những thương phế binh từ 1970 trở về trước tương đối ổn định hơn. Ngoài ra, riêng những thương phế binh lâm nạn từ tháng giêng đến tháng 4 năm 1975, chưa có thể có giấy chứng nhận của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng có thể xin trợ cấp. Gia đình Mũ Đỏ sẽ kiếm cách sưu tra riêng, và nếu kết quả sưu tra đúng như lời viết trong đơn, sẽ được giúp đỡ bởi một ngân quỹ đặc biệt của một mạnh thường quân ở Montréal.

Chương trình cứu trợ nầy chỉ có thể truyền miệng, nên nếu các Hội đoàn, các tổ chức từ thiện hay chính trị, hoặc các cá nhân nào có quen biết một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nào ở Việt Nam cần được giúp đỡ, xin quý vị vui lòng giới thiệu hoặc chuyển hồ sơ của họ gởi về: Gia Đình Mũ Đỏ Canada, Văn phòng chính: 895 Hills, St Laurent, Québec, H4M 2W7, Canada (phone: 514-855-0969), hoặc Văn phòng Cố vấn Gia Đình Mũ Đỏ Canada: 8090 Aime Renaud, St Leonard, Québec, H1P 2T4, Canada (Phone: 514-324-9549).

Do ngân quỹ có giới hạn, nên mỗi thương phế binh được xét cấp 50 Mỹ kim một năm. Ở trong nước, 50 Mỹ kim trị giá hơn một chỉ vàng, là một số tiền lớn đối với những gia đình khó khăn. Chi phí chuyển tiền từ nước ngoài về trong nước qua các cơ sở tư nhân do Gia đình Mũ Đỏ tài trợ.

Riêng tại Toronto, Canada, khi Gia đình Mũ Đỏ quyết định mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ tất cả các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa chứ không riêng binh chủng Nhảy Dù, và kêu gọi sự tiếp tay của mọi giới đồng hương hải ngoại, một nhóm thân hữu Toronto đã đứng ra thành lập ban bảo trợ dưới danh xưng HOA TÌNH THƯƠNG Toronto từ năm 1999.

Từ đó cho đến nay, mỗi năm Hoa Tình Thương tổ chức dạ tiệc văn nghệ và dạ vũ gây quỹ để yểm trợ Gia Đình Mũ Đỏ trong công việc giúp đỡ thương phế binh. Số tiền thu được trong các cuộc gây quỹ đều được chuyển đến Gia đình Mũ Đỏ Canada. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng tại Toronto, các cuộc gây quỹ yểm trợ thương phế binh Việt Nam còn hoạn nạn tại quê nhà của Hoa Tình Thương rất thành công, đã gây tiếng vang rất tốt, nhờ được tổ chức khéo léo, nhờ thiện chí của anh em thiện nguyện âm thầm làm việc và nhất là nhờ công khai tài chánh minh bạch, chi thu rõ ràng. Đó là chưa kể chính những anh em Hoa Tình Thương chẳng những hy sinh giờ giấc làm việc mà hy sinh cả vật chất, tiền riêng để đóng góp chi phí tổ chức mà không yêu cầu hoàn trả. Xin chân thành cảm ơn anh em Hoa Tình Thương.

Riêng năm nay, buổi dạ tiệc văn nghệ và dạ vũ của HOA TÌNH THƯƠNG sẽ được tổ chức lúc 7 giờ tối Thứ Bảy 2-10-2004 tại nhà hàng SANS SOUCI, số 821 Runnymede Rd. Hy vọng như mọi năm, quý đồng hương sẽ đến đông đảo chẳng những để trải qua một buổi tối VÔ ƯU (SANS SOUCI) mà còn để cùng nhau đóng góp phần nào trong việc gây quỹ của HOA TÌNH THƯƠNG để yểm trợ GIA ĐÌNH MŨ ĐỎ trong công tác cứu trợ thương phế binh còn hoạn nạn khó khăn ở quê nhà.

“Xin đừng quên chúng tôi.” Xin đừng quên thương phế binh nên xin đừng quên dạ tiệc văn nghệ dạ vũ tối Thứ Bảy 2-10-2004 tại nhà hàng Sans Souci, Toronto. Những nhà hảo tâm ở xa hay bận rộn không đến tham dự được, cũng “xin đừng quên chúng tôi”. Xin vui lòng chung sức với công tác HOA TÌNH THƯƠNG bằng những chi phiếu gởi thẳng về Gia Đình Mũ Đỏ Canada, Văn phòng chính:

895 Hills
Saint Laurent
Québec, H4M 2W7
Canada
(Phone: 514-855-0969).
Hoặc Văn phòng Cố vấn Gia Đình Mũ Đỏ Canada:
8090 Aime Renaud
Saint Leonard
Québec, H1P 2T4
Canada
(Phone: 514-324-9549).

Xin cảm ơn quý vị.
TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn