BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trên những vết thương còn chảy máu

17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 1859)
Trên những vết thương còn chảy máu
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Qua cầu Phú Mỹ, chạy một lúc là tới Cát Lái rồi lên Thủ Đức. Vậy mà lần lửa từ trước tết đến hôm nay tôi mới đi được. Để tránh thay đổi ý định giờ chót, tôi gọi cho Hùng từ hôm qua.

 Tháng sáu trời hay mưa vào buổi chiều, quá 12 giờ thì đã mịt mù mây đen, tôi vẫn cứ phải đi.

 Con sông Sài Gòn ngày nước lên mênh mông, đám ghe buôn, ghe hàng trôi theo nước chen kín một khúc phía xa chân cầu Phú Mỹ, cây cầu dây giăng mới xử dụng vài năm đã có dấu hiệu xuống cấp, mặt nhựa trên lớp bê tông đã nhăn nhúm và phía đông cây cầu, người ta đang hối hả đổ đá phủ lên, lấp bồi đồng hoang cỏ dại của bao năm rừng nước mặn. Đám gốc rễ tràm, rễ đước phơi khô bên đường là dấu hiệu của những đợt tàn phá thẳng tay. Cái khu “Nhà bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về” bây giờ nó chỉ là đất đá ngổn ngang dưới chân những tháp cẩu cao vòi vọi.

 Chưa tới ngả tư Bình Thái, Hùng đã réo vang trên điện thoại:

 - Ông nhớ mò vô đường số 3, tụi tui đang ngồi ở cuối đường, mà cha nội biết ngõ vô chỗ này không đã?

 - Trời! lên Thủ Đức tui còn muốn lạc huống chi đường mới, tên mới thôi tui gọi ông khi tới gần đó.

 Vậy đó, Sài Gòn bây giờ lạ lẫm như vậy, tôi là thứ Mán lạc rừng ở đất địa này, sau mấy chục năm ít có cơ hội ra khỏi nhà.

 Đón tôi là 5 gã thương tật từ đầu tới chân, 5 con người ngồi lọt thỏn trong góc quán dưới tàng cây sân thả những sợi rễ dài chấm dất, trông có vẻ tình tự văn nghệ, văn gừng không chịu được. Chào nhau chưa kịp đã nghe tiếng Hùng với khuôn mặt biến dạng sau ngày bị thương ở Lai Khê, khi theo tiểu đoàn vào Tống Lê Chân, ào ào trách cứ:

 - Nửa năm rồi nghen cha nội, hứa bao lần ông mới mò tới tụi tôi.

 - Có trời làm chứng, tui ráng hết gân mới tới được, tuổi già bệnh hoạn mà cha.

 Quanh bàn là 3 ông Biệt Động.

 Người lớn tuổi nhất cựu binh Mai Vinh của sư đoàn 5, người ở lính khi tôi mới một tuổi, ông về sư đoàn này khi ông Thiệu còn là đại tá tư lệnh, qua bao chiến trường, bao trận mạc. Cuối cùng, ông lãnh một trái phá khi sư đoàn dưới quyền tướng Lê Văn Hưng, với một khuôn mặt méo mó, mất luôn con mắt trái, hàng tá mảnh đạn găm vào người. Ông về vườn và sống tất bật theo cái tuổi về chiều cùng với mớ sắt thép đạn bom vẫn tồn tại trên thân thể đã già nua.

 Hai mai Huỳnh Thanh Tâm của Biệt động quân vẫn ngồi yên lặng nhìn tôi nãy giờ:

 - Từ sau cái Gò Công Tây, anh mới chịu ló cái mặt ra.

 - Anh khoẻ không? Cha! râu dài gần tới rốn, bộ anh muốn lên núi hả?

 Người phế binh một chân còn lại đó là đàn anh quá tầm so với thời tôi, anh chiến đấu ở An lộc từ cái năm 1970, khi tôi chưa ăn cơm nhà bàn. Anh đi nát chiến trường miền đông, rồi bỏ lại cái chân ở Chơn Thành, có lẽ chính vì thế anh cũng thân tình với hạ sĩ Dương, anh chàng Võ Phùng Dương này của 4/52 BĐQ quá thân với tôi trong những ngày lặn lội lên đồi Gió, đồi 169 vào những năm 2011 thăm lom những mả mồ hoang lạnh còn sót lại sau chiến tranh, và hắn “thằng một chân về chôn bạn” mà tôi rất quí.

 Anh Tâm rất hiền, nhưng là dân học trường “Tây uýnh Pháp” nên thường, anh hay rớt lại mấy câu tiếng Tây quen thuộc trong câu chuyện và là dân khoá 23 TĐ, nên dĩ nhiên, một ông ĐĐT trinh sát của lính rằn ri vẫn “you and me”quen thuộc, như thời anh đấu hót với cái máy truyền tin trên tần số của lính Mỹ, khi gọi pháo yểm.

 Kéo cái chân giả lên anh Tâm nói với tôi:

 - Nó xưa và cũ như cuộc đời tui vậy đó, thấy chưa? Nhưng tui khoái nó, như khóai cái “cây mùa xuân vừa héo ở Gò Công Tây” của ông vậy.

 - Cha nội chuyện đó xưa như trái đất rồi anh nhắc chi?

 - Nhắc chớ, những lời nói thật dù dễ phật lòng nhưng… tui khoái.

 Anh cho tôi xem cái chân giả của anh, nó được làm từ thời của thập niên 60, 70 gì đó trông thật thô và kỳ cục.

 - Trời sao anh không làm cái mới dễ đi hơn.

 - Kệ, tui quen nó rồi, dấu chiến chinh giữ mãi trong lòng…

Cái chân giả, cổ lỗ sỉ của Tr/uý Huỳnh Thanh Tâm, một ĐĐT trinh sát của LĐ 6 BĐQ cùng chiếc giày trận thời chinh chiến


 Trương Văn Vân, ngồi đối diện tôi, kế anh là Bùi Văn Ấn của SĐ 25BB. Vân gõ ngón tay lên cái chân nhựa kéo cao ống quần lộ ra cái chân cụt gần sát gối

Ngoài một cái chân trái bỏ lại chiến trường, Bùi Văn Ấn còn tặng cho sắt thép vô tình mấy lóng tay.


 

Trương Văn Vân, vẫn coi trời bằng vung, dù rong chơi trên cái chân cụt


 - Tui bỏ cái chân thiệt ở Hậu Nghĩa, may mà ngày đứt phim có nó chứ không cũng mệt lắm.

 Tôi lấy máy ảnh chụp một phát, 3 con người một thời xương máu, còn lại chỉ có 3 cái cẳng chân, và cố lấy hình ba cái chân giả, mỗi cái có một niên đại chế tác khác nhau, màu sắc khác nhau, dù cùng một chiến trường Miền Nam Việt Nam, nó đánh dấu bao thế hệ nối nhau đi chiến đấu.

 

Chân dung 3 cái chân giả của Bùi Văn Ấn, Trương Văn Vân và tr/úy Huỳnh Thanh Tâm BĐQ


  Chợt nhớ tới Hoàng Thế Minh:

 - Sao tui không thấy Thế Minh vậy? tôi hỏi Hùng.

 - Nó chờ ông từ sáng, nên mới về nhà, để tui gọi nó qua, ở gần đây mà. Nghiêng cái mặt dị dạng Hùng ngó tôi trả lời từng tiếng.

 Chiều đã xuống và cơn mưa sẽ đến, cái nóng hầm hập của thời tiết Nam bộ cho tôi cái “ngửi” được hơi gió lạnh và mưa đang tới. Hoàng Thế Minh đến, khó nhọc với cặp nạng, nhưng thao tác quen thuộc, anh chống nó xuống mặt đường, quăng người rời khỏi yên xe gắn máy, thằng con trai lớn của anh giúp ông bố tật nguyền đi vào, trên hai cái nạng. Tôi và Hùng đứng dậy đón anh.

 Trong bàn chỉ có tôi, Hùng và cựu binh Mai Vinh còn nguyên hai chân, nhưng anh Vinh già và hom hem tới độ tôi có cảm giác anh khó lòng đứng lên được.

 - Sao rồi ? Tôi vỗ vai Thế Minh.

 - Cũng vậy thôi, chờ anh hoài mà tới nay mới có dịp ngồi lại với nhau.

 Câu nói rất bình thường của Thế Minh làm tôi khựng lại. Tôi đã từng hứa với anh sẽ lên Thủ Đức thăm anh và hứa từ hai năm rồi vậy mà cho tới hôm nay mới mò lên được, dù Thủ Đức chỉ cách nơi tôi ở không quá 45 phút chạy xe gắn máy.

 Hùng bảo tôi uống bia, café thì lúc này toàn ba cái café dỏm, không bắp rang thì cũng sái nhì sái ba pha thêm hương liệu, nước ngọt thì là hoá chất trộn đường hoá học, chẳng còn lựa chọn nào khác, dù ba cái bia bọt quả tình tôi không thích, Thế Minh cầm càng với chai trà không độ.

 Chúng tôi tha hồ đấu hót, chuyện trên trời, dưới nước, chuyện thượng vàng hạ cám.

 Hùng nhắc lại với Thế Minh:

 - Mày biết hôn, tao ném cái combine, đỡ ông thiếu úy Tuân, bị chơi một phát ở vai phải khi ông ta rút colt 45 hô anh em xung phong, cho đến khi hai thầy trò dìu nhau ngả xuống, ông Tuân dính thêm phát nữa và tử trận ở Tàu Ô, trên đường 13 nhuộm máu…

 - Mày biết không ổng chết trên tay tao, trước khi phi cơ xuống tải thương. Và hãnh diện:

 - Tao mang máy cho ổng mà… Tao lại không dính ở trận Tàu Ô này mà rớt tại Lai Khê lúc chuẩn bị lên Tống lê Chân.

TPB Nguyễn Thanh Hùng với khuôn mặt sau phẩu thuật của Tổng y viện Cộng Hoà đã cứu sống anh khi lãnh nguyên trái phá trên đường đổ quân lên Tống Lê Chân. Lai khê là chiến địa mà Hùng không bao giờ quên.


  Thế Minh thở dài nói với Hùng:

 - Vào An Lộc tao cũng te tua nhưng tao ra quân khu I.. và rớt ở khu Trà Bồng, Quảng Ngãi. Tao bị ở đồi Hoàng Oanh.

 Hai người chiến binh cùng mũ nâu ngồi nhắc nhau thuở chiến trường, bây giờ họ đang sống chật vật với thương tật trong cái tuổi về chiều, cùng nhau hồi tưởng những mặt trận họ từng qua. Trong mắt họ tôi nhìn thấy một chút nuối tiếc phảng phất trong từng câu, từng chữ, thời lẫm liệt của một đời trai trẻ đã qua.

 Cho đến khi Hùng nhắc cái vụ nhận quà từ một tổ chức thiện nguyện mang tên VHF, anh càm ràm về những vấn đề tệ hại xảy ra từ những cá nhân liên quan đại diện cho tổ chức này, thì câu chuyện bắt đầu ì xèo lên.

 Một cái tên “Chín Cùi” nào đó, đã nhiều lần lạm dụng danh nghĩa đại diện cho tổ chức VHF lừa lọc anh em TPB đang sống tại VN, cướp đi những trợ giúp từ tổ chức này gởi cho các anh TPB mà anh ta làm đại diện.

 - Trời có vụ này nữa sao?

 Trời đổ mưa, mưa như trút xuống, chúng tôi vịn níu nhau chạy vào bên trong quán, cô chủ quán, một thiếu phụ trung niên, có vẻ rất quen với những tay tàn tật này, chạy ra thu dọn ly tách.

Bên trong quán đã có một bàn với ba người khách đang đánh đàn guitar cùng hát hò những ca khúc thời xưa cũ, cái quán rất văn nghệ, tính cách của nó bộc lộ qua những khách gần như quen thuộc với quán, bởi cô chủ cũng là một trong những “ca sĩ” của buổi trình diễn bỏ túi mà không có khán thính giả này.

 Vào bàn mới, câu chuyện lại xoay quanh vụ VHF.

 Tôi nói với anh Tâm:

 - Tổ chức này là VietNam Healing Foundation hả đại ca? Tui có lần vào trang này trên net.

 - Ừ, tui cũng bị nó chơi mấy phát, từ 3 năm nay, chỉ vỏn vẹn 600 ngàn một lần, mà hỏi ra thì VHF vẫn thường chuyển về tôi theo qui định mỗi năm hai lần và mỗi lần là 1 triệu 500 ngàn.

 Tôi lẩm bẩm tính toán mỗi năm hai lần:

 - Mỗi năm 150 đô la cho mỗi TPB, như vậy cũng tốt quá rồi.

 Hùng cau mặt:

 - Tốt con khỉ, thằng Thế Minh nè, nhận chiếc xe lăn trị giá hơn triệu tám, tới tay thì trớt quớt.

 Tôi quay sang hỏi Hoàng Thế Minh:

 - Sao trớt quớt vậy Minh?

 - À, tui mất hai chân, tổ chức này cho một chiếc xe lăn. Tay “Chín Cùi” gọi tôi lên nhận và hỏi tui: “Mày muốn nhận xe hay nhận tiền?

Anh biết không, cái xe lăn rất quí, nhưng tui không dùng được vì nhà chật chội, xê dịch khó khăn, nó cồng kềnh so với cái chỗ tui ở, tui nghĩ mãi và cuối cùng nói với Chín Cùi “Thôi anh cho tui nhận bằng tiền cũng được”. Chín “Cùi” bảo tui:

Mày muốn nhận thì nè, ở đây 600 ngàn tao đưa trước, mày kiếm ra chiếc xe lăn ngồi trên đó chụp hình rồi đưa tao, tao s đưa phần còn lại 1 triệu 200 ngàn cho mày sau”. Tui về, chạy vắt đầu tóc kiếm cho ra cái xe, chụp hình rồi đưa anh ta. Mấy ngày sau Chín “Cùi” gặp tui, bảo tui cà phê cà pháo với hắn cái đã. Bất đắc dĩ tui phải mời anh ta vào quán, ngồi xuống bàn là Chín “Cùi” điện thoại rủ một lô bạn của hắn tới. Kết quả là tui trả hết 700 ngàn tiền nhậu cho họ, rồi tò te về với cái xe lăn bằng 500 ngàn đồng trong túi.

 Huỳnh Thanh Tâm, gục gặt đầu, mấy sợi râu bạc bay phất phơ trông như một ông thiền sư đã ngộ đạo đang tung tăng trên đỉnh núi.

 - Chưa hết đâu, nó còn chơi cái màn, cứ mỗi một triệu mà nó đi giao tới là phải 100 ngàn tiền xăng nhớt, chưa nói đến cái khoản café.

 Nghe đến đây tôi thực sự lạnh toát người. Trời, anh em bè bạn tôi, những TPB một thời xương máu đã đổ xuống cho biết bao thằng còn nguyên vẹn bị cư xử như thế này sao?

 - Nhưng mà Chín “Cùi” là ai vậy? tôi hỏi trống không.

Trương Văn Vân một cẳng đang kè Huỳnh Thanh Tâm đứng dậy, bởi cái chân giả của anh Tâm sau nhiều năm bị mòn đi và thanh sắt nối khớp gối đã thành 60 độ thay vì thẳng đứng.


 Trương Văn Vân, im lặng nãy giờ, xắn tay áo góp chuyện:

 - Chín “Cùi” hả? Hắn là Nguyễn Hồng Minh hình như cũng là TPB của TĐ 3 TQLC. Thằng này xui mà gặp tui là tới số…

 Anh Tâm xen vào:

 - Tui nghe nói, hắn lấy giấy tờ của anh ruột hắn, chứ hắn không phải là TPB.

 Hoàng Thế Minh thêm một câu làm tôi ngẩn người:

 - Khi VHF mới tổ chức, có 24 TPB đầu tiên. Tui ghi danh và nhận trợ giúp từ đầu, chính vì vậy sau một lần duy nhất nhận thì không có nữa tôi mới hỏi Chín “Cùi”. Anh ta nói là “Mày chưa gởi hồ sơ làm sao có” tui kể cho anh ta là mình chính là những TPB trong danh sách đầu tiên, anh ta nói “Tao không biết, mày hỏi lại đi”. Chuyện này xảy ra trước khi có cái vụ xe lăn.

 Đến đây thì tôi hiểu ra một điều, rất nhiều tổ chức thiện nguyện từ các nơi, cố tâm giúp đỡ những TPB của QLVNCH còn ở lại VN nhưng do chính những người đại diện của họ, nên có khi vì một lý do nào đó, số quà hay sự hỗ trợ của họ không đến được tận tay người nhận.

 Cái lý do quả thật nghiệt ngã, cái lý do chết tiệt chẳng có một chút tình người, cái lý do nói như kiểu nhà binh, mà Trương Văn Vân trong một phút bất mãn đã thốt ra “cái lý do tào lao”.

 Lão tướng Mai Vinh từ đầu không bàn vào câu chuyện trần ai này, anh thở dài:

 - Nói cho cùng ngay cả sinh mệnh của mình, mình cũng không biết hà huống chi những cái từ trên trời, từ xa lắc, qua biết bao vòng, biết bao chặng mới tới tay mình…

 Trời đã xuống thẫm một màu, màu mưa lớn, chúng tôi tan hàng. Trương Văn Vân bận chuyện nhà nên về trước, nhưng vẫn rời bàn sau cựu binh Bùi văn Ấn, lão này phải về rước cháu ngoại tan học nên chào chia tay từ trước cơn mưa. Tôi chở Thế Minh về Thủ Đức, Hùng đưa anh Thanh Tâm về nhà, lão tướng Mai Vinh lên yên ngựa một mình dù chỉ một nút nữa là tới 80, cái tuổi hiếm hoi trong số cựu binh tôi từng gặp.

 Không quen với hai cái nạng xếp dọc sườn xe, nhưng tôi vẫn cố chạy cẩn thận giữa dòng xe đông như kiến dọc xa lộ với một con người thiếu thăng bằng ngồi phía sau, Thế Minh vòng tay ngang người tôi giữ cho khỏi ngã trong những cú lạng tránh những gã thanh niên mặt non choẹt đang hùng hổ rú ga chạy ào ào trên con đường chật chội.

 - Thời đại của tụi mình hết rồi. Tôi nói với Thế Minh.

 - Anh tới ngã tư Kha Vạn Cân thì quẹo trái nghen.

 Đó là con đường tử thần của xe tải một thời vang danh, bởi những chuyến đất đá chở về từ hướng Biên Hoà, con đường bây giờ trở nên chật chội hơn, hàng quán đông hơn, tới nhà Thế Minh phải quẹo trái, phải thêm vài cái nữa, tôi thật chẳng thể nào nhớ nỗi đường xá ở cái xứ người đông như kiến này.

 Thế Minh cởi trần kéo tôi ngồi xuống ngay cái chỗ anh ngủ, một cái nhà bếp nhỏ và cái kệ bếp dùng chứa đồ, anh đã nằm ngủ trên cái sàn chật chội nhiều chục năm qua. Nhìn cái khó, cái nghèo xơ xác, bộc lộ qua mái tôn lót một lớp xốp chống nóng, lu bu, ngổn ngang đồ đạc là biết anh khốn khó tới cỡ nào.

 

Hoàng Thế Minh TPB, BĐQ tại cơ ngơi của anh vào chiều 14-07-2014


 Tôi mở máy cho Minh coi những tấm hình đã chụp hồi chiều, hai đứa cùng nghe lại mấy lời bực dọc của Vân cùng sự giận dữ của Hùng khi nhắc đến câu chuyện về VHF.

 Theo thói quen, để tránh những dấu hỏi khó chịu nếu có sau này, tôi ghi vội trên điện thoại. Hai đứa ngồi với nhau một lúc lâu, rất là lâu.

 Chia tay với Hoàng Thế Minh tôi chạy xe dưới màn mưa bụi suốt từ Thủ Đức về đến đầu cầu Phú Mỹ, cả người lem luốc và ướt nhẹp.

 Thắng xe dừng ở giữa cầu, chỗ có thể tránh đường xe chạy qua, đứng trên hành lang dành cho người đi bộ, tôi nhìn xuống sông Sài gòn, thấp thoáng phía xa thành phố mới lên đèn.

 

Mai Vinh cựu binh mù mắt trái, có số quân 55/805196, KBC 4503, TĐ 1/8 của Sư Đoàn 5, rách áo ở Dầu Tiếng từ cuối 1969


 

 Câu nói của lão tướng Mai Vinh cứ lởn vởn trong đầu tôi “…ngay cả cái sinh mệnh của mình, mình còn không biết…”. Cay đắng làm sao! Những con người có một thời chinh chiến, bản thân họ là TPB, mà là TPB của một chính quyền bị tước trên tay từ một chính quyền khác, sự sống còn như một trò chơi không hơn, tương trợ nhau được biểu diễn qua một đường cong ma mãnh.

 Bầm dập gần 40 năm tính từ ngày mà cái quân đội họ đã phục vụ không còn nữa. Nhưng, suy cho cùng sự chiến đấu lẫm liệt đó chính là chiến đấu cho tự do, cho sinh tồn của dân tộc, của đất nước. Chiến tranh qua đi, sao nó không giống những quốc gia khác, cũng có những cuộc nội chiến, cũng có thương binh. Sao người ta cư xử trong tinh thần thượng tôn của võ nghiệp, trong cái trân trọng một con người, mà ở đây, trên đất nước này lại khác. Nhớ anh Nguyễn Đình Toàn từng hát cho tôi nghe một ca khúc sau ngày tan trận, lúc hai anh em bị nhốt chung ở nhà giam T20 thành Gia Định từ những năm 1977, trong đó có một câu thật đau đớn “…nời với người, đã trở thành thiên tai…”.

 Không phải cái đau xuất phát từ những người đối lập, mà nó lại khởi nguồn từ những người cùng một hoàn cảnh, tồi tệ nhất trong các thứ hoàn cảnh tồi tệ khác. Cướp nhau tận cùng, tước đoạt tận mạng những thứ có thể tước đoạt được, trong cái tranh giành sống còn hôm nay. Vì cái gì? Đói khổ làm người ta mụ mẫm cả lương tri.

 Trách sao những món tiền khổng lồ mà các tổ chức quốc tế, của Liên Hiệp Quốc với những kế hoạch đã có vài mươi năm, hỗ trợ cho những kẻ bị nạn sau chiến tranh, những con số hàng chục, hàng trăm triệu đô la, không bao giờ, không thể nào đến tay những thương binh của một quân đội đã bị lãng quên. Những món tiền cỏn con như chút quà mọn như vậy còn bị cắt xén tan nát nói chi là cái khác to, lớn hơn nhiều rất nhiều. Chiến tranh để lại quá nhiều tai ương.

 Dẫu sao tôi cũng đã thực hiện được cái mong muốn gặp Minh, gặp Hùng và những TPB mà tôi từng biết đến, có người chỉ biết qua một cái tên, có người đôi lần cùng nhau chia xẻ trong những khi tôi có cơ hội và có khả năng chạy vạy từ anh em bè bạn của mình.

 Nhắc đến điều này tôi như một con nợ, gánh một gánh với nhiều anh em quen biết, cũng có kẻ chưa từng gặp mặt nhau. Từ những nhà hảo tâm có khi biết, có khi không, giúp tôi có thêm cơ hội sống gần, kề cận với những anh em TPB và biết được những thứ trời ơi đất hỡi chung quanh chuyện trao nhận quà cáp từ xa chuyển về, biết cái sống như chết rồi của anh em, biết cái oai hùng trong đoạn đời chiến đấu của từng người và chính vì thế mới biết những “cái lý do tào lao” và câu chuyện chết tiệt mà trong đời có lẽ sẽ không sao hiểu nỗi.

 nguyễn thanh khiết

tháng bảy 2014

 
Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Sáu 20206:03 CH
Khách
Thua anh Khiet,
Hom nay toi moi tinh co duoc doc bai viet cua anh ve TPB. Toi muon giup do anh chi em minh con ket lai.
xin anh cho biet email de tien lien lac.
Cam on anh Khiet va mong anh giu gin suc khoe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn