Hôm 27/03/2019, toà án Lithuania ra bản án 10 năm tù với Nguyên soái Dmitry Yazov, 94 tuổi, vì vụ tấn công đầu năm 1991 ở Vilnius.
Bị xử khiếm diện nhưng tên tuổi ông Yazov và trên 60 công dân Nga, Belarus và Ukraine bị kết án gây "tội ác chiến tranh" nhắc lại Tháng Giêng Đen 1991.
Đây cũng là sự kiện đảng cộng sản Lithuania chọn cách đứng về phía người dân nước họ, công khai phản đối người Nga và chế độ Liên Xô.
Liên Xô, từ lãnh đạo cao nhất là Mikhail Gorbachev, đã đánh giá sai xu hướng dân tộc dâng lên ở vùng Baltic và ra nhiều quyết định sai lầm, làm tình hình xấu đi.
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa, bác bỏ cộng sản từ Lithuania đã lan ra hai nước cộng hòa vùng Baltic khác là Estonia và Latvia, rồi tới các khu vực khác của Liên Xô.
Lithuania đi đầu tách khỏi Liên Xô
Ngay từ cuối thập niên 1980, ở cộng hòa Lithuania đã nổi lên ý tưởng đòi độc lập khỏi Liên Xô.
Tháng 5/1989, cùng thời gian Ba Lan chuẩn bị Hội nghị Bàn tròn để chia sẻ quyền lực giữa Công đoàn Đoàn kết và Đảng Công nhân Thống nhất (cộng sản), Quốc hội Lithuania ra nghị quyết rằng mọi quyết định của Moscow chỉ có hiệu lực ở Lithuania sau khi được nghị viện nước này phê chuẩn.
Về nguyên tắc, đây chỉ là một động tác pháp lý nhằm nêu bật tính "hợp hiến" và vì dân của các quyết định cấp liên bang đối với nước cộng hòa thành viên.
Nhưng trên thực tế, đây là cách Lithuania, vẫn do đảng cộng sản địa phương lãnh đạo, khẳng định quyền của họ, và tách xa Liên Xô.
Sang tháng 3/1990, vẫn quốc hội Lithuania ra nghị quyết coi việc sáp nhập Lithuania vào Liên Xô năm 1940 là "phi pháp".
Cộng hòa Xô-viết Lithuania, về danh nghĩa vẫn thuộc Liên Xô, nay coi họ là quốc gia kế thừa nền cộng hòa dân chủ tư sản từ thập niên 1920.
Phản ứng của Mikhail Gorbachev là đe dọa và bao vây.
Liên Xô ra lệnh cấm vận kinh tế Lithuania và Gorbachev đe dọa sẽ sáp nhập cảng Klaipeda của Lithuania vào đặc khu Kaliningrad của Nga nằm bên bờ Baltic.
Lệnh bao vây, chặn nguồn cung ứng dầu hỏa, khí đốt và thực phẩm của Liên Xô khiến kinh tế Lithuania điêu đứng, giá cả tăng vọt.
Mùa hè năm 1990, Stanislovas Žemaitis, công nhân từ thành phố Kaunas, đến Quảng trường Đỏ ở Moscow để tự thiêu phản đối Liên Xô "áp bức quê hương Lithuania" của ông.
Hai đảng cộng sản ở Vilnius và Moscow đàm phán để tháo gỡ khủng hoảng và Lithuania đồng ý tạm treo Nghị quyết Độc lập để Liên Xô bỏ cấm vận.
Tuy nhiên, quan hệ hai bên trở nên rất tồi tệ và chính các thành viên cao cấp nhất của đảng cộng sản Lithuania cảm thấy Liên Xô kiên quyết đường lối "đế quốc" nên đã quyết tâm đi theo con đường dân tộc và kêu gọi sự ủng hộ quốc tế.
Trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa đòi tự quyết dâng lên ở vùng Baltic, Liên Xô, mà thực tế là nước Nga, chỉ còn có thể trông cậy vào nhóm dân chúng và cán bộ nói tiếng Nga.
Tháng Giêng 1991, người nói tiếng Nga ở Lithuania tổ chức biểu tình đòi ban lãnh đạo nước cộng hòa, mà tất cả là người Lithuania, phải từ chức.
Trong số người biểu tình có cả các công nhân Nga đến từ vùng khác cùng các đảng viên cộng sản Liên Xô.
Ngày 11/01, ông Gorbachev yêu cầu ban lãnh đạo Lithuania "rút lại mọi tuyên bố vi hiến" về nền độc lập của nước cộng hòa nhỏ bé, 3,7 triệu dân.
Đáp lại, các đảng viên cộng sản Lithuania lập ra Hội đồng Cứu quốc để thay thế Quốc hội (tức Hội đồng Tối cao nước cộng hòa, theo mô hình Liên Xô).
Nguyên soái Dmitry Yazov, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, và đại tá KGB Mikhail Golatov đóng tại Lithuania, ra lệnh bao vây mọi cơ quan nhà nước Lithuania.
Nhưng phe độc lập vẫn làm chủ các đài truyền hình ở Vilnius và Kaunas.
Họ kêu gọi những ai biết ngoại ngữ xung phong đến soạn bản tin tiếng Anh, Pháp, các tiếng Bắc Âu để phát ra cho thế giới biết về tình hình Lithuania.
Đêm 12 sang ngày 13/01, đặc nhiệm Liên Xô tấn công tháp truyền hình Vilnius, làm chết 14 người và khiến hàng trăm người bị thương.
Người Lithuania gọi đây là Chủ Nhật Đẫm Máu, và phát lời kêu gọi thế giới ủng hộ họ.
Bản tin của Lithuania đầu tiên từ kênh truyền hình vẫn còn do phái độc lập kiểm soát ở Kaunas được một đài Thụy Điển đón nhận và phát lại.
Sau đó, các nước Bắc Âu như Na Uy, và quốc gia Ba Lan láng giềng - vẫn còn là xã hội chủ nghĩa - cũng lên tiếng yêu cầu Liên Xô chấm dứt đàn áp ở Lithuania.
Cuộc tấn công vào đài truyền hình Vilnius làm sứt mẻ hình ảnh "thân thiện" mà Mikhail Gorbachev gây dựng ở Phương Tây thời Mở cửa.
Sau này, ông Gorbachev bác bỏ lời nói rằng ông ra lệnh cho quân đội đánh vào đài truyền hình Vilnius.
Nhưng các sử gia không tin điều này vì thật khó có chuyện quân đội Liên Xô tự ý có hành động nghiêm trọng như thế mà thiếu sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng.
Chưa kể ngay sau sự kiện Vilnius, nguyên soái Yazov được TBT Gorbachev ngợi khen và tiếp tục ra quân tấn công người biểu tình ở Baku, Azerbaijan.
Vụ nổ súng ở Vilnius không làm cho người Lithuania nhụt chí.
Hàng vạn dân đã tràn ra phố, tuần hành và trực đêm bảo vệ các cơ quan chính quyền.
Một cuộc khủng hoảng tựa như Budapest năm 1956 và Prague 1968 có thể bùng ra bất cứ lúc nào nếu Moscow tiếp tục dùng biện pháp quân sự.
Cuối cùng thì Liên Xô đành nhượng bộ.
Ngày 31/01/1991, Liên Xô ký lại hiệp ước quốc tế với Lithuania, công nhận nước này độc lập.
Chỉ vài ngày sau, vào 4/02, Iceland là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Lithuania và lập quan hệ ngoại giao với Vilnius.
Cũng trong tháng 2/1991, trưng cầu dân ý tại Lithuania ghi nhận 90,7% cử tri chọn độc lập.
Lithuania trở thành cộng hòa đầu tiên thuộc Liên Xô chọn độc lập, mở đường cho láng giềng Baltic là Latvia và Estonia tuyên bố độc lập vào tháng 8 năm đó.
Khủng hoảng sau đó diễn ra tại chính nước Nga với Bè lũ Tám tên (Gang of Eight) do Phó Chủ tịch Liên Xô Gennady Yanaev chủ mưu, làm cuộc đảo chính bất thành chống lại Gorbachev.
Nhưng tình thế đã khiến TBT Gorbachev từ chức và đến ngày 26/12, Liên Xô tự giải thể.
Thành công trong hội nhập châu Âu
Sau khi Lithuania thông qua hiến pháp mới năm 1992, khôi phục các nguyên tắc dân chủ và tam quyền phân lập, nước này tiến nhanh trên con đường hội nhập châu Âu.
Đảng Cộng sản Lithuania đổi tên thành Đảng Lao động Dân chủ, và giành nhiều ghế hơn cả đảng Sajudis trong cuộc bầu cử đầu tiên năm, và họ đã lập chính phủ liên minh.
Một điều đáng chú ý là dân số Lithuania giảm đi nhiều sau khi tách khỏi Liên Xô vì một số đông người Nga rời nước này.
Hiện Lithuania có 2,8 triệu dân, so với 3,7 triệu năm 1991.
Năm 1993, Lithuania gia nhập Hội đồng châu Âu và dùng lại đồng tiền litas. Quân đội Liên Xô rút khỏi Lithuania và sự kiểm soát gián tiếp của Nga hoàn toàn chấm dứt.
Năm 2004, Lithuania cùng 9 nước Đông Âu gia nhập EU. Lithuania hiện cũng là thành viên Nato. Nay đã dùng đồng euro, Lithuania sau khi tách khỏi Liên Xô có tăng trưởng kinh tế đều, và đạt thành tích ngoại mục.
Thu nhập bình quân đầu dân tăng từ 2800 USD năm 1990 lên gần 19 nghìn năm 2018.
4/3/2019
Nguồn BBC