Các tội ác khủng khiếp của Stalin xảy ra chỉ đơn giản là vì ông ta theo đuổi không khoan nhượng logic của chủ nghĩa Marx.
Sau khi Lenin qua đời năm 1924, chỉ đến năm 1929, Stalin đã hoàn toàn làm chủ bộ máy chính trị Liên Xô và không ai dám đặt câu hỏi về quyền lực của ông ta, theo Stephen Kotkin, Giáo sư trưởng bộ môn nghiên cứu về Nga tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ.
Đánh vào chính bộ máy
Nhưng cuốn sách mang tên 'Stalin đợi Hitler' đã bỏ ra hai phần ba để giải thích vì sao Stalin đã quyết định thanh lọc tiếp tục bộ máy Đảng, Nhà nước và Hồng quân Liên Xô.
Nhà độc tài đã tung ra liên tiếp các chiến dịch bắt và giết, nhằm vào các "kẻ thù tưởng tượng" bên trong.
Chỉ trong hai năm 1937-38, công an Liên Xô đã bắt hơn 1,5 triệu công dân và xử bắn 682 nghìn người.
Đa số các ủy viên trung ương Đảng, các tướng Hồng quân đều bị xử bắn.
Trong 10 đô đốc của Hải quân Liên Xô, chín người bị Stalin ra lệnh thủ tiêu.
Cuộc Đại Khủng Bố (Great Terror) trong thập niên 1930 làm lu mờ đợt Khủng bố Đỏ (Red Terror) sau khi phái Bolshevik giành chiến quyền năm 1917.
Theo Stephen Kotkin, chỉ trong hai năm của năm 1918, có ít nhất 6185 vụ xử bắn mà chính quyền mới thực hiện.
Con số này gần bằng 6321 vụ xử tử mà chính quyền Nga Hoàng thực hiện trên toàn đế chế Nga trong 100 năm trước đó.
Nhưng vào giai đoạn trước Thế Chiến 2, số người bị thiệt mạng trong các vụ bắn giết, hành hình, và tù đày trên toàn các nước cộng hòa của Liên Xô thời Stalin lên tới nhiều triệu.
Mục tiêu của Stalin mà ông ta thực sự tin vào, là để "cải tạo toàn bộ xã hội theo mô hình cộng sản", từ nông thôn tới thành thị.
Hợp tác hóa đã tiêu diệt toàn bộ tầng lớp trung nông và địa chủ ở Liên Xô với khoảng 5 triệu 'kulak bị bắt, bị đi đày và một con số lớn bị giết.
Cuồng tín nhưng không bị điên
Tuy thế, Stephen Kotkin bác bỏ một thuyết khá phổ biến ở Phương Tây rằng Stalin bị điên, hoặc có vấn đề tâm thần, hoặc bị tổn thương tâm lý hồi nhỏ nên đâm ra thù oán, nghi ngờ người xung quanh một cách bệnh hoạn.
Theo giáo sư Kotkin, Stalin có chút dị tật như đi khập khiễng, và bị bệnh đậu mùa để lại vết trên mặt, nhưng về tâm lý, ông ta có tư duy hoàn toàn logic.
Là người say mê công việc, Stalin thường làm việc tới khuya, đọc cả trăm tài liệu một ngày và liên tục ký giấy tờ.
Có lúc cao hứng, ông ta đưa con gái xuống mạng xe điện ngầm ở Moscow, gặp gỡ người dân rất thân thiện, vui vẻ.
Vấn đề chính của các tội ác Stalin gây ra không phải là bệnh lý, mà là niềm tin sâu sắc rằng sau Lenin, ông ta là người có sứ mệnh cải tạo nhân loại bằng cuộc cách mạng cộng sản.
Để làm điều đó, ông phải tiêu diệt mọi kẻ thù trong và ngoài đang ngăn chặn ông, và cần phải tiêu diệt họ.
Nói ngắn gọn nhất thì "Chủ nghĩa Marx đã tạo ra Stalin" (Marxism moulded Stalin), theo Stephen Kotkin.
Đến năm 1938, sau khi Liên Xô đã "sạch bóng" kẻ thù bên trong: những người theo phái Trotsky, tư sản, trí thức, trung nông, địa chủ, và cả tầng lớp sỹ quan 'tư duy kiểu cũ', Stalin nhận thấy nước Đức phát-xít và nước Nhật Bản quân phiệt là các mối đe dọa bên ngoài.
Phần thứ ba của cuốn sách tập trung vào các hoạt động ngoại giao, quân sự của Liên Xô trong bối cảnh địa chính trị trước Thế Chiến 2.
Cũng để bảo vệ chế độ Xô -Viết, các động tác sau đó của Stalin gồm một kế hoạch tìm cách chia sẻ ảnh hưởng ở châu Âu với Hitler bằng Hiệp ước Bất Tương xâm.
Nhưng trong thâm tâm, Stalin biết là cuối cùng thì Hitler sẽ đánh Liên Xô.
Và ngày đó đã đến vào tháng 6 năm 1941 khi quân Đức mở chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô.
Cuốn "Stalin Waiting for Hitler 1928-1941" là tập tiếp theo của "Stalin: Paradoxes of Power, 1878-1928", trong đó, Stephen Kotkin giải thích sự hình thành tính cách của Joseph Stalin, và quá trình ông ta lên đỉnh cao quyền lực.
Cả hai cuốn sách bị một số trí thức thiên tả ở Phương Tây phê phán, cho là đã dựng lại một hình ảnh không chính xác về Stalin.
Tại Liên Xô cũ và một số quốc gia châu Âu có các đảng phái từng thân Moscow, giới trí thức thiên tả duy trì quan điểm Stalin dù có công xây dựng chế độ Xô-Viết, đã "diễn giải sai" chủ nghĩa Marx và đi chệch con đường Lenin định ra.
30-10-2017
Nguồn BBC