BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký Sự Trong Tù

26 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 14738)
Ký Sự Trong Tù
554Vote
42Vote
33Vote
26Vote
12Vote
4.567

Lời nói đầu


Thưa quí vị, quí bạn,


Trong quyển "Đôi Dòng Ghi Nhớ", hồi ký chính trị từ năm 1963 đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, được trình bày dưới dạng "chuyện kể" về những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ, từ cuộc Đảo Chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc Chỉnh Lý ngày 30 tháng 1 năm 1964, cuộc Biểu Dương Lực Lượng ngày 13 tháng 9 năm 1964, cuộc Đảo Chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965, quân đội nhận trách nhiệm Lãnh Đạo Quốc Gia từ ngày 19 tháng 6 năm 1965, cuộc Khủng Hoảng Chính Trị từ ngày 9 tháng 3 năm 1966, đến Những Tháng Cuối Cùng, Những Ngày Cuối Cùng, và Giờ Thứ 25 của cuộc chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ. Nhà xuất bản Ngày Nay tại Houston ấn hành tháng 11 năm 1994, tháng 11 năm 1995, và tháng 12 năm 1998.


Ở đoạn kết, tôi có nói về nguyên nhân không vượt thoát được vì tôi ước tính tình hình sai, nên bị cộng sản đẩy vào trại tập trung từ ngày 14 tháng 6 năm 1975. Đó là cái giá mà tôi -trong số 222.809 bạn đồng đội- bị bắt buộc phải trả là "tù chính trị" mà cộng sản Việt Nam gọi là "học tập cải tạo". Chính xác về phần tôi, cái giá là 12 năm 2 tháng 28 ngày với cái tội ghi trong hồ sơ là "Đại Tá quân ngụy". Sở dĩ tôi biết tôi bị "cái tội kỳ cục" ấy, vì lúc làm thủ tục tại trại tập trung Nam Hà (4/1978) tôi lướt nhanh những dòng chữ đó trên bìa hồ sơ.


Với quyển "Ký Sự Trong Tù" mà quí vị quí bạn đang cầm trong tay, trong một góc độ nào đó, tôi cố gắng ghi lại nét nhìn của tôi từ khi quân cộng sản tràn vào thủ đô Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, mà nội dung chính được dựng lại những góc cạnh suốt thời gian tôi bị giam trong các trại tập trung (6/1975-9/1987) đến vấn đề giáo dục trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ sau khi tôi ra trại cuối năm 1987. Tôi tường thuật cũng dưới dạng "chuyện kể" về bản thân tôi và gia đình tôi, trong bối cảnh đất nước dưới chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Tôi nghĩ, không chỉ riêng gia đình tôi, mà là hằng trăm ngàn gia đình công dân Việt Nam Cộng Hòa cũ cùng chung hoàn cảnh, mà cộng sản gọi là "ngụy quân ngụy quyền miền Nam".


Biết rằng, đã có một số quyển hồi ký dựng lại nhiều góc cạnh khác nhau trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiển nhiên là mỗi cá nhân mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, nét nhìn khác nhau, nét nghĩ khác nhau, nhưng cho dù có khác nhau thế nào đi nữa, mọi hoàn cảnh đều bắt nguồn từ một nguyên nhân chung. Đó là bản chất của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam: "Độc đảng, độc tài, độc quyền". Rất mong những nhà viết sử sẽ gom góp được nhiều loại hồi ký phổ biến qua nhiều dạng khác nhau, để tạo nên dòng sử "Việt Nam Cận Đại" mà đặc biệt là giai đoạn từ 1945 về sau.


Trong dòng lịch sử Việt Nam từ xa xưa đến nay, cho dù chế độ phong kiến hay thực dân, chưa bao giờ người dân Việt Nam bị cai trị khắc nghiệt cho bằng chế độ cộng sản Việt Nam. Họ luôn miệng tự xưng là cách mạng, nhưng thực chất sinh hoạt trong xã hội xã hội chủ nghĩa, chẳng những không có gì khác với bản chất của những triều đại vua quan phong kiến Trung Hoa cai trị đất nước ta xấp xỉ một ngàn năm, mà bản chất đó còn cộng thêm tính gian manh xảo trá, và cướp đoạt rất tinh vi.


Vì vậy mà trong những dịp bàn luận thời sự, chúng tôi thường nói với nhau rằng:


"Nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam làm những việc hay rất dở, nhưng làm những việc dở rất hay".


Những việc hay là những việc làm phục vụ nguyện vọng người dân, những việc làm cho đất nước phát triển và hùng mạnh, còn những việc dở là những việc làm tàn bạo độc ác chỉ để phục vụ đảng cộng sản, những việc làm gian manh xảo trá, đục khoét cướp đoạt tài sản quốc gia lẫn tài sản người dân cho riêng họ. Chính "những việc làm rất hay" của lãnh đạo cộng sản trong hơn 50 năm qua, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một nền giáo dục không nhằm đào tạo những lớp người tử tế trong xã hội Việt Nam, mà họ chỉ đào tạo những tầng lớp thần dân để tuân phục họ, và họ luôn trưng dẫn đảng cộng sản như tấm bình phong che chắn tội ác! Đối với lịch sử, đây là tội ác ghê tởm nhất của những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, mà trong thời kỳ hậu cộng sản ít nhất phải hai thế hệ sau đó, giáo dục mới đào tạo được những tầng lớp tử tế, xây dựng một xã hội nhân bản trên nền tảng văn hóa Việt Nam kết hợp hài hòa với khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới.


Cũng hơn nửa thế kỷ đó, các nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã đẩy đất nước Việt Nam thụt lùi so với bước phát triển bình thường của nhân loại nói chung, và so với các quốc gia trong khu vực mà một thời chậm tiến như Việt Nam nói riêng. Bởi bản chất của các nhóm lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không phục vụ nguyện vọng người dân, họ xem người dân là một loại phương tiện phục vụ họ, và họ đã cưỡng bách dân tộc Việt Nam -kể cả công dân Việt Nam Cộng Hòa sau tháng 4/1975- phải trả cái giá ngoài sức tưởng tượng của những con người tử tế trong xã hội!


Trong các quốc gia bị cộng sản cai trị, nhìn chung bản chất độc tài tàn bạo như nhau, nhìn riêng theo nét đặc thù của từng nhóm quốc gia thì cộng sản Á Châu độc tài tàn bạo hơn cộng sản Âu Châu, nhìn riêng nữa thì cộng sản Việt Nam độc tài tàn bạo hơn hết. Bởi, lãnh đạo cộng sản Việt Nam học được những phương cách tàn bạo của Trung Hoa cộng sản, một bản chất lưu truyền từ thời phong kiến xa xưa, vừa thâm lại vừa độc. Rồi kết hợp với những đầu óc kém cỏi trong các tầng lớp lãnh đạo, cứ truy lý lịch ba đời để tìm những con người kém cỏi nhất nhưng trung thành nhất để nối tiếp trên hàng lãnh đạo, dẫn đến một bộ máy cai trị độc tài tàn bạo hơn hết là điều đương nhiên!


"Ký Sự Trong Tù" kết thúc khi vợ chồng tôi rời Việt Nam ngày 29 tháng 3 năm 1991 trong đợt HO5, đặt chân trên đất nước Hoa Kỳ ngày 5 tháng 4 năm 1991 với danh nghĩa tị nạn cộng sản .


Và bây giờ xin mời quí vị quí bạn vào chuyện kể …


Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Bắt đầu viết ngày 2 tháng 1 năm 2006.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa
cựu tù nhân chính trị


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn