BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đảo Kuku: 39 năm đằng đẵng lời hẹn quay về...

23 Tháng Tư 20187:17 SA(Xem: 4157)
Đảo Kuku: 39 năm đằng đẵng lời hẹn quay về...
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73

Trong cái tĩnh lặng của khu mộ trên đảo Kuku, bà cụ 77 tuổi nói với giọng bùi ngùi: "Thôi thì cứ làm mộ cho ông ở đây, phải ông thì ông hưởng, không thì người khác hưởng, cùng là người mình với nhau thôi mà."

Bà Ôn Trương và con trai tại đảo Kuku trở lại đảo Kuku lần đầu sau 39 năm
Bà Ôn Trương và con trai tại đảo Kuku trở lại đảo Kuku lần đầu sau 39 năm



Trước tháng 6/1979, Kuku chỉ là một trong 17.508 hòn đảo lớn nhỏ của Indonesia, và có lẽ địa danh này chỉ được một số người dân sống trên những hòn đảo gần đó biết đến.

Rồi từ khi nhiều người Việt bỏ nước ra đi sau biến cố 1975, Kuku đã lần lượt tiếp đón hơn 40.000 người tỵ nạn Việt Nam. Có thời điểm chỉ trong hơn một tuần, người ta ghi nhận có đến hơn 20.000 người tỵ nạn đang tạm trú trong những lán trại trên đảo.


Trong hơn một thập niên, Kuku đã chứng kiến ​​cảnh sống tạm bợ nuôi hy vọng của hàng vạn người tỵ nạn đến và đi.

Những năm tháng đó, hòn đảo này là nơi chào đời những sinh linh bé bỏng, và tiếc thay, cũng là nơi nằm lại vĩnh viễn của khoảng 200 người, đa số qua đời vì bệnh tật trước khi đến được bến bờ tự do.

Trại tỵ nạn Kuku đóng cửa vào đầu những năm 1990.

vuotbien - Lán trại của thuyền nhân trên đảo Kuku Indonesia năm 1981
Lán trại của thuyền nhân trên đảo Kuku năm 1981

Một trong số những người vượt biên từng sống ở trại Kuku là cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác (tác giả của Sông Côn Mùa Lũ, Xuôi Dòng, Mùa Biển Động…).

Ông kể lại trên trang Talawas: "Tháng 12/1981, tôi vượt biên qua ngả Nam Dương [Indonesia], đến đảo Kuku, rồi sau đó chuyển qua đảo Galang. Tôi ở trại tỵ nạn Nam Dương hai tháng. Đây là thời kỳ nhịp độ viết lách sung mãn nhất trong đời viết của tôi. Trong thời gian đó, tôi viết một số truyện ngắn, sau này in trong hai bộ Ngựa Nản Chân Bon và Xuôi Dòng."

"Ấm ức về những gì mình đã không viết được trong thời gian ở Việt Nam, trong thời gian này, cứ mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn.
Khung cảnh đảo Kuku thời ấy thơ mộng lắm. Hòn đảo xanh giữa biển, rừng cây xanh và đám mây là là, khung cảnh rất thần tiên. Tôi lấy tấm ván kê làm bàn trên sườn núi, ngồi đó viết từ sáng đến chiều. Trên đầu là mây bay, bên cạnh mình là những con khỉ chí chóe, và cứ như vậy mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn…"

'Nộp vàng để đi'

Trong đoàn đến Kuku vào thượng tuần tháng 4/2018 có bà Ôn Trương, 77 tuổi, đi cùng hai con trai.

Gia đình bà là người Hoa sống ở Sài Gòn. Bà không rõ bố mẹ mình qua sống tại Việt Nam vào năm nào mà chỉ biết bà được sinh ra ở Việt Nam.

Tháng 6/1979, vợ chồng bà cùng 5 đứa con đi vượt biên trên tàu 1096 "cùng hàng trăm người."

Hai cậu con trai của bà thời điểm đó vẫn là trẻ vị thành niên. Giờ quay trở lại đảo Kuku sau 39 năm thì một trong hai anh đã nghỉ hưu sớm ở Mỹ.

Ngồi với tôi trên bãi cát của đảo Kuku trong một buổi trưa vắng lặng, bà Ôn Trương bắt đầu câu chuyện bằng một nhận xét: "Sau 39 năm mới quay lại đây, đảo này giờ nhìn khác quá."

"Hồi đó cây cối trên đảo không um tùm như bây giờ, vì những người trong trại đốn cây làm củi nhóm lò, nhiều người đốn nên cây cối trên đảo trơ trọi dần."

"Hồi đó con suối trên đảo cũng tuôn nước rất mạnh, chứ không chảy rỉ rả như bây giờ."

Bà nhắc lại chuyện cũ: "Ngày đó, cả nhà tôi nộp vàng để đi, cứ một người là mười cây vàng. Trong nhà có nhiêu là nộp hết."

"Sau này nghe kể lại là chúng tôi đi vừa hôm trước hôm sau là ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn bị người của chính quyền đến niêm phong liền."

"Lần đó nhà tôi đi rất gấp nên không kịp sang tên nhà."

vuotbien - Người tỵ nạn Việt Nam trên đảo Kuku Indonesia hồi năm 1981
Người tỵ nạn Việt Nam trên đảo Kuku hồi năm 1981

Bà cụ nhìn những con sóng đang vỗ miên man vào bờ và nói tiếp: "Thật ra hồi đó vợ chồng tôi không tính đi đâu."

"Chúng tôi không ghét chế độ, không ghét Cộng sản, vì nhà mình có ai làm tướng tá thời Sài Gòn đâu."

"Nhưng lúc đó nhìn quanh thấy các em bà con rủ nhau đi hết."

"Nhà tôi có ba đứa con trai sắp đến tuổi đi lính, ngẫm thấy có bao nhiêu tiền lo chạy lính cũng hết."

"Rồi thì má chồng tôi mất, chồng tôi bảo thôi đi đi ở lại làm gì."

"Hành trình trên tàu của chúng tôi rất suôn sẻ."


"Nhưng cuộc đời đúng là ai học được chữ ngờ. Lên đảo Kuku được đúng một tháng thì chồng tôi đột ngột bị bệnh rồi qua đời. Lúc đó ổng 46 tuổi."

"Vậy là đến lúc mất, chồng tôi còn chưa kịp làm giỗ đầu cho má của ổng nữa."

"Tôi nhờ những người sống trong lán trại cạnh bên đóng cho ổng tấm ván rồi chôn ở khu đất không xa một con suối, đánh dấu bằng một hòn đá có ghi tên ổng."

"Tôi cùng các con ở Kuku khoảng một năm thì chuyển sang trại Galang."

"Ngày rời đảo Kuku, tôi có ra mộ khấn ổng phù hộ cho các con và hẹn sẽ quay lại xây mộ tươm tất."

"Tháng 1/1981, chúng tôi đặt chân đến bang California, Mỹ, bắt đầu cuộc sống mới."

Bà Ôn Trương tìm mộ người chồng năm xưa được chôn ở đây (dao kuku và đánh dấu bằng một hòn đá ghi tên ông nhưng nay đã b
Bà Ôn Trương tìm mộ người chồng năm xưa được chôn ở đây và đánh dấu bằng một hòn đá ghi tên ông nhưng nay đã bị phai dấu

"Tôi đã sáu lần về Việt Nam kể từ lúc ra đi nhưng đây mới là lần đầu quay lại Kuku vì nói thật là không biết đi thế nào."

"Một phần cũng là vì tôi không biết đọc chữ."

"Một bữa thằng con út của tôi coi TV thấy bản tin về Carina Hoàng đưa người về Kuku tìm mộ nên mới liên lạc cô ấy để đưa tôi đi chuyến này."

Buổi trưa hôm ấy, tôi lùi lại một bước để dành một không gian riêng tư cho bà Ôn Trương và hai con trai đang lần tìm từng hòn đá tại khu mộ nằm không xa một con suối trên đảo.

Nhưng điều khó khăn là sau 39 năm, hòn đá ghi tên người chồng bà mất hồi năm 1979 đã phai dấu và có thể lẫn vào những hòn đá khác nằm tương tự chung quanh.

Ký ức về nơi chôn ông sau gần bốn thập niên trở lại nay chỉ còn là "nhớ mài mại chỗ này ngày đó có đánh dấu."

Sau một hồi khấn vái và nhang khói, bà cụ nói với giọng bùi ngùi: "Thật sự trong lòng tôi cũng không chắc lắm là ổng nằm lại ngay dưới hòn đá này."

"Nhưng chẳng lẽ phải đào lên rồi thì... lỡ không phải ổng thì cũng phiền hà cho người khác."

"Thôi thì cứ làm mộ cho ông ở đây, phải ông thì ông hưởng, không thì người khác hưởng, dù sao thì cũng là người mình nằm lại với nhau thôi mà."

Việc xây một ngôi mộ trên đảo cần tối thiểu hai ngày vì phải vận chuyển vật liệu và thuê nhân công địa phương từ đất liền ra.

baontruong-Sau 39 năm, cảnh vật trên đảo kuku đã không còn như xưa
Sau 39 năm, cảnh vật trên đảo đã không còn như xưa

Sau khi ngôi mộ của chồng bà Ôn Trương được xây xong, gia đình làm lễ cúng mộ và chúng tôi lên tàu rời đảo.

Tàu đã rẽ sóng, tôi thấy bà ngoái lại nhìn hòn đảo phía sau với vẻ lưu luyến.

"Đây là lần đầu tôi về lại đây và... cũng là lần cuối," bà nói.

"Ở tuổi của tôi, mỗi lần đi xa là hai đầu gối tê nhức suốt chặng bay dài."

"Nhưng chắc chắn là rồi những năm về sau, các con cháu sẽ thay tôi đi viếng mộ ổng ở đảo."

"Chắc ổng cũng sẽ không trách gì tôi đâu, dù khi còn sống, ổng rất nóng tính..."

Giọng bà như lẫn vào tiếng máy chạy tàu.

Hai bên mạn tàu bọt nước tung trắng xóa, gió biển mát rượi như muốn xua tan cái nóng oi bức của ngày hè.

Tôi tự hỏi, đến nay đã có bao chuyến tàu đưa người tìm về với mộ thân nhân trên đảo và những con sóng vô tri có vỗ về cho lòng người dịu lại sau mỗi chuyến đi?

Ben Ngô
Nguồn BBC

Ý kiến bạn đọc
31 Tháng Ba 20249:43 CH
Khách
Xin chao tac gia,
toi ten Hang, cung la nguoi ty nan tren dao Kuku vao nam 1979, luc ay toi duoc 17 tuoi.
Toi rat muon cung voi nhung nguoi cung canh ngo ve tham noi ay.
Tac gia co biet trong tuong lai co nhung chuong trinh nhu vay khong?

Kinh chao
Hang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn