BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73234)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Bạn Tù Năm Xưa

18 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1927)
Những Bạn Tù Năm Xưa
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong một trận chiến xẩy ra vào thời Đệ 1 Thế Chiến, một chiến binh bị thương nặng không rút theo đơn vị mình về lại phòng tuyến được, phải nằm lại vùng đất không người, đầy bom đạn. Một đồng đội của anh, vì tình chiền hữu, muốn xin phép viên chỉ huy rời hầm chiến đấu để phóng ra chỗ nguy hiểm dìu bạn mình về, nhưng vị chỉ huy từ chối lời thỉnh cầu đó vì lý do họ đang ở trong một tình trạng rất nguy hiểm mà người lính trẻ đi cứu có thể bị mất mạng.

Thừa lúc cấp chỉ huy không để ý, người lính rời chổ ẩn nấp, chạy băng qua phòng tuyến đến nơi bạn bị thương.Mặc dầu dưới hỏa lực dầy đặc, anh cũng đã đến đích nằm và tìm cách dìu bạn về phòng tuyến của mình.

Trên đường trở lại, khi kéo người bạn bị thương đằng sau, anh đã bị trúng một phát đạn vào người. Dùng hết sức lực trong nỗi đau đớn tận cùng, anh vừa bò vừa kéo theo người bạn về phòng tuyến. Khi cả hai cùng rơi xuống giao thông hào, quay lại anh định nói với bạn điều gì đó và kinh ngạc nhận ra bạn mình đã chết từ lúc nào!

Viên chỉ huy giận dữ nói: “Tôi đã bảo anh đừng liều mạng làm một việc điên rồ như vậy, anh thấy không? Giờ anh bị thương mà bạn anh cũng đã chết. Anh đã làm một việc vô ích!”

Người lính trẻ bị thương thều thào đáp: “Thưa trung úy, việc ấy đáng làm lắm chứ! Khi tôi đến thì anh ta chưa chết và anh ta đã nói: “Jim, mình biết thế nào bạn cũng đến!”

“Mình biết thế nào bạn cũng đến!” Câu nói ngắn gọn nhưng đầy tình nghĩa. Tình chiến hữu đẹp đẽ biết bao! Người lính tên Jim đã bất tuân thượng lệnh để lăn mình đi cứu bạn. Anh biết bạn mình đang chờ và sự chờ đợi ấy sẽ kinh khủng như thế nào khi người lính bị thương ấy biết mình đang bị bỏ rơi ....” (trích trong Nhìn Xuống Cuộc Đời của Nhà văn Huy Phương)

Tháng 7 năm 2009, tôi có dịp nghe Nhà văn Huy Phương đến Atlanta nói chuyện và phần mở đầu là câu “Tôi biết anh thế nào cũng đến!”

Lòng tôi chợt xúc động vô cùng, bao nhiêu kỷ niệm đẹp về tình đồng đội mà đám bạn chúng tôi những người tân sĩ quan cảnh sát dù chỉ mới gần nhau chưa đầy năm trong Học Viện, ra trường khoảng 16 tháng để rồi hầu hết đều bị trải qua những năm tháng bị đoạ đày trong lao tù của cộng sản nhưng điều lạ lùng là tình đồng đội của họ luôn tuôn chảy không ngừng dù trong bất cứ hoàn cảnh hay không gian nào.

Từ ngày chúng tôi gia nhập diễn đàn K6 Sĩ Quan Cảnh sát và nhất là có thêm sự trợ lực quý báo của Thầy Trần An Bài, kế đó là của Viện Trưởng Trần Minh Công thì những chương trình trợ giúp người bạn nghèo còn ở quê nhà có Cái Cần Câu Cơm càng thêm phần sinh động, tôi ước tính đã có sự trợ giúp cho trên 14 trường hợp. Số tiền giúp đỡ trung bình là 1,000 đô, có trường hợp gần đây nhất là dành cho người bạn đang hành nghề đập đá lên tới trên ba ngàn đô. Chắc chắn là người nhận ngoài việc có số vốn nho nhỏ để hành nghề xe ôm thay cho nghề chạy xe lôi, hoặc đang làm nông thì có vốn tậu thêm vài chú bê, có khi mở ra chổ bán điểm tâm .... Nhưng kèm theo đó là cái phần an ủi tinh thần rất to lớn mà hầu hết người nhận đều không cầm được nước mắt. Thậm chí có người bạn đã chết và đang chờ tẫn liệm mà được sự viếng thăm quá chân tình của anh em, chúng tôi cảm thấy hình như họ cũng đang khóc!.

Tuy nhiên phải nhìn nhận với sự tiến triển quá hào hứng của internet, dù đang ở bất cứ nơi nào... bạn cũng dễ dàng gặp nhau để mà đọc những lời tâm sự hoặc nhìn thấy hình ảnh tàn tệ của những thằng bạn cùng khóa ngày nào đang tả tơi vì cái khổ nhọc của cuộc sống. Từ đó ta dễ dàng cảm thông và giúp đở nhau hơn.

Tôi hoàn toàn ủng hộ những sự tương thân tương trợ của nhóm bạn K6- sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia và nhân dịp Chúa Xuân đến mang bao nhiêu niềm mong ước an lành, tôi muốn nói lên sự tri ân với những bạn cùng màu cờ sắc áo đã sẵn sàng nghĩ đến sự trợ giúp những người bạn năm xưa nay còn sống trong cảnh cơ hàn tại quê nhà. Tuy nhiên có ở vào những hoàn cảnh rất khắc nghiệt chúng ta vẫn còn sẵn sàng vượt qua tất cả để mang đến cho người bạn mình một niềm an ủi thì chắc chắn gía trị của sự giúp đở đó sẽ tăng gấp bội phần.

Tháng 5 năm 1975, đang bị giam tại lao xá Quảng Ngãi tôi gặp lại bạn Trần Văn Nhỏ, vì bàn tay nó có thêm một ngón đeo nên đã từ lâu được gắn biệt danh là Sáu Nhỏ.Với thân hình cao lớn và lực lưỡng nên Sáu Nhỏ được chọn làm tay cầm cờ của Đại Đội 33. Tuy là dân Quảng Nam nhưng tánh tình của đương sự rất dễ chịu, ít nói, hiếm khi nào đôi co hay cự cải với người khác. Y hệt như cái tên Nhỏ tương phản với thân hình cao to hơn 1m7 của nó. Là dân miền Trung nên Sáu Nhỏ ít có dịp la cà ăn uống và nhậu nhẹt tại Câu Lạc Bộ như tôi cùng đám bạn dân Sài Gòn. Suốt thời gian thụ huấn có lẽ tôi và nó chỉ ậm ừ qua loa vài câu chuyện. Lúc mãn khóa, tôi chọn về Ty Cảnh Sát Quảng Ngãi còn Sáu Nhỏ thì số phận long đong nên còn phải ở lại mấy tháng và khi ra trường thì chọn về Ty Cảnh Sát Long An .

Gặp lại nhau tại phòng giam của nhà lao, Sáu Nhỏ có vẻ ngạc nhiên, nó cứ nhìn tôi chăm chú. Tôi chợt nhớ cả mấy tháng nay từ ngày bị bắt và đưa vào đây, tôi chưa được dịp cạo râu nên nó nhìn không ra là phải. Riêng tôi vì chổ nằm ngay ô cửa sổ nhìn ra phòng trực của đám cán bộ nên khi nó bị du kích đưa vào và chờ làm thủ tục nhập trại thì tôi đã nhận ra . Nó than phiền đám du kích tại đây dữ quá, vì sau khi rã đám tại Long An, nó được cấp giấy phép của chính quyền mới để trỡ về nơi trú quán chính thức.Và sau hai ba ngày lặn lội đi qúa giang xe từng đoạn, qua biết bao trạm kiểm soát nay chỉ còn cách nhà nó chừng 100 km mà lại bị bắt.

Sau vài phút nói chuyện qua loa, có lẽ vì quá mệt mỏi sau mấy ngày gian nan nên Sáu Nhỏ nằm lăn ra và ngủ vùi như chết .

Vài tháng sau, tôi cùng nó và mấy người bạn K6 khác như Trần Trọng Bảo, Nguyễn Trọng Việt, Võ trung Hiếu, Dương Tranh,... được đưa đi lao động tại trại tù Hành Tín thuộc quận Nghĩa Hành cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 25 km. Tôi dùng chữ “được” đi lao động vì dù cực nhọc nhưng còn được hưởng khí trời và kiếm vài cộng rau tàu bay bồi dưỡng so với thời gian bị giam tại nhà lao thị xã, cái phòng nhỏ xíu mà chứa hơn 70 người, phải nằm chen chúc suốt ngày như trong hộp cá mòi nóng nực hôi hám với thú giải trí là đập những con rệp lì lợm. Tuy nhiên tại đây chúng tôi lại gặp cái khổ là đói, do lao động rất cực nhọc nhưng phần ăn thì qúa ít ỏi. Số anh em tù có thân nhân tại địa phương tiếp tế thì khả quan, còn số anh em là dân Sài Gòn hay các tỉnh miền Tây thuộc dạng con bà Sơ thì khổ vô cùng .Họ thèm đường đến nỗi lén lấy cây kem đánh răng của người nằm kế bên để ăn, hoặc vào những ngày Chủ Nhật (không có lao động,bị giảm phần ăn sáng ,lại càng đói hơn) họ lượm lặt giấy gói đường và vỏ chuối vừa bị vất ra để chế biến lại thành món ăn mà tiếp tế cho bao tử. Có người phải đổi quần áo để lấy phần sắn khô mà độn vào bữa ăn. Sáu Nhỏ nằm trong nhóm trao đổi này, bộ quần áo tươm tất khi tôi gặp nó lúc đầu nay chỉ còn cái quần đùi và cái áo cụt tay duy nhất.

Sơn Hà là một quận miền núi, tại đây có trại tù Sơn Cao hoàn toàn nằm trong mật khu, dưới đám rừng già rậm rạp, khí hậu rất độc nên hầu hết tù nhân đều bị bệnh sốt rét, riêng đám tù nhân có một số bị bệnh sốt xuất huyết mà không có thuốc điều trị nên đã vĩnh viễn bị vùi thây nơi chốn rừng hoang. Khoảng vài tháng sau khi trại Hành Tín được xây dựng cơ ngơi với hàng rào canh gát nghiêm ngặt thì trại tiếp nhận thêm đám tù loại “nguỵ quyền” bị bắt ngay sau ngày 26-3-1975 từ trại tù Sơn Cao chuyển về. Trong đám tù này có anh Lưu Diệu Nam, trước đó là Trưởng Chi Cảnh Sát Sơn Tịnh. Nhìn đám tù ốm yếu, rách rưới bệ rạc vì bệnh hoạn lếch thếch đi bộ thậm chí phải chống gậy như anh Nam mà chúng tôi ứa nước mắt. Vài tuần sau, tên cán bộ trực trại chọn những người tù khỏe mạnh để đi ngược lên Sơn Cao dọn trại.

Sáu Nhỏ và tôi không có tên trong danh sách này nhưng vì đói quá nên nó chấp nhận thay cho một anh tù “thuộc dạng tư sản” để trám vào đoàn người này với giá là vài lon cám lớ với mấy gói mì. Khoảng mười ngày sau, khi đoàn tù đi công tác trở về, gặp lại họ tôi càng thêm bi phẫn. Đúng là con người tù dưới xã hội chủ nghĩa còn thua súc vật. Ông Phúc quận trưởng Đức Phổ, được bố trí mang cái gùi để chuyển một con heo mọi. Suốt đoạn đường lúc nghĩ ngơi phải lo cho heo ăn đầy đủ, còn khi chưa có lệnh dừng thì dù heo đái ỉa trên lưng vẩn phải chịu và cũng vì vậy mà sau khi trở về trại Hành Tín với những vết thương do lỡ lói vì sự cọ sát của cái gùi kèm theo những vết quào của móng chân heo và sự thấm ướt triền miên của cứt đái heo mà lưng của ông đã bị nhiễm độc.

Hình như có ai đó nhắn tin cho vợ con ông biết nên chừng 1 tuần trước khi ông chết, bà vợ có lặn lội đến trại để xin gởi thuốc men vào điều trị cho ông nhưng đã quá trễ. Buồi chiều hôm đó, sau khi đi lao động về, tôi cùng với anh Nhiên (Trưởng chi an ninh quân đội), anh Phong (Phó Quận trưởng Đức Phổ) và vài anh nữa đã xung phong phụ tẩn liệm và khiêng xác ông đi chôn trên ngọn đồi phía sau trại. Nói tẫm liệm càng thêm đau lòng vì khoảng thời gian đó, người tù khi chết đi chỉ được quấn trong cái mền hay cái mùng cũ với 7 thanh tre và nhúm dây lạt buột túm lại. Buổi tối đó, tôi đã đề nghị trong phòng dành một phút mặc niệm để thay lời cáo phó và được anh Lân (cựu Đại đội trưởng CSDC tại Huế) hát lên bài ca tiễn biệt cho Người Vừa Nằm Xuống.

Riêng phần Sáu Nhỏ cũng không khá hơn, từ ngày đi công tác chuyển trại về, nó được biên chế qua phòng khác, buổi sáng tôi thấy thường xuyên ngồi trong đám tù khai bệnh.Thỉnh thoảng buổi trưa gặp nó xuống khu vực nhà bếp để câu gô, tụi tôi cũng chỉ qua loa vài câu ngăn ngũi.

Nước da nó vốn đen đũi nay thì thêm màu vàng úa bệnh hoạn. Khoảng nửa tháng sau,vì bệnh tình trầm trọng nên nó được đưa đi “nhập viện’’,tức là ở hẵn tại bệnh xá của trại.Tù nhân được nhập viện đa phần là do đi đứng quá khó khăn, tiểu tiện đã hết kiềm chế được, nếu ở chung với tù khỏe mạnh rất bất tiện vì sự hôi hám không sao chịu nỗi. Trong thời gian này, vì ở khác phòng tôi hầu như hoàn toàn quên Sáu Nhỏ. Tuy nhiên do trại được lệnh san nền để chuẩn bị cất thêm phòng hầu đón thêm tù nhân từ các trại “ngụy quân” sau khi sàng lọc và phân loại chuyển qua trại tù “ngụy quyền” như Hành Tín nên đội của tôi được lao động ngay trong doanh trại.

Một buổi trưa, tình cờ đi xuống nhà bếp để gánh nước uống cho đội, lúc đi ngang qua hông bệnh xá tôi chợt nhớ đến nó và liều lĩnh đi vào khu vực này để xem ra sao.

Anh phụ trách bệnh xá nói cho tôi biết chắc Sáu Nhỏ sắp tiêu rồi, nó chỉ có 1 cái quần nên sau khi được làm vệ sinh thì cái quần chỉ được giặt qua loa rồi mặc trở lại, nên hôi hám quá và phải cho nó nằm khu vực cách ly.

Khi tôi lay sáu Nhỏ thức dậy để hỏi thăm, nó nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn, nước dãi từ miệng nó chảy ra từ hồi nào nên đã bị một đám ruồi vo ve bu vào. Đau lòng khi nhìn thấy như vậy, tôi quên hết thảy mọi điều lệ nội quy của trại. Tôi chạy về phòng lấy 1 bộ đồ cùng cái khăn để lau chùi thân thể của nó sạch sẽ. Lúc đó tôi tự nhủ lòng thôi thì mình cũng có bổn phận phải làm một điều gì đó cho thằng bạn cùng khoá trước khi chết sẽ được nhẹ nhàng. Lạ lùng thay, sau khi được thay bộ quần áo sạch sẽ và được chuyển qua chổ nằm khác sáng sủa hơn, ánh mắt nó đã có thần trở lại, nó thều thào đòi uống nước. Tôi lại vội trở về phòng lấy mấy muỗng bột calcium pha với nước ấm cho uống. Nó uống như đất hạn đang thiếu nước và sau đó lần đầu tiên tôi nghe nó thốt ra lời cám ơn! .

Lúc nghĩ trưa, tôi kể cho anh Võ Hạo Nhiên nghe về chuyện bịnh hoạn của Sáu Nhỏ và đề nghị anh ủng hộ 1 trái cam trong số quà mà tuần trước anh đã được bà xã từ Sài Gòn ra thăm nuôi.

Quay qua Trần Trọng Bảo, tôi xin nó 1 chén cám lớ -đặc sản của dân xứ Quảng. Sau khi được ăn no và tráng miệng bằng những muối cam thơm tho. Sáu Nhỏ như cây khô gặp được nước, sắc mặt nó đã có sự sống trở lại.

Mừng lắm, lúc đi lao động buổi chiều, tôi có thuật lại câu chuyện não lòng của nó cho anh Lê Văn Tòng -Trưởng Cuộc Cảnh sát tại quận Tư Nghĩa. Phải nói là anh Tòng (dân Châu Đốc ) có tài và giọng ăn nói rất hay, Cũng nhờ tài ăn nói này mà lúc ra nhận nhiệm sở tại Chi Cảnh Sát Tư Nghĩa, chỉ một thời gian ngắn mà anh đã cưa đổ một cô y tá người địa phương. Sự thân tình của tôi với anh Tòng như sau: Tôi có một người nhân viên dưới quyền tên là Sơn, đã từng làm việc tại Chi Cảnh sát Tư Nghĩa lại là hàng xóm của cô y tá này nên trong những dịp tham dự tiệc tùng tại gia đình anh Sơn, tôi có dịp quen biết với anh Tòng và lúc trà dư tửu hậu thì mới biết anh ra trường Khóa 4/72 cùng là bạn của anh Hồ Văn Bi, anh Quang, anh Tư cũng là các sĩ quan Trưởng cuộc tại Chi Cảnh Sát Đức Phổ. Có lần anh Tòng đã rủ tôi về nhà dùng cơm trưa với anh, thưởng thức món cá bóng Trà Khúc kho tộ kiểu núi Sam do cô y tá phục vụ, tôi đã phục lăng anh. Vào tù anh cũng được người đẹp này đi thăm nuôi đều đều.

Sau khi chống cuốc để nghe tường thuật vụ Sáu Nhỏ, Anh chợt nảy ra ý kiến là sẽ cùng tôi đi đòi nợ giùm cho Sáu Nhỏ. Nói là làm, cả hai cùng kéo nhau đi gặp cho được tên tù tư sản. Sau màn hù dọa rất hợp lý của anh Tòng là sẽ báo lên cán bộ trực trại về sự dối trá, chây lười lao động của y, kế đó anh khuyên lơn rất chí tình về việc ăn ở sao cho có đức. Phụ họa với việc làm của anh Tòng, tôi vuốt ve và khuyên hắn hãy vì tình thương với người đã thế mạng cho mình mà ra tay tế độ phụ giúp thuốc men, thực phẩm với chúng tôi để trị liệu cho Sáu Nhỏ. Kết qủa ngày hôm sau (hơn cả sự tưởng tượng của tôi), gần nữa ba lô thức ăn, 1 chai nước biển và 1 hộp thuốc trị thương hàn đã được giao cho anh Quân, y tá phụ trách bệnh xá. Và tuần kế tiếp là thêm một chai nước biển với một số thuốc bổ khác. Cảm động trước sự chăm sóc mà chúng tôi dành cho Sáu Nhỏ, anh Quân còn tự đi xin thêm vài ống thuốc cần thiết khác để trộn vào chai nước biển truyền cho nó. Với sức lực tiềm ẩn của 1 người thanh niên và nhất là được khuyến khích bởi tinh thần đồng đội, khoãng nửa tháng sau thì Sáu Nhỏ đã được bình phục.

Sau này, khi được chuyển đến trại tù Gia Trung, tỉnh Pleiku, Sáu Nhỏ được bố trí vào đội nhà bếp, thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần, Sáu Nhõ có ghé thăm và xách cho tôi nửa thùng nước để tắm rửa. Đặc biệt là những kỳ tham gia chiến dịch diệt ruồi do trại tù tổ chức, Nhỏ đã giúp cho tôi rất nhiều. Số lượng 200 con ruồi do trại quy định, tôi luôn có gấp đôi. Nhờ đó mà tôi có dịp chia sẻ bớt cho các bạn tù lớn tuổi rất tốn công rình mò đập từng con mà luôn luôn bị thiếu chỉ tiêu.

Cuối tháng 2 năm 1980 tôi và sáu Nhỏ được có tên phóng thích cùng một lượt. Nhưng nó thì phải ngược ra Xứ Quảng còn tôi thì xuôi về Sài Gòn nên từ đó đến nay cả hai đứa chưa có dịp gặp lại. Cách đây vài năm,tình cờ trong cuộc chuyện trò qua phone với anh Châu, từng là Phó Chi Cảnh sát Sơn Tịnh và cũng là bạn tù qua các trại Hành Tín, Gia Trung báo tin cho tôi biết là vừa mới gặp lại Sáu Nhỏ trong bửa tiệc cưới tại vùng Seattle,Washington.

Như vậy là tình đồng đội của những người Cảnh Sát Quốc Gia như chúng tôi có cái kết thúc Happy Ending hơn là chuyện thương tâm của anh chàng Jim trong cuộc chiến tại Châu Âu. Bởi vì anh bạn của Jim chỉ được một người bạn đoái hoài tới còn anh bạn sáu Nhỏ trong trại tù khắc nghiệt của cộng sản thì lại được nhiều người quan tâm hơn và đang sống êm đềm dưới bầu trời tự do.

Tôi biết cái so sánh nào cũng khập khiễng, không tuyệt đối nhưng tôi xin đưa thêm một số chứng minh khác mà những người tù từng bị đày đọa tàn nhẫn qua các trại tập trung của cộng sản hay có câu nói qua cửa miệng “vào đây rồi mới biết được đó là vàng hay thau”.

Khoảng tháng 10 năm 1976, tôi cùng đa số các bạn tù từ trại Hành Tín bị chuyển về nhà lao tỉnh Quảng Ngãi và sau đó thì bị phân phối về các trại Kim Sơn (Bình Định) và Gia Trung (Pleiku). Nhóm bạn cùng Ty Cảnh sát Quảng Ngãi gồm có tôi cùng với Nguyễn Trọng Việt (K6), Trần Bang (K7), anh Nguyễn Văn Lợi (Phó Chi Cảnh sát Sơn Hà), anh Đỗ Ngọc Nga (Phó Chi Cảnh sát Trà Bồng) được biên chế về phân trại K3, tại đây chúng tôi lại gặp các bạn tù khác cùng giai cấp “ngụy quyền” như anh Lê Thái, cựu quản đốc nhà lao Kontum và các bạn cảnh sát cùng K6 thuộc các Ty Cảnh sát Bình Định như Phùng Khắc Sinh, Nguyễn Văn Son, Phạm Văn Y. Bạn Võ Công thuộc Ty Cảnh sát Pleiku, và vài bạn khác thuộc Ty Cảnh sát Kontum. Lúc này trại Gia trung thuộc về quyền quản lý của trung ương, cán bộ đa phần là dân miền Bắc nên sự cai trị rất cứng rắn và tàn bạo. Tù nhân bị đánh đập tàn nhẫn công khai là chuyện thường. Tuy nhiên là ngành công an, nên cán bộ nhà tù khôn khéo ít đánh trực tiếp mà chỉ ra lịnh cho bốn tên tù trật tự được tuyển lựa từ tù hình sự, trong đám tù trật tự này nổi bật nhất là tên Sơn (lai Tây, gốc gác là dân vùng Cao Đồng Hưng, Gia Định. Có bà con với anh Tâm, đội trưởng đội cưa máy, bạn cùng đội lao động với tôi tại đây). Sơn là dân lai ít học nhưng to lớn lại có học võ nên việc đánh đập tù nhân rất thích hợp với hắn. Hễ được lịnh là hắn đánh tận tình đến nỗi có nhiều lần, cán bộ phải can thiệp hoặc răn đe như “ít thôi, coi chừng nó chết đấy...”.Sau nầy, tên Sơn còn lộng hành hơn. Nhiều buổi trưa, hể nó bắt gặp ai đi từ phòng này qua phòng khác là tự ý kêu lại hoạnh hẹ và đánh đập một hồi. Chính mắt tôi có lần chứng kiến, một người tù chính trị đã lớn tuổi bị bịnh suyễn rất nặng. Buổi trưa lén xuống khu vực nhà bếp để hâm nấu chi đó bị nó bắt gặp thế là cái lon gô bị đập dẹp lép còn ông ta thì bị một trận đòn nhừ tử.

Có cái buồn trong trại tù cộng sản là đám ăng ten, dù cùng lao động cực nhọc, dù ăn nằm sát cạnh nhau nhưng để được sự yên thân hoặc được chút đỉnh lợi lộc riêng tư, họ sẵn sàng báo lên tên cán bộ quản giáo những sai phạm của đám bạn tù, sau này ra hải ngoại nghe họ vênh váo và tự hào về những năm tù đày của họ mà thấy buồn cười. Đám tù cuối đầu làm ăng ten đó, thực tế chỉ có một số ít, họ chỉ là những người công chức bình thường, cũng không ưa chế độ cộng sản nhưng vì hèn nhát, thiếu bản lĩnh. Sau tháng 4 đen bị đưa vào tù và được gọi chung là tù nhân chính trị chứ đúng danh nghĩa họ khác hẳn với bản lĩnh cũa số tù nhân chính trị mà sau này tôi có dịp chung đụng thuộc các tổ chức phục quốc từ khám Chí Hòa đưa ra lao động. Những người tù này dù trình độ không đồng đều độ nhưng ý chí của họ rất mạnh. Những kỳ họp kiểm điểm hàng tháng hoặc từng quý, họ dám công khai viết ra những lời chống đối chỉ trích chế độ. Họ dám đơn độc đứng hiên ngang nhìn thẳng vào đám công an trại giam vơí đám trật tự bao quanh và nói lên những sự thật về sự bất nhân của chính sách trại giam. Tôi phục nhất là Kỹ sư Lê Thiện Ngọ, công chức cao cấp của Ngành hóa chất VNCH, trước tên cán bộ trực trại đằng đàng sát khí, ông đã từng can đảm thuật lại nhận xét của ông khi chứng kiến đám cán bộ và trật tự đánh đập dã man anh Nguyễn bá Linh.

Hoặc một người tù phạm tội vượt biên, trước kia là Thương phế binh với cấp bậc Đại úy của sư đoàn 7. Dù thân thể mảnh dẽ với nửa phần mặt bị biến dạng do thương tật nhưng trong các bản kiểm điểm ông không bao giờ dùng câu “ Can tội : sĩ quan thuộc chế độ ngụy ” mà chỉ dùng câu Đại úy BB thuộc quân lực VNCH. Ông không hề thay đổi dù bị tên cán bộ quản giáo la mắng nhiều lần. Một người tù lớn tuổi khác cũng từ khám lớn Chí Hòa đưa ra, trong những lần đội 3 của tôi bị kiểm điểm có sự tham dự của tên cán bộ giáo dục, ông đã dõng dạc đọc to lên bản kiểm điểm của ông về sự thật không có độc lập, tự do, hạnh phúc như chế độ cộng sản rêu rao mỗi ngày, trong sự câm lặng tuyệt đối của gần 50 người bạn tù cùng đội. Ông Phạm Đình Nghị, cựu Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, khi bị đưa ra trại lao động dù đã hơn 60 tuổi nhưng cũng rất khí phách khi thẳng thắn đưa ra nhận xét những điểm yếu kém của chế độ cộng sản trước tên thượng úy Lang, phụ trách giáo dục của trại K1. Họ hệt như những cây tùng cây bách lúc nào cũng vững vàng trước mưa sa bão táp.

Khoảng cuối năm 1978, sau khi có cuộc chiến với người láng giềng Trung Cộng. Không khí trại tù Gia Trung càng thêm nặng nề. Số lượng tù nhân làm ăng ten mọc lên như nấm. Người tù chỉ cần bàn tán chi đó nếu bị ăng ten báo cáo là sẽ bị đưa vào khu vực biệt giam để kỷ luật. Đã bị đưa vào đây thì việc bị đánh đập là dĩ nhiên nhưng việc bị cùm cả hai chân và nằm lạnh lẻo cô đơn suốt cả nửa tháng là cả sự chịu đựng.Tù nhân Lê Thái cũng không khá hơn, dù anh là dân võ thuật có hạng và rất to lớn nhưng chỉ sau hai tuần bị kỹ luật là chúng tôi đã gần như không nhận ra anh.Với thân thể gầy rộc và cái đầu trơ ra bộ xương sọ, anh bị cán bộ nhận xét là chưa có tiến bộ và thêm một lịnh kỷ luật tiếp. Đặc biệt là Đội 5, đội cưa xẽ và Đội 3, đội thợ mộc có nơi lao động với với các hàng rào kiên cố sẽ là nơi tiếp nhận các tù nhân thuộc loại cần giám sát chặt chẻ.Tù nhân dù ở chung khu vực và phòng ở sát vách nhưng muốn liên lạc với nhau phài xin phép buồng trưởng và sự nói chuyện phải công khai.

Dạo đó đội 5 của tôi được tiếp nhận khá nhiều tù nhân được đưa về từ nhà kỷ luật, nhìn họ với bộ dạng thảm nảo mà lòng tôi đau như cắt. Cũng với ý nghĩ đơn giản là giúp cho những người bạn tù này có thể được phục hồi phần nào sức khỏe, mặc dầu tôi cũng thuộc loại nghèo, mỗi năm chỉ được Sáng, cô bạn gái từ Sài Gòn lặn lội ra thăm nuôi duy nhất một lần nhưng tôi vẫn kiếm cách giúp họ. Mà việc kiếm từng cục đường, từng viên kẹo bổ hoặc những viên thuốc trị bịnh không phải là sự đơn giản. Kế đó là việc tiếp tế sao cho tránh khỏi sự rình rập của đám ăng ten, lại càng khó khăn hơn. Bù lại nhìn các anh bạn tù nầy cảm động nhìn tôi cám ơn trong sự câm lặng hoặc những dòng nước mắt dâng trào mà tôi như thấy được sự an ủi phần nào. Nhiều năm qua, tôi vẩn không quên được cái lon đường của anh Nguyễn Văn Lợi (đội thợ hồ), cái lon cám lớ của anh Đỗ Ngọc Nga (đội đập đá), gần nửa ký bột khoai tây của bạn Nguyễn Trọng Việt (đội thợ máy). Họ đã tin vào tình thương yêu đồng đội để mà giao phó cho tôi có nhiệm vụ giúp đở các anh bạn kia mà không cần bất cứ sự kiểm soát nào cả. Trong giai đoạn khó khăn này thì cái gương anh dũng của bạn Trần Bang lại nổi bật lên, đội nhà bếp của K3 với đội trưởng là Phùng Khắc Sinh (cùng bạn K6), đội viên là Sáu Nhỏ và kế đó là Trần Bang (K7) làm việc rất đáng khen. Cơm thì thiếu, thức ăn thì tùy theo sự thu hoạch của trại nhưng Sinh luôn luôn cố gắng chế biến những món nước chấm rất tuyệt. Nó lấy gạo rang lên và cho pha nước với muối để giả làm nước mắm có ớt xanh, đỏ ...hệt như nước mắm chanh ớt. Lúc đó tôi đang lao động trong đội cưa máy. Sau khi nắm rỏ về kỷ thuật cầm ga và thêm kiến thức hơn một năm trời trong đội thợ mộc nên tôi có thể tính được cách thức ra gỗ sao cho có hiệu quả nhất dù tốc độ làm việc có chậm hơn thời anh Tâm. Do đó mà tên quản giáo cùng chạng tuổi có phần dễ dãi cho tôi, riêng tên Sơn, tù trật tự thấy tôi chơi thân với anh Tâm nên nó cũng bỏ lơ cho tôi những lần bắt gặp tôi đang quan hệ linh tinh. Tuy nhiên, suốt những năm tù này, nhờ vào sự chịu khó mà tôi chưa phải ngữa tay xin xỏ thức ăn thừa với các bạn đang lao động tại đội cấp dưỡng.

Với nhu cầu cần thức ăn trước cái đói mỗi ngày nên tôi có sáng kiến là cùng với anh Phạm Bá Yên (Chi Cảnh sát Mộ Đức) hợp lực trồng rau lang để ăn độn mỗi ngày. Thêm vào đó là những con chuột thỉnh thoảng tôi tôi kiếm được nhờ cái bẫy chuột tôi sắm được qua lần trao đổi gói mì cho anh bạn tù người sắc tộc. Lúc anh Yên đi gánh nước rất xa từ dưới suối thì tôi lo phần bếp lửa với củi khô có sẵn nên việc lo nước uống và rửa ráy tay chân cho đội không bị phàn nàn và lại còn dư nước để lo tưới rau lang. Tôi lại đóng 1 cái thùng gỗ chứa tro và mời các bạn chịu khó yểm trợ nước tiểu nên có phân bón rau đều đều.

Tóm lại hầu như tôi không bị cái đói hoành hành như các anh bạn tù khác.

Tuy nhiên việc giúp đở cho các bạn tù đang bị kỷ luật thì lại phải nhờ các bạn đội cấp dưỡng. Lúc anh Lợi là Phó Chi cảnh Sát Sơn Hà thì Trần Bang vừa ra trường và được bỗ nhiệm làm Trưởng Cuộc tại đây. Hai người có sự thân thiện và tin tưởng nhau tuyệt đối. Lúc Bang được phân công làm người soạn thức ăn cho tù kỷ luật, anh Lợi đã bí mật giao cho Bang một số thuốc tây dược để chuyển đến các anh bạn đang bị kỷ luật. Rủi thay có 1 lần Bang đang loay hoay nén mấy viên thuốc vào chén cơm thì bị tên Sơn bắt gặp. Tánh tình Bang hiền lành, ít nói và hơi vụng về trong giao tiếp nên không gây được cảm tình với đám tù trật tự. Do đó nội vụ được thông báo ngay cho tên cán bộ trực trại, chiều đó Trần Bang bị đưa vào cùm trong nhà đá và bị điều tra liên tục. Đám cán bộ phán đoán Bang là tù không có thăm nuôi thì chắc phải do có sự tổ chức nào đó mới đưa đến việc tiếp tế như vầy. Sau khi nghe tin Bang bị bắt, nhóm chúng tôi lo sợ vô cùng. Lòng hoang mang với những gì xấu nhất sắp xảy đến. Nhưng sau 1 tháng, dù Bang đang bị kỷ luật nhưng nhóm chúng tôi vẫn không bị hề hấn gì, tiếp theo là 1 lệnh kỷ luật nữa tức là thêm 15 ngày Bang bị cùm tiếp, nhóm chúng tôi càng lo sợ. Nhưng rồi mọi việc vẩn bình thường trôi qua. Sau 45 ngày bị cùm, Bang bị đổi qua đội xây dựng cùng với anh Lợi. Tôi lại càng thêm lo lắng nhưng ơn trời rồi thì mọi việc vẩn bình thường. Sau này gần tôi mới được biết, Bang cứ khăng khăng khai là do tình thương cùng là đồng hương Quảng Trị nên Bang đã động lòng giúp đở Lê Thái .Còn số thuốc tây thì khai có được do khi trước đây Bang bị bịnh được phân phát mà chưa dùng hết. Tình cờ lúc đó có một số tù bị kỹ luật với tội danh nghiêm trọng hơn và Bang được giao phó làm nhiệm vụ ăng ten trong nhà kỹ luật để chuộc tội nên việc điều tra với Bang đã được cho qua.

Tháng 2 năm 80, khá đông sĩ quan cảnh sát cấp úy được phóng thích nhưng Trần Bang vẩn chưa có danh sách. Mãi đến nửa năm sau, Bang mới được ra về với bà Mẹ gìa tại vùng quê Quảng Trị. Suốt thời gian từ ngày ra khỏi nhà kỷ luật cho đến ngày được phóng thích, tôi và Bang chưa hề nói với nhau một câu nào. Lúc ra khỏi tù thì tôi ở tại Sài Gòn còn Bang thì làm ruộng tại Quảng Trị. Do đó cả hai hoàn toàn không có liên lạc với nhau.

Vài năm sau, Bang lập gia đình nhưng nhà nghèo nên hầu hết tài sản giấy tờ cần thiết đều đựng trong cái rương gổ kể cả Tờ Giấy Ra Trại Tù đã bị một cơn lũ cuốn đi mất .

Đầu thập niên 90, lúc có thông báo về việc xuất cảnh theo diện HO, Bang có chạy vạy để làm giấy chứng nhận đã bị tù cải tạo hơn 5 năm do Ty Công an Quảng Trị cấp và cả gia đình gồm vợ chồng Trần Bang và 5 người con được xếp vào hồ sơ xin tỵ nạn diện HO. Lúc gần được phỏng vấn, để có đủ lệ phí đi đứng và chờ đợi từ giai đoạn sơ vấn cho đến chính thức được phỏng vấn cho cả gia đình từ quê vào Sài Gòn, vợ chồng Bang đã phải rất vất vả chật vật. Vậy mà một lần nửa số phận cay đắng lại tìm đến Bang. Cả gia đình bị phái đoàn phỏng vấn của Hoa kỳ từ chối vì Bang thiếu Giấy Chính Ra Trại và những hình ảnh cần thiết.

Lúc đó tôi đang đầu tư khá lớn cho việc kinh doanh xăng dầu và 1 quán ăn tại thị trấn Đạm Ri, huyện Đa Hoai, tỉnh Lâm Đồng. Cơ sở kinh doanh của tôi nằm dọc theo quốc lộ từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Tình cờ tôi được một người thợ may tên Thuận đến làm quen. Thuận cho tôi biết có một người cậu vợ cũng là dân sĩ quan cảnh sát chế độ cũ cũng trạc tuổi như tôi tên là Bang. Tôi buộc miệng la lên “phải là Trần Bang không.” Thuận xác nhận là đúng và sau đó buồn rầu cho biết là cả gia đình Bang vì bị rớt phỏng vấn nên đang tạm trú tại vùng quê hẻo lánh vùng Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Lúc này, chúng tôi bắt đầu liên lạc trở lại, Trần Bang có đến thăm tôi tại Đạm Ri và tôi cũng lò dò đến thăm căn chòi mái tranh vách lá của người chị bà con phía vợ của Bang tại Bàu Hàm, cách quốc lộ 1 khá xa. Thấy gia cảnh của vợ chồng bạn cùng bầy con thơ mà tôi đau lòng vô cùng. Mặc dầu công việc kinh doanh của vợ chồng tôi rất tốt, nhưng vì thiếu quan chức đở đầu nên cứ bị mấy bọn có chức có quyền hạch sách dài dài. Phía chính quyền -bộ phận hành chánh- mỗi lần công tác là cứ xách giấy giới thiệu của quan huyện để nhờ yễm trợ xăng dầu và ghi vào sổ nợ. Sổ nợ này được ghi dài dài suốt gần 2 năm mà chưa hề được thanh toán. Phía Chi Cục thuế thì lại rất tích cực công tác cơ sở. Có ngày vài cán bộ thuế đến trực tiếp quan sát việc kinh doanh của tôi và phán một câu “đóng thuế như cơ sở của anh là còn quá ít so với doanh thu. Vậy là quý đó, mức đóng thuế được gia tăng. Thấy quá chán ngán, tôi đã đồng ý sang nhượng cơ sở này lại cho 1 công ty kinh doanh xăng dầu của Lâm Đồng.

Cha mẹ tôi xót ruột vì tôi bị ức hiếp, còn vợ tôi lo lắng về việc học hành của mấy đứa con. Tất cả đều khuyên tôi nên xúc tiến việc ra đi theo diện HO. Cũng cần nói rỏ là bạn Trần Trọng Bảo (cùng khóa 6) trước khi xuất cảnh có nằn nỉ với tôi và chính tay ký tên với văn phòng dịch vụ để lo chuyện hồ sơ của tôi và còn bảo đảm là khi đến ngày nhận hộ chiếu tôi sẽ được thư mời và thời gian chờ đợi ký nhận sẽ rất nhanh chứ không phải xếp hàng cả ngày như thời của nó. Nhờ đó mà hồ sơ HO của tôi đã sẵn sàng từ lâu .

Tháng 7 năm 1995, khi vừa định cư tại thành phố Gainesvlle của bang Georgia. Tôi đã tìm cách liên lạc với các anh bạn cùng làm ngành cảnh sát và cũng là cùng bạn tù khi xưa .Kể cho họ biết về số phận đen đủi của gia đình Bang. Lúc này, anh Lợi, anh Nga và vài anh khác đã làm chứng cho chúng tôi về những việc làm âm thầm trong thời gian bị tù đày năm xưa.

Ai cũng đồng ý việc không khai báo của Bang là một việc đáng ca tụng và nên đồng lòng giúp đở tài chánh cho gia đình người bạn này. Một lần nữa, tôi lại đứng ra nhận trách nhiệm kêu gọi sự đóng góp của các bạn. Đây là xứ tự do nên việc làm của tôi có phần thoải mái hơn nhưng bù lại việc chứng minh số tiền của người bạn nào đó đã đi đến đâu lại rất cần thiết. Tết đầu tiên tại đây, tôi đã quyên được hơn một ngàn đô của trên 40 người từ nhiều Tiểu bang để chuyển về cho gia đình Trần Bang và cũng đã viết nhiều lá thư khiếu nại giùm Trần Bang để gởi bất cứ nơi nào mà tôi nghĩ là họ có thể giúp được. Khoảng tháng 4 năm 1996, tôi nhận được hồi âm của văn phòng bà Khúc Minh Thơ chỉ dẫn cách khiếu nại và nói rõ là Sở Di Trú chỉ nhận đơn khiếu nại của chính đương đơn nên đừng nóng ruột mà tốn tiền dịch vụ vô ích. Nhận được sự trả lời của văn phòng bà Thơ tôi thầm cám ơn, vì đây cũng là nơi xuất phát những mẫu đơn mà khoảng 10 năm về trước ông Phạm Đình Nghị, cựu tỉnh trưởng Quảng Ngãi, cùng là bạn tù tại K1 trại Gia Trung đã đến tận nhà tôi tại đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận để phổ biến về việc xin định cư tại USA theo diện nhân đạo. Những năm đó tin tức về chuyện bất cứ người của chế độ VNCH đã bị tù cải tạo trên 3 năm sẽ được xuất cảnh như là câu chuyện thần tiên.

Giữ lòng tin với các bạn mạnh thường quân, số tiền tôi quyên được đã đến tận tay Bang mà không phải trừ cấn dù là phí tổn chuyển tiền, phí tổn điện thoại liên lạc long distance, phí tổn cho việc copy, thư từ để liên lạc với trên 40 người. Rất vui là trị giá tiền đô lúc đó còn rất cao, 1 lượng vàng khoàng trên 300 đô nhưng rất mệt là lúc đó tất cả thư từ tôi đều phải viết tay, sau đó ra trạm xăng gần nhà để copy và kế tiếp là phải đề từng bì thư để gởi đến từng người. Tôi cũng tìm cách liên lạc bằng điện thoại với Bang và khuyên nên dùng tiền để chạy những giấy tờ cần thiết. Tôi hứa là Bang cứ dành hết thì giờ lo công việc tối quan trong này, nếu hết tiền thì báo cho tôi biết để lo liệu. Gần Tết năm sau, tôi lại gọi phone khắp nơi để quyên góp tiếp cho gia đình Bang.

Dù tốn khá nhiều thì giờ cũng như bị xót xa với các lời từ chối của vài anh bạn nhưng tôi lại được các anh Lê Quang Phôi (Phó Chi Cảnh Sát Đức Phổ), anh Lợi, bạn Phùng Khắc Sinh, Trần Trọng Bảo, Nguyễn Trọng Việt, Dương Tranh, thầy Lê Phương Lục (tại Arkansas), ông Hồ Anh Triết (Trưởng Ty Cảnh sát Quảng Ngải), anh Lê Ba (Atlanta) cùng với vài bạn cùng ngành cảnh sát ủng hộ rất nhiệt tình. Lần này tôi cũng quyên được hơn một ngàn đô để trợ giúp tiếp cho Bang.

Năm 1998, gia đình Bang được tái phỏng vấn. Trong tay Bang đã có những giấy tờ cần thiết và cả lô giấy tờ của những lần quyên góp từ nhiều tiểu bang trên nước Mỹ gởi đến thôn làng hẻo lánh Bàu Hàm nơi gia đình bang đang tạm trú. Hồ sơ của gia đình Bang đã được chấp thuận định cư.

Mùa Đông năm 1998, rất nhiều gia đình đồng hương tỉnh Quảng Trị và vợ chồng tôi ra tận phi trường Atlanta để đón tiếp gia đình Bang. Dĩ nhiên trong số này có gia đình anh Lợi và tình cờ có cả anh chị Trần Văn Thọ bạn lối xóm của anh Lợi tại Richmond và lại là bạn của Trần Bang tại Bàu Hàm. Trong niềm xúc động Bang đã trân trọng cám ơn sự giúp đỡ và giới thiệu vắn tắt những việc làm của tôi đã dành cho gia đình Bang. Lúc đó anh Thọ nắm chặt tay tôi và cứ nhắc đi nhắc lại “Anh chàng Việt kiều hay giúp đở gia đình Trần Bang lại là anh đấy à! Những năm đó, gia đình tôi cũng còn bị kẹt lại VN, lúc cần tiền, chạy mượn 1 chỉ vàng thấy cũng rất khó khăn; vậy mà Bang đã nhận được một lần cả 3 cây vàng do anh chàng nào đó chẳng có họ hàng gởi tặng !”

Rất ngại ngùng tôi vội phân bua là số tiền đó do rất nhiều người đóng góp chứ nào của riêng tôi đâu. Tôi còn rất muốn nói rõ hơn là của gần 40 người đồng đội cùng màu áo cảnh sát quốc gia năm nào. Dù sau tháng 4 đen, số phận nghiệt ngã nhất đã đến với họ nhưng lúc cần thiết họ cũng đã sẵn sàng chìa bàn tay ra cho ngươì bạn của mình.

Hiện nay gia đình Bang cũng đang nhận được nhiều Happy Ending là các con của họ rất ngoan và học rất giỏi. Cả ba cháu đầu đều đang học đại học, hai cháu kế đang học trung học . Đặc sắc nhất là cháu Ánh Nguyệt, thời gian học trung học, cháu luôn đứng đầu. Tốt nghiệp với thứ hạng cao và được nhận học bổng toàn phần của trường đại học Georgia Tech, không những Nguyệt học giỏi mà kèm theo đó cháu còn là nhà hoạt động xã hội rất hăng say.

Kết thúc một bài viết của một người chỉ khá về toán và thường xuyên nhận điểm dưới trung bình về môn Văn lúc còn đi học, tôi chấp nhận lối hành văn lộn xộn, sai cả hỏi ngã; để xin được ghi lại đây một cách trung thực về tình đồng đội, xin được gởi lời trân quý cám ơn đến những anh bạn đã cùng tôi giúp những người bạn đang khi cần sự giúp đỡ mà chắc rằng anh cũng không có lần nào gặp mặt họ nhưng nhờ mấy chữ “nó cùng ngành cảnh sát với mình”. Vậy là đủ!!!

Tôi cũng xin được ghi lời cám ơn Nhà văn Huy Phương, bài viết “Tôi biết anh thế nào cũng đến” đã thật sự làm tôi xúc động; đã khiến tôi dành cả nhiều ngày để nhớ lại những khuôn mặt thân quen mà lúc cần thiết họ đã đồng hành với tôi đúng lúc; giúp cho tôi có thêm những sức mạnh cần thiết và nhất là mạnh dạn kể lại những câu chuyện mà người trong chuyện đều còn sống và đang định cư khắp nơi trên nước Mỹ .

 Mùa Thu Atlanta, tháng 11 năm 2009

Trần Văn Mãng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn