BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73389)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xô-viết Nghệ Tĩnh, có hay không?

24 Tháng Tám 200612:00 SA(Xem: 907)
Xô-viết Nghệ Tĩnh, có hay không?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hào khí của cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 đã làm cho dân chúng cả nước hăng hái tranh đấu giành độc lập, đòi quyền sống, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đen tối sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929.

Cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ tại Hoa Kỳ, từ tháng 10/1929 lan sang các nước Âu Châu và các nước Á Châu. Nền kinh tế Việt Nam tuy còn chậm tiến, nhưng lệ thuộc nhiều vào những hoạt động của nền kinh tế Pháp, nên cũng bị ảnh hưởng bởi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các sản phẩm Việt Nam do Pháp xuất cảng ra thị trường thế giới như lúa gạo, than đá đều giảm sút trầm trọng. Đồng bạc Đông Dương bị phá giá. Nhiều công nhân ở thành phố bị thất nghiệp. Ở nông thôn, giá gạo hạ thấp nên nhiều cánh đồng bị bỏ hoang.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho đời sống khó khăn đói nghèo, khiến cho dân chúng bất mãn, sẵn sàng nổi lọan. Đây là cơ hội tốt cho các chi bộ đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) mới được thành lập, có cơ hội xách động quần chúng biểu tình và đình công chống nhà cầm quyền. Các chi bộ nầy được hình thành ngay sau khi đảng CSVN chính thức ra đời ngày 6/1/1930.

Từ đầu năm 1930, khoảng 3.000 công nhân đồn điền Phú Riềng nổi loạn vào tháng 2/1930. (Phú Riềng thuộc tỉnh Phước Long trước 1975, cách Đồng Xoài khoảng 20 km.) Công nhân nhà máy dệt Nam Định đình công tháng 3/1930. Nhân ngày lễ Lao động, 1/5/1930, nổ ra các cuộc biểu tình ở nhiều tỉnh trong đó quan trọng nhất ở Quảng Ngãi và Vinh (Nghệ An).

Trong cuộc biểu tình tại Vinh, số nạn nhân bị Pháp bắn chết là 6 người. Phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn trong nhiều tháng và nhiều nơi khác nhau trong khắp nước. Theo tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), nông dân các huyện Nam Đàn, Can Lộc đập phá huyện đường, các hào mục bỏ nhiệm sở, chạy trốn. Người ta phá nhà giam, thả tù nhân, tìm giết các viên chức. Ngày 12/9/1930, nông dân tụ tập để tiến về thành phố Vinh. Pháp dùng máy bay thả bom, giết 217 nông dân tại Hưng Nguyên. Pháp còn đàn áp và sát hại 8 nông dân ở Tiền Hải (Thái Bình) ngày 14/10/1930.(1)

Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc ở Trung Hoa, được tin nông dân Nghệ Tĩnh nổi dậy, liền làm báo cáo với QTCS và Quốc tế Nông dân (tổ chức hữu danh vô thực của QTCS) rằng: “Hiện nay ở một số làng đỏ Xô-viết nông dân đã được thành lập.”(2) Từ đó, danh xưng “Xô-viết Nghệ Tĩnh” đi vào sách vở của CSVN.

Các tài liệu, sử sách chính thức của đảng CSVN hiện nay, dựa theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc, viết rằng khi chính quyền “đế quốc và phong kiến” bị tan rã, những người nổi dậy đã thay thế bằng chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh. Vì dụ sách Lịch sử Việt Nam tập II do Ủy Ban Khoa học Xã Hội Việt Nam xuất bản năm 1985 viết: “Từ thực tế đó, lần đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện một hình thức mới về chính quyền của những người lao động: Xô-viết Nghệ Tĩnh. Trong bước đầu, tuy còn thô sơ, nhưng về thực chất, Xô-viết Nghệ Tĩnh làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.”(3)

Giống như những tài liệu tuyên truyền khác của đảng CSVN, các tài liệu về Xô-viết Nghệ Tĩnh viết rất kêu, với nhiều tĩnh từ rất hấp dẫn, nhưng không cụ thể, không cho biết chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh do ai lập, lập ở Nghệ Tĩnh nhưng tại làng nào, huyện nào, và vào lúc nào, ngày tháng cụ thể nào? (4)

Trong khi đó, theo tài liệu của một cựu đảng viên CSVN, thì khoảng tháng 9/1930, thật sự có những cuộc biểu tình lớn của nông dân Nghệ Tĩnh, làm cho hào mục vài vùng nông thôn lo sợ bỏ chạy, nên dân làng cử người đứng ra lo công việc chung trong xã thôn, trong lúc hào mục vắng mặt.









Trần Phú (1904-1931), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1930 đến 1931.
Nguồn: wikimedia.org


Cũng theo tài liệu nầy, “…chủ trương thành lập chính quyền Xô-viếtthì hồi đó không đồng chí nào nhận được chỉ thị hoặc nghe phổ biến”. Hơn nữa lúc đó, Trần Phú, tổng bí thư đảng CSVN, cũng hoàn toàn không biết gì về chủ trương thành lập chính quyền Xô-viếtvà rất “bực mình vì sự báo cáo vội vã của Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế cộng sản” .(5)

Hai tài liệu trên đây có một điểm chung là vào năm 1930, dân chúng tại nhiều làng quê ở Nghệ Tĩnh đã nổi dậy chống chính quyền. Điều nầy không có gì làm lạ vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho dân chúng đói khổ. Ngày trước, dưới chế độ quân chủ, mỗi lần có thiên tai như lụt lội, hạn hán, côn trùng phá hoại đưa đến mất mùa; dân chúng đói khổ, thường nổi lên chống lại triều đình. Đây là phản ứng bộc phát của dân chúng khi gặp họan nạn đói rách.

Bên cạnh sự nổi dậy của nông dân, hai tài liệu trên đây có điểm khác nhau về việc chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh có thực sự được thành lập hay không? Để trả lời câu hỏi nầy, chúng ta thử đặt vài câu hỏi kế tiếp: 1) Thứ nhất, lúc đó, đảng CSVN mới thành lập ngày 6/1/1930. Tổng bí thư Trần Phú đang bận rộn với chỉ thị của ĐTQTCS, lo đổi tên đảng CSVN thành đảng CSĐD trong Hội nghị Kowloon (Cửu Long), gần Hương Cảng. Vậy các nhà lãnh đạo CSVN đồng thời có nghĩ đến chương trình nổi dậy ở Nghệ Tĩnh hay không? Nếu có, đảng CSVN có dự tính kế họach thành lập các chính quyền Xô-viết hay không? 2) Thứ hai, đa số giới công nhân tập trung ở những thành phố có các công xưởng, hay các hải cảng, vậy ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh, đảng CSVN có đủ công nhân để nổi dậy và thành lập chính quyền Xô-viết hay không? Thứ ba, nông dân lúc đó chưa biết gì về chính quyền Xô-viết thì làm sao có thể thiết lập chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh? Cuối cùng, giả thiết như cán bộ cộng sản quả thật có ý định thành lập chính quyền Xô-viết, nhưng khi họ nổi dậy ở đâu, Pháp đưa quân dẹp đến đó, thì họ có tổ chức được chính quyền Xô-viết hay không? Các cuộc biểu tình xảy ra vài nơi ở Nghệ Tĩnh diễn ra khoảng 3 tháng cuối năm 1930.

Với những câu hỏi nầy, ai cũng có thể thấy rõ rằng lúc đó chẳng hề có việc đảng CSVN có thể thành lập cái gọi là chính quyền Xô-viết Nghệ Tĩnh như Nguyễn Ái Quốc viết. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc bịa ra chuyện chính quyền Xô-viết Nghệ-Tĩnh, báo cáo không đúng sự thật lên thượng cấp cộng sản ở Liên Xô, nhắm để tâng công với ĐTQTCS, hoặc nhắm khích động các nước khác ở Đông Nam Á lập ra chính quyền Xô-viết? Chính Nguyễn Ái Quốc sẽ phải trả giá cho cái báo cáo bịa đặt của ông ta.

Sau cuộc nổi dậy của nông dân ở mộ số thôn làng tại Nghệ Tĩnh, Pháp mở cuộc lùng bắt gắt gao các lãnh tụ cộng sản. Trần Phú, đang hoạt động ở Sài Gòn, bị bắt ngày 19/4/1931. Trong tù, ông bị bệnh nặng và mất tại bệnh viện ngày 6/9/1931.









Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), một trong những đảng viên đầu tiên của đảng CSĐD
Nguồn/Ảnh: Ho Chi Minh, A life, William J. Duiker/TTXVN


Về phía Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc), nguyên sau khi thành lập xong đảng Cộng sản Xiêm La và Mã Lai, ông trở lại chi nhánh Đông phương bộ ở Hương Cảng giữa tháng 5/1930. Tại đây, Lý Thụy mở những khóa huấn luyện chính trị. Trong số các học viên, Nguyễn Thị Minh Khai (6) đến Hương Cảng từ tháng 4/1930, cũng làm việc ở văn phòng nầy. Chính từ tháng 9 hay tháng 10 năm nầy, xảy ra các cuộc nổi dậy của nông dân Nghệ Tĩnh.

Do phát hiện được đường dây tổ chức cộng sản từ Singapore, người Anh bắt được Song Man Ch’o lúc 2 giờ sáng 6/6/1931 tại thành phố Cửu Long (Kowloon), gần Hương Cảng. Song Man Ch’o hay Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc. Lãnh sự Pháp tại Hương Cảng yêu cầu nhà cầm quyền Anh giải giao Nguyễn Ái Quốc về Hà Nội.

Được tin trên, ĐTQTCS nhờ văn phòng luật sư Frank H. Loseby & N. Pritt tại Luân Đôn (thủ đô Anh Quốc) biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc. Văn phòng nầy ủy nhiệm cho luật sư F. C. Jenkin, có văn phòng ở Hương Cảng, lo việc bào chữa. Tòa án Hương Cảng quyết định trục xuất Quốc về Hài Phòng ngày 12/8/1931. Jenkin chống án. Tòa phá án Hương Cảng vẫn giữ y án, và buộc đương sự phải rời Hương Cảng đầu tháng 9/1931. Luật sư F.C. Jenkin kiện lên Hội đồng Cơ mật Vương quốc Anh. Hội đồng cho ngưng thi hành lệnh trục xuất. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bị giam ở Hương Cảng cho đến tháng 1/1933, ông mới bị đuổi ra khỏi Hương Cảng và được tự ý chọn lựa điểm đến.

Nguyễn Ái Quốc qua Singapore, nhưng không được nhận. Ông trở về Hương Cảng và bị bắt trở lại ngày 19/1/1933. Lúc đó có tin ông bị chết trong nhà tù Hương Cảng, do phía cộng sản tung ra nhắm đánh lạc hướng người Pháp, nhưng thật sự, ông bị trục xuất lần nữa, và đến tạm trú ở Sa Diện tại Quảng Châu, nơi có khu tô giới ngoại quốc. Mùa hè năm 1933, lãnh tụ đảng CS Pháp là Paul Vaillant-Couturier ghé qua Trung Hoa. Nhân đó Vaillant-Couturier giúp Nguyễn Ái Quốc trốn đi Thượng Hải. Từ Thượng Hải, ông đi tàu lên Vladivostok, rồi qua Moscow.

Tại đây Nguyễn Ái Quốc bị giữ lại và “bị khiển trách vì những hậu quả thảm khốc do sách lược cực tả tai hại của CSQT ở Việt Nam”.(7) Sự khiển trách nầy phải chăng bắt nguồn từ những báo cáo không đúng sự thật của Nguyễn Ái Quốc về chuyện chính quyền Xô-viết Nghệ-Tĩnh năm 1930? Hoặc việc nầy cũng có thể vì những báo cáo phản đối Nguyễn Ái Quốc của tổng bí thư Trần Phú ở trong nước, trước khi Trần Phú bị bắt và từ trần trong ngục? Ngoài ra, có tin nói rằng ĐTQTCS nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc hoạt động nhị trùng trong lúc bị người Anh bắt cầm tù ở Hương Cảng. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào cụ thể để xác minh vì sao Nguyễn Ái Quốc bị giữ ở Liên Xô? Có điều chắc chắn, Nguyễn Ái Quốc ở lại Liên Xô cho đến khi được ĐTQTCS gởi qua Trung Hoa vào năm 1939 để thực hiện một công tác mới.

Toronto, Canada
Trần Gia Phụng
Trích DCVOnline



(1): Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tt. 258/261.
(2): Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tr. 75.
(3):Nguyễn Khánh Tòan, sđd. tr. 262.
(4):Những báo cáo của Nguyễn Ái Quốc về Xô-viếtNghệ Tĩnh (có thể đọc trên web của đảng CSVN: http://www.cpv.org.vn. Những tài liệu do đảng CSVN viết về biến cố nầy, hoàn toàn là ngôn ngữ tuyên truyền, không có số liệu, không có nhân vật, cũng không có thờI gian và địa điểm cụ thể.
(5):Nguyễn Minh Cần, sđd. tt. 75, 77.
(6):Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh tai Vinh (Nghệ An), con ông Nguyễn Huy Binh, nhân viên Hỏa xa, và là chị của Nguyễn Thị Quang Thái, vợ đầu của Võ Nguyên Giáp. Minh Khai học trường Tiểu học Pháp ở Vinh, gia nhập Tân Việt Cách Mạng Đảng năm 1928, qua đảng CS và sang Hương Cảng. Tháng 4/1931, Minh Khai bị bắt ở Hương Cảng, đến đầu năm 1932 thì được thả ra. Minh Khai qua Liên Xô dự Đại hội QTCS kỳ 7, khai mạc ngày 25/7/1935 trong phái đoàng đảng CSĐD. Sau Đại hội, Minh Khai vào học tại Viện Thợ Thuyền Đông Phương. Đến tháng 2/1937, Minh Khai về nước qua đường Pháp, đến Sài Gòn năm 1938. Năm 1940, Minh Khai bị bắt, bị lên án tử hình và bị bắn năm 1941 tại Hóc Môn. Nhiều tài liệu cho thấy khi ở Hương Cảng, Minh Khai trở thành vợ Lý Thụy. Theo tài liệu của CSVN, về sau Minh Khai là vợ Lê Hồng Phong.
(7): Encyclopedia of Marxism, chọn chữ H, tìm mục Hồ Chí Minh. Nguyên văn câu Anh ngữ trong sách nầy: “Arrested for sedition in Hong Kong in 1931, and presumed dead by his comrades in Vietnam. In fact, Ho was ‘recalled’ to Moscow, where he did routine duties. Meanwhile, he was blamed for the disastrous results of the Comintern’s disastrous ultraleft policies in Vietnam.” (Xin tạm dịch: “Bị bắt vì gây rối ở Hương Cảng năm 1931, và các đồng chí ở Việt Nam tưởng rằng ông ta đã chết. Thật ra, Hồ bị ‘gọi trở lại về’ Moscow, nơi ông phải làm bổn phận thông lệ [học tập chính trị ?]. Đồng thời ông ta bị khiển trách vì những hậu quả thảm khốc do sách lược cực tả tai hại của CSQT ở Việt Nam.”)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn