BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùng Một Tết Mậu Thân, Thoát Chết

07 Tháng Sáu 20186:50 SA(Xem: 2415)
Mùng Một Tết Mậu Thân, Thoát Chết
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi là dân Huế, năm 23 tuổi rời ghế nhà trường và rời xa nơi chôn nhau cắt rún, sông Hương núi Ngự để vào sinh sống một nơi cũng nổi tiếng với hai miền sông núi: thành phố Quảng Ngãi, quê hương của núi Ấn, sông Trà.

Suốt mấy tháng Hè tôi thấp thỏm chờ sự vụ lệnh bổ nhiệm đi dạy. Tôi ưu tư lắm vì chẳng biết bao giò mới được bổ nhiệm trong lúc thời thế đang sôi động với phong trào Phật giáo miền Trung tranh đấu chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm.Nỗi mong chờ lại càng thêm hồi hộp vì không biết nhiệm sở mới có nằm trong số banơi mà tôi đã chọn theo ưu tiên ghi rõ trong đơn xin ngày ra trường hay không.


Sau cùng, vào khoảng trung tuần tháng Mười năm 1963, tôi đã cầm được trong taySự Vụ Lệnh bổ dụng với nhiệm sở chỉ định: Quảng Ngãi, ưu tiên thứ ba theo thỉnh nguyện. Tôi chọn Quảng Ngãi vì thành phố này gần với Huế, dễ dàng cho tôi về thăm gia đình trong những dịp lễ, Tết và vì Quảng Ngãi là quê hương của môt vài danh gia vọng tộc trong triều đình nhà Nguyễn mà tôi mến mộ. Chọn Quảng Ngãi vì tôi cầm tinh tuổi con rồng nên thích sông, thích núi, xa núi Ngự sông Hương thì phải kiếm một vùng có núi, có sông như núi Ấn, sông Trà để thay thế. Và sau cùng, chọn Quảng Ngãi vì tôi vốn tính “hảo ngọt” mà Quảng Ngãi là xứ kẹo Mạch Nha và đường phổi nổi tiếng khắp nước.


Chân ướt, chân ráo đến Quảng Ngãi, ngồi chưa kịp nóng chỗ thì xảy ra chính biến tháng 11 năm 1963.


Sau biến cố chính trị năm 1963, tôi lại chứng kiến thêm vụ Mậu Thân.


Tôi đã sống những ngày bấp bênh, phập phòng lo âu, không biết lúc nào sẽ là nạn nhân của những trận pháo kích bừa bãi của Việt Cộng trong dịp Tết Mậu Thân tại Quảng Ngãi. Thông thường, dân Việt Nam làm ăn sinh sống xa quê hương, ai ai cũng cố gắng dành dụm tiền bạc để về quê ăn Tết. Tôi cũng không ra ngoài tập tuc này, nhất là tôi lại là con trưởng trong gia đình mà dân Huế lại nổi tiếng về tinh thần bảo thủ nữa.


Thế nhưng, năm Mậu Thân, tôi quyết định không về Huế ăn Tết, tôi xin phép bố mẹ tôi ở lại ăn Tết với gia đình vợ tôi cũng người Huế nhưng sinh sống tại Quảng Ngãi. Lý do: vợ tôi sắp “bễ bầu” đứa con đầu lòng nên không thể đi máy bay được.


Thời đó, tuy Quảng Ngãi và Huế đường đất chẳng bao xa nhưng mấy anh du kích, con cháu “bác Cáo” thường hay lập công dâng Bác, dâng Đảng bằng cách đắp mô, đặt mìn trên quốc lộ để sát hại dân lành nên những ai có chút tiền đều di chuyển bằng máy bay thay vì đường bộ dễ làm mồi cho đạn bom, mìn bẫy và có khi lại bị bắt đem vào bưng để phục vụ “cô hồn các đảng”.


Còn nhớ những ngày cận Tết, tôi đang hân hoan chuẩn bị lần đầu tiên ăn một cái Tết xa quê nhưng có niềm vui sắp được làm cha. Đùng một cái, bà chủ cho vợ chồng tôi mướn nhà yêu cầu chúng tôi cố gắng thu xếp để dời nhà sau khi ăn Tết vì bà ta cần lấy lại nhà cho cô con gái vừa theo chồng về lại Quảng Ngãi sinh sống.


Thật là tức muốn “hộc xì dầu”! Vợ sắp sinh mà lại không có nhà, ăn Tết mà cứ âu lo chuyện thuê mướn nhà thì làm sao mà thưởng Xuân được. Tôi cáu sườn mà phải cố nén giận dù trong lòng chỉ muốn văng tục.


Gặp tình thế chẳng đặng đừng, tôi muốn cho bà chủ nhà biết tôi không thèm ở trong nhà bà, không muốn ăn Tết trong nhà bà nên tôi hộc tốc chạy chỗ này qua chỗ nọ hỏi thăm khắp mặt bạn bè thân quen để kiếm nhà thuê mướn ngay tức khắc cho an cư mà lo lạc nghiệp và nhất là để ăn Tết thoải mái.


May mắn thay, trong số tử vi của tôi, cung gia cư rất hanh thông, không biết nhờ ngôi sao nào chiếu mạng, nên tôi đã kiếm được một ngôi nhà khá khang trang và do tôi năn nỉ mà họ đã đồng ý cho tôi dọn nhà vào ngay trước Tết. Thế là, cuối năm Đinh Mùi, tôi không nhớ là ngày 29 hay 30 (vốn liếng tử vi bói toán của tôi học lóm được từ ông Nội không đủ để tính được xem năm Đinh Mùi tháng Chạp có đủ ba mươi ngày hay không.) Tôi chỉ nhớ là đúng vào ngày cuối năm, tôi đã thúc hối vợ tôi dọn nhà khi chiếc bụng bầu đã vượt mặt, chỉ trong sớm tối sẽ đến ngày mãn nguyệt khai hoa.


Đêm trừ tịch, tôi thở một hơi dài khoái trá trong căn nhà mới.Thoát được một mối âu lo tìm nhà mướn sau ba ngày Tết mà còn thỏa mãn tính “thù vặt” vì đã chứng minh cho bà chủ nhà thấy rằng tôi không cần cư ngụ trong căn nhà của bà, bà không thế nào làm khó dễ tôi được!


Sau khi soạn một mâm lễ cúng giao thừa, tiễn đưa năm Đinh Mùi, đón chào năm Mậu Thân, chúng tôi vui vẻ chuẫn bị ăn một cái Tết thật tưng bừng và an ổn thiếp vào giấc ngủ với bao nhiêu là mộng đẹp ngày Xuân.


Bỗng vào lúc gần sáng, tôi không nhớ rõ là lúc mấy giờ, chỉ nhớ là đã ngủ một giấc khá ngon lành, chúng tôi nghe tiếng súng nổ chát chúa bên tai và đạn bay nghe chíu chít trong không gian chớp sáng loè qua cửa kính. Hai vợ chồng tôi vội vã chui xuống gầm giường tránh đạn. Nhà tôi mướn nằm ở tận cuối đường, vách tường bên hông nhà tôi hướng ra một cánh đồng mía, thật trống trải, cách vài trăm mét đường chim bay là bến xe ngựa của thành phố.


Lũ Việt Cộng chẳng biết nghiên cứu địa hình, địa vật như thế nào mà lại tấn công vào bến xe ngựa đã hoang phế, và tiến quân qua đám ruộng mía để xâm nhập thành phố. Khu phố tôi ở không có một cơ quan quân sự hay hành chánh nào ngoại trừ trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn của Quảng Ngãi mà bức tưòng bên hông đối diện với mặt tiền của nhà tôi. Đạn vẫn nổ rền vang, tiếng nghe chát chúa đầy tính chất sát phạt mà sau này tôi biết là tiếng súng AK,  nghesắt máu hơn loại súng M16 nhiều.


Chúng tôi vì mới dọn nhà nên chưa kịp xây hầm tránh pháo kích, đành nằm dưới gầm giường chịu trận, chỉ trông mong vào Trời, Phật, ông bà, tổ tiên phò hộ. Nhà chúng tôi sát liền vách với nhà của chủ nhà, chỉ ngăn cách bằng một cánh cửa hông, và quả thật chúng tôi được ơn trên nên trong tiếng đạn réo chúng tôi nghe tiếng gọi của cậu học trò, cháu của ông chủ nhà gọi chúng tôi mở cánh cửa hông thông qua nhà của chủ nhà để sang núp vào hầm tránh đạn. Chúng tôi bò ra khỏi gậm gường và chạy thục mạng vào căn hầm xây bằng bao cát ngay giữa nhà bên cạnh và không quên cảm ơn rối rít cậu học trò và ông chủ nhà nhân ái.


Sáng hôm sau, dứt tiếng súng, chúng tôi trở về nhà, nhìn dưới gậm giường thì thấy vết đạn lỗ chỗ trên bức tường nhà hướng về cánh đồng mía. Thật là hú hồn, hú vía, nếu không chạy được sang nhà của chủ nhà thì vợ chồng tôi đã “ô hô ai tai rồi”.


Cách bức tường nhà tôi vài chục thước, nằm tênh hênh trên một bờ mương là xác của mấy ông “anh hùng cách mạng”, áo quần tơi tả, mình mẫy, mặt mày sơn đen để nguỵ trang, áo quần phong phanh trong cái rét của mùa Xuân ở miền Trung. Tôi chẳng hiểu quân đội của ta can thiệp vào lúc nào mà đã đẩy lui được cựôc tấn công của bọn người phi nhân đã vi phạm cuộc đình chiến được thoả thuận trong những ngày đất trời đang mở hội mừng Xuân, trong truyền thống thiêng liêng của dân tộc.


Xác của Cộng quân nằm kế cận nhà tôi liền mấy ngày không có ai chôn cất vì sợ chúng quen thói dã man gài mìn hay lựu đạn dưới xác. Dân trong vùng sợ bệnh dịch do hơi thối của xác chết gây ra nên đã tự động đem vôi rải trên xác ngưòi.


Sau những ngày bận rộn ngăn ngừa cộng quân xâm nhập thành phố, nhà chức trách mới có thì giờ nghĩ đến chuyện mang xác của chúng đi trong nỗi kinh hoàng của chúng tôi vì xác đã sình chương, hơi thối toả khắp vùng.


Sáng mồng Một Tết, trong lúc tôi đang cùng bạn hữu thân quen tất bật lo xây một hầm bằng bao cát chống đạn pháo kích kế cận phòng ngủ của chúng tôi thì ở Huế nhận được tin vợ chồng tôi đã thiệt mạng trong căn nhà cũ mà chúng tôi vừa bị đuổi nhà. Ngôi nhà đã bị cháy và nổ tung!


Rất ít người biết là chúng tôi đã dời nhà vào ngày cuối năm. Hầu như những người thân quen đều đinh ninh là chúng tôi hiện đang cư ngụ tại đó.


Sau này tôi mới biết chuyện là người con rể của bà chủ nhà, mang cấp bậc Đại uý cảnh sát, đã mang về một lá quốc kỳ VNCH thật lớn và lộng lẫy treo ngay trước nhà để trang hoàng ba ngày Tết.


Lũ côn đồ chẳng biết là du kích hay bộ đội chính quy lạc vào thành phố, tình cờ đi ngang ngôi nhà có treo quốc kỳ, lầm tưởng là công sở hành chánh hay quân sự nên đã ném chất nổ phá huỷ căn nhà. Bà chủ nhà, một cô con gái và một cậu con trai đang độ tuổi vị thành niên đã chết oan ức.


Tôi nghe tin này mà bàng hoàng, sửng sốt, nghe lạnh toát châu thân, thấy mình đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tôi vội vàng đi điếu tang, lòng thầm cầu xin bà chủ nhà tha thứ cho tôi đã một lúc nông nổi, oán giận bà. Chính nhờ bà yêu cầu tôi dọn nhà mà đã cứu sống vợ chồng tôi và đứa con trai đang nằm trong bụng vợ tôi.

HueMauThan1968

Những ngày sau đó, tuy trong nhà có hầm trú ẩn khá an toàn nhưng tối nào vợ chồng tôi cũng theo gia đình vợ tôi đến trú ẩn tại một toà nhà khang trang rộng lớn, có lầu, có tường ốc kiên cố của một nhà thầu khoán quen thân với Bố vợ tôi. Chúng tôi được đặc ân ngủ dưới hầm cầu thang nơi kiên cố nhất để tránh pháo kích. Cứ ban đêm nghe tiếng pháo kích và tiếng súng AK rền vang là y như ngày hôm sau có tin một vài nhà bị pháo kích gây tang tóc đổ nát và một vài xác cộng quân nằm bên bờ ruộng hay ao hồ. Dân chúng lại lũ lượt đi xem và ngậm ngùi ta thán vì xác chết phần nhiều là những thiếu niên ngây thơ bị Việt Cộng dụ dỗ. Họ không bao giờ còn có dịp hiểu ra là họ đã bị Đảng dùng làm dụng cụ để giết hại dân lành vô tội, để hy sinh xương máu cho những tín điều không tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản.

Tôi nhớ có hôm, tò mò đi xem xác Việt cộng, tôi đã thấy một cậu bé áo quần rách bươm nằm chết bên bờ ruộng mía trong tay ôm xác một con gà banh xác mà có thể cậu ta đã nhanh tay “cầm nhầm” khi vào nhà một thường dân để tìm đường cứu nước theo gương của Bác.


Từ đó, tôi không còn đi xem xác Việt Cộng nữa và ngậm ngùi thương cảm những nạn nhân của chế độ phi nhân và vô luân đang làm cho quê hương điêu linh, giang sơn tan nát.


Con trai của chúng tôi chào đời đầu tháng ba Dương lịch, vẫn đang còn trong tháng Giêng năm Mậu Thân. Lúc còn nằm tại nhà hộ sinh, cứ mỗi lần nghe đạn pháo kích của Việt Cộng câu vào thành phố là bà ngoại của cháu nằm chồm lên người thằng bé để bảo vệ cho nó chống lại hoả tiển 122 ly. Lòng bà thương cháu nói sao cho xiết! Việt Cộng có bao giờ nghĩ đến những hoàn cảnh của người dân vô tội thường xuyên bị súng đạn của chúng đe doạ hay không? Tội ác của chúng làm sao tẩy xoá được?


Gia đình tôi ở Huế cũng theo dân chúng tản cư về vùng có trường tiểu học Đoàn thị Điểm nơi Viêt Cộng chưa chiếm giữ tại Thành Nội Huế. Họ để lại sau lưng nhà cửa điêu tàn, đổ nát vì Việt cộng pháo kích trong 26 ngày chiếm đóng thành phố Huế.


Tuy gia đình cật ruột được an toàn nhưng trong vòng thân thuộc, tôi cũng có những người thân là nạn nhân của vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế. Bác tôi, trưởng ty Bưu Điện Huế đã hồi hưu, bị chôn sống tại vùng Gia Hội; Cậu tôi, sĩ quan Cảnh Sát ở vùng An Cựu gần Cung An Định mất tích hay bị thủ tiêu, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Bạn đồng nghiệp của tôi cùng vợ và đứa con đang mang trong bụng chết tức tưởi trong hầm trú ẩn vì bị hơi ép của đạn pháo kích trong vùng thượng thành cửa Đông Ba và còn nhiều nhiều nữa, không kể xiết.


Biết bao nhiêu sách báo đã vạch trần tội ác của Việt cộng trong Tết Mậu Thân trên toàn cõi miền Nam nước Việt và đặc biệt trên quê hương tôi, Huế đô ngàn năm văn vật.


Xin thành kính thắp lên một nén hương lòng cho những nạn nhân của Tết Mậu Thân trên khắp quê hương.


Hoàng Đức
Nguồn Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn