BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62245)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một vụ đấu tố địa chủ ở Khu Tư

26 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1550)
Một vụ đấu tố địa chủ ở Khu Tư
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trích “LŨY TRE XƯA”, truyện ký HOÀNG THỊ

 . . . . . . . . . .

 Lúc này “chính phủ quốc gia” đã được thành lập và do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo. Ông tự phong là quốc trưởng. Nhà nước được điều khiển bởi một thủ tướng mà văn phòng đặt tại Sài Gòn. Đất nước được chia làm ba phần, mỗi phần do một thủ hiến đứng đầu. Nhà nước Việt Nam chỉ phụ trách việc hành chánh, trong khi người Pháp nắm quyền chỉ huy quân sự. Nhiều người yêu nước, chống cả cộng sản lẫn Pháp, không có lựa chọn nào khác hơn là sống ở thành phố nhưng tránh xa chính trị. Chiến tranh trở nên ác liệt hơn. Việc di chuyển binh sĩ và xe cộ trong cũng như ngoài thành phố gia tăng. Ngoài xe dân sự dành cho tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và sĩ quan chỉ huy Pháp, tất cả đều là xe nhà binh. Dần dần thành phố đầy người từ quê chạy lên. Những người nhà quê nào có thân nhân hay bạn hữu sống ở thành phố thì dọn đến ở chung, vì ở dưới làng họ có thể bị giết hay bị bắt trong những trận càn quét hoặc bị cộng sản kết tội và bắt cóc về ban đêm.

Ở làng Mai, tình hình cũng thay đổi. Lực lượng công giáo không còn kiểm soát hoàn toàn được nữa. Họ chỉ đến khi sáng ra và rút đi trước khi trời tối. Ban đêm, du kích xuất hiện để thu thuế và bắt “ủng hộ”. Như thế, dân làng phải trả thuế hai lần, và họ thường phàn nàn là một cổ hai tròng.

Thị xã Phát Diệm vẫn còn dưới quyền lực lượng công giáo, nhưng các người buôn bán từ Khu Tư thuộc cộng sản thường thì thào về chuyện đấu tố địa chủ. Mợ không tin những điều bà nghe được, vì những điều thiên hạ nói có vẻ ghê gớm quá, khó mà tin nổi. Vả lại tin đồn vào thời buổi ấy thì lại quá nhiều. Nhưng một hôm, con cháu họ gọi mợ bằng bà đến thăm sau khi ở Khu Tư về. Cha nó là một nhà buôn, mang hàng từ vùng Pháp kiểm soát tới vùng cộng sản. Anh bị cộng sản bắt và kết tội là “gián điệp”. Rồi anh bị giam mà không có xét xử tại trại Lý Bá Sơ, một trại giam rùng rợn nhất Khu Tư. Không mấy ai sống sót để ra khỏi trại này. Họ hoặc bị tra tấn hay lao động vất vả, bịnh tật mà chết. Lúc những bạn buôn bán cùng quê cho gia đình biết tin, thì anh cháu mợ chết đã lâu. Đứa con gái anh đi xin cốt cha về làng chôn. Người ta thường cho điều quan trọng là được chôn cất đàng hoàng tại sinh quán, dù chỉ còn là chút xương.

*

Khi ở Khu Tư để dò hỏi về xương cốt cha, con cháu họ mợ thực sự được chứng kiến vụ đấu tố địa chủ.

- Thưa bà, điều con thấy ở đó còn kinh khủng hơn tất cả những gì mình nghe được. Chính con dự phiên đấu mà chúng nó gọi là “toà án nhân dân”. Tòa thiết lập ngoài trời. Cán bộ làm quan tòa và công tố viên. Trước khi ông già phạm nhân được điệu tới trong một cái cũi tre, đám đông đã tụ tập sẵn. Khi bị một thằng du kích trẻ lôi khỏi cũi, ông già yếu quá đi không nổi. Ông bị bắt quì xuống đất, trước mặt đám đông. Ông ta trạc sáu mươi tuổi và trông giống như một xác chết còn cử động. Mắt ông sâu lỗ đáo, mặt tái xanh, đầy vết xây sát. Những sợi tóc bạc của ông bết lại với nhau, trông cứng như rễ tre, có vẻ như đầy máu, nhưng bấy giờ đã khô.

Khi ông tới, một số người trẻ trong đám đông, có vẻ là cán bộ, giơ tay lên và hô:

- Đả đảo địa chủ gian ác!

- Đả đảo địa chủ gian ác!!!

Đám đông hô theo.

Các cán bộ đi tới đi lui giữa dân chúng để khuyến khích họ:

- To lên, to lên, hô to nữa lên!

Tay bị trói quặt ra sau, ông già cố quì cho thẳng nhưng cứ ngã chúi xuống. Thằng cán bộ đứng bên kéo tóc, bắt ông ngửng đầu lên. Công tố viên bước ra khỏi ghế đọc một dọc những tội trạng do một danh sách dài, đặc những tên người làng tự nhận là nạn nhân của ông già đó. Công tố viên hỏi:

- Ai muốn đấu tên già gian ác này trước?

- Báo cáo đồng chí, tôi!

Một con mẹ trung niên bước ra khỏi đám đông. Chỉ ngón tay vào ông già, mụ ta hét lên:

- Thằng già này hút máu chúng ta. Trong nạn đói, nó bắt chúng ta đói đến chết trong khi lúa của nó đầy cót. Nó phải trả nợ máu nhân dân. Hãy giết nó, giết nó. Nó phải bị chặt ra làm nghìn mảnh.

Mụ nhảy tới ông già và lật đầu ông ta ngửa ra sau.

- Đả đảo phường gian ác, chúng phải đền nợ máu!

- Đả đảo, đả đảo, đả đảo!!

Đám đông hô to, tay giơ lên xuống ăn nhịp với lời hô.

Ông già cố giương mắt ngơ ngác nhìn đám đông rồi vội nhìn xuống đất. Có lẽ đầu óc ông chết rồi, ông chẳng còn biết gì nữa.

Một thằng đàn ông từ đám đông bước ra, tiến về phía ông già. Kéo tóc cho ông ngửng mặt lên, thằng đó nói:

- Này, thằng già, mày còn nhớ tao không? Tao chăn trâu cho mày. Mày còn nhớ mày đối đãi tệ mạt với tao như thế nào không? Mày bắt tao làm đến chết. Mày có nhớ bao nhiêu lần mày tát tao không? Bây giờ đến lượt tao.

Ông già nằm quay dưới đất sau cái tát đầu, nhưng ông bị lôi dậy và bị tên chăn trâu cũ tát, đá tới tấp, trong khi cán bộ hướng dẫn dân chúng reo hò.

- Nữa, nữa, nữa.

Được khuyến khích, thằng đó muốn khoe thêm. Nó lôi ông già dưới đất lên, bắt ông quì rồi tái diễn màn đấm đá. Trong khi đó, dân chúng hô tới hô lui, lớn tiếng nhắc đi nhắc lại:

- Đã đảo phường gian ác.

- Đã đảo quân bất nhân.

- Đả đảo quân bạo ngược

- Giết nó đi, giết nó đi!

Một tiếng cất cao.

Thế là đám đông bắt đầu ném đất và gạch to cỡ nắm tay vào ông già. Trong một giây, ông trở thành mục tiêu của trò ném đá. Ông già nằm bất động trên mặt đất, quần áo đẫm máu. Con cũng thấy cả máu loang trên khoảng đất gần người ông. Con tưởng ông ta chết. Con mong cho ông ta chết. Con không chịu nổi nữa. Con quay ra bỏ đi, nhưng một thằng cán bộ giả làm dân đứng gần nói:

- Chưa xong đâu, “đồng chí”.

Con thấy sợ và đứng im, cố cầm nước mắt. Nhìn quanh, con thấy đất và đá không phải xếp đống vô tình. Nhiều người đứng im, nhưng khi thấy cán bộ, thì họ bắt đầu la và nhặt đá ném vào mục tiêu.

Khi có mật hiệu, vụ ném đá ngưng. Hai thằng du kích lôi ông già và ném ông trở lại cái cũi khiêng đi. Đám đông bắt đầu tản mát. Con đến gần một bà già, nói nhỏ với bà ta:

- Bà có biết ông ta không?

- Có, tôi cùng làng với ông ta.

- Tại sao họ không giết ngay ông ta đi?

Bà già nhìn quanh cho chắc là không có ai ở gần:

- Chị không ở vùng này phải không?

- Thưa không, con ở Khu Ba.

- Đúng rồi, nghe giọng chị tôi biết.

Bà già hạ giọng:

- Họ nói láo rất nhiều về ông ta. Ông ta và bà vợ đã bị hành hạ như thế này nhiều lần rồi. Trước kia, ông ta chống lại, nhưng họ hành hạ thêm vì chuyện đó. Lần này ông ta biết tự vệ là vô ích, và có lẽ ông ta yếu quá không làm nổi cái chuyện đó. Tôi vẫn cầu trời khấn phật cho ông ta chết, để khỏi đau đớn nữa. Vợ ông ta chết mấy tuần trước. Bà ta không chịu được lâu bằng ông ta. Tội nghiệp ông già, kiếp trước chắc ông ta làm cái gì xấu lắm nên phải trả trong kiếp này.

Rồi bà cụ nói thêm:

- Nhiều người chúng tôi không muốn đi coi chuyện này. Con người bị đối xử tệ hơn con vật. Nhưng nếu không đi, chúng nó kết tội chúng tôi là “phản động”.

- Thưa bà, bà phải lên tỉnh — con cháu năn nỉ mợ. Bao giờ kiểm soát hoàn toàn được cả khu, chúng nó sẽ làm như thế ở đây ngay. Trước dây, con không tin những điều thiên hạ nói. Nhưng chính con thấy tận mắt. Bà phải tin con, thưa bà, bà không ở lại đây được lâu hơn nữa. Những người bị đấu tố trong Khu Tư không giầu có bằng bà đâu.

Con cháu năn nỉ mợ thêm.

- Tôi biết, tôi tin chị. Tôi chưa có cơ hội, vì chúng nó theo dõi. Đừng nói với ai về ý dịnh của tôi và cũng đừng nói nhiều về chuyện tố khổ mà chị nhìn thấy nữa.

- Bà đừng lo, con còn lạ gì.

Mợ thường khen con cháu bà khôn ngoan. Một đứa con gái mười tám tuổi không học hành mà có thể đối phó với mọi trường hợp, mọi người, kể cả cán bộ trong vùng.

 [luỹ tre xưa,trang 70]

. . . . . . .

Cha anh, anh mợ, là một địa chủ bậc trung, con cái đều tự cày cấy lấy nên ông chỉ bị “đấu miệng”, nghĩa là bị mang ra trước đám đông cho hàng xóm và tá điền chửi mắng xỉ vả.

Nhiều người lén đến nhà ông nói:

- Để giữ mạng sống cho ông và chúng con, chúng con phải quát mắng và đổ tội cho ông, nhưng xin ông cố bình tĩnh, đừng chối cãi, cứ nhận là có lỗi và xin được khoan hồng, rồi chúng con sẽ hết sức giúp ông.

Ban đêm họ tới nhà bác để mang tất cả những gì có thể giấu được về nhà họ, trước khi bác bị tống khỏi nhà.

Sau khi bị mang ra đấu một vài lần, bác bị tước hết tài sản và phải làm một túp lều để ở. Không người con nào của bác được có việc làm. Bây giờ tất cả ruộng nương đều thuộc về nhà nước, dân làng phải cày cấy cho nhà nước lấy lương cố định và một bữa trưa ăn chung ở đình làng.

Bác may mắn hơn nhiều địa chủ giầu có. Những người này bị “đấu sức”, nghĩa là bị đám đông tra tấn. Sự đau đớn và tủi nhục kéo dài bằng những vụ đấm đạp, ném đá, đánh đập bằng gậy gộc. Nhiều người dân quê phải tích cực tham gia do sợ hãi cán bộ. Cũng có người trong họ nghĩ rằng sẽ được chia nhiều của cải của địa chủ hơn nếu họ tố cáo dữ dội. Nhưng nói cho đúng, không ai cảm thấy tội lỗi giết người, vì mỗi người đều tự nghĩ:

- Mình chỉ đá có mấy cái, họ không thể vì vậy mà chết.

Nhiều địa chủ tự tử trước khi cán bộ đến bắt. Tức giận vì bị qua mặt, cán bộ vẫn mang xác chết ra đấu tố. Anh cháu mợ nói rằng chính anh thấy xác một địa chủ già ở làng bên bị trâu kéo hết làng này đến làng kia, trước khi gia đình được phép mang chôn.

Nước mắt mợ lăn xuống má khi anh cháu nói rằng ông chủ tịch xã cũng tự tử khi ông ta biết sẽ bị mang ra xử là tên phản quốc. Mợ nói:

- Tôi biết mà. Tôi bảo anh ta đừng về, nhưng anh ta không nghe. Anh ta nằm trên ghế bố ngay chỗ này ở phòng khách. Tôi đã nói trước về chuyện gì sẽ xảy ra và anh ta cũng biết thế, nhưng anh ta quá mong về để trông thấy đứa con. Tội nghiệp cho anh ta, một người thật hiền lành tử tế.

Mợ gần như nói với chính mình. Ông chủ tịch hầu như là một đứa con của mợ, vì bà thân với bố mẹ ông và nhìn thấy ông khôn lớn kể từ lúc sinh ra. Vì quá khứ khá giả của ông, cộng sản thay thế ông bằng một người dân quê thành phần nghèo. Khi chiến trận khốc liệt, ông ra thành phố để tránh bị cả hai bên bắt bớ. Từ thành phố, ông đi tàu vào Nam với các người di cư khác, trong khi cả gia đình ông còn ở dưới quê. Vào đây, giữa thành phố to lớn và xa lạ, ông cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Ông đến thăm mợ và nói về quyết định trở ra Bắc với gia đình. Mợ cảnh cáo ông:

- Chúng nó sẽ giết anh, nếu anh về.

- Thưa Mợ, con có làm gì đâu, con chỉ vào đây, nhưng không ở được vì nhớ vợ con, nên con trở về.

- Anh còn lạ gì, anh ra thành phố, anh vào đây rồi trở về. Chúng sẽ kết tội anh là “phản quốc” hay làm “gián điệp”. Ở lại đây và đợi gia đình, may ra họ trốn thoát.

- Thưa mợ không, họ không thể trốn thoát được. Họ ở xa quá. Làm sao có thể lên Nam Định chứ đừng nói là Hà Nội và Hải Phòng. Không có lý gì để con ở đây một mình. Con chưa thấy cháu đầu lòng, từ khi nó sinh ra.

Mợ biết ông ta vô cùng mong muốn nhìn thấy đứa con, vì sau khi lập gia đình hàng hai chục năm, ông không có đứa con nào cả. Tất cả mọi người, kể cả vợ ông, đều khuyên ông lấy người khác để có con, vì ông là trưởng nam. Nhưng ông bảo vợ ông hiền lành, ông không muốn làm khổ vợ, và ông vẫn tin sẽ có con một ngày nào đó. Nhưng ngày đó chẳng bao giờ tới. Cuối cùng ông phải lấy một người con gái trẻ do chính vợ ông lựa cho. Cả hai người vợ sống với nhau hòa thuận cùng cha mẹ ông ở dưới quê.

Khi bắt được liên lạc với gia đình, ông biết rằng, ngay trước khi ông đi Nam, chị vợ thứ sinh cho ông đứa con trai đầu lòng. Mợ cố thí dỗ ông:

- Nếu anh về, chúng nó sẽ xử tử anh, và gia đình anh sẽ đau khổ hơn là họ biết anh sống xa họ nhưng an toàn. Còn về con cái, anh có thể lại lấy vợ và có nhiều con.

- Thưa mợ, con tin ràng chúng nó thay đổi và tha cho con, vì chúng đã thắng trận. Khi mà chưa nhìn thấy đứa con, thì con không sung sướng nổi.

Mợ biết rằng thuyết phục ông là vô ích, một khi ông bị choáng váng về sự thay đổi quá to lớn trong cuộc đời. Buổi sáng ông rời nhà để xuống tàu về Bắc, mợ biết chắc là số mạng ông sẽ ra sao. Bà buồn bã đứng ở cổng nhìn ông đi vào cõi chết.

Bà tự nhủ thầm với chính mình:

- Về đến nhà là anh ta sẽ bị giết.

 [lũy tre xưa,trang 83]

Hoàng Thị
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn