BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phạm Duy còn đó hay đã chết?

29 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 3922)
Phạm Duy còn đó hay đã chết?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73
 

Mới đây, tôi đọc đâu đó một bài báo với nhan đề: Phạm Duy đã chết. Tôi giật mình. Nhưng chợt nhận ra ngay, đó chỉ là một lối viết. Lối viết đó cũng đã được Nguyễn Trọng Văn dùng trong bài nói truyện tại trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn vào ngày 6/6/1971, do phong trào Tự Trị Đại Học tổ chức. Đề tài với nhan đề: Phạm Duy đã chết như thế nào?

Bài nói truyện hẳn gây được tiếng vang trong giới văn học miền Nam lúc bấy giờ. Bởi vì ít nhạc sĩ nào có thể so bì được với Phạm Duy? Cùng lắm trừ một người. Chọn Phạm Duy mà không chọn ai khác là một chọn lựa có chủ đích của anh Nguyễn Trọng Văn: đánh vào cái thành trì tiêu biểu của giới trí thức thành thị, miền Nam, người nghệ sĩ được quần chúng ưa chuộng, đồng thời tước đi cái ảo tưởng của một ý thức hệ trong chiến tranh sắp đến hồi chung cuộc.

1. Phạm Duy đã chết vì phản bội lại kháng chiến?

Phạm Duy chối bỏ kháng chiến

Nguyễn Trọng Văn đã nghĩ như thế và đã viết để chứng minh điều ấy. Nguyễn Trọng Văn cho rằng đã có rất nhiều thanh niên theo kháng chiến và sau đó đã rời bỏ kháng chiến. Anh viết: “Trí thức theo Cách Mạng và bỏ cách mạng không phải là điều khó hiểu, trách Phạm Duy như vậy có lẽ quá khắt khe. Điều mà Nguyễn Trọng Văn lên án Phạm Duy không phải ở chỗ từ bỏ kháng chiến mà chối bỏ và hơn thế xoá bỏ kháng chiến. Xoá bỏ bằng cách thay đổi lời ca trong các bài nhạc làm trong thời kỳ kháng chiến. Phạm Duy hầu như đã sửa toàn bộ các lời ca có dính dáng đến kháng chiến. Bài hát vì thế mất hết ý nghĩa lịch sử và chiến đấu tính, chỉ còn là những bản nhạc lại cái, đồng cô bóng cậu.” (1)

Và Nguyễn Trọng Văn kết luận: “Phạm Duy kháng chiến ca của dân tộc đã chết. Điều bi đát không phải bông hoa Phạm Duy chỉ nở một lần, điều bi đát là bông hoa đó đã tự chọn cái chết như vậy.”

Về điểm này, có thể Nguyễn Trọng Văn nói không sai, Phạm Duy không những sửa một lần mà sửa hai ba lần những bài ca của ông. Và tùy thời, tùy lúc mà ông đã sửa. Điều đó nhiều lúc làm tôi không thể không liên tưởng đến một thái độ xu thời hay một thứ chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng với một nhạy bén chính trị. Sự nhạy bén chính trị đó đáp ứng bằng những sáng tác hợp thời cơ? Từ đó đặt ra vấn đề sáng tác là nguồn cảm hứng đích thực hay chỉ là một nhu cầu đòi hỏi cấp thời của một tình thế? Tại sao ở thời điểm đó có kháng chiến ca, tình ca, đạo ca, tâm ca, tục ca? Đó cũng là những trăn trở của tôi khi tìm hiểu về Phạm Duy?



Và người ta đã chẳng ngại ngùng gì nói đến một thứ trí thức for rent? Hơn ai hết Phạm Duy hiểu thâm ý của lời mỉa mai này.

Chẳng hạn Nguyễn Trọng Văn đưa trường hợp bản nhạc Quê Nghèo trước đây ca ngợi tình quân dân đoàn kết chiến đấu nay trở thành câu chuyện tình bông lơn, tán tỉnh nhau.

Lời cũ:

Bao giờ anh lấy được đồn Tây hỡi anh
Để em gánh nước cho người chiến binh


Nay đổi ra:

Bao giờ em trở lại vườn dâu hỡi em
Để cho anh bắc gỗ xây nhịp cầu bước sang


Đến vườn dâu mà cũng phải bắc gỗ xây nhịp cầu thì kể cũng lạ. Có ép ý, ép lời không?

Trong Bài hát Tiếng sông Lô, cũng cùng một cách thay đổi như trên:

Lời cũ:

Quân cướp tham ô ngày nao đã chết không ngờ

Nay đổi ra:

Trăng nước mông mênh, thuyền trôi trên sóng đa tình …

Và sau này ở Hải ngoại, một lần nữa, như tôi tìm đọc thấy trong Ngàn Lời Ca của Phạm Duy, ông lại đổi thành như sau:

Quân cướp đi xa, về đây ta sống chan hoà



Nguyễn Trọng Văn cũng đã hết lời ca ngợi tiếng Sông Lô nói lên tất cả cái khí thế hào hùng, mưu trí và óc sáng tạo tuyệt vời của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, nay trở thành lời tâm sự của nghệ sĩ đa tình tìm kiếm hạnh phúc trên dòng sông sâu.

Nguyễn Trọng Văn thất vọng là phải.

Lời cũ:

Hỡi anh vệ quốc cầm súng ngang tàng
Thuyền tôi đợi bến Tuyên Quang
Nửa đêm trông ánh trăng vàng (tôi) nhớ anh (…)


Lời mới:

Hỡi ai đi kiếm hạnh phúc trên đời
Mà chưa tìm thấy an vui
Lặng nghe tôi gửi đôi lời gió trăng …


Nhưng trong Ngàn Lời Ca, Phạm Duy lại thay đổi bằng cách giữ lại nguyên văn lời cũ như sau:

Hỡi anh vệ quốc cầm súng ngang tàng
Thuyền tôi đậu bến Tuyên Quang
Nửa đêm trông ánh trăng vàng (tôi) nhớ anh
(Ngàn lời ca, trang 35).

Sự thay đổi như thế thật là tắc trách lắm. Nguyễn Trọng Văn cũng có lý phần nào.

Nhưng cũng nên hiểu rằng vào năm 1971, khi Nguyễn Trọng Văn viết cuốn Phạm Duy đã chết như thế nào thì lúc đó Phạm Duy chưa viết hồi ký. Nếu anh Văn có dịp đọc hồi ký rồi thì cũng có thể có cái nhìn khác về Phạm Duy?

Và có thể vì có cơ hội đọc lại Hồi ký Phạm Duy mà tôi thấy cần phải nhìn lại quan điểm phê phán của Nguyễn Trọng Văn, một người bạn học cùng lớp đã gần nửa thế kỷ mà tôi vẫn trân trọng và quý mến.

Trong hồi ký 1, ông Phạm Duy viết như thế này về hoàn cảnh sáng tác của chiến dịch sông Lô. “Nhưng trong đám nhạc sĩ chúng tôi, lập tức có ngay những tuyệt phẩm như bài Lô Giang của Lương NgọcTrác, rồi Trường ca Sông Lô của Văn Cao, Du kích sông Lô của Đỗ Nhuận và Tiếng Hát sông Lô của Phạm Duy.” Điều đó cho thấy việc sáng tác nằm sẵn trong chiến dịch tuyên truyền nên mới có trường hợp bốn nhạc sĩ cùng sáng tác về một đề tài.

Bốn nhạc sĩ cùng sáng tác về một đề tài như một thứ đơn đặt hàng thì có phí phạm không?

Phạm Duy viết tiếp, “Nói về cả một chiến dịch thì chẳng những thắng lợi sông Lô chỉ là những chiến công cục bộ, bởi vì vào lúc khởi đầu của chiến dịch Léa, gọng kìm lớn ở miền Đông là Bắc Kạn và Lạng Sơn vẫn còn rất manh… Những người phục vụ cho Cục chính trị như chúng tôi được khuyến khích để làm cho chiến thắng Sông Lô trở thành một chiến công vô cùng rực rỡ. Bây giờ nếu có ai tò mò – như tôi – đi tìm đọc những tài liệu của Pháp viết về chiến tranh Đông Dương, sẽ chẳng thấy một dòng chữ nào cho cái được gọi là Lô Giang của Lương Ngọc tức Luơng Ngọc Trác. Bài này duyên dáng, mặn mà vô cùng” (2)

Hoá ra đó chỉ là sản phẩm tuyên truyền, mà giá trị nghệ thuật chỉ là phụ, không đáng kể. Mặc dầu vậy, đó là những bài hát quen thuộc và nổi tiếng của ông trong thời kỳ kháng chiến.

Cho nên, không lạ gì khi cần, Phạm Duy đã không nề hà thay đổi tùy tiện tùy theo nhu cầu thực tiễn. Điều đó không khác gì Tố Hữu làm thơ ca ngợi chiến trận Điện Biên. Trong một bài trả lời phỏng vấn của Trần Đăng Khoa, Tố Hữu đã nói huỵch tẹt ra là ông đã viết phịa, không hề ra mặt trận.

Phạm Duy có thể viết phịa, sáng tác phịa về trận đánh trên Sông Lô. Tố Hữu cũng làm thơ phịa. Đã gọi là sáng tác phịa thì việc thay dổi lời ca còn có gì được gọi là phản bội nữa? Phải chăng anh Nguyễn Trọng Văn đã quá lý tưởng hoá những ý hướng sáng tác thuần túy nghệ thuật của Phạm Duy và cũng vì thế lời kết án có thêm trọng lượng?

Thật ra theo tôi hiểu, Nguyễn Trọng Văn đã không biết được trong hoàn cảnh nào mà Phạm Duy đã sáng tác bản nhạc Tiếng hát Sông Lô, cho nên những suy đoán thuận lý của anh đã không chuẩn xác?

Phạm Duy không phản bội kháng chiến mà ngược lại

Anh Nguyễn Trọng Văn đã tự chọn cho mình một góc đứng nào đó để phê phán Phạm Duy.

Và đã có chổ anh kết luận: “Hiện nay, Phạm Duy có thể là người nghệ sĩ có tài, nhưng không phải là đứa con yêu của dân tộc, ông là đứa con hoang.” (3)

Cho nên, đối với anh, dinh tê có lẽ đã là một phản bội mà đáng nhẽ phải gọi đúng tên là bọn Việt gian. Nhưng đối với Phạm Duy, đó còn hơn là một phản bội, vì đã sửa lại lời ca trong các bài hát của chính mình. Nhưng người ta vẫn có thể đặt ngược lại là: ai phản bội ai? Nếu hành vi bỏ không theo kháng chiến là một phản bội thì thái độ ly khai với kháng chiến có thể được hiểu là thái độ tố cáo sự bội phản của kháng chiến không? Nghĩa là chính kháng chiến Việt Minh là một phản bội? Và vì thế đã có một số không ít những thanh niên đã đi theo kháng chiến, đã thất vọng và đã dinh tê? Dinh tê có thể gián tiếp tố cáo một sự bội phản đối với những người đã trót đi theo kháng chiến?

Trong giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, đã có nhiều người cũng đã từng đi theo kháng chiến và đã bỏ kháng chiến. Võ Phiến ở Bình Định cũng bỏ kháng chiến về với phía Quốc Gia, Bình Nguyên Lộc trong Nam cũng vậy. Rồi cũng trong Nam có Lê Thương với bản nhạc Bà Tư bán hàng có bốn người con. Hoà Bình 48, Đốt hay không Đốt, Trần Văn Trạch với Cái đồng hồ, Chuyến xe lửa mùng Năm và Nguyễn Đức Quỳnh với Người Việt đáng yêu. Và tên Hoàng Trọng Miên với vở kịch Dưới Bóng Thánh Giá? Đoàn Văn Cừu thì sau nắm đài phát thanh Sàigòn.

Và có ai nghĩ rằng, theo Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ từng làm việc ở toà báo Cứu Quốc và điều khiển một ban Văn nghệ lưu dộng? Cũng không ai nhắc tới Mai Thảo, Tạ Tỵ. Có ai nghĩ rằng Minh Đức Hoài Trinh, thời con gái, mê theo tiếng gọi cụ Hồ vào Thanh Hoá, gặp tướng Nguyễn Sơn, rồi cũng ra Phát Diệm, bị cha mẹ bắt về để lấy Phan Văn Giáo?



Chưa kể những gương mặt chính trị nổi bật thời Đệ nhất Cộng Hoà đã từng đi theo kháng chiến như quý ông luật sư Trần Chánh Thành (bộ trưởng thông tin thời TT Ngô đình Diệm), Lê Khải Trạch, Đinh Sinh Pài, người đã từng hoạt động với tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thái Mai trong khu 4. Hoàng Văn Chí cũng từ khu bốn ra, tác giả cuốn sách nổi tiếng Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Cuốn sách cho thấy chính thể Hà Nội đàn áp và trù dập giới văn nghệ sĩ như thế nào. (4)

Với sự chứng dẫn một số những nhân vật tên tuổi đã từng tham gia và hoạt động cho kháng chiến, trở về cộng tác với chính quyền Quốc Gia, tôi nghĩ rằng, việc gán cho Phạm Duy phản bội kháng chiến của anh Nguyễn Trọng Văn khó có cơ đứng vững được.

Nhận xét một số thực tế sau đây càng cho thấy, sau khi chiến tranh Việt–Pháp bùng nổ, có đến hằng triệu người phải sơ tán theo chính sách tiêu khổ kháng chiến với cảnh vườn không nhà trống. Nhất là kể từ Thanh Hoá trở vào phía Nam, nhiều vùng chỉ còn là đổ nát và hoang tàn. Và cũng hàng triệu những dân chúng các vùng ấy đã hồi cư.

Chuyện đó được coi là bình thường trong chiến tranh.

Nhưng đặc biệt, có rất nhiều dân chúng, trí thức, thành phần đảng phải, chính trị gia đã sơ tán về vùng trái đệm Phát Diệm, còn gọi là an toàn khu. Có rất nhiều người đã rời bỏ kháng chiến hoặc chạy trốn Pháp về đây. Có tất cả khoảng 60 ngàn người đủ thành phần đã tụ tập về Phát Diệm.

60 ngàn người tụ hội về đây đều là để chờ thời, để nghe ngóng tình hình và nhất là chờ cơ hội Dinh Tê. Dinh tê, danh từ lần đầu tiên được xử dụng từ chữ rentrer. Chữ dinh tê là để chỉ việc bỏ khu vực kháng chiến để về Hà Nội. Phạm Duy cùng lắm cũng nằm trong số những người này.

Họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ra, tức là bỏ khu tư, bỏ kháng chiến. Và Phạm Duy cũng nằm trong trường hợp này.

Nhưng phần đông họ từ Hà Nội, từ Chợ Đại, Cống Thần ở Hà Đông vào (có thể là đi buôn), hoặc từ Hải Phòng đến bằng đường biển qua cửa Cồn Thoi, cửa ngõ vào Phát Diệm. Hoặc từ Nam Định Bùi Chu, qua ngã đường sông như Yên Mô–Nho Quan hoặc Cầu Lim–Gia Viễn.

Đó là những người chạy trốn Pháp.

Phát Diệm trở thành vùng an toàn phi chiến –ít ra người ta có cảm tưởng như thế– vùng trái đệm giữa vùng tề và kháng chiến, giáp ranh với liên khu 4 gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trải dài xuống tận khu Bình Trị Thiên Nam Ngãi.

Để chứng tỏ Phát Diệm là nơi tạm trú cho những người trốn chạy cả hai phía Tổng bộ (danh xưng gọi tổ chức của GM Lê Hữu Từ) đà bắt được một mật lệnh, ngày 9/7/1947 của Việt Minh có câu: “dù có mất cả một đại đội cũng không được đụng đến Phát Diệm.”(5)

Đó là về phía Việt Minh đối với Phát Diệm.

Việt Minh có hai cái lợi để không đụng độ trực tiếp với Phát Diệm.

Thứ nhất, vì Phát Diệm là hậu cần cung cấp tất cả thuốc tây, dụng cụ, máy móc, đá lửa, xăng dầu và đôi khi ngay cả súng ống từ bên Tàu. Đó là nguồn cung cấp sống còn cho khu 4 của kháng chiến. Đường buôn lậu đi từ Hải Phòng, dùng thuyền buồm xuôi Phát Diệm, đến cửa Cồn Thoi, rồi từ đó xuôi Thanh Hoá, vào khu tư.

Thứ hai, về mặt quân sự, Phát Diệm như cái hàng rào che chắn để bảo vệ an toàn khu tư trở vào. Chừng nào Phát Diệm còn có hai cái lợi thế như thế thì Việt Minh còn để yên. (6)

1951, Phạm Duy giã từ kháng chiến. Có những gịot nước mắt nhớ tiếc dĩ vãng và cũng có giọt nước mắt vui mừng vì nhìn thấy cái cái đồn bót phía Quốc Gia. Vui mừng vì biết rằng nay mình được giải thoát.

Nếu những người này sau đó dinh tê về Hà Nội, ta sẽ gọi họ là ai? Họ có khác gì với Phạm Duy không? Thật không dễ để xếp loại họ.

Không lẽ chỉ vì đổi vài lời ca mà kẻ thì trở thành bội phản và kẻ khác không?

Mặc dầu giải pháp double jeu đi đến thất bại, có một điều không thể phủ nhận được là Phát Diệm là nơi trú ẩn an toàn cho những người kháng chiến cũ, cho trí thức và nhất là cho người của đảng phái. Không có Phát Diệm, nhiều nhân vật đã có thể bị giam cầm, thủ tiêu và biến mất trên chốn dân gian này rồi. Làm gì còn những Ngô Đình Nhu, Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Bùi Diễm, Trần Văn Chương, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Bá Vĩnh. Và giả dụ họ bị Việt Minh thủ tiêu? Chính trường miền Nam đã hẳn là khác?

Và họ là ai trong số 60 ngàn dân tị nạn ở Phát Diệm? Họ thuộc đủ thành phần Có người của Quốc Dân đảng, Duy Dân, Dân Tộc, Việt Quốc, Việt Cách, Xã hội, nhóm Bảo Hoàng nhất là Đại Việt. Họ là những Lê Quang Luật, Trần Văn Chương, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Tường Tam (sau trốn sang Tàu) Bùi Diễm, con cụ Bùi Kỷ, Nghiêm Xuân Hồng, Lý Đông A, Tạ Văn Nho. Trẻ hơn có Hoàng Bá Vinh, còn gọi là Già Vinh, Trịnh Lâm, Minh Đức Hoài Trinh, Trịnh Lâm, Nguyễn Phương Thiệp, Trần Kim Tuyến... Đặc biệt có Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Đình Sỹ và Kiều Hạnh, Phạm Đình Viêm đi theo kháng chiến, rồi cũng bỏ, từ chợ Neo kéo về Phát Diệm tìm đường dinh tê.

Đọc hồi ký do chính Phạm Duy viết, không có chỗ nào là bằng cớ cho thấy ông gắn bó hay có ý gia nhập đảng Cộng sản? Ở hồi ký, chương 21, Phạm Duy viết, “ ... cho tới tôi, Phạm Duy, những người bị kết tội là “phản bội” nhưng xét ra cũng là những người có công trong việc phát huy văn hóa Việt Nam. À ra đã tới lúc có sự gạn đục khơi trong ― chữ trong bài báo ― rồi đó! Cũng tốt thôi! Dù tôi tự thấy mình có bao giờ xin vào một đảng nào đâu mà được gọi là phản đảng? Tôi có bao giờ là tay sai trung thành của một chính phủ nào mà bảo tôi là phản bội?” khi đề cập đến một bài báo nhan đề Công và “Tội” trong tờ Đoàn Kết ở Paris (1987–88?). Và vì thế, việc ông dinh tê là chuyện bình thường như hàng ngàn, hàng vạn người khác.

Thứ nhất, có thể chỉ là lý do kinh tế. Đi theo cách mạng là đói. Đói cho mình và đói cho cả nhà. Đó là trường hợp 3 anh em trai bên vợ Phạm Duy. Tác giả viết: “Chúng tôi có khoảng một tháng trời để nhìn thấy chung quanh mình có khá nhiều gia đình đã dinh tê. Găp được những gia đình bạn như gia đình Nguyễn Giao (bố vợ Hoàng Thi Thơ), gia đình Đỗ Xuân Hợp, gia đình Đoàn Châu Mậu là có ngay những vụ bàn bạc về việc rentrer, vào thành hay rester, ở lại? Ở lại, rester thì không còn tiền để mua gạo mà ăn. Chưa dám nói thịt cá đâu. Nhất là không có tiền mua thuốc men để chống đỡ với các thần bệnh tật . Trong lòng day dứt vì chuyện “ai làm cho ai phụ tình ai”?(7)

Thứ hai, theo Phạm Duy, Trung ương muốn khai tử bài Bên Cầu Biên Giới của tác giả qua trung gian nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nên ông nổi giận và: “Tôi thấy cách mạng bắt đầu lẩm cẩm khi kết án bài Vọng cổ trong cái Đại Hội mà tôi vừa tham dự.” Và sau khi được gặp bác Hồ, Phạm Duy đã không có một ấn tượng tốt đẹp gì về con người ấy và sau đó đi gặp nhạc sĩ Khoát: “Tôi tới gặp anh Khoát ngay và trả lời dứt khoát là tôi xin trở về Thanh Hoá. Tôi rất cảm ơn mọi người, xin được không nhận bất cứ một thứ ân huệ nào cả. Nhưng khi vợ chồng tôi tới chào người lãnh đạo văn nghệ của cả nước thì Tố Hữu tặng vợ chồng tôi một số tiền. Tôi nhận ngay vì đó là tiền lương và vãng phí.”(8)

Cuộc chia tay kháng chiến đơn giản chỉ có vậy.

Thứ ba, Phạm Duy đâu phải loại người ngu ngơ khờ khạo. Trong buổi tham dự Đại Hội Văn Hoá tổ chức tại trường Cao Đẳng, có chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn, ông viết: “tôi cũng rất sung sướng được nhìn thấy những thần tượng văn nghệ của tôi. Nhưng tôi lấy làm lạ, tự hỏi thầm tại sao nhóm Tự Lực Văn Đoàn lại vắng mặt? Câu hỏi lớn đấy nhé. Sau đó còn thấy sự chống đối của Nguyễn Đức Quỳnh. “Khi Xuân Diệu bắt đầu bằng câu nói: Thưa các đồng chí. Nguyễn Đức Quỳnh đứng dậy nói: “Tôi không phải là đồng chí của các anh.” Xuân Diệu có vẻ hơi lúng túng rồi trả lời: “Chúng tôi không cần những đồng chí như anh.”

Tôi cũng thấy được sự tranh chấp bạo động như vụ bắt cóc rồi giết nhau ở phố Ôn Như Hầu hay là vụ Việt Minh tiêu diệt các đảng phái ở các tỉnh. Khi ở trong Nam, tôi đã thấy các đảng phái như Cao Đài, Hoà Hảo, Đại Việt dự định bắt Trần Văn Giầu và nhóm Việt Minh. Nhưng Dương Văn Giáo ngăn cản để giữ tình đoàn kết. Sau này, chính Dương Văn Giáo bị Việt Minh giết.

Vì thế, tôi không có ý muốn trở thành một cán bộ Việt Minh ở Hà Nội.” (9)

Kể như đã rõ ràng, đi theo kháng chiến, nhưng thấy Việt Minh phản bội lại những người yêu nước khác, như giết người của đảng phái. Phạm Duy đã có thể thất vọng về kháng chiến và vì thế dinh tê là điều khó có thể chê trách được.

Và giả dụ rằng, cái đám dinh tê sau này thắng trận thì chữ phản bội còn có ý nghĩa gì? Cuối cùng, kẻ thắng là kẻ tự mang chính nghĩa về phía mình, nói sao chả được.

Thứ tư: Xét đến số lượng các bản nhạc Phạm Duy làm trong thời kỳ kháng chiến, xét đủ loại từ nhạc hùng, nhạc tình, quân ca kháng chiến đến dân ca kháng chiến trên dưới gần 50 bài, tôi nhận ra những bài nào có danh từ dính dáng trực tiếp đến Việt Minh như cụ Hồ, đồn Tây, Vệ Quốc Quân thì ông đã đổi lời.

Có bao nhiêu bản như thế? Thực sự không có bao nhiêu. Chỉ có vài bài tất cả theo cách lý giải của tôi. Chắc là không hơn. Nguyễn Trọng Văn đã khám phá ra điều này cũng đã là hay lắm. Nhưng chưa đủ yếu tố thuyết phục độc giả nghĩ rằng Phạm Duy là kẻ phản bội.

Hơn nữa, giá trị một bản nhạc hay là chính ở cái hồn của bản nhạc ấy thì vẫn được giữ nguyên. Có cụ Hồ hay không có cụ Hồ, tự nó bản nhạc vẫn hay. Nhạc kháng chiến của Phạm Duy là hay, là thấm thía, là chia sẻ thì vẫn được người nghe tán thưởng.



Cũng đừng quên một điều, khi nghe một bản nhạc hay, người nghe đễ cái cảm quan nghệ thuật lấn lướt những tiểu tiết thay đổi từ mà Nguyễn Trọng Văn nêu ra. Theo tôi, trừ tên Hồ Chí Minh cần phải đổi. Những từ như giặc Pháp, đồn tây, anh vệ quốc quân, không đổi cũng không sao. Bằng chứng, ở miền Nam, chúng ta vẫn nghe nhạc Văn Cao, vẫn đọc văn Nguyễn Tuân thời tiền chiến có sao đâu? Nguyễn Văn Trung có lần viết rằng sau 1975, tại Vũng Tàu, loa phóng thanh oang oang bài Anh Quốc ơi, Anh Quốc ơi của Phạm Duy? Thật là buồn cười, nhưng hiểu được. Bài đó có thể hay và người ta chẳng cần biết anh Quốc là anh nào nữa?

Kết luận cho thấy phải chê ngược Phạm Duy đáng nhẽ không nên đổi từ thì ông đã đổi. Nguyễn Trọng Văn ngầm phê phán thái độ trở cờ, bỏ kháng chiến của Phạm Duy, thì những người khác lại thấy sự trở cờ đó là bình thường.

Khác nhau là chúng ta đứng ở vị thế nào để nhìn vấn đề, để phê phán?
Trích DCVOnline


 

(1): Trích lại trong Phạm Duy đã chết như thế nào của Nguyễn Trọng Văn, nxb Văn Mới

(2): Trích Hồi ký, thời Cách mạng kháng chiến của Phạm Duy, trang 121/123 .

(3): Trích sách Nguyễn Trọng Văn, như trên, trang 125

(4): Xem Hồi ký Phạm Duy, Thời phân chia Quốc Cộng, trang 91

(5): Trích Giám Mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, 1945–1954 trang 152

(6): Về phía Phát Diệm, Lập trường của GM Lê Hữu Từ ghi lại trong biến cố ngày 16/10/1949 như sau: “Nhưng lập trường của Đức cha và Phát Diệm rất rõ ràng là chống cả Cộng Sản lẫn thực dân Pháp. Các việc người làm đã chứng tỏ sự ấy Ngài đã thẳng thắn trả lời một vị kia, khi vị ấy xét ngài không thể ở trung lập được phải chọn lấy một trong hai kẻ thù hoặc Pháp hoặc Cộng Sản, rằng: “Tôi không theo Cộng Sản mà cũng không theo Pháp. Người ta có thể giết tôi được, song không ai có thể bắt tôi bỏ đạo cũng như không ai có phép bắt tôi bán nước chúng tôi được.” Cũng trong cái tinh thần đó, căn cứ theo một điện tín của Durdin gửi cho tờ New York Times về lập trường của GM Lê Hữu Từ như sau: “Nous sommes anticommunistes, mais aussi nationalistes. Nous voulons que le Viet Nam soit indépendant et qu ‘à l’avenir tout contrôle francais disparaisse (…) En effet, les deux évêques se demandent si le gouvernement de SM Bảo Đại a réellement obtenu une indépendance suffisante pour mériter l’appui sans réserve de cette région catholique qui peut jusqu’à ce jour se glorifier de ses sentiments nationalistes et anticommunistes…” (Chúng tôi chống Cộng Sản, nhưng là những người quốc gia. Chúng tôi mong mỏi một nước Việt Nam độc lập và trong tương lai thoát khỏi sự kiểm soát của người Pháp (…) Thật vậy, hai giám mục tự hỏi chính phủ của vua Bảo Đại có thực sự đạt được một nền độc lập đủ để xứng đáng nhận được sự ủng hộ tích cực của khu vực công gíáo Phát Diệm mà từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn tự hào về tinh thần quốc gia và chống Cộng sản) Và về phía người Pháp thì như nhận định của đại tá Gambiez như sau: “La méfiance des évêques à l’endroit de la politique francaise et la réserve hostile envers le gouvernement central Vietnamien et l’administration régionale du Nord, plus une ferme volonté de conserver leur autonomie administrative” Các giám mục tỏ ra nghi ngờ đường lối chính trị của người Pháp, và đồng thời có sự dè dặt ác cảm với chính quyền Bảo Đại cũng như nhà cầm quyền ở miền Bắc. Nói đúng như nhận xét của người Pháp thì Phát Diệm chơi trò double jeu, đu giây giữa Pháp và Việt Minh để bảo đảm sự an toàn của Phát Diệm. Cái double jeu này sau đó tỏ ra không hữu hiệu đi đến chỗ bắt buộc ngả hoặc theo bên này, hoặc theo bên kia. Phát Diệm đã chọn con đường theo Pháp. Không theo Việt Minh thì chỉ có một con đường duy nhất là theo Pháp mà đại diện là chính quyền Quốc Gia của Bảo Đại thôi.

(7): Trích Hồi ký Phạm Duy, Thời Cách Mạng Kháng Chiến, trang 324

(8): Trích hồi ký Phạm Duy, Thời Cách Mạng Kháng Chiến trang 303

(9): Xem Hồi ký Phạm Duy, Thời phân chia Quốc Cộng, trang 91

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn