BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lê Duẩn và Trung Quốc

06 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 2306)
Lê Duẩn và Trung Quốc
524Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
524
Mới đây ông Trần Bình Nam, một nhà nghiên cứu Trung Quốc có bài viết nhận định rằng Tổng bí thư Lê Duẩn là người hiểu rõ và có thái độ chống đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất so với tất cả các thời đại Tổng bí thư sau ông.



Mặc Lâm : Thưa ông, câu đầu tiên chúng tôi muốn hỏi là sau khi nghiên cứu những tài liệu của ông TBT Lê Duẩn để lại thì ông có nghĩ rằng những tài liệu đó có mức khả tín như thế nào ạ?

Ông Trần Bình Nam : Thưa anh Mặc Lâm, khi viết bài đó ngoài những tài liệu khác thì tôi dùng 2 tài liệu chính: Tài liệu thứ nhất là của ông Nguyễn Thành Thơ, một cán bộ trung kiên, hồi ký của ông có thể nói là vô tình hay hữu duyên mà đầu năm 2009 thì tôi đọc được; và tài liệu thứ hai là bài nói của ông cựu TBT Lê Duẩn. Phán đoán qua nội dung và cách viết, cách nói, một cách đơn giản thì tôi tin đó là những tài liệu tin cậy được. Riêng về bài nói của ông Lê Duẩn thì có một sử gia tên là Christopher Goscha – ông này ổng làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở Hoa Thịnh Đốn, hoặc là ông xin được, hoặc ông mua được, hoặc ông tìm tòi đâu đó trong thư viện của quân đội cộng sản Việt Nam, và ông đã dịch ra Anh ngữ cho trung tâm này. Dựa trên sự kiện đó tôi nghĩ những tài liệu mà tôi đã dùng để viết bài “Lê Duẩn và Trung Quốc” là những tài liệu có thể tin cậy được đó anh Mặc Lâm.

Dã tâm bắt đầu từ Hội nghị Geneve


Mặc Lâm : Có thể chúng ta bắt đầu đi ngược về quá khứ một chút, từ khi hiệp định Geneve thì lúc này ông Lê Duẩn cũng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ dã tâm của Chu Ân Lai là họ muốn xé VN thành hai mảnh, nhưng miền Bắc vẫn nhờ cậy Trung Quốc để viện trợ khí tài mà đánh vào miền Nam, phải chăng đây là lý do khiến mối họa Trung Quốc vẫn theo đuổi và kéo dài cho đến chế độ hiện thời hay không, thưa ông?



Ông Trần Bình Nam : Thưa anh Mặc Lâm, tôi nghĩ đó cũng là một lý do quan trọng. Sự đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam, như chúng ta được biết là một đe dọa có tính cách lịch sử, nó kéo dài cả nghìn năn rồi. Và Đang CSVN càng thấy rõ hơn qua cái vụ Trung Quốc ép ông Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng ký Hiệp định Geneva chia đôi đất nước Việt Nam, nhưng sau đó ông Hồ Chí Minh vừa muốn tái thiết Miền Bắc, vừa muốn xâm lăng Miền Nam, cho nên ông phải nhờ vào tiền bạc và khí giới của Trung Quốc.

Đúng như anh nhận xét, quan hệ chồng chéo này đã làm cho Việt Nam, sau khi thống nhất, thì càng bị ràng buộc vào cái mạng nhện do Trung Quốc họ bủa ra.

Mặc Lâm : Vâng. Có một yếu tố rất quan trọng làm cho người ta thắc mắc, đó là tại sao Trung Quốc không muốn miền Bắc chiến thắng miền Nam trong khi họ vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho miền Bắc, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam : Về điều này, nếu chúng ta dựa vào nội dung buổi nói chuyện của ông Lê Duẩn năm 1979 thì Trung Quốc không muốn chiến tranh ở Miền Nam, nhưng Hà Nội khi rút bộ đội ra Miền Bắc theo Hiệp định Geneva thì họ đã phục lại người và vũ khí, cho nên nhờ đã phục sẵn người và vũ khí như vậy thì Hà Nội vẫn tiến tới như thường. Khi Trung Quốc thấy không ngăn cản được ý muốn của ông Hồ Chí Minh thì Trung Quốc không có lựa chọn nào tốt hơn là phải giúp, tại vì Trung Quốc nghĩ mình nếu không giúp thì Liên Xô cũng giúp thôi.

Theo Lê Duẩn, vào lúc đó Trung Quốc tính lợi dụng tình hình, giúp để đưa người vào dòm ngó Việt Nam, chuẩn bị cho những cuộc lấn chiếm sau này.

Cuộc chiến biên giới 1979


Mặc Lâm : Theo trich dẫn của ông lấy từ hồi ký của ông Nguyễn Thành Thơ thì ông Lê Duẩn cho rằng nếu Việt Nam không đánh Kampuchia thì Trung Quốc sẽ không đánh Việt Nam, tuy nhiên chiến tranh biên giới năm 1979 vẫn xảy ra có phải vì Việt Nam đã tiến đánh Kampuchia hay không, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam : À, điều đó thì hiển nhiên vì các tài liệu đều chứng minh như vậy. Chúng ta đọc hồi ký của ông Nguyễn Thành Thơ thì mình thấy rằng năm 1978 khi mà Kampuchia với sự xúi giục của Trung Quốc đã thường xuyên phá rối vùng biên giới Hà Tiên và Châu Đốc, và có khi họ tiến sâu cả hàng chục cây số. Và họ đốt phá, giết chóc, hãm hiếp rất là kinh khủng, nhưng mà không thấy Việt Nam đánh trả, cho nên cán bộ cộng sản tại những vùng đó thì họ rất bực bội. Có lần ông Lê Duẩn hướng dẫn một phái đoàn từ Miền Bắc đi ào Nam để thăm viếng tại huyện Cần Giờ, thì khi được hỏi, ông Lê Duẩn cho biết rằng nếu Việt Nam cử đại quân thì sẽ đánh tan quân đội Kampuchia trong một thời gian rất ngắn, nhưng mà không có làm được, vì nếu mà đánh thì sợ Trung Quốc trả đũa. Nhưng mà đó là tình hình của đầu năm 1978, nhưng vào cuối năm 1978 thì Hà Nội và Moscow đã ký với nhau một hiệp định an ninh hỗ tương cho nên Hà Nội bớt ngại sự trả đũa của Trung Quốc nếu tiến đánh Kampuchia và đã lật đổ chính phủ Pol Pot như chúng ta đã thấy.



Tuy nhiên, sau đó chúng ta biết Trung Quốc đã đánh trả, nhưng mà cũng do những áp lực của Liên Xô ở biên giới phía Bắc của Trung Quốc cho nên Trung Quốc chỉ đánh trả một cách có giới hạn mà thôi. Chúng ta biết là họ chỉ tiến quân vào nội trong vòng một tháng thì họ rút lui, nhưng mà họ cũng đã lợi dụng cuộc tấn công đó để chiếm thêm một ít đất, ví dụ như lấn ranh giới tại ải Nam Quan và họ chiếm luôn thác Bản Giốc của chúng ta.

Muốn đưa thêm người vào cuộc chiến


Mặc Lâm : Thưa ông, theo ông Lê Duẩn nói thì Trung Quốc đã nhiều lần muốn đưa người của họ vào cuộc chiến tranh của Việt Nam nhưng mà bị ông Lê Duẩn từ chối. Liệu câu này có đáng tin cậy hay kông, vì đâu đó vẫn có dư luận cho rằng rất nhiều chiến binh của Trung Quốc đã núp dưới danh nghĩa cố vấn hay là công nhân xây dựng và đã thiệt mạng ở trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Trần Bình Nam : Vâng. Cái vụ đó chúng ta biết là trong cuộc chiến tranh Trung Quốc có đưa vào một số người thật, nhưng mà sự thật họ đòi hỏi nhiều hơn chứ không phải chỉ chừng đó, nghĩa là họ muốn đưa quân vào và giả quân đội cộng sản Bắc Việt để mà đánh kịch chiến với quân đội Mỹ ở Miền Nam, nhưng ông Lê Duẩn không đồng ý. Mình đặt vấn đề là điều này có khả tín hay không thì nếu mình trở lại câu hỏi ấy đầu tiên như tôi phân tích thì tôi nghĩ cái bài nói của ông Lê Duẩn là một tài liệu khả tin thì cái điều mà anh Mặc Lâm vừa hỏi nó cũng nằm trong tài liệu này. Cho nên nếu mà chúng ta tin tài liệu đó là khả tin thì tôi nghĩ những điều quả quyết này của ông Lê Duẩn cũng là khả tín. Thái độ của Lê Duẩn thật ra nó phù hợp với nguyên tắc hành sử của ông đối với Trung Quốc.

Chắc là ông ta không quên Trung Quốc từng mượn đường vào đánh Chiêm Thành đời nhà Trần. Và gần hơn là nói vào giúp vua Chiêu Thống để có cớ kéo quân vào Hà Nội. Cho nên đối với ông Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng mà không nhịn những điều quá đáng có tính cách nguy hại cho an ninh quốc gia. Tôi nghĩ như vậy.

Vấn đề quân đội nước ngoài vào nước mình chiến đấu nếu mà tránh được thì cần phải tránh, cũng như là sau này chúng ta biết là ông TT Ngô Đình Diệm đã không cho phép quân đội Hoa Kỳ vào chiến đấu tại Việt Nam.

Cách nói bá quyền


Mặc Lâm : Ông TBT Lê Duẩn đã nhiều lần nói rằng ông Mao Trạch Đông vừa chơi vừa thật đã thẳng thừng cho biết là sẽ chiếm Việt Nam trước mặt ông Lê Duẩn và ông Trường Chinh; Điều này thì cả nước đã biết, nhưng mà sau thời kỳ của ông Lê Duẩn thì hình như Việt Nam lần lần đã mất cảnh giác trước ý đồ của Trung Quốc. Theo ông thì lý do chính là gì?

 



Ông Trần Bình Nam

: Việc Mao một cách nửa kín nửa hở mà nói với ông Lê Duẩn và Trường Chinh là, nếu mà ngày xưa các anh các anh có thể thắng quân Nguyên, quân Minh và quân Thanh, nhưng mà với chúng tôi thì đánh không thắng được đâu, thì Lê Duẩn đã trả lời một cách rất là bộc trực rằng chúng tôi sẽ đánh các ông thôi. Tôi công nhận rằng ông Lê Duẩn có nói điều đó một cách nửa đùa nửa thật. Tình hình Việt Nam vào thời đó chúng ta thấy là từ năm 1986 sau khi Lê Duẩn qua đời thì tình hình quốc tế trở nên rất là bất lợi cho Việt Nam.

Hồi Mao sụp đổ vào năm 1991 thì Liên Xô cũng sụp đổ luôn, Đảng CSVN sợ sụp đổ như các nước Đông Âu nên tìm cách xích lại gần với Trung Quốc để tồn tại, và đó là lý do chính của sự mất cảnh giác đối với mối đe dọa truyền kiếp của Trung Quốc. Ở đây chúng ta có thể đặt một giả thuyết là nếu Lê Duẩn còn sống khi Liên Xô sụp đổ thì không biết ông ta sẽ hành động như thế nào trước một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy. Nhưng mà điều rõ ràng là những người kế nghiệp ông thì đã không có tài thao lược như ông ta.

Điểm yếu của Việt Nam


Mặc Lâm : Ông Lê Duẩn trước sau như một vẫn tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không đánh Việt Nam trong thời đại toàn cầu này, nhưng mà những hành động hồi gần đây của Trung Quốc đã cho thấy Trung Quốc đã gây áp lực rất mạnh bất kể Việt Nam đã có hoạt động tăng cường bang giao với Hoa Kỳ cũng như kêu gọi các nước trong vùng. Theo ông, điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay là gì mà Trung Quốc có thể khai thác được, chẳng hạn như về lãnh đạo, về kinh tế, hay là về vũ khí yếu kém, hay là cả 3 yếu tố này, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam : Tôi nhận thấy là cả ba, anh Mặc Lâm. Nếu chúng ta nhìn vấn đề rõ hơn một chút thì chúng ta thấy như thế này, ông Lê Duẩn nhận xét rằng Trung Quốc không thể đánh Việt Nam trong thời đại có sự liên hệ quốc tế rộng rãi, nhưng mà cái nhận xét của ông là nhận xét cuối năm 1979, sau khi Trung Quốc vừa đánh Việt Nam và rút lui. Nhận xét đó tới hôm nay vẫn còn đúng. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế vào thời đó và bây giờ khác nhau rất là nhiều. Hồi đó Trung Quốc còn yếu, Hoa Kỳ và Liên Xô là hai lực lượng kình chống Quốc thì mạnh hơn nhiều. Trái lại bây giờ thì Trung Quốc tương đối mạnh hơn, Liên Xô không còn là lực lượng kiềm chế Trung Quốc nữa, và Hoa Kỳ tuy vẫn còn khả năng kiềm chế nhưng mà khả năng này chúng ta biết nó cũng rất là giới hạn.

Kinh tế của Việt Nam thì bị lệ thuộc vào Trung Quốc cho nên cũng không mạnh được, bởi vì kinh tế không mạnh thì quân lực cũng khó hùng mạnh.

Còn lãnh đạo tại Hà Nội thì lại lo kiềm chế nhau và không có khuôn mặt nào vượt trội như là khuôn mặt Lê Duẩn ngày trước.

Tuy nhiên, tình hình Việt Nam đối với tôi cũng không phải là vô vọng. Chúng ta còn nhiều lối thoát, ví dụ như là đối ngoại thì Việt Nam cần xích lại với Ấn Độ, Nhật Bản, thân thiện với Liên Bang Nga, thân thiện với Cộng Đồng Châu Âu, và quan trọng nhất là cần liên minh chặt chẽ và cụ thể với Hoa Kỳ. Nhưng tựu trung không có chiến lược giữ nước nào mà thành công nếu những người lãnh đạo chưa huy động được nội lực của nhân dân, và không thể huy động được nội lực của nhân dân nếu Đảng CSVN chưa có một chương trình cải tổ chính trị.

Mặc Lâm : Một lần nữa, xin cảm ơn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Trần Bình Nam đã cho chúng tôi cơ hội được thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Mặc Lâm, RFA

05-09-2011

Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn