BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thông bạch về việc bị công an ngăn cản cứu trợ đồng bào bão lụt

16 Tháng Mười 200012:00 SA(Xem: 1255)
Thông bạch về việc bị công an ngăn cản cứu trợ đồng bào bão lụt
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT


VIỆN HÓA ĐẠO


Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh Phật lịch 2544. Số: 03/VHĐ/VT-TB



THÔNG BẠCH


Về việc Công an xã Vĩnh Hội đông, tỉnh An Giang, câu lưu Phái đoàn Viện Hóa Đạo, ngăn cấm phát tặng phẩm cho đồng bào lâm nạn, và kế hoạch cứu trợ của Viện trong những ngày sắp đến.

Kính gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các Cấp trong và ngoài nước

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức,


Qua Thông bạch hôm nay, tôi muốn nói rõ việc Công an tỉnh An Giang ngăn cấm, câu lưu Phái đoàn Viện Hóa Đạo do tôi hướng dẫn đi cứu cấp đồng bào lâm nạn lũ lụt. Nhân đây tôi cũng minh xác rằng những lời Bộ Ngoại giao CHXHCNVN tuyên bố tại Hà Nội, hôm 11.10 vừa qua, về những việc liên quan đến chuyến đi cứu trợ của tôi là những lời dối trá, nhằm lừa gạt dư luận trong và ngoài nước.

Như Quí vị đã biết, ngày 24.9.2000, tôi đã ra Thông bạch Cứu trợ thông báo việc Ban Từ thiện Xã hội của Viện Hóa Đạo tổ chức 3 phái đoàn về 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang cứu cấp đồng bào lâm nạn. Nhưng đã gặp rất nhiều trở ngại, nhất là tại tỉnh An Giang, nhà cầm quyền ngăn cản không cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng ta thực hiện việc cứu người trong cơn hoạn nạn. Đồng thời, ngày 24.9.2000, tôi cũng gửi một văn thư mang số 11/VHĐ/VT đến các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nông Đức Mạnh phản ánh sự kiện trên và yêu cầu Trung ương chỉ thị cho các cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện dễ dàng cho Giáo hội ta được thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào lâm nạn hầu an úy và chia sẻ phần nào trong muôn vàn thống khổ mà họ đang phải cô đơn gánh chịu.

Sau khi Thông bạch và Văn thư nói trên được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế công bố, ngày 28.9.2000, phóng viên hãng thông tấn Reuters tại Hà Nội chất vấn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc nhà cầm quyền tỉnh An Giang ngăn cản Giáo hội tặng quà cho đồng bào, thì được trả lời: “Không một nước nào lại ngăn cản việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt”.

Lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao một quốc gia không thể là lời dối gạt. Vì tin tưởng mãnh liệt như thế nên tôi quyết định sẽ đích thân hướng dẫn một phái đoàn đi cứu trợ xuống tỉnh An Giang vào ngày 6.10.2000 để chứng nghiệm lời tuyên bố của Nhà nước CHXHCNVN.

Đoàn của tôi đự tính đi 2 xe gồm 50 người, trong đó có Thượng tọa Thích Nguyên Lý, người đã hướng dẫn phái đoàn lần trước đến An Giang. Nhưng vào lúc 18 giờ ngày 5.10.2000, thầy Nguyên Lý cho người đến báo cho tôi biết là Công an đến tận chùa ra lệnh cấm thầy cho tôi mượn xe và cũng cấm thầy đi với tôi. Cho nên, cuối cùng chỉ còn một xe và đoàn viên gồm các Thượng tọa Thích Long Trình, Phó Ban Từ thiện Xã hội của Viện Hóa Đạo; Thích Quảng Huệ, Thư ký Ban Từ thiện Xã hội; Thích Tâm Ân, Kiểm sát Ban Từ thiện Xã hội; cùng với 2 Đại đức Thích Hạnh Châu, Thích Chúc Hậu và 5 Phật tử đi với tôi. Riêng Thượng tọa Thích Không Tánh, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội, thì đã lên đường xuống An Giang từ ngày 5.10.2000 để xem xét tình hình cứu trợ chung trước khi phái đoàn chúng tôi đến.

Khởi hành từ Thanh Minh Thiền viện vào lúc 8 giờ sáng hôm 6.10.2000, đến thị xã Châu Đốc lúc 18 giờ cùng ngày và nghỉ qua đêm tại nhà trọ Vân Hà.

Sáng hôm sau, ngày 7.10.2000, lúc 7 giờ chúng tôi xuống thuyền trực chỉ huyện An Phú, cách thị xã Châu Đốc 15 cây số, là nơi bị ngập lụt nặng nề. Cách An Phú chừng 5 cây số, cảnh tượng đau thương đã diễn ra trước mắt chúng tôi: dọc bờ sông nhiều nhà ngập một nửa dưới làn nước, có nhà ngập đến mái, đồng bào kê gỗ làm sàn ở tạm, nhiều gia đình ngồi trên nóc nhà; người lớn đi lưới cá, nhặt cây điên điển, bông súng kiếm miếng ăn qua ngày, người già và trẻ nít quây quần bên nhau trên sàn hay trên nóc, cheo leo nguy hiểm. Chúng tôi ghé thuyền vào tận nơi tặng quà. Họ mừng rỡ cho chúng tôi biết đây là lần đầu tiên họ nhận quà cứu trợ. Chúng tôi vô cùng xúc động và ngạc nhiên, tự thấy mình là người may mắn được đến với đồng bào lâm nạn sớm nhất.

Đang mải mê và sung sướng làm việc, thì bỗng một chiếc thuyền của Công an xuất hiện. Công an ra lệnh cho chủ thuyền đưa chúng tôi đến trạm thu thuế đường sông gần đó. Lúc ấy là 10 giờ sáng. Đồng bào ngơ ngác với niềm tuyệt vọng nhìn theo thuyền chúng tôi. Đến nơi, công an gọi chúng tôi lên văn phòng. Họ hỏi tôi từ đâu đến, tôi đáp thành phố Hồ Chí Minh. Họ bảo đưa một phần quà cho họ xem, tôi cho người xuống thuyền mang lên, mỗi phần quà gồm 10 gói mì ăn liền và một bì thư tiền mặt 100.000 đồng (một trăm nghìn). Sau khi xem xét, công an nói với tôi: “Tổ chức này không hợp pháp. Phải bỏ chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên phong bì đi”. Tôi liền thắc mắc : “Ông không thấy đồng bào đói rét quanh các ông? Nước mênh mông bao vây dân, các cháu cho đến người già chơ vơ trên nóc nhà chờ phẩm vật cứu trợ? Sao ông nỡ bắt chúng tôi ngồi gói lại các gói quà cho hợp với luật lệ phi nghĩa như thế”. Tôi cũng đã hiểu ý ngay nên hỏi thẳng: “Như vậy có nghĩa là chúng tôi không được phép tặng quà cứu trợ cho đồng bào?”. Ông công an gật đầu. Tôi nói tiếp: “Những món quà này do Tăng, Ni, Phật tử và Kiều bào từ nước ngoài gửi về nhờ Giáo hội chúng tôi trao đến tận tay đồng bào lâm nạn. Bây giờ quí ông không cho chúng tôi làm việc này, xin quí ông viết cho chúng tôi mấy chữ, để tôi chuyển cho họ biết rõ lí do, nếu không họ sẽ trách cứ chúng tôi không thành tâm cứu trợ người hoạn nạn”. Nghe tôi nói xong, ông công an bỏ phòng đi ra ngoài. Chờ lâu không thấy tin, vừa mỏi mệt vừa đau lòng vì cuộc tặng quà bị ngăn cấm, tôi xuống thuyền nằm đợi. Trong khi ấy, công an bắt các vị khác trong phái đoàn ngồi lại “làm việc” cho đến 22 giờ cùng ngày.

Khi trở lại thuyền, tôi thấy nhiều xuồng nhỏ đang áp sát vào thuyền chúng tôi; những bà mẹ bồng con đến xin cứu trợ. Nhưng công an đuổi họ đi. Họ năn nỉ, van xin bao nhiêu công an cũng không cho nhận quà. Thật chua xót biết bao! Kiểm soát lại, chúng tôi mới phát được 92 phần quà. Buổi chiều, công an tăng cường, bộ đội biên phòng ập đến súng ống đầy người, bao vây thuyền chúng tôi ngăn cản không cho xuồng của nhân dân chèo đến.

Đúng 21 giờ, công an lại gọi tôi lên “làm việc”. Nhưng tôi mệt nên không lên. Lát sau, một anh công an khoảng 20 tuổi, tay cầm đèn pin và một tờ giấy vào khoang thuyền ngồi cạnh nơi tôi đang nằm và nói: “Đề nghị anh Hai kí vào tờ biên bản này”.

Tôi ngồi dậy nói với anh công an: “Này chú Ba, trời tối lắm, anh Hai không thấy gì hết. Nhờ chú Ba đọc cho anh Hai nghe trong đó nói chuyện gì?”. Anh công an soi đèn pin đọc từng chữ. Họ, tên, quê quán của tôi viết sai tuốt. Chẳng hạn tên tôi là Tuệ thì đọc là “Tệ”, Quảng thì anh đọc là “Quan”, v.v... Rồi anh đọc tiếp sự việc tôi đến biên giới mà không có giấy phép, tôi đã vi phạm chương 2 điều 31 của bộ Luật về biên giới. Hồi sáng, công an phán rằng tổ chức Giáo hội của chúng tôi không “hợp pháp” nên không được phép cứu trợ; tôi đề nghị viết mấy chữ xác minh, nhưng họ không làm. Bây giờ kết sang tội vi phạm luật biên giới. Đến hôm 11.10, khi tôi đang chuẩn bị viết Thông bạch này, thì lại nghe các hãng thông tấn loan tin bộ Ngoại giao CHXHCNVN phủ nhận việc câu lưu tôi và phái đoàn cứu trợ, vu cáo chúng tôi chụp hình, quay phim trái phép cửa khẩu Cam-pu-chia. Người phát ngôn còn dối láo trắng trợn khi tuyên bố chúng tôi đã ký biên bản thừa nhận hành vi vi phạm an ninh của mình, trong khi ấy tôi cũng như toàn thể các đoàn viên phái đoàn chẳng ai đặt bút ký cái việc vô lý ấy.

Bộ Ngoại giao bảo “không có việc bắt giữ”. Thế tại sao phải dùng súng ống, bộ đội và công an nạt nộ chúng tôi suốt 12 tiếng đồng hồ? Còn việc quay phim, chụp hình ư? Chúng tôi có làm việc đó. Nhưng không chụp hình, quay phim ở cửa khẩu Khánh An nơi biên giới Cam-pu-chia như bộ Ngoại giao cố kết, mà thực hiện ở xã Vĩnh Hội đông, huyện An Phú, cách xa biên giới hàng chục cây số. Mà chúng tôi chụp hình gì? Chúng tôi quay phim, chụp hình những ngôi nhà ngập nước, những nạn dân đang ngồi trên nóc nhà, những người già và các cháu thiếu nhi đang bơ vơ đói rét, nhằm hai mục đích: chứng tỏ chúng tôi có đến tận nơi lũ lụt để cứu trợ người lâm nạn, và kêu gọi từ tâm của những Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ đồng bào. Các hình ảnh đau thương này từng xuất hiện trên truyền hình và báo chí của Nhà nước, thử hỏi có gì sai trái, phạm pháp? Chúng tôi không hề chụp hình, quay phim khu cấm địa. Những nơi đi qua, chúng tôi chưa từng thấy một tấm bảng nào niêm yết cấm chụp hình hay quay phim.

Cùng một sự kiện mà buổi sáng công an nói một cách, buổi chiều công an nói cách khác, rồi hôm nay đây bộ Ngoại giao hư truyền cách khác. Thế mới biết chính quyền này, từ trên xuống dưới, tất cả đều sợ sự thật như loài dơi sợ ánh sáng, nên cứ nói quanh co, vo tròn, bóp méo, đổi trắng thay đen.

Trở lại việc ký biên bản vừa nhắc ở trên. Sau khi anh công an trẻ đọc xong biên bản, tôi liền nói: “Anh Hai không kí đâu, vì lí do các chú kết tội anh Hai vi phạm chương 2 điều 31 của bộ Luật biên giới. Tội như thế, các chú phải truy tố anh Hai ra tòa xét xử phân minh, xét xử xong anh Hai sẽ kí. Còn ở đây, công an không phải quan tòa, không được quyền muốn bắt ai thì bắt, muốn hách dịch, áp bức ai thì tha hồ lộng quyền, chú Ba lên nói lại với cấp trên như thế”. Anh công an rời thuyền ra đi. Lát sau, một anh công an khác bước xuống, mở giọng nạt nộ: “Anh phải kí!”. Tôi bảo: “Tôi chỉ kí trước tòa án, không kí ở đây”. Nghe lời đáp cứng cỏi của tôi anh ta bỏ đi. Sau đấy, họ gây sức ép lên quí Thầy trong phái đoàn đang ngồi “làm việc” nơi văn phòng trạm thu thuế. Không một thầy nào chịu khuất phục kí tên, lại còn trả lời đích đáng. Bí quá, công an gọi ông bà chủ thuyền lên kí vào biên bản để làm chứng rằng chúng tôi “vi phạm luật biên giới”! Lúc đó đúng 22 giờ. Ép chủ thuyền ký xong, công an ra lệnh cho chúng tôi đi.

Tôi liền nói với công an: “Trời tối như mực, sông nước mênh mông, đường sông không an toàn. Chúng tôi đi cứu trợ, nhỡ có kẻ gian biết chúng tôi mang tiền theo, thì ai bảo vệ chúng tôi? Đề nghị công an cho chúng tôi đậu dưới lùm tre bên sông, mai trời sáng tỏ sẽ đi sớm”. Đám công an xẵng giọng: “Các anh không được phép ở lại đây một phút nào nữa, phải đi ngay. Sống chết mặc xác các anh! Đi ngay!”.. Vừa thét vừa dùng dao cắt dây cột thuyền đẩy thuyền chúng tôi ra giữa dòng sông. Chúng tôi đành phó mặc cho sông nước trong bóng đêm dày đặc. Gần 24 giờ mới về tới nhà trọ ở thị xã Châu Đốc.

Suốt 12 giờ câu lưu trên sông, đêm khuya rét buốt, gió mạnh sóng lớn, tôi bị cảm nặng; sáng hôm sau toàn thân đau nhức, dậy không nổi, ho nhiều và nói không thành tiếng. Cho đến hôm nay ngồi viết Thông bạch vẫn chưa khỏi hẳn.

Trên đây là chuyện xẩy ra cho riêng tôi. Công an “làm việc” riêng từng người trong phái đoàn, thái độ hách dịch, dọa nạt, thiếu lễ độ, phi văn hóa và bất chấp luật pháp. Mỗi công an một vẻ nhưng mười phần giống hệt nhau. Sau đây là lời kể ghi trong Bản Tường trình của bốn Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Long Trình, Thích Quảng Huệ và Thích Tâm Ân:

“Tại bến đò Châu giang, Hòa thượng Viện trưởng cùng các Thầy đi giao quà tận tay người lâm nạn. Đồng bào đến rất đông, ai cũng nói: Lần đầu tiên mới trực tiếp được quà; lâu nay chỉ nghe các phái đoàn đem phẩm vật trao cho Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc nhập kho để đó. Lâu lâu Đảng và chính quyền địa phương ra lệnh mới được phát. Nhưng quà đến tay đồng bào rất ít, thậm chí nhiều nơi chẳng được xơ múi gì.

“Càng vào vùng lũ lụt càng thấy tang thương. Dân kêu nhau ơi ới, cùng nhau bơi xuồng đến nhận phẩm vật từ tay Hòa thượng Viện trưởng và quý Thầy. Khi chiếc ca nô công an hiện ra như hung thần bắt thuyền về trạm thu thuế đường sông, Hòa thượng than: “Lại cấm Giáo hội ta đi cứu lụt nữa rồi, cảnh năm 1994 tái diễn! Biết bao giờ đồng bào mới hết đói khổ?”.

“Thuyền vừa cập vào Trạm thu thuế, một ông công an (đeo lon ba sao một vạch) thét: “Anh nào trưởng đoàn lên “làm việc”. Mau!”. Thượng tọa Thích Không Tánh đáp: “Anh làm công an là đầy tớ của nhân dân, mà sao xưng hô thiếu lễ độ với người lớn tuổi? Truớc vị Cao tăng đức độ như Hòa thượng của chúng tôi đây, sao anh dám nạt nộ “anh nà”, “ông kia”? Anh không tôn trọng các bậc tu hành tôn giáo, thì sao dám bảo là “Tôn trọng tự do tín ngưỡng”, “Kính già yêu trẻ?”. Sau đó công an “làm việc” liên tục 5 đợt. Đợt đầu với Hòa thượng Quảng Độ, đợt 2 với Thầy Quảng Huệ, đợt 3 với Thầy Long Trình, đợt 4 với Thầy Không Tánh, đợt 5 với Thầy Hạnh Châu.

“Lúc “làm việc” xong với Hòa thượng Thích Quảng Độ, vào 2 giờ trưa, công an “làm việc” với Thầy Quảng Huệ. Công an và Trưởng đội Biên phòng đem bản Nghị định 34/TTCP (về Luật biên giới) tính đọc. Thầy Quảng Huệ chận đứng và nói: “Các ông hãy dẹp chuyện đọc Nghị định đi, vì Nghị định này chẳng mang lại lợi ích gì cho việc cứu trợ đồng bào đang lâm nạn, mà các ông chỉ cần mở mắt là thấy ngay thảm cảnh quanh các ông, từ tỉnh này sang tỉnh khác suốt 16 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Longá: người chết, nhà ngập, dân tình khốn đốn, ruộng vườn tan hoang, cơm thiếu, áo không đủ che thân. Các ông có mắt không chịu thấy, có tai không lắng nghe tiếng dân than. Nếu bản Nghị định này là bùa phép của Đảng làm cho nước lụt rút đi, người chết sống lại, thì tôi khâm phục và đem Nghị định tụng đọc cho mọi người cùng nghe. Hồi sáng nay Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo của chúng tôi đã nói với các ôngá: “Cứu lụt như cứu hỏa, các ông đòi hỏi giấy phép, vậy sự đói rét, chết chóc, dịch bệnh có chờ giấy phép không?”.

“Thầy Quảng Huệ vừa dứt lời, công an nói xối xả: “Các ông là những kẻ làm càn, đến đây vi phạm biên giới, đi không xin phép chính quyền, không xin phép Mặt trận”. Thầy Quảng Huệ đáp ngay: “Biên giới cách đây mười mấy, hai chục cây số, làm sao chúng tôi vi phạm và vi phạm cái gì? Nếu có phải cứu trợ nhân dân Căm-pu-chia thì cũng tốt thôi. Hai nước có quan hệ hữu hảo mà! Đói khổ, lụt lội không có biên giới! Nghị định biên giới của các ông chỉ cản trở sự sống của người dân, chỉ liên minh với thiên tai lũ lụt làm thành nhân tai cho dân Việt mà thôi. Xin các ông dẹp Nghị định đi!”.

Lúc này, ông Trưởng đội biên phòng lên tiếng: “Đoàn các ông vi phạm 3 điều: Vào biên giới không có giấy phép; Đi cứu trợ không thông qua Chính quyền, Mặt trận;

Vào đây phát quà với danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là tổ chức Nhà nước chưa công nhận. Vậy yêu cầu Đoàn phải chấp hành luật của Nhà nước”. Thầy Quảng Huệ trả lời: “Ở đây là lãnh thổ Việt Nam, đâu phải biên giới mà phải xin phép? Luật của các ông là luật rừng, luật của kẻ cường quyền trấn áp lương dân vô tội. Nếu Nhà nước này thực sự là Nhà nước pháp quyền thì làm chi có chuyện cấm tự do đi lại, cấm cứu trợ người đồng bào, làm chi có chuyện dung dưỡng buôn lậu, tham nhũng, quan liêu cửa quyền từ trung ương tới địa phương? Chúng tôi không tuân thủ và chấp hành Luật khủng bố dân lành. Nói ông nghe, thực tâm chúng tôi cũng muốn đến liên hệ với Hội chữ Thập đỏ ở xã Vĩnh Hội đông, nhưng chưa tới nơi các ông đã chận bắt, câu lưu ở trạm thu thuế giữa sông. Chúng tôi đâu phải hạng người trốn xâu lậu thuế? Chúng tôi cùng với Hòa thượng Viện trưởng đi cứu người lâm nạn. Đây chính là âm mưu có chỉ đạo, có kế hoạch của nhà cầm quyền trung ương của các ông, nhằm mục tiêu thu vét hết phẩm vật, tiền bạc cứu trợ của chúng tôi, như đã làm năm 1994. Chứng tỏ Đảng cộng sản và Nhà nước của các ông bất nhân, bất nghĩa với đồng bào ruột thịt đang bị thiên tai hành hạ. Luật pháp các ông làm ra để hại dân hại nước, dù phục vụ rất tốt cho Đảng...”.

Đợt làm việc thứ 3 lúc 3 giờ chiều. Thầy Long Trình được triệu lên. Công an bảo: “Các ông đến đây tự do, bây giờ cho ra về tự do!”. Thầy Long Trình: “Chữ tự do của các ông nói nghe hay quá! Tự do mà câu lưu người ta hồi sáng tới giờ? Tự do ra về mà phải có lệnh của công an thì mới được ra đi? Đó là thứ tự do tù ngục! Các ông bắt chúng tôi vào đây thẩm cung từ hồi mười giờ sáng, không có lý do, không có án lệnh của tòa án, như vậy là các ông phạm pháp. Tôi sẽ truy tố các ông. Bây giờ bảo về thì phải có giấy ký nhận, viết biên bản ghi rõ vì sao câu lưu chúng tôi, vì sao cấm chúng tôi cứu trợ đồng bào lâm nạn lũ lụt, chúng tôi vi phạm điều gì chiếu theo bộ Luật Hình sự, lúc đó chúng tôi sẽ ra đi”. Công an đáp: “Về xã hoặc huyện sẽ giải quyết”. Thầy Long Trình phản ứng: “Bắt ở đâu giải quyết ở đó, không có chuyện lừa miếng như vậy. Đừng tưởng dễ bắt nạt chúng tôi”.

Phía Công an thấy khó giải quyết, liền gọi điện thoại lấy chỉ thị (chắc là ở cấp trên). Đồng lúc tăng cường bộ đội biên phòng, tấp nập lính và súng ống nhằm uy hiếp Phái đoàn Viện Hóa Đạo. Thật khủng khiếp, y như bọn quan nha đến cướp nhà Vương Ông trong truyện Thúy Kiều:

Người tay súng, kẻ hăm he,
Đầu trâu, mặt ngựa, lè nhè rượu say
Hóa Đạo cứu trợ năm nay
Bị chặn, bị bắt, thảm thay vô vàn!
Đồng bào bị lụt lầm than,
Mà sao Nhà nước bạo tàn thế ni?
Nguyện cầu Đức Phật từ bi
Cứu cho dân Việt một thì ấm no.


Bộ đội và công an đông tới số trăm, canh chừng cẩn mật bốn bên Trạm thu thuế trên sông, khiến dân chúng khiếp sợ. Công an mặt đằng đằng sát khí, bộ đội đi lại hung hăng. Trong đám họ có nhiều người say rượu, chân nam đá chân xiêu, ăn nói thô lỗ, cộc cằn. Lúc đó, một người trong đám cán bộ cấp tỉnh nói: “Hãy đem tất cả máy quay phim, máy chụp hình và thu băng mang ra đây, nộp hết cho chúng tôi. Các ông coi chừng, chúng tôi sẽ khám xét ghe, còn cất giấu sẽ bắt đi tù”. Đoàn đem tất cả máy móc giao cho Công an. Lúc này đã 5 giờ chiều. Bốn người trong đám này tách ra, ăn nói tục tằn như bọn côn đồ đánh mướn, chém thuê. Đó là các ông: Bùi Phong Giang, Trưởng đồn Biên phòng 941, mặt đỏ gay, thở nồng hơi rượu, ngà ngà chếnh choáng; Huỳnh Văn Phú, Cán bộ;

Mai Thanh Dũng, Phó công an xã; và Lê Hoàng Dũng, công an xã, đại diện phía chính quyền.

Còn đại diện phía tang vật của Phái đoàn cứu trợ của Viện Hóa Đạo là hai Thượng tọa Thích Quảng Huệ và Thích Long Trình, ngồi nghe họ lập biên bản tịch thu máy móc và phim ảnh (Biên bản đính kèm). Thoạt đầu họ quyết định tịch thu toàn bộ máy quay phim, máy chụp hình và phim ảnh. Nhưng chư Tăng quyết không chấp nhận. Dằng co nhau khá lâu, cuối cùng chỉ tịch thu phim ảnh. Đang lúc ký biên bản, thì một chú công an mặt dữ dằn hỏi Thượng tọa Long Trình: “Ở đây, ông nào là Thích Không Tánh?” - Đó, vị mặc áo vàng đó, hỏi có chuyện gì không? Thầy Long Trình vừa chỉ tay vừa đáp.

Công an chỉ mặt Thượng tọa Không Tánh ra lệnh: “Ông vào đây “làm việc”. Đây là đợt làm việc thứ tư. Công an dằn mặt: “Ông bị quản chế 5 năm, chưa hết hạn đã đi lung tung. Tôi làm biên bản, trục xuất ông ngay bây giờ, và tức khắc về địa phương cư trú, ông nghe rõ chưa?”. Công an bắt Thượng tọa lập biên bản vi phạm. Thượng tọa hỏi ngược: “Vì sao các ông bắt nhốt Đoàn Cứu trợ? Ông không có thẩm quyền, tôi không “làm việc” với ông. Chừng nào ông Lê Khả Phiêu hay ông Chủ tịch nước tới đây, tôi sẽ “làm việc” đàng hoàng. Năm 1994, tôi đã từng tuyên bố trước tòa là tôi không công nhận bản án 5 năm tù giam vì đi cứu trợ lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long hồi đó. Nhà nước không pháp quyền, tòa án không dùng luật pháp, nên tôi không chấp hành bộ Luật khủng bố dân của các ông. Tôi sẽ khiếu kiện từ Trung ương ra tới Liên Hiệp Quốc, ông nghe tôi nói rõ chưa?! Bây giờ ông giải thích tôi nghe lý do gì ông ngăn cản cứu trợ và bắt nhốt Phái đoàn chúng tôi? Các ông nghe gì và thấy gì từ ngày lũ ập xuống miền Cửu Long này? Nước cuộn mênh mông, nhà nhà bị ngập, người người bị chết, đói rách vô cùng tận. Các ông không thể độc quyền cai trị theo kiểu giết dân và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không cho Giáo hội chúng tôi đi cứu trợ như vậy. Giao tặng phẩm cho các ông để các ông chia chác với nhau sao? Vì vậy chúng tôi phải trao tận tay đồng bào. Các ông không thể mãi mãi xem mạng sống của người dân như cỏ rác. Tôi kết tội các ông: Một là xem thường mạng sống đồng bào bị lũ lụt, không chịu ra tay tế độ; hai là miệng của Đảng và Nhà nước kêu gọi thế giới và mọi tầng lớp nhân dân tham gia cứu trợ, nhưng bàn tay của Đảng và Nhà nước ở khắp nơi ngăn chận việc cứu người hoạn nạn”. Công an giận vung trán, thét: “Ông không được nói nữa, tôi cấm ông nói! Ông là người bị quản chế, tôi làm giấy trục xuất ông ngay!”. Nói rồi, kêu Thầy Hạnh Châu lên làm việc đợt thứ 5 vào lúc 5 giờ 30 chiều. Công an hăm dọa và thúc ép Thầy Hạnh Châu ký vào một văn bản công nhận tội. Thầy Hạnh Châu cương quyết từ khước và nói: “Các ông muốn bắt cứ bắt, muốn giết cứ giết, tôi không sợ và không ký vào giấy tờ bất hợp lệ”. Nghe lời qua tiếng lại ồn ào, Thầy Long Trình vào can thiệp: “Các anh quyền gì nạt nộ với đệ tử của tôi như thế? Muốn gì ngồi xuống nói chuyện như người lớn đi. Phải quang minh chính đại, không được mờ ám, cưỡng bức!”. Công an cho Thầy Hạnh Châu rời văn phòng.

Riêng trường hợp Thầy Tâm Ân thấy súng ống bao quanh cùng thái độ hung hăng của công an và cán bộ, Thầy liền ngồi thiền, nhập định, tịnh khẩu trong suốt 6 tiếng đồng hồ, cầu nguyện Đức Bồ tát Quán Thế Âm giáng lâm cứu dân lành đang mắc khổ nạn.

Điều đáng ghi nhận, là suốt thời gian Phái đoàn bị “làm việc”, bị khủng bố tinh thần, dân chúng chèo xuồng rất đông đến gần thuyền của Hòa thượng Quảng Độ xin tặng phẩm. Các em bé xanh xao vì đói suốt bao ngày. Hỏi thăm mới biết, cha mẹ các em đi về các thị xã xin ăn, mong kiếm chút cháo nuôi con. Nhưng bộ đội đã bao vây ngăn cấm, công an còn dùng ca nô rượt theo những xuồng mới được Hòa thượng trao tặng phẩm, tịch thu quà trở lại! Trần gian mà thấy sao như địa ngục? Cảnh này đồng bào nơi hải ngoại có thấu chăngá? Đồng bào ở thành phố xa hoa có biết chăng? Hay chỉ nghe, chỉ tin các lời đường mật của Nhà nước mà giá trị không hơn không kém một mảnh giấy báo vô tình, hay hình ảnh truyền hình nói một đường làm một nẻo?

Nước Việt Nam ngày nay có gì lạ? - Chỉ có những lời đãi bôi, giả nhơn giả nghĩa, chỉ có bạo tàn và gian ác. Tiếng oan chỉ muốn vạch trời mà lên.

Kính bạch chư Tôn Đức,

Trên đây tôi trích lại một số đoạn trong Bản Tường trình của Ban Từ thiện Xã hội thuộc Viện Hóa Đạo về sự thật đã xẩy ra tại tỉnh An Giang, nơi chúng tôi đi cứu trợ từ ngày 6 đến ngày 11.10.2000. Nếu lời lẽ của bản Phúc trình có khi căm phẫn, kính mong chư Tôn Đức và Phật tử cùng quí đồng bào trong và ngoài nước hoan hỉ thông cảm cho. Đó chỉ là sự trào dâng trong giây phút vì tâm tư các Thượng tọa bị chia sẻ giữa nỗi khổ trầm thống của nhân dân và cảnh bất công phi lý của các cơ quan chức năng Nhà nước. Đã là sự thật thì không nên che giấu.

Ngày 8.10.2000, Thượng tọa Thích Không Tánh bị công an thị xã Châu Đốc kêu đi “làm việc”, lại “làm việc”. Công an ra lệnh trục xuất về Saigon trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Viện cớ cảm nặng sau 12 giờ câu lưu và hành trình trên sóng gió, công an triển hạn đến 12 giờ trưa ngày 9.10. Thượng tọa rời Phái đoàn trở về Saigon theo giờ giấc hạn định.

Thấy cảnh nhọc nhằn, cảm cúm, tôi khuyên các Phật tử tháp tùng phái đoàn về Saigon trước để nghỉ ngơi. Phần tôi cùng với các Thượng tọa Thích Long Trình, Thích Quảng Huệ, Thích Tâm Ân thì ở lại Châu Đốc, uống thuốc tịnh dưỡng hai hôm. Sáng 11.10.2000, tôi và phái đoàn lên đường hướng về Đồng Tháp và Long An tiếp tục công cuộc cứu trợ. Chẳng may trên đường đi, nước cuốn mạnh làm sập chiếc cầu, lưu thông tắc nghẽn, xe cộ phải nằm chờ, tôi đành lấy quyết định trở về Saigon, họp Hội đồng Viện, đúc kết kinh nghiệm vừa qua, vạch kế hoạch thù ứng với tình hình hầu đẩy mạnh công cuộc cứu trợ sắp đến.

Dù tính chất phi lý của Đảng và Nhà nước cấm cản một tổ chức tôn giáo, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cứu trợ đồng bào lâm nạn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Viện Hóa Đạo quyết tiếp tục công tác này trong những ngày sắp đến. Đã tận tai nghe tiếng dân đói rách kêu than, đã chứng kiến tận mắt cảnh nước tiếp trời trôi giạt bồng bềnh các cháu thiếu nhi, phụ nữ đến người già cả, mà ngoảnh mặt làm ngơ, thì không xứng là người con Phật, người thừa kế nền Giáo lý Cứu khổ trừ nguy.

Cho nên trong tuần lễ tới đây, Viện sẽ tiếp tục gửi nhiều đoàn về Miền Tây cứu lụt. Lần này không tổ chức thành đoàn lớn, mà phân nhiệm từng chùa, từng chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng với Phật tử đi phân phát. Và sẽ vận dụng mọi phương cách “Tùy thuận” của đạo Phật, các đoàn sẽ thực hiện hạnh bố thí ba la mật hòng vơi bớt niềm thống khổ của nhân dân.

Như trăm suối đổ về sông, như trăm sông đổ về biển, các đoàn cứu trợ sẽ lên đường trong tuần lễ tới. Khi sức khỏe hồi phục, đích thân tôi sẽ lại tháp tùng một trong những đoàn cứu trợ ấy. Do nhu cầu cụ thể của đồng bào, cùng sự gọn nhẹ của các phái đoàn, lần này Viện chủ trương chỉ tặng tiền, mỗi phần quà nâng lên thành 150.000 đồng VN (một trăm rưởi nghìn). Hiện nay mực nước rút rất chậm, theo công bố của Nhà nước, ít nhất đến cuối tháng 12 dương lịch nước mới rút hết. Ở An Giang mực nước còn cao tới 4 thước 29! Đồng bào lâm nạn rất cần xuồng để đi dộng và làm nơi trú thân. Đợt đầu, Viện đã đặt mua 200 chiếc xuồng, mỗi chiếc trị giá 500.000 đồng VN (năm trăm nghìn).

Vậy tôi xin cất lời kêu gọi chư Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước hỗ trợ công tác phát xuồng và phát tiền này. Mỗi chiếc xuồng là một chốn lưu thân trên nước lũ; mỗi phần tiền là những lần độ nhật cho một gia đình lâm nạn.

Ở hải ngoại, tiền bạc cứu trợ kính xin chư Tôn Đức, quí Phật tử và quí Đồng bào viết chi phiếu đề tên “Ban Từ thiện Xã hội VHĐ” (Viện Hóa Đạo) và gửi về địa chỉ :

Văn phòng II Viện Hóa Đạo
Chùa Diệu Pháp
424 S. Ramona Avenue

Monterey Park, CẠ 91754Hoa KỳBan Từ thiện Xã hội của Viện Hóa Đạo ở trong nước sẽ có thư tri ân và biên lai nhận tiền gửi đến quí Liệt vị mỗi khi nhận được.

Nay Thông bạch.
Làm tại Thanh Minh Thiền viện
Phật lịch 2544 - Ngày 16 tháng 10 năm 2000
Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG Độ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn