BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73225)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồ Trường An Nói Chuyện Với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1105)
Hồ Trường An Nói Chuyện Với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
1. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho biết đôi chút tiểu sử của Anh .

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tôi sinh năm 1940 tại Hà-Nội, Việt-Nam. Di cư vào Nam năm 1954. Cùng vợ và các con định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Là cựu học sinh Lycée Albert Sarraut (Hà-Nội) và Lycée Yersin (Đà-Lạt). Đậu Cử Nhân Văn chương Pháp, Cử Nhân Luật (Đại Học Sài-Gòn); Cao Học và Tiến Sĩ Văn Chương Pháp (MA, Ph.D) tại Michigan State University và Cao Học/Hậu Tiến Sĩ Luật (MCL, LLM) tại Howard Law School, Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, tôi giữ những chức vụ Thanh Tra, Tổng Thư Ký Khu Kỹ Nghệ An Hoà Nông Sơn (Bộ Kinh Tế); Phụ Tá Tỉnh Trưởng Quảng Nam [Đặc trách Kế Hoạch]; Giáo Sư Trung Học Lycée Pascal (Đà-Nẵng) và Lycée Yersin (Đà-Lạt); Luật Sư Thực Thụ Toà Thượng Thẩm Huế và Sài-Gòn.

Tại Hoa Kỳ, kể từ 1975, tôi đảm nhận những chức vụ Giảng Sư Pháp Văn, tại Michigan State University (East Lansing, MI) và tại Hood College (Frederick, MD); Phối Hợp Viên, Chương Trình Song Ngữ Lansing Schools District, Michigan; Phối Hợp Viên, Chương Trình Giáo Huấn Đa Ngữ Đa Văn (PEO), School of Education, University of Michigan (Ann Arbor, MI); Chuyên Viên Luật Quốc Tế, VP Luật Sư Trưởng, IRS/Bộ Tài Chính, Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ; Giám Đốc Alpha Title & Settlement Company, thuộc Luật Sư Đoàn Virginia; Giám Đốc International Legal Aid Center (ILAC) – Trung Tâm Trợ Dẫn Luật Pháp – hợp tác với Luật Sư Herman M. Sawyer, Luật Sư Đoàn VA & Washington, D.C, & Federal Bankruptcy Court, Luật Sư Charles Wall (Immigration) & người con trai, Luật Sư Lưu Thiên Kỳ, Luật Sư Đoàn New York.

Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, tôi được mời làm Tổng Thư Ký Hội Hoạ Sĩ Trẻ, Việt-Nam (1972); Từng triển lãm hội hoạ, điêu khắc tại Đà-Lạt, Sài-Gòn (Việt-Nam); tại California (Hand of Hope, Camp Pendleton, 1975), Michigan, rồi Virginia (USA). Tôi làm thơ, viết văn từ thập niên 1960. Là Chủ Nhiệm Sáng Lập, kiêm Chủ Bút, các Tập San Carrefour (1960, Đại học Văn Khoa Sài-Gòn); Group Creation (1976, Michigan State University); Cỏ Thơm (1996, Virginia), Tư Tưởng Việt (2003, Virginia).

Tôi sáng tác bảy thi phẩm: VÙNG CAO NƯỚC ẨN (Cỏ Thơm); HỒN NƯỚC (Cỏ Thơm); CA TỤNG NIỆM (Dạ Hà); NHƯ HOA (Dạ Hà); NẮNG ĐÊM (Dạ Hà); THƠ XANH (Dạ Hà); PAROLES DE SABLE (Editions Fleuve de Minuit), và một số tác phẩm biên khảo: VĂN LUẬN (Cỏ Thơm); CẨM NANG LUẬT PHÁP HOA KỲ (Trung Tâm Trợ Dẫn Luật Pháp).

2. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho biết những địa danh ở xứ sở Việt Nam chúng ta mà Anh trải qua, cùng những kỷ niệm sâu đậm ở những nơi đó.

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Trước năm 1954, môi trường sống của tôi là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, và các khu vực lân cận. Hà Nội là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, và cũng là một dòng dài kỷ niệm, pha lẫn với sắc thái lịch sử, thời cuộc, vận hạn. Tại đó tôi đã mục kích cảnh Quân Đội Phù Tang xâm chiếm, khủng bố, đe dọa dân tộc chúng ta, với cái hậu cảnh của năm Ất Dậu 1945, hãi hùng trên đường xá vắng tanh, khi dân chúng trốn tránh cảnh đói và chết chóc xẩy ra khắp nơi, từ thành thị tới làng mạc Miền Bắc. Tại thành phố đó tôi đã mục kích cảnh Quân Đội Pháp, nào Lê Dương, nào Ma-rốc-canh, Xê-nê-ga-le, Tây-đen-rạch-mặt ồn ào, say sưa, quấy phá hàng xóm, phố phường. Tại đó tôi đã mục kích cảnh hồi cư về thành sau cuộc khởi chiến Việt Minh đánh Quân Đội Pháp, với những khu phố im lìm, trơ trọi, tường vách đổ nát, xuyên phá. Hà-Nội lúc đó không khác gì một người đàn bà đẹp mặc áo tang, chít khăn sô.

Nhưng Hà-Nội còn có những hình ảnh thơ mộng tuyệt vời in sâu vào ký ức các thế hệ trẻ đày sức sống, với những mùa hè phượng nở rực rỡ trong lòng người, với những mùa thu mưa lá, phấn bụi, làm cậu học sinh tôi lặng người bỏ quên cả cặp sách bên vỉa hè, lững thững về nhà tay không… Khi lớn lên, tôi thường dạo bộ tại Vườn Hoa Con Cóc, cạnh hồ tắm Ẫu Trí Viên, rồi chung quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, trên những thảm cỏ xanh mướt, những lối đi xột xoạt đá cuội trắng, thả mắt nhìn theo những thân cây cằn cỗi, những cành lá me xùm xoà là theo mặt nước xanh màu ngọc biếc. Tới năm 1951, khi Bố tôi mất tại Pháp, để lại cho tôi cái máy ảnh Rolleiflex, thì tôi trở thành anh phó nhòm cho cả gia đình. Các bà chị họ và bạn bè của các bà ấy đều chiều chuộng, “mua chuộc” tôi, nào bánh, nào trái, để tôi ra tay chụp lia lịa những tấm hình vuông, đen trắng, nhỏ tí xíu, nhưng đầy ngập kỷ niệm tới ngày hôm nay. Không rõ họ còn nhớ tới tác giả tí hon đó? Những năm trung học tại Lycée Albert Sarraut là giai đoạn hồn nhiên nhất trong đời tôi, tuy vừa biết nỗi bơ vơ trong cảnh côi cút mất bố, nhưng hoàn cảnh đó cũng làm tôi can đảm, tháo vát tự lập hơn, so với số bạn bè cùng lứa tuổi. Nên lúc đó, tôi đã một mình lái xe đạp đi khám phá rất nhiều nơi thắng cảnh chung quang Hà Nội: nào tới bờ đê, cùng bạn bè lăn lộn theo triền cát khi sông Hồng cạn nước mùa đông, hoặc lên mạn Nghi Tàm, Quảng Bá để đu cây Rặng Ổi, vừa ăn quả vừa thi nhau nhẩy xuống sông, bơi lội thả thích. Nào qua Cầu Gia Lâm rồi quay về Làng Hoa Nhật Tân, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch. Nào viếng Chùa Láng để mót nhãn cửa Phật, đến Voi Phục, Vườn Bách Thảo để chia thành nhóm “bầy trận giả”, mỗi đứa một khẩu súng hơi (air comprimé) phục kích, bắn loạn. May mà không ai bị thương cả. Những “ông lính giỡn” đó ngày hôm nay cũng sáu bẩy chục tuổi, chắc không bao giờ muốn thấy con cháu mình phải bầy trận giả hay thật liều lĩnh như vậy… Rồi lại thăm hết Làng Mọc tới ven Tỉnh Hà Đông, hết Hồ Ha Le đến Đền Bạch Mã, hết Chợ Đồng Xuân tới Chợ Hôm, cũng để ăn kem Cẩm Bình và đọc báo cọp Tintin, Spirou tại Nhà Sách Bình Minh, mà chủ nhân là bà cô tôi, Nguyễn Thị Hồng Nhật, quả phụ của Nhà Thơ Trần Trung Phương, và sau lấy Nhà Thơ Hồ Dzếnh.

Hè 54, khi tôi liều lĩnh bỏ Hà-Nội vào “Nước Sài-Gòn”, tôi đã để lại thành phố đó nỗi xót xa, cái cảm giác sâu đậm, nguyên vẹn như hơi ấm của mẹ.

Hải Dương trong trí nhớ là những chuyến xe lửa đưa tôi về thăm họ nội, với những trạm ngừng tại Ga Cẩm Giàng, qua những tiếng reo bán quà khuya, nào bánh mì giò lụa, nào bánh đậu xanh; là hình ảnh hãi hùng của Quân Đội “Tầu Phù”, thuộc Phe Đồng Minh tới Việt Nam giải giới”sau Thế Chiến Thứ Hai, lê lết ngoài đường, ngõ hẻm, tràn vào vườn tược tư gia tìm đồ ăn thức uống, rồi phóng uế bừa bãi. Lúc đó chúng tôi còn bé, không thấy ghê tởm, mà chỉ cuống cuồng sợ hãi. Hải Phòng với nhịp cầu Hạ Lý đưa chúng tôi ra Đồ Sơn, ra biển cả, ra Vịnh Hạ Long, với những gợi cảm đầu tiên của cuộc sống phóng khoáng, tự do hào hứng, của cảnh đẹp thần tiên ngay trong lòng quê hương xứ sở. Tôi có lần theo Bố tôi lên Tuyên Quang, vùng mạn ngược. Trong cuộc hành trình hùng vĩ, huyền bí đó, tôi linh cảm được cái nôi phiêu bạt của con cháu Âu Lạc, khi tôi ngoảnh nhìn khu rừng ven đường, với những rặng cây “xấu hổ” bỗng dưng rủ lá héo hon như chia sẻ nỗi buồn viễn xứ.

Khi một mình tới Sài-Gòn – tới “Nước Sài-Gòn” như khi còn ở ngoài Bắc nghe nói về địa danh xa xôi này – tôi thu nhận hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: đường xá tấp nập hơn, nào xe hơi, nào cyclo máy, nào giọng nói như hát, khách hàng ngồi xổm trên ghế, uống cà-phê trên đĩa, trả tiền xé đôi, ai nấy đều lè phè, vui vẻ, hào hiệp. Đó là nơi tôi trưởng thành, nơi định đoạt lý tưởng nhân bản và ý thức hội nhập đời sống gia đình, nghề nghiệp, xã hội hài hòa, sáng tạo cởi mở. Và đó cũng là nơi tôi về lại trong những cơn mê hồi hương, suốt những năm dài cư trú nơi đất khách quê người.

Huế với sông Hương, Núi Ngự, với Thành Nội, lăng tẩm chung quanh, với những đặc sản, những món quà bất hủ, như nem chua, bún bò Huế, rồi Đà Nẵng, với Sông Hàn, Cửa Biển Tiên Sa, với Đường Độc Lập nối dài, là những nơi định cư sau năm 1954 của mẹ, các em, và dượng tôi, Luật Sư Vũ Đăng Dung. Sau đó ông được bầu làm Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế suốt 20 năm trời, gần tới khi “mất nước” (Thật ra thì chả hề mất mát gì cả, mà chỉ là xa cách mà thôi; chỉ xa mặt, nhưng không xa lòng). Mỗi dịp hè, khi học ở xa về, tôi thường ở đó như một người khách quý, tự lập và trưởng thành quá sớm, nên tôi chỉ có ở đó những kỷ niệm êm đềm, tôn kính, nhưng không mấy xót xa, gắn bó, như có tại Sài-Gòn và nhất là tại Đà-Lạt. Hai năm làm Phụ tá Tỉnh Trưởng Đặc Trách Kế Hoạch tại Quảng Nam, tôi đã có dịp gần gũi với cảnh sống cơ cực, khó nhọc của người dân điêu linh vì chiến tranh, thiệt thòi vì các điều kiện sinh kế nghiệt ngã, cằn cỗi tại các làng, ấp trong tỉnh.

3. HỒ TRƯỜNG AN: Hình như Đà-Lạt và Trường Trung Học Yersin là cái nôi sinh lý tưởng nhất của Anh. Xin Anh nói rõ về những bạn bè nổi tiếng của anh xuất thân từ trường Yersin ấy.

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tôi “tìm ra” Đà-Lạt như một thiên đường nhỏ, khi lên nhập học Lycée Yersin vào mùa thu 1954, sau khi xin chuyển hồ sơ học vụ từ Lycée Albert Sarraut tới. Tại thị xã cao nguyên ưu tú này, tôi đã thu nhận được một số kiến thức căn bản và một nền học vấn vững chắc từ một trung tâm giáo huấn nghiêm túc, nhưng lại vui nhộn, bay bướm, khi có dịp sinh hoạt thân tình. Tôi có khả năng diễn tả, sáng tác thơ phú, trước tiên qua Pháp ngữ là từ truyền thống “Đà-Lạt-Yersin” mà ra. Lý luận phân tích văn học theo lối Explication de texte”của chương trình Pháp đã trở thành kỹ thuật văn luận của các trường phái tân biên ngày hôm nay, được trọng vọng trên toàn thế giới, như Nouvelle Critique, Structuralisme, Déconstruction (Post-structuralisme) v.v. Có lẽ đó là lợi khí mà tôi dùng tới khi dấn thân vào con đường sáng tác và điều nghiên Văn Học, Tư Tưởng Việt…

Tại nơi mà cảnh vật thì tuyệt đẹp, trong sáng, người thì hiền hoà, ấm áp, hồn nhiên, tôi đã bừng sống toàn diện, với những tình cảm sâu đậm, trọn vẹn tới ngày hôm nay. Tại nơi đó, tôi đã gặp Phùng Thị Hạnh, và biết thế nào là tình yêu, như một giọt sương tinh khiết, trên triền cỏ gần mây ngũ sắc. Cũng tại đó, tôi đã gặp được những người thân thương cùng trường học, gắn bó tình người với nhau tới nay, hơn nửa thế kỷ. Bạn Đà-Lạt của tôi cũng trở thành những bạn thân của Hạnh, những cô, chú, bác thân quý của con cái chúng tôi. Họ đông lắm, kẻ mất, người còn, chắc kể ra không hết, nên chỉ ghi nhớ trong lòng. Còn những người học cùng trường sau nổi tiếng thì cũng khá đông, nhưng trong phạm vi quân sự, chính trị, không thuộc phạm vi văn học nghệ thuật, nên tôi miễn nhắc tới ở đây.

4. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho độc giả biết thuở đó Anh đã tham gia những sinh hoạt nào? Anh có làm thơ, viết văn gửi cho báo không? Ai dạy Anh làm thơ? Những người đẹp trong thơ Anh có phải là những nhân vật hoàn toàn giả tưởng (personnages fictifs) hay nửa thật, nửa hư cấu?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Về sinh hoạt tại học đường, tôi thường tham dự những buổi diễn hát tại câu lạc bộ (foyer) và lễ lạc nhà trường (fête du lycée). Còn về trước tác, tôi chú trọng nhiều tới điều nghiên hấp thụ. Sau này khi tôi về lại Lycée Yersin dạy học, có một học sinh hỏi “phải làm gì để trở thành một tác giả”, thì tôi trả lời vỏn vẹn: “phải sống nhiệt tình”. Vivre intensément. Suốt thời gian học tại Đà-Lạt trước đó, tôi đã sống nhiệt tình, đã vượt qua cảnh cô đơn của đứa trẻ mồ côi, di cư, trú ngụ một mình. Tôi đã vươn lên bằng nghị lực sống, khao khát học hỏi, hoà đồng với bạn bè, với chính mình, vì thèm sống, vì thật tình muốn sống.

Những bài thơ tôi viết lúc đó là những nhịp thở chạy đua trước cơn mưa đang bay từ ngọn núi bên này sang ngọn núi đối diện, là những bước hân hoan ra khỏi nội trú (internat) nhà trường, vội vã đi tới nơi hẹn người yêu. Lý luận văn chương, thời sự của tôi lúc đó là những cuộc bàn cãi về phim ảnh, những lúc suy luận giữa bạn bè, như có lần chúng tôi đi bách bộ trong sân trường và để giải trí trong khi soạn thi Tú Tài (1957-58), đã hứng thú mổ xẻ Bản Hiến Chương Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights, 1948) với những khía cạnh còn nóng hổi liên quan tới mẫu mực và phương thức bảo vệ nhân quyền, không những về mặt chính trị, công dân, mà cả về mặt kinh tế, xã hội, văn hoá. Làm sao tìm ra những phương thức hữu hiệu hầu có khả năng kiểm soát và trừng trị những tổ chức công quyền, những chính quyền chuyên chế vi phạm nhân quyền, đày đoạ thuộc dân về cả vật chất lẫn tinh thần. Hình như lúc đó, chúng tôi đã nghĩ tới một giải pháp hoá giải, một hệ thống sinh hoạt hậu cộng sản, hậu tư bản, mà con người trên thế giới được trọng vọng, được bảo vệ đầy đủ, và có quyền chung hưởng một cuộc sống nhân hoà, tử tế như những tâm hồn trong sáng mà chúng tôi đang có, đang sống lúc đó.

Tranh tôi vẽ bằng ánh sáng rạng đông, bằng nồng nhiệt của mối tình đầu, mối tình nguyên thủy. Tượng của tôi là những hòn đá giữa rừng thông, bên cạnh thác nước, có lúc “tác giả sống”“tới tựa lưng khi mỏi bước tung hoành. Như vậy là sao nhỉ: thơ…văn, gửi cho báo không? Chưa kịp gửi đi đâu đã tiêu thụ hết rồi. Mình sống trong thơ, trong cảnh thơ, bằng chất thơ tình tứ. Sống chưa thấu kịp, làm sao để dành trên giấy trắng, mực đen. Cho mình chưa xong, làm sao cho thiên hạ. Ai dạy anh làm thơ? Thầy tôi là đời sống, là tất cả chúng tôi hồi đó. Là mùi sách nhà trường, là đèn khuya đón chữ, là tình yêu vừa chớm nở. Những người đẹp trong thơ anh có phải là những nhân vật hoàn toàn giả tưởng? Nói thế vừa đúng, vừa sai: nếu cuộc sống là thơ, thì tất cả là giả tưởng. Nhưng nếu tư tưởng là sống và thơ là nhịp thở, thì thơ và tư tưởng là sự thật vậy, từng lúc, từng giai đoạn … hay nửa thật, nửa hư cấu? Đối tượng của thơ là sáng tạo và đối tượng của sáng tạo là một trào lực liên tục, liên khởi, vô thường, vô hạn. Sự thật không thể là một nửa, vì một nửa sự thật đã hết là sự thật. Và nửa sự thật cũng không phải là hư cấu, vì còn có dư âm của sự thật. Thật ra, người thơ”vừa là người, vừa là chất thơ. Làm sao có thể phân biệt được. Nếu phân biệt, thì hoặc hết là người, hoặc hết là thơ. Vì thế nên “Người Thơ” chỉ có trong nguyên vẹn, trong toàn diện của cả ba thành tố: Người, Tình Yêu và Thơ.

5. HỒ TRƯỜNG AN: Tuổi tình yêu của Anh bắt đầu vào năm nào? Còn chị Hạnh, người bạn trăm năm của Anh, đến với Anh vào giai đoạn nào?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Tôi vốn mồ côi cha từ nhỏ và khi đi học lại ở nội trú xa nhà, thường sống một mình, nên lúc nào cũng thấy thiếu cảnh sống gia đình quây quần, sum vầy. Do đó tình yêu của tôi gần như là biển cả, là vũ trụ bao la, càng tìm càng thấy xa vắng. Vì thế tôi thèm yêu ngay từ lúc còn rất trẻ, vì tình yêu sẽ là nguồn sống bổ sung cho sự mất mát trong cuộc đời. Có lẽ tôi đã gắn vào tình yêu một chức năng, một sứ mạng vượt bực? Có lẽ tôi cũng gắn vào thơ tình một chức năng, một sứ mạng vượt bực chăng? Hạnh đến với tôi, hay tôi gặp Hạnh, khi Hạnh còn rất trẻ, lúc đó Hạnh độ 13 hay 14 tuổi. Làm sao một người con gái mới lớn lên hiểu hết được những đau tủi, ao ước của cuộc đời. Mười năm sau, năm mươi năm sau Hạnh vẫn đủ thì giờ, vẫn có cơ hội cảm nhận được toàn cõi mối tình này. Còn tôi, tình yêu vẫn là thơ, là người tôi quý trọng. Tất cả là Một, là nguyên thủy vô hạn, là bất biến ngay trong đa dạng, ngay trong đổi thay. Thời gian có qua đi, không gian có lan rộng hay phân mảnh, dòng sống đó vẫn hội nhập trong tôi, nguyên vẹn, bất biến.

6. HỒ TRƯỜNG AN: Chị Hạnh xuất thân từ một thế gia vọng tộc. Chị là cháu ngoại cụ Lại Bộ Thượng Thư Phạm Quỳnh, trưởng nữ của ông và bà Dược Sĩ Phùng Ngọc Duy. Chị có hòa mình vào đám bạn bè của Anh thời còn học sinh không? Chị có những đặc điểm gì để Anh chú ý? Chị có vào thi ca của Anh không?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Tôi gặp Hạnh lần đầu ở nhà một người bạn chung. Thấy quý mến ngay, mà không biết tới “tông tích” của Hạnh. Dòng dõi của Hạnh là một vinh dự chung, nhưng tôi lấy Hạnh không vì Hạnh là cháu ngoại cụ Lại Bộ Thượng Thư Phạm Quỳnh, trưởng nữ của ông và bà Dược Sĩ Phùng Ngọc Duy. Tôi yêu rồi lấy Hạnh chỉ vì Hạnh là Hạnh, và sau này là người vợ hiền, mẹ thảo và một người bạn tốt đối với bạn bè. Hạnh có rất nhiều đặc điểm: thông minh, xinh đẹp, đánh đàn hay. Sau đó và nhất là ở giai đoạn tị nạn, định cư tại nước ngoài, Hạnh đã xuất đầu lộ diện trở thành một người đàn bà đảm đang, với tài nữ công, nấu nướng rất tinh vi. Đó là bonus”của tôi và các con … Đương nhiên, Hạnh đã vào dòng thi ca của Lưu Nguyễn Đạt, như một dòng nước chảy trong lòng, như một rặng liễu mọc trên ngọn đồi cao. Nhưng trong thơ tôi, như tranh trừu tượng, hay biểu tượng, đôi khi chỉ bắt gặp màu hồng trên môi em, hoặc giọt sương mỏng trên màng gió ẩn dụ. Tôi chỉ muốn gợi ý, gợi cảm, chứ không tỏ rõ tình yêu. Chắc thế cũng đủ.

7. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh nói rõ những ngày Anh đeo đuổi việc học hành ở Sài Gòn. Sài Gòn có đặc điểm gì đối với tâm cảm lẫn tâm cảnh của Anh? Có phải Anh lập gia đình và mở văn phòng luật sư tại Sài Gòn không?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Lên Đại Học Văn Khoa Sài-Gòn, tôi có học hỏi thêm về Văn Chương Pháp và Lịch Sử Mỹ Thuật Thế Giới do những những vị thầy có tên tuổi từ Pháp sang dạy, như Giáo Sư Tiến Sĩ Poirson, Giáo Sư Tiến Sĩ Ngữ Học J.Erhard, và Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Trưởng Nguyễn Khắc Hoạch, cũng ở Pháp về, v.v. Những vị này đã đẩy mạnh tâm cảm của tôi theo chiều sâu và độ cao vút của văn chương, văn hoá, lịch sử mỹ thuật thế giới. Trong khi đang học tại Đại Học Văn Khoa Sài-Gòn, tôi thành lập Tập San Carrefour và có dịp gửi đóng góp phê bình hội họa với Journal d’Extrême-Orient, một nhật báo Pháp Ngữ nổi tiếng tại Sài-Gòn hồi ấy. Đặc biêt bài được đăng so sánh nét phác hoạ [esquisse] thê thảm, vắng vợi — với cảm giác như xẩy ra sau – tác phẩm hình thành “Le Radeau de la Méduse” của Théodore Géricault.



Phải đợi tới khi học Luật, tôi mới thực sự bắt đầu trau dồi Tiếng Việt và say mê những từ ngữ mới mẻ đối với tôi, thuộc luật học như dân luật, hình luật, luât hiến pháp, pháp chế sử và kinh tế học v.v. Tôi đã “phải lòng Tiếng Việt”“(theo lời GS Nguyễn Khắc Hoạch, Dăm Ba Điều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật, trang 249-255), như một thách đố của tình yêu mới gặp gỡ lại. Sau này tìm hiểu về Phật Giáo cũng làm tôi suy nghĩ thêm về trào lực tâm linh của ngôn ngữ. Của Việt ngữ.

Từ năm 1969, tôi mở mấy văn phòng Luật Sư, trước tại Đà Nẵng, rồi Tam Kỳ, thuộc Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế, cuối cùng mở ngay tại Sài-Gòn, thuộc Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài-Gòn. Luật Sư Đoàn này có lần cử đại diện đến chất vấn tôi vì mặt tường ngoài văn phòng đặt tại Tân Định có đúc hình nổi (bas-relief) Âu Cơ, Một Mẹ Trăm Con. Lý do: nghề luật sư theo truyền thống Pháp và Việt không được quảng cáo. Tôi trả lời họ, tôi không có ý định “quảng cáo” nghề luật sư, mà chỉ biểu thị cái sở trường tạo hình của mình. Họ đã cảm thông và cho phép tôi tiếp tục hành nghề luật sư, mà không bắt gỡ tượng. Bức điêu khắc này vẫn còn tồn tại nơi đó, dù hơi lem luốc, như Đất Mẹ ngày nay.

8. HỒ TRƯỜNG AN: Thuở ở Sài Gòn Anh có giao thiệp với các văn nghệ sĩ không? Nếu có, xin Anh cho biết những ai? Bộ môn nghệ thuật nào mà họ đeo đưổi?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Về nghề làm báo, viết lách thì tôi rất gần gũi với Vũ Tài Lục. Ông ta là một “mọt sách”. Trong thẻ kiểm tra, ở chỗ ghi nghề nghiệp, Vũ Tài Lục khai: “Đọc Sách”. Ông ta đọc nhiều thật: sách Pháp Ngữ, Anh Ngữ, Hán Ngữ, Nhật Ngữ, và cả những tài liệu bằng Tiếng Ý, lẫn Tiếng Đức, đều được mua về, đặt mọi nơi trên gian nhà gỗ hai từng, ọp ẹp, không đủ sức chứa và đỡ cả mấy tấn sách đó. Ông phải đổi nhà để có thêm chỗ chứa sách quý của ông. Tôi cũng được quen biết nhà bỉnh sách Đỗ Long Vân của Đại Học Huế, sau khi ông từ Pháp về nước trong thập niên 60. Tôi thích nhất hiện tượng “nước ngầm” trong thơ Hồ Xuân Hương, mà ông chuyên chú điều nghiên. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng về tư tưởng và ngôn ngữ đó khi tôi đặt tên cho thi phẩm đầu tay của tôi là Vùng Cao Nước Ẩn. Xin tưởng niệm linh hồn người hiền Đỗ Long Vân của nền văn học giao thời. Cũng trong những tình cờ của giao hữu, vào những năm 1966 tới 1970, tôi được biết tới Nhà Biên Khảo Triết học Phạm Công Thiện và Nhà Thơ điên-mà-không-điên Bùi Giáng. Tôi có tặng Phạm Công Thiện một cuốn sách của Gaston Bachelard, mà chúng tôi đều thích. Còn Bùi Giáng thì tôi đã từng nghe ông lè nhè vừa uống bia, vừa đọc thơ mình, và sau này tôi đã dành cho ông những nét trân trọng nhất, dưới đề tài “Thơ Bùi Giáng: từ phá thể sang hội nhập”, trong tập Văn Luận mà tôi viết về các tác giả tôi thường quý trọng. Lý do ngầm mà tôi chọn viết về Bùi Giáng cũng là vì ông cùng tôi trọn vẹn với mối tình văn học chung: Gérard de Nerval. Bùi Giáng dịch thơ và truyện của Nerval. Còn tôi thì dùng trường ký Le Voyage en Orient của Nerval để làm luận án Tiến Sĩ năm 1981, tại Michigan State University, với đề tài: Au centre du vertige nervalien: Le Voyage en Orient et la Mise en Abyme.

Về nghệ thuật tạo hình, tôi rất thân với Trịnh Cung. Anh ta đã đề nghị Hội Họa Sĩ Trẻ mời tôi làm Tổng Thư Ký, trong những năm Nguyễn Trung làm Chủ Tịch (1969-72), có lẽ vì tôi chuyên về Lịch Sử Mỹ Thuật (Histoire de l’Art) và cũng vì Hội Họa Sĩ Trẻ lúc đó cần một luật sư soạn và đăng ký Nội Quy của Hội. Tôi đã nhận làm những công việc này. Nhưng tôi phải đặc biệt biết ơn Trịnh Cung vì trong những năm 1967-68, khi tôi còn dạy học tại trường Lycée Yersin, Trịnh Cung lên Đà-Lạt chơi, thấy căn nhà chúng tôi rộng rãi, bèn hứa, gần như cam kết, sẽ lên triển lãm tranh vào mùa Xuân năm sau. Gần đến ngày hứa hẹn, tôi đã gửi thư mời khách tới thưởng ngoạn, thì tranh bạn mình vẫn xa lánh tận đâu đâu. Bất đắc dĩ, tôi phải ngả khung gỗ ra vẽ (và từ đó tôi chuyên vẽ trên mặt gỗ) để kịp triển lãm thay thế ông bạn quý họ Trịnh: đó là cuộc triển lãm đầu tiên của tôi tại Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ ĐàLạt, rồi tại trường Yersin, rồi Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ Sài Gòn. Sau đó tôi tiếp tục gửi tranh sang Pháp, và khi di cư sang Hoa Kỳ, tiếp tục triển lãm tại các Tiểu Bang California, Michigan, Virginia v.v., đến nay cả mấy trăm bức tranh, mấy chục bức tượng. Đàn Ngựa trong tranh Trịnh Cung đã chở người họa sĩ đó tới gặp tôi, rồi lại chở ông đi xa mất hút. Đó cũng là một kỳ duyên văn nghệ chăng? Khi chúng tôi khép sơ”cửa ngõ ra đi khỏi căn nhà bên Gia Định vào đầu tháng Tư 1975, tôi đã để lại đó cả mấy chục bức tranh tôi vẽ, mấy chục bức tranh bạn Hoạ Sĩ Trẻ”vẽ, trong đó có rất nhiều tranh của Nguyễn Trung và cả của Trịnh Cung. Phấn màu xin trả về cát bụi lịch sử.







Trong số các nhạc sĩ tôi quen thân vào những năm 60, 70, đặc biệt có Trịnh Công Sơn. Anh trở nên gần gũi với vợ chồng chúng tôi, vì anh đã lấy cớ quen biết”tôi để làm quen với cô nữ sinh Lycée Yersin, P.T.L, em gái của Phùng Thị Hạnh. Trịnh Công Sơn đã lấy cảm hứng từ môi hồng”P.T.L. để viết và tặng đúng ngày sinh nhật”của Nàng cả tập nhạc Như Cánh Vạc Bay. Những năm tháng đó, chúng tôi quý Trịnh Công Sơn qua tiếng hát đứt ruột, với lời lẽ sâu sắc, bàng bạc tình người, xót xa nỗi đau dân tộc. Tôi cũng từng đóng phim Đất Khổ với anh và Nhạc Sĩ Vũ Thành An, có lẽ cũng vì nỗi xót xa dân tộc chìm đắm trong cuộc chiến tương tàn. Nhưng tôi đành phải nhận định rằng người nhạc sĩ họ Trịnh đã phản lại những gì ông nói, những gì ông ca tụng. Sau quốc nạn 1975, ông đã tuyệt nhiên im lặng, tuyệt nhiên quên hẳn tiếng nhạc khóc người của ông, đã nhắm mắt, bịt miệng, bịt tai không cần biết tới những hành động khủng bố dã man của các “đồng chí Xã Hội Chủ Nghĩa”; không cần biết tới cả ngàn ngàn người chết trôi giữa lòng Biển Thái Bình, hoặc qua tay hải tặc, cả ngàn ngàn người chết vội vàng trong rừng hoang, núi hiểm khi họ liều lĩnh bỏ nhà, bỏ cửa ra đi tìm lại tự do, tìm lại nhân phẩm, tìm đủ miếng ăn, miếng uống. Ông đã phản lại và ruồng bỏ chính ông, phản lại và ruồng bỏ lý tưởng nhân bản mà chúng ta nhầm tưởng ông yêu chuộng trước đây. Chắc ông ta cũng không sung sướng gì khi ở trong tư thế phù thịnh đó, hoặc vì thời cuộc áp bức mà phải kết nhập như vậy. Thôi hãy để lịch sử phê phán ông.

9. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho biết về cuộc di tản sang Hoa Kỳ cùng gia đình, rồi những giai đoạn định cư, sinh hoạt của Anh Chị và các cháu tại đó. Riêng Anh đã thăm viếng được bao nhiêu tiểu bang tại Hoa Kỳ? Những đặc tính của những địa danh đó?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Đúng mười năm sau khi lập gia đình, chúng tôi cùng ba người con, Huệ-Chân (9 tuổi), Thiên-Kỳ (6 tuổi), Thế-Khải (1 tuổi rưỡi) ra khỏi Nước vài tuần trước khi Sài Gòn thất thủ, ghé qua Đảo Guam, rồi tới tị nạn và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Con trai út, Lưu Việt, sinh ngày 14 tháng 6 năm 1975 tại nhà thương Hải quân, thuộc trại tiếp cư Pendleton, California, là đứa trẻ đang vươn vai bay ra khỏi Bàn Tay Hy Vọng (Hand of Hope), bức tượng xi-măng cốt sắt mà tôi được Tướng Graham, vị Chỉ Huy Trưởng trại Pendleton mời làm, để kỷ niệm cuộc tị nạn vĩ đại đầu tiên của Người Việt tại Hoa Kỳ. Bức tượng này đã trở thành một Đài Kỷ Niệm của Chính Phủ Liên Bang (Federal Monument) nằm ngay cổng ra vào của trại Lính Thủy Quân Lục Chiến gần Thị Xã San Clemente, và cũng là giao điểm tụ họp của gần trăm ngàn người Việt Tị Nạn về lại tưởng niệm cuộc di tản năm 1975 qua mạn California…

Vừa tới định cư tại Michigan, vợ chồng chúng tôi tức thì hội nhập đời sống mới. Trước năm 1975, Hạnh là phóng viên các cơ quan báo chí Hoa Kỳ tại Việt Nam, như Chicago Daily News, Newsweek, rồi làm Chủ Nhiệm Nhật Báo Tin Sống tại Sài-Gòn. Khi tới Michigan, Hạnh quyết định bỏ nghề làm báo, ban ngày dạy học, ban tối đi học lại lấy bằng Cao Học Sư Phạm. Tôi cũng vậy, bỏ nghề luật sư, ban ngày là thầy, ban tối là trò. Tôi dạy Pháp Văn tại Đại Học Michigan State University, đồng thời soạn viết luận án lấy bằng Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại đại học đó. Năm năm sau, tôi nhận làm Phối Hợp Viên Chương Trình Song Ngữ tại Khu Học Vụ Lansing, Michigan, rồi Phối Hợp Viên Chương Trình Giáo Huấn Đa Văn (PEO) tại Trường Sư Phạm thuộc Đại Học Michigan (University of Michigan) tại Ann Arbor. Tới năm 1989, chúng tôi lại bán nhà bán cửa, tới định cư tại Fairfax, Virginia, gần Hoa Thịnh Đốn. Sau bẩy năm làm việc với Bộ Tài Chính của Chính Phủ Liên Bang, và sau khi đậu bằng Hậu Tiến Sĩ /Thạc sĩ Luật, tôi ra lập Công Ty Bằng Khoán Địa Ốc (Alpha Title & Settlement company) thuộc Luật Sư Đoàn Virginia, đồng thời làm Giám Đốc International Legal Aid Center (ILAC) – Trung Tâm Trợ Dẫn Luật Pháp – hợp tác với Luật Sư Herman M. Sawyer, Luật Sư Đoàn VA & Washington, D.C, & Federal Bankruptcy Court, Luật Sư Charles Wall (Immigration) và người con trai, Luật Sư Lưu Thiên Kỳ, Luật Sư Đoàn New York. Tại Virginia, Hạnh tiếp tục dạy học, phối hợp Chương Trình Sinh Ngữ Anh Văn (ESL-English as a Second Language) tại các trường tiểu học thuộc Khu Học Vụ Fairfax, VA.

Con gái chúng tôi, Huệ-Chân đã lập gia đình, rồi cùng chồng làm Cố Vấn Hợp Chuẩn cạnh Sở Quản Trị Dược Phẩm & Thực Phẩm Liên Bang Hoa Kỳ (Consultants, FDA regulation compliance). Các cháu rất bận, làm việc di động và ở nhiều nơi, nên vắng mặt luôn.

Con trai đầu của chúng tôi, Thiên-Kỳ là luật sư thuộc Luật sư đoàn Tiểu Bang New York, trước đây làm việc với Hãng Luật Sư Quản Lập Thương Hội White & Case (Corporate Lawyers) tại New York, sau được mời về làm Phó Chủ Tịch (Vice-President) đặc trách Giao Tế Chính Quyền của International Medical Corps, vốn là một tổ chức thiện nguyện quan trọng, nhằm cung cấp dịch vụ y tế (thiết lập nhà thương, tuyển lựa y sĩ, cung cấp thuốc men) cho các nạn nhân chiến tranh và thiên tai trên toàn thế giới. Thiên-Kỳ còn kiêm chức vụ Đồng Chủ Tịch các Tổ Chức Thiện Nguyện Phi Chính Phủ Hoa Kỳ (Co-Chair, USA Non Governmental Organizations) tại Liên Hiệp Quốc. Thiên-Kỳ đã từng làm việc tại Croatia khi có chiến tranh tại Bosnia, có mặt tại Afghanistan, Iraq, và gần đây tại Soudan, Chad và Liberia để tổ chức và thanh tra các dich vụ y tế dành cho các nạn nhân chiến tranh và biến cố thiên tai. Thiên-Kỳ thường ghé qua Genève để phối hợp với các tổ chức phụ trách tỵ nạn của LHQ. Từ năm 2006, LS. Lưu Thiên Kỳ được Tổng Thống G.W. Bush bổ nhiệm (presidential appointee) làm Giám Đốc Office of Foreign Disaster Assistance (OFDA), USAID, thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với trọng trách cứu tế nhân đạo về những biến cố thiên tai (bão lụt, động đất) và các tác hại nhân tạo (chiến tranh, khủng bố, nổi loạn) trên khắp Thế giới, một sứ mạng cao cả, nhiều ý nghĩa nhân từ. Nay LS. Lưu Thiên Kỳ được mời làm khoa trưởng Disaster Resilience Leadership Academy, thuôc Đại Học Tulane, Louisiana. Đó là một chương trình cao học đào tạo cấp lãnh đạo quản trị cứu tế tai ương thế giới, phối hợp 3 đại học tại Châu Phi và 2 đại học tại châu Á, với những khoản trợ cấp của các tổ chức thiện nguyện như tổ chức The Bill & Melinda Gates Foundation và quỹ trợ giúp của World Bank.

Thế-Khải, khi tới Trại Tiếp Cư Pendleton mới hơn một tuổi. Hơn 33 năm sau, cháu trước làm việc trong ngành quản trị hệ thống bảo vệ an ninh môi trường tại Vùng Los Angeles, Tiểu Bang California, đồng thời cũng là Đại Úy Vệ Quân Quốc Gia (National Guard). Trong những năm 2003, 2004, Sĩ quan Lưu Thế-Khải đã sang Afghanistan thi hành quân nghiệp, với chức vụ Chỉ Huy Phó Quân Cảnh tại Kabul, nguyên là Thủ Đô của Chế Độ Khủng Bố Taliban. Trong thời gian đó, Thế-Khải thường gửi về gia đình và bạn bè Những Bức Thư Từ Sa Mạc (Letters from the Desert) rất cảm động, sâu sắc, nhiều suy nghĩ nhân đạo.

Lưu Việt sinh năm 1975 tại trại Pendleton, California, là một chuyên viên điện ảnh, trước sản xuất phim ảnh quảng cáo thương mại và sĩ nghiệp tại New York, nay vào phim trường lớn với chức vụ “special effect coordinator”, làm việc chung với nhóm quay phim của Tom Hank [Angels & Demons...], Will Smith [Men in Black 2, I Am Legend...]. Tính tình của Lưu Việt là của một nghệ sĩ trung trực, tế nhị, yêu đời. Lưu Việt trách mẹ”sao không đẻ Việt một vài ngày ở Việt Nam rồi hãy di cư để Việt là người Việt Nam trước khi là dân Mỹ. Mẹ Việt trả lời là không thể lựa chọn được như thế. Lưu Việt đang tìm cách thực hiện một cuốn phim điện ảnh về đời sống người dân tại Việt Nam. Lưu Việt là đứa trẻ vươn lên, bay từ Bàn Tay Hy Vọng (Hand of Hope) mà tôi kiến tạo 36 năm trước đây tại Trại Pendleton, California. Một ngày gần đây, Lưu Việt sẽ bay về đáp trên mảnh Đất Việt của thế hệ trẻ lớn mạnh. Có thể đó là một khía cạnh “truyện thuật” trong tác phẩm điện ảnh mà Lưu Việt mong thực hiện.

Tại Hoa Kỳ, trước hết tôi biết rõ các tiểu bang Trung Mỹ (Mid-West: Michigan, Ohio, Indiana, Illinois, Wisconsin) khi cùng gia đình sống tại Michigan; rồi Vùng Biển Đông với những tiểu bang khởi lập Hoa Kỳ (Virginia, Maryland, Pennsylvania, New Jersey, New York) hoặc các tiểu bang còn nhiều ảnh hưởng văn hoá Tây Ba Nha như Florida, California, Arizona, New Mexico, Texas. Các tiểu bang đó là những nơi chúng tôi thăm viếng khi nghỉ hè, hoặc tham dự những buổi thảo luận văn hoá giáo dục đa văn. Gần đây khi tháp tùng Thế-Khải lái xe xuyên Mỹ, từ Fairfax, Virginia tới San Diego, California, tôi có dịp băng qua nhiều tiểu bang Miền Biển Phía Đông (East Coast), qua Trung Mỹ, rồi sang tới Miền Biển Phía Tây (West Coast). Hoa Kỳ có nhiều cảnh thiên nhiên vĩ đại, những cánh đồng vô tận, những vùng sa mạc bao la, những cánh rừng hoá thạch linh biến (Petrified Forests), những thung lũng thăm thẳm nối tiếp các mùa sơ khai dựng quốc, những siêu vực Grand Canyons vĩ đại, tuyệt vời. Nhưng Hoa Kỳ cũng còn nhiều vùng đất đai chưa khai khẩn đúng mức, có những lãnh thổ đặc nhượng cho các sắc dân Da Đỏ (Cochise, Pueblo, Navajo, Sioux, Cherokee, v.v.), mà khung cảnh địa lý nhân văn, đời sống vật chất, kinh tế, xã hội, còn hoang sơ, thấp kém không khác gì những lãnh thổ chậm tiến, kém mở mang”nhất của Đệ-Tam-Thế-Giới. Nhân loại vẫn cần được chăm sóc, giúp đỡ nhiều, bất cứ ở đâu, ngay cả trong lòng các khu vực mang danh hiệu giàu có, tân tiến nhất Thế Giới.

10. HỒ TRƯỜNG AN: Anh đã từng sinh hoạt trong ba lãnh vực: văn chương, hội họa, âm nhạc. Vậy xin Anh cho biết mỗi lãnh vực nghệ thuật giúp Anh thăng hoa bằng cách nào? Những thành quả tốt đẹp nào mà mỗi lãnh vực đã mang lại cho Anh?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tôi làm thơ, viết văn, biên khảo, vẽ tranh, ca hát, điêu khắc, đổ xi-măng, lát đá v.v. với cùng một niềm vui, chân thật, tin tưởng vào sự sáng khởi ngay trong lòng mình, ngay trong công việc làm cần cù, kỹ lưỡng. Tôi trân trọng với những công việc làm đó. Vì tôi biết nhận và hưởng niềm vui sáng tạo. Tư tưởng sáng tác của tôi là một hiện tượng dấn thân, nhập cuộc. Thành công đối với tôi không từ ngoài tới như một ân huệ ban cấp tiền tài, danh vọng, mà bộc phát từ tâm hồn thoải mái, yên ổn vì đã làm xong một công việc cao đẹp, có ý nghĩa. Khi thực hiện được một bài thơ, in xong một cuốn sách, hoàn tất một bức tranh, một bức tượng, một cách tận tụy, trân trọng, thì công việc của người văn nghệ sĩ đã xong xuôi đâu đấy. Còn mọi thứ “thăng hoa ngoại vi” là do cơ duyên chung, giữa tác giả, tác phẩm và người thưởng ngoạn. Thay vì đắm đuối đuổi theo sự thăng hoa ngoại vi, kinh tế, danh vọng, tôi chú trọng nhiều vào sự hội nhập”hài hòa của cảm thông, cảm hoá. Tôi muốn thấy từ công việc sáng tác ở bất cứ lãnh vực nào, từ thơ, văn, nhạc, hoạ, tới sinh hoạt giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, chính trị v.v., có sự thăng hoa của con người, từ xấu xa, tồi tệ sang tốt đẹp tử tế; từ dữ dằn sang hiền hoà, từ ngu tối sang sáng suốt, minh mẫn; từ đói khổ, đau đớn, thất vọng sang tiến hoá, vui mạnh, hạnh phúc… Đối với tôi, cứu cánh của nghệ thuật, nói riêng, không chỉ là tạo thành những tác phẩm đẹp, tuyệt vời, có giá trị trên thị trường, mà còn phải tạo dựng những con người tốt đẹp về nhân cách, phẩm giá, ngay đối với người làm văn học nghệ thuật và cả người hưởng thụ cái duyên văn nghệ đó. Vậy chúng ta cần thấy có hơn gì ở nhau, trong nhau, nhờ văn học nghệ thuật? Con người mới là tác phẩm chính để thăng hoa, để tạo thành quả. Thành quả văn học nghệ thuật phải kết thành nhân quả: từ người, thành người, cho người, vì người.

11. HỒ TRƯỜNG AN: Tôi thường nghe nói: những quyển Mythologies et Légendes grecques et latines là cái nôi văn học nghệ thuật của Tây Phương. Anh có tâm đắc với ý nghĩ đó không? Lý do.

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Văn Hóa và Văn Minh Âu Châu phát xuất từ ba trào lực tư tưởng chính yếu: (1) Văn Minh Cổ Hy Lạp, (2) Văn Minh La Tinh, Và (3) Cựu Ước (Ancien Testament). Cả hai Nền Văn Minh Cổ Hy-La đều đặt nền tảng văn hóa sáng tạo trên sự thăng hoa của truyền thống thần thoại (mythologies) và kỳ thoại (légendes): văn chương, ca nhạc, mỹ thuật (tranh, tượng), kiến trúc (đền đài, danh miếu, công trường) được tạo dựng, truyền tác để phô bày, tôn thờ các bậc thần thánh (đa thần/panthéisme) có quan hệ mật thiết tới giới cảnh và các hiện tượng vũ trụ linh mật, đồng thời cũng để ca tụng, vinh danh các đấng siêu nhân, anh hùng liệt sĩ. Kinh Cựu Ước là sự kết khởi huyền linh độc thần (monothéisme), dẫn giải hiện tượng sinh tạo (création) loài người, vạn vật và cảnh giới. Do-Thái Giáo (Pharisaïsme/Judaïsme), Ky-Tô/Cơ Đốc Giáo (Christianisme, căn cứ vào Tân Ước viết bằng Tiếng Hy Lạp) và Hồi Giáo (Islam) đều phát xuất và biến hoá từ Kinh Cựu Ước. Các nền văn minh, văn học nghệ thuật Âu Châu đều tiếp tục khởi sắc, biến hoá và tranh dành ảnh hưởng giữa ba cột trụ dẫn lực trên. Cả Thời Trung Cổ Âu Châu đắm đuối trong thần lực Cơ Đốc.

Sau giai đoạn thần linh này, con Người siêu thoát, bách linh của Thời Thượng Cổ Hy-La lại có dịp trở lại đem tư tưởng khai phóng bách khoa cho Thời Kỳ Phục Hưng (Renaissance), để sau đó phương thức hoá nhân bản trong Thời Cổ Điển vàng son. Trí lực nhân bản đã phát khởi cùng lúc với tài lực tư bản để dẫn đến cuộc Cách Mạng Pháp (Révolution française, 1789), tới Xã Hội Công Dân/Xã Hội Dân Sự (Société Civile) và Hiện Tượng Dân Chủ. Trào lực Cựu Ước và Cơ Đốc Giáo lại một lần nữa ló dạng Thời Lãng Mạn Âu Châu để nhập thế phục vụ con người đa cảm, toàn sinh. Tâm linh, trí tuệ đã dần dần hoán chuyển từ truyền thống thần thoại, qua truyền thống siêu nhân, anh kiệt để gắn bó sinh tồn nơi con người hiện đại.

Nền dân chủ chân chính phải dung hoà ba thế lực: nhân bản, trí tuệ và tâm linh. Thiếu sự hiện hữu cần thiết của một trong ba thành tố đó sẽ dẫn tới hiện tượng bất hoà, lạc hậu, vong bản, phi nhân. Sự thăng hoa của nền dân chủ nhân bản cũng có thể thực hiện tại các nền văn minh khác, miễn tương ứng, tương hoà, song khởi; miễn tôn trọng và nuôi dưỡng ba thành tố vừa xét tới: nhân bản, trí tuệ, tâm linh. Như vậy, ta thấy giữa các nền văn hoá linh động và văn minh toàn khối Âu Châu, Trung Đông, Đông Á, tuy khác biệt trong thời gian và không gian, vẫn có những mẫu số chung, những dấu hiệu trùng khởi, vì nguyên nhân vận là sự chuyển hoá của ba thành tố nhân bản, thế lực (trí lực) và thần lực (tâm linh), mà cổ nhân chúng ta cô đọng thành thế Tam Tài, ba ngôi thứ: Trời, Đất, Người, trong thế hội nhập và truyền khởi toàn diện.

12. HỒ TRƯỜNG AN: Anh theo học chương trình Pháp từ nhỏ, có bằng Cao Học và Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, nên thông thạo Tiếng Pháp, Văn Hóa Pháp. Anh nhận thấy Dân Pháp, Phong Tục Pháp ra sao? Trong lãnh vực thơ, văn Pháp, những tác giả, tác phẩm nào Anh thích nhất? Lý do.

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tiếng Pháp từ gốc La-Tinh biến hoá không ngừng, sau khi đã bị thần lực Cơ Đốc Giáo và vong lực Cổ Hy La uốn nắn, nung nấu suốt hai mươi thế kỷ. Văn Hoá, Văn Minh Pháp từ thời Quân Chủ đã đạt tới một thế đứng chót vót tại Âu Châu và các xã hội ưu đãi tại đó: triều đình, giới trí thức Anh, Đức, Nga đều nói Tiếng Pháp, một cách kính cẩn, kiêu hãnh. Pháp Ngữ đã trở thành tiếng nói của văn học, xã giao và ngoại giao chuyên nghiệp tới đầu thế kỷ XX. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi “Đại Pháp” bắt đầu mất các thuộc địa trên thế giới, thì Tiếng Pháp cũng dần dần suy giảm thế lực, rồi bị thay thế bởi Anh Ngữ, nhất là trong các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học. Tuy thế, Người Pháp vẫn giữ được cái dư ảnh của một quá khứ đầy hào quang, cao minh, ngạo mạn, nhưng rất nhân bản, tình tứ. Người Pháp ngày hôm nay tuy hơi lỗi thời về kỹ thuật tân trang, hơi sa sút về mặt vật chất, chuyên khoa, nhưng trong lãnh vực văn hoá, tư tưởng, họ vẫn sâu sắc, quyến rũ như những hương xưa, vị cũ. Người nghệ sĩ, tình nhân sẽ thấy thoải mái, ấm áp trên mảnh đất cổ kính, nhân từ này…

Về thơ văn trong Thời Trung Cổ, tôi thích những Chansons de geste là những thi hùng ca (Chanson de Roland chẳng hạn), hay thi tình ca như PercevalRoman de la Rose. Trong Thời Phục Hưng (Renaissance) của thế kỷ XVI, đáng kể nhất là sự đóng góp của François Villon (Testament), Rabelais, Ronsard, rồi Montaigne, đặc biệt với ngọn bút cởi mở, sắc bén tự kiểm trong ba cuốn Essais. Con người được chú ý tới, đặt thành vấn đề quy mô, thành trọng tâm qua phương thức: “Je pense, donc je suis” của Descartes. Rồi tới trò chơi thách đố về tín ngưỡng của Pascal qua tác phẩm sâu sắc Pensées, chẳng khác gì một hệ thống công án thiền sư áp dụng trong Cơ Đốc Giáo. Theo tôi, hai kịch giả lớn của thế kỷ XVII là Racine (Andromaque, Britannicus, Phèdre) với công trình thăng hoa truyền thống vĩ đại của thần thoại Cổ Hy-La, và Corneille (Le Cid) trong việc tạo tác kỳ thoại gắn liền với giai đoạn lập quốc, tạo dựng tinh thần nhân bản. Molière (Le Médecin malgré lui, Le Bourgeois Genthilhomme, L’Avare, Tartuffe v.v.) chú trọng tới hài kịch (comédie) và La Bruyère tới trào phúng (satire) dẫn giải luân lý sửa sai con người xã hội, còn La Fontaine thì dùng ngụ ngôn (fables) để giáo huấn đại chúng. Về tư tưởng tân khởi duy lý của thế kỷ XVIII soi sáng trí tuệ (Illumination/Enlightenment), tôi thích Beaumarchais (Le Barbier de Séville, le Mariage de Figaro), Marivaux (La Vie de Marianne), Jean Jacques Rousseau (La Nouvelle Héloïse, Confessions, Du contrat social), Diderot (Pensées Philosophiques, Lettres sur les aveugles à l’usage de ceux qui voient), Voltaire (Zadig, Candide), và Montesquieu (De l’esprit des lois): những tác giả và suy luận gia này đã biết dùng lợi thế của trí thức tư bản để vươn lên gạt bỏ tư tưởng quân chủ, quý tộc hẹp hòi và sửa soạn cho nền tảng xã hội công dân/dân sự (société civile), theo chiều hướng dân chủ.

Nhưng tôi thấy gần gũi hơn với những tác giả Pháp và các tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ XIX trở đi, như các trường phái Hậu Cách Mạng của Chateaubriand (Le Génie du Christianisme, Atala, René, Les Martyrs); trường phái Lãng Mạn (Romantisme) của Alfred de Vigny (Destinées); Victor Hugo (Feuilles d’Automnes, Chants du Crépuscule, Voix intérieures, Cromwell, Notre-Dame de Paris; và nhất là các đại tác phẩm do Ông trước tác lúc cao niên: Châtiments, Les Contemplations, La Légende des siècles, Les Misérables), Lamartine (Les Méditations, Graziella), Musset (Confession d’un enfant du siècle), Honoré de Balzac (Eugénie Grandet, Le Père Goriot); Stendhal (le Rouge et le Noir); George Sand (La Mare au diable). Đặc biệt Gérard de Nerval (Sylvie, Aurélia, Les Chimères, Voyage en Orient) đánh dấu một giai đoạn lãng mạn siêu thoát, cùng với sự hiện diện của Charles Baudelaire (Les Fleurs du mal, Petits Poèmes en prose, Correspondances), với một cảm xúc mới lạ mà Hugo về già gọi là “nouveau frisson” (rùng mình tân kỳ).

Trường phái tiếp cận mà tôi ưa thích là trường phái Biểu Tượng (Symbolisme), khi huyền hoặc của Rimbaud (Une Saison en enfer, Les Illuminations); khi suy đồi (décadents) của Verlaine (Poèmes Saturniens, Romances sans paroles, Sagesse); khi cao độ siêu thoát của Mallarmé với hai bài thơ bất hủ: Un coup de Dés, Cantique de saint Jean. Trường phái Tả Chân (Réalisme) đưa chúng ta đến gần thực cảnh xả hội của Gustave Flaubert (Madame Bovary, L’Éducation sentimentale), của Émile Zola (L’Assommoir, Germinal). Như vậy, thế kỷ XIX đã tạo dựng tại Âu Châu và Pháp Quốc một trào lưu tư tưởng phong phú, mới mẻ, đa nguyên, đa dạng, mà con người tình cảm, phóng khoáng, chân thực đã được chú ý tới một cách tự do, cấp tiến và toàn diện hơn.

Thế kỷ XX bộc lộ các tư tưởng ngày càng phức tạp, mông lung, bất giải của một tình trạng nhân thế nhiều va chạm. Trước hết trường phái Nhân Bản (Personalisme) đã chất vấn về con người, về xã hội và tâm linh như Péguy (Cahiers de la quinzaine), Paul Claudel (L’Annonce faite à Marie), André Gide (Les Nourritures terrestres, La Porte étroite, Les Faux-Monnayeurs, Journal), Marcel Proust (A la recherche du temps perdu), Alain-Fournier (Le Grand Meaulnes), Saint-Exupéry (Vol de nuit, Le Petit Prince), Vercors (Le Silence de la Mer), St John Perse (Éloges, Anabase, Amers), Paul Eluard (Capitale de la douleur, Poésie et Vérité), Jean Cocteau (Les Enfants terribles), André Malraux (La Condition humaine) v.v.). Tiếp đó là trường phái Hiện Sinh (Existentialisme) dấn thân, nhập cuộc của Jean Paul Sartre (La Nausée, Le Mur, Les Chemins de la Liberté, Les Mouches, Huits-clos, Les Mains sales), của Simone de Beauvoir (L’Invitée, Le deuxième Sexe, Mémoire d’une jeune fille rangée), của Albert Camus (L’Homme révolté, L’Étranger, La Peste), rồi Françoise Sagan (Bonjour Tristesse, Aimez-vous Brahms).

Tôi không quên những tác giả anti-roman (chống tiểu-thuyết) như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Marguerite Duras và rất thích những lý thuyết gia ngôn ngữ học, lý luận văn học như De Saussure (Cours de Linguistique générale), A.J. Greimas (Sémantique structurale, Du sens), Roland Barthes (Le Degré Zéro de l’écriture, Mythologies, Eléments de sémiologie, S/Z, Plaisir du Texte) Georges Poulet (Études sur le temps humain), Michael Riffaterre (Sémiotique de la Poésie, Essais de stylistique structurale), Jacques Derrida (De la grammatologie, La Voix et le phénomène, L’écriture et la différence), Julia Kristeva (Semiotiké), và không quên Gaston Bachelard của Poétique des Mots, Poétique de l’Espace: họ đã chú ý tới thế giới ngôn ngữ và kỹ thuật toàn diện của sáng tác để dẫn tụ vào đó một trào lực sáng tạo mới lạ.

13. HỒ TRƯỜNG AN: Anh đã viếng thăm bao nhiêu địa danh tại Pháp và tại Âu Châu? Xin Anh cho biết những đặc điểm của những nơi Anh thăm viếng? Cùng cảm tưởng của Anh?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Tôi nhiều lần ghé qua Paris vừa để thăm bạn bè, vừa sinh hoạt với các văn thi hữu, nghệ sĩ trong vùng, đồng thời cũng để thăm viếng những cơ sở, trường ốc, dinh thự trong địa hạt chung quanh. Tại trung tâm đô thị này, bất cứ ngõ ngách, đường lớn, đường nhỏ, cầu nổi, hầm chìm nào cũng đưa tôi tới gần một di tích văn hoá, một công trình điêu khắc, một bức tượng phai màu, một bức tường chạm trổ (bas-relief) tuyệt mỹ. Cả những cột đèn, những cánh cửa cổ kính, những hàng rào đúc và hàn sắt, những bảng hiệu khắc tên đường phố, số nhà, tên các nghệ sĩ, văn thi sĩ cư ngụ trước đây… đều có cái nét nghệ thuật, trân trọng, tỉ mỉ. Đây là một thành phố biết bảo trọng giá trị sáng tạo của con người. Cho tới giữa thế kỷ XIX, Pháp, nhất là Paris, được coi là trung tâm văn học nghệ thuật của thế giới, đặc biệt là hội họa tạo hình.

Sau 1975, mỗi khi có dịp sang Pháp, tôi thường thăm viếng Musée du Louvre, Musée d’Orsay, Centre Georges Pompidou, các phòng mỹ thuật (galeries d’art) tại Paris. Tôi rất thích những nhà thờ uy nghiêm, tạo dựng theo kiến trúc Gô-tích (Architecture gothique) thời Trung Cổ (Cựu Gô-tích từ thế kỷ VI tới thế kỷ XI và Tân Gô-tích tới thế kỷ XV). Điển hình nhất là Nhà Thờ St. Denis, Notre Dame de Paris, Notre Dame d’Amiens, siêu linh, vĩ đại, với những đặc tính như: cột trụ vòng cung (arc en ogive), cọc xiên đỡ (arc-boutant), tường đá kiên cố, ánh sáng hướng tâm nhà thờ, mái nhọn với nhiều tầng tháp chuông cao vút, v.v. cốt để gây xúc động thăng hoa đức tin Cơ Đốc và nâng cao lòng ca tụng Chúa.

Tôi cũng thường tới ngoại ô Paris, hoặc các thành phố nhỏ chung quanh nước Pháp để tìm lại những di tích ngàn năm, những nét cổ kính, hoang sơ, rất gần với lòng người. Tôi cảm thấy thật thoải mái bên bờ sông tĩnh mịch trong lòng Thành Phố Amiens; nơi nhà ga nhỏ bé, hiền từ gần Thị Trấn Yerres bé tí xíu, hay nhà ga vắng vẻ của những ngày đình công bãi thị thuộc Thành Phố Troyes, tại Vùng Picardie, khi tôi có dịp đến thăm Văn Thi Sĩ Hồ Trường An và Họa Sĩ Vũ Thái Hoà. Tôi rất quý thành cổ Yvoire, với những cụm hoa mọc trên vách đá tảng, nằm sát cạnh Hồ Léman, giáp ranh với Thành Phố Genève, bên Thụy sĩ. Tôi đã tới Thủ Đô này sau khi qua cảnh thần tiên của Dãy Núi Alpes cao chót vót, chỗ phủ tuyết, chỗ ngập mây. Thành phố này, mà người hiền và hoa hồng lẩn quẩn với nhau trong hoà bình và thịnh vượng suốt mấy thế kỷ qua, đáng làm nơi tụ tập của các cơ sở thiện nguyện, nhân đạo toàn thế giới.

Tôi không quên Bờ Biển Côte d’azur của Vùng Provence, với các thị trấn nổi tiếng ăn chơi sang trọng như Cannes, Saint-Tropez, Nice, trên con đường tới Monaco, nằm sát cạnh Biển Trung Hải (La Méditerranée), với những bãi sỏi, đá cuội mịn tròn ngập sóng bạc. Đó là viễn ảnh trùng phùng, lan tràn sang cả vùng biển sát Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Crète. Tại đó, tôi chợt thấy đời người quá phù du, so với những nền văn minh toàn thịnh một thời, so với những tảng đá cao chót vót, rồi cũng bị thời gian mài miệt vò nát, chuyển dần xuống chân núi thành sỏi sạn bình dị, và sau cùng, thành cát bụi chơi vơi. Mùa xuân 2006, chúng tôi tới thăm La-Mã (Roma) và Venise. Đó cũng là hai thị trấn cao siêu trầm mình vào một thực cảnh sa sút: một nền văn hoá trước đây bá chủ thiên hạ, rồi bị lay đổ bởi lòng tham con người và một tuyệt tác kiến trúc nay ngập lụt bởi ô nhiễm nhân tạo. Nhưng hai thị trấn này vẫn vô cùng hấp dẫn.

14. HỒ TRƯỜNG AN: Theo ý anh, sản phẩm và xa xỉ phẩm nào tiêu biểu nhất Nền Văn Hóa Pháp? Anh thích đồ ăn thức uống, đồ dùng loại nào? Còn chị Phùng Thị Hạnh?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Ngoài những thành tích cổ truyền trong lãnh vực văn học nghệ thuật, Dân Pháp ngày nay còn hãnh diện về nếp sống sành điệu “art de vivre” của họ: đó là cả một nghệ thuật sống, ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ những nguồn vui nho nhỏ, tinh vi, thanh nhã. Nào là phó mát Brie, Camembert; nào là gan béo foie gras các vùng Périgord, phía tây nam nước Pháp; nào là rượu chát hương vị Château du Pape, Saint Emilion; nào là rượu trắng Pouilly Fuissé, nào là săm banh ngon dịu Veuve Clicot, rượu tráng miệng Sauterne, Vendanges tardives; nào là bánh ngọt (pâtisserie), bánh crêpes dentelle vùng Bretagne, bánh ngàn lá mật mille feuilles, kẹo lạc Nougat của Montélimart; nào là thịt bò ninh rượu Bourguignon, nào là xúp”cá-tôm-cua-xò-hến, thăng cấp”thành bouillabaisse: trước đây là đồ biển dư thừa mang về nấu hổ lốn nuôi các gia đình thuyền chài. Từ tác động bouillir-à-baisse (ninh lâu nhỏ lửa) đó, ta có món xúp bouillabaisse. Chắc giờ này có nhiều người bỏ cả trăm Ơ-Rô (đồng Euro) để thưởng thức món xúp này cũng chả nhớ hoặc chả cần biết nguồn gốc dân gian của nó. Ngôn ngữ thường xuất hiện, rồi hội nhập đời sống thật tình cờ: dân chúng Mỹ thường nướng thịt theo kiểu “barbecue” đâu có biết là nhờ tác động của ông đầu bếp Pháp tới biểu diễn nướng thịt cả con, từ đầu tới đuôi, mà tiếng Pháp gọi là “rôtir de la barbe à la queue”. Khi ngon miệng, ông bà Mỹ phiên âm ngắn vội (contraction) nên đọc thành “barbecue”, rất Mỹ-hoá. Chữ “tennis” cũng là do trò chơi Pháp “Jeu de Paume” mà ra (tiền sinh của môn cầu vợt Badminton): khi đánh quần vợt, bên đưa banh kêu: “tenez”, nghĩa là “hãy đỡ đi”. Nhưng khi Người Anh chơi lại đọc trẹo thành “tennis”.

Còn nhiều chữ nghĩa vay mượn lẫn nhau, một cách rất dân gian, tự nhiên. Đó là thứ nhu cầu cấp bách, thường dùng hằng ngày, như cái “ti-vi”“chẳng đặng đừng. Ngày nay mấy ông Pháp bảo thủ cũng phải đầu hàng, trọ trẹ tiếng “franglais” (một thứ tiếng thực dụng pha trộn Tiếng Pháp lẫn Tiếng Anh, như les weekends, le software, đầu-Pháp-đuôi-Anh), nếu không thì làm sao thông thương, đàm luận qua màng lưới không gian, về mặt văn hoá, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, nay tân tiến toàn cầu, với những ngôn từ xa lạ xanh rờn.

Chữ nghĩa vay mượn lẫn nhau đôi khi còn đưa tới một tình trạng ngộ nhận, hiểu lầm (malentendu) vô cùng tai hại, khi ảnh hưởng dây chuyền tới các địa hạt kỹ nghệ, kinh tế thương mại. Đó là trường hợp của hãng General Motors/Chevrolet khi sản xuất một loại xe hơi mới lại đặt tên là Nova. Giới tiêu thụ thuộc Khối Nam Mỹ và Âu Châu bèn chê nguây nguẩy vì tên xe “Nova”, tuy có nghĩa là “Mới Mẻ”, nhưng cũng đồng âm với “No-va” (Không Chạy). Kết quả là General Motors/Chevrolet đành phải bỏ, không tiếp tục sản xuất loại xe Nova nữa, cũng chỉ vì cái tên nhị trùng, “dễ kẹt” này.

Dân Pháp bề ngoài rất sang trọng, kiểu cách, với đồng lương tuy kiếm khó, vẫn cố tung tiền mua những bộ đồ thanh lịch, haute couture, cousu-main, mà ngoài giới sành điệu trong nước, chỉ Người Nhật du lịch mới đủ tiền mua. Gần đây, khi đồng Mỹ Kim tụt thang trầm trọng, Người Mỹ bình dân du lịch tại Ba-Lê chỉ là thứ “họ hàng nghèo” (parents pauvres), tới ngắm nghía cho vui, làm gì đủ tiền mua sắm. Quần áo đàn ông, cà-vạt tên tuổi”thì nào là Yves Saint Laurent, Christian Dior… Quý bà dư dả thì phải tìm ra được nào là ví đeo Vuitton, khăn quàng cachemire, nước hoa CoCo Channel…

Nhưng đồ quý”cũng cần có người quý nó, chứ như ông bạn thân của tôi, hồi còn là sinh viên, trước khi làm quan tu-bíp (bác sĩ quân y) có lúc ở nhà một mình, khi tôi đi vắng, đã đem cà-vạt tôi mới mua, nào i-lô-răng, nào kít-trăng-đo… ra buộc màn hết trọi (chuyện này có thật trăm phần trăm). Chúng tôi vẫn quý nhau trăm phần trăm tới ngày hôm nay, và ông bác sĩ này vẫn trăm phần trăm chê không thèm dùng cà-vạt, cả tây, lẫn ta. Có điều cần trình ngay với quý vị là “Dân Mít”“(annamites) di cư sang Mỹ không chịu mua hàng bên Tây vì bên đó chỉ bán “xôn” (solde) mỗi năm một lần, dân tiêu thụ phải đứng đợi dài dài cả mấy cây số ngoài đường, trong khi tại Mỹ Quốc lại “xen” (sales) hằng tuần, cộng thêm ngày “xen đặc biệt”, với mức hạ giá ưu đãi, dành riêng cho khách quý có thành tích mua sắm nhiều. Thành thử đã có các bà, các cô từ Pháp sang Mỹ đua nhau mua “đồ Pháp” bán tại Mỹ, và dù “tải củi về rừng”, nhưng cũng bõ công vì hàng hoá này bán tại đây rẻ cả nửa tiền… Dù sao chăng nữa, ai sang Pháp cũng vẫn thích đi ngắm tủ kính, hoặc “đi rửa mắt” tại các khu thương mại sang trọng. Hành vi đó, Người Pháp gọi một cách ẩm-thực-tế”là “lèche-vitrine” (liếm-tủ-kính), vừa ngon lành, vừa không tốn kém.

Còn Phùng Thị Hạnh? Hạnh có những ưa thích khá giản dị, nhưng chọn lọc: nào rượu ngon Château du Pape, Saint Emilion, Pouilly Fuissé; Champagne Veuve Clicot; nào rượu tráng miệng Sauterne, Vendanges tardives; nào nước hoa Caron Fleurs de Rocaille, Guerlain Paris; nào bánh Crêpes dentelle Vùng Bretagne; nào Maggi Nestlé (làm tại Pháp, Thụy sĩ)… Đó là những thứ quà tôi thường mang về cho Hạnh mỗi khi ghé Paris hoặc Genève. Quần áo Hạnh mặc có “goût”, đúng thời trang, nhưng không cầu kỳ … Dù sao chăng nữa, đó chỉ là những “tội lỗi dễ thương” (péchés mignons) mà bất cứ người đàn bà nào đều có quyền hưởng thụ, nếu họ ưa thích, và đủ phương tiện.

15. HỒ TRƯỜNG AN: Xin anh cho biết hành trình sáng tác của anh? Và những động cơ nào, cảm hứng nào giúp anh sáng tác?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Như nói sơ qua trưóc đây, tôi sáng tác bảy thi phẩm: VÙNG CAO NƯỚC ẨN (Cỏ Thơm); HỒN NƯỚC (Cỏ Thơm); CA TỤNG NIỆM (Dạ Hà); NHƯ HOA (Dạ Hà); NẮNG ĐÊM (Dạ Hà); THƠ XANH (Dạ Hà); PAROLES DE SABLE (Editions Fleuve de Minuit), và một số tác phẩm biên khảo: VĂN LUẬN (Cỏ Thơm); CẨM NANG LUẬT PHÁP HOA KỲ (Trung Tâm Trợ Dẫn Luật Pháp). Hơn một năm nay tôi sửa soạn đúc kết TOÀN TẬP THƠ LƯU NGUYỄN ĐẠT, gồm hơn 700 bài thơ mới và cũ. Chắc trong năm 2012 mới thực hiện xong việc ấn loát này. Xin nói ngay: thơ Lưu Nguyễn Đạt không kể lể, tả chân, mà chỉ gợi ý, gợi cảm. Hơn 60 bài thơ trong những thi phẩm kể trên đã được một số nhạc sĩ phổ thành nhạc.

16. HỒ TRƯỜNG AN: Vậy thơ anh thuộc trường phái nào? Hình như đó là sự giao thoa giữa siêu thực và trừu tượng phải không anh? Trong VÙNG CAO NƯỚC ẨN, tôi có thấy thấp thoáng một vài nét “chân không” của Phật Giáo. Anh nghĩ sao về những nhận định này?

LƯU NGUYỄN ĐẠT:
Tôi làm thơ gần như để thở, để cảm thông với các trào lực từ nội tâm; tiếp nối nhịp động của cuộc sống, của sinh lực bao quanh mình. Thơ là cuộc hành trình với con người. Là lời ca tụng niệm tình yêu và đời sống. Thơ của tôi gần với sắc thái mong manh trừu tượng: chỉ ca tụng ý đẹp chiết xuất từ người đàn bà đẹp, từ ánh mắt, nụ cười; chỉ tụng niệm theo sức bay bổng của tình cảm hân hoan. Thơ có lúc còn siêu thực, khi biến thể trong ẩn dụ dây chuyền của thi cảm hoàn nguyên. Tôi làm thơ để sống với thơ một cách toàn diện: thanh âm, hình ảnh, màu sắc, âm dương xuyên chiếu, đều được gắn bó, kết mở trong chữ, nghĩa, nhịp, vận để cùng tôi tạo lại một sức sống bồi dưỡng vô hạn, bừng khởi tuyệt đối ngay trong hạn hẹp của đời sống. Thơ chỉ là một thể cách, một con đường xuyên qua thân phận con người, qua tình yêu, tình người, tình cảm thiên nhiên để tìm lại mình, tìm lại chân thức vô thường, ngay trong hà tì, ngay trong tạm bợ của hiện hữu.

17. HỒ TRƯỜNG AN: Ngoài việc làm thơ, Anh còn viết văn qua những bài tùy bút về văn hoá, tư tưởng, và anh cũng thường lo việc bỉnh bút về thơ, văn. Tại sao Anh không dùng cụm từ “phê bình văn thơ” mà lại dùng một từ mới mà Anh chế tạo: “Văn Luận”?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Thưa Anh, quan niệm thông thường hay phân loại văn, thơ riêng rẽ. Nhưng đối với một số tác giả, giữa văn và thơ có một mối tương quan không những về tư tưởng mà cả về hình thức trước tác. Giả thử như những Petits Poèmes en prose (Thơ Văn ngắn) của Baudelaire, và những bài tùy bút của Nguyễn Tuân, thì tuy là văn đó, nhưng chất thơ vẫn cô đọng, thẩm thấu phía trong. Khi đọc những bài tùy bút của tôi, văn thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật gọi nó là “tâm từ” (les mots du coeur). Tôi thấy rất gần gũi với cách diễn tả như vậy. Trong chiều hướng đó, văn và thơ chỉ là những mảnh vải từ ngữ bọc ngoài (textures, textiles), có khác nhau đôi chút về phương thức tác tạo, nhưng lại gần gũi, hội nhập về chủ đích tạo tác: gây xúc động truyền cảm, chuyển dẫn những ý niệm tốt đẹp, nhân từ, hướng thượng.

Còn Anh hỏi tôi tại sao không dùng cụm từ ”phê bình văn thơ”“mà lại phải “chế tạo” một từ mới: Văn Luận khi lo việc bỉnh bút về thơ, văn? Thưa đó cũng giản dị thôi: tôi đặt ra từ “Văn Luận” để ấn định rõ lập trường của tôi khi bỉnh bút là (1) chú trọng tới tác văn hơn là tới tác giả, (2) đồng thời thấy cần trân trọng thảo luận, phân tích kỹ lưỡng hơn là phê phán, cho điểm”một tác phẩm.

Tôi dùng phân tích luận (analyse litéraire, explication de texte), phân tích cơ cấu (structuralisme), phân tích dấu hiệu và phân tích phá cách (analyse sémiotique & déconstruction), cả tâm lý học (psychanalyse) v.v. để khai sáng tư tưởng nội tại trong văn thi phẩm trực diện, cũng như đối chiếu những phương thức cấu tạo làm chuẩn để giải thích kỹ thuật và văn pháp liên hệ.

Như vậy, “Văn Luận” sẽ tiếp nối công trình sáng tác bằng cách tìm hiểu và cân nhắc đối tượng văn học nghệ thuật để làm gạch nối với độc giả, hơn là chỉ trích cá nhân hoặc chê bai vì thành kiến và phản ứng nhất thời. “Văn Luận” cũng nhằm mở rộng giao văn quốc tế, tức là trao đổi văn hoá và văn học đối chiếu qua các hệ thống sáng tác, các trào lưu tư tưởng, văn cách và văn đạo khác nhau trên thế giới, với mục đích duy nhất là hội nhập nhân bản. “Văn Luận” rút cuộc là một bản đại hoà tấu liên tạo thi văn, mà giao hưởng và thưởng ngoạn chỉ đạt được bằng mức độ truyền cảm linh biến giữa tác giả, bình giả, và đọc giả – qua tác phẩm và hiện tượng tạo tác liên hệ.

Thưa Anh, tôi cũng đang chuẩn bị ấn hành Văn Luận II để phân tích và khai sáng một số văn thi phẩm mới thực hiện trong Nền Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, cũng như trong trào lực sáng tác mới mẻ của các tác giả trẻ, tự trọng, đang đối đầu với truyền thống đảng phiệt tăm tối trong Nước, để hé mở những triển vọng dân chủ khai sáng nhân bản.

18. HỒ TRƯỜNG AN: Qua những thành tích của ngành nghệ thuật tạo hình và điêu khắc trên thế giới, Anh ngưỡng mộ giai đoạn, hệ phái, tác giả nào? Khi vẽ tranh và làm tượng, anh theo trường phái nào?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Trong lịch trình tiến hóa trên thế giới của mỹ thuật, của ngành nghệ thuật tạo hình và điêu khắc, tôi thích nhiều giai đoạn và trường phái khác nhau. Nhưng nếu phải chọn lựa, tôi xin thu hẹp vào thời cận đại, và hiện đại, vì gần gũi với mình hơn. Hội hoạ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đổi hướng về mặt kỹ thuật và nội dung trước tác. hệ phái Impressionisme (Phái Ấn Tượng) Của Edouard Manet, Claude Monet, Pissaro, Sisley tập trung loại tranh vẽ ngoài trời (plein-air) với những nét chấm phá ấn tượng. Pierre-Auguste Renoir, Edgar Degas, Paul Cézanne, Henri de Toulouse-Lautrec quy tụ vẽ đời sống dân gian Paris hằng ngày (demi-monde). Vincent van Gogh, Paul Gauguin, Henri Rousseau với những nét vẽ mới lạ, mạnh bạo về màu sắc và bố cục là những hoạ sĩ mở đầu cho phong trào hội hoạ hiện đại. Từ Hệ Phái Ấn Tượng, hội hoạ Pháp và Âu Châu xuyên chiếu qua nhiều giai đoạn nối tiếp, như Symbolisme (Phái Biểu Tượng), Belle Époque và Les Années Folles (Thời Mỹ lệ và Thời Điên Cuồng thuộc thập niên 10 và 20 bên Pháp), rồi Art Nouveau (Tân Mỹ Thuật), đối chiếu với Jugendstil bên Đức và Áo (Gustav Klimt, Egon Schiele), mà nội dung và kỹ thuật trước tác, màu sắc, bố cục, đã chuyển dần tới những sắc thái mới mẻ xoá bỏ ranh giới của hiện thực ngoại tại. Mỹ thuật từ từ lồng ghép với sáng tạo trang trí, với thơ và tâm lý học.

Hội Hoạ Hiện Đại Cổ Điển (Modernisme Classique) của đầu thế kỷ XX đánh dấu một giai đoạn tranh chấp, chống đối giữa mỹ thuật tạo hình (art figuratif) và mỹ thuật không-tạo hình (art non-figuratif), giữa hiện thực và trừu tượng. Tranh Matisse mới mẻ, hoan hỉ hoà hợp màu sắc. Tranh Braque, Picasso, Delauney, Marcel Duchamp, Fernand Léger của Cubisme (Hệ Phái Lập Thể) phá hình thể để trước tác một thể sắc khác, một trật tự nhân tạo hoá giải, mà các hệ phái khai phóng như Futurisme (Viễn Lai) của Umberto Boccioni, Carlo Carrà, Dadaisme (Đa-Đa) của Tristan Tzara, Marx Ernst, Man Ray và Surréalisme (Siêu Thực) của Paul Delvaux, René Magritte, Yves Tanguy, Giorgio De Chirico và Salvador Dalí dần dần đưa đến chiều hướng Déconstruction (Phá Thể-Tái Cấu Trúc) của nửa sau thế kỷ XX.

Người làm nghệ thuật muốn đẩy tạo tác tới mức sáng tạo toàn diện, mà con người giữ vai trò phối hợp tái tạo. Modigliani, Chagall đem chân dung nhân bản tới kích thước và vị trí bay bổng, hướng thượng. Paul Klee, Miró giản dị hoá khuôn mặt người, vị trí sinh vật, để tạo thành những hình thể màu sắc căn bản, gốc nguồn. Vai trò giải phóng màu sắc của các hoạ sĩ hiện đại, từ Henri Matisse tới Georges Rouault và Raoul Dufy đã đem lại cho họ biệt danh “hoạ sĩ dã thú” (fauves, fauvisme) khi hoán dụ những tác phẩm bóng bẩy này với màu sắc của các thú vật rừng rú. Piet Mondrian, Wassily Kandinsky tiếp tục khai phóng màu sắc tới vị trí tác động ưu thế độc diễn trong bố cục khai mở của bức tranh. Hội hoạ hiện đại tiếp tục dịch biến từ mỹ thể, chất liệu tới kỹ thuật tác tạo. Tác phẩm mỹ thuật ngày hôm nay chú trọng nhiều tới trào lực và kỹ thuật sáng tác (dynamique de création): người xem tranh, ngắm tượng có dịp “hội nhập sáng tạo” để cùng tác giả bước vào cuộc hành trình tạo tác. Người xem tranh, ngắm tượng có triển vọng trở thành “đồng tác giả” của tác phẩm hậu ảnh, trùng khởi từ tác phẩm gốc. Như người soi gương, độc giả, người xem tranh sẽ thấy mình (tác phẩm trùng khởi) qua hình ảnh xuyên chiếu (réflexion spéculaire) trong gương (tác phẩm gốc).

Khi vẽ tranh, tôi nghiêng về trường phái trừu tượng để màu sắc linh động chuyên chở và khởi sắc tâm cảm của người vẽ. Cũng như trong thơ tôi, tranh tôi vẽ thường cô đọng thành trừu tượng, ghi lại cái căn nguyên của màu hồng trên môi, màu bạc của ánh sáng trên mặt nước, mà không vẽ người, không vẽ cảnh; như chỉ vẽ sức bay bổng, màø không vẽ cánh chim, thân chim. Tranh của tôi có thể gọi tạm là “tâm cảnh”, là nét bay bổng, qua sự phối hợp và nhịp độ của màu sắc, của ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn con người.

Khi tôi làm tượng đúc xi-măng, như bức hình trạm nổi (bas-relief) Âu Cơ, Một Mẹ Trăm Con tại bức tường giữa khu Tân Định, Sài-Gòn, như Hand of Hope (Bàn Tay Hy Vọng) tại Pendleton, San Clemente, California, tôi nghiêng về khuynh hướng biểu tượng, dùng hình thể, chất liệu để nói lên một hình ảnh ẩn dụ trong đó. Âu Cơ, Một Mẹ Trăm Con tiêu biểu cho truyền thống sinh lực dân tộc; Hand of Hope tiêu biểu cho sức vươn lên của Thế Hệ Việt Trẻ tại Hải Ngoại và trong Nước. Khi gia đình chúng tôi tới định cư tại Hoa Kỳ, qua trạm tiếp cư Camp Pendleton, tại San Clemente, California, Tướng Graham, vị Chỉ Huy Trưởng Quân Trại Thủy Quân Lục Chiến này đã mời tôi kiến tạo một bức tượng để kỷ niệm cuộc tị nạn vĩ đại đầu tiên của Người Việt tại Hoa Kỳ. Tôi phác hoạ rồi thực hiện trong vòng hai tháng bức tượng Hand of Hope (móng kiến trúc sâu tám feet, chiều cao bức tượng khỏi mặt đất chín feet) để tiên đoán và hình dung sức vươn lên của các thế hệ trẻ, con cháu của những Người Việt Tị Nạn đã hy sinh tất cả để tìm tự do và gây dựng tương lai cho con cái họ. Bức tượng này đã trở thành một Đài Kỷ Niệm của Chính Phủ Liên Bang (Federal Monument) liên tới cả trăm ngàn Người Việt Tị Nạn qua mạn California…

19. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho biết về sinh hoạt báo chí, văn hóa anh đeo đuổi tới ngày hôm nay? Quan niệm của Anh về những sinh hoạt này?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tôi đã từng làm Chủ Nhiệm Sáng Lập kiêm Chủ Bút các Tập San Carrefour (1960, Đại học Văn Khoa Saigon); Group Creation (1976, Michigan State University); Cỏ Thơm (1996, Virginia), Tư Tưởng Việt (2003, Virginia).

Riêng về trường hợp của Cỏ Thơm, căn cứ vào nhu cầu thiết thực, từ năm 1995 tôi đã tỏ ý thành lập một cơ quan ngôn luận chuyên về văn học nghệ thuật, biên khảo, sáng tác tại Vùng Hoa Thịnh Đốn. Tôi đã chia sẻ dự tính đó với Thi Sĩ Anh Độ Đỗ Cẩm Khê, với Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung, rồi đề nghị tên tờ báo là Cỏ Thơm với ý nghĩa và tôn chỉ của một sinh hoạt văn học dấn thân, nhập cuộc bằng đức hạnh và danh dự của người trí thức. Trong giai đoạn sáng lập, tôi nhận làm Chủ Nhiệm, Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung làm Chủ Bút. Sau một thời gian ngắn, Cỏ Thơm mời Văn Thi Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung làm Phó Chủ Bút, Thi Sĩ Đỗ Tràng Mỹ Hạnh làm Tổng Thư Ký, Thi Sĩ Nguyễn Đăng Tuấn làm Tổng Thư Ký Đặc Nhiệm (giao tế với văn giới, nhất là văn giới trẻ) và lập một Ban Chủ Biên gồm có các văn thi sĩ, biên khảo gia uy tín hợp tác thường xuyên với Cỏ Thơm, như Nguyễn Ngọc Bích, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hà Bỉnh Trung, Hồ Trường An, Lưu Nguyễn Đạt, Vi Khuê, Trần Bích San, Ngô Tằng Giao, Phạm Ánh-Bích, Vân Nương, Lê Thị Nhị, Nguyễn Hồng Thủy, Vũ Hối, Cao Mỵ Nhân, Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Đức Vinh, Vân-Trình Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Lân, Nguyễn Cao Quyền, Nguyễn Văn Thành, Sương Mai, Phan Khâm, Kim Vũ, Trần Quán Niệm, Trần Quốc Bảo, Hà Kỳ Lam, Đăng Nguyên, Việt Bằng, Phan Anh Dũng v.v. Ngoài ra, còn nhiều văn thi sĩ khác tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu tiếp tục gửi bài tới Cỏ Thơm trong suốt 10 năm qua như các văn thi sĩ Bình Huyên, Đỗ Bình, Mạnh Bích, Lê Trọng Quát, Trịnh Hưng v.v. Tới ngày hôm nay, vào khoảng trên dưới một trăm văn thi sĩ, biên khảo gia sinh hoạt chung với Cỏ Thơm. Kể từ năm 2001, văn thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung nhận làm chủ bút. Tới năm 2003, vì bận việc tổ chức Tập San Tư Tưởng Việt, nên tôi đã đề nghị Văn Thi Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung đứng ra đảm nhậm công việc quản trị Cơ Sở Cỏ Thơm.

Công việc làm của Cỏ Thơm là thiết lập một cơ sở văn học đứng đắn, trân trọng, mở rộng đón mời những văn thi hữu cùng quan điểm xây dựng tới chia sẻ hào khí văn học, đồng thời đóng góp khả năng trong ba địa hạt chính của Cỏ Thơm: (1) nghiên cứu, biên khảo, (2) trước tác văn thơ, (3) so sánh văn hoá, trước tác quốc tế, để phát huy tư tưởng nhân bản và các giá trị cao đẹp của Nền Văn Hoá Việt Nam. Mục đích của anh chị em chủ trương Cỏ Thơm là tạo dựng nhịp cầu chuyên chở, qua sinh hoạt văn học, cái hào hứng và trào lực nội tâm của Nền Văn Hoá Việt tới những Người Việt cùng tâm huyết, và nhất là tới các thế hệ trẻ, các thế hệ có cơ hội lẫn trọng trách tạo dựng tương lai và tư cách của họ đối với nguồn gốc và truyền thống Việt nói riêng, đối với nhân loại nói chung. Do đó, Tôn Chỉ của Cỏ Thơm luôn luôn gồm có ba trọng tâm: Tôn Trọng Sự Thật. Quý Trọng Nhân Phẩm. Trân Trọng Sáng Tạo.

20. HỒ TRƯỜNG AN: Xin Anh cho biết Anh có sinh hoạt gì trong phạm vi âm nhạc, điện ảnh? Anh thích những giọng hát nào, nhạc sĩ nào?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Hơn 60 bài thơ trong những thi phẩm kể trên (VÙNG CAO NƯỚC ẨN, HỒN NƯỚC, CA TỤNG NIỆM) đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có Nhạc Sĩ Nguyễn Túc (với hòa âm của Nhạc Sĩ Văn Phụng và Nhật Bằng), các Nhạc Sĩ Linh Phương, Anh Huy, Vũ Kinh Bang, Hoàng Thiện Căn, Phùng Thị Hạnh, Nguyễn Triệu Vinh. Riêng Triệu Vinh đã phổ nhạc 15 bài thơ của tôi, đúc kết thành một CD lấy tên Triền Miên, với hoà âm và thực hiện thu âm bởi Nhạc Sĩ Trần Đức Nam (Philadelphia). Đó là hai nhạc sĩ trẻ thật tài giỏi, mà tôi rất quý mến. Những ca sĩ tôi ưa thích nhất có lẽ vẫn là Khánh Hà, Tuấn Ngọc và một số ca sĩ trẻ trong nước, với những kỹ thuật rất điêu luyện.

Trong ngành điện ảnh, tôi có dịp đóng trong phim Đất Khổ (1971-72) với các Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, các Nữ Diễn Viên Bích Hợp, Kim Cương, Xuân Hà, Vân Quỳnh, Bé Bạch Lý, Tài Tử Minh Trường Sơn, cùng Đạo Diễn Hà Thúc Cần. Cuốn phim này không được trình chiếu tại Việt Nam, nhưng sau này, được ra mắt nhiều lần tại Pháp và Hoa Kỳ, tại Virginia (Đại Học George Mason), Hoa Thịnh Đốn (Trung Tâm Kennedy), Maryland (Đại Học Maryland) v.v. Cuốn phim Đất Khổ mô tả giai đoạn Tranh Đấu Phật Giáo lồng ghép vào cuộc giao chiến Quốc-Cộng, mà Dân Tộc Việt được”chọn làm thí điểm và thí vật cho kế hoạch Toàn Cầu Hoá dưới hình thức siêu quản trị kỹ thuật, kinh tế, quân sự và chính trị viễn kiểm (remote control). Dân Tộc Việt tới nay vẫn chưa tìm thấy phương thức tự cứu lấy thân phận mình, nên thấy cần có những cuốn phim tiếp nối: Đất Khổ II, III…cho tới khi có thuận hoà, thịnh vượng, hạnh phúc thực sự tại mảnh Đất-Hết-Khổ này. Nếu có dịp, tôi mong được hợp tác với các nhà đạo diễn, sản xuất điện ảnh nhân bản như Trần Song Thu & Đan Thúy Vy (Paris, France), Tony Bùi (California, USA), Lưu Việt (New York, USA).

21. HỒ TRƯỜNG AN: Dự định sáng tác của Anh trong tương lai ra sao?

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Tôi tiếp tục làm công việc vận chuyển những giá trị tinh thần của Nền Văn Hoá Việt, Tư Tưởng Việt tới tay và tấm lòng các thế hệ trẻ. Tôi mong muốn tham dự phần nào vào công việc đặt móng xây dựng những công trình văn học nghệ thuật sáng tạo cao đẹp mà các thế hệ con cháu chúng ta tạo dựng ngay tại Nước Nhà, hoặc biểu dương tại Hải Ngoại. Muốn tiếp nối xây dựng những cơ sở văn hoá đó, cần nuôi dưỡng ngay bây giờ những Tấm Lòng Việt tử tế thuận hoà, những Tâm Hồn Việt thông minh chân chính và đồng thời tạo dựng những Bàn Tay Việt khéo léo, khoẻ mạnh, kiên dũng để tự mình, tự tay thực hiện những viễn kiến cao đẹp đó. Hai năm nay, điện báo Việt Thưc [www.vietthuc.org] đang vận động theo hướng mở rộng môi trường kiến thức đa văn, không biên giới, không thành kiến, cùng lúc vận động khả năng hội nhập lịch trình tiến hoá của nhân loại, theo chiều hướng hài hoà, tự kiểm, tự quyết.

HỒ TRƯỜNG AN: Xin cảm ơn Anh Lưu Nguyễn Đạt.

LƯU NGUYỄN ĐẠT: Xin cảm ơn Anh Hồ Trường An.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn