BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73330)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nuôi lợn…liệt truyện

14 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1133)
Nuôi lợn…liệt truyện
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Hôm trước có entry “Tập thể…liệt truyện”, em Vân Linh của WB bên Washington DC đọc xong, liền vào phòng chào anh Cua. Em cười và nói thích những chuyện thời bao cấp. Vân Linh bảo, anh viết truyện nuôi lợn ở nhà cao tầng đi, em giúp cho vài tích. Rồi em vừa kể vừa lau nước mắt.

 Người nuôi lợn và lợn…nuôi người?

 Những năm cuối 1970, chẳng hiểu ai nghĩ ra nuôi lợn giữa thủ đô đầu tiên. Do đói kém, không có gì ăn đành phải tăng gia, nuôi gà vịt kể cả lợn, dù ai cũng biết là bẩn thỉu cảnh người lợn, lợn người cạnh nhau.

 Sau đó, phong trào lên cả những nhà cao tầng. Vào khu tập thể, thay vì hỏi gia chủ có mạnh khỏe không, câu chuyện bắt đầu bằng những chú lợn.

 Bác Tâm, hàng xóm ở Thành Công, có ông chồng gầy ho sù sụ cả ngày, nhưng nuôi lợn cực giỏi, béo tốt hơn cả chồng con.

 Nhà bác thường nuôi hai con, theo bác nói, để chúng tranh nhau, háu ăn, chóng lớn. Tính bác hơi chan chát, nhưng tốt tính, có lẽ vì thế mà có tay nuôi lợn.

 Mang mấy cái xô nhựa đi gửi tầng trên, tầng dưới, lấy nước gạo, thức ăn thừa, rau muống già để không mất tiền thức ăn. Lợi đủ đằng. Mấy ngày Tết thì lợn hưởng như người, có có cả bánh chưng thiu hay giò mốc vì để dành.

 Người ta thường chọn lợn cái, ít người mua lợn đực. Bọn thiếu nữ lợn đến tuổi động đực, kêu réo cả ngày không chịu ăn gì, má cứ đỏ hây hây. Các cụ nhìn qua phía đuôi cũng biết là cần kế hoạch hóa gia đình cho nàng.

 Thế là có dân hoạn lợn từ Gia Lâm qua Long Biên vào thành phố. Đang làm thơ lãng mạn, anh thương yêu em đến cuối đời, anh thề nguyền sẽ chung thủy, thì bỗng có tiếng rao “Hoạn lợn đây, hoạn cả lợn nam, lợn nữ, một phát ăn ngay, không sót trứng, không bỏ tinh hoàn, hoạn xong, lợn lớn như Thánh Gióng”. 

 Có lần mình sang chơi nhà bác Tâm, giả vờ khen lợn mới hoạn có vẻ chóng lớn. Bác sa sầm nét mặt vì người ta kiêng khen, nhưng cũng chẳng thích chê. Tốt nhất là ngắm lợn từ xa và tự chiêm nghiệm cuộc đời xem có giống lợn hay không.

 Quả thật, hôm sau bác than, chẳng hiểu sao lợn ỉa lỏng, không chịu ăn gì cả. Hai vợ chồng đang lo mất ăn mất ngủ. Nhưng mấy ngày cuối tuần, bác vồn vã gọi, chú Cua vào chơi xơi nước, cứ tưởng do vía chú độc nên lợn ốm, rủa chú oan.

 Hóa ra từ hôm chú sang chơi, lợn vật vờ do đau vết hoạn, nay khỏe hơn. Cứt lợn bây giờ khô lắm, tôi có thể bốc tay cho vào chuồng xí được. Chú ăn lạc, uống nước đi. Lợn ỉa vón cục mừng hơn cả chồng vừa dứt cơn hen.

 Vân Linh kể rất tội nghiệp. Bố mẹ cũng nuôi chú lợn trên tầng 3. Thiếu nước ăn, tắm giặt cho người nhưng vẫn phải đủ nước để dội phân, tắm mát cho lợn.

 Em là con gái mới 8 tuổi vào đi ị, sợ hết hồn, vừa ngồi vừa run. Con lợn gần tạ cứ ủi em ngã đổ vào tường để tranh thức ăn…thải.

 Bây giờ lấy chồng, có hai con, định cư bên Mỹ rồi. Em vẫn có giấc mơ Mỹ không thành là nuôi heo bên xứ cao bồi để dạy con cái. Có trải qua gian khổ mới nên người.

 Em kể, hồi đó vào mùa Tết, nhà được phân phối 1 kg thịt bò, sang lắm. Các cụ kho mặn rồi để trên bếp dầu, dành cho các con ăn dần ba ngày Tết. Cạnh đó là chuồng lợn, chính là cái buồng tắm, đã ngăn bằng một cái vỉ tre rất to và chắc. Cả nhà yên tâm đi chơi đón Giao thừa.

 Khuya về thấy cái vách ngăn tung lên, nồi thịt bò bị lợn xơi sạch hết sạch. Các con nước mắt ngắn dài, tiếc nồi thịt đứt ruột. Thế là hết Tết.

 Nhưng hai cụ còn lo lắng hơn khi thấy con lợn 50kg đang kêu réo, chõ mõm vào cái xô nước đã cạn tới đáy.

 Hóa ra cu cậu chén cả nồi thịt bò mặn quá nên khát nước. Uống bao nhiêu nước cũng chẳng ăn thua. Mấy ngày liền toàn nằm thở, bụng chướng, tưởng không qua khỏi. Mà lối đời, thịt lợn ốm không bán được cho ai, có bán cũng như cho.

 Run lập cập, các cụ thắp mấy nén hương, khấn trời đất giúp cho lợn tai qua nạn khỏi. Giời có mắt, thương người nghèo, chú lợn khỏi bệnh nan y thời đại “đời lợn ăn mặn, đời chủ tràn nước…mắt”.

 Được 80kg, bố mẹ bán cho hàng thịt và lấy cả cái thủ chiêu đãi các con đã phải nhịn thèm mấy ngày Tết vì mất nồi thịt bò.

 Nhớ thời lụt lội ở bến Chương Dương, người ta thấy một người đàn ông cởi trần, lội nước đẩy một cái bè, sơ tán cả nhà lên đê sông Hồng. Trên cái bè là bà vợ vung vẩy tay chỉ đạo. Bên cạnh là cậu con trai cởi truồng, rét run nhưng vẫn vỗ tay hoan hô.

 Trên cái bè là một cái giường, đủ chăn chiếu, chú lợn to tướng nằm ủn ỉn. Lợn phải tránh nước lũ rất độc, nếu không sẽ ốm, mất cơ nghiệp.

 Sự phân chia giai tầng rất rõ thời đó: CỤ LỢN trên giường, ÔNG CON trên bè, BÀ VỢ đứng chỉ huy và THẰNG CHỒNG lóp ngóp đẩy bè.

 Chuyện của Giáo sư Văn Như Cương kể vui về một gia đình trí thức còn thú vị hơn. Hai vợ chồng nhà nọ thấy khổ quá, cũng bắt chước nuôi lợn. Chả biết có lãi gì không nhưng hàng xóm ghen ăn tức ở, báo công an.

 Nhà công lực lập biên bản “Giáo sư XXX nuôi lợn, vi phạm qui tắc vệ sinh thành phố. Phạt vi cảnh 5 đồng (lương hồi đó 60 đồng là to lắm), và phải bán lợn ngay lập tức”.

 Giáo sư xem xong và đề nghị “Các anh giúp sửa một vài từ trong biên bản, tôi sẽ ký và nộp phạt ngay”.

 Hỏi ra mới biết ông đề nghị sửa “Lợn nuôi giáo sư XXX” cho đúng hoàn cảnh gia đình nhà giáo nghèo và lương thiện.

 Nghe nói mấy anh công an gạt lệ ra về và suy tư về thời đại “Lợn nuôi người”.

 Thịt lợn…trộm

 Những năm 1960, nhà ai nuôi lợn phải đăng ký với UB. Thịt, mua bán đều làm đơn trình báo, rồi nộp thuế khá cao. Lợn nhà mình bỏ tiền ra mua, nuôi bằng nước gạo và cám nhà mình, nhưng thuộc sở hữu nhà nước.

 Dân thì vốn gian. Chả ai dại gì đi nộp thuế vài đồng một đầu lợn, trong khi cả con lợn chỉ được vài chục đồng. Thế là có chuyện thịt lợn trộm, đủ kiểu, đủ bài. Công an hay dân quân, kể cả lính nhà đoan cũng phải lắc đầu.

 Ông Thiêm hàng xóm nhà Cua nổi tiếng là đồ tể lợn. Cụ chọc tiết một phát là đầy chậu, lợn chết ngay tắp lự. Quan trọng nhất là lợn không kêu thành tiếng. Eng éc là hàng xóm đi báo công an xã, họ đến tịch thu cả lợn, lại còn phạt tiền, sạt nghiệp, rồi phê cả vào lý lịch, gia đình không gương mẫu, con cái khó vào đoàn Thanh niên.

 Bài giết lợn của cụ Thiêm thật đơn giản. Cho cái vồ vào đầu, lợn ngất, cho ngay bàn lên chọc tiết. Chậm chút là lợn chết, tiết không ra thì thịt đỏ và hôi. Lũ trẻ được giao trách nhiệm trông dân quân đi tuần. Nếu ai lạ thì cảnh báo, chả khác gì ngoài chiến trường.

 Một nồi nước sôi cạnh bụi tre, cạo soàn soạt 10 phút xong chú lợn. Chia phần chính xác đến từng khúc ruột kể chim lợn. Các cụ còn gọi là đánh đụng, nhà ông một đùi, nhà tôi nửa đùi, cắt cắt, xẻ xẻ, trong nửa tiếng, con lợn biến mất như chưa từng có trên thế gian này.

 Sáng sớm hôm sau, bà già gầm lên, cha tiên nhân năm đời, mười đời nhà đứa nào ăn trộm lợn của bà. Mày ăn rồi mày nôn thốc thốc nôn tháo, chẳng được nên người.

 Đó là thông điệp ngầm cho chính quyền địa phương về con lợn “biến mất” đêm qua. Làng Tụ An ấy cứ vài ngày lại có cảnh mất lợn và tiếng chửi vang như hát hay.

 Dân quân xã tới lập biên bản và tìm quanh thấy cả một đống lông lợn cùng phân tro ngoài bụi tre. Hỏi, sao bọn trộm giỏi thế, ăn cắp con lợn to tướng, không ai biết, chó không cắn, mang ra bụi tre, đun nước xẻ thịt, không ai hay thì thật lạ. Đây là con dao bầu của nhà bà Ba phải không.

 Sau này còn nghĩ ra kiểu cho mấy hạt đậu vào tai lợn, lợn lọng óc không kêu, cứ thế mà chọc tiết.

 Thời mở cửa, dân đồ tể châm điện, lợn giật một cái là…đi, không kêu thành tiếng vì sợ ô nhiễm tiếng ồn trong khu phố.

 Có lần bà già đánh đụng thịt lợn của hàng xóm, mang về xào nấu thơm lừng. Bỗng dân quân ập vào kiểm tra. Bà vội mang cái chã đầy thịt ra bụi tre giấu. Họ đi khắp trong nhà, dưới bếp cũng không tìm ra.

 Dân quân đi rồi, bà ra lấy lại, thì than ôi, kiến vàng bu đầy. Vừa thổi vừa đuổi kiến, lũ con háu ăn chén tất. Kiến vàng hơi đăng đắng, cũng chẳng sao, so với mùi thịt lợn thơm và nước mắm tép vàng ươm chén với cơm trắng đầu mùa, Tổng Cua chưa thấy cao lương mỹ vị nào bằng.

 Bây giờ nuôi lũ con sao mà khó thế. Thịt kho tầu cực ngon, chúng bỏ hết mỡ, chỉ ăn nạc, lại còn chê ỏng chê eo, sao nhà mình toàn ăn pork.

 Giá như chúng đọc những dòng này sẽ hiểu tại sao, mỗi lần nhìn lũ con chê cơm, vứt thức ăn vào thùng rác, rồi sợ mỡ trong máu, Tổng Cua rơi nước mắt.

 Chả hiểu từ bé sống no đủ, Bin và Luck có nên cơm cháo gì không. Thằng bố của chúng ngày xưa, cả năm được vài miếng thịt lợn trộm mẹ mua ăn với kiến vàng, rồi cũng nên người.

 Hiệu Minh

11-11-2011

Theo Hiệu Minh Blog
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn