BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một vì sao vừa tắt: Thi sĩ Hà Thượng Nhân (2)

26 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 929)
Một vì sao vừa tắt: Thi sĩ Hà Thượng Nhân (2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
2.



Thơ dàn trải những nỗi niềm. Của những con người của một thời thế lịch sử đầy bi kịch. Hoàn cảnh ấy không phải chỉ riêng của một người như Hà Thượng Nhân hay Vũ Đức Nghiêm. Mà nó thành của chung của nhiều người của hàng trăn ngàn quân cán chính VNCH bị đầy ải trong ngục tù Cộng sản. Bản nhạc được phổ biến và hát lén lút trong tù. Cho tới bây giờ bài thơ và bài hát vẫn còn ghi khắc trong bộ nhớ của những người cùng chung số phận với thi sĩ và nhạc sĩ như một chứng tích không thể nào quên của lịch sử ViệtNam.

Bài thơ thứ hai là bài “Xin Làm Cỏ Biếc”, ông viết trong lúc chuyển trại từ Trại tù Thác Bà, Yên Bái về trại 6 Thanh Chương, Hà Tĩnh năm 1979:

anh cầm tay em
bàn tay khô héo
anh nhìn mắt em
gió lùa lạnh lẽo
anh nhìn lòng mình
mùa xuân mông mênh
cỏ non mùa xuân
còn vương dấu chân
trăng non mùa hạ
ướt đôi vai trần
có xa không nhỉ?
Ngày xưa thật gần
Thời gian! Thời gian
Em vẫn là em
Nụ cười rạng rỡ
Ngày nào vừa quen
Mai đưa em về
Xin làm cỏ biếc
Vương chân em đi
Xin làm giọt mưa
mưa giầm rưng rức
Trên vai người yêu…


Trong tù ngục Cộng sản, thì nhớ về gia đình là một phương cách để người tù “gắng sống mà trở về”. Đã có biết bao nhiêu cơn mơ của người tù cải tạo, đêm đêm nằm trong vòng lao ngục nhưng vẫn mơ đến gia đình, nhớ thương đến những người thân yêu đang xa cách. Nhà thơ Hà Thượng Nhân cũng thế, ở trong những trại giam khắc nghiệt nhất của chế độ Cộng sản, trong lúc bị chuyển trại nhọc nhằn từ địa ngục này sang cõi a tỳ khác, nhà thơ vẫn thản nhiên nghĩ về tình yêu của mình của thuở ngày xưa tươi đẹp. Đó là một phản ứng để quên đi thực tại đen tối của những người bị cả một chính sách quy mô đầy đọa.

Bài thơ này thiết tha của một tình yêu, vượt qua được cảnh giới u ám đen thẳm của những trại tù để về miền ký ức của ngày xưa, của tình cảm không phai nhòa dù trải qua nhiều cảnh huống đoạn trường của cuộc sống.

Khi nói về những bài thơ “Thư Của Chúng Mình” ông viết: “Đọc lại thơ cũ tôi vẫn bồi hồi xúc động như ngày nào. Ba mươi tám năm trời trôi qua (Tập thơ được viết vào năm 1949). Tập thơ vẫn chưa hề được công bố. Tôi bỗng nghĩ rằng: ‘Cuộc đời này tạm bợ còn có ý nghĩa hơn là tình yêu nữa không? Nỗi lòng của chúng tôi cũng như nỗi lòng của triệu triệu người vào cùng một lứa tuổi. Vậy thì tại sao không công bố? Tình yêu không có tuổi, lòng ta không già…’”

Theo tài liệu của Wikipedia tiếng Việt thì “Về tài văn thơ ông có biệt tài làm thơ trào lộng nhưng khi còn trẻ tuổi ông cũng sính thơ Đường. Khi vào Huế trong một cuộc chơi thơ ông có ứng khẩu một bài thơ vịnh “trăng thu” mà được cụ Ưng Bình chấm là hay nhất và khen:

Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ
Một bài cũng đủ gọi Thi ông….


Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng quê quán ở Thanh Hóa nên rất thân thiết. Hữu Loan, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, người đã phê bình sự dốt nát của các quan “văn nghệ Cộng sản” bằng hình ảnh ví von thật ác: “Những mắt lợn thưởng tranh. Những tai trâu huấn nhạc.” Và cũng chính Hữu Loan, tác giả của bài thơ “Mầu tím hoa sim”, người đã không thèm cầm bút theo sự chỉ huy của chính quyền chuyên chế, về cày ruộng thồ đá, lao động như một nông dân chính hiệu.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã có những câu thơ phác họa chân dung bạn mình thật sống động như:

...Nguyễn Hữu Loan
hồn nhiên như con trẻ
đơn sơ như miệng cười
dám chân thành làm một con người
giữa bão tố quyết không là cây sậy
chỉ biết cúi đầu vâng lời lẽ phải.
Với bạn bè gìn giữ thủy chung
Đỗ Phủ xưa dù lớn vô cùng
Nguyễn Hữu Loan không chịu là Đỗ Phủ
Ba mươi mấy năm chân trần lam lũ.
-Đói khôngLoan?
Khổ không Loan?
Tao chẳng khổ bao giờ
Tao đi cày như tao làm thơ
-Mày đi cày vì mày dám làm thơ.
Thơ vĩ đại vì thơ không đánh đĩ
Bọn dối trá chẳng thể là thi sĩ
Kiệt Trụ đừng nói chuyện thi ca.
Nhớ Nguyễn Du xưa rau cháo xanh da
Nửa tháng ốm không có tiền mua thuốc.
Không cần thép thơ vẫn thành bó đuốc.
Thơ nâng người cao sát với thần linh


Thi sĩ Hà Thượng Nhân không ca tụng Hữu Loan với tư cách một người bạn mà ông muốn qua chân dung thi sĩ, mà có người ví von là một “cây thước gỗ lim vuông cành cạch”, để tố cáo một chế độ cai trị độc tài sắt máu gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho toàn dân. Thơ của ông nói về một nhà thơ chính trực như Hữu Loan còn là tiếng nói chính luận của lương tri của những người Việt Nam yêu tự do dân chủ.

Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ thông tuệ, làm thơ Đường Luật rất nhanh và chỉnh. Có người đã nói ông giống như Tào Thực ngày xưa đi bảy bước là đã hoàn thành được một bài thơ tuyệt tác. Thế mà thơ của ông đã làm xong tới cả hàng ngàn bài mà trong đời của ông mới chỉ in một tập thơ nhỏ vì lời yêu cầu của nhiều người ái mộ ông. Cho đến khi ông bị bệnh nặng, nằm trong bệnh viện và lại đang trong cảnh “lá già khóc lá xanh” khi người con trai thứ là Pham Xuân Dương từ trần, nên để cho thi sĩ gượng vui nên đã in Thơ Hà Thượng Nhân để có một dấu tích của kỷ niệm đẹp cho văn học Việt Nam. Và ngày ra mắt tuyển tập thơ ấy, nhà thơ như trẻ lại. Xem DVD thu hình lại buổi lễ, thấy ông miên man nói về thơ, về văn chương với cả một sự đam mê trân trọng đến quên đi cuộc đời nhiều bi kịch của những người lưu lạc Việt Nam hôm nay.

Nhưng, hôm nay, nhà thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Chín chục năm góp mặt với đời, qua bao nhiêu biến cố lịch sử, bao nhiêu cuộc thăng trầm, những bài thơ vẫn còn như một chứng tích của tấm lòng vuông tròn với cuộc sống. Là một quan võ nhưng lại có lối hành xử của quan văn, là một người đã trải qua và hiểu được chế độ Cộng sản, ông như người đặt rường cột cho ngành chiến tranh tâm lý mà sau này phát triển thành tổng cục chiến tranh chính trị. Nhưng, bất cứ ở đâu và bất cứ ở một vị trí nào, ông cũng là người yêu nước và yêu văn chương và muốn chữ nghĩa tạo được sự tốt đẹp cho cuộc nhân sinh.

Một kẻ hậu sinh như tôi viết bài này như một cách thế đốt nén tâm hương để gửi đến người thi sĩ đã vừa ra đi.

Nguyễn Mạnh Trinh

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn