BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73331)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua lịch sử (3)

29 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 1067)
Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua lịch sử (3)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
C- Nữ lưu được dân gian quý mến

1- Được quý mến vì Tài:

1.1- Bà Đoàn Thị Điểm

Bà Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) là vị nữ sĩ danh tiếng nhất của Việt Nam thời Lê, tác giả bản dịch Nôm “Chinh phụ ngâm.”

Tiểu sử

Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang. Quê tại làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Do lấy chồng họ Nguyễn nên bà còn có tên là Nguyễn Thị Điểm.

Bà là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi, mẹ Bà là người họ vũ và là vợ hai ông Nghi, nhà ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc bây giờ) sinh một trai (năm 1703) là Đoàn Doãn Luân và một gái (năm 1705) là Đoàn Thị Điểm. Từ nhỏ anh em Bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái lĩnh bá, và được dạy dỗ chu đáo làu thông Tứ thư, Ngũ kinh như anh Bà.

Bà Đoàn Thị Điểm là người có tài trí và nhan sắc hơn người, nổi tiếng từ hồi trẻ. Năm 6 tuổi đã học rất giỏi. Năm 16 tuổi, có quan thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung chúa Trịnh, nhưng Bà nhất định từ chối. Về sau cha mất, gia đình phải chuyển về quê nhà, được ít lâu dời về làng Võ Ngai, tại đây Bà Đoàn Thị Điểm cùng anh trai Đoàn Luân hành nghề dạy học.

Nhưng ông Luân mất sớm, Bà Đoàn Thị Điểm lại đem gia đình lên Sài Trang, ở đây bà được vời dạy học cho một cung nữ. Thời gian này Bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, gần như một tay nuôi sống cả gia đình - gồm 2 cháu nhỏ, mẹ và bà chị dâu goá. Bởi tài năng và sắc đẹp cộng với tính hiếu thuận rất đáng quý, bấy giờ Bà được nhiều người cầu hôn nhưng nghĩ đến gia đình đành chối từ tất cả.

Năm 1739 Bà lại dẫn gia đình về xã Chương Dương dạy học.

Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, Bà nhận lời làm vợ kế Binh bộ tả thị lang Nguyễn Kiều, đang góa vợ, rồi theo ông về kinh đô. Ông Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng là người hay chữ. Sau đám cưới vài ngày, thì ông Kiều phải đi sứ sang Tàu. Thời gian này Bà Đoàn Thị Điểm còn nghiên cứu thiên văn, bói toán và viết sách...

Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẳng vừa kết thúc, Bà lại phải khăn gói, từ biệt mẹ già cháu nhỏ để sang Nghệ An, nơi ông Kiều mới được triều đình bổ nhiệm. Sang Nghệ An buồn bã quá, một phần nhớ người thân lại thêm lạ nước lạ cái, bệnh hoạn xuất hiện rồi ngày càng phát, đến ngày 9 tháng 11 năm 1748 (âm lịch), Bà Đoàn Thị Điểm qua đời, hưởng dương 44 tuổi.

Sự kính yêu của người đời sau với Bà Đoàn Thị Điểm không chỉ vì tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, còn vì Bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh tốt đẹp xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại.

Sự nghiệp

Bà Đoàn Thị Điểm được xem là đứng đầu trong số các nữ sĩ danh tiếng nhất Việt Nam (sau đó là Bà huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương, Bà Sương Nguyệt Ánh).

Bà làm thơ rất hay, tiếng tăm đã nổi từ 15 tuổi, được những bậc hay chữ cùng thời như Ngô Thì Sĩ, Đặng Trần Côn tán thưởng.

Khi Bà dạy học ở kinh thành và Chương Dương xã đều được rất đông học sinh tới học, trong đó có người sau này đỗ tiến sĩ là ông Đào Duy Ích.

Tác phẩm

Bà Đoàn Thị Điểm viết sách nhiều nhưng thất lạc cũng nhiều, hậu thế chỉ còn biết đến một vài tác phẩm Hồng Hà nữ sĩ gồm:

- “Tục truyền kỳ”

Còn gọi là “Truyền kỳ tân phả,” sách viết bằng chữ Hán.

- “Chinh Phụ Ngâm”

Là bản việt hoá của tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” bằng hán văn của ông Đặng Trần Côn sáng tác. Bản dịch gồm 412 câu theo lối song thất lục bát, trong diễn tả nhiều tâm trạng: hy vọng, buồn bã, giận hờn tựu về một mối đó là nỗi nhớ nhung khắc khoải của một người chinh phụ (vợ có chồng đi lính) đang chờ chồng trở về sum họp.

Đây có lẽ cũng là tâm trạng của bà Đoàn Thị Điểm trong các năm 1743 - 1746 khi ông Nguyễn Kiểu đi sứ sang Trung hoa.

Tuy là bản dịch, nhưng thậm chí còn được yêu thích hơn bản chính, nên đến nay được xem như là một sáng tác của Bà Đoàn Thị Điểm.

Tác phẩm từng được dịch ra tiếng Pháp bởi những nhà văn trong nhóm Mercure de France, với tên Les Plaintes d’une Chinh phu (1939). Sau này giáo sư Takeuchi dịch ra tiếng Nhật, với tên Seifu Ginkyoku.

Cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà nữ sĩ được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam.

Giai thoại về những câu đối

Bà Đoàn Thị Điểm còn là một nữ sĩ nổi tiếng với nhiều giai thoại về khả năng xuất khẩu tài tình: Đêm trăng, anh trai Đoàn Doãn Luân từ ngoài bờ ao vào thấy Bà Đoàn Thị Điểm đang soi gương bèn đọc:

Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm

(Nghĩa là: Soi gương vẽ mày, một chấm hóa thành hai chấm)

Bà Đoàn Thị Điểm đáp ngay:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân

(Nghĩa là: Ra ao ngắm trăng, một vầng chuyển hóa hai vầng)

Thật là khéo, nội dung đúng như bối cảnh, người vẽ lông mày, người ngắm vầng trăng, lại vận được tên cả hai anh em.

"Da trắng vỗ bì bạch"

Tương truyền một lần Bà Đoàn Thị Điểm đang tắm còn Trạng Quỳnh đang đợi ngoài cửa và đứng ngoài đập cửa đòi vào. Bà Đoàn Thị Điểm đã ra câu đối "Da trắng vỗ bì bạch" và giao hẹn nếu đối được thì đồng ý. Nhưng với câu đối này, Trạng Quỳnh không thể đối lại được.

Có người cho rằng nhân vật nữ trong giai thoại trên có thể là Bà Hồ Xuân Hương (?) Cũng có giả thuyết nói Trạng Quỳnh chỉ là nhân vật hư cấu và các câu chuyện Trạng Quỳnh lấy lại từ điển tích Trung hoa (?)

Ngày nay, có người đưa ra một số vế đối cho "Da trắng vỗ bì bạch" không hoàn chỉnh về luật đối như “Rừng sâu mưa lâm thâm” (bởi một giáo sư văn học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Trời xanh màu thiên thanh,” “Giấy đỏ viết chỉ chu,” “Gái đường thích điếm đàng.” Quyển “Thế Giới Mới” đăng câu “Tay tơ sờ tí ti,” với giải thích như sau: "Tí" nghĩa chữ Hán là "tay,” còn "ti" nghĩa là "sợi tơ.” "Tay tơ" là tay người trai trẻ. "Tí ti" còn có nghĩa là chút ít, và còn để chỉ nhũ hoa của người phụ nữ?!).

Đối đáp với Trạng Nguyễn

Bà Đoàn Thị Điểm có lần gặp Trạng Nguyễn và hai người cùng đi tìm đường đến phố Mía (phố chuyên kéo mía làm mật, đường). Trên đường đi, Bà đã phải hỏi đường một cô hàng mật. Gần đến nơi, Bà ra vế đối:

“Lên phố Mía, gặp cô hàng mật. Cầm tay kẹo lại, hỏi thăm đường.”

Trạng Nguyễn không đối lại được đành cúi đầu bái biệt.

1.2- Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan (chữ Hán: 婆縣清觀,? -?), tên thật: Nguyễn Thị Hinh, là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam.

Tiểu sử

Nguyễn Thị Hinh người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội.

Cha Bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi Bà là Bà Huyện Thanh Quan. Chồng bà làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).

Dưới thời vua Minh Mạng, Bà được vời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi.

Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.

Năm 1870, ở Nghi Tàm nổ ra cuộc đấu tranh chống lệ nộp chim sâm cầm, một đặc sản của vùng này. Theo Ngọc phả (ghi nhận công đức của những người có công với dân làng), thì chính Bà Huyện Thanh Quan đã thảo đơn cho dân gửi lên vua, nhưng vì phục tài đức của Bà nên quan huyện Hoàn Long đã phớt lờ đi

Tác phẩm

Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện gồm những bài sau:

1. Thăng Long thành hoài cổ

2. Qua chùa Trấn Bắc

3. Qua Đèo Ngang

4. Chiều hôm nhớ nhà

5. Nhớ nhà

6. Tức cảnh chiều thu

7. Cảnh đền Trấn Võ

8. Cảnh Hương sơn

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy thì 4 bài đầu là hoàn toàn chính xác của Bà Huyện Thanh Quan bởi có sự thống nhất từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật. Bài thứ 5 (Nhớ nhà), như là một dị bản của “Chiều hôm nhớ nhà.” Hai bài 6, 7 xét từ phong cách thì không giống phong cách Bà Huyện Thanh Quan mà giống phong cách Hồ Xuân Hương nên ông cho là của Bà Chúa Thơ Nôm (xem thêm chuyên luận Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của ông). Cuối cùng bài 8 cũng không giống với tư tưởng và phong cách Bà Huyện Thanh Quan.

Nhận xét

Trích:

- Dương Quảng Hàm:

“Những bài thơ Nôm của Bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra Bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.”

- LM Thanh Lãng:

“Thơ Bà Huyện Thanh Quan đầy chất thơ. Lời thơ của Bà điêu luyện, gọt giũa, đẹp như một bức tranh cổ.”

- Phạm Thế Ngũ:

“Nhiều nhà phê bình đã đưa ra thuyết Bà Huyện Thanh Quan mang nặng tấm lòng thương tiếc nhà Lê, thuyết ấy không phải là vô căn cứ. Cái tâm trạng hoài Lê ấy, cũng là tâm trạng chung của nhiều nho sĩ Bắc Hà sau ngày thống nhất...Nhưng nói là nhớ tiếc cái chính trị của mấy ông vua thời Lê mạt thì không đúng. Bà hướng về một quá khứ mà có lẽ bà cũng không tường tận lắm, và bà cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì; nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình...Vì thế thái độ hoài Lê của Bà cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình...

Về mặt nghệ thuật: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp... Cho nên thơ Bà rất được các nho gia xưa yêu chuộng, ngâm nga...

Thơ luật đời Nguyễn Sơ, ở tác phẩm của hai nữ sĩ là Bà Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, như vậy quả đã tiến đến cao độ mỹ diệu. Thơ Bà Hồ Xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bẩy, duyên dáng. Thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ Xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học. Bà Huyện Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại, cùng với tinh túy của Đường thi...”

- Nguyễn Lộc:

“Thơ Bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh Bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá...Hơn nữa, nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của Bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ. Thơ Bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu.”

Giai thoại

Kẻo mai nữa già

Lúc ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đã đệ đơn lên trình bày rằng chồng cô đã ruồng bỏ cô để xin được ly dị, lấy chồng khác. Vì thương cảm, Bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng phê đơn bằng mấy câu thơ:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?

Chữ rằng: Xuân bất tái lai

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!

Hay chuyện, chồng cô Đào kiện quan trên. Quan trên ăn hối lộ, giáng chức ông huyện Thanh Quan.

Làm trâu

Có một ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Cảm động trước hiếu hạnh của ông này mà chồng thì đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ:

Người ta thì chẳng được đâu

"Ừ " thì ông Cống làm trâu thì làm.

Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.

Ngoài ra, trong sách “Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam” của Thu Hằng còn có thêm vài cuộc đối đáp, đàm luận thi phú giữa Bà với vua Minh Mạng.

1.3- Bà Hồ Xuân Hương

(Bà Chúa Thơ Nôm)

Bà Chúa Thơ Nôm, đó là cái tên mà nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (胡春香) được mệnh danh.

Bà sống vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Cả cuộc đời Bà đã để lại một kho tàng thơ khổng lồ thực sự độc đáo, giàu tính nghệ thuật mà cho đến bây giờ những bài thơ của bà vẫn chưa tìm ra được hết. Theo một số người thì thơ của Bà là thơ "vừa thanh vừa tục.” Thực sự có thể coi bà là người phụ nữ Việt Nam có tư tưởng tiến bộ đầu tiên khi đã vượt qua rào cản của những luật lệ và một số phong tục cổ hủ thời bấy giờ để đưa những tâm tư tận đáy lòng của người phụ nữ lên những vần thơ, một người phụ nữ thật đặc biệt và hiếm hoi. Như vậy, Bà Hồ Xuân Hương là người phụ nữ thuần Việt sống trong cuộc sống mà xung quanh Bà chỉ toàn những kẻ tầm thường.

Tuy nhiên, tiểu sử của Bà Hồ Xuân Hương vẫn còn nhiều chỗ gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn đưa ra những giả định như Bà Hồ Xuân Hương không phải là một thi sĩ có thực, những bài thơ là do nhiều người viết nên (?)

Xin trích bài viết của tác giả Đoàn Hữu Hậu viết về tiểu sử của Bà Hồ Xuân Hương:

“Trong làng thơ Nôm đã thể hiện bấy lâu những bài thơ tinh tế và sống động của một tác giả mà nhiều người vẫn gọi là: Bà Hồ Xuân Hương. Sự thật thì tiểu sử của tác giả vẫn chưa đủ căn cứ để thoả mãn chúng ta về sự hiện diện của người. Thơ nằm sờ sờ ra đấy mà tác giả là ai?”

Ta hãy nghe Dương Quảng Hàm giải bày trong Littérature Annamite:

“… Bà là con gái ông Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, huyện Huỳnh Lưu, xứ Nghệ An. Nhân ông Diễn dạy học ở Hải Dương. Lấy người thiếp ở đấy sinh ra Bà…”

Có đúng vậy không? Nhiều sách viết khác nhau, nhiều giai thoại khác nhau về bà.

Thân thế của Bà không có sách nào chép rõ. Người ta chỉ xét thơ của Bà mà biết được đại khái. Phần đông người ta tin rằng tiểu sử bà như thế này: Bà ở về đời Lê mạt, Nguyễn Sơ. Cha mất sớm, mẹ cho đi học. Học giỏi, thường lấy các văn thơ thử tài các văn nhân thi sĩ thời bấy giờ. Có lẽ vì sự thách thức kén chọn ấy, nên duyên phận long đong. Sau Bà lấy lẽ một ông Thủ khoa làm quan đến Tri Phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Yên). Nhưng được ít lâu thì ông Phủ mất (Khóc ông Phủ Vĩnh Tường) Sau vì gia cảnh nên lấy người cai Tổng, tục danh là Cóc. Không bao lâu ông Tổng cũng chết (Khóc ông Tổng Cốc). Từ bấy giờ hình như Bà chán nản nỗi số phận hẩm hiu nên thường đi chơi các nơi thắng cảnh và ngâm vịnh thơ ca để khuây khỏa nổi buồn. Có lần hình như bà cũng muốn đi tu, nhưng một người tài tình như bà không thể giam mình chốn thâm sơn cùng cốc nên Bà lại thôi.

Trong Việt Nam văn học sử yếu có viết:

“Bà sinh vào khoảng Lê mạt cùng thời với Phạm Đình Hồ tức Chiêu Hổ (1768 – 1839)…”

Chúng ta thấy thân thế về Bà Hồ Xuân Hương vẫn còn mơ hồ. Không ai khẳng định rõ ràng, mà chỉ xét thơ văn mà viết đại khái, với những chữ nghi vấn như “có lẽ” “hình như…” Điều nầy khiến chúng ta không thể quả quyết rằng Bà Hồ Xuân Hương có một cuộc đời như thế.

Trong Nam Thi Hợp Tuyển tác giả Nguyễn văn Ngọc viết rằng:

“ Nàng sinh vào đầu nhà Nguyễn không chắc rõ quê quán ở đâu? Có kẻ truyền tụng rằng nàng gốc tích ở Nghệ An…”

Đã không chắc rõ mà lại còn nghe theo lời truyền tụng thì làm sao tránh được những sai lạc?!

Tiếp sau là những giai thoại:

“…Nàng định kén chồng, nhân gặp khoa thi, nàng mở một ngôi hàng nước để tiếp các danh sĩ vào làm thơ, người nào “trúng tuyển” thì mới chịu kết hôn. Nhiều người làm thơ đều thất bại cả. Sau kỳ thi, người đỗ Thủ khoa, đi cùng người em trai xin được vịnh thơ nàng. Nàng ra đề là Thạch Liên Thiên. Ông Thủ khoa ngậm bút hồi lâu mới viết được bốn chữ ‘Tiên thạch nguyên lai’ rồi lại ngẫm nghĩ mãi không ra được chữ gì nữa. Nàng sai thị tỳ ra bảo: ‘Không làm được thì về sao lại cứ ngồi ngậm bút mãi?’ Ông Thủ khoa nghe nói chết cứng cả người… Nghe đâu chính ông nầy sau làm Tri Phủ Vĩnh Tường, tên gì không rõ (?!)”

Một người đàn bà, có can đảm mở ngôi hàng để kén chồng thì không phải là tay vừa. Về tài của Bà thì không thấy nói tới, chẳng lẽ bà lại làm toàn những bài “thơ tục” hiện đang truyền tụng hay sao? Còn về sắc thì cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến tả trong Giai Nhân Dị Mặc như sau: “Hồ Xuân Hương mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngâm đen, không đẹp mà có duyên thầm… có thiên tài lại giàu tình cảm…” Không hiểu cụ căn cứ vào đâu để tả thực như thế? Có điều như thế nghĩa là không đẹp? Mà xấu thì câu chuyện cụ Nguyễn văn Ngọc đã kể trên cũng thật vô lý.

Xem đó, tiểu sử tác giả, những tài liệu lờ mờ trên không đủ để minh xác sự hiện diện của một người đàn bà tên thật là Hồ Xuân Hương.

Thế nhưng, trong khi tiểu sử chưa xác định, nhiều học giả chủ quan đã vội vàng bình luận với thiên kiến của mình. Chẳng hạn như ông Nguyễn văn Hanh người đầu tiên áp dụng phương pháp bệnh lý vào việc khảo cứu văn học, khi đọc qua thuyết Tâm phân học của Freud, ông viết: “Người ta ai cũng có sẳn tình dục. Nếu để tự nhiên theo sự nảy nở của cơ thể thì không sau, nhược bằng vì một lý do nào đó mà phải kiềm chế, thì có thể xảy ra bệnh lý gọi là “ẩn ức tình dục,” khiến con bệnh sinh ra những ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động đặc dục tình…” Rồi khi đọc những dòng tả Hồ Xuân Hương: “…. Mặt hơi rỗ hoa, da ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm…” thì ông vội tin ngay là người con gái kia vốn đa tình nhưng vì kém sắc nên không được chuộng đến phải ẩn ức mà phát ra cái loại thơ kinh khủng “đặc dục tình kia” (?!) Đó là giải thích về nguồn gốc, còn về công dụng thì học giả Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm căn cứ vào vào lời thơ có vẻ “đàn bà” và dựa trên lập trường đấu tranh giai cấp, ông đã khoát cho thi sĩ một chiếc áo cách mệnh. Ông cho rằng thơ Bà Hồ Xuân Hương là lợi khí của phụ nữ chống chế độ phong kiến, chống nam quyền. Đàn bà chống đàn ông thống trị và áp bức. Khẩu hiệu nghe thì hay lắm. Nhưng Bà chống ở điểm nào? Chống ở chỗ Nho giáo phong kiến bắt người ta phải cưới xin hẳn hoi rồi hãy có chửa. Thật là vô lý. Cái vô lý đó bị nhân dân xỉ vả:

“Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường”


Cái sự thường đó đã thể hiện qua bài thơ:

Cả nể cho nên sự dỡ dang
Nỗi niềm chàng có biết hay chăng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc?
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.
Cái tội trăm năm chàng chịu cả.
Mảnh tình một khối thiếp xin mang!
Quản bao miệng thề lời chênh lệch
Những kẻ không mà có, mới ngoan”
(Chửa hoang)

Hồ xuân Hương cách mạng, Hồ Xuân Hương cải tạo xã hội, Hồ Xuân Hương chống nam quyền bằng cách cổ động cái hành vi sinh lý lên trên đạo lý. Không biết con đường cách mạng ấy sẽ đưa nhân loại tới đâu?


___________________

Ghi Chú để đọc thêm:

Còn nhiều hoài nghi, nghi vấn về nguồn gốc những bài thơ nôm của Bà Hồ Xuân Hương… Các học giả uyên thâm cho là các bài thơ “táo bạo” của Bà thực ra là của nhiều tác giả khác nhau… Nhưng cho dù kết quả của những cuộc nghiên cứu có đúng hay không (cho dù Hồ Xuân Hương là một người hay nhiều người), thì Bà Hồ Xuân Hương vẫn được xem là một nữ thi sĩ kiệt xuất của đất nước; một Hồ Xuân Hương tồn tại mãi trong tất cả những người Việt Nam, không chỉ riêng phụ nữ Việt Nam. Đọc thơ của Bà để yêu mến và trân trọng những người con gái, phụ nữ Việt Nam.

Sau đây là một số bài thơ khác của Bà Hồ Xuân Hương đáng được chú ý:


Đánh đu

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân có biết xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

Con ốc nhồi

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi,
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Mắng Học Trò

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ,
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Bánh trôi nước

Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Bà lang khóc chồng

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti.
Ngọt bùi, thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng, chàng ơi, vị quế chi.
Thạch nhũ, trần bì, sao để lại,
Quy thân, liên nhục, tẩm mang đi.
Dao cầu, thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh kỳ, chàng ơi, tử tắc quy.

Lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa, nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.


Đồng tiền hoẻn

Cũng lò cũng bể, cũng cùng than,
Mở mặt vuông tròn với thế gian.
Kém cạnh cho nên mang tiếng hoẻn,
Đủ đồng ắt cũng đóng nên quan.

Giếng nước

Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông!
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng

Quả Mít

Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra taỵ

Sư bị ong châm

Nào nón tu lờ, nào mũ thâm,
Đi đâu chẳng đội để ong châm.
Đầu sư há phải gì bà cốt,
Bá ngọ con ong bé cái lầm.

Tát nước

Đang cơn nắng cực chửa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ *** vắt ve.
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dang bang một lúc đã đầy phè.

Thiếu nữ ngủ ngày

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.

Cảnh Thu

Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh ôm cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu.
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.
Ơ hay, cánh cũng ưa người nhỉ,
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Hỏi Trăng

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn.
Hỏi con bạch thố đà bao tuổi,
Hở chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ chi soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non?

Cảnh chiều hôm

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn
Kẻ chốn Chương Đài nguời lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn


1.4- Bà Sương Nguyệt Ánh

(theo Lan Hương – Báo Quê hương)

Lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam đã từng trang trọng ghi nhận tên tuổi, sự nghiệp một nữ chủ bút đầu tiên nổi tiếng - Sương Nguyệt Ánh.

Bà tên thật là Nguyễn Xuân Khuê gọi là Xuân Khê, tục danh Năm Hạnh, biệt hiệu là Nguyệt Anh. Bà sinh ngày 08.03.1864 tại Ba Tri (Bến Tre), là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, sinh ra vào thời kỳ nhà thơ về Bến Tre nương mình trong những ngày chạy giặc. Lớn lên giữa cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót quân thù, bên người cha - nhà thơ - chí sĩ tài năng, khí tiết, suốt đời dùng ngọn bút đấu tranh không mệt mỏi vì tự do và người mẹ hiền thục tảo tần, Bà sớm thừa hưởng được chí cha, đức mẹ, có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên một sự nghiệp. Từ nhỏ đã nổi danh tài sắc nhưng bước vào đời, Bà không gặp may mắn. Lấy chồng năm 24 tuổi, được mấy năm thì chồng chết, Bà ở vậy nuôi con gái. Cha mẹ đều đã qua đời, cảnh cô đơn lại càng thêm neo đơn, người goá phụ Xuân Khuê cương quyết thủ tiết. Từ đó tên và bút hiệu của Bà vĩnh viễn là Sương Nguyệt Anh điểm thêm một chữ Sương trước tên hiệu Nguyệt Ánh là vì thế...

Sương Nguyệt Ánh đã toan an bài với số phận, không màng tới thế sự nhưng tài năng, nhiệt huyết của bản thân cùng cảnh đời đau thương mà sôi động lại chẳng thể làm Bà dửng dưng. Những năm đầu thế kỷ XX khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, Bà nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Phong trào bị đàn áp rồi thất bại, Bà vẫn không nản lòng, tiếp tục tìm mọi cách góp sức mình vào công cuộc cứu nước. Năm 1917, Bà nhận lời mời của một nhóm chí sĩ ái quốc ra làm chủ bút tờ báo “Nữ giới chung” xuất bản tại Sài Gòn. Đây là tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 01.02.1918 báo ra số đầu và bà chính thức trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam. Suốt hơn 20 số báo, Bà dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà chẳng những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm... Tháng 07.1918, tờ “Nữ giới chung” phải đình bản, Bà lại về Ba Tri theo gương cha ngày trước dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn cho tới ngày tạ thế (20.01.1921).

Sương Nguyệt Ánh thuộc thế hệ nhà thơ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làm thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm và quốc ngữ. Giọng thơ cổ kính nhưng tha thiết, tràn trề nỗi niềm nhân thế trong một sự cảm nhận sâu sắc có phần bi phẫn mà ngang tàng.

Viết về cuộc đời mình, lời thơ của Sương Nguyệt Ánh bao giờ cũng điềm tĩnh nhưng khảng khái và ẩn chứa chút tự hào riêng của một "trang tiết phụ,” dẫu gặp cảnh đời éo le, nhân duyên trắc trở, bị cuộc sống xô đẩy và dẫu luôn vươn tới cái mới, cái hiện đại thì vẫn giữ được lòng kiên trinh truyền thống - bản tính đáng quý của phụ nữ Việt từ bao đời nay.

Tình thương, sự hoà đồng và cảm thông, chia sẻ với những người cùng giới, cùng cảnh được thể hiện khá đằm thắm trong thơ Sương Nguyệt Ánh. Năm 1914, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp mộ lính Việt Nam đưa xuống tàu sang Pháp tham chiến. Sương Nguyệt Ánh đã phản kháng bằng một bài thơ chữ Hán da diết, làm thay lời người vợ than khóc cho cuộc chia ly không hẹn ngày trở về, cho nỗi nhớ mong khắc khoải:

Cỏ rạp thân mềm liễu rũ hoa

Chàng đi bao thuở lại quê nhà

Nửa đêm trăng xế lòng ngao ngán

Chiếc gối quyên gào luỵ nhỏ sa

ải bắc mây giăng che bóng nhạn

Vườn xuân nắng tạc ủ mày nga

Nhớ nhau mất lúc chiêm bao thấy

Nhìn dặm lang quân biết chi là?

Sương Nguyệt Ánh còn nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm khác như Thưởng bạch mai, Điếu Khuất Nguyên, Ngày Đoan Dương... Nhìn chung ngôn ngữ và hình tượng thơ chưa có gì quá độc đáo hoặc quá mới mẻ nhưng cái tình thì sâu rộng, nồng nàn, chân thật và sự cảm nhận tinh tế.

Bằng tất cả tài năng tâm huyết suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Ánh đã để lại tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà.

2- Được quý mến vì đức hạnh:

2.1- Nguyên phi / Thái hậu Ỷ Lan

Ỷ Lan (Hán tự: 倚蘭, 1044–1117) là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.

Xuất thân

Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tương truyền có tên là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt ghi lại là Lê Thị Yến Loan, nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan. Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, một cung tần của chúa Trịnh Cương thì Bà có tên là Lê Khiết Nương (?) Bà được cho là sinh ngày 19 tháng 2 năm Giáp Thân, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (tức 7 tháng 3 năm 1044) (?). Một tài liệu khác cho rằng năm sinh của Ỷ Lan không rõ, sử sách chỉ ghi: Bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông (?).

Nguyên quán của Ỷ Lan ở trại trang Thổ Lỗi nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm Hưng Yên. Con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm bà 12 tuổi thị mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm bà 16 tuổi cha cũng qua đời, nhờ bà mẹ kế nuôi dạy.

Giai thoại

Câu chuyện Ỷ Lan vào cung vua Lý đã trở thành một giai thoại nổi tiếng, nhưng có một vài chi tiết nhỏ còn mâu thuẫn.

Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá.

Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là cô Yến. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong cô là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan.

Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan

Trong cung Ỷ Lan được học hành. Khác với các cung phi khác, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc, mong chiếm được tình yêu của vua mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan, triều thần khâm phục Ỷ Lan là người có tài.

Khi sinh người con trai thứ nhất là Càn Đức (Bính Ngọ 1066), bà được phong là Thần phi, sinh người con trai thứ hai là Sùng Hiền hầu, bà được phong là Nguyên phi. Càn Đức được lập làm thái tử. Khi vua Lý Thánh Tông mất (năm 1072), Càn Đức lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, bà được phong là Linh Nhân Hoàng Thái hậu.

Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) vốn là người tài trí, thấy Bà đích mẫu (tức bà Thái hậu họ Dương ở cung Thượng Dương) được tham dự việc triều chính lấy làm buồn lòng và ghen tức vì cho mình là mẹ đẻ mà không được tham dự triều chính nên mới bảo vua rằng:

“Mẹ già khó nhọc nuôi con để có ngày nay, đến lúc phú quý thì người khác hưởng, ăn ở như thế thì đặt con mẹ già này vào chỗ nào?”

Nhà vua tuy nhỏ bé nhưng cũng có hiểu biết chút ít rằng, mình không phải là con của Thái hậu Thượng Dương, bèn giam Thái hậu Thượng Dương và 72 người thị nữ ở cung Thượng Dương rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông.

Nhiếp chính

Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính.

Lần thứ nhất

Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Ỷ Lan trông coi việc nội trị rất được lòng dân chúng. Trong nước tình hình ổn định vững vàng, nhân dân mang ơn, gọi là bà Quan Âm.

Lý Thánh Tông đánh giặc lâu ngày không thắng, bèn trao quyền binh cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến Mạt Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên ngày nay), Lý Thánh Tông hay tin Ỷ Lan trị nước vững vàng, vua hổ thẹn quay ra trận quyết đánh cho kỳ thắng mới về. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan.

Lần thứ hai

Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (tức hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Ban đầu vợ chính của Thánh Tông là Thái hậu Thượng Dương làm nhiếp chính, nhưng sau đó Ỷ Lan đã dựa vào Lý Thường Kiệt giành lại quyền hành và bức hại Thượng Dương. Ỷ Lan cùng Thái úy Lý Thường Kiệt coi việc triều chính, điều hành quốc gia.

Hai lần chiến tranh với nhà Tống (1075 và 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến.

Là một phụ nữ tài trí, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ nên Hoàng Thái hậu đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý.

Hoàng Thái hậu Ỷ Lan còn chăm lo đến việc mở mang dân trí, thi cử học hành. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò. Ngô Sĩ Liên có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy.”

Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý, mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.

Ỷ Lan còn được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần. Bà có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:

Sắc thị không, không tức sắc

Không thị sắc, sắc tức không

Sắc không quân bất quản

Phương đắc khế chân không

Nghĩa là:

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc không đều chẳng quản

Mới được hợp chân tông.

Nhưng trong đời Ỷ Lan không phải không có tì vết. Sau khi vua Lý Thánh Tông qua đời, hoàng hậu Thượng Dương được sự ủy thác của Thái sư Lý Đạo Thành, đã tôn lên làm Thái Hậu, còn Ỷ Lan trở thành Thái Phi. Mãi 4 tháng sau, có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới trở lại nắm quyền nhiếp chính. Bà đã xui vua bắt giam Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung, bỏ đói cho đến chết. Về cuối đời Ỷ Lan đã hối hận về hành động của mình, bà cho lập nhiều chùa để tỏ lòng sám hối và độ siêu sinh cho hoàng hậu Thượng Dương và các cung nữ.

Bà mất ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 đời Lý Nhân Tông (tức 24 tháng 8 năm 1117), thọ 74 tuổi (?) Bà được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Tại quê hương và nhiều nơi đã xây dựng chùa tháp, đền thờ bà. Cùng với những ngôi đền lớn thờ bà ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện ở Hưng Yên có Ba ngôi: Đền Ghềnh, xã Như Quỳnh và chùa Hương Lãng, xã Minh Hải thuộc huyện (Văn Lâm) và Đền Bà tại Xã Nhật Quang Huyện Phù Cừ.

Ỷ Lan trong văn nghệ dân gian

Ỷ Lan là nhân vật chính trong phần 1 và phần 2 vở chèo Bài ca dựng nước của đạo diễn, nghệ sĩ Tào Mạt.

Con cái

- Hoàng thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông)

- Sùng Hiền hầu - thân phụ của vua Lý Thần Tông

2.2- Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu: Bà Nguyễn Thị Bích Châu (1356? – 1377), tự là Bích Lưu. là một quý phi của vua Trần Duệ Tôn (1372-1377).

Tiểu sử

Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định con gái một đại thần triều Trần. Nàng Bích Châu sớm nổi tiếng thông tuệ. Giỏi văn chương thi phú, thạo âm nhạc. Càng lớn, nhan sắc nàng Bích Châu càng diễm lệ, lại có một khối óc nhận xét rất tinh vi, xuất sắc.

Năm 1373, Bà được Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi, lúc đàn ca, khi ngâm vịnh, được nhà vua rất đỗi thương yêu, gọi là Nguyễn Cơ Bích Châu. Sau lại phong tặng là ái phi, thường gọi ái phi Bích Lưu hay ái phi Bích Châu có tài trị nước, nhìn xa trông rộng, từng dâng “Kê minh thập sách” (Mười kế sách trị nước).

Các giai thoại

Một hôm, nhân tiết trung thu, nàng Bích Châu bày tiệc nhỏ trên gác tía, chung quanh treo lồng sắc trắng chen đủ màu rất đẹp.

Vua Duệ Tông tỏ vẻ hài lòng hết ngắm trăng lại ngắm đèn, bỗng nhà vua cao hứng ra câu đối:

"Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng"

Hàng quan dự tiệc đều buông đũa suy nghĩ. Họ đang mải miết tìm vần thì cung phi Bích Châu đã chắp tay, cất tiếng:

- Tâu thánh thượng, thần thiếp xin kính đối:

“Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước”

Vua đắc ý khen hay và thưởng cho đôi “ngọc long kim nhĩ” (hoa tai vàng cẩn ngọc hình rồng nổi) và nhân đó lại đặt biệt hiệu cho nàng là Phù Dung.

Sau thời gian ngắn ở chốn hoàng cung, ái phí Bích Châu nhận thấy đức quân vương tính nóng nảy, thiếu bản lĩnh, triều chinh đang có nguy cơ rạn nứt suy sụp, nàng đăm chiêu chú tâm soạn thảo bản điều trần dâng vua, nhan đề: “Kê minh thập sách” nêu 10 kế sách trị nước an dân. Đại ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua, với những lời tâm huyết được trải ra từng câu, ví như:

…Nhất viết, phù quốc bản, hà bạo khứ tắc nhân tâm

Dịch:

(Điều một - bền gốc nước, trừ kẻ bạo thỉ dân chúng được yên).

Tứ viết - thải nhũng lại dĩ tính dân ngự

Dịch:

(Điều bốn - đuổi bọn quan lại tham nhũng để bớt vơ vét của dân)

(Trích Kê minh thập sách)

Xem xong bản điều trần của ái phi Bích Châu, nhà vua cảm kích vỗ trán thốt lên:

- Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ Phi (vợ Đường Thái Tông bên Tàu nổi tiếng văn chương).

Nhưng sau đó, bản điều trần ấy không được vua quan tâm đến nên chẳng thực hiện một điều nào, thật đáng tiếc.

Cái chết

Năm 1376, đất nước ta bị quân Chiêm Thành (Chế Bồng Nga) thường sang gây hấn quấy rối. Mùa Đông năm đó giặc lại tràn sâu vào lãnh địa của ta phá phách rất hung bạo.

Vua Duệ Tông giận dữ xuống chiếu ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Nàng Bích Châu bồn chồn lo lắng dâng biểu khuyên can.

Rồi nàng lại viết tiếp đoạn ngắn nhắc nhở nhà vua:

“…Việc trị đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn. Trị cái rắn nên dùng cái mềm, phục rợ xa cốt lất đức… Đó là thượng sách, xin hoàng thượng xét đoán cho minh.”

Bài biểu dâng lên cũng không lay chuyển nổi nhà vua. Cung phi Bích Châu buồn lo than thở:

“…Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng?”

Biết nhà vua nhất định không chịu nghe, nàng đành xin đi theo hộ giá. Lại truyền rằng buổi xuất binh ngày ấy cờ xí rợp trời, chiêng trống dậy đất, truyền rằng trùng trùng lớp lớp, binh sĩ gương giáo sáng loáng, hùng khí chất ngất từng mây.Nhưng khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa bể Kỳ Hoa (Kỳ Anh Nghệ Tĩnh) trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp. Đoàn thuyền đành tạm neo ngay lại đấy. bởi mặt biển thường nổi sóng cao và xoáy lốc, ngay sát bờ đã là dãy vực thẳm đầy đá nhọn, ra càng xa thì vực càng sâu, lòng biển lởm chởm hàng khối đá ngầm.

Binh thuyền phải vất vả thương tổn khá nhiều mới ràng nổi dây neo. Nhưng cơn dông bão vẫn dai dẳng càng lúc càng dữ dội hơn. Đoàn thuyền chiến nhấp nhô đập chúi vào nhau rầm rầm? Nhiều cái bị đứt dây, lao đi vùn vụt đâm vào đá vỡ toang. Quân lính lớp chết, lớp kêu la chới với. Số còn sống ai nấy đều kinh hãi nản lòng. Nhà vua nhất quyết đợi tan cơn bão sẽ tiến binh tiếp. Nàng Bích Châu sợ hãi đứng ngồi không yên. Chợt nàng thoáng nghe chuyện thần biển đòi mỹ nữ. Trong lúc cấp bách, nàng thảng thốt vừa quả cảm nghĩ ngay việc liều mình để giữ quân kỷ và thể diện nhà vua, giúp đất nước. Nàng Bích Châu liền tâu vua cho phép nàng được hiến thân cho thần biển; cầu xin thần phù hộ quân nhà vua sớm toàn thắng.

Vua Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì nàng Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh:

“… Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước”

Nàng vừa dứt tiếng thì từ nhà vua đến các quan có mặt quanh đó đều sửng sốt, nghẹn lời…

Mặc hết những lời can ngăn, nàng Bích Châu vẫn một mực tha thiết tâu xin cho nàng có dịp được vinh hạnh phò vua, giúp quân, đền nợ nước. Không làm sao hơn, tất cả đều nén lòng nghe theo ý chí cương quyết của cung phi Bích Châu. Một cung nữ tài sắc, mới kề cận nhà vua được bốn năm, được vua Duệ Tông sủng ái rất mực như vậy mà dám lìa bỏ tất cả, can đảm hy sinh tính mạng thì thật là một việc làm quá phi thường.

Hai ngày sau bão mới ngớt, xác phu nhân Bích Châu nổi trên mặt biển, theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Cũng là lúc mà đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, chở đầy những bầu máu nóng sẵn sáng lao vào trận tiền với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của phu nhân Bích Châu trước giờ tử biệt.

Tôn thờ

Đến nay, tại làng Kỳ Hoa vẫn còn thờ, thờ thần phi Bích Châu.

Thần phi Nguyễn Thị Bích Châu đã ra đi từ gần 7 thế kỷ qua, nhưng tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của Bà vẫn còn chói sáng đến muôn đời sau.

Phần sáng tác của Bà Bích Châu, tuy còn lại rất ít, nhưng chỉ với bài “Kê minh thập sách” đã chứng tỏ ngòi bút sắc bén của cung phi nữ sĩ Bích Châu đáng bậc nữ lưu văn học dưới triều Trần Duệ Tông.

Nữ sĩ cung phi Bích Châu đã thực sự đóng góp vào nền văn học nước nhà nói chung và nền văn học viết từ đời Trần của giới nữ nói riêng, một áng văn bác học tinh tế. Lời văn hùng hồn và thiết thực có giá trị như một ngọn đuốc soi đường cứu đất nước một cách tích cực, tỏ rõ tâm hồn tha thiết yêu nước thương dân của nữ sĩ cung phi Bích Châu.

Truy phong

Sau này đến thời Lê Thánh Tông, năm 1471 cũng đi đánh Chiêm Thành, qua chỗ Bà Bích Châu đã trầm mình. Bà hiện lên báo mộng cho vua Lê và xin làm lễ giải thoát. Vua Lê làm lễ cầu giải thoát cho Bà và lập đền thờ ở cửa biển, phong làm "Chế Thắng phu nhân."

Tác phẩm

Bài “Kê minh thập sách,” được phiêm âm như sau:

Nhất viế: Phù quốc bản, hà bạo khứ, tắc nhân tâm khả an.

Nhì viết: Thủ cựu qui, phiền nhiễu cách tắc triều cường bất vẩn.

Tam viết: Ức quyền hành dĩ trừ quốc đố.

Tứ viết: Thải nhũng lại, dĩ tính dân ngự.

Ngũ viết: Nguyện chấn nho phong, sử tước hoả dữ nhật nguyện nhị tịnh chiếu.

Lục viết: Nguyện cầu trực gián, hội thành môn dữ ngôn lộ nhi tịnh khai.

Thất viết: Luyện binh đương tiên dũng lực nhi tả thân tài.

Bát viết: Tuyển tướng nghi hậu thế gia, nhi tiên thao lược.

Cửu viết: Khi giới qui kỳ khiên nhuệ, bất tài thi hoa.

Thập viết: Trận pháp giáo dĩ chỉnh tề, hà tu vũ đạo.

Dịch nghĩa:

Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.

Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.

Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.

Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.

Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.

Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.

Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.

Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.

Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.

2.3 Ngọc Hân Công chúa / Ngọc Bình Công chúa

Lê Ngọc Hân (1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Dân gian còn lưu truyền tên gọi Bà là Bà Chúa Tiên khi Bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.

Thân thế

Lê Ngọc Hân (chữ Hán: 黎玉忻) là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh, là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.

Bắc cung hoàng hậu

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh.” Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.

Vài ngày sau vua cha Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của thái tử Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm giết hại - lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là vua Chiêu Thống.

Ít lâu sau Bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.

Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong Bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và “Ai Tư Vãn” để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Hoàng thái hậu yểu mệnh

Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên lên thay, tức là Cảnh Thịnh đế.

Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Lễ bộ Thượng thư Đoan Nham hầu nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am văn tập.

Triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con Bà phải đổi sang họ Trần. Nhưng với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đình, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.

Sự trả thù của nhà Nguyễn

Theo "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đình: Bà Nguyễn Thị Huyền thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, năm 1804 đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân, ngày 24 tháng 3 năm Giáp Tý (3-5-1804) xuống thuyền vượt biển, ngày 20 tháng 5 (28-6) về đến bến Ái Mộ, ngày mồng 4 tháng sau (11-7-1804) đưa về bản dinh, ngày mồng 9 (16-7-1804) đưa về làng, giờ Ngọ an táng hài cốt Bà Ngọc hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành (Bắc Ninh).

Chu Quang Trứ dẫn theo Đại Nam thực lục cũng nói về việc này năm 1842:

"Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích.”

Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Nguyễn đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có tên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã vào Huế tâu vua về việc thờ "ngụy Huệ.” Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội, Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức.

Ngọc Hân Công chúa trong văn chương

Bài “Ai tư vãn (nghĩa là “Tự than”)” (chữ Nho: 哀思挽) là một tác phẩm viết theo thể “ngâm” tức song thất lục bát, một tác phẩm trong văn chương Việt Nam, viết bằng chữ Nôm, tương truyền do Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân viết khóc chồng là vua Quang Trung; nhưng cũng tỏ nỗi niềm của một thần dân khóc vị anh hùng đất nước:

Ai Tư Vãn (“Tự than”)

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo

Trước thềm lan, hoa héo ron ron.

Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,

Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.

Nỗi lai lịch dễ hầu than thở

Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?

Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...

Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

 

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.

Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,

Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước;

Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.

Sang yêu muôn đội ơn trên,

Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.

Lượng che chở, vụng lầm nào kể.

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.

Dẫu rằng non nước biến dời,

Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,

Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.

Miếu đường còn dấu chưng thường,

Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế

Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi

Non Nam lần chúc tuổi trời,

Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.

 

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,

Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.

Nào hay sông cạn, bể vùi,

Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.

Xiết bao kinh sợ, lo phiền,

Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,

Phương pháp nào đổi được cùng chăng?

Ngán thay, máy Tạo bất bằng,

Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.

Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,

Kể sum vầy đã mấy năm nay?

Lênh đênh chút phận bèo mây,

Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?

Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,

Biết cậy ai dập nỗi bi thương?

Trông mong luống những mơ màng,

Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,

Ngỡ hương trời bãng bãng còn đâu:

Vội vàng sửa áo lên chầu,

Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,

Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.

Vội vàng dạo bước tới nơi,

Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa!

Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,

Mặt rồng sao cách gián lâu nay,

Có ai chốn ấy về đây,

Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành?

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,

Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.

Kiếp này chưa trọn chữ duyên,

Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,

Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!

Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,

Công đức dày, ngự vận càng lâu;

Mà nay lượng cả, ơn sâu,

Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.

Công dường ấy, mà nhân dường ấy,

Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?

Rộng cho chuộc được tuổi rồng,

Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.

Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,

Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.

Tưởng lời di chúc thiết tha,

Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,

Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,

Quyết liều mong vẹn chữ tòng,

Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.

Con trứng nước thương vì đôi chút,

Chữ tình thâm chưa thoát được đi,

Vậy nên nấn ná đòi khi,

Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,

Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,

Theo xa thôi lại theo gần,

Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,

Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!

Mơ màng thêm nỗi khát khao,

Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,

Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai?

Xưa sao sớm hỏi khuya bày,

Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,

Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?

Xưa sao gang tấc gần chầu,

Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,

Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.

Nửa cung gẫy phím cầm lành,

Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,

Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.

Não người thay, cảnh tiên hương,

Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.

Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,

Thấy mênh mông những nước cùng mây,

Đông rồi thì lại trông tây:

Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,

Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.

Nọ trông trời đất bốn phương,

Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.

Cậy ai có phép gì tới đó,

Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,

Này gương là của Hán cung

Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.

Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,

Bụng ai hoài vội ghẽ vì đâu?

Xin đưa gương ấy về chầu,

Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,

Nỗi sinh cơ có thấu cho không?

Cung xanh đang tuổi ấu xung

Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương?

Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm

Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,

U ơ ra trước hương đài,

Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.

Trong sáu viện ố đào, ủ liễu

Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê

Long đong xa cách hương quê,

Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ

Cất chân tay thương khó xiết chi.

Hang sâu nghe tiếng thương bi,

Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,

Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?

Càng trông càng một xa vời,

Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?

Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,

Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.

Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,

Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,

Cánh hải đường đã quyện giọt sương.

Trông chim càng dễ đoạn trường

Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?

Phút giây bãi bể nương dâu,

Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,

Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.

Mấy lời tâm sự trước sau,

Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

(Lê Ngọc Hân)

 

Ngọc Bình Công Chúa

(Em gái Lê Ngọc Hân)

(Xem thêm chi tiết về Lê Ngọc Bình phía dưới)

Em gái Lê Ngọc Hân là Lê Ngọc Bình, là con gái nhỏ nhất (thứ 23) của vua Lê Hiển Tông, là vợ của vua Cảnh Thịnh. Sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp (1795), Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho vua Cảnh Thịnh.

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngọc Bình trở thành vợ vua Gia Long, sinh được hai hoàng tử nhà Nguyễn. Trong bộ sách Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực soạn vào năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852) đã chép như sau:

Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)...Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua...Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua...

Khi nhà Tây Sơn mất, trong dân gian truyền tụng câu:

Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua.

Năm 1941, tác giả Phạm Thường Việt, một lần nữa lại cho rằng người lấy vua Gia Long là Lê Ngọc Hân (?)

Tuy nhiên, qua Quốc sử di biên và một số tư liệu khác, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Lê Ngọc Hân đã mất từ năm 1799 và người lấy vua Gia Long là Lê Ngọc Bình, em gái Bà - người ít được biết đến hơn Bà.

Ngọc Bình Công Chúa

Lê Ngọc Bình (? - 1810) là công chúa nhà Hậu Lê, hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam vợ của Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản và sau đó là vợ vua Gia Long Nguyễn Ánh.

Thân thế

Lê Ngọc Bình (chữ Hán: 黎玉萍) là con gái út (thứ 23) của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Ngọc Bình là em gái công chúa Lê Ngọc Hân còn bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều là người cùng làng với bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Lê Ngọc Hân.

Về năm sinh của Bà, các nguồn tài liệu nêu khác nhau. Giai phẩm Tây Sơn cho rằng Lê Ngọc Bình sinh năm 1783, khi vua cha Hiển Tông đã 67 tuổi, kém chị Ngọc Hân 12 tuổi và bằng tuổi vua Cảnh Thịnh. Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung trong sách "Mười tám vị công chúa Việt Nam" cho rằng Ngọc Bình sinh năm 1775, chỉ kém Ngọc Hân 4 tuổi và hơn Cảnh Thịnh 8 tuổi.

Chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn

Năm 1795, sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản. Công chúa Ngọc Bình trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn.

Sử sách không ghi về người con nào của Bà và vua Cảnh Thịnh.

Đệ tam cung nhà Nguyễn

Trong bộ sách Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực soạn vào năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852) có đoạn:

Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)... Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua... Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua...

Mặc dù có lời can ngăn, nhưng sau đó Lê Thị Ngọc Bình vẫn được phong làm phi, và sinh được hai hoàng tử nhà Nguyễn là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn.

Bà mất năm 1810, khi tuổi đời còn khá trẻ.

Chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, cả hai bà đều là Hoàng hậu tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình. Từng có người cho rằng Ngọc Hân lấy Nguyễn Ánh là nhưng trên thực tế Ngọc Hân đã mất từ năm 1799. Sự ám muội này phải đợi tới năm 1949 mới được Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm cải chính trong “Văn học Tây Sơn.”

Trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt Lê Ngọc Bình cùng Dương Vân Nga là hai người phụ nữ làm vợ của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau.

2.4- Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung

 

Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (chữ Hán 陳氏庸;?-1259) xuất thân là cô gái làng chài, làm vợ (từ Nguyên phi – đứng đầu hàng thứ phi – rồi được phong lên lên làm Hoàng hậu) của vua Lý Huệ Tông (1211-1224) và là cô ruột của vua Trần Thái Tôn (1226-1258). Bà có hai người con là công chúa Thuận thiên gả cho Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo) và người con thứ hai là Chiêu Thánh Công chúa (sau này là Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng vì vua Huệ Tông không có con trai) gả cho Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu). Dưới áp lực của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và nhà Trần bắt đầu từ đó… Như vậy vì sự an nguy của xã tắc (?) hay vì dòng họ Trần (?) (Nên biết Bà là người họ Trần) Bà đã một lòng ủng hộ (hay toa rập?) họ Trần để lấy ngôi của nhà Lý (sau này Bà làm vợ của Trần Thủ Độ!) Tuy nhiên trong giai đoạn Mông Cổ sang xâm lăng Việt Nam (năm 1258), Bà Trần Thị Dung có công rất lớn trong cuộc đọ sức lịch sử này. Giặc vào, Bà là nữ tướng hậu cần, chỉ huy việc di chuyển toàn bộ kho tàng và cung tần mỹ nữ khỏi kinh thành. Khi nhà Trần tổ chức phản công, Bà chỉ huy việc chuyên chở lương thực và khí giới cho quân đội. Bà mất vì bệnh tại Thăng Long vào tháng 1 năm Kỷ Mùi (năm 1259). 

Sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy.” 

Nghiệp nhà Trần ra sao? Chúng ta cũng biết, Đại Việt thời Trần thật sự là một quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á. (Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần - NXBGD). 

 

Vì có công lớn với nhà Trần, cho nên triều Trần đã truy tặng Bà tước hiệu “Linh Từ Quốc Mẫu” (lời mẹ hiền từ và hiển linh của đất nước).

2.5- Hoàng Thái Hậu Từ Dũ

 

Hoàng Thái Hậu Từ Dũ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1810, chính quán Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, (Tiền Giang ngày nay). Tên thật của Bà là Phạm Thị Hằng, cha là công thần Phạm Đăng Hưng, mẹ là Phạm Văn Thị. Thuở nhỏ, Bà nổi tiếng hiếu hạnh, làu thông kinh sử, rất mực hiền thục.

Lên 14 tuổi, Bà được tuyển triệu vào cung để chầu hầu Hiến Tổ (sau này là vua Thiệu Trị). Năm 16 tuổi Bà sinh ra Dục Tôn Anh Hoàng Đế - tức vua Tự Đức.

Các sử gia nhà Nguyễn không tiếc lời ca ngợi Bà là bậc Mẫu nghi thiên hạ suốt 8 đời vua, gắn liền vận mệnh vinh nhục của triều đại cuối cùng, lưu danh trên sử sách cho đời sau.

Mỗi lần vua Tự Đức rỗi rảnh vào hầu, Bà thường nhắc nhở công đức và những lời nói, việc làm của tiên đế để khuyên dạy, ngõ hầu giữ gốc trung hậu, không nên chuộng mới, nới cũ. Vua Tự Đức ghi lại những lời nhân hậu của mẹ dạy trong sách “Từ Huấn Lục.”

Bà nghiêm khắc đối với thân nhân dòng họ, phê phán gắt gao kẻ dựa quyền thế gia tộc Bà để tìm đường cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà bảo vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng Đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết.” Song song với việc đó, Bà quý trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc.

Chuyện rằng, Phạm Phú Thứ làm quan ở Viện Tập Hiền, khẳng khái can vua mê đàn hát, bị giáng chức làm lính, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ biết được bèn khuyên vua Tự Đức: “Chính ông Thứ là bề tôi trung, dám can gián Vua. Kẻ xu nịnh, cúi đầu vâng dạ để lấy lòng bề trên, chắc gì họ hết lòng vì Hoàng đế.” Vua Tự Đức nghe lời dạy chân chính của Hoàng Thái hậu, quỳ lạy mẹ nhân hậu và tha cho Phạm Phú Thứ.

Ngày 5 tháng 4 năm 1901 Bà mất, thọ 92 tuổi, 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn Vua, Bà góp ý bàn bạc về chính sự, hết lòng vì nước, thương dân. Ngày 5 tháng 5 năm 1901, Bà được dưng tôn thụy là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trần Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng Hậu.” (Theo “Đại Nam chính biên (sơ tập) Quốc sử quán triều Nguyễn”).

Tóm lại, nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta đã thấy rất nhiều gương phụ nữ, từ thường dân áo vải của vườn chè, làng chài cho đến mệnh phụ mẫu nghi cung đình, không chỉ đơn thuần âm thầm chịu yên thân yên phận sống cuộc đời bình thường buồn tẻ như Nho giáo đã vẽ ra cho họ trong khuôn khổ “tam tòng tứ đức.” Họ là những người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tài hoa và dũng cảm; và hơn thế họ có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với đất nước Việt Nam và thậm chí với cả thế giới. Đó là những nữ vương, nữ hoàng, nữ tướng quyền lực, anh hùng liệt nữ, nữ thi hào…, những phụ nữ được dân tộc tôn kính qua sự hy sinh và chịu đựng; sự lãnh đạo anh minh, tính quật khởi bất khuất phi thường lúc đất nước và gia đình lâm nguy…, những nữ thi hào văn học người chẳng những đẹp về nhan sắc mà còn thông minh văn hay chữ tốt.

Ngày hôm nay, tiếng thúc voi của Bà Trưng Bà Triệu, tiếng từ biệt bi ai của Công chúa Huyền Trân, Công nương Ngọc Vạn; tiếng than vãn ai oán của Ngọc Hân công chúa; lời gia huấn chân chính của Nguyên phi ỷ Lan, Thái hậu Từ Dũ hình như còn âm vọng bên tai…; Những người phụ nữ âm thầm che dấu nỗi đau khổ mất chồng mất con để tiếp tục lặng lẽ hy sinh cho tương lai của đất nước; những cô gái chưa kịp hưởng tuổi thanh xuân, hạnh phúc đời sống cá nhân đã quên thân mình để đem lại bình yên cho dân tộc. Chúng ta được may mắn sống một đời sống yên ổn hôm nay, xin một lần bày tỏ lời tri ân, sự kính trọng trước những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam cho cuộc sống gia đình và xã hội, cũng như ca ngợi những nét đẹp của người phụ nữ con cháu Âu Lạc.

Trần Văn Giang (Ghi lại)

8/27/2011

________________

Tài liệu tham khảo:

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Viện Sử Học dịch (1957-1960). Nxb Giáo Dục (Hà Nội), 1998.

- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH, Hà Nội, 1983.

- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968.

- Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên. Nxb Khai Trí, Sài Gòn, lần tái bản năm 1968.

- Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử VN (tập I). Nxb Đại học & THCN, 1983.

- Trương Hữu Quýnh-Phan Đại Đoàn-Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục, 2007

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn