BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bài phỏng vấn bà quả phụ Ngụy Văn Thà

01 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 1344)
Bài phỏng vấn bà quả phụ Ngụy Văn Thà
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Cách đây 38 năm, trung tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng tàu HQ 10 Nhật Tảo, đã cùng thủy thủ đoàn trên chiến hạm, chiến đấu và hi sinh trong trân hải chiến Hoàng Sa chống lại Trung cộng. Với tinh thần quyết chiến dũng cảm, thủy thủ đoàn Nhật Tảo đã nêu cao gương chiến đấu bất khuất của Hải Quân VNCH nhằm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh hải.

Giang sơn gấm vóc từ đất liền ra tới hải đảo, tổ tiên, ông bà chúng ta qua bao nhiêu thời đại, chưa bao giờ chịu bất khuất trước bất cứ một thế lực xâm lăng nào của ngoại bang. Chúng ta, con cháu dòng dõi vua Hùng, có bổn phận phải nhận lấy trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ biên cương tổ quốc để xứng đáng với công khó của tiền nhân đã dầy công khai phá, xây dựng và truyền thừa cho con cháu.

Gần đây, Trung Quốc với tham vọng thực hiện chủ nghĩa bá quyền, đã từng bước triển khai kế hoạch xâm lấn lãnh hải và hải đảo thuộc về Việt Nam. Trước sự im hơi, lặng tiếng và thái độ hèn nhát của nhà cầm quyền Cộng Sản VN, quần chúng ngày càng cho thấy sự phẫn nộ của số đông mọi thành phần trong xã hội, uy dũng lên tiếng phản đối đi kèm với những hành động cụ thể để bày tỏ sự bất bình trước hành vi ngang ngược, liên tục gây hấn của Trung quốc muốn dành quyền kiểm soát biển đông, kể cả những khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, coi thường các tài liệu quy định, các văn bản thỏa hiệp về đường biển mà các quốc gia trong khu vực đã từ lâu ký kết và công nhận.

Như độc giả đã biết, mới đây, tại câu lạc bộ Paul Nguyễn văn Bình, Sàigòn, đã diễn ra buổi hội luận về hiểm họa bành trướng bá quyền của Trung Quốc, có sự hiện diện lần đầu tiên của bà quả phụ hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ 10, Ngụy Văn Thà. Tính chất buổi hội luận dấy lên ý nghĩa sự đồng tình từ các phía trong quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của VN.

Mấy ngày trước đây, đài BBC đã thực hiện cuộc phỏng vấn bà quả phụ trung tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà. Tuy nhiên, nhằm mục đích mang lại những tin tức thiết thực về cuộc sống của bà cùng gia đình hiện nay đang sinh sống tại Saigon, Viet Herald cũng đã hân hạnh có buổi nói chuyện với bà qua đường dây điện thoại viễn liên, lúc 11:35 pm ngày 29 tháng 7 năm 2011, với nội dung xin được ghi lại toàn bộ như sau:

VH: Kính chào bà Ngụy Văn Thà, chúng tôi là Đoàn Trọng, ký giả nhật báo Việt Herald hiện đang phát hành hàng ngày tại quận Cam. Gần đây, cộng đồng người Việt hải ngoại được nhìn thấy hình ảnh bà trong buổi hội luận tại CLB Paul Nguyễn Văn Bình Saigon. Ký ức về cố trung tá hạm trưởng, phu quân của bà, lại trở về với chúng tôi cùng với các chiến hữu đã cùng ông anh dũng hi sinh theo con tàu Nhật Tảo tại Hoàng sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, tô đậm thêm sự kiện này trong trí nhớ mọi người. Hôm nay, được vinh dự trò chuyện cùng bà, xin bà cho phép chúng tôi được ghi lại trên trang báo để chia sẻ với độc giả xa gần những gì chúng ta trao đổi hôm nay. Để giữ sự trung thực của nội dung trao đổi, chúng tôi xin phép bà được thâu âm buổi nói chuyện. Nếu có điều gì bà cảm thấy không cần thiết phải trả lời, xin bà cứ tự nhiên cho biết và từ chối.

Đầu tiên, chúng tôi nghe nói bà đã dời qua ở một chung cư mới, thưa có đúng không?

Bà Ngụy Văn Thà: Thưa, bây giờ tôi đang tạm ngụ tại nhà của các em gái tôi, chờ ngày người ta cất xong khu nhà cũ và trở về đó lại.

VH: Kể từ ngày cố hạm trưởng trung tá ra đi đến nay, gia đình bà ở đâu và có phải dời đổi thường không? Nhân tiện, xin bà cho biết cuộc sống gia đình như thế nào sau năm 1975?

Bà NVT: Từ ngày nhà tôi mất, tôi vẫn ở tại thành phố Saigon này và chưa bao giờ dời đi đâu cả. Sau năm 75, cũng tạm đi làm này kia nọ vậy, tần tảo sống qua ngày, thưa anh. Bây giờ thì các con tôi đã trưởng thành, tất cả đều đã có vợ chồng nên các cháu cũng giúp tôi đôi chút…

VH: Thưa, ông bà được bao nhiêu người con?

Bà NVT: Tôi được 3 cháu, nhỏ nhất hiện nay cũng đã 40 , lớn nhất 45, cô giữa 43. Sau 75, con lớn con bé gì cũng đều phải cố đi làm. Nhỏ thì phụ các cơ sở đóng hàng. Giàu nghèo gì cũng cố qua ngày thôi. Hiện nay, các cháu lập gia đình rồi thì vin vào nhau mà sống bằng nghề buôn bán nhỏ.

VH: Từ năm 1974, khi cố trung tá hy sinh tại Hoàng Sa và đặc biệt sau năm 1975, có khi nào bà cho bà con lối xóm biết về sự mất mát này của gia đình không?

Bà NVT: Có nhiều bà con lối xóm hỏi thăm, an ủi, thì cũng nói chuyện vậy thôi. Như trình bày lý do ông sao mà chết? Chỉ có bấy nhiêu thôi chứ lúc đó làm gì mà nói được nhiều hơn? Bây giờ đã mấy chục năm qua, thời thế bao nhiêu đổi thay, con cháu cũng đã lớn cả rồi. Tôi cố gắng sống và tưởng nhớ đến người đã mất qua việc thờ cúng. Những bức hình của Anh Thà ngày nay không còn được trưng lên như trước, phải cất vào các thùng giấy, chờ ngày có lại nhà mới may ra có cơ hội để lên thờ.

VH: Bà vừa nhắc việc thờ cúng, vậy hàng năm, gia đình có làm lễ giỗ cố trung tá không, thưa bà?

Bà NVT: Thưa, năm nào chúng tôi cũng làm giỗ, nhằm ngày 27 Tết nhưng chính ngày nhà tôi mất theo dương lịch là 19 tháng 1 năm 1974. Gia đình chúng tôi theo tập quán giỗ ngày âm lịch, nên chọn ngày 27 Tết.

VH: Phía chính quyền địa phương như phường khóm lúc này, họ có biết bà là quả phụ cố Trung tá hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo, đã tuẫn tiết tại Hoàng Sa không?

Bà NVT: Dạ thưa điều đó thì tôi không biết. Họ biết hay không thì cũng đâu nói ra?

VH: Thưa bà, ở hải ngoại đặc biệt là tại Mỹ, có nhiều anh em cựu quân nhân binh chủng hải quân đang sinh sống, trong đó, có rất nhiều vị sĩ quan cùng khóa 12 với chồng bà, như thủ khoa Trần Quốc Bảo, hiện sinh hoạt trong tổ chức Phục Hưng có liên hệ với linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Qua tình đồng đội cùng khóa ngày xưa, những vị này có khi nào thăm hỏi gia đình bà không?

Bà NVT: Những ai vậy?

VH: Vừa rồi, tôi tạm đơn cử một vị, là thủ khoa Trần Quốc Bảo, cùng khóa sĩ quan với chồng bà.

Bà NVT: Tôi không được nghe nói đến vị này. Riêng khóa 12 cùng nhà tôi thì thưa có. Đôi khi tôi khổ quá, cũng có xin các vị này 100, hoặc 200 trong những lúc bệnh hoạn và mấy anh cũng có lòng tốt giúp đỡ tôi.

VH: Bức hình bà tham dự buổi hội thảo tại CLB Paul Nguyễn Văn Bình tại Saigon, sau khi được đưa lên các trang mạng, đã làm cho đồng bào hải ngoại rất xúc động. Theo chỗ chúng tôi được biết, phần lớn đều nhớ lại và muốn biết hoàn cảnh đời sống của gia đình bà hiện nay. Như bà giám sát viên Janet Nguyễn đã có nhã ý giúp bà vé máy bay đi thăm Hoa Kỳ nếu được chính quyền 2 nước cho phép. Vậy, có khi nào bà nghĩ tới việc đi Mỹ không?

Bà NVT: Tôi chưa nghĩ, chưa biết! Điều này mới với tôi quá! Vì bây giờ tôi đã lớn tuổi rồi, con cháu ở đây cả, bên đó tôi có quen biết ai đâu?

VH: Xin bà thứ lỗi nếu câu hỏi sau đây hơi riêng tư. Tuy nhiên, nếu được, xin bà cho biết ước muốn của bà, cho mình và cho gia đình hiện nay, là gì?

Bà NVT: Mong ước của tôi bây giờ là sớm có lại được ngôi nhà để có nơi chốn thờ cúng nhà tôi. Từ lâu… (giọng bà nghẹn ngào) tôi thấy nôn nao, khó chịu vì những bức ảnh thờ anh Thà phải để trong các thùng giấy tạm niêm phong ở nhà em tôi. Vì vậy, chỉ ước ao được có nơi ăn chốn ở hầu tuổi già sớm hôm hương khói cho ổng. Bây giờ ở tạm, chật vật lắm do nhà đông quá, 3, 4 hộ ở chung.

VH: Trong gần 40 năm qua, có khi nào bà nhận được sự giúp đỡ hoặc thăm viếng từ các chiến hữu từng trận mạc bên cạnh cố trung tá không?

Bà NVT: Dạ cũng có! Anh Tuấn và mấy người tôi nhớ là đệ tử đi chung tàu anh Thà. Có anh khi về Việt Nam, đến thăm tôi. Những anh này không phải bạn cùng khóa với nhà tôi. Họ cho biết là đệ tử của anh và khi ảnh còn sống, họ làm chung. Tôi không nhớ rõ, chừng như cách đây 5 hoặc 6 năm, có người cũng đến thăm, lúc nhà cũ của tôi chưa bị giải tỏa.

VH: Ở hải ngoại, hình ảnh những chàng trai trẻ hải quân trong quân phục màu trắng, cùng đồng ca các bản quân hành của Hải quân, vẫn thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ lạt tại California. Có khi nào hình ảnh ấy chợt trở lại trong tâm tư của bà không? Nếu có phút giây nào đó, nhắm mắt hồi tưởng lại những hình ảnh 40 năm về trước, bà có cảm thấy muốn nói gì với những anh em đồng ngũ với ông nhà hiện đang sống ở hải ngoại không?

Bà NVT: Nghe anh nói, chợt hình ảnh anh Thà lại hiện đến trong tôi, buồn lắm! Thỉnh thoảng, xem hình hoặc truyền hình, tôi vẫn thường tự hào nói các con về hình ảnh hào hùng của ba chúng là vậy đó. Biết nói và nghĩ gì thêm nữa hả anh? Quá khứ đau thương đã chôn kín trong tôi bao tủi nhục của một thời đáng sống. Thời gian đã xóa nhòa tất cả. Nhưng có tưởng nhớ cũng chỉ là phút giây thôi rồi hiện tại lại trở về. Ngày nay tuổi đời đã cao, tôi cố sống những ngày còn lại, thế thôi. Lẽ dĩ nhiên làm sao quên được hình ảnh chồng tôi ngày trước, cũng trong bộ quân phục đó. Chỉ biết các anh đã mang lại chút ít gì dĩ vãng đáng quý của chồng tôi.

VH: Thưa bà, câu hỏi sau đây, nếu không tiện, bà khỏi trả lời. Ngày nay, như bà biết, những biến động tại Hoàng Sa, Trường Sa, nơi chồng bà đã hi sinh để bảo vệ hải đảo của tổ quốc Việt Nam trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc, bà cảm nhận tinh thần đó lúc này như thế nào tại thành phố bà đang sinh sống?

Bà NVT: Như tôi thấy vừa qua, một số anh em đã có những suy nghĩ về sự hi sinh của anh Thà và đứng ra tổ chức buổi lễ, mời tôi đến dự. Tôi thấy báo chí quay phim, chụp hình quá trời luôn. Họ nói nhiều về Hoàng Sa, về anh Thà tuy đã hy sinh lâu rồi, nhưng nay lại có dịp nhắc nhở đến. Điều này tôi thấy rất là vui mừng.



VH: Gần đây, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng chống Trung Quốc xâm lược diễn ra tại Saigon, Hà Nội, Vinh, cá nhân bà có cơ hội thấy được những hình ảnh này không?

Bà NVT: Thưa, tôi không biết gì cả. Tối ngày chỉ ở trong căn hộ này thôi. Tôi cũng có nghe người ta nói qua vậy thôi chứ không biết gì hơn và thực sự cũng không nhìn thấy.

VH: Nếu trong tương lai, dân chúng xuống đường làm nên cuộc biểu tình lớn tại Saigon để tranh đấu chống nạn ngoại xâm Trung Quốc, bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa, xin hỏi bà có sẵn sàng cùng xuống đường tham dự không?

Bà NVT: Nếu mọi người đi vì chính nghĩa thì mình cũng đi chứ, chỉ sợ lớn tuổi không theo kịp, làm phiền cho đám trẻ thôi. Người ta đi tham gia, tại sao lại không có mình?

VH: Nhật báo Viet Herald chúc bà sớm đạt được ý nguyện, có nơi ăn chốn ở ổn định để có chỗ thờ tự ông nhà. Dĩ nhiên, hiện nay có rất nhiều bạn của chồng bà đang sống tại Hoa Kỳ, họ luôn nhắc nhở và tự hào về cố hạm trưởng. Qua bài báo này, chúng tôi hy vọng các bạn cũ của ông sẽ hiểu rõ cuộc sống hiện nay của bà và gia đình bà nhiều hơn. Vậy, bà có muốn nhắn gởi gì cùng những người bạn cũ ấy không?

Bà NVT: Thưa, dù tôi không được may mắn quen biết cùng các vị nhiều nhưng 2 ngày nay, họ hỏi thăm qua điện thoại cũng nhiều. Tôi xin cám ơn sự chiếu cố ấy. Lẽ dĩ nhiên, cần thì cần nhiều cho một cuộc sống già cả thiếu thốn như tôi. Nếu các anh bên ấy có nghĩ đến hoàn cảnh gia đình tôi hiện nay, xin nhận lời cám ơn chân thành và niềm cảm kích của gia đình tôi. Thật sự, tôi không dám nghĩ đến việc làm bận tâm các anh bên ấy. Ngay lúc này, cũng chẳng biết và muốn suy nghĩ gì hết, có muốn cũng khó mà được. Thôi thì lớn tuổi rồi, an phận thôi. Tôi chỉ muốn nói “Cám Ơn,” hy vọng có sự giúp đỡ của quý vị, ngày trở về nhà cũ nhanh hơn.

VH: Phó Đô Đốc Tư Lệnh Hải quân Trần Văn Chơn, vị chỉ huy cao cấp của cố trung tá ngày xưa hiện đang sống tại San Jose. Bà có muốn nói gì cùng ông ấy không?

Bà NVT: Dù không được hân hạnh biết phó đô đốc tư lệnh nhưng tôi xin gởi lời chào mừng và cầu chúc gia đình phó đô đốc luôn được an bình.

VH: Một phụ nữ như bà sống tại Việt Nam ngày nay, có niềm mơ ước nào về tương lai của đất nước không?

Bà NVT: Tôi nghĩ ai ai cũng mong muốn quê hương được yên bình, đời sống kinh tế khá hơn.

VH: Kính chào bà và thành thật cám ơn bà về buổi nói chuyện hôm nay. Chúc bà an vui.

Số điện thoại của bà Ngụy Văn Thà là: 848 385 72760. Bà cũng đã đồng ý cho phổ biến số điện thoại này.

Đoàn Trọng/Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn