BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư ngỏ gửi hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang

23 Tháng Tám 200512:00 SA(Xem: 1149)
Thư ngỏ gửi hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55


Thưa hai ông, Vừa qua vịệc hai ông viết bài trao đổi và tranh luận trên trang web Talawas đã tạo ra sự quan tâm lớn trong công luận. Đáng lý như thường lệ, khi có vấn đề nghiêm trọng được đặt ra, mọi người sẽ sôi nổi tham gia ý kiến. Ngược lại, ở đây, nhiều người đã cảm thấy ngần ngại, khó xử, khó nói, kể cả những người có liên quan mà hai ông đã nhắc đến trong bài viết của mình. Đó là một tình hình rất đặc biệt. Tình hình đó phản ánh một thực tế là nhiều người đã suy nghĩ, trong cuộc xung đột này, bất kể hai ông ai đúng ai sai, hai ông đều bị tổn thương, một số người liên quan bị thương tổn, phong trào dân chủ cũng bị thương tổn. Kiểu tranh luận như vừa qua, nếu kéo dài thêm nữa chỉ đi vào những điều vặt vãnh và càng gây ra hậu quả tai hại hơn. Người tốt sẽ mất niềm tin, kẻ xấu vỗ tay reo mừng. Không ai mong muốn điều đó. Tôi là một trong những người đã từng ngưỡng mộ và kính trọng hai ông, lại hân hạnh có chút giao tình được đôi lần gặp mặt, được trao đổi bài viết và tỏ lòng qúy mến nhau trong tinh thần “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” từ 10 năm qua. Sau nhiều đắn đo, tôi quyết định vượt qua sự ngần ngại để viết thư ngỏ này gửi đến hai ông. Cũng như nhiều người, tôi đánh gía cao sự chừng mực, khúc chiết nhưng kiên quyết, khí phách trong các bài viết của Hoàng Tiến. Tôi cũng khâm phục sự uyên bác, sắc sảo và mạnh mẽ nơi cây bút Nguyễn Thanh Giang. Các bài viết của hai ông thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh và sự đóng góp của hai ông cho phong trào dân chủ trong nhiều năm qua. Đó là một thực tế mà nhiều người đã nhìn nhận. Còn về các khuyết nhược điểm cá nhân mà mọi người mới biết được, qua các bài tranh luận mà hai ông vừa công bố, có thể đúng có thể sai, vì do người nói về người kia hay do suy diễn, tôi nghĩ không có gì lớn và cũng là điều tất yếu. Nhân vô thập toàn. Chỉ có sự tuyên truyền bịp bợm mới tạo ra những thần tượng toàn hảo gỉả dối để đánh lừa thiên hạ cho những mục đích đen tối. Tôi cho rằng không nên thất vọng và chán nản khi những khuyết nhược điểm đó được nêu ra. Những khuyết nhược điểm dù có thật hay có thể đúng có thể không đúng, lại được bộc lộ trong một bối cảnh mà những người đấu tranh cho dân chủ bị bao vây, cô lập, truy bức, quản chế, tù đày và bị chi phối bởi rất nhiều âm mưu thủ đoạn gây nghi ngờ, chia rẽ, xung đột. Ai ở trong cuộc mới thấm thía hết sự khó khăn, khốc liệt của tình trạng này.

(Tôi chợt nhớ ý của một tác gỉả có bài mới đăng, nói rằng khi ông mới cầm bút viết bài đầu tiên, vợ ông đã nước mắt lưng tròng). Sự nghi kỵ và sợ hãi đang đè nặng lên xã hội là một điều có thực và nguyên nhân của nó cũng rất thực. Trong xã hội này, những người càng trung thực càng khó sống.



Trong hoàn cảnh khó khăn, đối mặt với bạo lực và thủ đoạn thâm hiểm, những người đấu tranh cho dân chủ có những cách đối phó và ứng xử khác nhau tùy bản lĩnh, cá tính và nhận thức của mỗi người. Có người kiên cường, có người yếu đuối, có người dao động, có người khôn ngoan, có thể đôi lúc tính tóan sai lầm….. Không thể đòi hỏi tuyệt đối, giống nhau cho mọi người. Không thể lên án, phê phán một người một cách cao ngạo, dễ dàng. Miễn là sau cùng, trước khi nằm xuống, người đó không phản bội lại lý tưởng của mình và sự kỳ vọng của nhân dân. Trong giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới, với những bước chuyển mình gay go và đau đớn, đất nước cần đến sự đóng góp của mọi người dân, nhất là những người tài năng và tâm huyết, với những ưu khuyết điểm của mình, vẫn có thể đóng góp một vai trò nào đó khi tình thế đòi hỏi hay do nhân dân lựa chọn lúc người ta có đầy đủ tự do. Hoàn cảnh đất nước Việt Nam trong thế kỷ qua đã trải qua bao chiến tranh, xung đột, hận thù, chia rẽ, đến nay những người thành tâm đều nói đến hòa giải hòa hợp, xóa bỏ hận thù, bao dung đồng thuận để hướng về một tương lai chung. Trừ những kẻ nói một đằng làm một nẻo, lợi dụng cho mục đích ích kỷ của mình, những điều trên là điều kiện, là cơ sở, là yêu cầu tất yếu cho sự vươn dậy của một dân tộc anh hùng đã bị kiệt quệ vì sự lầm lạc của chính mình và những thế lực thống trị. Tư tưởng này đã được nói đến nhiều, trở nên bình thường, thậm chí tầm thường nhưng nếu không thực hiện được, dân tộc Việt Nam mãi mãi xếp hàng chót trong cộng đồng nhân loại.

Thưa hai ông Hoàng Tiến và NguyễnThanh Giang,

Tôi tự biết mình ít tuổi và trí tuệ kém cỏi hơn hai ông, không hề có ý bất kính hay lên giọng dạy đời, nhưng tôi có lá gan hơi lớn và cái tâm, cái tình của tôi đối với hai ông cũng như đối với lý tưởng tự do dân chủ càng lớn, nên mạo muội viết bức thư ngỏ này. Tôi cũng biết những lý lẽ tôi nêu ra trên đây có thể có những điểm hai ông không đồng tình, thậm chí bất bình, bác bỏ hay phê phán, tôi xin lắng nghe và chấp nhận, không nói đi nói lại lần nữa. Nhưng nếu hai ông cảm thấy có một chút gì đó có lý có tình, nhất là tấm lòng ưu ái không phải của riêng tôi mà của nhiều người khác đối với hai ông, tôi xin giơ một bàn tay ra đón nhận bàn tay của hai ông, và tôi tin sẽ có bàn tay của nhiều người nữa, chúng ta nắm tay nhau trong tình đoàn kết thân ái, không cần nói gì thêm, để chấm dứt một điều không ai mong muốn. Và để thấy rằng cuộc đời vẫn đẹp và đầy hy vọng.

Tháng 8- 2005
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn