BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73249)
(Xem: 62217)
(Xem: 39403)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về miệt Một Ngàn

16 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1297)
Về miệt Một Ngàn
51Vote
40Vote
32Vote
20Vote
10Vote
3.73
HẬU GIANG - Khi thành phố Cần Thơ được tách ra khỏi tỉnh Hậu Giang, có lẽ trong mắt khách phương xa, địa danh miệt Ngàn (thuộc thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A) trở thành nỗi tò mò thú vị.









Ở miệt Ngàn, vẫn còn đó cảnh giăng lưới cá trên kinh như thời khai hoang trăm năm trước. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Anh L, vốn là cựu nhà báo trước 1975, kể: “Xứ này, dân có tuổi rành chuyện gọi là xứ ‘Tây Be.’ ‘Tây Be’ là con trai Tây Già, tên tiếng Tây được người mình diễn Nôm nghe dễ thương hết nói. Hai cha con ông này tuy là dân Tây nhưng có công lập đồn điền trồng lúa lên hơn bảy tám ngàn mẫu mênh mông bậc nhứt. Mấy năm trước phế tích biệt thự của cha con ông vẫn còn, bây giờ thì bị phá sạch hết rồi. Dân còn kể hồi trào Việt Minh nổi dậy có vô bắt vợ con ông Tây Be, nhưng tưởng sao bắt người ta rồi phải cõng người ta đi vì họ đâu có lội bộ xa được.”

Chúng tôi đi theo quốc lộ 1, đến Cái Tắc thì quẹo vô lộ 61, chạy một mạch thì tới xóm chợ Rạch Gòi. Ghé một quán cà phê bên đường ngồi trú mưa, ngồi chưa ấm ghế thì tính sơ sơ cũng có tới gần chục người bán vé số bu quanh mời mua, hy vọng trúng số từ lâu đã thành lẽ kiếm sống của những người nghèo tuyệt vọng.

Về chuyện tên gọi Rạch Gòi, một người địa phương đi cùng kể. Theo giai thoại dân gian thì ngày xưa chỗ có một con voi chết dưới rạch sình thúi dòi bọ tùm lum nên đặt tên là miệt Rạch Dòi, dân mình gọi trớt riết thành Rạch Gòi.

Từ xóm chợ Rạch Gòi đi thêm một đoạn đường nữa thì tới phố chợ Một Ngàn, trước khi vào chợ, nhìn khu công sở chính quyền mới cất của thị trấn Một Ngàn mới thấy đúng là “hoành tráng.”










Vườn ươm cây cà tím ven kinh ở miệt Ngàn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

 


Càng đi vào vùng sâu vùng xa, thấy cảnh nhà cửa dân chúng lụp xụp tạm bợ, có người cả mấy đời sống chỉ biết lấy ghe xuồng làm nhà, rồi thấy với công sở chính quyền đồ sộ lộng lẫy mới biết họ xài tiền thuế dân hoang phí đến mức nào.

Ông L. cựu nhà báo nói. Người ta có là “Thực Dân” cũng phải tính công sức khai kinh mở đất tới giờ dân còn được hưởng, còn hơn cái bọn vơ vét bây giờ.

Để có vùng đất này với diện mạo như ngày nay, vào năm 1901-1903, người Pháp đã cho đào con kinh Xáng Xà No dài 34 km và từ con kinh Xáng Xà No, người Pháp cho đào thêm những con kinh sườn, cứ cách một ngàn mét là có một con kinh sườn nên địa danh Ngàn cũng ra đời từ đó và rồi từ Một Ngàn cho đến Mười Bốn Ngàn Rưởi kéo dài cho đến tận Cái Tư Kinh Xáng Xà No.

Chợ Một Ngàn là quê vợ của một người bạn gốc người Quảng Nam đi cùng với chúng tôi. Anh nói, không so sánh trong những cuộc di dân, vượt biển sau biến cố 1975 rằng cuộc nào người dân khổ nạn nhất, nhưng theo kinh nghiệm của anh, những người bỏ quê miền Trung để tránh sự bức hại của chế độ, vào tới miền gạo trắng nước trong này tưởng đâu được no ấm, ai dè trúng vào thời bao cấp cộng sản, ở giữa vựa lúa phì nhiêu bậc nhất mà đói lên đói xuống mới đúng là khổ nạn.”

Chúng tôi đi một vòng chợ Một Ngàn. Nơi đây đúng nghĩa là khu chợ dành cho dân quê miền Nam, chợ bán nhiều tôm cá, hàng hóa chủ yếu là vật dụng sinh hoạt gia đình và các vật dụng cho nghề nông và đánh bắt cá. Đến một khu chợ quê mới biết sức xâm chiếm của hàng hóa Trung Quốc ghê gớm ra sao.










Một cửa tiệm ở chợ Một Ngàn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

 


Ngoại trừ những cái nồi đất, lò đất hoặc chum, lờ lú... bằng tre đan là đúng thương hiệu Việt Nam, còn hầu như tất tần tật từ cục pin cho tới chiếc xe hay trăm ngàn thứ khác đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc lai Trung Quốc.

Một bà chủ tiệm bán đồ tạp hóa nói: “Gần đây ai cũng nói với tui, mà tui cũng biết đồ Trung Quốc không tốt, độc hại nhưng không có ba cái thứ đồ quỉ đồ ma đó thì biết lấy gì xài.”

Trong bữa cơm trưa cùng gia đình bên vợ của người bạn cùng đi. Chúng tôi được nghe ông chủ nhà tuổi ngoài bảy mươi bày tỏ nỗi lo của dân xóm chợ miệt Ngàn.

Ông nói: “Nãy giờ tui nghe mấy chú nói chuyện Trung Quốc chiếm biển Đông, dân quê tui đâu có bụng dạ mà lo xa như mấy chú, nội cái chuyện nhà ven kinh này sắp bị nhà nước giải tỏa đền mỗi mét có ba triệu bạc, rồi ở đâu về đâu, rầu thúi ruột luôn.”

Tất nhiên là ở đồng bằng châu thổ sông Hậu ngày nay không còn chuyện ai đó mất đất, mất nhà thì đưa vợ con xuống ghe chèo chống đi tìm đất hoang chỗ khác cắm dùi. Dân miệt Ngàn cũng vậy, sông thì lở, kinh thì lấp, con cá cọng rau ngày càng cạn kiệt, nhà nước cùng các tập đoàn quyền lợi đỏ hùa nhau “quy hoạch” kiểu này, chắc rằng đến lúc nào đó chỉ còn nước dong xuồng ghe vào cõi mịt mờ vô vọng.

Trần Tiến Dũng/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn