BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Không biến máy tính cá nhân thành miếng mồi cho đàn sói

12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 1199)
Không biến máy tính cá nhân thành miếng mồi cho đàn sói
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nếu ví công an Việt Nam ngày nay với lũ sói, chắc không mấy người dân lành nỡ phản đối. Bản thân người viết bài này trước năm 2003 cũng cho rằng công an làm việc cho chính quyền, mà “chính quyền” là cái gì đó nếu không “chính” theo nghĩa chân chính thì cũng “chính” theo nghĩa chính danh, cho nên chắc là họ phải làm đúng pháp luật. Thật là suy nghĩ ấu trĩ.

Chiếc máy vi tính cá nhân giờ đây là vật dụng có thể gây nguy hiểm cho các nhà đấu tranh, vì công an thường khám nhà, tịch thu máy tính và khai thác các dữ liệu cá nhân trong đó để bằng mọi cách kết tội họ: Nào là “xâm phạm an ninh quốc gia”, nào là “tuyên truyền chống nhà nước” nào là “lật đổ”, “lật nhào”, thôi thì đủ thứ tội nghiêm trọng.

Với kinh nghiệm sử dụng máy vi tính và cũng có “hân hạnh” được công an dùng các dữ liệu máy tính sau khi khám nhà để quy kết tội “tuyên truyền chống nhà nước”, người viết xin chia xẻ với bạn đọc một vài thủ thuật và kinh nghiệm làm “sạch” chiếc máy tính cá nhân. Công an có khám, có thu thì họ cứ việc. Nhưng chiếc máy tính của các nhà đấu tranh trong nước lúc nào cũng trống rỗng, không lưu lại bất cứ một bằng chứng hoạt động nào.

Thứ nhất, chiếc máy tính của bạn sau khi mua về, cần cài đặt Windows mới, máy used cũng vẫn cần cài lại hết. Động tác này làm xóa sạch mọi dữ liệu cá nhân cũ lưu trong máy, nếu không xóa, lỡ ra người chủ cũ đã lưu những file dữ liệu xấu (bao gồm cả các đoạn phim video hoặc hình ảnh sex, cũng là bằng chứng vi phạm pháp luật vì tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy). Dù người dùng có cẩn thận xóa thủ công sạch cả trong thùng rác (recycle bin) thì dữ liệu vẫn còn lưu lại trong phần trống của ổ cứng máy tính ở chế độ ẩn. Đối với những người có chút kỹ thuật thì việc khôi phục lại các file ấy là vô cùng đơn giản. Vậy là máy tính của ta chưa “sạch”, chỉ có cách tốt nhất là cài đặt Win mới. 

Trong trường hợp ngắn hạn, chưa kịp cài lại Win thì có thể dùng phương pháp “chèn”, tức là sau khi xóa sạch dữ liệu trong thùng rác thì ta chép thêm những file lớn (thường là phim), sao cho bộ nhớ máy Full thì thôi (chỉ dễ làm với điều kiện là ổ cứng có dung lượng chứa nhỏ), lúc này các file nhạy cảm đã bị đẩy ra hết. 

Máy tính của bạn muốn thực sự trống rỗng thì trước khi dùng, cần cài đặt một phần mềm nôm na gọi là “đóng băng tài khoản” hiện nay có phần mềm Deep freeze khá tin cậy, lại có free trên mạng Internet với những phiên bản mới nhất từ 6.0 đến 6.4, (bạn cũng có thể dùng phần mềm đóng băng khác nếu thấy đủ độ tin cậy). Phần mềm này có tác dụng cấm sao chép, cấm xóa dữ liệu trong máy, “đóng băng” hoàn toàn ổ cứng, Có thể tải về và tự cài đặt. Khi cài đặt xong, nên đặt Password cẩn thận, đề phòng kẻ xấu mở băng xâm nhập sao chép tài liệu vào máy của ta.

Khi sử dụng Internet, nếu muốn nhà cung cấp dịch vụ không lưu lại dấu vết khi ta truy cập vào các trang Web tạm gọi là “phản động”, đối với trình duyệt Internet Explorer hay Google Chorome hoặc Mozilla Firefox cũng vậy, ta nên cài đặt các tính năng không lưu lại địa chỉ là các đường Link mà ta đã truy cập vào mạng Internet (không lưu lại lịch sử duyệt Web). Làm thao tác này rất đơn giản vì nếu sử dụng Internet ở Việt Nam thì có sẵn hướng dẫn tiếng Việt rồi. Khuyến cáo nên dùng trình duyệt Google Chorome, vì trình duyệt này của Google có nhiều tính năng hỗ trợ lướt Web vượt trội, có cả quyền riêng tư, khi cho phép người dùng tạo tài khoản lịch sử duyệt Web, với đầy đủ Username và Password như một hộp thư riêng.

Trước khi đóng băng máy tính, ta phải cài đặt tất cả các tùy chọn trong trình duyệt Web theo ý muốn, rồi đóng băng lại. Trong trường hợp muốn chép thêm những phần mềm công cụ, ta chỉ việc mở băng ra và chép chúng vào. Nếu phần mềm nào không tiện giải nén trước, ta vẫn có thể giải nén chúng trong khi máy vẫn đang được đóng băng, chỉ có điều, sau khi kết thúc phiên làm việc thì phần mềm đó lại tự động trở về trạng thái cũ, tức là chưa giải nén. Đối với phần mềm gõ tiếng Việt (như Unikey chẳng hạn) thì nên dùng cách này, vì Unikey dễ bị lỗi khi để hoạt động liên tục trong trạng thái giải nén sẵn.

Khi máy tính của bạn đã đóng băng rồi, nếu viết các tài liệu bằng Microsoft Word hay download các tài liệu trên mạng về mà muốn lưu lại, ta có thể lưu chúng trong Gmail (đối với các file dưới 10 Mb), hoặc có thể lưu trong trang blog cá nhân bí mật (nếu muốn tạo một blog bí mật miễn phí, xin hãy đọc bài “Chiếc két sắt đựng tài liệu cho các nhà đấu tranh”), không nên lưu tài liệu trong USB vì đó vẫn là một bằng chứng nguy hiểm không khác gì ổ cứng của máy tính. Trên trang blog bí mật ta có thể lưu giữ cả những file video rất lớn. Chú ý: Khi đã đóng băng ổ cứng rồi, nếu ta tắt máy tính thì các file download về hoặc ta đang thao tác, ghi chép, viết lách, đều bị xóa hết (sẽ rất tốt khi có công an ập vào nhà mà ta đang làm việc với máy tính, ta chỉ việc tắt máy khẩn cấp là xong). Cho nên ta cần lưu chúng lại trên mạng Internet. Có một số trang Web trên mạng cho phép ta lưu lại các file miễn phí như mediafile.com chẳng hạn, nhưng chúng rất dễ bị phá hủy hoặc dễ bị lấy cắp.

Khuyến cáo: Không nên lưu các File dữ liệu cá nhân trong máy tính, dù ta có dùng phần mềm mã hóa tài liệu nào chăng nữa thì công an vẫn có thể dùng mọi cách buộc ta phải mở khóa để họ kiểm tra. Tốt nhất là để máy tính trống trơn là hơn, đỡ mất công trả lời thẩm vấn. Đặc biệt, nếu ta xài phần mềm đóng băng tài khoản thì các loại virus rất khó lòng xâm nhập phá hoại máy tính của ta. Một công lợi cả đôi đường…

Như vậy chiếc máy vi tính của bạn đã khá an toàn. Nói “khá an toàn” vì cũng có thể khi bạn đang truy cập vào Internet bạn đã bị công an theo dõi, thậm chí họ có thể sao chép lại tất cả các dữ liệu và thao tác của ta trên máy tính, vì nhà cung cấp mạng nguồn nằm trong tay họ. Không những thế họ còn có nhiều cách để hack chiếc máy tính của ta. Nhưng những điều đó không phải là bằng chứng để công an buộc tội, vì Internet mênh mông, họ giữ tài liệu (dù là của ta) nhưng trong máy tính của họ thì cũng bằng hòa mà thôi.

Rất tiếc là cho đến tận ngày hôm nay, hàng loạt các nhà đấu tranh trong nước vẫn mất cảnh giác, vô tư lưu các tài liệu “nhạy cảm” trong máy tính của mình, để rồi công an lấy đó khai thác những bằng chứng chống lại họ. Có thể liệt kê ra hàng chục nhà đấu tranh bị kết tội gần đây vì để lộ các thông tin dữ liệu trong máy tính như các vị: Trần Anh Kim, Vi Đức Hồi (Khối 8406), Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long (Đảng Dân Chủ Nhân Dân), Phạm Minh Hoàng (Đảng Việt Tân), gần đây nhất là Cù Huy Hà Vũ (tiến sĩ luật)… Như trường hợp tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nếu không có chiếc máy tính xách tay bên mình, hoặc máy tính của anh ấy hoàn toàn trống rỗng thì công an Sài Gòn không có cớ gì để bắt anh ấy được.

Bầy sói có thể dùng sức mạnh, dùng thủ đoạn để tấn công con mồi. Nhưng nếu ta biết cảnh giác, thì không dễ gì chúng có thể săn mồi thành công. Dù sao đi nữa, không biến chiếc máy tính thành miếng mồi ngon để công an dựa vào đó mà kết tội ta, thiết nghĩ là một việc làm cần thiết để các nhà đấu tranh trong nước tự bảo vệ mình.

Lê Nguyên Hồng

Phụ lục:

Bài viết “Một chi tiết an toàn trên mạng Internet” http://nguyenhong8406.blogspot.com/2010/12/mot-chi-tiet-toan-tren-mang-internet.html 

Bài viết “Chiếc két sắt đựng tài liệu cho các nhà đấu tranh”  http://nguyenhong8406.blogspot.com/2010/08/kinh-thua-quy-vi-nhu-thong-bao-toi-co-y.html
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn