BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73211)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thăm TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, vị giám mục ẩn mình cầu nguyện

18 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1351)
Thăm TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, vị giám mục ẩn mình cầu nguyện
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kính tặng Đức TGM Giuse ngày Thánh lễ Quan thầy

Đã khá lâu không có dịp thăm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt kể từ ngày Ngài đi chữa bệnh ở Roma và trở về Châu Sơn ẩn mình. Ngày trước mỗi khi muốn gặp Ngài, phóng xe máy lên nhà Chung nếu Ngài không đi vắng hoặc quá bận rộn, có thể đến thăm Ngài dễ dàng.

Thế rồi thời thế đổi thay, Ngài rời Tòa TGM, lên đường lưu lạc long đong như chính con thuyền Giáo hội vừa qua vất vả đương đầu với bao sóng gió. Cha con cách biệt, nhiều khi thật bất tiện cho Ngài ngay cả việc thăm viếng, tiếp khách… Rồi cuộc sống bận rộn, vì vậy, tôi cũng ít có thời gian gặp Ngài.

Những ngày đầu xuân, có dịp cùng anh em bạn bè rong ruổi, chúng tôi rủ nhau về Châu Sơn, trước hết để thăm viếng Đan viện, nơi vốn có nhiều bí ẩn, nhiều mới lạ đối với những tín hữu ngoài đời luôn ồn ào, náo nhiệt như chúng tôi.

Một lý do hết sức quan trọng khác, là thăm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, người luôn được mọi trái tim yêu Công lý dõi theo dù ngài ở bất cứ nơi đâu.

Anh bạn ngoài Công giáo nghe nói tôi đi Châu Sơn thăm Đức Tổng Kiệt, nhất định đi theo và đưa cả vợ đi cùng để như anh nói là để mong được gặp “một Con Người”.

Châu Sơn, theo nhịp thăng trầm của Giáo hội




Đan viện Châu Sơn cách Hà Nội khoảng 80km về phía Nam, từ Nho Quan, rẽ phải sau một quãng đường, chúng ta vào Đan viên Xito. Đan viện ẩn mình trong khu vực làng xóm và sau những quả núi nhấp nhô. Nếu không có tấm biển chỉ đường, ít ai có thể biết rằng ở đó có một Đan viện, có những đan sĩ suốt ngày đêm âm thầm lao động, sống đời chiêm niệm đạo đức, cầu nguyện cho mọi người đỡ lấy phần nào những tội lỗi thế gian ồn ào, xô bồ ngoài kia.

Chúng tôi vào thăm Đan viện khi trời đã khá trưa, ánh mặt trời không gay gắt chiếu trên đỉnh mái ngôi nhà thờ bao năm được xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Ngôi tháp bỏ dở và vết tích thăng trầm của Đan viện qua thời gian như đang in hằn từng nét rõ ràng ở mỗi con đường, mỗi gốc cây, bụi cỏ nơi đây.





Một Đan sĩ kể cho chúng tôi nghe về lịch sử Đan viện Xito, nơi có bề dày hình thành, tiêu tán hoang tàn và hồi sinh nhanh chóng. Đan viện được thành lập năm 1936, do Đức Cha Thađêô Lê Hữu Từ làm bề trên đầu tiên, với diện tích bao la rộng lớn bao gồm cả hàng trăm ha bao gồm địa dư của mấy xã xung quanh.

Sau những biến cố ly loạn và chinh chiến của đất nước, của Giáo hội nhất là sau biến cố 1954, Đan viện hầu như bị hoang tàn và đất đai bị chiếm gần như hết sạch, chỉ còn lại ngôi nhà thờ và khoảng sân nhỏ. Nhiều linh mục, đan sĩ ở đây đã phải vào tù, thậm chí có những người đã chết rục trong nhà tù cộng sản không có ngày trở lại. Có thời gian, cả Đan viện chỉ còn duy nhất một linh mục và một thầy “giữ nhà” mà vẫn kiên trung bám trụ gìn giữ nơi đây. Vị linh mục đó nay đã quá già ở tuổi 95 vẫn minh mẫn và lo lắng những công việc của Đan viện.

Những năm gần đây, bằng nhiều cách, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người và bằng chính những bàn tay lao động cần mẫn của các đan sĩ, Đan viện đã hồi sinh nhanh chóng.

Giờ đây, vào Đan viện, một không khí bình yên, tĩnh mịch bao trùm gợi cho con người cảm giác an bình, lắng đọng để nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa trong những lời nguyện, câu kinh.

Phần trong Đan viện tĩnh lặng, chậm rãi, ta có thể nghe từng bước lê dép trên nền gạch đỏ đã bị mòn vẹt theo năm tháng.

Tuy vậy, những tháng ngày gần đây, một phần của Đan viện không còn là nơi quá vắng vẻ, quạnh hiu và yên tĩnh như trước đặc biệt là phía ngoài, nơi có dãy phòng khách mới hoàn thành.

Một người ở đây cho chúng tôi biết, kể từ ngày Đức TGM Giuse về trú ngụ ở đây, từng đoàn, từng đoàn xe và người cứ nườm nượp tuốn về Châu Sơn, ngày thường cũng như ngày lễ, ngày Noel hay ngày tết. Họ đi theo đoàn từng giáo xứ, từng nhóm nhỏ, nhiều nơi xa xôi như miền Trung, miền Nam… cũng góp mặt nơi này.





Chiếc sân trước khu nhà khách luôn đầy xe ô tô với các biển số các tỉnh khác nhau đang đậu im ở đó.

Khi chúng tôi đến một đoàn sinh viên của Thành phố Hà Tĩnh do linh mục chính xứ Tĩnh Giang FX. Đinh Văn Quỳnh dẫn đi đã đến đó từ sớm, họ khoe với tôi rằng đã được thăm Châu Sơn, đã được gặp gỡ và nói chuyện với Đức Tổng Kiệt, nét hồ hởi trên từng khuôn mặt tuổi thanh xuân, nói lên nỗi vui mừng trong lòng họ.









Một đoàn kèn tây không rõ của xứ nào đã cùng lên núi dâng lễ vừa xuống, hèn chi khi chúng tôi đến thấy tiếng kèn vang vọng trong thinh không là những âm thanh khá lạ ở vùng núi yên tĩnh này.

Châu Sơn một địa danh vốn âm thầm lặng lẽ, bỗng trở nên nổi tiếng, được các tín hữu biết đến, nhắc đến thật nhiều.

Cái tên Châu Sơn nghe thật đẹp, thật hiền giờ có dịp vang lên bên tai mọi người.

Châu Sơn, nơi con người phải sống thật




Chúng tôi được gặp Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt với chiếc áo len dài tay và đôi dép đi từ trong Đan viện đi ra. Dáng đi chắc nịch và khỏe mạnh, nét mặt vui vẻ và bình an, phấn khởi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ngài luôn nhắc đi nhắc lại rằng: Sự thật, sự thật là điều quan trọng nhất trong mọi hành động, suy nghĩ và hành xử của mỗi người tín hữu. Ngài nói rằng: “Ở đây, ngay cả ngôi nhà thờ không tô trát cũng có ý nghĩa của nó. Sự thật không cần che đậy bóng bẩy, vẫn bền vững với thời gian và giữ nguyên giá trị của nó”.

Quả thật, trong cuộc sống xã hội khi giả dối lên ngôi, trở thành chuẩn mực cho những hành xử, hoạt động của xã hội thì để luôn sống với sự thật là điều không dễ dàng, nhiều khi phải chấp nhận những thiệt thòi là điều hiển nhiên. Để đạt được điều đó, phải là một cố gắng bền bỉ và kiên trì với lòng tin của mình.

Tâm sự với chúng tôi về tinh thần của mình, ngài nhắc lại câu nói mà tôi đã nghe khi ngài chuẩn bị lên đường đi Roma chữa bệnh năm trước: “Chúng tôi là những người tu hành, Chúa chọn chúng tôi làm việc gì, xin theo ý Chúa, miễn là đẹp lòng Người”.

Ngài cho biết sức khỏe ngài khá hơn, nhìn thể trạng của ngài, tôi nói đùa: “Nhìn Đức Tổng thế này, ai bảo ngài ốm yếu về sức khỏe, con sẽ không tin” và tất cả cùng cười.

Mỗi ngày khi có thời gian, ngài đi bộ từ Đan viện đến chân núi và leo lên hơn 300 bậc đá lên hang Đức Mẹ để Cầu nguyện tại đó. Chúng tôi đã leo lên nơi này, những người mới đến lần đầu, leo lên đến nơi cũng phải nghỉ vài đợt, toát mồ hôi. Vậy mà các đan sĩ cho biết ngài vẫn lên cầu nguyện ở đó bình thường hàng ngày.

Những năm tháng ở đây, ngài cùng làm việc, cùng cầu nguyện với các đan sĩ, không giờ kinh nào ngài bỏ sót theo lệ nơi đây với 7 lần cầu nguyện mỗi ngày.

Những giờ lao động với cỏ cây, với đất đai nơi này, ngài có nhiều dịp để tiếp xúc với thiên nhiên. Ngài nói với chúng tôi: “Ở đây, làm việc với đất đai, với cỏ cây thì càng thấy rằng sự thật là cần thiết. Cần phải làm thật mới có kết quả, không thể làm dối được, làm dối thì cây cỏ và đất sẽ sẽ có câu trả lời ngay”.

Châu Sơn, nơi có vị Giám mục cầu nguyện




Nói chuyện với ngài trong không khí của Châu Sơn thinh vắng, chúng tôi cảm nhận được chiều sâu, những tâm tư của ngài hơn những cuộc gặp mặt nơi lễ hội hay những buổi gặp gỡ xã giao.

Ngài cho biết, về đây có nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và tĩnh tâm. Ngài nói: “Đời sống chính của một tín hữu Kito kể từ giáo dân đến Giám mục, Tổng giám mục hay cả Giáo hoàng là đời sống Cầu nguyện. Vậy nhưng, nhiều khi ngay trên chức vụ của mình với bao nhiêu bộn bề công việc liên quan, thời gian cầu nguyện sẽ ít đi, thậm chí rất thiếu. Về đây, có thời gian nhiều hơn cho việc cầu nguyện là điều hết sức cần thiết”.

Chúng tôi nói với ngài: “Đành rằng, ai cũng cầu nguyện, kể cả các giám mục, nhưng ở Việt Nam hiện nay, Giám mục làm việc thì nhiều, một Giám mục chuyên tâm cầu nguyện như ngài, thì mới có một”. Ngài vui vẻ cười: “Đó cũng là ý Chúa”.





Thời gian ở Châu Sơn không dài, bên ngoài nhiều đoàn khách đến thăm ngài đang đợi và giờ kinh chiều đang chuẩn bị, chúng tôi chia tay ngài ra về.

Ngài ban phép lành cho chúng tôi và chia tay.





Anh bạn ngoài công giáo của tôi từ đầu đến cuối không nói lời nào, chỉ ngồi nghe và nhìn, chị vợ anh ngồi bên cạnh cũng vậy. Đến khi chia tay, anh xin chụp kiểu ảnh kỷ niệm với ngài.

Ra về anh bảo: “Hôm nay tôi đã được gặp “một Con Người” tôi thấy ở Ngài dáng dấp của một nhà tu hành đạo hạnh”. Còn chị vợ thì cứ ngẩn ngơ vì cảnh đẹp đơn sơ, mộc mạc ở Châu Sơn trước đó, giờ luôn thì thầm: “Thật không ngờ tôi lại được gặp Đức Cha Kiệt, mà Đức cha Kiệt không ngờ lại là một con người đơn sơ, bình dị đến thế, gặp lần đầu mà tôi có cảm giác như gặp lại một người thân từ lâu”.

Chia tay Châu Sơn ra về, trên suốt quãng đường gần 100 km sau đó mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng tư.

Riêng tôi, nghĩ về Châu Sơn, tôi thấy thật an bình và luôn tâm niệm: Chúa sẽ có cách biến sự dữ thành sự lành, Giáo hội của Người sẽ vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để chiến thắng thế gian.

Hà Nội, ngày mừng lễ quan Thầy TGP và Đức TGM Giuse 19/3/2011.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Theo Sự Thật - Công Lý - Hòa Bình
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn