BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Công dân giáo dục và Công an giáo dục

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 787)
Công dân giáo dục và Công an giáo dục
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
“Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.”
Hồ Chí Minh
(3 tháng 9 năm 1945)

Rồi cuối cùng, ở VN, cũng đã có một nhân viên cán bộ – ông Lưu Văn Ca – xin từ chức. Lý do, theo như lời của chính đương sư, là vì “năng lực kém,” và “không có khả năng quản lý.”

 Hàng ngũ quan chức ở xứ sở này, phần lớn, đều thuộc loại “năng lực kém” nhưng có lẽ ông Ca là người đầu tiên (và hy vọng sẽ không phải là người cuối cùng) xin từ chức vì “không có khả năng.” Đây là một tín hiệu đáng mừng, dù khởi đầu bằng một câu chuyện khá buồn – xin ghi lại tóm tắt:



Em Huỳnh Thị Ngọc Trâm là học sinh của trường tiểu học An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp do ông Huỳnh Văn Ca làm hiệu trưởng. Đương sự đã nhờ cơ quan an ninh mở cuộc điều tra vì nghi ngờ em Trâm lấy cắp 47,800 đồng, tiền quỹ của lớp. Kết quả: vẫn không biết số tiền nói trên (biến) đi đâu nhưng em Trâm thì đã được gia đình đưa đi nhà thương – vì tâm thần bị rối loạn.

 Khi được hỏi “đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc hành xử thiếu đạo đức” như vậy? Bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo của nước CHXHCNVN, đã trả lời (nguyên văn) thế này:

 “Trong cuộc đời, đôi khi xảy ra những thứ không ai muốn. Họ cũng là những người hiểu biết nhưng việc xử lý các tình huống đối xử không tốt. Ví dụ, trong tình huống ‘hỏi cung’ em Trâm, phải nói công bằng là mục tiêu ban đầu chắc không ai muốn hại đứa trẻ. Nhưng phải xử lý tình huống như thế nào? Do vậy, ngay từ nhỏ, trẻ cần phải được giáo dục cách ứng xử tình huống.”

- “Vậy sắp tới, Bộ sẽ có biện pháp gì để tránh lặp lại những sự việc tương tự?

- “Sắp tới Bộ sẽ ra chuẩn giáo viên và phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh… Thứ hai, tôi sẽ về Đồng Tháp xem tình hình em Trâm như thế nào…” 



“Năng lực” và “khả năng quản lý” của bà Thứ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo của nước CHXHCNVN, ngó bộ, cũng không đỡ kém hơn ông Hiệu Trưởng Lưu Văn Ca (trường tiểu học An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bao nhiêu. Tuy cũng thuộc loại tài mỏng nhưng (dường như) bà ấy có đức dầy. Nói theo ngôn ngữ của đời thường thì bà Đặng Huỳnh Mai là kẻ có lòng. Tấm lòng này được thể hiện qua quyết định đi thăm em bé nạn nhân của một vụ ép cung.

 Cuộc phỏng vấn thượng dẫn, do phóng viên Tiến Dũng thực hiện, đọc được trên VnExpress, với tựa rất cảm động là “Tôi Sẽ Về Đồng Tháp Tìm Cách Giúp Bé Trâm.” Ở Việt Nam cán bộ nhân viên quan chức các cấp đều đươc tuyển dụng theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên.” Do đó, người có khả năng rất hiếm và những kẻ có lòng – như bà Thứ Trưởng – quá … hiếm. Và có lẽ vì vậy nên bài phỏng vấn của ông Tiến Dũng đã được phổ biến rộng rãi – với ít nhiều sung sướng và hãnh diện – trên hầu hết những trang báo và trang web ở Việt Nam.

Tôi thực sự (vô cùng) cảm động vì tinh thần dấn thân của bà Thứ Trưởng nhưng cũng (hết sức) ái ngại cho thời giờ, cũng như cho sức khỏe, của bà ta. Khác với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam là nơi mà mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, khi có lệnh triệu tập (bằng miệng) hay giấy mời của công an thì bất kể trai/ gái/ nam/ phụ/ lão/ ấu… “dù gian nan cách mấy cũng lên phường” – theo như cách nói (bằng thơ) của thi sĩ Bùi Minh Quốc.

 Ở Phường hay ở Xã thì chuyện hỏi cung (hoặc ép cung) vẫn xẩy ra thường ngày, cũng cứ y như ở Huyện, vậy thôi. Hễ nơi nào có học sinh bị hỏi cung mà cũng chạy bổ đi (“tìm cách giúp”) như thế thì có lẽ trong lòng bàn tay của bà Thứ Trưởng – ngoài đường kách mệnh, và đường may mắn – còn có thêm đường… vất vả nữa. Tôi e là bà Mai sẽ vất vả lắm, và vất vả không ngừng, với cung cách làm việc mau mắn như thế.

 Sau khi bé Trâm phải vào bệnh vì “rối loạn tâm thần,” một vụ “ép cung” tương tự cũng đã xẩy ra cho một em học sinh khác, tên Nguyễn Bùi Sĩ Thanh – học sinh lớp 4 của trường tiểu học Tân Hội Đông, tỉnh Tiền Giang.

 Theo Thanh Niên Online thì vì bị nghi ngờ lấy cắp một cái điện thoại di động nên công an xã đã cho người đến nhà ‘mời’ em Thanh về trụ sở để làm việc. 
“Theo đó Thanh thừa nhận có lấy cắp chiếc điện thoại di động, đã đem bán được 600,000đ và đem về bỏ ống heo trong tủ. Đến 14 giờ cùng ngày, đích thân ông Huỳnh Văn Vịnh – Trưởng công an Tân Lý Đông cùng một công an viên đến nhà ông Út thực hiện việc khám xét, truy tìm ‘tang vật’. Nhưng tìm hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy tang vật, ông Vịnh ra về rồi sau đó cho 2 công an viên trở lại tiếp tục khám xét! Cùng ngày, công an xã cũng đưa em Thanh đi thu hồi ‘tang vật’ tại 2 điểm bán điện thoại ở địa phương, nhưng chủ cửa hàng đã xác nhận không hề mua chiếc điện thoại nào của em Thanh.”

 “Tiếp xúc với báo chí hôm qua, ông Huỳnh Văn Vịnh thừa nhận việc công an xã làm việc với em Thanh mà không có người giám hộ là sai; việc ông Hồ Văn Vũ (công an viên) lập biên bản vi phạm hành chính rồi buộc em Thanh phải ký thừa nhận hành vi trộm cắp mới cho về là ‘do nóng vội’ và ông Vịnh cho biết sẽ thu hồi lại biên bản…”

 

Công an xã Tân Lý Đông giải quyết sự việc tuy hơi thiếu tình nhưng giản dị và hữu lý: “thu hồi lại biên bản” của cuộc hỏi cung là kể như xong. Mọi người sẽ lại tiếp tục sống (vô tư) y như cũ.

 Trường hợp của em Nguyễn Minh Cảnh (11 tuổi, học sinh lớp 6, trường THCS Bình Ngọc, thuộc thành phố Tuy Hòa) thì hơi khó vô tư hơn – chút đỉnh.
 
Cũng vì bị nghi ngờ là đã lấy cắp điện thoại di động, em Cảnh đã bị công an xã Bình Ngọc xét hỏi, hù dọa, và đánh đập tơi bời từ sáng đến chiều. Khi được thả, ngoài những vết thương khắp người, trên trán của em Cảnh còn có một lỗ trống sâu (đường kính cỡ 2 cm) vì bị một nhân viên công an bắn bằng súng cao su.



Xử dụng súng cao xu (thay vì súng thật) để lấy cung, nghĩ cho cùng, là một sự nhân nhượng rất lớn của nhân viên công lực – ở Tuy Hoà – đối với dân chúng. Nơi những vùng xa, vùng sâu, vùng rừng núi, người dân không được hưởng sự nhân nhượng tuơng tự. Em Hồ Phi Hiền – học lớp 6, trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đak Lak – là nạn nhân (điển hình) của sự thiếu nhân nhượng đó.

 Câu chuyện được TTXVN tường thuật như sau:
 

 “Sau khi đi học về, Hiền giúp mẹ mang bao lúa đi xay xát. Trong khi chờ đến lượt, Hiền sang quán bà Quang bên cạnh xem trò chơi điện tử. Quán vắng người, thấy rổ tiền xu Hiền lấy một nắm bỏ vào túi. Người hàng xóm phát hiện, báo cho bà Quang. Học sinh này được mời lên công an xã làm bản tường trình.”
 

“Tại đây, Hiền khai nhận đã lấy 47,000 đồng gồm các loại tiền xu có mệnh giá từ 1.000 đến 5.000 đồng. Cuối buổi chiều, mẹ của Hiền lên công an xã ký giấy bảo lãnh cho Hiền về. Công an xã cho rằng Hiền khai nhận chưa thỏa đáng, thiếu trung thực đề nghị chiều ngày hôm sau tiếp tục đến lấy lời khai…”

 “Đến chiều, mẹ của Hiền chuẩn bị đưa cháu lên công an xã làm việc thì phát hiện con trai tự tử. Trước khi chết, Hiền để lại một bức thư cho gia đình, với nội dung xin lỗi vì đã làm phụ lòng bố, mẹ.”

Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng: em Hồ Phi Hiền không chỉ đã làm phụ lòng bố mẹ mà còn làm buồn lòng bà Đặng Huỳnh Mai nữa. Có lẽ vì ở vùng xa, vùng sâu, vùng rừng núi nên em Hiền không biết rằng bà Thứ Trưởng Giáo Dục đã có đề xuất biện pháp “phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh,” để ngăn chận “tình huống hỏi cung” của công an đối với học sinh.

 Vi nhân nan. Làm người (quả) khó. Làm người Việt càng khó. Và làm người Việt thiểu số thì có lẽ là điều bất khả. Do vậy, em Hồ Phi Hiền đành phải làm phụ lòng bố mẹ, từ chức làm người, để chuyển (luôn) sang từ trần cho … xong chuyện.

Ở bên kia thế giới cầu mong em đừng phải gặp lại bác Hồ, lần nữa.

Tưởng Năng Tiến
11/2010

 Theo Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn