BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày xuân (buồn) nói chuyện Thơ Văn

14 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 799)
Ngày xuân (buồn) nói chuyện Thơ Văn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
“Năm trước, tôi qua Tây Beclin. Có hai vợ chồng trẻ gốc Trung Quốc, không biết tiếng Tàu, không biết quê ở đâu, chỉ biết cha mẹ sinh ra ở thị xã Bắc Ninh. Nghe tin có người Việt Nam mới sang thì đến chơi cho đỡ nhớ nơi sinh. Hôm tết mùng năm, nhà cũng thổi xôi, thắp hương rồi đóng cửa, vợ chồng ngồi khóc.”
(Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn 1992,17).

Chiều cuối năm, dù không “ngồi khóc,’’ tôi cũng muốn ứa nước mắt khi chợt nhớ đến một đoạn trong hồi ức của Tô Hoài. Hoàn cảnh lưu lạc của vợ chồng tôi cũng gần như thế, cũng không biết quê quán của mình ở đâu, chỉ biết mình là người gốc Việt.

Bố mẹ chúng tôi di tản sang Mỹ hồi tháng 4 năm 1975, và đều qua đời rất sớm, khi con cái còn nhỏ dại. Bà con thân quyến của cả hai bên lại chả có ai. Do đó, vợ chồng tôi tuy vẫn nói tiếng Việt như điên nhưng hoàn toàn mù mịt về quê hương bản quán.

Như một cái cây, ngoài rễ chính, có những nhánh rễ phụ để giữ cho thân được vững. Chúng tôi – không ít lúc – chợt cảm thấy lao đao hay hụt hẫng chỉ vì không được biết rõ gốc gác của mình.

Chợt có hôm, vợ tôi mặt mày rạng rỡ, thản nhiên tuyên bố:

- Em biết quê mình rồi anh ạ.
- Ở đâu?
- Xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Duơng, Bắc Việt. Nàng nói nghe cứ y như thật.
- Ai bảo với em thế.
- Chả ai bảo cả. Em đọc bài trên Evan thấy thi sĩ Lê Thiếu Nhơn viết là nhà thơ Trần Đăng Khoa là người ở vùng này…
- Ơ hay, quê hương của người ta việc gì đến em…

Tôi nóng nẩy, nói xen. Vợ tôi, vẫn cứ háo hức:

- Để yên cho em nói xong đã… Em nhớ trước khi bố mất, có lần ông gửi một cái thư về Việt Nam mà địa chỉ hình như cũng hao hao và có vẻ na ná như thế.

Chỉ cần “cũng hao hao và có vẻ na ná như thế” (cũng) đủ khiến cho vợ tôi vô cùng… sung sướng! Như một con cá hồi nhỏ bé, đang lao chao giữa vùng biển động, nhờ bản năng “cảm” được từ trường của lòng đất, nàng bỗng tìm được đúng hướng của sông xưa và bến cũ.

Từ đó, mỗi khi có dịp tiếp xúc với “quí đồng hương,” vợ tôi trở nên tự tin và hoạt bát hơn thấy rõ. Người Việt (hơi) nặng máu địa phương, nhất là mấy ông bà cỡ xồn xồn trở lên, không mấy ai bằng lòng với câu trả lời gọn gàng của người đối thoại – khi nói về quê quán:

- Ý trời, sao mà quê mình nhiều “Quảng” dữ vậy cà? Trước những câu hỏi tới tấp như thế, nếu bạn vì quýnh quáng mà nhận đại “một Quảng nào đó” (với hy vọng sẽ được yên thân) là lầm lắm, và lầm… lớn! Những câu hỏi kế tiếp (sẽ) dồn dập hơn nhiều:

- Mà ở quận nào, huyện nào, xã nào, làng nào, thôn nào, ấp nào… vậy?

Sau “vụ” Trần Đăng Khoa, dù bị tấn công “tới tấp” và “dồn dập” cỡ nào chăng nữa, vợ tôi vẫn “thoát hiểm” một cách rất ung dung – đối đáp gọn nhẹ, dễ dàng như chơi:

- Dạ cháu người miền Bắc ạ.

- Nhưng quê ở vùng nào?

Chỉ đợi có thế, nàng trả lời như máy:

- Xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đấy ạ. Cháu là người cùng quê với nhà thơ Trần Đăng Khoa…

Nhìn mặt người đối diện, nếu thấy đương sự hơi ngớ ra, là biết ngay họ thuộc loại “không có trình độ” (hoặc là chỉ ở “trình độ văn hoá thấp,” chả biết gì ráo về văn chương thi phú) thì một trong hai đứa tôi sẽ vội vã thêm:

- Ông ấy là thần đồng thơ của nước ta đấy.

Thật là hạnh phúc khi có một quê hương rõ ràng, đàng hoàng, và danh giá (tới) cỡ đó. Niềm hạnh phúc đơn sơ này – tiếc thay – chúng tôi không giữ được luôn, và cũng chả giữ được lâu. Có hôm, vợ tôi trông (bỗng) buồn thiu:

- Anh ơi, thi sĩ Trần Đăng Khoa không chịu làm thần đồng thơ Việt Nam nữa. Ông ấy đã tuyên bố như thế từ lâu lắm rồi mà mãi đến hôm nay em mới biết.

- Ấy chết, mà sao lại thế nhỉ?

- Em cũng chả hiểu sao nữa, chỉ thấy báo đăng đây này.

Tạp chí Cánh Én – phát hành từ Đức Quốc, số tháng 12 năm 1999 – quả có bài viết (tựa là “Câu Chuyện Bên Bàn Trà”) với lời tâm sự của nhà thơ thần đồng, như sau:
“Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên dự lễ bỏ mả của gia đình ông Y Ngông Niết Đam. Nguời Eđê có một tục lệ rất đặc biệt. Khi nhà có nguời chết, gia đình con cháu hàng ngày vẫn nuôi nấng, vẫn mang cơm nuớc ra mộ, khi có điều kiện họ làm lễ bỏ mả. Đó là bữa tiệc linh đình chia tay vĩnh viễn với nguời chết. Sau đó họ không quan tâm đến ngôi mộ ấy nữa, để linh hồn nguời chết được siêu thoát, không còn vướng víu cõi trần. Tôi cũng đã làm xong cái lễ bỏ mả cho thơ ca thời niên thiếu của tôi.”

Nói nào ngay, trình độ văn hoá của tôi cũng không cao (cấp) gì cho lắm. Tôi rất ngại đụng tới sách vở, nhất là loại có dính đến văn thơ – kể cả loại thơ có vần điệu rõ ràng (và đàng hoàng) cũng… ngại! Tuy thế, khi nghe tin một thi sĩ đồng hương “làm lễ bỏ mả cho thơ ca thời niên thiếu” của ông (sao) tôi bỗng thấy tiếc – vội vàng tìm đọc thử:
A, Bác Hồ!
Bác Hồ ta đó !
Bác mặc tấm áo ka ki
Bàng bạc sương rừng Pắc Bó
Trán Bác có ngôi sao
Thảo nào Bác đi đêm không lạc Bác ơi, Bác
!
(Em Gặp Bác Hồ – 1969)

Chú ngồi dặn cháu trong phòng
Ôi lòng Chú cũng như lòng mẹ cha
Tiếng thơ Chú bông ngân nga
Hoà cùng tiếng võng quê nhà mẹ đưa
Đất trời sang đẹp hơn xưa

(Thơ Kính Tặng Chú Tố Hữu – 1969)



Trần Đăng Khoa quả là một cậu bé có thời, và là một người đàn ông… thức thời. Ông ấy “làm lễ bỏ mả cho cho thơ ca thời niên thiếu” của mình là phải (giá).

Nhân tìm đọc Trần Đăng Khoa, tôi còn được biết thêm rằng sự nghiệp văn nghệ của ông không chỉ giới hạn trong lãnh vực thi ca. Trong một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Nien Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, Trần Đăng Khoa cho biết:
Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối thoại đấy

Tôi vừa có dịp thưởng thức những bài thơ («viết không cần cảm xúc») về những bậc trưởng thượng – những «Bác» và những «Chú» đầy quyền lực trong thế giới tuổi thơ, của Trần Đăng Khoa. Nhân dịp ngày xuân rảnh rỗi, tôi cũng muốn đọc thêm loại ký mà ông được “đặt… viết về người này người kia” xem thử ra sao.

May mắn, tôi vớ ngay được bài ông viết về Nhà văn Nguyên Ngọc – đã trích đăng ở báo Văn Nghệ, số 44, số ra ngày 3 tháng 11 năm 2007. Sau đây là nguyên văn đoạn kết:
“- Lúc nào buồn hay thất cơ lỡ vận thì cứ vô đây với tau. Cuộc đời nhiều bất trắc lắm, con à! Cứ vô đây! Đói thì tau nuôi. Ngày xưa bom đạn là thế, giặc giã và đói khổ là thế mà tau còn nuôi được mi. Bây giờ yên hàn rồi, chả lẽ tau không nuôi được mi sao?

Má Phan Thị Vinh, 89 tuổi, người đã nuôi và cất giấu Nguyên Ngọc ngày xưa, vui vẻ nói với ông. Rồi má chỉ ra ngoài cửa nhà, nơi có bao nhiêu là tài sản của má. Sau vách đất, ngay bên cạnh mảnh sân to chừng hơn cái nong phơi thóc là một vạt ngô đã trổ cờ, mấy luống mía sắp bóc lá và cả một ruộng khoai lang. Gia tài ấy của má cũng đã đủ nuôi Nguyên Ngọc rồi…”

Má Vinh rót nước râu ngô mời tôi với Nguyên Ngọc. Trên chiếc bàn nước bằng gỗ tạp, sau tấm kính vỡ được ghép lại là la liệt giấy khen, bằng khen đủ các kích cỡ thời kháng chiến. Cái thì đánh máy, cái thì viết tay, nét chữ đã ố mờ, chỉ có chữ ký của người chỉ huy chứ không có dấu. Những giấy tờ dã chiến như thế, liệu bây giờ người ta có tin không? Nguyên Ngọc cũng đã viết chứng thực cho gia đình má có công nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Mọi văn bản cũng đầy đủ rồi, nhưng cơ quan chính sách vẫn chỉ im lặng. Má Vinh cười móm mém:

“- Thôi, chả cần nữa đâu, Thành à. Mình sống được đến bây giờ là may mắn lắm. Còn mong gì thêm nữa. Mà má cũng già rồi. Chẳng biết chết lúc nào. Má chỉ còn lo, là lo cho con thôi…

Không phải chỉ có má Vinh, bao nhiêu người dân ở khu căn cứ cách mạng này đều thương yêu và lo lắng cho Nguyên Ngọc. Bởi thế, chắc họ sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng nhì. Biết đâu, điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa...”

10 – 9 – 2000
10 – 10 – 2007


(Rút trong Chân dung và đối thoại trọn bộ sắp xuất bản)

Tôi đã có lần được hân hạnh nói chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc, trong một quán nhậu có tên là Bình Dân, ở khu phố Bolsa. Ông có phong thái của một già làng, trên vùng Tây Nguyên: trầm lắng, điềm đạm và uyên bác. Ấn tượng tốt đẹp này khiến tôi cũng tin rằng “không phải chỉ có má Vinh, bao nhiêu người dân ở khu căn cứ cách mạng này đều thương yêu và lo lắng cho Nguyên Ngọc.”

Tuy nhiên, cứ theo như lời Trần Đăng Khoa là “… họ sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng nhì…, ” và “… điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa…” – như vừa dẫn – sao tôi thấy… khó nghe và khó tin quá hà!

Tình cảm, cũng như tình cảnh, của nông dân Việt Nam hiện nay – xem ra – không được… bao la tới cỡ đó đâu. Sức người, kể cả người dân quê Việt Nam, có hạn thôi chớ bộ.

Tình trạng nông thôn ở xứ sở này, qua nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thiều – đọc được ở Vietimes vào cùng thời điểm, ngày 23 tháng 3 năm 2008 – hoàn toàn khác hẳn:
Chúng ta đang nói về những cuộc tha hương kiếm ăn của hàng triệu con em những người nông dân. Chúng ta chứng kiến hết chuyện bi thương này đến chuyện bi thương khác của các cô gái lấy chồng ngoại quốc. Chúng ta chứng kiến những cô gái trẻ là con em những người nông dân tìm về thành phố để làm tất cả những gì họ có thể làm. Liệu chúng ta có còn có khả năng cúi mặt khi biết rằng ở nhiều khu du lịch hay vui chơi giải trí có rất nhiều thôn nữ 17 tuổi đã bán dâm từ 10 đến 20 lần một ngày?”

“Các cô gái đó đã ‘lao động’ như vậy để hy vọng có một món tiền trở về quê lập nghiệp. Với các cô gái trẻ và hiền lành ấy đang ở tuổi mơ mộng và học hành nhưng đã phải quyết định vứt đi đức hạnh mà chính họ luôn khao khát vươn tới để đổi lấy những đồng tiền. Họ muốn thay đổi một chút nhỏ trong cuộc sống bế tắc và đầy bi kịch của họ. Với một mảnh ruộng nhỏ một năm cấy hai hoặc ba vụ và trồng thêm hoa màu sẽ không bao giờ đổi thay được gia đình họ.”

Trước hoàn cảnh sống bi đát đến độ tuyệt vọng như thế ở nông thôn, tôi không tin rằng một cái “huân chương” vớ vẩn gì đó (bất kể là hạng mấy, được gắn trên ve áo của bất cứ ai) lại có thể khiến cho người dân quê “thêm tin yêu cách mạng” được.

Không ai có thể cả tin như vậy cả, nhất là nhà văn Nguyên Ngọc. Trên tạp chí Tia Sáng (số ra ngày 2 tháng 7 năm 2008) có bài viết “Đất và Nông Dân” của chính ông, với những dòng chữ thấm đẫm nước mắt – như sau:
“… đến hôm nay nhiều người đã phải nói lên một sự thật đã tới hồi không còn có thể quay mặt làm ngơ nữa: nông dân chán ruộng, nông dân chán nông thôn. Nghĩa là về cả hai mặt quan trọng, sống còn nhất trong đời sống con người đã khủng hoảng thật quá sâu: về kinh tế, người lao động trên ruộng đồng đã chán cả mảnh đất ngàn đời máu thịt của mình; về văn hóa thì cái nơi vốn là gốc rễ của văn hóa dân tộc ấy đã chán chường đến mức người ta không còn muốn sống ở đấy nữa, mặc dầu bỏ ra đi thì sẽ là lao vào một cuộc phiêu lưu cũng thật mịt mùng!

Xô đẩy người dân đến bước đường cùng, phải đối diện với một tương lai “mịt mùng” mà vẫn nói rằng họ “sẽ tin yêu cách mạng” thì tôi e là Trần Đăng Khoa đã (nói) quá lời. Ông chỉ… viết “đại,” theo như người ta “đặt,” vậy thôi.

Hy vọng, trong tương lai gần, rồi cũng có hôm Trần Đăng Khoa sẽ “làm lễ bỏ mả” cho cái thứ văn chương “đặt hàng” như thế. Là một người có khả năng (thiên phú) nghe được “tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng” của một chiếc lá, lẽ nào Trần Đăng Khoa không nghe được tiếng kêu thương ai oán của người những nguời dân ở nông thôn – nơi mà ông đã xuất thân, như một thi sĩ miền quê.
Đảng, tất nhiên, sẽ mất đứt một ông cán bộ. Trần Đăng Khoa, có thể, sẽ mất chiếc ghế (quan chức) đang ngồi. Nhưng dân làng Xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Duơng – chắc chắn – sẽ nhận lại được một nhà thơ. Và vợ chồng tôi, rồi ra, sẽ lại có dịp ba hoa hãnh diện về một người đồng hương tăm tiếng (chứ không phải là tai tiếng, như hiện tại).

Tưởng Năng Tiến
12/2010

Theo Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn