BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn luật sư Trần Lâm

10 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 913)
Phỏng vấn luật sư Trần Lâm
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Phạm Đình Minh: Có người đã được nghe luật sư Trần Lâm, có người chưa được biết luật sư Trần Lâm . Thưa luật sư có thể nói một đôi dòng về luật sư?



Ls Trần Lâm:

Tôi xin nói một đôi điều về cá nhân. Tôi năm nay đã quá nhiều tuổi rồi, hơn 80. Tôi sinh tại Ninh Bình. Khi các bạn vào miền Nam vào năm 1954 thì tôi đã 20 tuổi. Tôi cũng có được học chút ít, bây giờ văn hóa là thấp đấy. Nhưng thời kỳ 70-80 năm trước thì cũng là người có học. Tôi cũng như mọi thanh niên Việt Nam, cũng tham gia vào kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi cũng vào đảng. Công việc của tôi làm thì trước đây tôi cũng có làm báo, dạy học. Về nghề luật sư của tôi thì có một thời gian đi làm công tác ở tòa án, bây giờ tôi nghỉ. Tôi đã về hưu lâu quá rồi, 24-25 năm rồi. Có tham gia vào công việc của nhà nước Việt Nam cách đây 24-25 năm, còn từ đó đến giờ thì làm tự do. Vừa mở trường trung học tư thục vừa làm luật sư và một vài việc khác nữa.

Bản thân thì có mấy nét như vậy thôi. Kiểm điểm lại thì trong khi mình làm việc cho nhà nước thì cũng có làm cho dân được việc nọ việc kia. Nhưng trong tình hình chung thì cũng có những sai sót mà mình cũng không chủ động để làm điều đó, nhưng trong tình hình chung thì cũng có những sai sót. Cũng may là đã về hưu quá lâu rồi cho nên thời kỳ 25 năm nay chuyển biến, nó có nhiều cái tiêu cực, nhiều cái đáng chê trách. Cũng may là 25 năm nay mình không làm việc nhà nước nữa. Nhờ Trời nên tôi nhiều tuổi nhưng vẫn còn khỏe cho nên vẫn làm việc được. Nhất là vẫn còn minh mẫn, đấy là cái may… Cũng là cái phúc, đức được cái đó …

Hôm nay được trao đổi với các bạn là một điều tôi rất mừng. Sắp sửa cũng sang năm mới, chúc các bạn vạn sự an lành.

Phạm Đình Minh: Thưa luật sư Trần Lâm, thay mặt cho toàn thể anh chị em trong chương trình “Từ Cánh Đồng Mây” và đài Sài Gòn – Dallas 890, trước hết chúng tôi xin kính chúc Cụ một năm mới dương lịch… chúng ta đã được 19 ngày rồi. Chút nữa chúng tôi nói qua về con số 19 và hôm nay tại sao Cụ cho chúng tôi một cái rất đặc biệt là trong ngày 19 tháng 1 năm 2008 và cũng trong những tâm tình cuả những người Việt sửa soạn chúng ta đón năm con chuột. Anh em trong chương trình “Từ Cánh Đồng Mây” cũng như cá nhân tôi Phạm Đình Minh cũng như toàn thể anh em trong đài Sàigòn Dallas 890 được gởi lời đến Cụ một lời chúc an khang và trường thọ. Được thưa chuyện với Cụ, tôi là một người rất trọng kính tuổi, theo như tôi biết năm nay Cụ đã 84 tuổi rồi và tiếng nói cuả Cụ còn rất là mạnh khoẻ đối với anh em.

Thưa cụ, đi ngược dòng thời gian vào trước năm 1954 khi gia đình tôi đưa tôi vào trong Nam để sinh sống ở trong Nam và Cụ ở lại miền Bắc. Từ khoảng năm 1954 đến năm 1975 có những điều gì đặc biệt mà luật sư Trần Lâm còn nhớ lại, thưa luật sư?

Ls Trần Lâm: Điều nhớ lại thì nó ở trọng điểm nào, chớ điều nhớ lại thì nó rất nhiều điểm. Điểm mình nhớ lại là khi đó mình còn trẻ, lúc đó tâm tư, tình cảm thì rất vui tươi và bao nhiêu khó khăn gian khổ điều chịu đựng một cách vui vẻ. Thế nhưng trong quá trình đó rồi đến năm 1975 thì vẫn còn giữ được cái đó. Thế nhưng dần dần thì cũng cảm thấy… cuộc đời người ta nói rằng càng về già thì nó không còn cái vui tươi như xưa nữa. Trong những năm sau thì tình hình trong nước cũng có nhiều điều không ưng ý, vì thế cho nên cũng cảm thấy buồn buồn.

Thế nhưng bây giờ chúng tôi có suy nghĩ như thế này, tương lai mình vẫn tin tưởng hoàn toàn, mình có khác với các bạn ở ngoài không biết có thấy không chớ chúng tôi thấy sự thay đổi, tương lai nó vẫn đang chờ chúng ta. Tôi thấy rằng tương lai tốt đẹp rồi sẽ tới. Cho nên tôi muốn gởi đến các bạn là chúng ta hãy tin tưởng, nhất định là cái tốt đẹp nó sẽ chiến thắng cái gì mà không tốt đẹp.

Phạm Đình Minh: Thưa luật sư Trần Lâm, cách đây ít lâu chúng tôi được liên lạc với một người rất thân với Cụ và cũng rất gần nhà cụ, đó là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông có tâm tình với tôi là tất cả những điều ông ấy đã nói hay Cụ đang nói với anh em chúng tôi, những người Việt Nam thân mến của Cụ từ nửa vòng trái đất. Nếu những điều Cụ nói mà trước đây 15-25 năm thì Cụ và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị lên án tử hình rồi. Nhưng có lẽ ngày hôm nay, như Cụ nói những điều tươi đẹp nó sẽ đến với quê hương Việt Nam. Trước khi chúng ta nhìn đến điều tươi đẹp thì chúng ta phải nhìn về quá khứ để hoạch định cho một kế hoạch tươi đẹp cho đất nước. Năm 1954 khi chúng tôi đi vào Nam người ta nói một điều sai lầm nhất của đảng cộng sản lúc bấy giờ đó là cải cách ruộng đất và đánh tá điền. Năm 1975 khi những người ở ngoài miền Bắc chiến thắng trong miền Nam và VNCH không còn có trong lịch sử của xã hội chủ nghĩa thì một điều sai lầm nữa của đảng cộng sản đã bắt tất cả những người tài giòi, bắt tất cả những tinh hoa của nước Việt Nam trong miền Nam đi tù. Cụ có nghĩ rằng hai điều đó có phải là những điều sai lầm nhất mà đảng cộng sản đã lập đi lập lại để ngày hôm nay chúng ta phải ở trong một cái thế rất khó khăn của nước Việt Nam hay không?

Ls Trần Lâm: Điều thứ nhất là cải cách ruộng đất thì điều đó người ta đã tổng kết rồi. Và cái đó người ta đã thừa nhận là một sai lầm rất ghê gớm. Cái sai lầm ấy nó đánh vào dân tộc, nó đánh vào lãnh đạo của đảng. Cái đó người ta đã nhận rồi. Bây giờ thì mọi người đã nhận, người dân cũng đã nhận ra, những người cộng sản cũng đã nhận ra rồi. Thế thì cái đó ta cho qua.

Cái thứ hai là sau năm 1975 thì người ta thấy cái sai lầm lớn nhất là, người ta đang tranh luận về cuộc chiến tranh, phải hay không phải, đúng hay không đúng mà tiến hành như thế là có lợi hay không có lợi và như vậy thì thế nọ thế kia. Và cái đó bắt đầu người ta đã suy nghĩ chỗ đó. Và cái thứ hai nữa là người ta thấy rằng chuyện cải tạo, bắt những người đi tù (gọi là cải tạo, gọi là học tập nhưng thực ra là đi tù) thì người ta cảm thấy cái đó là không đúng. Thì bây giờ người ta cũng nhận rồi. Hiện nay ở trong nước cũng đã có một trào lưu, người ta phân tích lại những quá khứ và người ta phân tích lại chiến tranh Việt Nam. Nhiều người đã nhận thấy là cuộc chiến tranh miền Nam, cái tốt cũng có mà mặt trái cũng có.

Bây giờ người ta tỉnh táo hơn, người ta nhìn lại cái đó thì người ta đánh giá một cách khách quan hơn. Nhưng thực ra đây là những dư luận chứ còn chính ra đảng cộng sản chưa có một thái độ rõ ràng về chiến tranh miền Nam.

Cái đó thì chưa rõ ràng như cải cách ruộng đất thì đã có rõ ràng rồi. Cải cách ruộng đất thì đảng cộng sản đã thừa nhận rồi, và cũng như mọi người đánh giá. Còn chiến tranh miền Nam thì mới có dư luận của quần chúng, thí dụ như ông thủ tướng cũ hay một số nhà trí thức thì bây giờ đang xem xét cái đó. Nhưng cái chính thức của nhà nước thì chưa có ý kiến về cái này. Nhưng dù sao tôi thấy cũng đã có sự chuyển biến. Thí dụ như ông Triết đi Mỹ nói những điều gì đó, thì hiện nay người ta đã suy nghĩ về cái đó rồi. Cho nên là sự suy nghĩ ấy nó đã cân bằng, nó đã hòa nhập với suy nghĩ ở bên ngoài chưa, của các bạn chưa thì cái đó tôi chưa có tài liệu. Nhưng tôi thấy là đã có một sự suy nghĩ. Tức là người ta nói là đã có một sự nhìn lại, còn thừa nhận sự nhìn lại ấy như thế nào thì chính thống chưa có nhưng trong nhân dân thì bây giờ đã có dư luận về việc phải nhìn lại đó. Nhìn lại cả mình nữa, nhìn lại miền Bắc, nhìn lại miền Nam. Nhìn lại tất cả, cũng như chuyện thuyền nhân thì cũng phải nhìn lại. Tức là bây giờ cái nhìn lại thì người ta đã có rồi, mà cũng không phải ít người đâu. Đã có một tình hình như thế trong dư luận nhân dân và dư luận trong đảng, dư luận trong nhà nước. Dư luận của nhiều người chứ không phải như trước cứ kết luận một chiều đâu. Bây giờ không có cái đó nữa.

Phạm Đình Minh: Người ta nói nếu nhìn quá khứ của một người thì ta giám định việc làm của người đó ngày hôm nay và trong tương lai. Đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi ở bên ngoài chúng tôi rất cảm mến luật sư Trần Lâm là vì theo những tin chúng tôi biết được hầu như không có một vị luật sư nào dám đứng ra để biện hộ cho tất cả những người đang tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam ngoài luật sư Trần Lâm.

Chúng tôi xin đi ngược lại thời điểm quá khứ năm 1975 một chút. Tôi nghĩ lúc đó Cụ vẫn còn trẻ, khoảng hơn 50 tuổi. Tâm tình của luật sư Trần Lâm nghĩ, cái chiến thắng mà những người ngoài miền Bắc nói là chiến thắng miền Nam. Tâm tình của Cụ thế nào? Cụ có thấy đó là tâm tình của một nước Việt Nam hai bên đã đi gần lại với nhau, đã anh em một nhà hay không, thưa cụ?

Ls Trần Lâm: Bây giờ phải trở lại lúc bấy giờ. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng là cuộc chiến tranh chống Mỹ và chiến thắng. Người ta nghĩ rằng một số người miền Nam đi theo Mỹ, như thế là chống lại tổ quốc. Quan điểm lúc bấy giờ thì như vậy, mọi người đểu nghĩ như vậy cả. Chúng tôi cũng chỉ hiểu đến mức ấy thôi, làm sao mà chúng tôi sáng suốt đến chừng mực rằng chúng tôi có được những suy nghĩ độc đáo như ngày hôm nay. Tức là phải có thời gian rồi chúng tôi mới nhìn lại chớ lúc bấy giờ thì mình cũng như mọi người, tức là Mỹ là kẻ thù, là người xâm lược. Thế còn những người ở miền Nam là những người đi theo Mỹ, như thế là những người ấy chống lại dân tộc. Lúc bấy giờ thì người nào cũng nghĩ như thế cả, cả những người sáng suốt. Như chúng tôi thì chúng tôi cũng thừa nhận là chúng tôi nghĩ như thế.

Thế nhưng do chỗ đó nên nhiều người nói lại là không đúng đâu. Hay bây giờ người ta nói cuộc chiến tranh đó là cuộc chiến tranh ‘ủy nhiệm’, chắc các vị cũng thừa hiểu rồi. Người ta nói là cuộc chiến tranh ‘ủy nhiệm’, Việt Nam đánh có phải cho Việt Nam đâu. Việt Nam đánh nhau như thế không phải là vấn đề giải phóng dân tộc mà Việt Nam đánh là vì theo Liên Xô, theo TQ gì gì đó để làm cuộc chiến tranh. Không phải là cuộc chiến tranh giải phóng như Việt Nam nói, như nhiều người nói mà đây là một cuộc chiến tranh ‘ủy nhiệm’. Bây giờ nó đang có những chuyện đó.

Hiện nay những người trí thức, những người hiểu biết một cách bình thường thôi thì người ta cũng đã có một sự nghĩ lại rồi. Cái khôn ngoan, thông minh, hiểu biết nó cũng phải có thời gian mới có điều kiện. Anh bị bưng bít tất cả mà anh chỉ có những thông tin một chiều thôi thì dĩ nhiên anh phải nghĩ điều đó chớ làm sao mà anh có thông tin được.

Hay chẳng hạn như bây giờ người ta mới đưa ra những câu chuyện rằng người Việt Nam đánh người Việt Nam là tự mình bị người ta xúi dại. Bây giờ tư tưởng đó đã bắt đầu có rồi. Tình hình nó vậy, cho nên nói để cho các bạn biết rằng năm 1975 thì người nào ở miền Bắc cũng hồ hỡi thế là nước nhà thống nhất, thế là nước nhà được tự do hoàn toàn, lúc bấy giờ ai cũng vui sướng cả. Nhưng về sau thì thấy cuộc chiến tranh đó nó tàn khốc quá, nó thiệt thòi quá. Mà như vậy thì dân tộc bị thiệt thòi thôi, anh em đánh nhau do bên ngoài nó xúi dại, nó đã có những tư tưởng như thế rồi. Sự đối xử với những người ở miền Nam vì tham gia cuộc chiến tranh thì coi như kẻ thù là không đúng. Bây giờ có những tư tưởng nói theo Mỹ, như chiến tranh Nam-Bắc của Mỹ thì bây giờ người ta cũng nói rằng khi chấm dứt thì hai bên đều bắt tay nhau v.v… Bây giờ đã có một sự hồi tưởng, phân tích lại, sự quay ngược trở lại… hiện nay đã có cái đó. Như thế là đã có một sự phản biện, một sự tỉnh táo, đã có một sự suy nghĩ lại và cũng đã có một nhận định khác đi. Nhưng hiện nay cái đó chỉ là lẻ tẻ trong từng người và nói ra một cách còn dè dặt, trên báo chí cũng có đề cập nhưng nói ra nó còn ẩn dụ, nó còn quanh co, còn phần nhỏ. Những điều các bạn bâng khâng thì hiện nay người ta đã đặt ra để người ta suy nghĩ.

Các bạn hãy chờ, cái gì là chân lý với lịch sử, với thời gian…. Cái gì là chân lý nó sẽ là chân lý. Nếu bây giờ bắt phải kết luận ngay thì chính tôi cũng chưa dám làm việc đó bởi vì tôi cũng chưa đủ thời gian, chưa đủ điều kiện để làm việc đó.

Phạm Đình Minh: Thưa luật sư Trần Lâm, nếu xét về tuổi đời thì những người lãnh đạo trong nước thì tôi nghĩ là họ cũng vào khoảng tuổi của tôi bây giờ đây. 4 vị lãnh đạo trong nước bây giờ, ông Nông Đức Mạnh, ông Triết, ông Dũng và ông Phú Trọng, tôi nghĩ đã hơn một lần luật sư được gặp họ, luật sư đánh giá sự lãnh đạo của những người này như thế nào, thưa luật sư?

Ls Trần Lâm: Tôi đánh giá như thế này.Tôi cũng có được tiếp xúc với các vị ấy, nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy rằng hiện nay điều kiện của thế giới, điều kiện của trong nước, những thuận lợi, khó khăn, những mũi nhọn, tất cả những vấn đề thì tôi càng thấy hiện nay hình như là nó vượt qua tầm của các vị ấy. Thấy như là một người chèo lái một con thuyền mà hình như là cái tầm của các vị chưa kịp với đòi hỏi của thời đại. Ngược lại, có những vị tôi nghĩ rằng tiếp thu cái mới, với tới cái mới, cũng có vị còn chưa đáp ứng được.

Vì thế cho nên điều lãnh đạo hiện nay là một điều mà người dân đang lo lắng vô cùng. Người ta lo lắng như đang ngồi trên một cái ô tô mà phải đi một tốc độ rất ghê gớm thì mới kịp với giờ tới đích, mà đường xá thì không phải dễ dàng, thì người cầm lái người ta càng thấy rằng hình như chiếc xe đi để đạt được sự an toàn, người ta có sự lo lắng. Hiện nay tôi nghĩ tất cả người dân ở trong nước người ta lo lắng về các vị cầm đầu. Đấy là lo lắng về bản thân các vị.

Nhưng còn một cái lo lắng nữa là quan điểm về đường lối chính trị, tức là Việt Nam tiến lên theo con đường nào, làm những việc gì thì càng thấy hình như còn bị vướng cái chủ nghĩa, vướng cái ý thức hệ, vướng cái ở trong quan điểm tổng quát như cái kim chỉ nam. Mà hiện nay cái kim chỉ nan ấy vẫn còn có sự bâng khoăn là cứ theo đường lối xã hội chủ nghĩa thì liệu thắng hay không thắng, có giải quyết được tình hình của Việt Nam không, có tiến lên được không, có mở mày mở mặt hay không. Ở trong nước hiện nay người ta lo, thứ nhất là bản thân các vị chưa đủ cái tầm đối với một nước Việt Nam đang vươn lên với muôn vàn khó khăn. Đấy là tính về cá nhân, tính về con người.

Còn điều thứ hai người ta lo lắng là cái chủ nghĩa có còn phù hợp, phù hợp đến mức nào. Có người dám nói có người không dám nói. Nhưng cái người ta băng khoăn là nếu mình giữ thế này, tức là tính bảo thủ cứ giữ nguyên quan điểm như thế thì liệu cái quan điểm đó nó có phù hợp với thời đại không, hay cái đó nó đã lạc hậu rồi mà không chuyển theo một cái mới. Như thế tức là vừa nghĩ về cái đạo, vừa nghĩ về cái tầm, về con đường và đồng thời cũng nghĩ về từng con người. Một con người có hai yếu tố, yếu tố của cái đầu của họ, bản lỉnh của họ, lòng yêu nước của họ v.v… và thứ hai nữa là họ đi theo con đường nào. Hiện nay nó vẫn có hai cái đó là mối lo hiện nay của nhiều người. Có người dám nói ra như tôi nhưng cũng có người dám nói ra một nửa, cũng có người dám nói ra mạnh hơn cũng có người lo lắng ở trong lòng. Nhưng nếu ai suy nghĩ thì đều nằm ở hai điều ấy cả.

Mà người ta cho bây giờ không phải là thời cơ chúng ta không có. Thời cơ ở Việt Nam hiện nay là một thời cơ vàng. Nhưng có nắm được thời cơ đó hay không. Cũng như là anh có một phương tiện nhưng anh có sử dụng được nó không, hay anh lại để nó mất đi. Bây giờ người ta đang lo lắng về thời cơ và thách thức.thời cơ và tầm vóc của mình. Vì thế cho nên bây giờ có người nói rằng chúng ta cứ cất cánh nhưng có người nói rằng liệu chúng ta có cất cánh được không?

Phạm Đình Minh: Thưa Cụ Trần Lâm, tôi biết Cụ là một đảng viên cộng sản nhưng tôi xin được phép thưa với Cụ như thế này, nếu tôi có một bàn tay hay tôi có một phép mầu nhiệm nào mà tôi được phép chỉ định Cụ làm thủ tướng hay làm chủ tịch nhà nước thì chắc chắn là tôi sẽ chỉ định ngày mai. Tâm tình của Cụ tôi đọc được như thế này, ở nước Việt Nam chúng ta có nghĩa là có Cụ và có tôi, có hơn 80 triệu người ở trong nước và có hơn 3,5 triệu người ở hải ngoại này. Chúng ta không thiếu nhân tài, chúng ta không thiếu người yêu nước nếu Cụ theo dõi tình hình anh em chúng tôi bên ngoài này. Dầu rằng chúng tôi chỉ ở nước Hoa Kỳ và thế giới này mới có 32 năm thôi nhưng người Việt Nam chúng tôi làm vinh danh cho nước Việt Nam rất nhiều. Cái chính của một chế độ độc tài, của một chế độ cộng sản đó là cái chính mà để họ được ngồi trên đó là nghèo, dốt và sợ. Người ta phải làm cho người dân nghèo đi, dốt đi và sợ đi thì người ta mới ngồi mãi được. Cụ nghĩ thế nào về điều 4 hiến pháp của nhà nước Việt Nam bây giờ thưa cụ?

Ls Trần Lâm: Điều 4 hiến pháp người ta sinh là cũng là từ điều 6 của hiến pháp Liên Xô, tức cũng là một sự học mót thôi, cũng là một cái rập khuôn của người khác thôi. Điều 4 là một điều để khẳng định rằng đảng cộng sản là đảng lãnh đạo đất nước lâu dài, mãi mãi. Đấy để xác định vai trò lãnh đạo, như thế tức là người nào chống lại lãnh đạo thì có điều 4, như vậy đã là chống hiến pháp… nó là điều 6 của hiến pháp Liên Xô, không có gì mới cả. Đầu tiên Liên Xô có cái đó thì bây giờ Việt Nam cũng phải có cái đó để duy trì cái của mình. Nhưng bây giờ nó có một điều khác là Liên Xô không còn, còn TQ hiện nay thì nói lập lờ như thế thôi, và người ta đang chờ xem sự toàn trị của TQ vì TQ đang nói là đa đảng thì người ta đang chờ xem thật hay giả….

Còn lẽ dĩ nhiên Việt Nam bây giờ thì xin báo là các bạn nên bình tỉnh cho tôi một chút, hiện nay người ta cũng đã đặt vấn đề ra để xem xét lại vấn đề đó. Nhưng chưa đặt ra một cách ráo riết, một cách trực tiếp, một cách rõ ràng… nhưng cũng muốn rằng con đường đi lên như thế nào và đối với sự lãnh đạo của đảng thì ta nên sửa sang như thế nào. Tức là người ta đã thấy cần phải sửa đổi, nhưng sửa đổi như thế nào người ta còn đang lúng túng. Nói như bây giờ, một lúc mà người ta nói rằng tôi thôi, tôi giao cho nhân dân tôi không giữ điều 4 nữa, thì điều đó là người ta chưa dám làm. Nhưng rục rịch thay đổi, chuyển biến làm sao cho nó phù hợp thì hiện nay đang làm. Nếu người nào ở trong nước tỉnh táo thì thấy rằng những người cầm quyền, đảng cầm quyền đang làm cái việc điều chỉnh đó. Xin các bạn chờ một chút, còn hiện nay các bạn cứ nghĩ rằng cần phải có một cuộc cách mạng, tức là đảo lộn thì ở Việt Nam không có đâu… là vì không có đảng tranh, không có đảng đối lập. Người dân như rắn không đầu, không có đầu thì ai đứng lên để làm cuộc gọi là cách mạng màu xanh, màu đỏ, màu vàng như ở Đông Âu. Vì thế chuyện đảo lộn trong một lúc là không có. Không thể được bởi vì ai cầm đầu bây giờ. Còn đảng cộng sản đúng là toàn trị bây giờ. Nhưng đảng cộng sản bây giờ thì thấy rằng cái toàn trị của mình cũng đã thấy rất gay go. Đúng là làm cho dân sợ, làm cho mọi người ngu dốt v.v… cũng có cái đó thật đấy nhưng bây giờ khổ lắm, nó đã hòa nhập quốc tế thì người ta có điều kiện để không ngu nữa. Mọi việc thì bây giờ người ta hiểu hết rồi. Người ta nói rằng người dân yếu quá nên mới sợ chớ mỗi ngày người ta khôn lên thì cái sợ nó ít đi.

Bây giờ các bạn về nước thì thấy là nó có nhiều cái thay đổi lắm. Thí dụ như ông phòng thuế bây giờ nói là tôi phải ủng hộ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp đóng thuế, để lấy tiền thuế để nuôi bộ máy nhà nước, ông phòng thuế đã nói công khai như thế, chớ không phải ổng nói một cách mị dân. Như thế, những điều người ta nói rằng dân chủ nhân quyền, người ta nói rằng đảng phải thế nọ thế kia, người ta đã bắt đầu rồi. Vì thế tôi nói rằng tôi vui là vì sự chuyển biến nó không được như sự mong muốn của các vị bên ngoài nhưng nó đang thay đổi. Nó đang thay đổi từ từ. Tuy nó thay đổi từ từ mà nó thay đổi một cách chắc chắn.

Nếu như trước đây 5, 7 năm thì cuộc nói chuyện tối hôm nay ngày mai tôi đã sống không yên ổn rồi. Mà hiện nay chúng ta nói chuyện thì có nhiều người nghe, không phải chỉ có các bạn và tôi.

Phạm Đình Minh: Tôi rất đồng ý với Cụ như vậy. Thưa Cụ là một người trong ngành tư pháp, đối với xã hội Hoa Kỳ và nếu Cụ nhìn rõ thì tất cả các xã hội, các chính quyền nào cũng có một tổ chức hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nhưng ở trong nước thì các vị đó như theo danh xưng của Cụ nói, đó là ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ’. Ba cái đó nó có hợp với hành pháp, lập pháp và tư pháp hay không?

Ls Trần Lâm: Việc đầu tiên là xin cải chính, tôi chỉ là thẩm phán của tòa án nhân dân tối cao, chứ chưa bao giờ được chức phó chánh án.

Còn chuyện các bạn nói thì nó chỉ là những khẩu hiệu, lúng ca lúng cúng ‘nhà nước của dân, do dân vì dân’. Người ta hỏi là “do dân” ở chỗ nào, “vì dân” ở chỗ nào. Thế rồi “nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thì người ta lại bảo là lẩm cẩm, sao lại là làm chủ, đã làm chủ thì ta bảo tất cả mọi người phải nghe, chớ nhân dân làm chủ mà còn bị quản lý thì chủ lại bị lãnh đạo. Nhân dân làm chủ thì nhân dân phải lãnh đạo nhân dân chứ, họ bầu nhau ra rồi họ lãnh đạo chứ. Nhân dân làm chủ mà lại bị quản lý, thì tôi hỏi rằng đã làm chủ mà còn bị quản lý, thế thì đã bị quản lý, lãnh đạo thì sao làm chủ được. Đấy là những câu lẩn quẩn, ngồi mãi rồi nghĩ ra những cái slogan của người ta nhẽ ra như vậy rồi. “Của dân, do dân, vì dân” lấy của Jefferson ra để học hành cứ nói… người ta đang chê cái chính thể hiện nay là thích những khẩu hiệu. Người ta nói làm gì chỉ có một số chuyên viên đi theo chỉ làm báo cáo và viết diễn văn thôi… cứ dùng văn chương rồi nói câu nọ câu kia. Chẳng hạn như TQ là 16 chữ vàng, rồi 4 chữ bạc… cái đó là cái khó chịu nhất.

Phạm Đình Minh: 16 chữ vàng đó là chữ gì ạ?

Ls Trần Lâm: 16 chữ vàng là 2 ông TQ và Việt Nam nhất trí với nhau là sự quan hệ giữa hai nước là chúng ta thực hiện theo 16 chữ vàng là của ông Hồ Cẩm Đào nêu ra là tình hữu nghị anh em, đối tác thân thiện… tôi mà nhớ cái đó làm gì. 16 chữ vàng mà lại đánh nhau tùm lum mà vàng bạc cái gì.

Phạm Đình Minh: Thưa cụ, đi ngược lại thời gian, tôi được ba mẹ tôi đưa vào miền Nam năm 1954, chúng ta lấy vĩ tuyến 17 một thủa bên kia là của các Cụ, bên phía này là của miền Nam. Cụ đã nhìn thấy thâu suốt tình hình năm 1954 ở ngoài miền Bắc cũng như miền Nam. Ở ngoài miền Bắc lúc đó thì chính những người trong đảng cộng sản xúi dân đi biểu tình, xúi dân xuống đường đòi quyền này quyền kia và ở trong miền Nam thì cũng có những người tu hành theo cộng sản và đã khênh bàn thờ Phật xuống đường để làm chuyện này chuyện kia. Nhưng bây giờ Cụ có nhắc đến vấn đề những người TQ thân mến 16 chữ vàng. Tôi xin được hỏi về tình hình của các con em, các cháu của Cụ ở trong nước và đặc biệt ngày hôm nay 19/1 tại Hoa Kỳ, tất cả nơi các tiểu bang lớn nơi có tòa lãnh sự Trung Cộng thì tất cả các em sinh viên cũng đang xuống biểu tình trước các tòa lãnh sự của TQ. Tại sao các em làm việc cho nhà nước lại bị nhà nước cấm, thưa Cụ?

Ls Trần Lâm: Chuyện ấy là một chuyện nhức nhói quá ông ạ. Tức là bây giờ các em nó biểu tình, đáng nhẽ mình phải khuyến khích nó biểu tình nữa. Nếu mà mình không có súng đạn, không có tàu chiến để ra mà thu hồi lại mảnh đất của tổ quốc của mình thì mình phải đấu tranh chính trị. Như tôi đã viết, là bây giờ mình phải làm mọi việc để cho thế giới biết việc này và mình phải tuyên bố rằng hiện nay tôi chưa có điều kiện nhưng khi nào tôi có điều kiện tôi sẽ thu hồi. Tức là anh dùng quân sự để anh giữ nó, bây giờ tôi chịu anh nhưng khi nào tôi có điều kiện thì tôi sẽ thu hồi. Lẽ nhiên chữ thu hồi ấy có thể thu hồi bằng chính trị mà cũng có thể thu hồi bằng quân sự. Và việc đó để cho nó dứt khoát trên sàn thế giới biết rằng bây giờ Việt Nam chưa đánh TQ nhưng không phải chịu vĩnh viễn. Cứ tuyên bố đấy là đất nước của Việt Nam.

Việc các em và cả toàn dân người ta biểu tình thì đáng nhẽ ra nhà nước phải ủng hộ. Mà nhà nước cũng phải có một thái độ kiên quyết. Nhưng ở ta hiện nay thì cái đó nó nhức nhói quá. Nhà nước thì lại không muốn cho dân biểu tình. Cái không muốn cho dân biểu tình thì tôi đã phân tích và tôi đã viết trên văn bản, và cái này cũng đã gởi đi các nơi.

Nó có hai yếu tố:

Yếu tố thứ nhất là không hiểu quan hệ giữa Việt Nam và TQ? Công khai thì như chúng ta đã biết, trong nước ngoài nước đã biết, và lẽ dĩ nhiên là ngoài nước lại biết có khi rõ hơn là ở trong nước. Đấy là quan hệ đôi bên, là hình như Việt Nam sợ rằng nó rạn nứt quan hệ với TQ. Ngại TQ, sợ TQ cho nên là không dám làm bậy.

Còn một phía thứ hai, quan điểm của tôi thì tôi cũng đã nói rồi. Nhưng tôi thấy rằng chưa được ai hưởng ứng suy nghĩ ấy cả. Hôm nay với các bạn tôi cũng nói cái suy nghĩ đó. Rằng ở ta hiện nay thì đảng và nhà nước không muốn có những biểu tình chính trị, bởi vì biểu tình chính trị thì người ta nói đấy là dạy người dân làm chính trị. Dân làm chính trị thì phải dạy cho người ta bầu cử, dạy cho người ta viết báo, dạy cho người ta xuống đường. Vậy thì nếu bây giờ mà để cho người dân xuống đường, người dân người ta quen chuyện xuống đường đi thì nguy quá. Để cho người ta viết báo thì cũng nguy quá. Để người ta đòi bầu cử tự do thì cũng nguy quá. Bởi vì nếu người dân làm được 3 chuyện đó thì việc toàn trị của đảng là không thực hiện được.

Vì thế cho nên quan điểm của tôi thì có hai nội dung: Nội dung thứ nhất là không hiểu quan hệ giữa Việt Nam và TQ như thế nào mà các vị lãnh đạo lại rụt rè trong việc làm cho nó ra chuyện việc biển đông này. Thì không hiểu nội tình nó có chuyện gì. Điều thứ hai nữa là biểu tình rầm rộ thì đảng không muốn là vì sợ rằng biểu tình nó quen đi, người dân làm chính trị nó quen đi, biểu dương lực lượng nó quen đi rồi đến một lúc nào cái đó nó sẽ thành ra một cái nếp thì có đường nguy hiểm cho việc toàn trị của đảng.

Tôi cũng đã viết cái này lên giấy tờ hẳn hoi, chớ không phải chỉ có lời nói với các bạn tối hôm nay.

Phạm Đình Minh: Thưa Cụ Trần Lâm, câu trả lời của Cụ thì tôi suy nghĩ theo cá nhân của tôi là nói đi nói lại cái vòng luẩn quẩn của mấy vị lãnh đạo bây giờ đều muốn người dân nghèo dốt và sợ, nói đi nói lại thì những người lãnh đạo bây giờ chỉ muốn giữ điều 4 hiến pháp. Là một luật sư chắc Cụ cũng đồng ý với tôi là điều 23 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tất cả những điều gì ngày 9/11/1946 dính líu tới quốc gia đều phải được thỏa thuận và phê chuẩn của quốc hội . Ông Phạm văn Đồng ngày 14/9/1958 cho một công hàm thừa nhận chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa là của người Tàu, điều này đã đi ngược lại điều này đối với dân tộc, điều thứ hai nếu nói về tầm vóc quốc tế thì 2 quần đảo này phải được sự thông báo của toàn thể các quốc gia chung quanh là quần đảo đó thuộc về ai và làm gì, điều thứ ba là tôi đi ngược lại hiệp định Geneve năm 1954 là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm về phía miền Nam, ngày 19/1/1974 hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã oai hùng chống lại với hải quân Trung Cộng và đã có tới 59 chiến sĩ hải quân bị tử sinh tại đây, và tôi nghĩ rằng ngày 19/1 năm nay tại Hà Nội hay ngày hôm qua tại Hà Nội khi các em sinh viên xuống đường để chống lại việc thừa nhận đảo HS và TS này,

Thưa Cụ có nghĩ rằng trong tâm các em cũng nghĩ là người Việt Nam, dầu có mặt áo dưới mầu cờ của hải quân VNCH hay có mặc áo dưới màu cờ của VNDCCH cũng là những người đang bảo vệ đất tổ và cần được ghi danh, ghi rõ những điều đó hay không thưa LS Trần Lâm ?

Ls Trần Lâm: Việc ngăn cản người Việt Nam biểu tình chống lại việc thôn tính ở biển Đông của TQ bi đàn áp thì chưa đàn áp mà lại bị giải tán một cách ôn hòa là điều hiện nay toàn dân nếu ai biết đều thấy làm khó chịu ghê gớm chỗ đó, trong nước cũng có suy nghĩ như là ông và các bạn vừa nói. Việc HS và TS trước kia nhiều người dân không biết đến nhưng bây giờ người ta biết đến rồi, việc nhức nhối trong việc này và các câu hỏi đặt ra thì trong đó cũng đặt ra như vậy không có gì khác, nhưng hiện nay các bạn không biết là có chuyện động trời nữa là có những người TQ đi du lịch kéo đến trước cửa ĐSQ/TQ hô to là một giọt dầu của TS là máu của TQ!, đấy là chuyện kỳ cục ở Hà Nội mà hình như các bạn chưa biết

Việc ấy thì trong nước và ngoài nước đều có sự suy nghĩ giống nhau rồi, còn chuyện làm cho dân sợ, dân ngu là mình hư cấu lên nói cho nó rộng nhưng mà phải nói là ĐCS muốn giữ cái toàn trị của mình mà muốn giữ cái toàn trị của mình thì có bao nhiêu cách chứ không phải chỉ có làm cho dân sợ, dân ngu như các bạn nói đâu nhưng làm việc gì cũng phải nghĩ đến cái vai của mình, làm sao giữ vững ngôi vị của mình thì cái đó mới quán xuyến tất cả mọi việc chớ không phải 4 việc bạn nói đấy là hư cấu lên, hình tượng hóa lên nó chuyển sang dạng văn học

Nói tóm lại nếu đã toàn trị thì mọi hành vi lớn nhỏ đều nhằm mục đích toàn trị, cái gì có thể làm được thì làm được mà có thể làm được lúc này mà lúc khác lại không làm được, hôm nay không cho làm nhưng ngày mai sự tiến triển thì phải cho làm như là 2 bên kéo co, dẫm từng bước một, đó là cuộc đấu tranh hiện nay là như vậy

Những việc các bạn nói trong nước nhiều người cũng biết như thế chứ không phải không nhưng người ta đang lúng túng là đảng thì toàn trị mà người dân thì đòi dân chủ nhưng người toàn trị thì thực hiện những cái nào và người dân chủ đòi quyền như thế nào ?, đấy là sự đang kéo co

PĐM: Chúng tôi thay mặt toàn thể anh em cám ơn Cụ, thời gian bên Cụ bây giờ khuya lắm rồi nhất là đối tuổi của Cụ, còn vài phút cuối của chương trình chúng tôi xin dành cho Cụ để tâm tình với những đồng bào, với những người đồng hương, với những người cùng nói một tiếng Việt Nam đang lắng nghe chương trình ngày hôm nay thưa Cụ

Trần Lâm: Chúng tôi rất mừng là quan hệ gần đây đãng, nhà nước thiết lập đối với kiều bào ở bên ngoài làm cho xích lại gần, chẳng hạn như việc đi về tự do hơn, rồi lắng nghe nhau hơn, rồi mời bà con về nước để giúp nước, v.v..., tức là sự cởi mở đã rõ

Chúng tôi thấy như thế cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được cái mong mõi của các bạn bên ngoài, nhưng mà bây giờ tiến bộ rất nhiều, tôi nghĩ cái sự kỳ thị, sự e ngại không phải là không còn, nhưng các bạn nên nghĩ lại là nước Việt Nam không chỉ có .... đừng nói chữ ĐCS, tôi thì tôi không thích « ĐCS cầm quyền », tôi không thích từ đó mà tôi đã nói chuyện cũng như tôi đã viết thì tôi viết là « đảng cầm quyền », những người cầm quyền bởi vì cũng xin nói với các bạn trong nước hiện nay có 3 triệu 300 ngàn người đảng viên, nhưng người ta tính ra thì có 60 ngàn người là có quyền vị, cầm lấy vận mệnh nước Việt Nam gọi là toàn trị thôi chớ còn nhiều người đảng viên cs nheo nhóc lắm, y như người dân thường, cũng khổ cực, cũng bị tất cả những điều người dân ta thán đều có cả

Vậy ta nên dùng đảng cầm quyền, những người cầm quyền chớ còn ĐCS có 3 triệu 300 nghìn người cs thì đã có mấy người đọc trước tác của Max, của Lenin, người ta có biết gì là cs đâu ?, người ta đầu tiên là người yêu nước rồi đi theo rồi ra như thế này thì khép cho người cs

Ở ngoài thì nói người cs A,B,C,D như thế này làm cho những người trong nước phản cảm đấy!, người ta bảo rằng tôi có quyền hành gì đâu, có được gì đâu, tôi cũng nghèo, cũng bị sách nhiểu, cũng bị làm khó thế mà ở ngoài cứ bảo tôi làm khó cho mọi người mà chính tôi đang bị làm khó mà anh lại bảo tôi làm khó cho mọi người, thế oan cho tôi quá

Đấy là tâm tình nói với các bạn như vậy mà có lẽ các bạn thử ... xem có phải là hiện nay có những người cs tử tế không hay tất cả đều là CS cho nên cứ nói là người cầm quyền thôi. Chứ còn cái nghi kỵ. Bây giờ trở lại cái điều các bạn nghikỵ thì tôi thấy rằng

Làm sao các bạn có thể không nghi kỵ được bởi lâu nay bao nhiêu việc xảy ra làm cho người ta có ý niệm rằng không thay đổi thì khó chơi lắm, ngại lắm, lo lắm, có thật hay không thật, thật hay giả thì dĩ nhiên phải có như thế

Theo tôi thì các bạn nên nghĩ cho kỹ, tôi xin góp với các bạn lời thật chớ không phải giả, vì sao thật, cái trào lưu nó bắt người ta phải thật còn lòng con người chưa biết thế nào nhưng việc đặt ra rồi thì là việc công khai và ai cũng sợ công khai thì đó là thật, theo tôi cho là thật, thật đây không phải là tự đáy lòng tôi nhưng phải nói là tôi phải thật vì khách quan buộc tôi phải thật, buộc tôi phải làm việc đó, còn nếu không làm việc đó thì tôi lại thấy nguy hại cho tôi thì chúng ta phải nhất trí là thời thế nó thay đổi thì việc ấy là thật vì thời thế

Phạm Đình Minh: Thưa LS Trần Lâm, chúng tôi xin được mượn phép dùng lời cố Tổng Thống Ronal Reagan nói trước khi Ông về hưu mà tôi nghĩ rằng khi Ổng về hưu thì cũng bằng tuổi của Cụ, Ông đã nói rằng: "Cuộc đời tôi đang tiến tới hoàng hôn nhưng đất nước này đang tiến tới một tương lai sáng lạng". Tôi nghĩ rằng cuộc đời của Cụ cũng đang tiến tới hoàng hôn như là lời Cụ nói và như tâm tình của anh em chúng tôi cũng tin tưởng bên ngoài là đất nước VN cũng đang sẽ tiến tới một bình minh tươi sáng . Tôi thay mặt cho toàn thể anh chị em trong chương trình « Từ Cánh Đồng Mây » cũng như đài Sài Gòn Dallas 890am xin kính chúc Cụ một đêm ngủ thật an lành, thật hạnh phúc và chắc chắn rằng chúng tôi sẽ liên lạc với Cụ trong những ngày sắp tới, xin kính chào Cụ và chào tạm biệt

Ls Trần Lâm: Kính chào các bạn và chúc các bạn mọi sự đều như ý.

Phạm Đình Minh, Đài phát thanh SàiGòn-Dallas 890
01/2008


Tải xuống để nghe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn