BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hội An, ngày Mùng Một Tết

07 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1549)
Hội An, ngày Mùng Một Tết
568Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
568
HỘI AN, QUẢNG NAM - Sau Giao Thừa, Mồng Một Tết, không khí bắt đầu ấm lên. Khoảng 9 giờ sáng, cơn nắng đầu mùa nhẹ êm như tơ trời. Người người đón chào một năm mới.









Trò chơi bầu cua cá cọp của trẻ em, không có đặt cược lớn và không đỏ đen sát phạt. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Lệ thường, ngày đầu Xuân, sau khi chúc Tết mọi thành viên trong gia đình, thắp nén nhang, đốt lò trầm lên bàn thờ tổ tiên, người cùng nhau đi viếng mộ tổ tiên, ông bà.

Dường như khắp các con đường đều rất đông người đi, áo quần xúng xính, giày dép lượt là, những bà mẹ như trẻ ra, các em bé làm như mình đã là người lớn với vẻ “đạo mạo” rất trẻ con, rất ngộ nghĩnh.

Tết, là dịp ông bà đưa con cháu đi thăm mọi người, thăm thầy cô giáo cũ, thăm bà con, họ hàng. Người ta dành những lời chúc tốt đẹp và dễ thương nhất cho nhau. Dành những điều thiện lành, may mắn trong ý nghĩ cho nhau. Mọi chuyện năm qua đều được nhuận rửa bởi cái tình năm mới, tình quê hương, đồng nội, tình đất, tình người ấm áp.

Và, những bà mẹ quê không quên mang chiếc phong bì lì xì hoặc mấy lát bánh tét, bánh tổ ra mời những luống rau ngoài vườn, mời gốc hoa, mời cây quất nhận chút quà Xuân, nhận chút ấm áp đầu năm.

Những em bé được cha mẹ dạy cho những lời chúc líu lo như chim hót.

***

Chữ Đạp Thanh (giẫm cỏ xanh) bây giờ được hiểu ngoài chuyện đi tảo mộ, còn là những buổi cà phê đầu năm chuyện trò rôm rả, những buổi ra đình làng chơi bài chòi, chơi bầu cua tôm cá, chơi lô tô, chơi xổ số, và... vào rạp xem phim, ra sân khấu làng xem ca nhạc. Dường như tất cả những chương trình đều có chung khuynh hướng: Tìm tiếng cười.









Hai cha con cô bé này đang trông chờ vào lòng thương của những người đi thắp nhang nghĩa trang đầu năm. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Đi trẩy hội, thăm chùa chiềng, nhà thờ, đền đài... ngày Mồng Một Tết cũng là một cách chơi nhằm khai mở những ý hướng tâm linh cho một niên vận mới.

Chùa Giác Lâm, chùa Chúc Thánh, chùa Long Tuyền ở phố cổ Hội An thường là nơi có người đến thăm, thắp nhang và hái lộc đầu năm nhiều nhất. Các sư sẽ tiếp chuyện, lì xì cho Phật tử, và không quên rút thăm đầu năm xem thời vận, giải mã xăm.

Nhìn chung, tuy có một năm cũ không khả quan, nhưng hầu như mọi chuyện đã được bỏ qua, gửi về phía bên kia Tháng Chạp.

Khác với nhiều năm trước, gần đây, các trò chơi như: Bầu cua tôm cá, phóng phi tiêu, xóc đĩa... có vẻ như chen lẫn tính đỏ đen với thú vui đầu năm.

Những chỗ người lớn ngồi chơi bầu cua tôm cá, mức đặt cược có khi lên đến cả vài triệu đồng, thậm chí có người đẩy nguyên chiếc xe máy vào bàn bầu cua. Và không ít người đi bộ về nhà sau lần chơi đỏ đen may rủi này.

***

Có lẽ đáng nói và đáng nhớ nhất là hình ảnh hai cha con người ăn mày ở cổng vào nghĩa trang Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam.

Cô con gái chừng 16 tuổi, mặt mày sáng sủa, không rách rưới, không có vẻ khổ sở nhưng lại có đôi mắt rất buồn và đẹp, cầm chiếc ca nhựa đứng bên cạnh người cha tật nguyền chừng 50 tuổi. Ông ta nằm bẹp dí, mặt ép xuống cát vừa lăn lóc vừa kêu xin mọi người thương cha con ông.

Người đi thắp nhang mộ ghé lại cho ông khá nhiều. Cũng có người nói: “Ông này giẹp lép như con mực sao lại có đứa con gái xinh đẹp vậy hè? Sao không cho nó đi học mà để ăn xin tội nghiệp thế!”









Một góc Tết phố cổ Hội An. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Tôi lân la hỏi thăm thì được biết cô bé này đang học lớp 9, cứ mỗi dịp Tết, hai cha con cô tranh thủ kiếm cơm bằng cách này. Ngày thường hai cha con dắt nhau đi bán vé số. Cha cô bảo rằng ngày đầu năm, đi xin có nhiều tiền hơn bán vé số.

Và, gần như trước cổng chùa, cổng nghĩa trang nào cũng có một vài người ăn xin và rất nhiều người bán nhang, hoa cúc.

Ở cổng chùa Long Tuyền, cũng có bà cụ già ngồi xin cùng bốn đứa cháu của bà. Đến 11 giờ thì tất cả giải lao, ngồi lục đồ ăn trong chiếc túi rách ra cùng ăn. Phần lớn là thức ăn chay và bánh ngọt, trái cây.

Tôi bất chợt bắt gặp hình ảnh đẹp: Một em bé mang một nón đựng đầy trái cây đến biếu bà cụ già. Bà cụ nhận phần trái cậy và rút tiền mình đã xin được ra lì xì cho em bé.

Em bé lắc đầu không nhận. Bà cụ năn nỉ, bà nói với em bé: “Bà cũng nghèo, nhưng không đến nỗi nghèo để ngồi ăn xin vậy đâu cháu à. Nhưng vì bà là hậu duệ của làng ăn xin ngoài Bắc vào đây lập nghiệp nên mỗi Tết bà phải ra đây ngồi xin ăn để tường nhớ tổ tiên ông bà của bà đó cháu à!”

Và, trong hội chợ Xuân Nam Phước, Duy Xuyên, ở sân khấu lô tô, những em bé 6 tuổi, 7 tuổi cũng rất dạng dĩ tham gia lên sân khấu hát những bài hát của người lớn.

Các điểm bài chòi, lô tô ở Nam Phước, Hội An, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn của Quảng Nam và một số tỉnh khác năm nay vắng khách hơn năm ngoái đôi chút.

Nhìn chung, Tết Tân Mão ở miền Trung được những điểm: Thời tiết tốt, ít tai nạn giao thông (cho đến chiều ngày Mồng Một) và lượng rượu bia tiêu thụ thấp.

Một cụ già ngồi ăn xin bên đường nói: “Bà vui, rất vui vì Tết năm nay bà xin trong ngày mồng một đã được hơn năm trăm ngàn đồng. Vậy là năm nay bà không lo đói...”

Một nhóm sinh viên ngồi nói cười rôm rả trong quán cà phê, anh chàng chừng 21 tuổi nói: “Tình hình này sẽ có thay đổi lớn, vì mọi thứ cứ nhảy lưng tưng, thay đổi xoành xoạch, như vậy là điềm triệu chung...”

Mồng Hai, trời nắng đẹp, còn một ngày nữa cho Tết Nguyên Đán.

Phương Ngạn/Người Việt

04-02-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn