BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73345)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Các lá cờ Việt Nam

21 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 1191)
Các lá cờ Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Trình bày tại Lễ Kỷ niệm 60 năm CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ
do Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH tổ chức tại Toronto ngày 21-6-2008)


1.- LÁ CỜ TRUYỀN THUYẾT

Trong bộ sử thi Đại Nam quốc sử diễn ca, hai tác giả Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát (thế kỷ 19) có lẽ là những người đầu tiên đề cập đến lá cờ: “Đầu voi phất ngọn cơ vàng, / Sơn thôn mấy cõi, chiến trường xông pha.” (Đại Nam quốc sử diễn ca, câu 399-400.)

Đó là hình ảnh của bà Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa năm 248 (mậu thìn), chống quân Trung Hoa xâm lược. Đây chỉ là lá cờ truyền thuyết trong thi ca, chứ không phải quốc kỳ của nước Việt.

Trong suốt thời gian từ thời Ngô Quyền tuyên bố độc lập năm 939 cho đến khi bị Pháp bảo hộ, các bộ chính sử hoàn toàn không đề cập gì đến quốc kỳ của nước Việt. Thậm chí, vào thế kỷ 19, khi Phan Thanh Giản (1796-1867) cầm đầu phái đoàn sang Pháp năm 1863 để thương lượng ngoại giao, phái đoàn cũng không có quốc kỳ.

Trong sách Tây hành nhật ký do phó sứ là ông Phạm Phú Thứ (1820-1883) ghi lại, có kể câu chuyện như sau: Khi tàu của phái đoàn Việt Nam ngang qua kênh đào Suez ở Ai Cập, thì một đại diện Pháp nói với phái đoàn: “Đây [Ai Cập] sang Pháp, những nơi nào sứ bộ đi qua đều có nổ súng đón chào. Vì thế cần phải có cờ sứ bộ trương lên đáp lễ.” Lúc đó, Phạm Phú Thứ trả lời rằng: “Chúng tôi hiện có đem theo lá quốc kỳ.” Viên đại diện Pháp xem xong bảo: “Cờ nầy về phần màu sắc lẫn lộn với cờ các nước, sợ khó phân biệt, vậy xin sứ bộ viết thêm mấy chữ của quý quốc vào đó thì hơn.” Sứ bộ lấy tơ đỏ thêu thêm 4 chữ “Đại Nam khâm sứ” ở cả hai mặt, rồi treo trên cột buồm. (Phạm Phú Thứ, Tây hành nhật ký [chữ Nho], bản dịch của Tô Nam và Văn Vinh, TpHCM: Nxb. Văn Nghệ, 2001, tr. 25.)

Mẩu đối thoại trên đây không cho biết lá cờ màu gì, chỉ biết chắc chắn không phải là màu đỏ vì 4 chữ “Đại Nam khâm sứ” được thêu bằng chỉ đỏ. Nhiều người phỏng đoán đó là màu vàng bởi vì màu vàng được xem là màu truyền thống của những nhà lãnh đạo quân chủ Việt Nam. Nhiều giai thoại cho rằng phái đoàn không có chuẩn bị quốc kỳ, nên sứ bộ đã lấy một miếng vải vàng dùng làm quốc kỳ, nhưng thật sự bốn chữ thêu cho thấy đây chỉ là cờ của sứ bộ, chứ không phải là quốc kỳ Việt Nam. Câu chuyện nầy còn cho thấy rằng cho đến khi Phan Thanh Giản đi sứ năm 1863, nhà Nguyễn cũng chưa có lá cờ chính thức tượng trưng cho nước Việt Nam.

2.- CỜ THỜI PHÁP THUỘC

Cờ bảo hộ: Sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp sau hòa ước 1874. Trung và Bắc Kỳ bị Pháp bảo hộ năm 1884. Năm 1886, Pháp áp đặt triều đình Huế và vua Việt Nam phải thực hiện một lá cờ, gọi là cờ “Bảo hộ”. Cờ màu vàng, chia làm bốn phần. Ba phần màu vàng, một phần tư ở trên, sát cán cờ có ba màu, là xanh, trắng và đỏ, tức cờ tam tài của Pháp. Lá cờ nầy thường được gọi là Cờ bảo hộ.

 Cờ bảo hộ được thêu thành tám lá, chia cho sáu bộ (lục bộ) sáu lá, cơ mật viện một lá và ty hành nhân một lá. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, bản dịch tiếng Việt, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr. 560.) Ty hành nhân là cơ quan phụ trách việc ngoại giao, gởi sứ đoàn ra ngoài hay tiếp đón sứ đoàn các nước. Tuy nhiên lá cờ nầy không được dân chúng Việt Nam chấp nhận, nên sau bị bãi bỏ.

Cờ long tinh: Những người lớn tuổi, khoảng từ 70 tuổi trở lên, cho biết lúc nhỏ, khi đi học, tại Trung Kỳ, vào những dịp có hoàng gia (vua, hoàng hậu, hay hoàng tử) đến dự lễ, thì có treo cờ long tinh. Gọi là cờ long tinh vì hình thức lá cờ nầy giống như dây vải đeo long bội tinh là chiếc bội tinh cũng do vua Đồng Khánh lập ra năm 1886. Chiều cao của lá cờ được chia đều thành 4 phần. Hai phần hai bên màu vàng, ở giữa (2 phần) là màu đỏ. Lá cờ nầy không được sử sách đề cập đến, nhưng có thật trong đời sống, và được ghi lại trong các hình ảnh của vua Khải Định (trị vì 1916-1925) và vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945). Tuy nhiên các cụ lớn tuổi cho rằng đây là cờ hoàng gia chứ cũng không phải là quốc kỳ Việt Nam.

3.- CỜ QUẺ LY

 Nguyên vào thế chiến thứ hai (1939-1945), tình hình chính trị Việt Nam xôn xao mạnh với sự xuất hiện của Nhật Bản. Ngày 9-3-1945, bằng cuộc hành quân Meigo, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương. Nhật lên tiếng trao trả độc lập lại cho Việt Nam và yêu cầu Việt Nam gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật lãnh đạo.

Vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) tuyên bố hủy bỏ hòa ước bảo hộ bất bình đẳng ký kết giữa Việt Nam và Pháp năm 1884 và đưa ra bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ngày 11-3-1945. Vua Bảo Đại giao cho ông Trần Trọng Kim (1882-1953) thành lập chính phủ. Ngày 17-4-1945, ông Trần Trọng Kim lập chính phủ tân tiến đầu tiên gồm các bộ theo kiểu tây phương. Do sự cưỡng ép của Nhật Bản, chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ An ninh, hay bộ Quốc phòng, vì lúc đó Nhật muốn nắm toàn quyền quân sự tại Đông Dương. Chính vì vậy mà Việt Minh mới dễ cướp được chính quyền năm 1945.

Ngày 2-6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim chọn quốc kỳ nền vàng, trên có ba sọc đỏ theo hình quẻ ly. Quẻ ly là một trong tám quẻ đơn của bát quái trong kinh Dịch. Quẻ ly gồm ba hào (vạch ngang): hào dương dưới cùng (một vạch ngang), hào âm ở giữa (một vạch đứt ở giữa), và hào dương trên cùng (một vạch ngang).

Tác giả lá cờ, thủ tướng Trần Trọng Kim đã giải thích về hình thức lá cờ như sau: “Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc Sử Diễn Ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng "Đầu voi phất ngọn cờ vàng". Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc, lấy dấu hiệu quẻ ly là vì trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn phương chính và bốn phương bàng, nói ở trong kinh dịch, mà quẻ ly chủ phương nam. Chữ LY còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương.

Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử, lấy quẻ ly là hợp với vị trí nước nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng quẻ ly có đủ các ý nghĩa.” (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, chương 4, Internet.)

3.- CỜ ĐỎ SAO VÀNG

Sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 6-8-1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945, thì Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, chấm dứt thế chiến thứ hai tại Đông Á.

Tại Việt Nam, quân đội Nhật Bản hạ khí giới, ngưng chiến đấu, chờ đợi quân đội Đồng minh đến giải giới. Chính phủ phủ Trần Trọng Kim không có bộ Quốc phòng, nên không có quân đội trong tay để duy trì an ninh.

Hồ Chí Minh (1890?-1969) và Mặt trận Việt Minh liền lợi dụng thời cơ, nhanh tay cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19-8. Đại sứ Nhật tại Huế là Yokoyama vào yết kiến vua Bảo Đại, xin đem lực lượng Nhật tại Đông Dương (còn nguyên vẹn) dẹp tan cuộc đảo chánh của Việt Minh, nhưng vua Bảo Đại từ chối vì sợ cảnh nội chiến tương tàn trước sự lợi dụng của ngoại bang. Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngày 25-8 và chính phủ Trần Trọng Kim giải tán.

Chính phủ Việt Minh do Hồ Chí Minh cầm đầu ra mắt tại Hà Nội ngày 2-9-1945, gồm đại đa số là đảng viên cộng sản, chọn lá cờ của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, tức Mặt trận Việt Minh làm quốc kỳ. Đó là lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng, phỏng theo hồng kỳ của đảng Cộng Sản và nhà nước Liên Xô, cũng như đảng Cộng Sản Trung Hoa. Tuy khác nhau về hình thức và cách sắp đặt các ngôi sao, cờ Liên Xô và Trung Cộng cũng nền đỏ với các ngôi sao vàng. Lá cờ cộng sản Việt Nam mang ba ý nghĩa rõ rệt.

Thứ nhất, đây là lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh do đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập, gồm đa số là đảng viên cộng sản. Lấy lá cờ của một tổ chức để làm lá cờ tổ quốc là một sự áp đặt thô bạo lên tinh thần và tâm tư tình cảm của dân tộc.

Thứ hai, hình thức lá cờ nầy phỏng theo các hồng kỳ các đảng cộng sản nước Liên Xô và Trung Hoa. Việc du nhập hình thức lá cờ cộng sản ngoại lai phản ảnh đúng chủ trương của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản là du nhập chủ thuyết Mác xít - Lê nin nít và lý thuyết Mao Trạch Đông, thay thế nền tảng văn hóa dân tộc cổ truyền, làm đảo lộn các giá trị nhân bản Việt Nam.

Thứ ba, vì xuất phát từ phong trào cộng sản quốc tế ngoại nhập, du nhập cả lý thuyết đến tổ chức, nhận viện trợ và chịu sự chỉ huy của khối cộng sản quốc tế, cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho một chế độ tay sai của ngoại bang, thi hành chỉ thị của ngoại bang.

4.- CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ

Năm 1945, khi chiếm được chính quyền, đảng CSVN chủ trương giết tiềm lực, tức là giết tất cả những cá nhân, đoàn thể, đảng phái có khả năng tiềm ẩn, nhưng không theo hay chống lại cộng sản để trừ hậu hoạn cho cộng sản. Việt Minh đã giết Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Huỳnh Phú Sổ và hàng trăm ngàn người nữa trên toàn cõi Việt Nam.

Không thể để bị tiêu diệt mãi, vì nhu cầu sinh tồn bản thân, những người theo khuynh hướng chính trị dân chủ, độc lập, không cộng sản chẳng đặng đừng phải tạm thời liên kết với Pháp chống lại Việt Minh cộng sản. Năm 1948, đại diện ba miền đất nước cùng về Sài Gòn thành lập Chính phủ Lâm thời Trung ương Việt Nam ngày 23-5-1948 do ông Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Nguyễn Văn Xuân từng là quốc vụ khanh trong chính phủ ngày 2-9-1945 của Hồ Chí Minh.

Khi đó có năm lá cờ được đề nghị để chọn làm quốc kỳ, gồm có ba lá cờ do uỷ ban đại diện ba miền Bắc, Trung và Nam phần đưa ra, và hai lá cờ do đại diện Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài đề nghị. Cuối cùng lá cờ do đại diện miền Nam đề nghị được chấp thuận vì có ý nghĩa nhất, lại không phức tạp.

Ngày 2-6-1948, thủ tướng Xuân công bố lá quốc kỳ mới hình chữ nhật, chiều ngang bằng hai phần ba chiều dài, nền vàng giống như cờ của Trần Trọng Kim, nhưng thay vì quẻ ly, nay đổi lại ba sọc đỏ bằng nhau chạy dài theo chiều ngang của lá cờ. Ba sọc nầy tượng trưng cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ Bắc, Trung, và Nam phần của đất nước trên nền vàng tượng trưng căn bản của quốc gia. Nếu lá cờ năm 1945 của ông Trần Trọng Kim thừa tiếp lá cờ long tinh của hoàng gia, thì lá cờ hình thành năm 1948 lại thừa tiếp truyền thống lá cờ của Trần Trọng Kim, chẳng những về hình thức, màu sắc, mà cả về lý tưởng chính trị, đó là lý tưởng quốc gia., và đối nghịch hẳn với cờ đỏ sao vàng của Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa thứ nhất của lá cờ nầy là tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Lúc đó, người Pháp muốn Nam Kỳ tự trị, tách ra khỏi Việt Nam, nhưng toàn dân Việt Nam chống đối điều đó, và riêng tự thân các chính trị gia cũng như dân chúng miền Nam cũng quyết liệt chống đối điều đó, và muốn cùng đứng chung trong cộng đồng dân tộc. Ba sọc đỏ tượng trưng cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ Bắc, Trung, và Nam phần của đất nước, trên nền vàng tượng trưng căn bản của quốc gia.

Thứ hai, lá cờ nầy báo hiệu sự xuất hiện của một khuynh hướng chính trị mới ở khắp Bắc, Trung và Nam phần Việt Nam lúc đó, là khuynh hướng chính trị dân tộc độc lập, chống lại sự đô hộ của Pháp, nhưng ở thế chẳng đặng đừng phải liên kết với Pháp để chống Việt Minh cộng sản độc tài đang được Liên Xô và Trung Cộng hỗ trợ.

Khuynh hướng nầy càng rõ nét khi cựu hoàng Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam sau khi ký hiệp ước Élysée ngày 8-3-1949 với tổng thống Pháp là Vincent Auriol. Hiệp định Élysée chính thức giải kết hiệp ước bảo hộ năm 1884 và trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Cựu hoàng Bảo Đại tiếp tục chọn lá cờ nầy làm quốc kỳ.

Ý nghĩa thứ ba là tính tự do dân chủ của chế độ mà lá cờ tượng trưng. Ngay từ đầu, chính phủ Nguyễn Văn Xuân đã trưng cầu ý dân về hình thức lá cờ. Sau đó, đại diện dân chúng tự do chọn lựa một trong các mẫu vẽ, chứ không phải là lấy lá cờ của một tập đoàn thiểu số rồi áp đặt trên ý dân như cờ cộng sản.

Sau khi ký hiệp ước Élysée tại điện Élysée (Paris), ngày 8-3-1949 với tổng thống Pháp là Vincent Auriol, cựu hoàng Bảo Đại về nước làm quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam, tiếp tục chọn lá cờ nầy làm quốc kỳ.

Khi ông Ngô Đình Diệm (1901-1963) về nước chấp chánh, nước Việt Nam bị chia hai do hiệp định Genève ngày 20-7-1954. Ông Diệm ổn định tình hình miền Nam, tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa do ông làm tổng thống. Quốc hội lập hiến được bầu ngày 4-3-1956, bàn chuyện thay đổi quốc kỳ và quốc ca, nhưng chưa có mẫu vẽ quốc kỳ mới nào ưng ý hơn, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội ra quyết nghị hoãn bàn, và vẫn giữ quốc kỳ như cũ. Sau đó Quốc hội mở cuộc thi vẽ quốc kỳ mới; có tất cả 350 mẫu cờ và 50 bài nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, Quốc hội lập hiến một lần nữa ra tuyên bố không chọn được mẫu quốc kỳ và bài hát nào hay đẹp và ý nghĩa hơn, nên quyết định giữ nguyên màu cờ và quốc ca cũ làm biểu tượng quốc gia. Lá cờ nầy được miền Nam sử dụng cho đến năm 1975, khi cộng sản Bắc Việt, với sự hậu thuẫn của Quốc tế cộng sản, cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.

Trước năm 1975, do sự tuyên truyền của CSVN, có một số người chưa hiểu và chưa biết bản chất của chế độ cộng sản. Sau biến cố 30-4-1975, dân chúng miền Nam Việt Nam mới thấy rõ bản chất độc tài toàn trị của cộng sản, và đã ào ạt bỏ nước ra đi. Từ ngày 30-4-1975 cho đến cuối năm 1995, theo thống kê của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, số người Việt bỏ nước ra đi và đến được các nước tạm cư là 989,100, kể cả đường biển lẫn đường bộ. Số người tử nạn trên bước đường vượt biên không thể thống kê chính xác được. Người ta phỏng chừng có khoảng từ 400,000 đến 500,000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết.

Đây là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại của dân chúng chống lại chế độ cộng sản Việt Nam bằng chính mạng sống của mình. Cuộc vượt biên ào ạt bất chấp mạng sống của người Việt đã làm rúng động lương tâm nhân loại. Nhiều nước trên thế giới đã mở rộng cánh cửa bao dung, đón nhận thuyền nhân Việt Nam. Tổng số người Việt ở hải ngoại hiện lên trên 2,000,000 người, và hàng năm gởi về Việt Nam khoảng 4 tỷ Mỹ kim để giúp đỡ thân nhân trong nước.


Khi rời đất nước ra đi tìm dự do, người Việt mang theo trong trái tim mình toàn bộ hình ảnh quê hương gia đình, bà con, bạn bè thân thiết và đặc biệt hình ảnh tượng trưng cho tổ quốc thiêng liêng, đó là LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ. Lá cờ nầy hiện nay trở thành BIỂU TƯỢNG CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI khắp nơi trên thế giới.

*


Trên đây là xuất xứ và hình thức các lá cờ Việt Nam, dựa trên những tài liệu cụ thể. Lá cờ chỉ là biểu tượng của các chế độ chính trị. Giá trị của lá cờ không phải ở màu sắc, hình thức và tuổi tác của lá cờ. Giá trị của lá cờ tùy thuộc vào giá trị của chế độ mà lá cờ tượng trưng. Cho đến nay, tại Việt Nam, giữa chế độ VIỆT NAM CỘNG HÒA (TỰ DO DÂN CHỦ) và chế độ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ), chế độ nào tốt, chế độ nào xấu, thì chẳng những người Việt Nam đã biết, mà cả nhân dân thế giới cũng đều biết.

Trên thế giới, ngày 25-1-2006, tại Strasbourg, một thành phố miền đông bắc nước Pháp, Quốc hội Âu Châu, với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, đã đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể. Việt Nam hiện là một trong bốn nước theo chủ nghĩa cộng sản còn lại trên thế giới cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba.

Trong lần viếng thăm Việt Nam năm 2000, thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona, ông John Mc Cain đã nói một câu để đời: “Trong cuộc chiến vừa qua, bên xấu đã chiến thắng.” Tuy nhiên, cần phải thêm hai chữ nữa mới đầy đủ ý nghĩa hơn: “Trong cuộc chiến vừa qua, bên xấu đã tạm thời chiến thắng.” Cộng sản chỉ tạm thời chiến thắng, vì theo lẽ tự nhiên của Trời đất, những điều xấu chỉ có tính cách tạm bợ và sẽ bị đào thải, chỉ có những điều tốt mới vĩnh hằng với thời gian.

Và như thế có nghĩa là một ngày nào đó, Lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ tượng trưng cho TỰ DO DÂN CHỦ, sẽ tung bay trở lại trên bầu trời quê hưong yêu dấu của chúng ta.

TRẦN GIA PHỤNG

XIN CHÚ Ý: Nếu quý vị nào muốn đăng báo bài nầy, xin vui lòng đừng thêm vào hình Hồ Chí Minh hay hình Cờ đỏ sao vàng của CSVN vào bài nầy. Xin cảm ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn