BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Báo Úc nêu đích danh Lê Đức Thúy nhận hối lộ

24 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1052)
Báo Úc nêu đích danh Lê Đức Thúy nhận hối lộ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
MELBOURNE, Australia (TH) - Cuộc điều tra vụ hối lộ quan chức Việt Nam để in tiền polymer tiết lộ thêm một chi tiết nữa, khi báo The Age ở Úc nêu đích danh ông Lê Đức Thúy, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước VN và hiện vẫn là một quan chức cao cấp, là người nhận hối lộ.

Công ty thầu in tiền Securency mà Ngân Hàng Quốc Gia Úc làm chủ một nửa đã hối lộ cho ông Lê Đức Thúy khi ông Thúy còn làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam .

Những gì được tiết lộ trên báo chí Úc từ hơn một năm qua chỉ là cái mỏm băng sơn nhô lên bên trên mặt nước mà người ta nhìn thấy, theo báo The Age, về những gì liên quan đến chuyện ăn hối lộ của quan chức Việt Nam về in tiền.


Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đếm tiền. Tiền gọi là “tiền polymer,” mệnh giá lớn, in trên nhựa, được in bởi Securency ở Úc, và công ty này thú nhận đã hối lộ 15 triệu Úc kim cho quan chức Việt Nam, trong đó có tiền học cho con thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước khi người con này đi du học ở Anh. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Một bản tin của hai ký giả Nick McKenzie và Richard Baker trên báo The Age ở Úc hôm Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011 cho hay như vậy khi nói rằng một trong những cách hối lộ cho ông Thúy để họ được trúng thầu in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam là trả tiền học cho con ông Thúy theo học một trường đại học danh giá ở Anh Quốc.

Sự dàn xếp cho con ông Thúy học, để chiếm được mối thầu in tiền từ 2002 đến 2009, là một trong những khoản béo bở mà công ty Securency bị cáo buộc là đã tuồn cho các viên chức nhà nước Việt Nam.

Chuyện hối lộ nhiều triệu đô la, như sự nghi ngờ của báo The Age, các viên chức do Ngân Hàng Quốc Gia Úc (RBA) chỉ định cầm đầu Securency, đã liên quan đến các vụ hối lộ hàng triệu đô la dưới hình thức hoa hồng trả vào các trương mục ngân hàng ở nước ngoài thuộc sở hữu của các người trung gian.

Cho tới nay, không một ai trong hội đồng quản trị Securency bị truy tố vì đã không ngăn cản công ty tham gia vào việc hối lộ.

Sự tiết lộ như trên sẽ làm gia tăng áp lực để Cảnh Sát Liên Bang Úc truy tố các thành viên hội đồng quản trị Securency, tức những người nằm đằng sau các vụ hối lộ quan chức Việt Nam . Nếu chuyện này xảy ra sẽ là một vụ truy tố đầu tiên các viên chức Úc hối lộ quan chức chính phủ ngoại quốc.

Các nguồn tin tư pháp khẳng định với báo The Age rằng tiền của Securency được dùng để trả chi phí giáo dục đại học cho con ông Lê Đức Thúy, thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam từ 1999 đến 2007.

Dù mất chức thống đốc sau nhiều cuộc điều tra tuy xác định có nhiều sai trái nhưng ông chỉ bị “kiểm điểm” và vẫn còn là một trong những người có nhiều ảnh hưởng trong chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Ông Thúy nay đang là chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia của Việt Nam .

 

Ông Lê Đức Thúy, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia của Việt Nam, đọc tham luận trong cuộc hội thảo ở trụ sở LHQ về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới ảnh hưởng thế nào đối với các nước đang phát triển, hồi năm 2009. (Hình: Stan Honda/AFP/Getty Images)


 Nguồn tin cho hay cảnh sát Úc, hồi năm ngoái, đã thẩm vấn một số viên chức cao cấp của Securency về khoản tiền trả cho con ông Thúy đi học ở Anh Quốc. Nơi con ông Thúy theo học là đại học Durham University , một trường danh tiếng được xem là đứng vào hàng 100 đại học hàng đầu thế giới.

Tiền trả các chi phí đi học cho con ông Thúy được lấy ra từ số tiền hoa hồng $15 triệu Úc kim (khoảng gần $15 triệu USD). Trước đây, tin tức cho hay tiền “lại quả” cho hợp đồng thầu in tiền polymer ở Việt Nam là từ $10 triệu đến $12 triệu Úc kim, nay thì số tiền có vẻ mỗi ngày lớn hơn.

Trong năm 2011-2012, tiền học phí và chi phí cư trú ăn ở trọn niên khóa cho một sinh viên ngoại quốc (nằm ngoài Anh Quốc và Liên Âu) theo học Durham University khoảng giữa $26,000 USD đến hơn $32,300 USD tùy theo ngành học. Không rõ, thời con ông Thúy theo học thì phí tổn hết bao nhiêu một năm.

Người đứng trung gian nhận số tiền hoa hồng trên là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty CFTD ở Hà Nội, theo báo The Age.

Theo bài báo trên, các số tiền hoa hồng được Lương Ngọc Anh chỉ thị chuyển vào các trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ và Hongkong.

Bài báo nói một phần lớn số tiền hoa hồng đã trả cho Lương Ngọc Anh, phần còn lại chi cho ai, không thấy bài báo nói đến. Tuy nhiên, người ta không tin ông Anh lại có khả năng nuốt trọn số tiền hoa hồng kếch xù đó vì chỉ cung cấp một số dịch vụ vớ vẩn như đưa đón (viên chức Securency) ở phi trường, thông dịch trong các buổi họp hay phiên dịch tài liệu, dàn xếp các phiên họp, đánh máy tài liệu. Nói khác, Lương Ngọc Anh và công ty CFTD chỉ là bình phong che đậy cho một dịch vụ in tiền có nhiều khoản hối lộ cho những ông lớn ở Việt Nam, chưa chắc chính ông Lê Đức Thúy đã được nuốt phần lớn mà còn có phần của các ông lớn hơn ông Thúy, có thẩm quyền búng tay hay gật đầu đối với các hợp đồng mà ông Thúy ký kết.

Bài báo của tờ The Age dựa trên các nguồn tin tư pháp nói rằng Cảnh Sát Liên Bang Úc (AFP) nghi ngờ tiền “hoa hồng” đã được chuyển đến cho các quan chức nhà nước hay các thân nhân những người đó. Các giám đốc của Securency đã phủ nhận trong riêng tư là họ không dính trực tiếp đến các vụ hối lộ, kể cả chuyện trả học phí.

Theo luật chống hối lộ của nước Úc thì tặng một cái gì đó có giá trị cho một viên chức ngoại quốc để có lợi thế kinh doanh hơn người khác là bất hợp pháp. Công ty của Úc cũng bị coi là trái luật và bi cáo buộc tội hối lộ dù hành động đó do kẻ đại diện ở ngoại quốc thực hiện.

Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương và Tổng Ngân Khố Liên Bang Úc từ chối ra lệnh điều tra xem hội đồng quản trị công ty Securency hay chính Ngân Hàng Trung Ương (RBA) đã kiểm soát lỏng lẻo để Securency tham gia hối lộ.

Công ty CFTD, bị nghi ngờ là cơ sở kinh tài của công an và tình báo Việt Nam, toàn thầu những mối nhập cảng và dịch vụ “nhậy cảm” cho các bộ ngành của chế độ Hà Nội từ Quốc phòng sang viễn thông. Hiện nay, tên ông Lương Ngọc Anh đã biến mất trên danh sách cầm đầu CFTD từ khi tai tiếng hối lộ in tiền Polymer đổ bể.

Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, nơi ông Thúy hiện làm chủ tịch, là một cơ quan nhà nước do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lập ra, có kinh phí trong ngân sách Văn Phòng Chính Phủ, có 5 cơ quan trực thuộc.

23-01-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn