BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77574)
(Xem: 63345)
(Xem: 40794)
(Xem: 32430)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt nam có cần đa đảng?

12 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1114)
 Việt nam có cần đa đảng?
50Vote
41Vote
30Vote
21Vote
10Vote
32
Ngay ngày đầu Đại hội Đảng hôm thứ Hai tuần này, Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận việc từ bỏ thể chế độc đảng.

Tải xuống để nghe.


Chỉ cần một đảng?


Thông tấn xã AFP trích dẫn lời ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà Báo VN và là Ủy viên Trung Ương Đảng, khi trả lời phóng viên nước ngoài, đã khẳng định rằng VN không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng. Theo lập luận của quan chức này thì vì đã có lúc VN có nhiều đảng, nhưng khi thực dân Pháp quay lại, chỉ có đảng CS lãnh đạo nhân dân đấu tranh, và hiện nay Đảng CSVN vẫn tiếp tục lãnh đạo khiến đất nước ngày càng phát triển. Lời tuyên bố đó được blogger Tô Hải theo dõi sát, và Blogger Tô Hải có nhận xét như sau:

“Cách đây 15 phút mấy ổng trả lời thẳng các nhà báo là nước tôi không cần đa đảng mà chỉ cần mỗi một đảng CS thôi. Đảng CS là nhất, cái gì cũng làm được, đánh thắng hai đế quốc to thì cái gì cũng làm được. Cho nên họ không cần các đảng phái khác, thậm chí cũng không cần các anh trí thức. Mà đã trí thức thì phải đảng viên.


Do đó khó có cách nào khác đâu, chẳng có gì là thay đổi trừ khi nào chính các ông lãnh đạo chịu thay đổi. Đối với tôi, khi nói là muôn năm sẽ là chủ nghĩa cộng sản – một cách ảo tưởng nhé – và muôn năm sẽ là ông Mác ông Lê ngồi sừng sững ở nước VN mà lẽ ra phải nhường chỗ cho Bà Trưng, Bà Triệu, thì tôi đã phản đối nhiều lần rồi, nhưng vô ích.”

Về vấn đề VN không có nhu cầu đa đảng, đa nguyên, và vẫn quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa xã hội như Đại hội đảng vừa tái khẳng định, Blogger Hà Văn Thịnh từ Huế có ý kiến:

“Tôi nghĩ rằng điều đó không đúng, bởi vì nếu muốn khẳng định rằng đó là tâm nguyện của nhân dân VN thì phải trưng cầu dân ý thì mới biết được. Nếu không thì tôi không biết, mà đảng cũng không biết, và chẳng ai biết rằng nhân dân thích gì cả. Vậy nếu muốn nói một cách sòng phẳng, khoa học và thực tế, thì phải trưng cầu dân ý. Trong bài diễn văn của Tổng thống Abraham Lincoln ở Nghĩa Trang Gettysburg thuộc tiểu bang Pennsylvania hồi năm 1863, ông Lincoln đại ý nói rằng chúng ta có mặt hôm nay ở đây để đoan chắc rằng cái chết không bao giờ là vô ích, rằng dân tộc này nhờ ơn Chúa sẽ hồi sinh bởi tự do, rằng sẽ có một chính quyền của dân, do dân và vì dân tồn tại mãi trên trái đất này. Câu này của Tổng thống Lincoln nói hồi năm 1863 mà tôi không bao giờ quên được. Và tôi vẫn mơ ước ở VN có một nhà nước như vậy.


Nhưng VN có đúng được như vậy hay không, hay chỉ nói giả đò như vậy? Theo quan điểm của tôi thì nhà nước VN hiện nay chỉ giả đò như vậy chứ thực ra không phải như vậy, tức không phải thương dân, vì dân, do dân gì hết. Toàn là nói cho vui vậy thôi. Người dân không có quyền nào cả. Tôi là giảng viên đại học nhưng mà nói gì ra cũng sợ, mở mồm ra là bị quy chụp là phản động. Như vậy thì không thể nào là của dân, vì dân, do dân được.”

Xa vời chuyện trưng cầu dân ý


Nhưng đề nghị trưng cầu dân ý như vậy xem chừng như quá xa vời dưới thể chế VN hiện nay, dù rằng giới lãnh đạo luôn khẳng định là chế độ độc đảng cùng con đường xã hội chủ nghĩa là hợp với lòng dân. Blogger Tô Hải nhận định:

“Cái gì mấy ông đó nói mà chả hợp với lòng dân? Mấy ổng nói đảng lãnh đạo toàn diện theo Điều 4 Hiến pháp là do yêu cầu của nhân dân, thế mà họ có yêu cầu đâu để nhân dân được nói?


Ai có ý kiến gì khác bị cho là “thành phần xấu”, “lực lượng thù địch”, và sẵn sàng chuẩn bị vào hai cái còng – tức luật 88 – đưa vào tù. Cho nên họ không cần gì hết, họ nói là lãnh đạo theo yêu cầu toàn dân trong khi toàn dân nào ai biết cái gì đâu. Còn nếu họ hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời là “không”, nhưng họ có hỏi tôi đâu. Tôi hiện 85 tuổi rồi nên họ chẳng bắt tôi làm gì, nhưng mấy anh còn trẻ mà nói thẳng là không đồng ý đảng lãnh đạo thì vào tù.


Hiện nay ở đất nước này người ta có cần gì đâu. Họ đánh ông tùy viên chính trị Toà Đại sứ Mỹ, mà vẫn nói là một người nước ngoài, tự xưng là ngoại giao, ăn nói tục tĩu, làm mất trật tự…Tức họ nói trắng thành đen, ban ngày thành ban đêm. Cái gì mà họ không nói được. Họ làm tất. Hơn 700 tờ báo và sáu mươi mấy đài trong nước nói là toàn dân VN chúng tôi đang phấn khởi, vui mừng lắm nên giết gà ăn mừng vì đảng ta đang họp, chứ có ai vào từng nhà để biết cảnh túng đói của người dân đâu.”


Ngay trước ngày khai mặc Đại hội Đảng lần thứ 11 này, GS Trần Khuê từ Sài Gòn nhận xét rằng tiến trình ấy không mang lại hy vọng gì mới, triển vọng gì cho đất nước, dân tộc VN, nhất là vào lúc phương Bắc ngày càng lấn lướt, đe doạ thậm chí đến sự tồn vọng của quê hương:

“Làm gì còn có mong mỏi nữa. Người ta mong mãi – mong mấy chục năm rồi. Thực ra thì nhân dân cũng chẳng bao giờ quên rằng đảng CSVN đã có một thời kỳ cống hiến rất tốt, nhưng bây giờ càng ngày càng tồi tệ thì ai mà chịu được, chấp nhận được.


Cho nên diễn biến Đại hội này chẳng có hy vọng gì cả. Nhưng cũng không đến nỗi phải tuyệt vọng. Vì tất cả những gì lạc hậu, làm sai thì cuối cùng nó cũng phải kết thúc thôi. Có điều là những người có thiện ý muốn vấn đề được kết thúc êm đẹp, chứ không phải kết thúc một cách mạnh mẽ, tàn bạo. Nhưng xem chừng như người dân kêu gọi đối thoại thì các đồng chí không thích đối thoại mà chỉ thích đối thụi thôi. Mà đối thụi với nhân dân thì các đồng chí sẽ thua chớ thắng làm sao được?”


Blogger Tô Hải cũng không che giấu được nỗi thất vọng. Vì sao? Ông giải thích:

“Tôi không có hy vọng gì hết. Tôi xin nói rằng tôi hoàn toàn thất vọng. Lần này có một số ông là CS thật, có tầm cỡ, nguyên là ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Ban bí thư, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội và những nhà lý luận cộng sản…đã lên tiếng, yêu cầu bỏ hẳn cái tên Đảng, bỏ hẳn cả cái tên đất nước. Nhưng mấy hôm nay, tất cả mấy ông này bị công kích, bị đe doạ rồi. Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vừa mới đề nghị phải có trưng cầu dân ý nọ kia đã bị họ cho là phản động. Thậm chí có đơn kiện ông Nguyễn Văn An rồi. Họ vận động nói rằng đó là tư tưởng, ý đồ xấu, muốn lật đổ chính quyền.


Những cựu viên chức cao cấp như vậy mà họ coi chẳng ra gì, huống hồ gì tôi. Nhưng nguyện vọng của tôi là làm sao cho dân mình có được một tí tự do, có thể nào đó sống một cách dễ thở hơn, trí thức được coi trọng hơn. Nhưng hiện họ coi trí thức tâm huyết với đất nước chỉ làm rối bời công việc của họ thôi, như bắt họ bỏ kế hoạch bauxite. Trí thức tư sản các anh là những người phức tạp, cho nên trí-phú-địa-hào trước sau đều bị “đào tận gốc tróc tận rễ”. Họ đã có trí thức của họ, có mấy chục ngàn tiến sĩ do họ đào tạo. Tôi chán lắm rồi.”

Sẽ không khác dự thảo


Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN hôm thứ Hai đăng bài của Luật sư Lê Quốc Quân tựa đề “ Để Lạc Quan Đừng Nhìn Dự Thảo Đại Hội Đảng”, qua đó tác giả cũng không thấy lạc quan về tiến trình mà giới lãnh đạo VN cho là trọng đại này:

“Màn diễn Đại hội 11 sẽ đến lúc khép lại và chắc đường lối sẽ không khác nhiều so với dự thảo. Trước mắt có vẻ bi quan nhưng về dài hạn chính sách càng lạc hậu thì càng mâu thuẫn với thực tiễn, và bức xúc xã hội càng dâng cao và tác động thúc đẩy thay đổi mạnh sẽ càng dễ xảy đến… Hôm nay họ ràng buộc nhau và chỉ vì “quyền và lợi” và khả năng tự thay đổi là rất khó. Quả thật, họ vẫn tiếp tục sống không chính danh và tự lừa dối mình, vẫn hô hào “kiên định” đi lên XHCN mà thực tế chưa định hình được XHCN là gì, hình thù ra sao và khi nào thì đạt được.


Đảng đã từng chui vào cái rọ Xã hội chủ nghĩa và thấy sắp chết ngạt nên quyết định “đổi mới” chui ra, càng “chui ra” càng khen mình tài giỏi.


Nhưng dù sử dụng ngôn ngữ “thành thần” và đánh tráo khái niệm điêu luyện đến mấy cũng khó làm cho dân chúng bây giờ tin vào cái “đuôi XHCN”.


Đảng Cộng sản bây giờ không đủ dũng cảm để thừa nhận mình sai lầm và từ bỏ toàn bộ quyền lực, trả lại cho nhân dân quyền tự quyết. Bằng chứng là vẫn cấm tự do báo chí, cấm cho lập đảng tự do bầu cử.

Các Nghị quyết thì càng ngày càng tụt hậu về tư tưởng so với trước kia.

Đặc biệt nhiều người CS cấp cao cũng biết lý thuyết sai nhưng chỉ dám mạnh miệng khi về hưu.”Theo cái nhìn của Blogger Tô Hải thì thực trạng xã hội đầy dẫy tiêu cực, bất công ngày nay, các ông lãnh đạo hẳn thấy nhưng không dám trực diện với sự thật, nhất là vì “tay đã nhúng chàm rồi”, theo Blogger Tô Hải:

“Các ông lãnh đạo bây giờ không phải là không biết, nhưng vì lý do gì các ông không dám nói ra sự thật. Trong các ông không có một Kruschev, một Gorbachev, một Yelsin VN. Tại vì các ông sợ chết, sợ bị bắt. Thậm chí các ông vì tay trót nhúng chàm nhiều quá rồi nên không thể rút lui được nữa. Tôi xin nói là ở nước VN hiện giờ, chỉ cần một điều là bỏ Điều 4 Hiến pháp thôi mà không ai có thể làm được, ngoại trừ chính các ông lãnh đạo ấy.”


Qua bài tựa đề “Đại hội XI đảng CSVN: Vẫn loay hoay vác cây tre đi ngang”, Blogger Kami hình dung việc Đảng CSVN kiên quyết tiếp tục đi theo con đường XHCN là một hành động phản quy luật và phi thực tế, chẳng khác nào như thằng Bờm vác cây tre đi ngang, thay vì ai ai khi vác cây tre cũng phải vác dọc để tránh khỏi bị vướng víu.

Và Blogger Kami kết luận:

“Chúng ta có thể khẳng định việc cố tình bám víu vào cái chủ nghĩa Marx-Lênin là một sự hoàn toàn sai trái phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội... Đáng tiếc vì do ham muốn có đặc quyền về các lợi ích vật chất khác và đặc biệt là quyền lực của một số nhỏ trong đảng Cộng sản Việt nam, họ đã cố tình theo đuổi một chủ thuyết phản động, phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Nguy hiểm hơn là họ thừa biết những cái đó là sai trái, là sự cản trở cho sự phát triển của đất nước và dân tộc nhưng vì quyền lợi cá nhân của nhóm họ, (nên) họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để duy trì quyền lực.”


Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi chương trình hôm nay. Và xin hẹn gặp lại tất cả quý vị vào tuần tới.
Thanh Quang, phóng viên RFA

01-11-2011
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn